Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Chiến tranh, dân chủ và nhiều vấn đề: Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà lãnh đạo dân sự ở Malta [TOÀN VĂN]

Chiến tranh, dân chủ và nhiều vấn đề: Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà lãnh đạo dân sự ở Malta [TOÀN VĂN]

Chiến tranh, dân chủ và nhiều vấn đề: Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà lãnh đạo dân sự ở Malta [TOÀN VĂN]

© Vatican Media

Aleteia 

02/04/22


Trong diễn từ trước Tổng thống Malta và các nhà chức trách dân sự của Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét bốn luồng ảnh hưởng đến Malta và thế giới: Châu Âu, nền dân chủ, di cư và chiến tranh ở Ukraine.

Lấy vị trí của Malta ở Địa Trung Hải, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến bốn luồng gió chạm vào hòn đảo như một phép ẩn dụ cho bốn vấn đề lớn hiện nay trong các biến cố hiện tại của Malta và quốc tế.

Trình bày về “những luồng gió từ phương bắc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét về Châu Âu, kêu gọi những nỗ lực mới trong Liên minh Châu Âu để “thúc đẩy các giá trị công bằng và bình đẳng xã hội”.

Về những luồng gió từ phương Tây, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi những ưu điểm của nền dân chủ, nhưng cũng cảnh báo một sự cảnh giác cần thiết, “vì sợ rằng mong muốn tiến bộ sẽ đi kèm với việc tách rời khỏi cội nguồn của quý vị”.

Luồng gió từ phương nam đã dẫn đến cơ hội để ca ngợi lòng hiếu khách đi vào lịch sử của Malta. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng hướng mắt về những người di cư và cuộc khủng hoảng Địa Trung Hải tiếp tục diễn ra. Ngài nói, “chúng ta hãy giúp nhau để không xem người di cư là một mối đe dọa và không đầu hàng trước cám dỗ rút cầu treo lên và dựng nên các bức tường.”

Cuối cùng, phản ánh về những cơn gió từ phương đông, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ lên án cuộc chiến ở Ukraine. Mặc dù không nhắc đích danh ông Vladimir Putin, nhưng Đức Giáo hoàng đã chỉ trích gay gắt các trào lưu chủ nghĩa dân tộc đã kích động chiến tranh.

________________________________

Gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

“Grand Council Chamber” – Điện Grand Master

*****

Thưa ngài Tổng thống nước Cộng hòa,

Thưa các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa các vị hữu trách tôn giáo và dân sự,

Các vị đại diện đời sống xã hội và văn hóa,

Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin thân ái chào quý vị, và thưa ngài Tổng thống, tôi nghĩ đến ngài cùng những lời chào mừng ân cần thay mặt cho đồng bào của ngài. Tổ tiên của quý vị đã thể hiện lòng hiếu khách với Thánh Tông đồ Phaolô trong hành trình đến Roma, đối xử với ngài và những người bạn đồng hành “cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28:2). Tôi đến từ Roma, và cũng đang trải nghiệm cùng một lòng hiếu khách nồng hậu đó, một kho báu mà dân tộc Malta đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhờ vị trí địa lý, Malta có thể được gọi là trái tim của Địa Trung Hải. Không chỉ bởi địa lý của đất nước: trong hàng ngàn năm, sự giao thoa của các biến cố lịch sử và sự gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau đã khiến hòn đảo này trở thành một trung tâm của sức sống dồi dào và văn hóa, của tinh thần và vẻ đẹp, một điểm gặp gỡ đã tiếp nhận và làm hài hòa những ảnh hưởng từ nhiều nơi trên thế giới. Những ảnh hưởng đa dạng này khiến chúng ta liên tưởng đến các luồng gió khác nhau quét qua đất nước này. Không phải ngẫu nhiên, trong các bản đồ cổ của Địa Trung Hải, biểu đồ chỉ phương hướng thường được mô tả gần đảo Malta. Tôi muốn mượn hình ảnh biểu đồ chỉ phương (rose of winds), mô tả hướng gió theo bốn phương chính của la bàn, để miêu tả bốn ảnh hưởng cơ bản đối với đời sống xã hội và chính trị của đất nước này.

