Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Một nhà trừ quỷ chỉ dạy 4 bước tha thứ

Một nhà trừ quỷ chỉ dạy 4 bước tha thứ

Một nhà trừ quỷ chỉ dạy 4 bước tha thứ

Shutterstock

Bret Thoman, OFS

12/01/21


Đây không phải là những bước đi dễ dàng, nhưng chúng sẽ mang đến sự tự do.

Đôi khi, Cha Jim Blount nói, có những thực tại tâm linh hoạt động có thể đang cản trở chúng ta. Cha Blount là một nhà trừ quỷ, hiến dâng cho thừa tác vụ chữa lành và giải thoát. Có khi không có mong muốn tha thứ. Có khi mong muốn tha thứ không trọn vẹn. Thậm chí, có lúc còn có tinh thần không khoan nhượng trong gia đình. Trong những trường hợp như vậy, cần phải cầu xin Chúa ban ơn mong muốn tha thứ, cho sức mạnh và tình yêu để có thể tha thứ.

Nhưng chúng ta có thể cộng tác với ơn của Chúa trong quá trình tha thứ. Để đạt mục tiêu đó, Cha Jim đề nghị thực hiện những bước sau đây để tha thứ hoàn toàn, trọn vẹn và thánh thiện:


1. THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG CỦA Ý CHÍ

Bước đầu tiên đòi hỏi ý chí. Tha thứ bắt đầu với hành động của ý chí. Tức là chúng ta hoàn toàn tự do chọn sự tha thứ.

Tha thứ không dựa trên cảm xúc hay tình cảm. Nó là một quyết định. Chúng ta có thể có bao nhiêu cảm xúc hoặc ý nghĩ, nhưng chính ý chí của chúng ta quyết định sự tha thứ. Đó là quyết định thực hiện việc gì đó, cam kết để quá khứ qua đi. Những ý nghĩ và cảm xúc giúp chúng ta đi đến quyết định đúng đắn, nhưng cuối cùng chính những quyết định của chúng ta mới định đoạt cho cuộc sống chúng ta.

Chúng ta quyết định tha thứ qua ơn chữa lành của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta làm như Người dạy trong Kinh Lạy Cha, “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nếu chúng ta không có lòng thương xót người khác, là chúng ta ngăn chặn lòng thương xót Người hứa ban cho chúng ta.

Cũng như Chúa Kitô đã tha thứ cho những kẻ hành hình Người trên thập giá, chúng ta hãy tha thứ cho những người có thể đã làm hại chúng ta. Chúng ta có thể tha thứ cho bất kỳ ai: cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình, các linh mục, thầy cô giáo, hoặc bất kỳ ai đã làm tổn thương chúng ta, nhưng chỉ nhờ ơn của Chúa Giêsu, và nhờ cam kết mạnh mẽ của ý chí.

Để quyết định tha thứ, hãy làm một hành động của ý chí bằng lời cầu nguyện này: “Tôi tha thứ cho bạn [tên], nhân danh Chúa Giêsu Kitô, bây giờ và mãi mãi.”


2. CHÚC LÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NGƯỢC ĐÃI BẠN

Ở bước thứ hai, chúng ta hãy chúc lành cho những người làm hại mình. Ở đây chúng ta lấy lời chúc lành đáp lại một lời nguyền. Người Kitô hữu không bao giờ đáp trả lời nguyền bằng một lời nguyền rủa; nhưng chúng ta đáp trả bằng một lời chúc lành.

Đó có thể là trường hợp của người đã làm hại tôi nói lời bêu riếu đối với tôi; điều này được gọi là “lời nguyền rủa”. Lời nguyền rủa có thể có sức mạnh rất lớn. Khi một người có uy quyền lên tiếng nguyền rủa, nó gây hại rất lớn: một người mẹ, người cha, người chồng, hoặc anh chị em. Điều này cũng áp dụng cho các nhà tuyển dụng hoặc thầy cô giáo. Những người có quyền nên dùng môi miệng của họ để chúc phúc, nhưng nếu thay vào đó họ lại nguyền rủa, thì điều đó thật ác độc. Chúng ta phải làm ngược lại, và chúng ta làm điều đó bằng cách chúc phúc cho họ.

