Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 8 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 8 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 8 tháng Tám, 2021

_______________________________


Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy cho những người đã từng chứng kiến sự phi thường của việc hóa bánh ra nhiều. Và Ngài mời gọi những người đó thực hiện một bước nhảy vọt về chất lượng: sau khi nhắc lại bánh manna mà Thiên Chúa đã cho tổ tiên ăn trong hành trình dài vượt qua sa mạc, giờ đây Ngài áp dụng biểu tượng bánh cho chính mình. Ngài nói thật rõ ràng: “Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,48).

Bánh trường sinh có nghĩa là gì? Chúng ta cần bánh lương thực để sống. Người đói không đòi hỏi những loại lương thực tinh chế và đắt tiền, họ chỉ xin bánh mì. Những người thất nghiệp không đòi hỏi mức lương cao ngất ngưởng, mà chỉ là “bánh mì” của việc làm. Chúa Giêsu tỏ lộ Ngài là bánh, nghĩa là sự thiết yếu, là thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày; không có Ngài chẳng có gì thành sự. Không phải là một ổ bánh giữa nhiều ổ bánh khác, nhưng là bánh trường sinh. Nói cách khác, không có Ngài, chúng ta chỉ đối phó thay vì sống: bởi vì chỉ có Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta; chỉ mình Ngài tha thứ cho chúng ta khỏi sự dữ mà chúng ta không thể tự mình vượt qua; chỉ mình Ngài làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương ngay cả khi những người khác làm chúng ta thất vọng; chỉ mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương, và chỉ một mình Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ trong những khó khăn; chỉ mình Ngài tặng ban sự bình an cho tâm hồn mà nó đang tìm kiếm; chỉ mình Ngài ban cho sự sống đời đời khi cuộc sống ở đây trên trái đất này qua đi. Ngài là bánh cần thiết cho sự sống.

Ngài nói, tôi là bánh trường sinh. Chúng ta hãy tạm lắng đọng ở hình ảnh rất đẹp này của Chúa Giêsu. Ngài có thể đưa ra một cơ sở lý luận, một chứng minh, nhưng – như chúng ta biết – Chúa Giêsu nói bằng các dụ ngôn, và trong cách diễn đạt này: “Tôi là bánh trường sinh”, Ngài tóm tắt toàn bộ con người và sứ mệnh của Ngài. Điều này sẽ được nhìn thấy trọn vẹn ở đoạn cuối, trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha yêu cầu Ngài không chỉ ban lương thực cho con người, mà còn ban chính mình Ngài, bẻ mình ra, bẻ chính sự sống của Ngài, thịt của Ngài, trái tim của Ngài để chúng ta có được sự sống. Những lời này của Chúa đã làm bừng dậy trong chúng ta sự kinh ngạc về ân huệ của Thánh Thể. Không ai trên thế gian này có thể biến bản thân trở thành lương thực cho người khác, dù họ có yêu người kia đến mức độ nào. Chúa đã làm như vậy, và đang làm như vậy, cho chúng ta. Chúng ta hãy làm mới sự kinh ngạc này. Chúng ta hãy làm như vậy khi chúng ta tôn thờ Bánh Trường Sinh, vì sự tôn thờ lấp đầy cuộc sống với sự kinh ngạc.

