Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa - bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá tưởng nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa - bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 28 tháng Ba 2021



Mỗi năm phụng vụ ngày hôm nay đều khiến chúng ta kinh ngạc: chúng ta chuyển từ niềm vui đón mừng Chúa Giêsu khi Ngài vào thành Giêrusalem sang nỗi đau buồn khi chứng kiến Ngài bị kết án tử hình và sau đó bị đóng đinh. Cảm giác kinh ngạc trong lòng đó sẽ vẫn còn đọng lại với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Chúng ta hãy suy niệm sâu hơn về nó.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc. Dân chúng chào đón Ngài một cách long trọng, nhưng Ngài lại tiến vào Giêrusalem trên một con ngựa con thấp hèn. Dân của Ngài mong đợi một người giải phóng dũng mãnh tại Lễ Vượt Qua, nhưng Ngài lại đến để làm cho Lễ Vượt Qua được kiện toàn bằng cách tự hiến thân. Dân của Ngài đang hy vọng chiến thắng người La Mã bằng gươm đao, nhưng Chúa Giêsu đến để mừng chiến thắng của Thiên Chúa qua thập giá. Điều gì đã xảy ra với những người trong khoảng thời gian một vài ngày đã đi từ tiếng hô vang trời “Hosanna” (hoan hô) đến việc hét lên “Hãy đóng đinh nó”? Chuyện gì đã xảy ra? Họ đi theo một ý tưởng về Đấng Mêsia hơn là chính Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không để cho bản thân được kinh ngạc bởi Ngài. Kinh ngạc không giống như ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể mang tính thế gian, vì nó đi theo những thị hiếu và mong đợi của riêng mình. Mặt khác, ngạc nhiên là mở rộng lòng với người khác và sự mới mẻ họ mang lại. Ngày nay cũng vậy, có rất nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài nói những điều đẹp đẽ; Ngài đầy lòng yêu thương và tha thứ; tấm gương của Ngài đã thay đổi lịch sử,… vân vân. Họ ngưỡng mộ Ngài, nhưng đời sống của họ không thay đổi. Ngưỡng mộ Chúa Giêsu thôi là chưa đủ. Chúng ta phải đi theo bước chân của Ngài, cho phép bản thân được thử thách bởi Ngài; để chuyển từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc.

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá tưởng nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa - bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Điều gì gây kinh ngạc nhất về Chúa và sự Vượt Qua của Ngài? Đó là sự thật rằng Ngài đã đạt đến vinh quang qua sự nhục nhã. Ngài chiến thắng bằng cách chấp nhận đau khổ và cái chết, những điều mà chúng ta sẽ cố gắng tránh khi tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thành công. Như Thánh Phaolô nói với chúng ta, Chúa Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang ... Người còn hạ mình xuống” (Pl 2: 7,8). Đây là điều thật kinh ngạc: nhìn thấy Đấng Toàn năng đã hoàn toàn hạ mình. Để nhìn thấy Ngôi Lời là Đấng thấu suốt mọi sự dạy chúng ta trong thinh lặng từ trên cao của thập giá. Để nhìn thấy vua của các vua lên ngôi trên giá treo thập hình. Nhìn thấy Chúa của vũ trụ trút bỏ mọi thứ và đội lên đầu bằng mão gai thay vì vinh quang. Để nhìn thấy Đấng nhân lành hóa thân, bị sỉ nhục và bị đánh đập. Tại sao lại có tất cả những sự nhục nhã này? Lạy Chúa, tại sao Người muốn chịu đựng tất cả những điều này?

Chúa Giêsu đã làm điều đó cho chúng ta, để tìm kiếm trong sâu thẳm kinh nghiệm con người của chúng ta, toàn bộ cuộc sống của chúng ta, tất cả những sự dữ của chúng ta. Đến gần chúng ta và không bỏ rơi chúng ta trong đau khổ và cái chết của mình. Để cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu đã được nâng lên cao trên thập giá để bước xuống vực thẳm đau khổ của chúng ta. Ngài đã trải qua những nỗi buồn đau đớn nhất của chúng ta: thất bại, mất tất cả, bị người bạn phản bội, thậm chí bị Thiên Chúa bỏ rơi. Bằng cách trải nghiệm trong xác thịt những cuộc chiến đấu và xung đột sâu sắc nhất của chúng ta, Ngài đã đền bù và biến đổi chúng. Tình yêu của Ngài đến gần với sự yếu đuối của chúng ta; nó chạm đến chính những điều mà chúng ta thấy xấu hổ nhất.

Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc: Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn, trong mọi nỗi sợ hãi; không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào có lời nói cuối cùng. Thiên Chúa chiến thắng, nhưng cành thiên tuế chiến thắng đi qua gỗ của thập giá. Vì cành thiên tuế và cây thập giá không thể tách rời.

Chúng ta hãy cầu xin được ơn biết kinh ngạc. Đời sống người Kitô hữu không biết kinh ngạc sẽ trở nên buồn tẻ và ảm đạm. Làm thế nào chúng ta có thể nói về niềm vui khi gặp Chúa Giêsu, nếu hàng ngày chúng ta không kinh ngạc và sửng sốt trước tình yêu của Ngài, điều mang lại cho chúng ta sự tha thứ và cơ hội có một khởi đầu mới? Khi đức tin không còn cảm nghiệm sự kinh ngạc nữa, thì nó trở nên u ám: nó trở nên mù trước những điều kỳ diệu của ân sủng; nó không còn khả năng nếm được Bánh sự sống và nghe được Lời; nó không còn khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của anh chị em chúng ta và món quà của tạo hóa. Nó chẳng còn cách nào khác hơn là nương tựa vào chủ nghĩa trọng luật, chủ nghĩa giáo quyền và vào tất cả những điều mà Chúa Giêsu đã lên án trong chương 23 của Phúc âm theo Thánh Mátthêu.

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá tưởng nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa - bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên thập giá, để nhận được ơn biết kinh ngạc. Khi Thánh Phanxicô Assisi chiêm ngưỡng Chúa bị đóng đinh, ngài thấy ngạc nhiên vì các anh em của ngài không khóc. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có còn rung động trước tình yêu của Thiên Chúa không? Có phải chúng ta đã đánh mất khả năng kinh ngạc trước Ngài không? Tại sao? Có thể đức tin của chúng ta đã trở nên u mê do thói quen. Có thể chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong những sự hối tiếc của mình và để cho bản thân bị tê liệt bởi những thất vọng của chúng ta. Có thể chúng ta đã mất hết niềm tin hoặc thậm chí cảm thấy mình vô dụng. Nhưng có lẽ, đằng sau tất cả những điều “có thể” này, là sự thật rằng chúng ta không mở lòng đón nhận ân tứ của Thần Khí là Đấng ban cho chúng ta ơn biết kinh ngạc.

Chúng ta bắt đầu lại từ sự kinh ngạc. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa yêu con biết bao! Con thật quý giá biết dường nào với Người!” Chúng ta hãy cho phép Chúa Giêsu làm chúng ta kinh ngạc để chúng ta có thể bắt đầu sự sống lại, vì sự vĩ đại của cuộc sống không nằm ở của cải và sự thăng tiến, nhưng ở chỗ nhận ra rằng chúng ta được yêu thương. Đây là sự vĩ đại của cuộc sống: khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương. Và sự vĩ đại của cuộc sống nằm chính trong vẻ đẹp của tình yêu. Trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa bị hạ nhục, Đấng toàn năng bị xua đuổi và loại bỏ. Và với ơn kinh ngạc, chúng ta nhận ra rằng khi chào đón những người bị xua đuổi và bị loại bỏ, khi đến gần những người bị cuộc sống đối xử tệ bạc, là chúng ta đang yêu mến Chúa Giêsu. Vì đó là nơi Ngài ở: trong những anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, trong những người bị từ chối và bị loại bỏ, trong những người mà cái văn hóa tự cho mình đúng của chúng ta lên án.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, ngay sau cái chết của Chúa Giêsu, một biểu tượng tuyệt vời của sự kinh ngạc. Đó là cảnh viên sĩ quan, khi thấy Chúa Giêsu đã chết, liền nói rằng: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Anh ta bị kinh ngạc bởi tình yêu. Anh ta đã nhìn thấy Chúa Giêsu chết cách nào? Anh ta đã thấy Ngài chết vì yêu, và điều này làm anh ta kinh ngạc. Chúa Giêsu đau đớn tột cùng, nhưng Ngài không ngừng yêu thương. Đây là điều thật kinh ngạc trước Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy cái chết bằng tình yêu. Trong tình yêu nhưng không và chưa từng có ấy, viên sĩ quan ngoại giáo đã tìm thấy Chúa. Lời nói của ông ta – Quả thật, người này là Con Thiên Chúa – “chứng thực” cho câu truyện của Cuộc Khổ nạn. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng trước anh ta đã có nhiều người khác ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì những phép lạ và công việc phi thường của Ngài, và đã công nhận rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô đã bắt họ im lặng, vì họ có nguy cơ chỉ dừng lại ở mức độ ngưỡng mộ thuần túy của thế gian với ý tưởng về một Thiên Chúa được tôn thờ và kính sợ về quyền năng và sức mạnh của Ngài. Bây giờ không còn như vậy nữa, vì dưới chân thập giá không thể có sai lầm: Thiên Chúa đã mạc khải mình và trị vì bằng sức mạnh của tình yêu.