Đây là bước quan trọng nhất để tha thứ. Cơn giận dữ và lòng thù hận của những vết thương của chúng ta sẽ rời bỏ nhờ hành động chúc phúc. Sự chúc phúc làm tan chảy sự băng giá của tâm hồn. Sự chúc phúc giải tỏa chất độc. Sự chúc phúc chữa lành tâm hồn.

Chúng ta cần trao tặng lời chúc phúc một cách dồi dào và rộng rãi. Qua việc chúc phúc cho một người, chúng ta tuyên bố rằng chúng ta muốn cho họ tất cả những điều Chúa muốn cho họ. Chúc phúc là biểu hiện cho thấy một linh hồn khác cần phải biết đến tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa và nên đón nhận lòng thương xót của Chúa. Sau cùng, Thánh Phaolô dạy, “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em” (Rm 12:14).

Ngay cả khi những tội đã gây ra cho chúng ta là rất khủng khiếp, chúng ta cũng hãy tha thứ những tội đó và chúc lành cho người kia. Chúng ta muốn người đã làm hại mình được chữa lành và phục hồi. Vì vậy, người Kitô hữu cầu nguyện cho những người đã xúc phạm mình và chúng ta bày tỏ mong muốn họ có được niềm vui trong cuộc sống này và cuộc sống đời sau. Chúng ta xin Chúa cho họ được hạnh phúc thật sự và ban cho họ bất cứ điều gì họ cần để được hạnh phúc và viên mãn.

Có lẽ người làm hại chúng ta có những nỗi khổ riêng. Nếu vậy, chúng ta hãy xin cho họ được chữa lành. Có lẽ họ đang bị, hoặc đã bị, nghiện rượu hoặc các chứng nghiện khác. Có lẽ họ đã bị làm hại và cần sự chữa lành cho chính họ. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi bệnh tật.

Trong bước này, sự tha thứ thật sự bắt đầu tuôn chảy. Bây giờ tôi đã tha thứ cho kẻ đã làm hại mình, tôi bắt đầu nhìn mọi sự trong một ánh sáng mới.

Để chúc lành cho một người, hãy thực hiện một hành động của ý chí bằng lời nguyện này: “Tôi thật lòng tha thứ cho bạn, [Tên], nhân danh Chúa Giêsu Kitô, bây giờ và mãi mãi.”


3. LUÔN TẠ ƠN

Bước tiếp theo là khó khăn. Đó là lời kêu gọi đến với sự trưởng thành, lời kêu gọi đến với sự nên thánh. Đó là một bước đi thánh thiện vì nó đòi hỏi chúng ta phải xem mọi thứ như những người bạn của Thiên Chúa — các thánh — nhìn mọi thứ.

Trong bước thứ ba, tôi bắt đầu tìm thấy Đức Kitô cho dù đã phải chịu đựng những vết thương. Chúng ta bắt đầu bằng cách nhớ lại rằng ý định của Thiên Chúa vừa có tác động như là nguyên nhân vừa mang tính tự do. Chúa là căn nguyên của tất cả những điều tốt lành trong cuộc sống của tôi khi Người mang những phúc lành vào cuộc sống của tôi. Có những lúc khác Người để tự do, để những điều tồi tệ xảy ra. Có thể là Chúa để cho tôi bị thương tổn.

Chúa dùng những vết thương và sự đau đớn của tôi để dạy cho tôi tính khiêm nhường và sự lệ thuộc vào Người. Qua những vết thương và nỗi đau đó, tôi hướng về Người và Người chữa lành cho tôi. Như vậy, những vết thương của tôi, mặc dù không phải bởi Chúa gây ra, có thể được chuyển hóa thành liều thuốc điều trị của tôi. Chúng ta có thể cảm ơn những kẻ bắt bớ chúng ta vì những kẻ bắt bớ chúng ta đã đánh thức sự tốt lành của Chúa trong chúng ta. Qua sự đau khổ của tôi, tôi đã học được nhiều điều về đức ái, bản chất thực của tình yêu thẳm sâu nhất. Với quan điểm này, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu tạ ơn Chúa về những vết thương của mình. Với ơn chữa lành của Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận ra rằng chính nhờ những vết thương của mình mà chúng ta đã tìm thấy ơn cứu độ. Vì lý do này, chúng ta hiểu được sự phong phú của điều mà Thánh Phaolô dạy khi ngài nói: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5:18).

