Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Vatican bận rộn với ngoại giao sau hậu trường ở Hàn quốc

Vatican bận rộn với ngoại giao sau hậu trường ở Hàn quốc

06 tháng Bảy, 2018
Vatican bận rộn với ngoại giao sau hậu trường ở Hàn quốc
Ed Jones | AFP


Một nhân viên thuộc Phủ Quốc vụ khanh hiện đang có mặt trên bán đảo, gặp gỡ các nhà lãnh đạo và đến thăm vùng biên giới.

Đức Tổng Giám mục Phaolo Gallagher bắt đầu chuyến đi sáu ngày đến Nam Hàn từ ngày 4 tháng Bảy. Ngài Trưởng Phân bộ Ngoại giao Vatican theo lịch sẽ đến thăm vùng biên giới với Bắc Hàn.

Một bản tin báo chí Tòa Thánh cho hay Đức Tổng giám mục gặp Tổng thống Moon Jae-in ngày 5 tháng Bảy, trong một buổi thảo luận “thân mật và dày đặc các vấn đề.”

Đức Tổng người Anh chia sẻ “sự ủng hộ và cầu nguyện của Đức Giáo hoàng” cho hòa bình và hòa giải trên bán đảo. Cả hai vị cùng nói về tầm quan trọng của việc tái khởi động những sáng kiến nhân đạo và một văn hóa hòa bình cho giới trẻ.

Tiếp nối chương trình, Đức Giám mục Gallagher theo lịch sẽ đi đến vùng phi quân sự phân chia giữa hai miền Triều tiên. Ngài sẽ đến thăm khu công trường xây dựng một nhà thờ chính tòa Công giáo đang được thi công gần biên giới.

Ngày 6 tháng Bảy, sẽ có một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và khoảng 45 nhà lập pháp Công giáo. Đức Giám mục Gallagher theo lịch sẽ tham gia một diễn đàn Công giáo về hòa bình và nhân quyền ngày 7 và 8 tháng Bảy, và chủ tế một Thánh Lễ tại Nhà thờ Chính tòa Seoul.

Ngày 26 tháng Một, ông Kang Kyung-wha đã đến Vatican và chính thức mời Đức Giám mục Gallagher. Những quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước đã được thiết lập 55 trước.

Một vai trò rất quan trọng cho Giáo hội

Ngày 10 tháng Sáu, Đức Giáo hoàng đã khẩn cầu cùng Đức Maria Trinh nữ, Nữ vương của Triều tiên, cho một “tương lai hòa bình” trên bán đảo, sau nhiều tháng với những căng thẳng leo thang do chương trình nguyên tử của Bắc Hàn. Hai ngày sau, cuộc gặp gỡ lịch sự giữa Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump và nhà Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã được hoan hô nhiệt liệt là “vô cùng quan trọng” bởi Đức Tổng Giám mục Alfred Xuereb, tân sứ thần tại Nam Hàn.

Đức Giám mục người Malta nói, “Chúng ta đi từ những tuyên bố hùng hổ như ‘hỏa lực và cơn cuồng nộ’ đến những ngôn ngữ của hòa bình và hòa giải.” Trong tháng Năm, ngài cũng nói rằng Giáo hội có một “vai trò rất quan trọng trong tiến trình hòa giải” của hai nhà Triều tiên.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2018]


Đức Hồng y Parolin đọc diễn văn tại Hội nghị Quốc tế Cứu lấy Ngôi Nhà chung của chúng ta và Tương lai của Sự sống trên Trái đất (Toàn văn)

Đức Hồng y Parolin đọc diễn văn tại Hội nghị Quốc tế Cứu lấy Ngôi Nhà chung của chúng ta và Tương lai của Sự sống trên Trái đất (Toàn văn)
© Vatican Media

Đức Hồng y Parolin đọc diễn văn tại Hội nghị Quốc tế Cứu lấy Ngôi Nhà chung của chúng ta và Tương lai của Sự sống trên Trái đất (Toàn văn)

‘Tất cả chúng ta đều ý thức được thời gian lâu dài và khó khăn của hành trình này, nhưng chúng ta có một la bàn rất tốt dẫn đường cho chúng ta trong Tông huấn, Laudato si’’

05 tháng Bảy, 2018 13:47
Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Vatican đọc diễn văn tại phiên khai mạc của Hội nghị Quốc tế Cứu lấy Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta và Tương Lai của Sự Sống Trên Trái đất, được tổ chức nhân kỷ niệm ba năm ra đời của Tông huấn Laudato si’ (Chúc tụng Chúa), trong Đại sảnh New Synod của Vatican từ 5-6 tháng Bảy, 2018. Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp:

***

Thưa các Hồng y,

Thưa quý ngài,

Thưa quý vị Thành viên Ngoại giao đoàn và quý vị Đại diện của các Chính phủ,

Thưa quý vị Lãnh đạo và những khách mời từ các Nhóm Xã hội Dân sự, các Phong trào, các Học viện Tôn giáo, các Cộng đồng sắc tộc, các Học viện, các Tổ chức Quốc tế,

Thưa anh chị em,

Xin gửi lời chào trân trọng nhất đến từng quý vị.

