Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 04 tháng 08, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 04 tháng 08, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 04.08.2021

*****

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ điểm: “Chỉ có một Tin mừng” (Bài đọc Kinh thánh: Gl 1: 6-8).

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý 3. Chỉ có một Tin mừng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi nói đến Tin Mừng và sứ vụ loan báo tin mừng, Thánh Phaolô vô cùng hăng hái, ngài thoát ra khỏi chính mình. Ngài dường như không nhìn thấy điều gì khác ngoài sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho ngài. Tất cả mọi thứ trong ngài đều dành trọn cho việc loan báo này, và ngài không có quan tâm nào khác ngoài Tin Mừng. Đó là tình yêu của Phaolô, sự quan tâm của Phaolô, là sự nghiệp của Phaolô: rao giảng. Ngài thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng: ‘Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng’ (1 Cr 1:17). Thánh Phaolô giải thích rằng toàn bộ cuộc sống của mình như một tiếng gọi rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người biết được thông điệp của Đức Kitô, làm cho mọi người biết được Tin Mừng. Ngài nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9:16). Và khi viết cho các Kitô hữu ở Rôma, ngài trình bày về bản thân đơn giản như sau: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1:1). Đây là ơn thiên triệu của ngài. Nói tóm lại, ngài ý thức rằng ngài đã được “chọn” để đem Tin Mừng đến cho mọi người, và ngài không thể không dâng hiến hết mình cho sứ vụ này.

Do đó, người ta có thể hiểu được nỗi buồn, sự thất vọng và thậm chí là sự trớ trêu cay đắng của Thánh Tông đồ đối với tín hữu Galát, những người đang đi lầm đường trong mắt ngài, nó sẽ dẫn họ đến một điểm không thể quay lại: họ đã đi sai đường. Điểm trung tâm mà mọi thứ phải xoay quanh đó là Tin mừng. Thánh Phaolô không nghĩ đến “bốn Tin mừng”, như một điều tự nhiên đối với chúng ta, Thật vậy, khi gửi Thư này, chưa một Tin mừng nào trong bốn Tin Mừng được viết. Đối với ngài, Tin Mừng là những gì ngài rao giảng, được gọi là kerygma, tức là sự công bố. Và công bố điều gì? Đó là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu rỗi. Một Tin Mừng được diễn tả bằng bốn động từ: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15: 3-5). Đây là lời công bố của Thánh Phaolô, lời công bố đem lại sự sống cho tất cả mọi người. Tin Mừng này là làm trọn vẹn những lời hứa và ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người. Ai đón nhận Tin mừng thì được hòa giải với Thiên Chúa, được đón nhận như một người con đích thực, và nhận được cơ nghiệp của sự sống đời đời.

Đứng trước một ân tứ lớn lao dành cho tín hữu Galát, Thánh Tông đồ không thể giải thích tại sao họ lại có thể nghĩ đến việc chấp nhận một “tin mừng” khác, có lẽ trau chuốt hơn, trí tuệ hơn, tôi không biết… nhưng là một “tin mừng” khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những Kitô hữu này vẫn chưa từ bỏ Tin Mừng mà Thánh Phaolô loan báo. Thánh Tông đồ biết rằng họ vẫn còn kịp thời gian để không thực hiện một bước đi sai lầm, nhưng ngài cảnh báo họ một cách mạnh mẽ, rất mạnh mẽ. Những lập luận đầu tiên của ngài chỉ thẳng vào thực tế rằng sự rao giảng được thực hiện bởi các nhà truyền giáo mới không phải là Tin Mừng - những người rao giảng, những người mang đến sự mới lạ. Ngược lại, đó là một lời công bố bóp méo Tin Mừng đích thực vì nó ngăn cản họ không đạt được sự tự do khi đến với đức tin - đây là câu then chốt, phải không? - nó ngăn cản họ không đạt được sự tự do khi đến với đức tin. Người tín hữu Galát vẫn còn là những “người khai tâm” và việc họ mất phương hướng là điều có thể hiểu được. Họ vẫn chưa biết được sự phức tạp của Luật Môsê, và lòng nhiệt thành tin tưởng nơi Đức Kitô khiến họ lắng nghe những người rao giảng mới, huyễn hoặc họ rằng thông điệp của họ là bổ sung cho thông điệp của Phaolô. Mà thật ra nó không phải.

