Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico: Phản ánh về ảnh hưởng của lối sống đối với sức khỏe

Đức Thánh Cha Phanxico: Phản ánh về ảnh hưởng của lối sống đối với sức khỏe
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico: Phản ánh về ảnh hưởng của lối sống đối với sức khỏe

Tiếp kiến các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa

28 tháng Tư, 2018 19:24

Ngày 28 tháng Tư, 2018, trong diễn từ trong Đại sảnh Phaolo VI của Vatican Đức Phanxico cảnh báo những mối nguy hiểm của các thay đổi về lối sống không tốt trước các tham dự viên hội nghị quốc tế về y học tái tạo (regenerative medicine) do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa tổ chức với sự hợp tác của Cura Foundation, STOQ và Stem for Life Foundation. Hội nghị diễn ra tại Vatican ngày 26-28 với chủ đề: “Liên kết điều trị – Một sáng kiến chăm sóc sức khỏe toàn cầu.”

Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta đang ngày càng ý thức hơn rằng nhiều tai họa có thể tránh được nếu có sự quan tâm nhiều hơn đến lối sống mà chúng ta chấp nhận và văn hóa mà chúng ta thúc đẩy. Sự phòng ngừa bao gồm cái nhìn xa trông rộng đến con người và môi trường chúng ta sống.

“Điều đó có nghĩa là phải nhắm đến một văn hóa cân bằng, trong đó những yếu tố nền tảng có thể giúp chúng ta sống tốt hơn, với ít mối nguy hiểm hơn cho sức khỏe – bao gồm giáo dục, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, bảo vệ môi trường, tôn trọng những ‘nguyên tắc sức khỏe’ được nhiều tôn giáo thực hành, chẩn đoán kịp thời và chính xác, và còn nhiều yếu tố khác.”

Đức Phanxico nói việc này thậm chí còn quan trọng hơn nữa đối với trẻ em và giới trẻ đang ngày càng có nguy cơ mắc những căn bệnh có liên quan đến các thay đổi cơ bản trong văn hóa hiện đại. Chúng ta phải phản ánh về sự ảnh hưởng đối với sức khỏe do việc hút thuốc, tiêu thụ các chất cồn, và các độc tố bị thải ra trong không khí, trong nước, và lòng đất (x. Tông huấn Laudato si’, 20)”




Diễn từ của Đức Thánh Cha

Xin chào các bạn!

Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến tất cả các bạn. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Ravasi với những lời chào mừng tốt đẹp và đã tổ chức cuộc họp này, thảo luận về nhiều chủ đề rộng lớn vượt ra ngoài một phản ánh mang tính lý thuyết và đưa ra những hướng dẫn mới cho tương lai.

Tôi thật vui được nhìn thấy các bạn từ nhiều nền văn hóa, xã hội, và tôn giáo khác nhau cùng đến để đặt ra một hành trình chung nhằm phản ánh và cam kết trong việc chăm sóc cho bệnh nhân vì sự quan tâm đến nhân vị chính là điều làm chúng ta hợp nhất. Vấn đề về sự đau khổ của con người thách đố chúng ta phải tạo ra những phương tiện tương tác mới giữa các cá nhân và tổ chức, phá vỡ những rào cản và cùng chung sức làm việc để nâng cao việc chăm sóc cho người bệnh.

Tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả những người đã đóng góp cho dự án này của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và những tổ chức khác: Tổ chức Khoa học và Đức tin của Vatican (STOQ), Cura Foundation và Stem for Life Foundation. Đặc biệt, tôi cảm ơn các Bộ của Tòa Thánh đã cùng hợp tác trong công tác này: Phủ Quốc vụ khanh – Phân bộ ngoại giao, Hàn Lâm viện Tòa thánh về Sự sống, Hàn Lâm viện Tòa thánh về Khoa học và Quốc vụ viện Truyền thông.

Công việc của Hội nghị này được tóm tắt trong bốn động từ sau: phòng ngừa, sửa chữa, điều trị và chuẩn bị cho tương lai. Tôi xin trình bày một suy tư ngắn về mỗi động từ này.