Mặc dù chúng ta không bao giờ xin có sự bắt bớ và những vết thương, nhưng chúng có thể là một kênh cho chúng ta về ân sủng của một vụ mùa tốt lành và bội thu. Kinh thánh viết: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24).

Thánh Têrêsa Avila nói “Điều duy nhất chúng ta sẽ cảm tạ Chúa khi lên Thiên đàng chính là những thánh giá của chúng ta.” Thánh Rose of Lima cũng nói tương tự, “Ngoài thập giá, không có bậc thang nào khác để chúng ta có thể lên Thiên đàng.”

Chúa dạy chúng ta đưa thêm má bên kia. Mặc dù những vết thương của chúng ta có thể là kinh khủng, nhưng chúng có thể được tôn vinh bởi Đức Kitô. Cuối cùng, trên thiên đàng những dấu thương chịu đóng đinh của Chúa Kitô không bị tẩy xóa. Chúng được dùng để bày tỏ sự vinh hiển của Thiên Chúa, vì những vết thương trở thành phương thế để các tông đồ có thể nhận ra Chúa và tin tưởng.

Vì vậy, chúng ta nên xin ơn biết tạ ơn Chúa về những vết thương mà chúng ta đã phải chịu trong cuộc đời này vì chúng có khả năng đưa đến sự chữa lành cho chúng ta. Và chúng ta có thể cảm ơn những kẻ đã xúc phạm mình, trong lời cầu nguyện, vì họ là những công cụ của Chúa làm để thánh hoá chúng ta.

Để tạ ơn Chúa, hãy thực hiện một hành động của ý chí với lời cầu nguyện này: “Con cảm tạ Chúa, và tôi cảm ơn anh, [Tên] vì vết thương chữa lành.”


4. NGỢI KHEN CHÚA

Trong bước thứ tư và là bước cuối cùng của sự tha thứ, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta hướng suy nghĩ của mình đến triều đại vinh quang nước Trời của Thiên Chúa, cúi mình trước Thiên Chúa để ngợi khen Người về tất cả những gì Người đã ban cho chúng ta.

Chúng ta chân nhận chính Chúa của chúng ta là nguồn gốc của tất cả sự sống của chúng ta. Thiên Chúa là vị Lương y Nước Trời hết lòng yêu thương, là Đấng đã đến cứu chữa chúng ta giữa tội lỗi và đau khổ, vì ơn cứu độ tốt lành và đời đời của chúng ta.

Thật vậy, như Kinh Thánh nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Chúa Cha quá khao khát sự cứu độ cho thế giới mà Ngài đã tạo ra, đến nỗi đã sai Con của Người đến để chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta có thể biết được lòng nhân từ và tình yêu thương sâu thẳm nhất của Chúa. Được kết hiệp với sự đau khổ của chính Chúa Giêsu, những vết thương của chúng ta có thể trở thành món quà tuyệt vời mở ra cho chúng ta sự sống, tình yêu và sự cứu độ của Thiên Chúa.

Vì vậy, chúng ta ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa Toàn năng về mọi vết thương và đau khổ của chúng ta. Bằng sự khôn ngoan vẹn toàn của Thiên Chúa, Người đã thiết kế mọi thứ vì lợi ích của tôi, ở đây và muôn đời.

Bằng cách ngợi khen Người, chúng ta trả lại tất cả những gì chúng ta đang có và tất cả những gì chúng ta phải chịu đựng cho Thiên Chúa, cội nguồn của tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc sống. Bước này hoàn thành sự tha thứ của chúng ta và dẫn đến việc đón nhận hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.

Tất cả đều nằm trong tay Người, được ra lệnh và sắp đặt bởi Thiên Chúa Quan Phòng; tất cả đều tốt đẹp trong tâm hồn tôi.