Tuy nhiên, Thánh Tông đồ không thể mạo hiểm thỏa hiệp với nền tảng quan trọng như vậy. Tin Mừng là duy nhất và đó là những gì ngài đã loan báo; không thể có Tin Mừng khác. Hãy cẩn thận! Thánh Phaolô không nói rằng Tin mừng thật là của ngài vì chính ngài là người đã loan báo nó, không! Ngài không nói điều này. Điều này sẽ là tự phụ, sẽ là khoe khoang. Đúng hơn, ngài khẳng định rằng Tin Mừng “của ngài”, cũng chính là Tin Mừng mà các Tông đồ khác đang công bố ở những nơi khác, là Tin Mừng đích thực duy nhất, bởi vì đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, ngài viết: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải” (Gl 1:11). Chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phaolô sử dụng những cách nói rất gay gắt. Ngài sử dụng cụm từ “anathema” hai lần, thể hiện sự cần thiết phải loại ra khỏi cộng đoàn điều đe dọa nền tảng của cộng đoàn. Và “tin mừng” mới này đang đe dọa nền tảng của cộng đoàn. Nói tóm lại, Thánh Tông đồ không dành không gian để thương lượng về điểm này: không thể thương lượng. Với chân lý của Tin Mừng, chúng ta không thể thương lượng. Hoặc bạn đón nhận Tin Mừng nguyên tuyền, như nó đã được loan báo, hoặc bạn nhận được điều gì đó khác. Nhưng bạn không thể thương lượng với Tin Mừng. Chúng ta không thể thỏa hiệp. Niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là một sự mặc cả: đó là ơn cứu độ, đó là sự gặp gỡ, đó là sự cứu chuộc. Không thể bán rẻ Tin mừng.

Tình huống được mô tả ở phần đầu của Bức thư có vẻ là nghịch lý, bởi vì tất cả những người có liên quan dường như đều được thúc đẩy bởi những cảm xúc tốt lành. Những người Galát lắng nghe các người truyền giáo mới nghĩ rằng với phép cắt bì họ sẽ trở nên tận tâm với thánh ý của Chúa hơn, và vì thế càng làm hài lòng Phaolô hơn. Những kẻ thù của Thánh Phaolô dường như được truyền cảm hứng bởi sự trung thành với truyền thống của cha ông và tin rằng đức tin đích thực có được trong việc tuân giữ Lề Luật. Trước sự trung thành quá mức này, họ thậm chí còn biện minh cho những lời ám chỉ và nghi ngờ của họ về Thánh Phaolô, người được coi là không chính thống theo truyền thống. Chính Thánh Tông đồ cũng nhận thức rõ rằng sứ vụ của ngài là sứ vụ thần tính - nó được chính Đức Kitô mặc khải cho ngài - và do đó ngài được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành đối với tính mới mẻ của Tin Mừng, đó là sự mới mẻ hoàn toàn, không phải là sự mới mẻ thoáng qua: không có tin mừng “theo trào lưu”, Tin mừng luôn luôn mới, đó là sự mới mẻ.

Mối ưu tư về mục vụ khiến ngài trở nên gay gắt, bởi vì ngài nhận thấy mối nguy hiểm lớn trước mặt các Kitô hữu trẻ. Chung quy lại, trong mê cung của những ý hướng tốt đẹp này, điều cần thiết là phải tháo gỡ bản thân để hiểu được chân lý tối thượng phù hợp nhất với Ngôi vị và lời rao giảng của Chúa Giêsu và sự mặc khải của Ngài về tình yêu của Chúa Cha. Điều này rất quan trọng: biết cách phân định. Chúng ta rất thường nhìn thấy trong lịch sử, và thậm chí chúng ta nhìn thấy điều này ngày nay, một số phong trào rao giảng Tin Mừng theo cách riêng của họ, đôi khi với những đặc sủng thật sự và chân thật; nhưng rồi họ đã đưa nó đi quá xa và biến toàn bộ Tin Mừng trở thành một “phong trào”. Và đây không phải là Tin mừng của Đức Kitô: đây là Tin mừng của người sáng lập, và đúng là nó có thể hữu ích lúc đầu, nhưng cuối cùng nó không sinh hoa trái với những rễ đâm sâu. Vì lý do này, lời dạy rõ ràng và dứt khoát của Thánh Phaolô là lời bổ ích đối với người Galát và cũng bổ ích cho chúng ta. Tin mừng là ân huệ của Đức Kitô cho chúng ta, chính Ngài đã mặc khải cho chúng ta. Đó là điều mang lại cho chúng ta sự sống. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Trong những ngày này, cha đặc biệt suy nghĩ đến đất nước Li Băng thân yêu một năm sau vụ nổ kinh hoàng ở bến cảng của thủ đô Beirut với số người đã chết và những tàn phá. Trước hết cha nghĩ đến các nạn nhân và gia đình của họ, nhiều người bị thương, và những người mất nhà cửa và sinh kế.