Tuy nhiên ở trong Tin Mừng, thay vì kinh ngạc thì dân chúng lại xem là điều ô nhục, họ xé áo mình ra. “Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?’” (xem các câu 41-42). Có lẽ cả chúng ta cũng có thể xem đó là điều ô nhục: nó có thể làm chúng ta dễ chịu hơn khi có một Thiên Chúa ngự trên trời và không can dự vào đời sống của chúng ta, trong khi chúng ta có thể điều khiển các vấn đề ở đây trên trái đất này. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã trở thành người phàm để đi vào thực tại cụ thể của thế gian này; để đi vào thực tại cụ thể của chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành người phàm cho tôi, cho bạn, cho tất cả chúng ta, để đi vào cuộc sống của chúng ta. Và Ngài quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể trình bày với Ngài về những gì chúng ta đang cảm nhận, công việc của chúng ta, ngày của chúng ta, nỗi đau khổ của chúng ta, nỗi thống khổ của chúng ta, rất nhiều điều. Chúng ta có thể nói với Ngài mọi điều bởi vì Chúa Giêsu muốn có sự mật thiết này với chúng ta. Ngài không muốn điều gì? Đó là bị xem là một món ăn phụ – Ngài là Bánh –, bị xem nhẹ và gạt sang một bên, hoặc chỉ được gọi đến khi chúng ta cần Ngài.

Tôi là bánh hằng sống. Ít nhất chúng ta cùng ngồi ăn chung với nhau mỗi ngày một lần; có thể là vào buổi tối với gia đình của chúng ta, sau một ngày làm việc hoặc học tập. Trước khi bẻ bánh, thật là dễ thương khi mời Chúa Giêsu là Bánh Trường sinh, xin Ngài chúc phúc cho những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta đã thất bại. Chúng ta hãy mời Ngài vào nhà của chúng ta; chúng ta hãy cầu nguyện theo phong cách “ấm cúng gia đình”. Chúa Giêsu sẽ ngồi cùng bàn với chúng ta và chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi một tình yêu lớn lao hơn.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, Đấng mà Ngôi Lời đã trở thành xác thịt trong Mẹ, giúp chúng ta ngày qua ngày phát triển trong tình bạn với Chúa Giêsu là Bánh Trường sinh.

___________________________

Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và anh chị em hành hương từ những quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn và các tín hữu riêng lẻ. Đặc biệt cha gửi lời chào nhóm chăm sóc mục vụ giới trẻ của Verona, các bạn trẻ đến từ Crevalcore, và từ Scandiano, thanh thiếu niên đến từ các nhà Salêdiêng của Triveneto bằng xe đạp. Tốt lắm, cha có lời khen ngợi!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2021]


Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Những hình ảnh đầy cảm xúc về các ngôi nhà thờ bị chìm trong nước


Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Zdenek Matyas Photography | Shutterstock

Joanna Operacz - Lauriane Vofo Kana

06/08/21


Bị nhấn chìm, bị bỏ rơi, nhưng vẫn đứng vững. Ở những quốc gia như Tây Ban Nha, Ý và Macedonia, những nhà thờ có tuổi đời hàng thế kỷ đã chịu đựng được sự thử thách của thời gian và nước. Ngày nay các nhà thờ này cung cấp cho chúng ta quang cảnh ngoạn mục của nét đẹp.

Nằm giữa một hồ nước hoặc con sông, các ngôi nhà thờ chìm trong nước chứng minh cho sự hiện diện của người Kitô hữu qua các thời đại. Nếu những viên đá sống hiện nay chiếm lĩnh các khu thánh địa khác, thì những dấu tích này vẫn là chứng tá cho đức tin sống động của các thế hệ đi trước chúng ta. Môi trường tự nhiên, khi nằm trong bàn tay con người, đã đẩy lùi người dân. Những gì còn tồn tại là các di tích ngoạn mục thu hút khách du lịch và những người hiếu kỳ. Du lịch xuyên lục địa để khám phá một số nhà thờ đẹp nhất chìm trong nước.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Thánh Nicholas, Mavrovo (Bắc Macedonia)

Được xây dựng vào giữa thế kỷ 19 để làm nơi phục vụ cộng đoàn giáo xứ của một ngôi làng nhỏ gần Hồ Mavrovo, ngôi nhà thờ này đã bị nhấn chìm trong nước vào những năm 1950 khi một đập thủy điện được xây dựng.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Tháp chuông nhà thờ Thánh Nicholas, Kaliazine (Nga)