Để ngợi khen Thiên Chúa, hãy thực hiện hành động của ý chí bằng lời cầu nguyện này: “Con ngợi khen Chúa và Mẹ Diễm phúc của Người và con xin tôn vinh Chúa vì chương trình nước trời của Người đang cứu thoát con và đưa con đến với niềm vui viên mãn.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2021]


Những thánh nhân sống trong thời kỳ bất ổn lớn

Những thánh nhân sống trong thời kỳ bất ổn lớn

saints

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

09/01/21

Những người nam và nữ này tìm được sự nên thánh ngay cả khi thế giới dường như đang sụp đổ xung quanh họ.

Sau một năm bấp bênh, sợ hãi và đau khổ trên phạm vi toàn cầu, nhiều người trong chúng ta đang đếm ngược từng tháng cho đến năm 2021 với hy vọng rằng năm dương lịch mới sẽ chấm dứt “những thời gian chưa từng có” mà chúng ta đã phải chịu đựng từ tháng Ba. Nhưng cuối năm 2020 đã không xóa được đại dịch, khôi phục nền kinh tế toàn cầu, hoặc giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị của bất kỳ quốc gia nào. May mắn thay, chúng ta biết rằng các vị thánh được rèn giũa trong những thời gian bất ổn, có lẽ còn sẵn sàng hơn cả trong thời gian ổn định. Khi chúng ta tìm cách nên thánh trong một thế giới đầy biến động, chúng ta hãy nhìn vào những vị đã đi trước, những người đã tìm thấy sự nên thánh ngay cả khi thế giới dường như đang sụp đổ xung quanh họ.

Chân phước Jacques Jules Bonnaud (1741-1792) sinh ra ở Haiti nhưng được gửi sang Pháp khi còn nhỏ để tránh những khó khăn mà làn da ngăm đen của ngài mang đến cho ngài khi còn là một cậu bé mang hai chủng tộc ở châu Mỹ. Tại Pháp, cậu được dạy bởi các tu sĩ Dòng Tên và sớm gia nhập Dòng. Khi cậu còn đang trong thời gian đào tạo, dòng Tên bị giải thể ở Pháp và Bonnaud buộc phải tìm một con đường khác để theo đuổi ơn gọi của mình trong một chủng viện của giáo phận. Sau khi được truyền chức, cha Bonnaud sống theo luật Dòng Tên hết mức có thể khi làm linh mục tại Tổng Giáo phận Paris; sau đó ngài trở thành tổng đại diện của Lyon trong ít năm, khi Cách mạng Pháp làm rung chuyển đất nước. Cuối cùng ngài chịu tử vì đạo vì từ chối thề trung thành với nhà nước.

Chân phước Catherine Jarrige (1754-1836) là một nông dân Pháp đã cố gắng đánh bại tính tinh nghịch của mình sau khi trở thành một thành viên dòng Ba Đa Minh. Tuy nhiên, khi cuộc Cách mạng nổ ra, chân phước phát hiện ra rằng Chúa đã khiến chân phước có tính cách đó là có chủ ý. Chân phước đã dành thời gian khủng hoảng để lén lút đưa các linh mục từ nơi này sang nơi khác, bảo đảm rằng không có em bé nào chưa được rửa tội và không ai chết khi không được lãnh các Bí tích. Chân phước đã trêu chọc và đánh lạc hướng những người cách mạng, sử dụng tài diễn xuất châm biếm và ứng biến để cứu những mạng sống. Sau Cách mạng, chân phước trở lại cuộc sống bình lặng hơn để đi xin ăn cho người nghèo, nhưng vẫn giữ được danh tiếng là anh hùng của người Công giáo địa phương.

Bậc Đáng kính Felix Varela y Morales (1788-1853) là một linh mục và chính khách người Cuba, một giáo sư chủng viện có những đóng góp tri thức cho Cuba quá lớn đến mức cha thường được gọi là “người đã dạy chúng tôi cách suy nghĩ”. Khi được cử làm đại diện đến Quốc hội Tây Ban Nha, Cha Varela đã nhân cơ hội đó để lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ chế độ nô lệ và tự do của các thuộc địa Tây Ban Nha. Cha nhận bản án tử hình vì rắc rối của mình, nhưng đã trốn đến New York. Ở đó, cha dành phần còn lại của cuộc sống lưu vong, phục vụ các cộng đồng nhập cư (đặc biệt là người Ireland) và làm việc để thành lập Giáo hội Công giáo ở Mỹ dẫn đầu trong việc hỗ trợ người nhập cư.

