Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Ortega cấm các cuộc rước kiệu Mùa Chay và Phục sinh ở Nicaragua

Ortega cấm các cuộc rước kiệu Mùa Chay và Phục sinh ở Nicaragua

Jairo CAJINA / Nicaraguan Presidency / AFP

Daniel Esparza

03/03/23


Chế độ độc tài Ortega được cho là đã cấm các cuộc rước kiệu Chặng Đàng Thánh Giá theo truyền thống tại tất cả các giáo xứ trong nước.

Việc bịt miệng những tiếng nói bất đồng ở Nicaragua một lần nữa nhắm trực tiếp vào Giáo hội Công giáo. Trong 5 năm qua, Giáo hội Công giáo ở Nicaragua đã trải qua hơn 190 vụ tấn công và xúc phạm, trong đó có vụ đốt Nhà thờ Chánh tòa Managua, trục xuất Dòng Thừa sai Bác ái, bỏ tù Đức Giám mục Rolando Álvarez, và lưu đày và tước quyền công dân của hơn 222 cựu tù nhân chính trị, trong đó có các linh mục và chủng sinh.

Theo Vatican News, hiện nay chế độ độc tài của Ortega được cho là “đã cấm các cuộc rước Chặng đàng Thánh giá bên ngoài nhà thờ theo truyền thống ở tất cả các giáo xứ trong nước”. Những nghi thức Mùa Chay và Lễ Phục sinh sẽ phải diễn ra bên trong các nhà thờ.

Những căng thẳng giữa chế độ Sandinista và Giáo hội Công giáo ở Nicaragua “đã lên đến đỉnh điểm vào tuần trước, khi trong một bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày anh hùng dân tộc của Nicaragua, Augusto Sandino, bị giết, Tổng thống Ortega đã phát động một cuộc tấn công chưa từng có chống lại Giáo hội” Vatican News giải thích.


Những lời buộc tội của Ortega

Trong bài phát biểu trước quốc dân, ông Ortega đã cáo buộc hàng giáo phẩm Công giáo của Giáo hội ở Nicaragua về “những tội ác nghiêm trọng và kinh hoàng,” và ủng hộ ông Somoza, nhà độc tài trước đây của Nicaragua đã bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng Sandinista, vào năm 1979.

Ông cũng cáo buộc giáo hoàng đã hỗ trợ Mussolini, và nói rằng Vatican là một “tổ chức giống như mafia”.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Ortega tấn công Giáo hội Công giáo ở Nicaragua trong một bài phát biểu trước công chúng.

Tháng Chín năm ngoái, trong một bài phát biểu gay gắt đánh dấu kỷ niệm 43 năm Cảnh sát Quốc gia, Ortega gọi Giáo hội Công giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”: “Ai đã bầu chọn các giám mục, giáo hoàng, hồng y? […] Họ nói về dân chủ với thẩm quyền luân lý nào? […] Mọi thứ [trong giáo hội] đều bị áp đặt. Đó là một chế độ độc tài, một chế độ độc tài hoàn hảo. Đó là một chế độ chuyên chế, một chế độ chuyên chế hoàn hảo.”

Ông ta cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo Công giáo là một “băng đảng giết người”, tuyên bố rằng hàng giáo phẩm của Giáo hội ở Nicaragua đã kêu gọi những người biểu tình giết ông ta trong cuộc biểu tình năm 2018, và khinh bỉ lời kêu gọi đối thoại của Giáo hoàng Phanxicô.


Bịt miệng phe đối lập

Ortega (tự xưng mình là người Công giáo) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021 sau khi loại và tống ngục các ứng cử viên đối lập. Kể từ đó, chế độ của ông ta đàn áp các linh mục và giám mục đứng ra bảo vệ nhân quyền, Giáo hội ở Nicaragua và các thể chế dân chủ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài tin rằng đối thoại có thể thiết lập cơ sở cho việc cùng chung sống. Sau khi đọc kinh cùng với các tín hữu trong giờ Kinh Truyền Tin trưa ngày 21 tháng Tám năm 2022 vừa qua ở Rome, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Với sự lo lắng và đau buồn, tôi đang theo dõi sát sao tình hình ở Nicaragua liên quan đến con người và các tổ chức. Tôi mong muốn bày tỏ niềm tin và hy vọng rằng, thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, cơ sở cho sự chung sống trong tôn trọng và hòa bình vẫn có thể được tìm thấy”.


Đức Thánh Cha ủng hộ giám mục

Chỉ vài tuần trước, vào ngày 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai ủng hộ Đức Giám mục Alvarez.


“Tin tức từ Nicaragua đã làm tôi rất buồn, và tôi không thể không nhớ đến Đức Giám mục Rolando Álvarez của giáo phận Matagalpa, người mà tôi vô cùng quan tâm, đã bị kết án 26 năm tù, và cả những người đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ.

