Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Nhà thờ Các Thánh Michael và Magnus, gần Vatican, sử dụng bốn ghế băng lấy từ Công đồng Vatican II làm chỗ ngồi cho ca đoàn.

 

Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 16 tháng Mười, 2022 / 08:00 am

Những hình ảnh từ Công đồng Vatican II mang tính biểu tượng: gian giữa của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô được chụp từ trên cao; các dãy ghế ngồi bằng gỗ theo kiểu sân vận động với các giám mục trong lễ phục trắng hoặc đỏ tươi.

Công đồng Vatican II đã nhóm họp trong bốn kỳ họp từ năm 1962–1965, quy tụ hơn 2.500 nghị phụ công đồng để thảo luận về Giáo hội và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Các Nghị phụ tham dự Công đồng Đại kết Vatican II (1962-1965). Lothar Wolleh / Wikimedia (CC BY-SA 3.0)


Nhưng khi tất cả kết thúc, điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng cho các giám mục trên thế giới và hàng trăm chuyên gia khác?

Trong số hàng ngàn chiếc ghế được sử dụng trong Công đồng Đại kết, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy 24 ghế trong một nhà thờ cách Vatican vài bước chân.

Những ghế băng dài bằng gỗ với đệm ngồi màu xanh lá cây được sử dụng làm chỗ ngồi cho ca đoàn trong Nhà thờ các Thánh Michael và Magnus, một giáo xứ dễ bị bỏ qua nằm ngay bên ngoài Quảng trường Thánh Phêrô.

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Ghế ngồi của Công đồng Vatican II trong Nhà thờ các Thánh Michael và Magnus gần Vatican. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Nhà thờ bị che khuất tầm nhìn bởi các tòa nhà xung quanh, và chỉ cần leo lên một đoạn các bậc thang là đến lối vào nhà thờ. Ngay cả Google Maps cũng xác định vị trí của nhà thờ cách xa hơn 200 mét về phía đông.

Là một địa điểm thờ phượng của Kitô giáo, Nhà thờ các Thánh Michael và Magnus có niên đại từ thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín.

Người Frisia, một nhóm sắc tộc người Đức từ các vùng duyên hải của Hà Lan và tây bắc nước Đức, đã sử dụng nhà thờ trong khoảng 500 năm trước khi nằm dưới sự kiểm soát của những người khác.

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Các bậc thang dẫn đến Nhà thờ các Thánh Michael và Magnus nằm ngay bên ngoài hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô. Credit: Daniel Ibanez/CNA.


Nhà thờ được khôi phục cho người Frisia vào năm 1989 và trở thành nhà thờ quốc gia của người Công giáo Hà Lan ở Roma.

Đồng thời, nhà thờ cũng đã trở thành nhà nguyện của Liên Phụng hội Bí tích Cực Thánh Vatican, một hiệp hội tín hữu giáo dân vẫn sử dụng nhà thờ để dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho đến ngày nay.

Vậy làm thế nào ngôi nhà thờ khiêm tốn này lại có được 24 ghế ngồi của Công đồng Vatican II làm chỗ ngồi cho ca đoàn ở nửa trước gian giữa của nhà thờ?

Cha Tiemen Brouwer, một linh mục người Hà Lan phục vụ tại nhà thờ, nói với CNA rằng cha nghĩ có lẽ các ghế của công đồng được tặng cho liên phụng hội sau Công đồng Vatican II vì chúng sẽ hữu ích. Cha đoán rằng những ghế còn lại đã bị phá hủy.

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Một bức ảnh nhỏ của Công đồng Vatican II treo trong nhà thờ để xác định nguồn gốc của những chiếc ghế băng. Credit: Daniel Ibanez/CNA.


Nhưng không một ai trong liên phụng hội có thể khẳng định giả định này.

“Chẳng ai biết tại sao chúng có mặt ở đó, chỉ biết là chúng ở đó,” Kees van Duin, một thành viên của liên phụng hội và là phó tế trọn đời của cộng đoàn Công giáo Hà Lan, nói với CNA, sau khi anh hỏi một số thành viên lớn tuổi của hội đoàn.

Tất cả những gì được biết chỉ là một phần lịch sử hiện đại của Giáo hội Công giáo được lưu giữ ở đó cho mọi người đến xem.

