Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 23.07.2023: Tìm kiếm công việc của Thiên Chúa và học cách nhìn thấy vẻ đẹp của những gì Người đã gieo

Tìm kiếm công việc của Thiên Chúa và học cách nhìn thấy vẻ đẹp của những gì Người đã gieo

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Kính Đức Mẹ

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 23.07.2023: Tìm kiếm công việc của Thiên Chúa và học cách nhìn thấy vẻ đẹp của những gì Người đã gieo

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Cùng với Đức Thánh Cha có một người bà, nhân dịp cử hành Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao niên, và một thanh niên tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Bài Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng (x. Mt 13:24-43). Một nhà nông gieo hạt giống tốt trên cánh đồng của mình, phát hiện ra rằng ban đêm kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào đó, một loại cỏ trông rất giống lúa mì, nhưng lại là cỏ dại.

Bằng cách này, Chúa Giêsu nói về thế giới của chúng ta, về căn bản giống như một cánh đồng mênh mông, nơi Thiên Chúa gieo lúa mì và ma quỷ gieo cỏ lùng, và vì vậy điều tốt và điều xấu cùng lớn lên. Điều tốt và xấu cùng phát triển. Chúng ta thấy vấn đề này trong các bản tin, trong xã hội, và ngay cả trong gia đình và trong Giáo hội. Và khi chúng ta thấy cỏ dại xấu cùng với lúa mì tốt, chúng ta muốn nhổ bỏ chúng ngay lập tức, muốn “quét sạch”. Nhưng hôm nay, Chúa cảnh báo chúng ta rằng làm việc đó là một cám dỗ: người ta không thể tạo ra một thế giới hoàn hảo, và người ta không thể làm điều tốt bằng cách hấp tấp tiêu diệt điều xấu, vì việc đó thậm chí còn gây ra những hậu quả xấu hơn: như chúng ta thường nói kết cục sẽ là “ném chuột bị vỡ đồ”.

Tuy nhiên, có một cánh đồng thứ hai mà chúng ta cần phải dọn dẹp: đó là cánh đồng tâm hồn của chúng ta, cánh đồng duy nhất mà chúng ta có thể can thiệp trực tiếp. Ở đó cũng có lúa mì và cỏ lùng; thật vậy, chính từ đó mà cả hai loại mở rộng ra cánh đồng vĩ đại của thế giới. Thưa anh chị em, quả thật tâm hồn của chúng ta là cánh đồng tự do: nó không phải là một phòng thí nghiệm vô trùng, mà là một không gian rộng mở và do đó dễ bị tổn thương. Để vun trồng nó đúng cách, một mặt cần phải thường xuyên chăm sóc những mầm thiện lành mong manh, mặt khác phải nhận diện và nhổ cỏ dại đúng lúc. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào bên trong và xem xét những gì xảy ra từ khi mới chớm, những gì đang lớn lên trong tôi, những gì tốt và xấu đang lớn lên trong tôi. Có một phương pháp tốt cho việc này: đó là xét mình, xem xét những gì đã xảy ra ngày hôm nay trong cuộc sống của tôi, điều gì đã đánh động trái tim tôi và những quyết định mà tôi đã đưa ra. Và dưới ánh sáng của Thiên Chúa, việc này chính là để kiểm tra đâu là hạt giống xấu và đâu là hạt giống tốt.

Sau cánh đồng thế giới và cánh đồng của tâm hồn, có một cánh đồng thứ ba. Chúng ta có thể gọi nó là cánh đồng của người lân cận. Họ là những người chúng ta kết giao hàng ngày và là người mà chúng ta thường phán xét. Thật dễ dàng nhận ra những cỏ dại của họ, chúng ta thích rất thích “bóc trần” người khác! Và thay vì thế thật vô cùng khó khăn để biết nhìn thấy hạt tốt đang phát triển! Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng nếu chúng ta muốn vun trồng những cánh đồng của cuộc sống, thì điều quan trọng trước hết là phải tìm kiếm công việc của Chúa: học cách nhìn thấy vẻ đẹp của những gì Chúa đã gieo, những bông lúa mì đón nắng với những bông lúa vàng nơi người khác, trên thế giới và trong chính chúng ta. Thưa anh chị em, chúng ta hãy xin ơn để có thể nhìn thấy điều đó nơi chính chúng ta, cũng như nơi những người khác, bắt đầu từ những người gần gũi với chúng ta. Đó không phải là một cách nhìn ngây thơ; đó là cách nhìn tin tưởng, bởi vì Thiên Chúa, người nông dân của cánh đồng mênh mông trên thế giới, thích nhìn thấy sự tốt lành và làm cho nó lớn lên để biến vụ thu hoạch thành một bữa tiệc!