Luồng gió: Châu Âu và phương Bắc

Gió trên các đảo của Malta thổi chủ yếu từ hướng tây bắc. Hướng bắc nhắc đến Châu Âu, đặc biệt là ngôi nhà do Liên minh Châu Âu đại diện, được xây dựng như nơi cư ngụ cho một đại gia đình duy nhất đoàn kết trong việc gìn giữ hòa bình. Đoàn kết và hòa bình là những món quà mà người Malta khẩn cầu với Thiên Chúa mỗi khi quốc ca của quý vị được cất lên. Lời cầu nguyện được viết bởi nhà văn Dun Karm Psaila xin rằng: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin ban sự khôn ngoan cho những người lãnh đạo, sức mạnh cho những người làm việc, khẳng định sự đoàn kết giữa những người Malta và hòa bình. Hòa bình theo sau sự đoàn kết và vươn lên từ nó. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc, chọn gắn kết hơn là chia rẽ, và củng cố những cội nguồn và giá trị chung đã tạo nên tính độc đáo cho xã hội Malta.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự chung sống xã hội tốt đẹp, việc củng cố ý thức thuộc về là không đủ; cần phải xây dựng những nền tảng của cuộc sống trong xã hội, dựa trên luật pháp và tính hợp pháp. Trung thực, công bằng, tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch là những trụ cột thiết yếu của một xã hội dân sự trưởng thành. Ước mong cam kết xóa bỏ tình trạng bất hợp pháp và tham nhũng của quý vị sẽ trở nên mạnh mẽ, như luồng gió bắc quét qua các bờ biển của đất nước này. Ước mong quý vị luôn gieo trồng tính hợp pháp và sự minh bạch, là những điều sẽ giúp xóa bỏ nạn tham nhũng và tội phạm, cả hai đều không hoạt động công khai vào ban ngày.

Ngôi nhà Châu Âu, cam kết thúc đẩy các giá trị công bằng và bình đẳng xã hội, cũng đi đầu trong những nỗ lực bảo vệ ngôi nhà lớn hơn đó là tạo vật của Thiên Chúa. Môi trường nơi chúng ta đang sống là một món quà từ trời, như bài quốc ca của quý vị cũng công nhận, bằng cách xin Chúa gìn giữ vẻ đẹp của miền đất này, một người mẹ được mặc lấy ánh sáng rực rỡ nhất. Ở Malta, nơi vẻ đẹp rực rỡ của cảnh quan làm dịu đi những khó khăn, và giữa những thử thách của lịch sử và cuộc sống, tạo vật hiện ra như một món quà nhắc nhở chúng ta về vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta trên trái đất. Do đó, nó phải được giữ an toàn tránh khỏi lòng tham lam cướp bóc, tránh khỏi sự hám lợi và đầu cơ xây dựng, những thứ làm tổn hại không những cảnh quan mà còn chính tương lai. Thay vào đó, việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy công bằng xã hội chuẩn bị cho tương lai, và là những cách tối ưu để khơi dậy trong lớp người trẻ niềm đam mê đối với một nền chính trị lành mạnh và bảo vệ họ thoát khỏi sự cám dỗ của tính thờ ơ và thiếu cam kết.

Luồng gió: Dân chủ và phương Tây

Gió bắc thường kết hợp với luồng gió thổi từ hướng tây. Quốc gia Châu Âu này có chung lối sống và suy nghĩ của phương Tây, đặc biệt nơi những người trẻ. Điều này mang lại những lợi ích to lớn – tôi nghĩ đến các giá trị tự do và dân chủ – nhưng cũng có những rủi ro cần phải cảnh giác vì sợ rằng mong muốn tiến bộ sẽ đi kèm với việc tách rời khỏi cội nguồn của quý vị. Malta là một “phòng thí nghiệm phát triển hữu cơ” lộng lẫy, nơi sự tiến bộ không có nghĩa là cắt đứt nguồn cội của con người với quá khứ nhân danh một sự thịnh vượng giả tạo được dẫn dắt bởi lợi nhuận, bởi những nhu cầu do chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra, chưa nói đến quyền đòi có tất cả và mọi “quyền”. Một sự phát triển lành mạnh cần phải bảo tồn ký ức của quá khứ và thúc đẩy sự tôn trọng và sự hòa hợp giữa các thế hệ, không nhường bước trước sự đồng nhất vô vị và các hình thức thực dân hóa tư tưởng.