Phó tế Brouwer nói: “Tôi luôn nói rằng, bất cứ chỗ nào bạn ngồi [trên những chiếc ghế đó], chắc chắn là bạn đang ngồi trên ghế mà một giám mục, hoặc thậm chí có thể là một hồng y, đã ngồi.”

Điều gì đã xảy ra với những ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Cận cảnh một số ghế trong 24 ghế của Công đồng Vatican II được lưu giữ trong Nhà thờ các Thánh Michael và Magnus ở Roma. Credit: Daniel Ibanez/CNA.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/10/2022]


Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực Thế giới, 14.10.2022

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực Thế giới, 14.10.2022

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực Thế giới, 14.10.2022

*******

Sau đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi ông Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông (FAO), Qu Dongyu, nhân Ngày Lương thực Thế giới 2022:

____________________________________________________


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Kính gửi Ông Qu Dongyu

Tổng Giám đốc FAO

Thưa ông,

Cảm ơn ông đã gửi thư mời tôi tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới 2022, kỷ niệm 77 năm ngày thành lập FAO. Tổ chức này được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người đang phải chịu cảnh nghèo túng và đói kém trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai. Thật đáng buồn, ngày nay chúng ta cũng đang sống trong bối cảnh chiến tranh, mà chúng ta có thể gọi là “chiến tranh thế giới thứ ba”. Thế giới đang có chiến tranh, và điều này cung cấp cho chúng ta vấn đề đáng suy nghĩ.

Năm nay chủ đề của Ngày này là: “Không bỏ ai ở đằng sau, thông qua việc Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Đời sống tốt hơn”. Chắc chắn sẽ không thể giải quyết được nhiều cuộc khủng hoảng đang tác động đến nhân loại nếu chúng ta không làm việc và đồng hành cùng nhau, không bỏ lại ai ở phía sau. Trước hết, điều này đòi hỏi chúng ta phải xem người khác như anh chị em của mình, như những thành viên trong cùng một gia đình nhân loại, là những người mà sự đau khổ và thiếu thốn của họ đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, vì “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (x. 1 Cr 12:26).

“Bốn điều tốt hơn” – sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người – tạo nên chủ đề của năm nay, cho phép tôi đề cập đến tầm quan trọng Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lập kế hoạch và lên chương trình cho những can thiệp để chúng góp phần vào việc xóa bỏ hoàn toàn nạn đói và suy dinh dưỡng, và không chỉ đơn thuần là phản ứng đối với tình trạng thiếu hụt hoặc kêu gọi khẩn cấp. Để đạt được các giải pháp công bằng và lâu dài, sự cấp bách của việc giải quyết vấn đề nghèo đói, vốn liên quan chặt chẽ đối với việc thiếu lương thực, phải được nhắc lại và nhắc ở tất cả các cấp độ.

Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra đầy tham vọng và dường như không thể đạt được. Làm cách nào chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đó? Trước hết, bằng cách không quên rằng trung tâm của tất cả mọi chiến lược đều là con người, với những câu chuyện và khuôn mặt cụ thể, sống ở một nơi cụ thể; họ không phải là những con số, dữ liệu hay số thống kê vô tận. Ngoài ra, bằng cách giới thiệu “phạm trù yêu thương” vào ngôn ngữ hợp tác quốc tế, để khoác lên cho các mối quan hệ quốc tế tính nhân ái và đoàn kết, nhằm theo đuổi lợi ích chung. Do đó, chúng ta có trách nhiệm phải chăm chú nhìn vào điều gì là trọng yếu, vào những gì đã được ban cho chúng ta một cách nhưng không, tập trung công việc của chúng ta vào việc chăm sóc người khác và chăm sóc tạo vật (xem Tông huấn Laudato Si', 216 ff.).

Thưa ông Tổng giám đốc, một lần nữa tôi xin nhắc lại cam kết của Tòa thánh và Giáo hội Công giáo trong việc cùng đồng hành với FAO và các tổ chức liên chính phủ khác hoạt động vì người nghèo, đặt tình huynh đệ, sự hòa hợp và hợp tác với nhau lên hàng đầu, để khám phá những triển vọng sẽ mang lại lợi ích thực sự cho thế giới, không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Tôi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Toàn năng cho ý định này, biết rằng mọi thụ tạo đều nhận được lương thực từ tay của Ngài, và xin Chúa ban phúc dồi dào cho những ai bẻ bánh cho kẻ đói.

Viết từ Vatican, 14 tháng Mười, 2022

PHANXICÔ


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2022]