Chúng ta đang ngày càng ý thức hơn rằng nhiều tai họa có thể tránh được nếu có sự quan tâm nhiều hơn đến lối sống mà chúng ta chấp nhận và văn hóa mà chúng ta thúc đẩy. Sự phòng ngừa bao gồm cái nhìn xa trông rộng đến con người và môi trường chúng ta sống. Điều đó có nghĩa là phải nhắm đến một văn hóa cân bằng, trong đó những yếu tố nền tảng có thể giúp chúng ta sống tốt hơn, với ít mối nguy hiểm hơn cho sức khỏe – bao gồm giáo dục, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, bảo vệ môi trường, tôn trọng những “nguyên tắc sức khỏe” được nhiều tôn giáo thực hành, chẩn đoán kịp thời và chính xác, và còn nhiều yếu tố khác.

Việc này thậm chí còn quan trọng hơn nữa đối với trẻ em và giới trẻ đang ngày càng có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh có liên quan đến các thay đổi cơ bản trong văn hóa hiện đại. Chúng ta phải phản ánh về sự ảnh hưởng đối với sức khỏe do việc hút thuốc, tiêu thụ các chất cồn, và các độc tố bị thải ra trong không khí, trong nước, và lòng đất (x. Tông huấn Laudato si’, 20). Một số những bệnh u bướu và các vấn đề sức khỏe khác ở người lớn có thể tránh được bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa khi còn nhỏ. Nhưng điều này đòi hỏi phải có hành động toàn cầu; không thể trao phó riêng cho các tổ chức chính phủ và xã hội nhưng đòi phải có cam kết của tất cả. Điều vô cùng cấp thiết là phải thúc đẩy một văn hóa phòng ngừa ở khắp nơi làm bước đi đầu tiên của việc chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta cũng phải biết ơn về những bước tiến lớn của các nghiên cứu khoa học trong việc khám phá và đưa ra những phương pháp điều trị mới, đặc biệt đối với những chứng bệnh hiếm gặp, liên quan đến hệ tự miễn dịch và có hại cho thần kinh, và nhiều căn bệnh khác. Trong những năm gần đây, các tiến bộ trong nghiên cứu tế bào và y học tái tạo (regenerative medicine) đã mở ra những chân trời mới trong các lĩnh vực sửa chữa mô (tissue repair) và các liệu pháp thực nghiệm (experimental therapies); chương quan trọng này trong sự tiến bộ về khoa học và con người được ngụ ý nói đến trong chủ đề của cuộc họp của các bạn: sửa chữa và điều trị. Các bạn càng cam kết trong việc nghiên cứu nhiều hơn thì những khía cạnh này càng trở nên thích đáng và hiệu quả hơn, từ đó đưa ra được những câu trả lời tương xứng, sắc bén và thậm chí cá nhân hóa cho những nhu cầu của bệnh nhân.

Khoa học là một phương tiện mạnh mẽ để hiểu rõ hơn về thế giới tự nhiên và sức khỏe con người. Nó mở ra những triển vọng mới và cung cấp những công nghệ vô cùng tinh tế cho phép chúng ta không những nghiên cứu cấu trúc sâu nhất các sinh vật sống, gồm cả con người, nhưng còn can thiệp sâu và chính xác với mức độ có thể thậm chí là sửa đổi DNA. Đến đây chúng ta nhìn thấy sự cần thiết phải gia tăng ý thức về trách nhiệm đạo đức của chúng ta đối với nhân loại và môi trường chúng ta sống. Giáo hội rất ca ngợi mọi nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng trực tiếp trong việc chăm sóc cho những anh chị em đau khổ của chúng ta, nhưng Giáo hội cũng rất quan tâm đến nguyên tắc căn bản rằng “không phải tất cả mọi thứ có khả năng và có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật đều có thể được chấp nhận về mặt đạo đức.” Khoa học, cũng giống như tất cả những hoạt động khác của con người, ý thức rằng có những giới hạn nào đó phải được tôn trọng vì sự tốt đẹp cho chính nhân loại, và rằng cần phải có một ý thức về trách nhiệm đạo đức. Giải pháp tiến bộ thật sự, như Chân phước Phaolo VI nhắc nhở, là nó phải hướng đến sự tốt lành cho mỗi con người và mọi người (x. Thông điệp Populorum Progressio, 14).

