Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Thăm riêng thiếu nhi của Viện Chân Phước László Batthyány-Strattmann, gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary, và Thăm Cộng đồng Công giáo Hy Lạp, 29.04.2023

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Thăm riêng thiếu nhi của Viện Chân Phước László Batthyány-Strattmann, gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary, và Thăm Cộng đồng Công giáo Hy Lạp, 29.04.2023

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Thăm thiếu nhi của Viện Chân Phước László Batthyány-Strattmann, gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary, và Thăm Cộng đồng Công giáo Hy Lạp, 29.04.2023

*******

Chuyến thăm riêng thiếu nhi của Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann

Gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary

Thăm cộng đoàn Công giáo Hy Lạp tại Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa che chở

________________________________________________________________

Chuyến thăm riêng thiếu nhi của Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann

Lúc 8:30 sáng nay, sau khi dâng Lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Tòa Khâm Sứ Budapest và di chuyển bằng xe hơi đến Viện Chân Phước László Batthyány-Strattmann.

Khi đến nơi lúc 8:36 phút, Đức Thánh Cha đã được ông Gyögy Inotay, Giám đốc viện, chào đón tại lối vào chính, và khi tiến đến nhà ăn, ông đã chỉ cho Đức Thánh Cha một số phòng trong viện.

Sau đó, ông Giám đốc có đôi lời chào mừng ngắn gọn dâng lên Đức Thánh Cha, tiếp theo là hát bài Ave Maria, phần trình diễn một bản nhạc dành cho sáo của một thiếu nhi nữ, hát Thánh ca Đức ái và thánh ca tạ ơn.

Sau phần tặng quà, đọc kinh Lạy Cha và phép lành cuối, trước khi rời Viện, ông Giám đốc tháp tùng Đức Thánh Cha đến Sảnh Hall of Labours, ở tầng trệt, nơi ngài gặp gỡ và có đôi lời thăm hỏi ngắn với các nhân viên của Viện.

Kết thúc chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Nhà thờ Thánh Elizabeth Hungary để gặp gỡ người nghèo và người tị nạn.

Trên đường đi, khi rời viện, Đức Thánh Cha dừng lại để chào một nhóm khoảng một trăm thiếu nhi và thanh thiếu niên của một giáo xứ lân cận cung hiến cho Thánh Laszlo, các em đã chờ đón ngài dọc đường với những lời cầu nguyện và thánh ca. Một số cư dân trong khu vực cũng có mặt cùng với các em.

Sau đây là lời chào ứng khẩu của Đức Thánh Cha gửi đến những người có mặt trong chuyến viếng thăm:

________________________________________________________________

Lời chào ứng khẩu của Đức Thánh Cha

Cha cảm ơn tất cả các con vì sự chào đón và sự chỉn chu của các con. Cảm ơn các con vì những bài thánh ca, những cử chỉ, ánh mắt của các con. Xin cảm ơn ông Giám đốc vì đã muốn bắt đầu hoạt động này với lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô, đó là một chương trình cho đời sống. Bởi vì Thánh nhân luôn xin ơn để ở nơi đâu không có gì thì tôi có thể làm được điều gì đó, khi thiếu thứ gì thì tôi có thể làm được điều gì đó. Trong một cuộc hành trình từ thực tế, như bản chất nó vốn có, hãy đưa hành trình tiến về phía trước, làm cho thực tế đó tiến lên. Và đây là Tin Mừng tinh tuyền. Chúa Giêsu đến để đón nhận thực tại như bản chất vốn có của nó và để đưa nó tiến tới. Sẽ là dễ dàng hơn nếu lấy những ý tưởng, các hệ tư tưởng và tiếp tục với chúng mà không màng đến thực tế. Đây là con đường của Tin Mừng, đó là con đường của Chúa Giêsu. Và đây là điều mà ông Giám đốc muốn bày tỏ bằng lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô. Xin cảm ơn. Và cảm ơn tất cả các con!

________________________________________________________________

Gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary

Lúc 9:19 sáng nay, sau khi rời Viện Beato László Batthyány-Strattmann, Đức Thánh Cha Phanxicô đi xe hơi đến Nhà thờ Thánh Elizabeth Hungary, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với người nghèo và người tị nạn.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được ngài chủ tịch Caritas Hungary và linh mục xứ chào đón tại cổng vào Nhà thờ, vị linh mục đem đến thánh giá và nước thánh cho ngài rảy. Sau đó, các vị cùng tiến đến bàn thờ theo lối đi giữa lòng nhà thờ, trong khi ca đoàn hát thánh ca.