Vì vậy, hôm nay cũng vậy, chúng ta có thể tự hỏi mình một số câu hỏi. Suy nghĩ về cánh đồng thế giới: tôi có biết cách chống lại cám dỗ “vơ đũa cả nắm”, gạt người khác sang một bên bằng những phán xét của mình không? Sau đó, suy nghĩ đến cánh đồng tâm hồn: tôi có trung thực trong việc tìm kiếm cỏ lùng xấu trong chính bản thân, và quyết ném chúng vào ngọn lửa lòng thương xót của Thiên Chúa không? Và, nghĩ đến cánh đồng của người lân cận: tôi có đủ khôn ngoan để nhìn thấy điều tốt mà không nản lòng trước những hạn chế và giới hạn của người khác không?

Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta kiên nhẫn vun đắp những gì Chúa gieo trong cánh đồng cuộc đời, trong cánh đồng của tôi, cánh đồng của người lân cận, cánh đồng của mọi người.

_____________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, trong khi nhiều thanh niên đang chuẩn bị khởi hành đến với Ngày Giới trẻ Thế giới, thì chúng ta cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên. Đây là lý do tại sao bên cạnh cha có một bạn trẻ và một người bà: cháu và bà. Chúng ta cùng cho cả hai người một tràng pháo tay! Ước gì thời gian gần kề nhau của hai Ngày này là một lời mời gọi thúc đẩy sự liên kết giữa các thế hệ, trong việc chia sẻ kinh nghiệm và chăm sóc lẫn nhau giữa người trẻ và người già. Chúng ta đừng quên họ. Và chúng ta cùng vỗ tay hoan hô tất cả những người ông người bà! Vỗ to hơn nữa!

Ở đây, và ở nhiều quốc gia, chúng ta đang trải qua các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt: một mặt, nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng bất thường và các đám cháy kinh hoàng; mặt khác, ở một số nơi có bão lũ, như những trận lũ vừa quét qua Hàn Quốc mấy ngày gần đây. Tôi gần gũi với những người đau khổ và người đang giúp đỡ các nạn nhân và những người phải di tản. Và tôi xin lặp lại lời kêu gọi gửi đến các nhà lãnh đạo Quốc gia, rằng hãy làm một điều gì đó cụ thể hơn để hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm: đó là một thách thức cấp bách và không thể trì hoãn; nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Hãy cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta!

Và bây giờ tôi muốn hướng sự chú ý đến những thách thức đang tiếp tục diễn ra đối với những di dân ở vùng Bắc Phi. Hàng ngàn người, giữa những đau khổ không kể xiết, đã bị mắc kẹt và bị bỏ rơi trong các vùng sa mạc suốt nhiều tuần. Tôi đặc biệt kêu gọi các nguyên thủ quốc gia của Châu Âu và Châu Phi cung cấp cứu trợ và viện trợ khẩn cấp cho những anh chị em này. Để Địa Trung Hải không còn là nơi chết chóc và vô nhân đạo. Xin Chúa soi sáng tâm trí mọi người, khơi dậy những tâm tình huynh đệ, liên đới và hiếu khách.

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là cho Ukraine thân yêu, đất nước đang tiếp tục hứng chịu chết chóc và tàn phá, như việc đã xảy ra đêm qua ở Odessa.

Cha xin chào tất cả anh chị em người dân Roma và khách hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là những anh chị em đến từ Brazil, Ba Lan, Uruguay… có rất nhiều người! Ngoài ra còn có các sinh viên đến từ Buenos Aires và các tín hữu của giáo phận Legnica, Ba Lan. Cha cũng gửi lời chào đoàn du lịch đạp xe “Quarant’anni dopo” từ Cogorno, những người tham gia “Pedalar pela Paz”, và các thiếu nhi được một số cộng đồng ở Lazio đón nhận.

Xin chúc tất cả anh chị em Chúa Nhật phúc lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người bà, cùng với tất cả các ông bà và các cháu chắt.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2023]


Bài giảng Thánh Lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao niên Lần III 23.07.2023

“Ông Bà và những vị cao niên là cội rễ mà người trẻ rất cần để trưởng thành”

Bài giảng Thánh Lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao niên Lần III

Bài giảng Thánh Lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao niên Lần III 23.07.2023

Vatican Media


*******

Vào lúc 10:00 sáng nay, Chúa Nhật XVI Thường niên, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Thánh lễ tại Vương Cung Thánh đường Vatican nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao niên Lần III.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:

__________________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để dạy chúng ta về Nước Thiên Chúa. Ngài kể những câu chuyện đơn giản nhưng chạm đến tâm hồn của người nghe. Ngôn ngữ đầy hình ảnh như vậy, giống như ngôn ngữ mà những người ông người bà thường sử dụng với con cháu của họ, có thể trong lúc đặt cháu ngồi trong lòng. Bằng cách này, họ truyền lại sự khôn ngoan quan trọng cho cuộc sống. Nghĩ đến ông bà và những vị cao niên của chúng ta, với cội nguồn mà người trẻ rất cần để trưởng thành, cha muốn đọc lại ba câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, bắt đầu từ một khía cạnh chung của cả ba chuyện: cùng lớn lên.