Tháp chuông này dường như nổi trên sông Volga là di tích của Nhà thờ Thánh Nicholas của Chính thống giáo. Nó nằm trên một hòn đảo ở bờ mép hồ chứa Uglitch gần thị trấn Kaliazine. Cho dù việc xây dựng hồ chứa nước này đã nuốt chửng các tu viện và nhà thờ, nhưng các tín hữu vẫn gắn trên tháp những quả chuông mới vào năm 2016: một dấu hiệu của sức sống bền bỉ.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Petrolândia (Brazil)

Chúng ta có thể tham quan những gì còn lại của nhà thờ Petrolândia bằng thuyền — tòa nhà duy nhất có thể nhìn thấy ở đường chân trời. Thị trấn (ngày nay được gọi là Old Petrolândia) nằm ở đông bắc Brazil đã bị ngập chìm khi công trình xây dựng một đập thủy điện vào những năm 1960 bắt đầu.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ San Román de Sau, Vilanova de Sau (Tây Ban nha)

Nhà thờ theo phong cách Rô Măng có từ thế kỷ 11 này nằm ở Catalonia. Nó đã bị nhấn chìm trong quá trình xây dựng một hồ chứa vào những năm 1960. Tùy thuộc vào mực nước của hồ nhân tạo hiện tại, đôi khi bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ tòa nhà.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ ở Geamăna (Romania)

Nhà thờ Chính thống giáo trong làng Geamăna thuộc miền tây bắc Romania chứng kiến một lịch sử bi thương. Là quê hương của một trong những mỏ đồng lớn nhất Châu Âu, sự giàu có của vùng đất này đã trở thành chất độc của nó. Hồ nước đa sắc thực chất là hồ lắng cho chất thải độc hại.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Mân Côi, Shettihalli (Ấn độ)

Được xây dựng bởi các nhà truyền giáo người Pháp vào cuối thế kỷ 19, nhà thờ này đã bị bỏ hoang sau công trình xây dựng đập và hồ chứa Hemavati vào những năm 1970. Nhà thờ nổi lên khỏi mặt nước vào mùa hè, khi mực nước rút xuống.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Thánh Giacôbê ở San Juan, Quechula (Mexico)

Những di tích còn lại của Nhà thờ Thánh Giacôbê xuất hiện trở lại trên bờ sông Grijalva trong những đợt khô hạn. Các tu sĩ Dòng Đa Minh đã xây dựng nhà thờ vào thế kỷ 16, nhưng đợt dịch bệnh tấn công vùng này hai thế kỷ sau đó đã khiến người dân phải rời bỏ nơi đây.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Potosi (Venezuela)

Năm 1985, Potosi là quê hương của gần một nghìn người. Chính quyền Venezuela quyết định xây dựng một con đập tại vị trí ngôi làng, và dân làng buộc phải bỏ nhà cửa và nhà thờ của họ. Khi hạn hán xảy ra, toàn bộ nhà thờ hiện ra.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Curon (Ý)

Đây có lẽ là nhà thờ bị chìm nổi tiếng nhất Châu Âu. Năm 1950, bất chấp sự phản đối của người dân, ngôi làng Curon đã bị phá hủy một phần trước khi bị nhấn chìm. Nhà thờ đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng tháp chuông vẫn được giữ nguyên như cũ. Nằm giữa lòng hồ nhân tạo Resia, ngày nay nó là điểm thu hút khách du lịch.

Những hình ảnh đầy cảm xúc về những ngôi nhà thờ chìm trong nước

Nhà thờ Mediano (Tây Ban nha)

Ngày nay chỉ còn nhìn thấy tháp chuông của ngôi nhà thờ cổ của làng Mediano của người Aragon. Hồ nhân tạo, được xây dựng để cung cấp nước cho một nhà máy thủy điện, đã nhấn chìm nhà thờ từ năm 1973.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/8/2021]