Sau những lời chào mừng của Đức cha Antal Spányi của giáo phận Székesfehérvár, Chủ tịch Caritas Hungary, một gia đình Công giáo Hy Lạp, một gia đình tị nạn từ Ukraine và vợ chồng phó tế đã lên phát biểu chứng ngôn. Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đọc diễn từ của ngài.

Theo chính quyền địa phương, khoảng 600 người có mặt bên trong Nhà thờ và khoảng 1000 người ở ngoài quảng trường liền kề.

Cuối cùng, sau khi đọc kinh Lạy Cha, phép lành và thánh ca kết thúc do một nhóm Roma trình bày, Đức Thánh Cha rời Nhà thờ Thánh Elizabeth Hungary và đến Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa Chở che của Công giáo Hy Lạp của Budapest để thăm cộng đồng Công giáo-Hy Lạp.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt trong cuộc gặp gỡ:

________________________________________________________________

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cha rất vui khi được ở đây với anh chị em. Xin cảm ơn Đức Giám mục Antal vì những lời chào mừng và đã mô tả sự phục vụ quảng đại mà Giáo hội Hungary thực hiện cho và với người nghèo. Những người túng thiếu – chúng ta đừng bao giờ quên – là tâm điểm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đến giữa chúng ta “để đem tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). Do đó, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách đố lớn: chúng ta phải từ bỏ việc để cho đức tin mà chúng ta tuyên xưng bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một lòng đạo đức dẫn đến loại “chủ nghĩa vị kỷ thiêng liêng”, một linh đạo do chính tôi sáng tạo ra để giữ gìn sự yên tĩnh và tự mãn bên trong của bản thân tôi. Đức tin đích thực là sự thách đố, chấp nhận rủi ro, nó dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá cuộc sống của chúng ta, nói bằng ngôn ngữ của đức ái. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, có nhiều khôn ngoan và của cải, nhưng nếu thiếu bác ái, chúng ta chẳng có gì và chẳng là gì cả (x. 1 Cr 13:1-13).

Ngôn ngữ của đức ái. Đây là ngôn ngữ được nói bởi Thánh Elizabeth, là vị Thánh mà người dân Hungary rất sùng kính và yêu mến. Khi đến đây sáng nay, cha đã nhìn thấy tượng của Thánh nhân ở quảng trường, với phần đế tượng cho thấy Thánh nhân đang nhận dây của Dòng Phanxicô và cho người đàn ông nghèo uống nước để làm dịu cơn khát. Đây là một hình ảnh hùng hồn của đức tin: những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người là nguồn cảm hứng cho Thánh Elizabeth, trở nên quảng đại với người nghèo. Vì “nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Thánh Elizabeth, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự tiện nghi của cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, khi được chạm đến và được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Thánh nữ cảm thấy khó chịu đối với sự giàu có và phù phiếm của thế gian, và tìm cách từ bỏ chúng và quan tâm đến những người túng thiếu. Do đó, thánh nữ không chỉ bán tài sản của mình mà còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người phong cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đó là ngôn ngữ của đức ái.

Chị Brigitta đã nói với chúng ta về điều này, và cha cảm ơn chị vì chứng tá của chị. Chị kể cho chúng ta nghe về nhiều thiếu thốn, những khó khăn và vất vả của chị để cố gắng vượt qua và giữ cho những đứa con của chị không bị đói. Rồi vào thời điểm khốn khó nhất, Chúa đã đến giúp đỡ chị. Chị nói với chúng ta về cách Chúa can thiệp. Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, Đấng “bảo vệ công lý cho kẻ bị áp bức, Đấng ban bánh cho kẻ đói” và “nâng đỡ những kẻ đang lầm than”, hầu như không bao giờ can thiệp bằng cách giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao. Thay vào đó, Ngài đến gần chúng ta với vòng tay yêu thương dịu dàng của Ngài, khơi dậy lòng trắc ẩn nơi các anh chị em của chúng ta, những người chú ý và chọn thái độ không thờ ơ. Như chị Brigitta đã đề cập, chị có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nhờ rất nhiều người đã cố gắng hết sức để giúp đỡ chị, động viên chị, tìm cho chị một việc làm và hỗ trợ chị cả về nhu cầu vật chất lẫn hành trình đức tin. Đó là chứng tá mà chúng ta được yêu cầu thể hiện: thể hiện lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang gặp cảnh túng thiếu, bệnh tật và đau đớn; lòng trắc ẩn, có nghĩa là “cùng chịu đau khổ”. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ đức ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người có thể nghe và hiểu, ngay cả những người ở xa chúng ta nhất, ngay cả những người không có tín ngưỡng.

Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Giáo hội Hungary vì đã phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Anh chị em đã xây dựng một mạng lưới liên kết các nhân viên mục vụ, các thiện nguyện viên, các tổ chức Caritas của giáo xứ và giáo phận, đồng thời gắn kết các nhóm cầu nguyện, các cộng đoàn tín hữu và những tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng hiệp nhất trong sự hiệp lực đại kết sinh ra từ đức ái. Cũng xin cảm ơn anh chị em vì đã chào đón – không chỉ thể hiện lòng quảng đại mà còn với sự nhiệt tình – rất nhiều người tị nạn từ Ukraine. Cha rất xúc động khi lắng nghe lời chứng của anh Oleg và gia đình của anh. “Hành trình đến tương lai” của họ – một tương lai khác, khác xa với những kinh hoàng của chiến tranh – thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì anh Oleg nhớ lại sự chào đón ấm áp mà anh đã nhận được ở Hungary những năm trước, khi anh đến đây làm việc với công việc là một đầu bếp. Ký ức về kinh nghiệm đó đã động viên anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh được tiếp đón với lòng hiếu khách đầy quảng đại. Ký ức về sự yêu thương thắp lại niềm hy vọng và thôi thúc con người bắt đầu một hành trình mới trong đời sống. Ngay cả giữa những đau đớn và khổ sở, khi chúng ta đã nhận được sự an ủi của tình yêu, chúng ta sẽ tìm được lòng can đảm cần thiết để tiếp tục tiến về phía trước: chúng ta tìm thấy sức mạnh để tin rằng tất cả sẽ không mất đi, và một tương lai khác là có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta thực hành có thể giúp nhổ bật gốc rễ xấu xa của tính ích kỷ và tai họa của sự thờ ơ của xã hội ra khỏi các thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta đang sống, và thắp lại niềm hy vọng về một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi tất cả mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Thật đáng buồn, nhiều người, ngay cả ở đây, thực sự là người vô gia cư. Nhiều anh chị em dễ bị tổn thương hơn của chúng ta – sống một mình, vật lộn với nhiều khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, bị tàn phá bởi chất độc của ma túy, ra tù hoặc bị bỏ rơi vì tuổi già – đang phải chịu cảnh nghèo khó trầm trọng về vật chất, văn hóa và tinh thần; họ không có mái che trên đầu và không có nhà để ở. Anh Zoltàn và vợ là chị Anna đã cho chúng ta lời chứng của họ về vấn đề to lớn này – cảm ơn vì những lời của anh chị! Cũng xin cảm ơn anh chị em vì đã đáp lại sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn dắt anh chị em với lòng can đảm và quảng đại để xây dựng một trung tâm tiếp nhận những người vô gia cư. Tôi rất xúc động khi biết rằng, cùng với những nhu cầu vật chất của họ, anh chị em quan tâm đến những câu chuyện cá nhân và phẩm giá bị tổn thương của họ, chăm sóc họ trong sự cô đơn và cuộc đấu tranh của họ để cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Chị Anna nói với chúng ta rằng, “Chúa Giêsu, Lời hằng sống, chữa lành tâm hồn và các mối quan hệ của họ, bởi vì con người được xây dựng lại từ bên trong”; một khi họ nhận ra rằng trong mắt Chúa họ được yêu thương và chúc phúc thì họ được tái sinh. Đây là một bài học cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp bánh để làm no bụng là không đủ; chúng ta cần lấp đầy trái tim của mọi người! Bác ái vượt xa hơn sự trợ giúp vật chất và xã hội. Nó liên quan đến toàn bộ con người; nó cố gắng đưa con người đứng dậy bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp họ phục hồi vẻ đẹp và phẩm giá của họ.

Làm bác ái có nghĩa là can đảm nhìn vào mắt mọi người. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác trong khi ngoảnh mặt đi. Làm bác ái đòi hỏi sự can đảm để chạm vào: chúng ta không thể bố thí từ xa mà không đụng chạm đến. Chạm đến và nhìn. Bằng cách này, bằng cách chạm vào và nhìn, chúng ta bắt đầu hành trình với những người đang gặp khó khăn. Và điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cần cái nhìn và sự đụng chạm của Chúa biết bao.