Trong dụ ngôn thứ nhất, lúa mì và cỏ lùng phát triển cùng nhau trên một cánh đồng (x. Mt 13:24-30). Hình ảnh này giúp chúng ta nhìn mọi việc một cách thực tế: trong lịch sử loài người, cũng như trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có sự đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, yêu thương và ích kỷ. Cái thiện và ác đan xen vào nhau thậm chí đến mức tưởng chừng như không thể tách rời. Cách tiếp cận thực tế này giúp chúng ta không nhìn lịch sử theo ý thức hệ, theo chủ nghĩa lạc quan vô ích hay chủ nghĩa bi quan độc hại. Người Kitô hữu được thúc đẩy bởi niềm hy vọng vào Thiên Chúa, không phải là những người bi quan; họ cũng không ngây thơ sống trong truyện cổ tích, vờ như không nhìn thấy cái ác và nói rằng “mọi việc đều ổn”. Không, người Kitô hữu là những người thực tế: họ biết rằng có lúa mì và cỏ dại trên thế giới. Nhìn vào cuộc sống của họ, họ biết rằng cái ác không chỉ đến từ “bên ngoài”, không phải hoàn toàn là lỗi của người khác, không cần phải “bịa ra” kẻ thù để chống lại để khỏi phải nhìn vào bên trong mình. Họ nhận ra rằng cái ác đến từ bên trong, trong cuộc đấu tranh nội tâm mà tất cả chúng ta đều trải qua.

Tuy nhiên, dụ ngôn đặt ra một câu hỏi: Khi thấy “lúa mì” và “cỏ lùng” sống cạnh nhau trên đời, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên phản ứng như thế nào? Trong trình thuật, những người đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng ngay lập tức (xem câu 28). Thái độ này xuất phát từ ý định tốt, nhưng lại bốc đồng và thậm chí hung hăng. Họ tự lừa dối mình khi nghĩ rằng họ có thể nhổ tận gốc cái ác bằng chính nỗ lực của họ để làm cho mọi thứ trở nên trong sạch. Thật vậy, chúng ta thường bị cám dỗ tìm cách tạo ra một “xã hội trong sạch” hoặc một “Giáo hội thanh sạch”, trong khi làm việc để đạt được sự trong sạch đó, chúng ta có nguy cơ mất kiên nhẫn, cố chấp, thậm chí bạo lực đối với những người lầm đường lạc lối. Theo cách này, chúng ta nhổ bật lúa tốt cùng với cỏ dại và ngăn cản mọi người tiến lên, phát triển và thay đổi. Thay vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe điều Chúa Giêsu nói: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13:30). Cái nhìn như vậy của Thiên Chúa thật đẹp biết bao, cách Người dạy chúng ta về lòng thương xót. Điều này mời gọi chúng ta kiên nhẫn với người khác, và – trong gia đình, trong Giáo hội và trong xã hội – đón nhận sự yếu đuối, chậm chạp và những hạn chế, không phải để chúng ta quen với thói tật đó hoặc bào chữa cho chúng, nhưng để học cách hành động với sự tôn trọng, chăm sóc lúa mì tốt một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Chúng ta cũng phải nhớ rằng việc thanh tẩy tâm hồn và chiến thắng cuối cùng trước sự dữ là công việc của Thiên Chúa. Và chúng ta, vượt qua cám dỗ phân chia lúa mì với cỏ lùng, được kêu gọi để hiểu những cách thức và thời điểm tốt nhất để hành động.

Đến đây tôi nghĩ về những người ông người bà của chúng ta và những vị cao niên, những người đã đi rất xa trong hành trình của cuộc đời. Nếu họ nhìn lại, họ sẽ thấy rất nhiều điều tốt đẹp mà họ đã làm được. Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy những thất bại, sai lầm, những điều mà – như họ nói – “nếu được quay lại tôi sẽ không làm”. Nhưng hôm nay Chúa trao cho chúng ta một lời dịu dàng mời gọi chúng ta hãy đón nhận mầu nhiệm cuộc sống cách thanh thản và kiên nhẫn, hãy để Chúa phán xét, không sống một cuộc đời tiếc nuối và hối hận. Dường như Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta: “Hãy nhìn đến hạt giống tốt đã nảy mầm trên con đường cuộc đời của con và hãy để nó lớn lên, hãy trao phó mọi sự cho Ta, vì Ta luôn tha thứ: cuối cùng, thiện sẽ mạnh hơn ác”. Tuổi già thật sự là một thời gian được chúc phúc, vì đó là mùa để hòa giải, một thời gian để nhẹ nhàng nhìn vào ánh sáng đã chiếu soi bất kể bóng tối, vững tin vào niềm hy vọng rằng lúa mì tốt do Thiên Chúa gieo trồng sẽ chiến thắng cỏ lùng mà ma quỷ muốn đầu độc tâm hồn chúng ta.