Trong Ngày Cầu nguyện và Suy niệm cho Li Băng hôm 1 tháng Bảy vừa qua, cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo, tất cả chúng ta đã lắng nghe những hy vọng và nguyện vọng, những thất vọng và rã rời của người dân Li Băng, và chúng ta cầu xin ơn của Chúa ban niềm hy vọng để vượt qua cuộc khủng hoảng khó khăn này.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/8/2021]


Những nhà khoa học đoạt giải Nobel Canada, Hoa Kỳ và cựu chính trị gia Đài Loan được bổ nhiệm vào Hàn Lâm viện Khoa học

Những nhà khoa học đoạt giải Nobel Canada, Hoa Kỳ và cựu chính trị gia Đài Loan được bổ nhiệm vào Hàn Lâm viện Khoa học

PaPicasso | Shutterstock

I.Media for Aleteia

02/08/21


Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ thế kỷ 15, và ngày nay có 80 nhà khoa học lỗi lạc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các nhà khoa học từ Canada và Hoa Kỳ, cũng như cựu Phó Tổng thống Đài Loan, làm thành viên của Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng.

Bà Donna Strickland là giáo sư vật lý quang học tại Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Waterloo, Canada, và là một trong những người nhận Giải Nobel Vật lý năm 2018.

Bà và Giáo sư Gérard Mourou được trao giải Nobel Vật lý vì đã phát minh ra khuếch đại xung cực ngắn cường độ cao (chirped pulse amplification) cho laser, nghiên cứu họ đã công bố năm 1985.

Bà Susan Solomon là một giảng viên về hóa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts của Cambridge.

Bà đặc biệt được công nhận vì công trình của bà trong những năm 80 và 90, đã chứng minh tác hại của chlorofluorocarbon đối với tầng ozone.

Công trình của bà là cơ sở cho Nghị định thư Montreal của Liên hợp quốc, một thỏa thuận quốc tế được ký kết vào năm 1985, nhằm mục đích bảo vệ tầng ozone. Bà là một trong những nhà khoa học của IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007.

Nhà dịch tễ học Chien-Jen Chen (Trần Kiến Nhân) là Phó Tổng thống Đài Loan từ năm 2016 đến năm 2020 và được biết đến trong việc xử lý đại dịch COVID-19 ở Đài Loan.

Ông hoàn thành luận án Tiến sĩ dịch tễ học tại Đại học John Hopkins ở Hoa Kỳ và hiện đang giảng dạy về chủ đề này tại Học viện Nghiên cứu Quốc gia Đài Loan.

Theo New York Times, ông Trần Kiến Nhân đã ba lần đến thăm Tòa Thánh trong cương vị phó tổng thống, không chính thức. Vatican là nhà nước duy nhất ở Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ Hàn Lâm viện Lynxes (Accademia dei Lincei) được thành lập tại Rôma vào năm 1603 với vai trò là hàn lâm viện khoa học riêng biệt đầu tiên trên thế giới. Accademia dei Lincei đã được quốc tế công nhận nhưng không tồn tại sau cái chết của người sáng lập, Federico Cesi.

Năm 1847, Đức Giáo Hoàng Piô IX tái lập Hàn Lâm viện với vai trò là Hàn Lâm viện Giáo hoàng New Lynxes. Đức Giáo hoàng Piô XI đã cải tổ và tái thiết Hàn Lâm viện vào năm 1936, và đặt cho hàn lâm viện cái tên hiện tại.

Các Viện sĩ Hàn lâm Giáo hoàng bao gồm 80 người nam và nữ đến từ nhiều quốc gia đã có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực chuyên môn khoa học của họ. Họ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sau khi được bầu chọn bởi các Viện sĩ.

Họ tham gia vào các nhóm nghiên cứu và các cuộc họp do Hàn Lâm viện tổ chức và những thảo luận và bài viết khoa học của họ được xuất bản. Họ họp tại Vatican trong các Phiên họp chung.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/8/2021]