Thưa anh chị em, cha động viên anh chị em luôn nói ngôn ngữ của đức ái. Bức tượng ở quảng trường này tượng trưng cho phép lạ nổi tiếng nhất của Thánh Elizabeth: chúng ta được kể rằng Chúa đã từng biến những ổ bánh mì mà thánh nữ mang đến cho người nghèo thành rất nhiều hoa hồng. Đây cũng là trường hợp đối với anh chị em: bất cứ khi nào anh chị em cố gắng cung cấp bánh cho người đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa trong anh chị em và làm cho cuộc sống của anh chị em thấm đẫm hương thơm của món quà tình yêu mà anh chị em trao tặng. Thưa anh chị em, cha hy vọng và cầu nguyện rằng anh chị em sẽ luôn lan tỏa hương thơm bác ái trong Giáo hội và trên đất nước của mình. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em.

________________________________________________________________

Thăm cộng đoàn Công giáo Hy Lạp tại Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa che chở

Kết thúc cuộc gặp gỡ với người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth Hungary, Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ cộng đồng Công giáo Hy Lạp tại Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa Chở che.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Cha Fülöp Kocsis, Tổng Giám mục của giáo khu Chính thống Hajdúdorog cho người Công giáo theo nghi thức Byzantine, chào đón tại cổng vào của nhà thờ Công giáo Hy Lạp ở Budapest. Sau đó, hai vị tiến đến trước Iconòstasi, trong khi ca đoàn hát một bài thánh ca.

Tiếp theo sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám mục là phút cầu nguyện với cộng đoàn. Buổi gặp gỡ kết thúc với phép lành và bài thánh ca kết.

Kết thúc chuyến viếng thăm cộng đồng Công giáo Hy Lạp, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Tòa Khâm sứ Budapest. Khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám mục giáo đô Hilarion của Budapest và Hungary. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí thân mật, kéo dài khoảng hai mươi phút.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/5/2023]


Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Nghi thức chào đón chính thức, Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa và Gặp gỡ các nhà chức trách, 28.04.2023

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Nghi thức chào đón chính thức, Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa và Gặp gỡ các nhà chức trách, 28.04.2023

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hungary (28 đến 30 tháng Tư năm 2023) – Nghi thức chào đón chính thức, Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa và Gặp gỡ các nhà chức trách, 28.04.2023

*******

Nghi thức chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Budapest

Lễ chào đón, Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa và Hội đàm với Thủ tướng tại Điện Sándor

Gặp gỡ các Giới chức, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn tại Điện Sándor

_____________________________________________

Nghi thức chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Budapest

Khi đến sân bay quốc tế Ferenc Liszt, Budapest, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đón tiếp bởi Ngài Zsolt Semjén, Phó Thủ tướng Cộng hòa Hungary. Hai thiếu nhi trong trang phục truyền thống dâng lên ngài bánh mì và muối.

Sau đó, sau phần giới thiệu các phái đoàn địa phương, Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng đến Phòng chờ VIP của Sân bay để có một cuộc hội đàm ngắn.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đi xe đến Điện Sándor để dự lễ đón tiếp, thăm ngoại giao Tổng thống Cộng hòa và hội kiến Thủ tướng.

_____________________________________________

Lễ chào đón, Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa và Hội đàm với Thủ tướng tại Điện Sándor

Lúc 15 giờ 15, Đức Thánh Cha đến Điện Sándor, nơi diễn ra Lễ đón tiếp chính thức.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Bà Katalin Novák, Tổng thống nước Cộng hòa Hungary, chào đón tại quảng trường trước Cung điện.

Sau phần giới thiệu các phái đoàn, nghi thức chào cờ, hát thánh ca và duyệt Đội Danh dự, Đức Thánh Cha và Bà Tổng thống đến Sảnh cung điện để chụp ảnh chính thức và ký Sổ Danh dự. Sau đó, họ tiến tới Phòng Xanh, tại đây, sau nghi thức tặng quà, diễn ra cuộc hội đàm riêng và giới thiệu gia đình.

Đồng thời, tại phòng bên cạnh diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Quốc vụ khanh và ngài Thủ tướng Chính phủ, với sự hiện diện của ngài Đại diện Phủ Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, Đức Sứ thần Tòa Thánh, và Cố vấn Sứ thần.

Kết thúc chuyến thăm ngoại giao, Bà Tổng thống tháp tùng Đức Thánh Cha đến Hội trường Maria Theresa, nơi diễn ra cuộc gặp riêng ngắn với ngài Thủ tướng nước Cộng hòa Hungary, Ngài Viktor Orbán và các thành viên gia đình.