Bây giờ chúng ta chuyển sang dụ ngôn thứ hai. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước Trời là công việc của Thiên Chúa âm thầm hoạt động trong dòng lịch sử, đến mức dường như rất nhỏ bé và không thể nhìn thấy, giống như một hạt cải bé nhỏ. Tuy nhiên, khi hạt giống này lớn lên, “thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13:32). Thưa anh chị em, đời sống của chúng ta cũng giống như vậy, vì chúng ta đi vào thế giới trong tình trạng nhỏ bé; chúng ta trở thành người lớn, rồi già đi. Ban đầu chúng ta giống như một hạt giống rất nhỏ; rồi chúng ta được nuôi dưỡng bởi hy vọng, và những kế hoạch và ước mơ của chúng ta thành hiện thực, và điều đẹp nhất đó là trở nên giống như một cây xanh không sống cho riêng mình mà mang bóng mát cho tất cả những ai khao khát nó và cung cấp không gian cho những người muốn xây tổ ấm ở đó. Như vậy, trong dụ ngôn này những người cùng lớn lên cuối cùng là cái cây trưởng thành và những chú chim nhỏ.

Ở đây tôi nghĩ về ông bà của chúng ta: những cây cối sum suê này thật đẹp vô cùng, con cháu xây “tổ ấm” của riêng chúng trên những “cành” cây này, học được hơi ấm gia đình và cảm nhận được sự dịu dàng của một vòng tay ôm. Đây là việc cùng nhau lớn lên: cây xanh tươi và những trẻ nhỏ cần một tổ ấm, ông bà với con cháu của họ, người già với trẻ thơ. Thưa anh chị em, chúng ta rất cần một mối dây liên kết mới giữa người trẻ và người già, để nhựa sống của những người có kinh nghiệm sống lâu năm sẽ nuôi dưỡng mầm hy vọng của những người đang lớn lên. Trong sự trao đổi hiệu quả này, chúng ta có thể học được vẻ đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội huynh đệ, và trong Giáo hội có thể gặp gỡ nhau và đối thoại giữa truyền thống và sự mới mẻ của Thần Khí.

Cuối cùng là dụ ngôn thứ ba, men và bột cùng dậy lên (x. Mt 13:33). Sự vùi trộn này làm cho toàn bộ bột nổi lên. Chúa Giêsu dùng động từ “vùi vào”. Điều này nhắc nhở chúng ta về “nghệ thuật” hay “bí quyết” của việc “chung sống, hòa nhập và gặp gỡ, ôm lấy và nâng đỡ nhau… Thoát ra khỏi chính mình và kết hợp với người khác” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 87). Đó là con đường vượt qua chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ, để xây dựng một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn. Thật vậy, hôm nay lời Chúa mời gọi chúng ta hãy cảnh giác, không gạt người già ra bên lề gia đình hay cuộc sống của mình. Chúng ta hãy cẩn thận để những thành phố đông đúc của chúng ta không trở thành các “trung tâm của sự cô đơn”; để hoạt động chính trị, vốn được kêu gọi cung cấp cho nhu cầu của những người mong manh nhất, không bao giờ quên người già và cũng không cho phép thị trường xua đuổi họ như một “thứ bỏ đi không mang đến lợi nhuận”. Mong sao chúng ta không chạy theo các kế hoạch không tưởng về tính hiệu quả và hiệu suất ở tốc độ tối đa, kẻo chúng ta không thể chậm lại để đồng hành cùng những người đang cố gắng theo kịp. Xin anh chị em, chúng ta hãy hòa nhập và cùng nhau lớn lên.

Thưa anh chị em, Lời Chúa kêu gọi chúng ta không tách rời, không khép kín hay nghĩ rằng chúng ta có thể làm một mình, nhưng là cùng nhau lớn lên. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta đừng quên ông bà hoặc những người cao tuổi, vì chúng ta thường được nâng đỡ, trở lại đúng đường, cảm nhận được yêu thương và được chữa lành bên trong, tất cả chỉ nhờ sự vuốt ve của họ. Họ đã hy sinh vì chúng ta, và chúng ta không thể gạt họ ra ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta. Cùng nhau phát triển, cùng nhau tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho hành trình của chúng ta!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2023]