Nền tảng của mọi sự phát triển vững chắc là tôn trọng nhân vị, tôn trọng sự sống và phẩm giá của mọi người nam và nữ. Tôi nhìn thấy cam kết của người Malta trong việc đón nhận và bảo vệ sự sống. Đã được kể trong sách Tông đồ Công vụ, người dân trên đảo này đã được biết đến với việc cứu sống nhiều người. Tôi khuyến khích quý vị hãy tiếp tục bảo vệ sự sống từ khi bắt đầu đến khi kết thúc tự nhiên, và cũng để bảo vệ nó mọi lúc để nó không bị gạt ra ngoài lề hoặc bị tước đoạt sự chăm sóc và quan tâm. Tôi đặc biệt nghĩ đến phẩm giá chính đáng của người lao động, người già và người bệnh. Và nghĩ đến những người trẻ có nguy cơ phung phí tất cả những gì tốt đẹp có bên trong họ bằng cách theo đuổi những ảo ảnh chỉ để lại sự trống rỗng sau đó. Đây là kết quả của chủ nghĩa tiêu dùng quá mức, của sự thờ ơ trước sự thiếu thốn của người khác và của tai họa từ ma túy, những thứ kìm hãm tự do và gây ra tình trạng lệ thuộc. Chúng ta hãy bảo vệ vẻ đẹp của cuộc sống!

Hướng nam: lòng hiếu khách và vụ đắm tàu

Tiếp tục theo biểu đồ chỉ phương hướng, bây giờ chúng ta nhìn về hướng nam, nơi rất nhiều anh chị em của chúng ta đến để tìm kiếm hy vọng. Tôi xin cảm ơn chính quyền dân sự và người dân Malta vì sự chào đón mà họ đã dành cho những anh chị em đó nhân danh Tin mừng, lòng nhân ái và lòng hiếu khách trong bản chất của họ. Theo từ nguyên của tiếng Phê-ni-xi, Malta có nghĩa là “bến cảng an toàn”. Tuy nhiên, trước làn sóng gia tăng ngày càng nhiều trong những năm gần đây, nỗi sợ hãi và bất an đã tạo nên sự chán nản và thất vọng. Nếu tính phức tạp của vấn đề di cư được giải quyết đúng cách, thì nó cần được đặt trong bối cảnh thời gian và không gian rộng hơn. Thời gian, theo ý nghĩa hiện tượng di cư không phải là tình trạng nhất thời, mà là dấu chỉ của thời đại chúng ta. Nó mang theo gánh nặng của quá khứ bất công, bóc lột, biến đổi khí hậu và những cuộc xung đột thảm kịch, với những tác động mà giờ đây chính họ đang cảm nhận. Từ phương nam nghèo và đông dân cư, rất nhiều người đang di chuyển đến phương bắc giàu có: đây là một thực tế, và không thể bỏ qua điều đó bằng cách chấp nhận chủ nghĩa biệt lập lạc hậu không tạo ra sự thịnh vượng và hội nhập. Từ quan điểm về không gian, tình trạng khẩn cấp di cư ngày càng gia tăng – ở đây chúng ta có thể nghĩ đến những người tị nạn từ Ukraine bị chiến tranh tàn phá – đòi hỏi một phản ứng chung trên diện rộng. Chỉ một số quốc gia thì không thể có phản ứng với toàn bộ vấn đề, trong khi những quốc gia khác vẫn là những người bàng quan thờ ơ! Các quốc gia văn minh không thể chấp nhận các thỏa thuận bẩn thỉu vì lợi ích của họ với những kẻ tội phạm bắt người khác làm nô dịch. Địa Trung Hải cần tính đồng trách nhiệm từ phía Châu Âu, để trở thành một ngôi nhà mới của sự đoàn kết chứ không phải là điềm báo cho một vụ đắm tàu bi thảm của nền văn minh.