Ngài đọc Kinh Kính mừng cùng với những người hành hương trong Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho dân tộc.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2023]


Đức Thánh Cha nói chuyện với báo chí Bỉ về Ukraine, thượng hội đồng, trách nhiệm xã hội

Đức Thánh Cha nói chuyện với báo chí Bỉ về Ukraine, thượng hội đồng, trách nhiệm xã hội

Đức Thánh Cha nói chuyện với báo chí Bỉ về Ukraine, thượng hội đồng, trách nhiệm xã hội

Andrew Medichini/Associated Press/East News

Cyprien Viet

03/03/23


Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Công giáo Bỉ, Đức Phanxicô nói về Ukraine, sự hiệp hành, sự cần thiết của việc quan tâm đến người khác, và thậm chí cả cái chết của chính ngài.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 13 tháng Ba năm 2023, ngài đã có một cuộc phỏng vấn dài với các tuần báo Bỉ Tertio (tiếng Hà Lan) và Dimanche (tiếng Pháp) vào ngày 19 tháng Mười Hai năm 2022. Cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi cổng thông tin Cathobel chia thành hai phần, một vào ngày 28 tháng Hai và phần còn lại vào ngày 1 tháng Ba.

Trong cuộc phỏng vấn này với nhà báo Emmanuel Van Lierde, Đức Thánh Cha bàn về một số vấn đề hiện nay, bao gồm cuộc chiến tranh ở Ukraine, tiến trình thượng hội đồng, và tầm nhìn của ngài về trách nhiệm xã hội của Giáo hội.


Đối với Đức Phanxicô, chiến tranh là “rất đau đớn”

Khi được hỏi về cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha nói rằng “Vatican đã để tâm đến cuộc xung đột này ngay từ ngày đầu tiên.” Đức Phanxicô đã cử các hồng y đến để bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người dân Ukraine. “Tôi cũng có liên lạc với người Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cử một số phái đoàn đến nói chuyện với tôi,” Đức Thánh Cha giải thích. Ngài không đề cập đến Tổng thống Vladimir Putin, nhưng nói về sự cần thiết phải “tiếp tục nói chuyện với người Nga để làm điều gì đó”.

Bất an trước những hành động tra tấn của quân đội Nga ở Ukraine, đặc biệt là đối với trẻ em, Đức Thánh Cha cũng đặt cuộc xung đột này trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra. Ngài nhắc lại các ví dụ về Myanmar, Syria, Yemen và lên án quyền lực của ngành công nghiệp vũ khí. “Khi một quốc gia giàu có bắt đầu suy yếu, người ta nói rằng quốc gia đó cần một cuộc chiến để duy trì và trở nên hùng mạnh trở lại. Đây là lý do vũ khí được chuẩn bị,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, lo lắng về nguy cơ xung đột lan rộng.

“Người ta nói rằng cuộc Nội chiến Tây Ban Nha được dùng để thử nghiệm các loại vũ khí cho Đệ nhị Thế chiến. Tôi không biết điều đó có đúng không, nhưng vũ khí luôn được thử nghiệm, đúng không? Đó là ngành công nghiệp của sự hủy diệt, ngành công nghiệp của chiến tranh, của một thế giới đang có chiến tranh”, vị Giáo hoàng 86 tuổi than thở khi nhớ lại những chuyến viếng thăm những nghĩa trang quân đội rất xúc động của ngài. “Đối với tôi, điều đó rất đau đớn, rất đau đớn và tôi không thể chọn một bên nào, bản thân chiến tranh là xấu xa rồi.”


Thượng Hội đồng bị cám dỗ “bởi tà thần”

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa tiến trình thượng hội đồng hiện tại theo những bước đi của Công đồng Vatican II, mà ngài coi là “một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với Giáo hội của Người.”

Đức Phanxicô giải thích: “Vào cuối Công đồng, Đức Phaolô VI đau buồn khi thấy Giáo hội phương Tây hầu như đã đánh mất chiều kích hiệp hành, trong khi các Giáo hội Công giáo Đông phương cố gắng bảo tồn nó. Ngài nhắc lại rằng vì lý do đó mà vị tiền nhiệm của ngài đã thành lập Văn phòng thường trực Thượng Hội đồng Giám mục, và đã phát triển hơn 60 năm qua.

Đề cập đến một điểm gây tranh cãi, Đức Thánh Cha gợi ý rằng tại các cuộc họp trong tương lai, việc bỏ phiếu không chỉ dành riêng cho các giám mục. “Đôi khi không rõ liệu phụ nữ có thể bỏ phiếu hay không… Tại thượng hội đồng Amazon lần trước vào tháng Mười năm 2019, những chú ý đã trưởng thành theo hướng đó,” ngài giải thích.

Đức Phanxicô nói: “Hai thượng hội đồng về sự hiệp hành sẽ giúp chúng ta làm rõ ý nghĩa và phương pháp đưa ra quyết định trong Giáo hội”. Ngài nhấn mạnh rằng “xem thượng hội đồng như một nghị viện là một sai lầm.” Ngài nhấn mạnh rằng trên hết đó là một “cộng đoàn các tín hữu”, những người được dành thời gian để nói và cũng là để thinh lặng và cầu nguyện.