Sau đó, Đức Thánh Cha đến Hội trường của Tu viện Cát Minh cũ để gặp gỡ các Nhà chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn.

_____________________________________________

Gặp gỡ các Giới chức, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn tại Điện Sándor

Lúc 12 giờ 50, tại Hội trường của Tu viện Cát Minh cũ tại Cung điện Sándor, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, đại diện của xã hội dân sự và văn hóa và các thành viên của Ngoại giao đoàn.

Sau diễn từ của Bà Katalin Novák, Tổng thống nước Cộng hòa Hungary, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ của ngài.

Kết thúc cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, cùng với Bà Tổng thống và ngài Thủ tướng, Đức Thánh Cha đi đến sân thượng phía sau Tu viện Cát Minh trước đây, từ đó có thể nhìn thấy thành phố Budapest phía dưới.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Tòa Khâm sứ, khi đến nơi, ngài đã được các nhân viên của Cơ quan Đại diện Giáo hoàng chào đón.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn:

_____________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Bà Tổng thống nước Cộng hòa

Thưa ông Thủ tướng,

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa quý vị Giới chức và Đại diện Xã hội Dân sự,

Thưa quý ông quý bà!

Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến tất cả quý vị và tôi xin cảm ơn Bà Tổng thống vì sự chào đón cũng như những lời tốt đẹp và sâu sắc của bà. Đời sống chính trị được sinh ra từ thành phố, polis, và mong muốn thiết thực là cùng chung sống trong sự hiệp nhất, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ tôn trọng. Ít có thành phố giúp chúng ta nhận ra điều này như ở Budapest, vì nó không chỉ là một đô thị tráng lệ và sống động, mà còn là một nơi của những sự kiện lịch sử trọng đại. Đã từng chứng kiến những sự kiện quan trọng trong quá khứ, thành phố được kêu gọi đảm nhận vai trò dẫn đầu trong hiện tại và tương lai. Như một nhà thơ vĩ đại của quý vị đã viết, ở đây “chúng ta được sông Danube dịu dàng ôm lấy, đó là quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta” (A. JÓZSEF, The Danube). Bây giờ tôi muốn chia sẻ với quý vị một vài suy nghĩ, lấy khởi điểm từ chính Budapest: thành phố của lịch sử, thành phố của những cầu nối và thành phố của các vị thánh.

1. Thành phố của lịch sử. Thủ đô này có nguồn gốc xa xưa, bằng chứng từ những di tích của thành phố có từ thời Celtic và La Mã. Tuy nhiên, sự huy hoàng của nó gắn liền với thời kỳ hiện đại, khi thành phố trở thành thủ đô của Đế quốc Áo-Hung trong những thập kỷ hòa bình được gọi là belle époque, kéo dài từ những năm thành lập cho đến khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Được sinh ra trong thời bình, thành phố cũng đã trải qua những cuộc xung đột tàn khốc: không chỉ là những cuộc xâm lược trong quá khứ, mà trong thời gian gần đây hơn, những hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Đức Quốc xã và Cộng sản gây ra. Làm sao chúng ta có thể quên biến cố năm 1956? Và trong Thế chiến thứ hai, hàng chục nghìn cư dân của thành phố đã bị trục xuất, phần còn lại là những người gốc Do Thái bị nhốt trong khu ổ chuột và là đối tượng của những vụ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, những ngày đó cũng được đánh dấu bằng sự anh hùng của nhiều người “chính trực” – chẳng hạn tôi nghĩ đến Đức Sứ thần Angelo Rotta – và sau đó là sự kiên cường và cam kết to lớn được thể hiện trong công việc tái thiết. Kết quả là Budapest ngày nay là một trong những thành phố Châu Âu với dân số gốc Do Thái sinh sống đông đảo nhất, là trung tâm của một quốc gia chân nhận giá trị của tự do, và sau khi đã phải trả giá quá đắt với các chế độ độc tài, đã ý thức được sứ mệnh bảo tồn kho báu dân chủ và ước mơ hòa bình của mình.