Thánh Zygmunt Szcesny Felinski (1822-1895) sinh trong một gia đình Ba Lan kiêu hãnh vào thời Ba Lan chưa có độc lập. Phụ thân mất khi cậu 11 tuổi; năm 18 tuổi, thân mẫu bị đày đến Siberia vì tình cảm thân Ba Lan. Bản thân Zygmunt đã tham gia vào một cuộc cách mạng thất bại trước khi trở thành linh mục giáo phận. Ngài được phong làm tổng giám mục của Warsaw trong khi thành phố bị người Nga bao vây, nhưng phục vụ ở Warsaw chỉ được 16 tháng trước khi bị đày đến Siberia suốt 20 năm. Ngài Tổng giám mục Felinski trải qua phần đời còn lại của mình sống lưu vong ở Ukraine hiện đại.

Thánh Rafael Guízar y Valencia (1878-1938) không biết về sự biến động đang chờ đợi ngài khi thụ phong linh mục ở Mexico năm 23 tuổi. Trong cuộc Cách mạng Mexico, ngài bị buộc phải ẩn náu, sống như một linh mục bí mật trước khi chạy trốn sang Hoa Kỳ, Guatemala và Cuba. Sau những năm sống lưu vong, ngài được phong làm giám mục Veracruz và trở về Mexico. Ngay cả khi đó, ngài vẫn không được an toàn, trải qua một nửa thời gian trong 18 năm làm giám mục của mình sống lưu vong hoặc ở ẩn náu.

Chân phước Natalia Tulasiewicz (1906-1945) là một nhà thơ, một nghệ sĩ vĩ cầm, một giáo viên trung học mắc bệnh lao và ước mơ có bằng Tiến sĩ. Nhưng khi Đức xâm lược Ba Lan, Natalia trở thành một thành viên của cuộc kháng chiến, bí mật dạy văn hóa Ba Lan trước khi lén đến một nhà máy của Đức để mang lại niềm tin và hy vọng cho những phụ nữ Ba Lan bị buộc phải làm việc ở đó. Đức Quốc xã cuối cùng đã bắt gặp luồng gió của các buổi cầu nguyện và tĩnh tâm mà Natalia đang điều khiển và đưa chân phước đến một trại tập trung, nơi chân phước tiếp tục hoạt động như một ngọn hải đăng của hy vọng và một tông đồ cho trại tập trung Ravensbrück cho đến khi chân phước bị giết trong một phòng hơi ngạt.

Bậc Đáng kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) được tấn phong Tổng giám mục Sài Gòn năm 47 tuổi — một tuần trước khi Sài Gòn thất thủ trước lực lượng cộng sản. Vài tháng sau, ngài bị bắt và bị đưa vào trại giam của cộng sản suốt 13 năm, trong đó 9 năm ngài bị biệt giam. Trong thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Văn Thuận đã rao giảng phúc âm cho những người gác tù, cử hành thánh lễ với bàn tay như một chén thánh, và lén truyền đi những thông điệp hy vọng cho giáo dân của ngài. Cuối cùng ngài được tự do nhưng phải lưu vong trong 11 năm cuối đời.

Tôi tớ Chúa Ragheed Aziz Ganni (1972-2007) là một linh mục trẻ nổi tiếng, người chơi bóng đá và thuyết trình tại các đại hội giới trẻ. Ông đã dành chức tư tế để lấy lại tinh thần cho người dân của ngài khi đứng trước các cuộc tấn công khủng bố liên tục nhằm vào các tín hữu Kitô giáo ở quê hương Mosul của ngài. Giáo xứ của cha Ganni đã bị tấn công ít nhất 10 lần, nhưng ngài không sống trong nỗi sợ hãi, nói rằng, “Không có Thánh Lễ Chúa nhật, chúng ta không thể sống.” Ngài đã bị quân khủng bố giết vì từ chối đóng cửa nhà thờ sau khi chúng đe dọa.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2021]