Thưa anh chị em, hôm nay Thiên Chúa tiếp tục đổ trí óc và tâm hồn chúng ta bằng sự kinh ngạc. Chúng ta hãy để cho mình ngập tràn sự kinh ngạc đó khi chúng ta chiêm ngắm Chúa bị đóng đinh. Ước mong chúng ta cũng có thể nói rằng: “Người thật là Con Thiên Chúa. Người là Chúa của con.”


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2021]


Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Massimo Salesi | Shutterstock

Marinella Bandini

02/03/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 14: Truyền thuyết nói rằng một giáo hoàng đã là tù nhân trong nhà của thánh nữ.


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 14

Thông tin lịch sử đầu tiên về Vương cung thánh đường Thánh Balbina có từ thế kỷ thứ 6, khi thánh tích của vị tử đạo được chuyển đến đó và nhà thờ được cung hiến cho thánh nữ, nhưng nhà thờ có lẽ đã tồn tại trong thế kỷ 4-5.

Nhà thờ nằm trên “Đồi Aventine nhỏ”, hầu hết mọi người không để ý. Đó là một không gian duy nhất, có lẽ là đại sảnh của một dinh thự tư nhân lớn, sau này được chuyển thành một nhà thờ. Kể từ đó đã có nhiều cuộc trùng tu, đổi mới, thay đổi quyền sở hữu. Năm 1798, nó thậm chí còn được đưa ra bán đấu giá. Ngày nay nó thuộc về Vatican Chapter, nhưng đã được đóng cửa để trùng tu, và chặng đàng Mùa Chay sẽ được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Saba gần đó.

Tu viện liền kề cũng trải qua một số phận tương tự: Nó trở thành trụ sở đầu tiên của Viện Giáo hoàng Agrarian dành cho trẻ em bị bỏ rơi, sau đó là viện giáo dục cho trẻ vị thành niên, rồi tiếp đến là nhà tế bần dành cho những cô gái điếm đã hoàn lương và trở lại đạo. Ngày nay, nó là nhà nghỉ cho người già.

Hầu như không có thông tin gì được biết về Thánh Balbina. Thánh nữ sống ở thế kỷ thứ 2 và là con gái của quan Quirinus người La Mã, người sau đó đã trở lại đạo và chịu tử vì đạo. Người ta tin rằng thánh nữ là người đã khám phá ra những sợi dây xích của Thánh Phêrô.

Theo truyền thuyết, Balbina mắc một căn bệnh về cổ họng. Đức Giáo hoàng Alexander, một tù nhân trong nhà quan Quirinus, đã bảo thánh nữ tìm kiếm những sợi xiềng xích của Thánh Phêrô, và, “khi con tìm được chúng, hãy hôn chúng với lòng thành kính, và con sẽ được chữa lành.” Và chuyện đã xảy ra như vậy!

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt 23:11-12)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Vương cung Thánh đường Santa Balbina (bên ngoài)

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Cửa vào Vương cung Thánh đường Santa Balbina

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Bên trong Vương cung Thánh đường Santa Balbina

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Vương cung Thánh đường Santa Balbina (cung thánh)

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Vương cung Thánh đường Santa Balbina. Trong ngách tường thứ ba bên trái có một bức bích họa của thế kỷ 14 mô tả Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc ngồi trên ngai với bốn tông đồ đứng xung quanh.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Vương cung thánh đường Santa Balbina. Trong ngách thứ tư bên phải, có một bức phù điêu bằng đá cẩm thạch về Khổ hình Thập giá, với Đức Maria Đồng Trinh và Thánh Gioan ở hai bên, được điêu khắc cho mộ của Đức Phaolô II (1460) bởi điêu khắc gia Mino da Fiesole và Giovanni Dalmata.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Balbina, vị tử đạo được chữa lành bệnh bởi những xiềng xích của Thánh Phêrô

Khu nội vi của tu viện liền kề với Vương cung Thánh đường Santa Balbina.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2021]