Năm nay quý vị long trọng kỷ niệm ngày thành lập Budapest cách đây 150 năm, vào năm 1873, thông qua sự hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện. Sự ra đời của thủ đô vĩ đại này ở trung tâm lục địa mời gọi chúng ta suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hợp Quốc, thể hiện niềm hy vọng cao quý rằng có thể tránh được những xung đột về sau bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia. Thật đáng buồn, điều này đã không diễn ra. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, nhiệt huyết tìm kiếm một đời sống chính trị cộng đồng và củng cố các mối quan hệ đa phương dường như là một ký ức hoài niệm từ một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn đáng tiếc của giấc mơ hòa bình chung đó, khi những kẻ đơn phương gây chiến giờ đây tiếp quản. Càng ngày, sự nhiệt huyết xây dựng một cộng đồng các dân tộc hòa bình và ổn định dường như càng nguội lạnh, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang bùng lên và các phán xét và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác. Ở cấp độ quốc tế, thậm chí có vẻ như đời sống chính trị phục vụ nhiều hơn cho việc khuấy động cảm xúc hơn là để giải quyết các vấn đề, vì sự trưởng thành đạt được sau những kinh hoàng của chiến tranh đã nhường chỗ cho sự thụt lùi của một kiểu hung hăng của tuổi vị thành niên. Hòa bình sẽ không bao giờ đến từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, mà chỉ đến từ các chính sách có khả năng nhìn đến một bức tranh rộng lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến mọi cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không chỉ đơn thuần quan tâm đến quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.

Tại thời điểm lịch sử này, Châu Âu là rất quan trọng, vì lịch sử của nó, nó đại diện cho ký ức của nhân loại; theo nghĩa này, nó được kêu gọi đảm nhận vai trò thích đáng của mình, đó là đoàn kết những quốc gia xa cách, chào đón các dân tộc khác và gạt bỏ việc coi một ai đó là kẻ thù vĩnh viễn. Do đó, điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần Châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, là những chính khách có tầm nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và xây dựng những hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không làm nghiêm trọng thêm những chia rẽ.

Tôi nghĩ đến ngài De Gasperi, người trong một cuộc bàn tròn với ngài Schuman và Adenauer, đã phát biểu: “Chính vì lợi ích của bản thân, chứ không phải là một cách để chống lại những người khác, mà chúng tôi thấy trước một Châu Âu thống nhất… Chúng tôi đang làm việc vì sự thống nhất, không phải vì chia rẽ” (Can thiệp vào Bàn tròn Châu Âu, Rome, 13 tháng Mười năm 1953). Và một lần nữa, về niềm tin của ông Schuman rằng: “Sự đóng góp mà một Châu Âu có cơ cấu và sức sống có thể tạo ra cho nền văn minh là không thể thiếu để duy trì các mối quan hệ hòa bình”, vì – theo cách nói không thể quên của ông – “không thể bảo đảm nền hòa bình thế giới nếu không có những nỗ lực sáng tạo, tương xứng trước những mối nguy hiểm đang đe dọa nó” (Tuyên bố Schuman, ngày 9 tháng 5 năm 1950). Tại thời điểm hiện tại, những mối nguy hiểm đó thực sự rất nhiều; nhưng tôi tự hỏi mình, đặc biệt là khi nghĩ đến Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình ở đâu?

2. Budapest là thành phố của những cầu nối. Nhìn từ trên cao, “hòn ngọc của sông Danube” thể hiện nét độc đáo của nó ở những cây cầu nối liền nhiều phần của thành phố, phù hợp với hình dáng của dòng sông lớn. Sự hài hòa với môi trường thiên nhiên này khiến tôi phải nhấn mạnh đến mối quan tâm đáng khen ngợi đối với hệ sinh thái của quốc gia. Các nhịp cầu nối kết những thực tại đa dạng đó cũng khiến chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của một thể thống nhất không giống như sự đồng nhất. Ở Budapest, điều này được nhìn thấy qua sự đa dạng đặc biệt của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, 27 nước trong Liên minh Châu Âu, được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, nhưng không làm giảm đi tính riêng biệt của mỗi quốc gia. Như một trong những người sáng lập đã tuyên bố: “Châu Âu sẽ tồn tại, nhưng sẽ không có gì trong những điều tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia bị mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển hưng thịnh” (Diễn văn, trích dẫn). Đây là sự hòa hợp mà chúng ta cần: một tổng thể trong đó các phần của nó không bị đồng nhất hóa cách nhạt nhẽo, mà được hòa nhập trọn vẹn với những bản sắc riêng được bảo tồn. Về vấn đề này, Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể nên trọn vẹn khi hòa hợp với những người khác”, và một lần nữa, “Chúng tôi tin rằng văn hóa quốc gia của chúng tôi là một đóng góp phong phú cho tính đa dạng của sự thống nhất Châu Âu”.