Khi đề cập đến vụ đắm tàu ​​này, suy nghĩ của tôi hướng về Thánh Phaolô, người đã tình cờ đến những bờ biển nơi đây, trong chuyến hành trình cuối cùng của ngài vượt Địa Trung Hải, và tìm được sự sẵn sàng giúp đỡ. Sau khi bị một con rắn cắn, ngài bị cho là tội phạm, nhưng sau đó được coi là một vị thần vì ngài không bị hậu quả xấu từ con rắn (xem Cv 28:3-6). Giữa hai thái cực này, điều quan trọng thật sự đã bị bỏ qua: Phaolô là một con người, một người cần được hỗ trợ. Lòng nhân từ là trên tất cả: đó là bài học được dạy bởi đất nước này, là nơi lịch sử được chúc phúc bởi sự xuất hiện của vị tông đồ bị đắm tàu. Nhân danh Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã sống và rao giảng, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn và khám phá lại vẻ đẹp của việc phục vụ người lân cận đang gặp khó khăn.

Ngày nay, khi những người băng qua Địa Trung Hải để tìm kiếm sự cứu giúp đang vấp phải nỗi sợ hãi và câu chuyện về “sự xâm lăng”, và việc bảo vệ an toàn của bản thân bằng bất cứ giá nào dường như là mục tiêu chính, chúng ta hãy giúp nhau để không xem người di cư là một mối đe dọa và không đầu hàng trước cám dỗ rút cầu treo lên và dựng nên các bức tường. Người khác không phải là một loại virus mà chúng ta cần được bảo vệ khỏi nó, nhưng họ là những con người cần được chấp nhận. Đối với vấn đề đó, “lý tưởng Kitô giáo luôn luôn trở thành lời kêu gọi vượt qua sự nghi ngờ, sự hồ nghi khó tẩy sạch, nỗi sợ mất quyền riêng tư của chúng ta, tất cả những thái độ phòng thủ mà thế giới ngày nay áp đặt lên chúng ta” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 88). Mong rằng chúng ta không để cho sự thờ ơ bóp nghẹt ước mơ được sống nên một! Chắc chắn, sự chấp nhận đòi hỏi cố gắng và cần có những hy sinh. Vì vậy, theo kinh nghiệm của Thánh Phaolô: để cứu con tàu, cần phải hy sinh hàng hóa mà nó đang chở (xem Cv 27:38). Tuy nhiên, mọi hy sinh, mọi sự từ bỏ được thực hiện vì một điều tốt đẹp lớn lao hơn, vì sự sống của con người là kho tàng của Thiên Chúa, là thánh thiêng!

Những bóng tối từ phương đông

Cuối cùng, có luồng gió đến từ phương đông, thường thổi vào lúc bình minh, đó là lý do tại sao Homer gọi nó là “Eurus” (Odyssey, V, 349.423). Vậy mà từ phía đông Châu Âu, từ miền đất mặt trời mọc, những bóng đen chiến tranh giờ đã lan rộng. Chúng ta đã từng nghĩ rằng những cuộc xâm lược các quốc gia khác, những cuộc giao tranh kinh hoàng trên đường phố và những mối đe dọa của nguyên tử là ký ức đáng sợ của một quá khứ xa xôi. Tuy nhiên, những cơn gió băng giá của chiến tranh chỉ mang đến cái chết, sự hủy diệt và hận thù, đã ập xuống nặng nề trên cuộc sống của nhiều người và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Lại một lần nữa, một số người thống trị nào đó, đáng buồn đã bị cuốn vào những tuyên bố lạc hậu về lợi ích dân tộc chủ nghĩa, đang kích động và thúc đẩy xung đột, trong khi những người bình thường cảm thấy cần phải xây dựng một tương lai, hoặc sẽ được chia sẻ hoặc hoàn toàn không. Bây giờ trong bóng đêm của chiến tranh đang phủ xuống nhân loại, chúng ta đừng để cho giấc mơ hòa bình bị tàn lụi!

Malta, nơi tỏa sáng rực rỡ ở trung tâm Địa Trung Hải, có thể là nguồn cảm hứng cho chúng ta, vì việc cấp thiết là phải khôi phục vẻ đẹp cho khuôn mặt của một nhân loại bị tàn phá bởi chiến tranh. Một bức tượng tuyệt đẹp của Địa Trung Hải có niên đại từ nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô miêu tả hòa bình là một người phụ nữ, nữ thần Eirene, ôm trong tay Ploutus là sự giàu có. Bức tượng đó nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình tạo ra thịnh vượng, và chiến tranh chỉ tạo ra đói nghèo. Điều đặc biệt là trong bức tượng đó, hòa bình và thịnh vượng được miêu tả như một người mẹ đang ẵm đứa con của mình trên tay. Tình yêu dịu dàng của những người mẹ mang đến sự sống cho thế giới, và sự hiện diện của phụ nữ là một thay thế thực sự cho luận lý xấu xa của quyền lực dẫn đến chiến tranh. Chúng ta cần lòng trắc ẩn và sự quan tâm, chứ không phải là những tầm nhìn theo hệ tư tưởng và chủ nghĩa dân túy được thúc đẩy bởi những lời lẽ hận thù và không quan tâm đến đời sống cụ thể của người dân, những con người bình thường.

