Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Carlo Acutis là ai? Giải thích của CNA

Carlo Acutis là ai? Giải thích của CNA


Denver Newsroom, 10 tháng Mười, 2020 / 10:10 am MT (CNA). - Carlo Acutis, một thiếu niên Công giáo người Ý qua đời năm 2006, sẽ được tuyên phong chân phước ngày 10 tháng Mười tại Assisi.

Acutis, một game thủ và một lập trình viên máy tính yêu bóng đá và Thánh Thể, đã trở thành chủ đề được quan tâm trên khắp thế giới. Vậy Carlo Acutis là ai? Đây là những gì bạn cần biết:


Carlo Acutis là ai?

Carlo Acutis sinh ngày 3 tháng Năm, năm 1991 tại London, nơi cha mẹ của cậu làm việc. Chỉ vài tháng sau, cha mẹ của cậu, ông Andrea Acutis và bà Antonia Salzano, chuyển đến Milan.

Khi đến tuổi thiếu niên, Carlo được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cậu đã dâng những đau khổ của mình để cầu nguyện cho Đức Benedict XVI và cho Giáo hội, nói rằng “Con xin dâng tất cả những đau khổ mà con sẽ phải chịu lên cho Chúa, cho Đức Giáo hoàng và Giáo hội.”

Cậu qua đời ngày 12 tháng Mười năm 2006, và được chôn cất tại Assisi theo yêu cầu của cậu, vì tình yêu mến của cậu đối với Thánh Phanxico Assisi.

Án phong thánh của cậu bắt đầu năm 2013. Cậu được nâng lên “Bậc Đáng kính” năm 2018, và sẽ được tuyên phong “Chân phước” vào ngày 10 tháng Mười.


Như vậy, cậu rất thánh thiện?

Từ khi còn nhỏ, Carlo thể hiện một tình yêu mến đặc biệt với Chúa, mặc dù cha mẹ của cậu không sùng đạo cho lắm. Mẹ cậu nói rằng trước khi có Carlo, bà chỉ đi lễ dịp Rước lễ lần đầu, Thêm sức và đám cưới của mình.

Nhưng khi còn nhỏ, Carlo thích đọc kinh Mân Côi. Sau khi Rước lễ lần đầu, cậu thường xuyên đi lễ, và làm Giờ Chầu trước hoặc sau Thánh lễ. Cậu đi xưng tội hàng tuần.

Cậu yêu cầu cha mẹ đưa cậu đi hành hương — đến những nơi của các vị thánh, và những địa điểm của các phép lạ Thánh Thể.

Đã có kết quả cho lòng sùng mộ của cậu ngay trong cuộc đời cậu. Chứng tá đức tin của cậu đã dẫn đến sự hối cải sâu sắc nơi mẹ của cậu, vì theo như lời của vị linh mục chịu trách nhiệm về án phong thánh của cậu, cậu “đã cố gắng lôi kéo người thân, cha mẹ mình đi dự Lễ mỗi ngày. Chuyện không diễn ra theo lẽ thông thường; không phải cha mẹ của cậu đưa cậu bé đi tham dự Thánh Lễ, nhưng chính cậu bé đã tìm cách để tự mình đến tham dự Thánh lễ và thuyết phục người khác rước lễ hàng ngày.”

Cậu nổi tiếng với việc bảo vệ những trẻ bị bắt nạt ở trường, đặc biệt là những trẻ khuyết tật. Khi cha mẹ của một người bạn ly hôn, Carlo đã hết sức cố gắng để đưa bạn mình vào cuộc sống gia đình Acutis.


Trên trang web, cậu nói với mọi người rằng “chúng ta càng rước Thánh Thể thường xuyên, chúng ta sẽ càng trở nên giống Chúa Giêsu, để chúng ta sẽ có một sự nếm trải trước về thiên đàng trên trần gian này.”

Khi Carlo bị bệnh, đời sống đức tin của cậu càng tăng lên. Cậu chủ ý dâng hiến những đau khổ của mình cho Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho những người đang đau khổ vì bệnh tật.


Và cậu có phải là một game thủ?

Đây là những gì chúng tôi biết: Carlo thích chơi trò chơi điện tử. Bàn điều khiển mà cậu lựa chọn là Playstation, hoặc có thể là PS2, được phát hành vào năm 2000, khi Carlo mới 9 tuổi. Chúng tôi biết cậu chỉ cho phép mình chơi game một giờ mỗi tuần, như một sự đền tội và kỷ luật tinh thần, nhưng cậu muốn chơi nhiều hơn thế.