Nếu chúng ta muốn chuẩn bị tốt cho tương lai và bảo đảm sự hạnh phúc của mỗi nhân vị, chúng ta phải phát triển tính nhạy cảm như là phương cách cần thiết để phục vụ. Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với nhau và đối với tất cả mọi loài tạo vật. Vì sức khỏe con người cần phải được xét đến trong bối cảnh rộng lớn, không chỉ bó khuôn trong những nghiên cứu khoa học nhưng cả trong khả năng bảo tồn và bảo vệ môi trường tự nhiên. Cũng cần phải cân nhắc thật kỹ để mọi thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta, đặc biệt những người đang trải qua những khó khăn về xã hội và văn hóa vừa gây nguy hiểm đến sức khỏe của họ vừa cản trở việc tiếp cận được với sự chăm sóc phù hợp.

Do đó suy nghĩ về tương lai có nghĩa là đặt ra một lộ trình gồm hai phần. Trước hết, bám chặt vào bước tiếp cận liên quan đến học thuật mở liên kết nhiều chuyên gia và viện, có thể dẫn đến sự trao đổi kiến thức bổ khuyết cho nhau. Thứ hai là xây dựng những hoạt động cụ thể đại diện cho những người chịu đau khổ. Cả hai hướng này đều kêu gọi tập trung các nỗ lực và ý tưởng gắn kết nhiều cộng đồng: các nhà khoa học và các bác sĩ, bệnh nhân, gia đình, các nhà đạo đức học, các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa, các nhà hảo tâm, và đại diện của các chính phủ và doanh nghiệp. Tôi rất vui vì tiến trình này đang được thực hiện, và Hội nghị này, theo ý nghĩa tượng trưng, đã mang các bạn đến với nhau vì lợi ích cho tất cả mọi người.

Tôi động viên các bạn hãy mạnh dạn và quyết tâm theo đuổi những lý tưởng đã mang các bạn lại bên nhau và đã trở thành một phần trên hành trình học thuật và văn hóa của các bạn. Tôi xin đồng hành với các bạn và chúc lành cho các bạn, và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/4/2018]


Những lần trừ quỷ ít ai biết được thực hiện bởi Đức Gioan Phaolo II và Benedict XVI tại Vatican

Những lần trừ quỷ ít ai biết được thực hiện bởi Đức Gioan Phaolo II và Benedict XVI tại Vatican

20 tháng Tư, 2018
Những lần trừ quỷ ít được ai biết được thực hiện bởi Đức Gioan Phaolo II và Benedict XVI tại Vatican


Trong Giáo hội Công giáo việc thực hành nghi thức đuổi quỷ ra khỏi thân xác của một người đang bị ám được gọi là phép trừ quỷ. Trong khi một số người khi nghe nói đến phép trừ quỷ có thể nghĩ ngay đến bộ phim Người Trừ Quỷ (The Exorcist) năm 1973 được hoan nghênh rất nhiều, nhưng thật ra việc thực hành này là một tiến trình theo từng bước và được mô tả rõ ràng trong đó các giáo sĩ phải làm theo từng bước cụ thể để thực hiện thành công nghi thức.

Tuy nhiên, Giáo hội đánh giá việc bị quỷ ám thật sự là một hiện tượng rất hiếm và cần phải có sự kiểm tra mở rộng để loại trừ trường hợp có thể là do chứng bệnh tâm thần hay thể lý.

Hầu hết mọi người đều không biết rằng cả Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II và Đức Giáo hoàng Benedict XVI đều đã thực hiện những phép trừ quỷ trong Vatican.