Hơn sáu mươi năm trước, trong một thế giới bị đe dọa bởi sự hủy diệt, nơi luật pháp được quy định bởi những xung đột ý thức hệ và luận lý đáng sợ của các khối chính trị, một tiếng nói khác biệt đã vang lên từ lưu vực Địa Trung Hải, chống lại sự tán dương tính tư lợi bằng lời kêu gọi một bước đi mang tính tiên tri nhân danh tình huynh đệ phổ quát. Đó là tiếng nói của chính trị gia Georgio La Pira, người đã phát biểu rằng “khoảng thời gian lịch sử mà chúng ta đang sống, sự xung đột về lợi ích và hệ tư tưởng làm lung lay nhân loại [trong tính trẻ con đến kỳ lạ], khôi phục cho Địa Trung Hải trách nhiệm chính. Đó là trách nhiệm xác định một lần nữa nguyên tắc của sự tiết chế, trong đó con người, đã bị rơi vào sự điên cuồng và thiếu tiết chế, có thể nhận ra chính mình” (Diễn văn tại Đại hội Văn hóa Địa Trung Hải, ngày 19 tháng Hai năm 1960). Đó là những lời nói luôn hợp thời. Chúng ta rất cần một “sự tiết chế của con người” trước sự xâm lăng đầy ấu trĩ và hủy diệt đang đe dọa chúng ta, trước nguy cơ của cuộc “Chiến tranh Lạnh mở rộng” có thể bóp nghẹt cuộc sống của toàn thể các dân tộc và các thế hệ. Điều đáng buồn là “tính trẻ con” đó vẫn chưa biến mất. Nó đã trở lại cách mạnh mẽ trong những cám dỗ của chế độ chuyên quyền, của các hình thức đế quốc mới, sự hung hăng lan rộng, và sự bất lực trong việc xây dựng cầu nối bắt đầu từ những người nghèo nhất ở giữa chúng ta. Cũng chính từ đó mà luồng gió rét của chiến tranh bắt đầu thổi qua, và lần này nó đã được tích lũy qua nhiều năm. Trên thực tế, chiến tranh đã được chuẩn bị trong một thời gian bằng những khoản đầu tư lớn vào kỹ thuật chế tạo vũ khí và việc buôn bán vũ khí khổng lồ. Thật đáng buồn khi thấy lòng nhiệt huyết đối với hòa bình, trổi vượt lên sau Đệ nhị thế chiến, đã trở nên lu mờ trong những thập kỷ gần đây, cũng như sự tiến bộ của cộng đồng quốc tế, với một số cường quốc đi theo con đường của riêng họ, tìm kiếm những không gian và vùng ảnh hưởng. Theo cách này, không chỉ hòa bình mà còn rất nhiều câu hỏi lớn, chẳng hạn cuộc chiến chống nạn đói nghèo và bất bình đẳng không còn nằm trong danh sách các chương trình nghị sự chính trị chính yếu.

Nhưng giải pháp cho cuộc khủng hoảng của mỗi bên cần sự quan tâm của tất cả, vì các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Chúng ta hãy giúp nhau cảm nhận được khao khát hòa bình của mọi người. Chúng ta hãy làm việc để đặt những nền móng cho một cuộc đối thoại ngày càng mở rộng. Chúng ta hãy quay lại tập trung trong các hội nghị hòa bình quốc tế, nơi chủ đề giải trừ quân bị sẽ có một vị trí trung tâm, nơi những suy nghĩ của chúng ta sẽ hướng đến các thế hệ tương lai! Và nơi những khoản tiền khổng lồ dành cho vũ khí có thể được chuyển hướng sang phát triển, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng.