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, đã mời tôi đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị này với chủ đích phản ánh về Tông huấn Laudato si’, Tông huấn của Đức Phanxico về sự Chăm sóc cho Ngôi nhà chung của chúng ta.

Từ khi công bố vào tháng Năm, 2015, Tông huấn đã được đón nhận rộng rãi như một sự đóng góp lớn giúp cho sự hiểu biết tốt hơn và giải quyết một cách hiệu quả hơn một số vấn đề vô cùng cấp thiết và cấp thời mà nhân loại đang đối mặt, trên căn bản tiếp cận rộng hơn và sâu hơn đến môi trường sinh thái toàn diện. Chính từ bối cảnh của tính tương quan rằng “mọi sự đều được kết nối với nhau” mà Đức Giáo hoàng nhắc chúng ta rằng nhân loại là người quản gia chứ không phải ông chủ của tạo vật. Quả thật, như nhiều lần ngài đề cập đến sự tan vỡ trong mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, với tha nhân và với tạo vật, về căn bản xuất phát từ chủ nghĩa nhân trung sai lệch.

Nói đến sự đón nhận Tông huấn Laudato si’ cho đến nay, thật đáng để chúng ta nói rằng cộng đồng khoa học đã đặc biệt đánh giá cao tông huấn và nó đã tạo một ấn tượng rất sâu sắc ngay cả với tín đồ của các tôn giáo khác. Ngay từ đầu tông huấn Laudato si’ Đức Phanxico nhấn mạnh rằng “với Tông huấn này, tôi muốn đi sâu vào cuộc đối thoại với mọi người về ngôi nhà chung của chúng ta” (LS, 3), ngài kêu gọi “một sự đối thoại mới về cách chúng ta định hình cho tương lai của hành tinh chúng ta” (LS, 14). Có lẽ sự tranh luận mà nó khơi lên trong cộng đồng khoa học và giữa các nhóm tôn giáo khác nhau là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự sẵn sàng hoạt động hướng đến việc áp dụng nó.

Trong phạm vi ngắn của bài phát biểu khai mạc này, tôi xin làm rõ ba khía cạnh đặc biệt nổi bật trong Laudato si’.

Trước hết, trong bối cảnh của những thách đố của môi trường hiện tại và mới xuất hiện trong thời đại chúng ta, lời mời gọi chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta của Đức Giáo hoàng Phanxico thể hiện tính khẩn thiết. Tất cả chúng ta đều biết tình hình của hành tinh chúng ta hiện nay bấp bênh như thế nào. Quả thật, tông huấn là một sự đáp lời thật đúng lúc cho một trong những thách đố cấp bách nhất mà nhân loại hôm nay đang đối mặt, sự suy tàn có thể xảy ra cho ngôi nhà nơi cư ngụ của chúng ta và mọi loài tạo vật.

Thứ hai, Laudato si’ rất quan trọng vì thông điệp của nó nói về một Môi trường Sinh thái học Toàn diện. Đức Giáo hoàng Benedict XVI nhận xét trong Caritas in veritate rằng Quyển sách Thiên nhiên là quyển sách duy nhất và không thể chia tách được (Caritas in veritate, 51). Môi trường sinh thái của con người và môi trường sinh thái của thiên nhiên đều là những vấn đề liên quan không thể tách rời của gia đình nhân loại. Đức Giáo hoàng Phanxico nhìn thấy nơi Thánh Phanxico “tấm gương nổi bật về sự chăm sóc cho những loài mong manh và một cách sống vui vẻ và thật sự theo sinh thái học toàn diện. […] Ngài cho chúng ta thấy rằng mối dây ràng buộc giữa sự chăm sóc thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, trách nhiệm đối với xã hội, và bình an trong tâm hồn là không thể tách rời nhau” (LS, 10). Đối với Đức Giáo hoàng Phanxico, mọi sự đều có sự tương quan với nhau; cho nên “tiếng khóc của Trái đất” gắn liền với “tiếng khóc của người nghèo” (LS, 49). Vì thế, là những thành viên trong gia đình chung, tất cả chúng ta phải đến với nhau để cam kết cứu lấy ngôi nhà chung của mình. Đức Giáo hoàng Phanxico viết, “tất cả chúng ta cùng cộng tác với nhau như là những khí cụ của Chúa để chăm sóc cho tạo vật, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, điều kiện và khả năng của riêng mình” (LS, 14). [1]