“Khi Giáo hội nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô ra lệnh công khai và đầy uy quyền rằng một người hay một vật được bảo vệ chống lại quyền lực của Tà Thần và thoát khỏi sự thống trị của nó, việc đó được gọi là phép trừ quỷ” – Giáo lý Giáo hội Công giáo.

Theo Cha cố Gabriele Amorth, là nhà trừ quỷ của Giáo phận Roma, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã thực hiện phép trừ quỷ đầu tiên của ngài trong cương vị Giáo hoàng ở Vatican ngày 27 tháng Ba năm 1982. Đức Giám mục Ottorino Alberti thuộc thành phố Spoleto, Ý, đem đến một cô gái tên Francesca Fabrizi để xin sự trợ giúp của Đức Giáo hoàng. Sau khi ngài gặp mặt cô gái, cô ta bắt đầu vật vã trên mặt đất không cách gì ngăn lại được, nức nở, cho dù có sự can thiệp của Đức Gioan Phaolo II. Cô tả chỉ dịu lại khi ngài nói “Ngày mai ta sẽ dâng Thánh Lễ cho con.”

Vài năm sau phép trừ quỷ thành công, Francesca Fabrizi hạnh phúc và bình an trở lại thăm viếng Đức Giáo hoàng cùng với chồng và các con. Trong hồi ký riêng của ngài Jacques-Paul Martin, Tổng trưởng đặc trách các vấn đề nội chính thuộc triều đại của Đức Gioan Phaolo II, tường thuật rằng Đức Giáo hoàng nói “Từ trước tới nay cha chưa bao giờ nhìn thấy một điều gì như vầy. Đây là một cảnh trong thánh kinh.”

Đức Gioan Phaolo II thực hiện một phép trừ quỷ khác trong Quảng trường Thánh Phê-rô trong một buổi Tiếp kiến chung hàng tuần vào năm 2000. Một người phụ nữ tên Sabrina được đem đến Vatican, và ngay khi cô ta bước vào quảng trường, cô ta liền bắt đầu la hét và tìm cách lao đến tấn công đức Giáo hoàng, phải có 10 người mới kìm giữ được cô ta. Cô ta bắt đầu sùi bọt mép và hét lên những lời báng bổ. Sau khi kết thúc bài huấn từ hàng tuần, Đức Gioan Phaolo II yêu cầu được gặp Sabrina. Theo Cha Amorth, ngay khi cô ta đến gần Đức Giáo hoàng đôi mắt của cô ta long lên sòng sọc và đầu cô ta hất ngược về phía sau và hét lên “Không, để cho tao yên!” Đức Gioan Phaolo II thực hiện phép trừ quỷ ngay tại chỗ, ban phép lành cho cô ta nhiều lần. Tuy nhiên, lần thực hiện ban đầu đã thất bại không trừ sạch hoàn toàn được cho cô ta và Cha Amorth được yêu cầu thực hiện thêm nhiều lần khác với Sabrina để giải thoát cô được sạch hoàn toàn khỏi quỷ.

Trong khi Cha Amorth xem Đức Gioan Phaolo II là một trong những nhà trừ quỷ uy quyền nhất lúc đó, cha lại đánh giá Đức Benedict XVI thậm chí làm cho quỷ còn sợ hơn.

Tháng Năm, 2009, Cha Amorth đưa hai người đàn ông đến Quảng trường Thánh Phê-rô trong một buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Benedict XVI. Hai người đàn ông, Giovanni và Marco, bắt đầu run lên và răng va đập vào nhau khi đức Giáo hoàng đến gần họ. Khi ngài bước xuống khỏi xe giáo hoàng, cả hai người đàn ông vật mình xuống mặt đất và bắt đầu đập đầu xuống đất và rú lên. Từ một khoảng cách, Đức Benedict XVI giơ tay lên làm phép lành cho hai người. Cha Amorth nói rằng hai người đàn ông quăng bật người về phía sau 10 bộ (1 bộ = 0,3048 m) và bắt đầu thổn thức khi được giải thoát khỏi quỷ ám.


[Nguồn: ucatholic]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2018]