Một lần nữa nhìn về hướng đông, tôi muốn dành một suy nghĩ cuối cùng cho vùng Trung Đông gần đó, nơi mà các ngôn ngữ được hòa quyện với những ngôn ngữ khác, được phản ánh trong ngôn ngữ mẹ đẻ của quốc gia này, dường như để nhắc lại khả năng của người Malta xây dựng những hình thức chung sống sinh hoa lợi trong sự đa dạng của những khác biệt. Đây là những gì Trung Đông cần: Li Băng, Syria, Yemen, và các bối cảnh khác bị giằng xé bởi các vấn đề và bạo lực. Ước mong Malta, trái tim của Địa Trung Hải, tiếp tục nuôi dưỡng nhịp đập của hy vọng, chăm sóc sự sống, chấp nhận người khác, khát khao hòa bình, với sự trợ giúp của Thiên Chúa là Đấng mà tên của Người là hòa bình. Xin Chúa chúc phúc cho Malta và Gozo!


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2022]


Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Malta với những con số

Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Malta với những con số

Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Malta với những con số

chrisdorney | Shutterstock

I.Media for Aleteia 

30/03/22


Chuyến đi ngày 2-3 tháng Tư sẽ là chuyến tông du thứ 36 của Đức Giáo Hoàng.

Cuối tuần này, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du quốc tế đầu tiên của năm 2022. Ban đầu chuyến đi được lên kế hoạch vào tháng 5 năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đất nước nhỏ bé thuộc Địa Trung Hải này trong hai ngày 2 và 3 tháng Tư.

Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết trong cuộc họp báo ngày 29 tháng Ba năm 2022 rằng chuyến đi này sẽ là chuyến tông du thứ 36 (ra ngoài lãnh thổ nước Ý) trong triều đại giáo hoàng của ngài, và Malta sẽ là quốc gia thứ 56 được viếng thăm.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm hòn đảo này, sau Đức Gioan Phaolô II đã đến vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđictô XVI thực hiện chuyến đi vào năm 2010.

Vị Giáo hoàng người Argentine sẽ theo những bước chân của Thánh Phaolô, người bị đắm tàu ở Malta, được tường thuật trong sách Công vụ Tông đồ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về trình thuật này trong hai buổi tiếp kiến vào thứ Tư, ngày 8 tháng Một, 2020ngày 22 tháng Một, 2020.

Đức Giám mục Roma sẽ có năm bài diễn từ, tất cả đều bằng tiếng Ý, một ngôn ngữ được khoảng một phần ba dân số Malta sử dụng. Các bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Malta sẽ được cung cấp cho công chúng tham dự các sự kiện.

Ngôn ngữ Malta, pha trộn những ảnh hưởng của tiếng Ả Rập, tiếng Anh và tiếng Ý, thể hiện bản chất của Malta như một điểm gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Ông Bruni cho biết thêm trong cuộc họp báo về chiều kích đa văn hóa này sẽ được nhấn mạnh bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời gian ngài lưu lại.

Hai sự kiện quan trọng nhất về số người tham dự sẽ là buổi cầu nguyện vào Thứ Bảy, ngày 2 tháng Tư, tại đền thờ Đức Mẹ Ta’Pinu, nơi dự kiến có 3.000 tín hữu, và Thánh lễ ở Floriana vào Chúa nhật, ngày 3 tháng Tư, với 10.000 tín hữu đã đăng ký. Các hạn chế vẫn có hiệu lực do đại dịch Covid-19.


Bản sắc Công giáo vẫn mạnh mẽ

Malta là quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh Châu Âu, với diện tích 316 km vuông, và cũng là quốc gia có mật độ dân số cao nhất, với 1.513 người trên một km vuông. Theo một khảo sát năm 2018, phần lớn người dân Malta theo Kitô giáo (95,2%) với Công giáo là tông phái chính (93,9%).

Theo thống kê do Tòa thánh cung cấp, mạng lưới giáo hội vẫn mạnh mẽ với sự hiện diện của hơn 700 linh mục và gần 800 nữ tu. Hai giáo phận Malta và Gozo có tổng số 85 giáo xứ. Giáo hội địa phương cũng có 48 chủng sinh, nhưng hiện tại không có phó tế vĩnh viễn.

Về mặt chính trị và thể chế, Malta là một trong số ít các nhà nước trên thế giới nơi đạo Công giáo được trân trọng trong hiến pháp.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2022]