Tôi nghĩ về một Châu Âu không trở thành con tin cho các phần của nó, không trở thành con mồi cho các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không đành phải đi theo một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” hay thay đổi, nếu không muốn nói là tẻ nhạt, làm mất đi tầm nhìn về đời sống của các dân tộc. Đây là con đường độc hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” sẽ hủy diệt các sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là thuyết giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tế cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang “quyền phá thai” điên rồ là một sự tiến bộ, vốn luôn là một thất bại thảm hại. Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một Châu Âu lấy con người làm trung tâm và lấy các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hiệu quả cho tỷ lệ sinh đẻ và gia đình như những chính sách được quan tâm theo đuổi ở quốc gia này – có những quốc gia ở Châu Âu có độ tuổi trung bình là 46-48 – , một Châu Âu với các quốc gia khác nhau tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính duy nhất của mỗi thành viên. Cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu dây xích, giúp chúng ta hình dung ra Châu Âu theo cách đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi được kết nối với nhau. Về vấn đề này, đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hungary có thể đóng vai trò là “người xây cầu” bằng cách dựa trên đặc tính đại kết cụ thể của mình. Ở đây, những sự tuyên xưng khác nhau, những người mà tôi đã gặp cách đây một năm rưỡi, chung sống không có sự xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng. Suy nghĩ trìu mến của tôi hướng đến Tu viện Pannonhalma, một trong những tượng đài thiêng liêng vĩ đại của đất nước này, một nơi cầu nguyện và chính nó là nhịp cầu của tình huynh đệ.

3. Điều này đưa tôi đến việc xét đến khía cạnh cuối cùng: Budapest là một thành phố của các vị thánh. Bà Tổng thống đã nói về Thánh Elizabeth. Điều này cũng được gợi ý bởi bức tranh mới được đặt trong hội trường này. Đương nhiên, chúng ta nghĩ đến Thánh Stephen, vị vua đầu tiên của Hungary sống vào thời kỳ khi các Kitô hữu ở Châu Âu hiệp thông trọn vẹn. Bức tượng của ngài, bên trong Lâu đài Buda, bao quát và bảo vệ thành phố, trong khi Vương cung Thánh đường cung hiến cho ngài nằm ở trung tâm thủ đô, cùng với Esztergom, là công trình tôn giáo hùng vĩ nhất của đất nước. Lịch sử Hungary được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài: phu nhân của ngài là Chân phước Gisela và con trai ngài là Thánh Emeric. Người con trai đã đón nhận từ cha mình một số lời răn dạy tạo nên một bản di chúc cho người Magyar. Hôm nay, họ hứa sẽ tặng cho tôi một bản sao đó. Tôi rất mong nhận được nó. Trong đó, chúng ta đọc được những lời khuyên vẫn còn hợp thời: “Cha khuyên con hãy tỏ lòng ưu ái không chỉ với bà con họ hàng, người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của con, mà còn với người ngoại kiều và tất cả những ai đến với con”. Thánh Stephen thể hiện tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương đưa đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy nhẹ nhàng, để con không bao giờ chống lại công lý” (Admonitions, X). Bằng cách này, ngài kết hợp sự thật và sự dịu dàng theo cách không thể tách rời. Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đưa ra với sự cứng nhắc và khép kín, bởi vì sự thật của Đức Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của Các Mối Phúc. Ở đây, chúng ta thấy nguồn cội tính dịu dàng vốn có của người Hungary được phản ánh trong một số cách diễn đạt lời nói hàng ngày, chẳng hạn như “jónak lenni jó” [thật tốt khi trở nên tốt lành] và “jobb adni mint kapni” [cho đi thì tốt hơn là nhận].

Đây là một sự khẳng định không những về giá trị của một bản chất trong sáng, mà còn về sự cần thiết phải cởi mở với người khác. Hiến pháp chân nhận điều này khi tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới”. Nó cũng tuyên bố rằng “các dân tộc sống cùng chúng tôi tạo thành một phần của cộng đồng chính trị Hungary và là các bộ phận cấu thành của Nhà nước”, đồng thời cam kết “thúc đẩy và bảo vệ… ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc sống ở Hungary”. Tinh thần này thực sự mang tính phúc âm, và tương phản với một khuynh hướng nào đó, có những lúc được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí là đức tin, để thu mình vào.