Tuy nhiên, ngài biết rằng “cộng đoàn đức tin được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần” này “cũng bị cám dỗ và mê hoặc bởi tà thần”.


Hòa hợp cam kết tinh thần và xã hội

Đức Phanxicô giải thích: “Một nhà thờ không cử hành Thánh Thể không phải là một nhà thờ. Nhưng một nhà thờ ẩn mình trong phòng thánh cũng không phải là nhà thờ”. Ngài nhấn mạnh rằng “việc bẻ bánh” bao hàm “một nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ chăm sóc người khác”.

Đức Thánh Cha nói: “Cam kết xã hội của Giáo hội là một phản ứng, một kết quả của việc thờ phượng. Không nên nhầm lẫn cam kết này với hành động từ thiện, mà một người ngoại đạo cũng có thể thực hiện.”

Nói với giới truyền thông Công giáo ở một quốc gia đã cho phép tự do cái chết êm dịu, vị Giáo hoàng 86 tuổi cũng nhắc nhở về trách nhiệm chăm sóc các thế hệ khác nhau. “Không nên giữ người cao tuổi trong nhà kho hay nhà bảo tàng mà phải tiếp tục cống hiến cho xã hội những gì người đó có trong mình. Có một sứ mạng dành cho người lớn tuổi,” họ phải được cân nhắc cẩn thận, “ngay cả khi người đó không còn sức khỏe tốt hoặc hoàn toàn tỉnh táo.”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến hiệu quả “có tính tiên tri” của cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già.

“Tôi nhớ có một hoạt động mà chúng tôi đề nghị một số bạn trẻ chơi guitar trong viện dưỡng lão. ‘Sì, sì, sẽ chán lắm đây’….’Thôi thì dẫu sao vẫn cứ đi.’ Và sau đó các bạn trẻ không muốn rời bước, họ bắt đầu hát và cuộc đối thoại với những người lớn tuổi bắt đầu,” Đức Giáo hoàng kể lại với vẻ thích thú.

Tuy nhiên, ngài nói “thật đáng buồn khi một số viện dưỡng lão áp dụng đường hướng thương mại quá mức, hậu quả là sự dịu dàng bị mất đi.”

Nói rộng hơn, ngài cho biết ngài ủng hộ sự phát triển của “nền kinh tế thị trường xã hội”, một chủ đề được phát triển bởi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II. Đức Phanxicô trích dẫn ví dụ về một doanh nhân người Bỉ đã phát triển một công ty dệt may ở Argentine bằng cách biến nhân viên của ông thành các cổ đông.


Một vị thánh mới cho các nhà báo?

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng chọn thánh Titus Brandsma (1881-1942) người Hà Lan là đồng bổn mạng của các nhà báo, cùng với Thánh Francis de Sales. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi sẽ liên lạc với Bộ Phong thánh để xem có gì khả thi. Dù thế nào đó cũng sẽ là một niềm vui đối với tôi”.

Ngài khuyến khích các nhà báo tiếp tục “nghề cao quý” là “truyền tải sự thật” mà không đánh mất ý thức phê phán của mình.


Cách Đức Thánh Cha nhìn đến cái chết của chính mình

Cuộc phỏng vấn dài 45 phút bằng tiếng Tây Ban Nha được thực hiện một ngày sau khi Argentina giành chiến thắng trước Pháp trong trận chung kết World Cup. Trong một bài báo kể lại bối cảnh của cuộc phỏng vấn, nhà báo giải thích rằng khi biết bài phỏng vấn sẽ được công bố vài tháng sau, Đức Giáo hoàng đã “cau mày” và nói: “Nếu lúc đó có chuyện gì xảy ra với tôi thì sao?” Tuy nhiên, ngài nói rằng một ấn phẩm sau khi chết sẽ cho phép ngài nói lời sau cùng “từ trong mộ, desde la tumba.”

Nhà báo cũng làm chứng cho sự đau khổ rất lớn của Đức Giáo hoàng khi đối mặt với “những nỗi kinh hoàng không dứt của chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới.”

Nhà báo Emmanuel Van Lierde viết: “Ngài coi nó là một sự thất bại cá nhân khi không thể ngăn đổ máu thêm nữa, và những lời kêu gọi đối thoại của ngài vẫn chưa được đáp lại.”

Đức Giáo hoàng đã được phỏng vấn bởi tuần báo Tertio vào tháng Mười Một năm 2016, một lần nữa thông qua Đức Cha Luc Van Looy, Giám mục danh dự của giáo phận Ghent, là người cũng tham gia cuộc phỏng vấn này. Vị giám mục 81 tuổi người Bỉ vẫn thân cận với vị giáo hoàng người Argentina mặc dù ngài đã rời bỏ tước vị hồng y trong công nghị tháng Tám năm 2022, do những cáo buộc về việc xử lý sai phạm trong giáo phận của ngài.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2023]