Thứ ba, Laudato si’ đưa ra chiều kích sâu xa trong cuộc tranh luận về môi trường sinh thái, mà trong các cuộc thảo luận về môi trường thường bị thiếu sự chú ý. Trong Laudato Si’, Đức Phanxico nêu lên một tầm nhìn tinh thần sâu thẳm của thế giới tự nhiên, nói đến “phúc âm” của tạo vật, làm tiêu đề của chương hai trong tông huấn. Ngài cho thấy rằng “Đức tin khơi gợi cho người Ki-tô hữu, và tín đồ của một số tôn giáo khác, một động lực lớn để chăm sóc thiên nhiên và những người hèn mọn nhất trong các anh chị em của họ” (LS, 64). Đây lại là một khía cạnh khác về môi trường sinh thái toàn diện trong thông điệp của Đức Giáo hoàng; và nó có sự liên kết mật thiết với tầm nhìn về tương quan nhân loại của Laudato si’. Đức Giáo hoàng viết: “sự sống con người gắn kết trong ba mối quan hệ nền tảng và đan xen rất mật thiết với nhau: với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính trái đất” (LS, 66). Mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân cần phải bao gồm cả mối quan hệ với Trái đất. Mối quan hệ này có thể và cần phải hài hòa với nhau; nhưng ngay phần đầu của tông huấn Đức Phanxico đã có nhận xét, “Tính bạo lực hiện hữu trong tâm hồn của chúng ta, bị thương tổn bởi tội, cũng được thấy rõ trong những hiện tượng của bệnh tật có trong lòng đất, trong nước, trong không khí và trong mọi loài có sự sống.” (LS, 2). Từ hệ lụy của tính bạo lực hiện hữu trong tâm hồn này, chính trái đất bị mang ách nặng và bị cướp phá, chính sự sống con người bị ngược đãi dưới hình thức nổi bật là văn hóa loại bỏ, và tất cả thụ tạo bước đi lảo đảo trên bờ vực của tai ương. Vì thế điều cấp bách là chúng ta phải thay đổi ý thức về sự tiến bộ của con người, cách quản lý kinh tế và lối sống của chúng ta.

Giáo lý Công giáo về tạo vật không xem thế giới như một sự ngẫu nhiên. Hành tinh của chúng ta, cả vũ trụ, là một việc làm có chủ đích của Thiên Chúa nhằm trao tặng cho con người như một món quà. Tạo vật là bước đầu tiên trong ơn gọi vĩ đại của con người: tạo vật, sự nhập thể, ơn cứu chuộc.

Nhân loại không phải là một ý tưởng được thêm vào sau. Thiên Chúa không có hai chương trình làm việc: thứ nhất là thế giới rồi sau đó mới đến con người. Người nam và nữ được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, họ là phần bản chất của vũ trụ, và ơn gọi của họ là “canh tác và bảo tồn” nó. Nhưng việc canh tác và bảo tồn không phải là sự thống trị và tàn phá. Thái độ đó là một sự nhạo báng phẩm giá và sự tôn trọng những món quà của Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được những quan tâm của Đức Giáo hoàng Phanxico đối với người nghèo và thiên nhiên. Ngài không đưa ra những lời khuyên của thế gian về cách thận trọng và thực dụng, cho dù thông điệp của ngài có tính quan trọng thực tiễn rất lớn. Nhưng ngài muốn nhắc nhở chúng ta:

a) tầm quan trọng của tạo vật, nó xây dựng nên mối quan hệ ba cấp độ cho nhân vị:

· với Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng,

· với các nhân vị khác trong mối dây huynh đệ ràng buộc, và

· với thế giới như là ngôi nhà-vườn cho sự sống của chúng ta, và

b) những đòi hỏi căn bản đối với ơn gọi của chúng ta góp phần trong công trình của Thiên Chúa như những người cộng tác, và vì vậy

c) trách nhiệm của chúng ta đối với công trình của Thiên Chúa Đấng không giấu giếm dung nhan của Người tránh bất kỳ khía cạnh nào của tạo vật, người nghèo hay người giàu, thiên nhiên hoặc con người, hiện tại hoặc tương lai.

Ước mong rằng những ngày chúng ta họp tại đây để phản ánh về tình trạng mong manh của ngôi nhà chung chúng ta giúp chúng ta tìm được hướng hành động chung và cụ thể để bảo vệ tạo vật. Tất cả chúng ta đều ý thức được thời gian lâu dài và khó khăn của hành trình này, nhưng chúng ta có một la bàn rất tốt dẫn đường cho chúng ta trong Tông huấn, Laudato si’. Ước mong rằng tông huấn sẽ như một kim chỉ nam và nguồn cảm hứng cho những thảo luận và chia sẻ của quý vị trong những ngày này. Tôi hoàn toàn ủng hộ quý vị trong tình huynh đệ và lời cầu nguyện cho tất cả những gì quý vị thực hiện.

Cảm ơn quý vị.

______________________________________

[1] X. Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Mọi người Ki-tô hữu được kêu gọi thực hành tình bác ái này, trong tinh thần phù hợp với ơn gọi và tùy theo mức độ ảnh hưởng mà người đó tạo ra. Đây là con đường có tổ chức — chúng ta cũng có thể gọi đó là con đường chính trị — của bác ái, không kém phần hiệu quả hơn hình thức thực hành tình bác ái qua cách chúng ta gặp gỡ trực tiếp tha nhân. Khi được tạo sức sống bởi lòng bác ái, cam kết đối với thiện ích chung có giá trị lớn hơn nhiều so với quan điểm thuần túy chính trị hay trần gian đạt được.” (Civ. No.7)

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/7/2018]