Văn bản của Hiến pháp, bằng một cụm từ rõ ràng và súc tích, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, tiếp tục khẳng định: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo”. Chúng ta được nhắc nhớ về lịch sử lâu đời của sự thánh thiện của Hungary, được chứng minh bởi nhiều nơi thờ phượng trong thủ đô này. Từ vị vua đầu tiên, người đặt nền móng cho đời sống cộng đồng, chúng ta chuyển sang một vị công chúa, người đã nâng những bức tường của tòa nhà đó trở nên vững chắc và thuần khiết hơn. Danh tiếng của Thánh Elizabeth lan rộng khắp thế giới. Người con gái này của đất nước quý vị đã qua đời ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, ngài đã hiến thân để chăm sóc người bệnh trong nhà tế bần mà ngài xây dựng. Ngài là chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.

Thưa các vị Chức trách đáng kính, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vì đã thúc đẩy các công cuộc từ thiện và giáo dục được truyền cảm hứng từ những giá trị này, trong đó cộng đồng Công giáo địa phương tích cực tham gia, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của quý vị dành cho nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh, đặc biệt là ở Syria và Li Băng. Sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội đã chứng minh hiệu quả, luôn tôn trọng sự phân biệt cẩn thận giữa các lĩnh vực riêng của mỗi bên. Điều quan trọng là tất cả các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận những giáo huấn giải thoát của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ trước một loại hình “cộng tác” với một nền chính trị quyền lực. Điều này đòi hỏi một ý thức lành mạnh về “tính giáo dân” không biến chất trở thành “chủ nghĩa giáo dân” lan rộng, vốn dị ứng với bất kỳ khía cạnh nào của tôn giáo, nhưng sẵn sàng hy sinh bản thân trên bàn thờ của lợi nhuận. Những người xưng mình là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng tá và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ thuyết nhân văn được truyền cảm hứng bởi Tin Mừng và đi theo hai con đường căn bản: chân nhận mình là những người con yêu dấu của Chúa Cha, và thương yêu nhau như anh em.

Về vấn đề này, Thánh Stephen đã để lại cho con trai mình những lời phi thường về tình huynh đệ khi nói với cậu rằng những người đến với các ngôn ngữ và phong tục khác nhau sẽ “tô điểm cho đất nước”. Thật vậy, ngài viết, “một đất nước chỉ có một ngôn ngữ và phong tục thì yếu ớt và mong manh; vì lý do này, cha thúc giục con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở lại với con hơn là những nơi khác” (Admonitions, VI). Vấn đề chấp nhận và chào đón là một vấn đề nóng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp. Tuy nhiên, đối với những người Kitô hữu, thái độ căn bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stephen đã khuyên con trai mình, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25:35). Khi chúng ta nghĩ đến Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người trốn chạy trong tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không bào chữa hay trì hoãn. Cần phải cùng nhau đương đầu với nó với tư cách là một cộng đồng, đặc biệt là vì trong tình hình hiện tại, sớm hay muộn thì tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động của nó. Khi đó, là một Châu Âu, điều cấp thiết là phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để ứng phó với một thách thức mang tính thời đại không thể tránh khỏi, và cần được thừa nhận, nhằm chuẩn bị cho một tương lai mà nếu không được chia sẻ sẽ không tồn tại. Thách đố này đặc biệt đòi hỏi sự phản ứng từ phía những người là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân Tin Mừng.

Không thể kể hết tất cả các chứng nhân vĩ đại của đức tin của Pannonia Sacra, nhưng ở đây ít nhất tôi muốn đề cập đến Thánh Ladislas và Thánh Margaret, và nhắc lại một vài nhân vật nổi bật của thế kỷ trước, chẳng hạn như Đức Hồng Y József Mindszenty, Chân phước Vilmos Apor và Chân phước Zoltán Meszlényi, các giám mục và các vị tử đạo, và Chân phước László Battyány-Strattmann. Cùng với rất nhiều người chính trực thuộc các tín ngưỡng khác nhau, họ là những người cha và người mẹ của đất nước quý vị. Tôi mong muốn trao phó tương lai của quốc gia này cho họ, một quốc gia vô vùng thân thương với tôi. Tôi xin cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe những suy tư này mà tôi chia sẻ với quý vị, và tôi bảo đảm với quý vị về sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả người dân Hungary, đặc biệt nghĩ đến những người sống ở nước ngoài và tất cả những người mà tôi đã gặp trong đời tôi và những người đã rất tốt với tôi. Tôi nghĩ đến cộng đồng tu sĩ Hungary mà tôi đã hỗ trợ ở Buenos Aires. “Isten, áldd meg a magyart” [Xin Chúa phù hộ cho người dân Hungary!]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2023]