Đây là những điều chúng tôi chưa biết: cậu thích chơi những trò chơi nào. Tony Hawk Pro Skater 2? Gran Turismo 3? Chúng tôi khá tò mò, và nếu CNA tìm ra, chúng tôi sẽ tường thuật.

Cậu cũng là một lập trình viên, và như chúng tôi đã đề cập, cậu đã xây dựng một website liệt kê và quảng bá các phép lạ Thánh Thể.

Carlo dường như cũng thích thể thao và những hoạt động ngoài trời. Nhưng, có nhiều vị thánh thích bóng đá. Có bao nhiêu vị thích chơi Kingdom Hearts? (hoặc bất kỳ trò chơi nào cậu thích chơi.)


Và có phải thân xác cậu không bị hư nát?

Ban đầu, có báo cáo cho biết thi thể của Carlo Acutis được tìm thấy không bị hư nát.

Một phát ngôn viên của án phong chân phước cho Acutis nói với CNA rằng toàn bộ thi thể còn nguyên vẹn khi được khai quật, nhưng không phải là “không bị hư nát.”

Đức Tổng Giám mục Domenico Sorrentino của Assisi nói trong thánh lễ mở cửa mộ hôm 1/10, “Hôm nay chúng ta… gặp lại chân phước trong thân xác phải chết. Một thân xác đã trôi qua, trong những năm được chôn cất ở Assisi, qua quá trình phân hủy thông thường, là di sản của thân phận con người sau khi tội lỗi đã loại bỏ nó khỏi Chúa là nguồn mạch của sự sống. Nhưng thân xác phải chết này sẽ được phục sinh.”

Tuy nhiên, chân phước sẽ nằm nghỉ yên trong một ngôi mộ bằng kính, để người hành hương có thể đến tôn kính chân phước cho đến ngày 17 tháng Mười. Chân phước được mặc bộ đồ jeans và đi đôi giày Nikes, trang phục bình thường mà chân phước ưa thích khi còn sống.

Và trái tim của chân phước, hiện nay được xem là một thánh tích, sẽ được đặt trong một hòm thánh tích tại Vương cung thánh đường Thánh Phanxico ở Assisi. Mẹ chân phước nói rằng gia đình muốn hiến tạng khi chân phước qua đời nhưng không thể thực hiện được vì căn bệnh ung thư máu.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2020]


Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 14 tháng Mười

Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 14 tháng Mười

© Vatican Media

Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 14 tháng Mười

Được tổ chức trong Khán phòng Phaolô VI

14 tháng Mười, 2020 14:57

ZENIT STAFF

 

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp kiến chung ngày 14 tháng Mười được tổ chức trong Khán phòng Phaolô VI. Văn bản (ND: tiếng Anh) của Vatican.

******


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi đọc Kinh thánh, chúng ta liên tục bắt gặp những lời cầu nguyện thuộc nhiều loại khác nhau. Nhưng chúng ta cũng tìm thấy một cuốn sách được viết chỉ gồm những lời cầu nguyện, một cuốn sách đã trở thành quê hương, nơi thực hành và là nhà của không biết bao nhiêu người nam và nữ cầu nguyện. Đó là Sách Thánh Vịnh. Có 150 Thánh Vịnh để cầu nguyện.

Nó cấu tạo nên một phần của sách khôn ngoan vì nó truyền đạt “cách cầu nguyện” thông qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong các Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy tất cả mọi tình cảm của con người: niềm vui, nỗi buồn, những hoài nghi, những hy vọng, sự cay đắng phủ màu lên cuộc sống của chúng ta. Sách Giáo lý khẳng định rằng mỗi Thánh Vịnh “có tính đơn giản trực tiếp đến mức con người thuộc mọi thời đại và điều kiện đều có thể cầu nguyện trong sự thật” (CCC, 2588). Khi đọc đi đọc lại các Thánh Vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Quả thật, với Thần Khí của Người, Thiên Chúa là Cha đã soi dẫn chúng trong lòng Vua Đavít và những người cầu nguyện khác, để dạy cho mọi người nam và nữ cách ngợi khen Người, cách cảm tạ và van xin Người; và cách để khẩn xin Người trong niềm vui và trong đau khổ, và cách để tường thuật những kỳ công của các công việc của Người và Luật pháp của Người. Tóm lại, Thánh Vịnh là lời của Thiên Chúa mà con người chúng ta dùng để thưa chuyện với Ngài.

Trong sách này, chúng ta không gặp những con người vô hình, những con người trừu tượng, những người nhầm lẫn giữa cầu nguyện với một trải nghiệm mang tính nghệ thuật và xa cách. Thánh Vịnh không phải là văn bản được tạo ra trên giấy; chúng là những lời khẩn cầu, thường mang đầy cảm xúc, bộc phát từ cuộc sống đã trải qua. Cầu nguyện bằng những lời Thánh Vịnh đã đủ để chúng ta trở về chính con người của mình. Chúng ta đừng quên rằng để cầu nguyện tốt, chúng ta phải cầu nguyện bằng chính con người chúng ta, không tô điểm. Chúng ta ta không được tô điểm tâm hồn để cầu nguyện. “Lạy Chúa, con là người như thế này”, và tiến đến trước mặt Chúa bằng con người thật của mình, với những điều tốt và cả những điều xấu mà không ai biết, nhưng trong thâm tâm chúng ta biết. Trong các Thánh Vịnh, chúng ta nghe thấy tiếng của những người nam và nữ cầu nguyện bằng xương bằng thịt, mà cuộc sống của họ đầy rẫy những khó khăn, gian khổ và bất trắc, giống như tất cả chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh không hoàn toàn chống lại sự đau khổ này: ông biết rằng đó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, trong Thánh Vịnh, sự đau khổ được chuyển thành một câu hỏi. Từ đau khổ đến đặt câu hỏi.

Và trong số nhiều câu hỏi, có một câu vẫn bị treo lơ lửng, giống như một tiếng kêu không ngừng chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách. Một câu hỏi mà chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa? Cho đến bao giờ?” Mọi đau khổ đều kêu gọi sự giải thoát, mọi giọt nước mắt đều kêu gọi sự ủi an, mọi vết thương chờ được chữa lành, mọi sự phỉ báng [một lời xá tội]. “Lạy Chúa, con phải chịu đựng điều này cho đến bao giờ? Lạy Chúa, xin hãy nghe con!” Đã bao nhiêu lần chúng ta cầu nguyện như vậy, với câu “Cho đến bao giờ?”, giờ là đủ rồi, Chúa ơi!

Bằng cách liên tục đặt những câu hỏi như vậy, Thánh Vịnh dạy chúng ta không trở nên quen thuộc với sự đau đớn, và nhắc nhở chúng ta rằng sự sống sẽ không được giải thoát nếu nó không được chữa lành. Sự sống của mỗi con người chỉ là một hơi thở, câu chuyện của họ rồi cũng trôi qua, nhưng những con người cầu nguyện biết rằng họ là rất quý giá trong mắt Thiên Chúa, và vì vậy thật có lý khi cất tiếng kêu lên. Và điều này là quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta làm như vậy vì chúng ta biết chúng ta quý giá trong mắt Thiên Chúa. Chính ân sủng của Chúa Thánh Thần, từ bên trong, khơi dậy trong chúng ta ý thức này: là quý giá trong mắt Thiên Chúa. Và đây là lý do tại sao chúng ta được thôi thúc cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh là bằng chứng cho tiếng kêu này: một tiếng kêu về nhiều mặt, vì trong cuộc sống nỗi đau mang muôn ngàn hình dạng, và có tên gọi là bệnh tật, hận thù, chiến tranh, bắt bớ, ngờ vực… Cho đến “chấn động” ở mức đỉnh điểm, tức cái chết. Cái chết xuất hiện trong Thánh Vịnh như kẻ thù phi lý nhất của con người: sự ác nào đáng bị trừng phạt tàn nhẫn như vậy, nó sự tiêu diệt và kết liễu? Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh xin Chúa can thiệp vào những nơi mà mọi nỗ lực của con người đều là vô ích. Đó là lý do tại sao cầu nguyện, tự bản chất và trong nó, là con đường cứu rỗi và là khởi đầu của sự ơn cứu độ.

Mọi người đều chịu đau khổ trong thế giới này: cho dù họ tin vào Chúa hay từ chối Ngài. Nhưng trong Thánh Vịnh, nỗi đau trở thành một sự tương quan, một sự hòa hợp: một tiếng kêu cứu chờ đợi [...] một đôi tai đang lắng nghe. Nó không thể vẫn là vô nghĩa, không có mục đích. Ngay cả những nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu cũng không thể đơn thuần là những trường hợp đặc trưng của một quy luật chung: chúng luôn là những giọt nước mắt “của tôi”. Hãy nghĩ về điều này: nước mắt không phải là chung như nhau, đó là nước mắt “của tôi”. Mỗi người đều có nước mắt của riêng mình. Nước mắt “của tôi” và nỗi đau “của tôi” thúc đẩy tôi tiến đến cầu nguyện. Đó là những giọt nước mắt của “tôi”, mà chưa người nào từng nhỏ xuống trước tôi. Vâng, họ đã khóc, rất nhiều. Nhưng nước mắt “của tôi” là của tôi, nỗi đau “của tôi” là của riêng tôi, nỗi đau của “của tôi” là của riêng tôi.

Trước khi vào Khán phòng, cha đã gặp cha mẹ của vị linh mục của giáo phận Como, đã bị sát hại: vị linh mục bị sát hại ngay khi phục vụ người khác. Nước mắt của người cha mẹ đó là nước mắt của riêng họ, và mỗi giọt lệ đó biết được người cha hoặc người mẹ đã đau khổ như thế nào khi nhìn thấy người con đã hy sinh mạng sống để phục vụ người nghèo. Khi chúng ta muốn an ủi ai đó, chúng ta không thể tìm được từ ngữ. Tại sao? Bởi vì chúng ta không trải qua nỗi đau của người cha hoặc người mẹ đó, vì nỗi buồn của người mẹ đó là của riêng bà ấy, nước mắt của người cha đó là của chính ông. Điều này cũng đúng đối với chúng ta: những giọt nước mắt, nỗi buồn, những giọt nước mắt là của tôi, và với những giọt nước mắt này, với nỗi buồn này, tôi hướng lên Chúa.

Tất cả những đau đớn của con người dâng lên Chúa đều được thánh hóa. Vì vậy, hãy cầu nguyện bằng lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh 56: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (câu 9). Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ hay những con số. Chúng ta là những khuôn mặt và trái tim, được biết đến từng người một, từng cái tên.

Trong các Thánh Vịnh, người tín hữu tìm thấy câu trả lời. Người ấy biết rằng ngay cả khi tất cả các cánh cửa của con người đã bị cấm, thì cánh cửa của Thiên Chúa vẫn rộng mở. Ngay cả khi toàn thế giới đã ra phán quyết kết án, thì vẫn có sự cứu rỗi nơi Thiên Chúa.

“Chúa lắng nghe”: đôi khi trong cầu nguyện chỉ cần biết như vậy cũng đủ. Các vấn đề không phải luôn luôn được giải quyết. Những người cầu nguyện không bị lừa dối: họ biết rằng nhiều câu hỏi của cuộc sống nơi đây vẫn chưa được giải đáp, không có lối thoát; đau khổ sẽ đi cùng chúng ta, và sau cuộc chiến đấu, thì những cuộc chiến khác lại chờ đợi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, mọi thứ trở nên dễ chịu hơn.

Điều xấu nhất có thể xảy đến là phải gánh chịu đau khổ trong tình trạng bị bỏ rơi, không được nhớ đến. Từ lời cầu nguyện này sẽ cứu chúng ta. Vì vấn đề có thể xảy ra, và thậm chí là thường xuyên, là chúng ta không hiểu được các chương trình của Thiên Chúa. Nhưng những tiếng kêu của chúng ta không dừng lại ở đây: chúng sẽ vươn lên tới Người, là Đấng có trái tim của một người Cha, và chính Người khóc cho từng đứa con trai và con gái chịu đau khổ và chết. Cha kể cho anh chị em điều này: trong những lúc khó khăn, với cha thật tốt biết bao khi nghĩ về Chúa Giêsu khóc; Ngài khóc khi nhìn Giêrusalem, Ngài khóc trước mộ của Ladarô. Chúa đã khóc cho tôi, Chúa khóc, Ngài khóc cho những nỗi đau buồn của chúng ta. Bởi vì Chúa đã muốn chính Ngài trở thành người phàm để có thể khóc – như một tác giả thiêng liêng từng nói. Nghĩ rằng Chúa Giêsu khóc với tôi trong nỗi đau buồn là một niềm an ủi: điều đó giúp chúng ta vượt qua. Nếu chúng ta duy trì mối tương quan của chúng ta với Ngài, cuộc sống không làm chúng ta đau khổ, nhưng chúng ta mở lòng ra với một chân trời tốt lành rộng lớn và hướng tới sự kiện toàn của nó. Hãy can đảm, kiên trì cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.

___________________________________


Lời chào

Cha chào mừng tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh và những vị khách thăm viếng cùng tham dự buổi Tiếp Kiến chung hôm nay với chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/10/2020]