Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Chúa chịu Phép Rửa

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Chúa chịu Phép Rửa
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Chúa chịu Phép Rửa

‘Lễ Chúa chịu Phép Rửa là một cơ hội thuận lợi để làm mới lại những lời hứa trong Bí tích Rửa tội của chúng ta với lòng tri ân và xác tín, cam kết từng ngày sống trung thành với nó’

13 tháng Một, 2019 15:37

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 13 tháng Một, 2019, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay, kết thúc phụng vụ Mùa Giáng sinh, chúng ta mừng Lễ Chúa chịu Phép Rửa. Phụng vụ kêu gọi chúng ta hãy hiểu biết Chúa Giê-su nhiều hơn, Đấng mà chúng ta vừa mừng ngày sinh của Người cách đây không lâu. Và do đó, Tin mừng (x. Lc 3:15-16.21-22) phác họa lên hai yếu tố quan trọng: mối quan hệ của Chúa Giê-su với dân chúng, và mối quan hệ của Chúa Giê-su với Chúa Cha.

Trong trình thuật về Phép Rửa, được Gioan Tẩy Giả làm cho Chúa Giê-su trong dòng sông Gio-đan, trước hết chúng ta nhìn thấy vai trò của dân chúng. Chúa Giê-su ở giữa mọi người. Đó không chỉ là hậu cảnh cho một toàn cảnh nhưng là một phần quan trọng của biến cố. Trước khi chìm mình xuống dòng nước, Chúa Giê-su “chìm mình giữa đám đông”; Người hòa mình vào đám đông để mặc lấy trọn vẹn tình trạng của con người, chia sẻ tất cả mọi sự, ngoại trừ tội. Trong thiên tính của Người, đầy ơn sủng và lòng thương xót, Con Thiên Chúa hạ mình mang lấy xác thịt chính là để gánh lấy và cất đi tội của trần gian: để gánh lấy những đau khổ của chúng ta, tình trạng con người của chúng ta. Vì vậy, biến cố hôm nay cũng là một sự hiển linh, vì qua việc đến để được Gioan làm Phép Rửa, lẫn vào giữa dòng người sám hối của dân chúng, Chúa Giê-su tỏ rõ luận lý và ý nghĩa của sứ mạng của Người. Qua cách cùng hòa chung vào dòng người đến xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép sám hối, Chúa Giê-su chia sẻ với họ khao khát sâu thẳm được canh tân tâm hồn. Và Chúa Thánh thần ngự xuống trên Ngườii “dưới hình dáng chim bồ câu” (c. 22) là dấu chỉ cho thấy rằng một thế giới mới được bắt đầu từ Chúa Giê-su, một “tạo vật mới,” đó là tất cả những người đón nhận Chúa Giê-su vào cuộc sống của họ. Với mỗi người chúng ta đã được tái sinh với Đức Ki-tô trong Phép Rửa tội, cũng được đón nhận lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c. 22). Tình yêu này của Chúa Cha, tình yêu mà tất cả chúng ta đón nhận trong ngày lãnh nhận Phép Rửa tội, là một ánh lửa nhóm lên trong tâm hồn chúng ta và cần phải được nuôi dưỡng qua sự cầu nguyện và bác ái.

Yếu tố thứ hai được tác giả tin mừng Luca nhấn mạnh là, sau khi chìm mình trong đám đông dân chúng và dưới dòng nước của sông Gio-đan, Chúa Giê-su “đắm mình trong sự cầu nguyện, tức là trong sự hiệp nhất với Chúa Cha.” Phép Rửa tội là sự khởi đầu cho đời sống công khai của Chúa Giê-su, cho sứ mạng của Người trên trần gian, theo như Chúa Cha đã sai Người xuống, để tỏ lộ sự tốt lành và yêu thương của Người cho nhân loại. Sứ mạng này được thực hiện trong sự hiệp nhất trọn vẹn và không gián đoạn với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Để được trung thành và trổ sinh hoa trái, sứ mạng của Giáo hội và sứ mạng của mỗi người chúng ta là phải “lồng ghép” vào trong sứ mạng của Chúa Giê-su. Đó chính là liên tục rao giảng phúc âm và làm việc tông đồ bằng sự cầu nguyện, thể hiện chứng tá Ki-tô hữu, không theo những chương trình của con người, nhưng theo chương trình và cách thức của Chúa.

Anh chị em thân mến, Lễ Chúa chịu Phép Rửa là một cơ hội thuận lợi để làm mới lại những lời hứa trong Bí tích Rửa tội của chúng ta với lòng tri ân và xác tín, cam kết từng ngày sống trung thành với nó. Một điều cũng vô cùng quan trọng — như cha đã nói với anh chị em một số lần –, là phải nhớ ngày rửa tội của mình. Cho cha hỏi: trong anh chị em ai nhớ được ngày rửa tội của mình? Chắc không phải tất cả đều nhớ. Nếu ai trong anh chị em không biết, thì khi về nhà hãy hỏi cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, cha mẹ đỡ đầu, bạn bè của gia đình … Hãy hỏi: “Con được rửa tội ngày nào vậy?” Và rồi đừng quên nó: ước mong rằng ngày đó được ghi khắc trong tim anh chị em và mừng nó hàng năm.

Nguyện xin Chúa Giê-su, Đấng đã giải thoát chúng ta không phải vì công trạng của chúng ta nhưng là để thi hành sự tốt lành vô bờ của Chúa Cha, giúp chúng ta biết thể hiện lòng thương xót với tất cả mọi người. Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, Mẹ đầy Lòng Thương xót, là người dẫn dắt và là mẫu gương cho chúng ta.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Chúa chịu Phép Rửa

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Cha xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những người Roma thân yêu và khách hành hương.

Tôi xin chào các giáo sư và sinh viên của Đại học Los Santos de Maimona và Talavera la Real, Tây Ban nha; các nhóm giáo xứ đến từ Ba lan, và Phong trào Neo-Catechumens của Ba lan — cha đoan chắc là anh chị em đến đây để mừng sinh nhật của Kiko! — và tín hữu của Loreto và Vallemare, thuộc tỉnh Rieti.

Theo truyền thống của lễ này, sáng nay cha rất vui đã làm phép rửa tội cho một nhóm các trẻ sơ sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bé và gia đình của các bé. Và nhân dịp này, một lần nữa cha mời gọi tất cả mọi người hãy giữ thật sống động trong ký ức mình về ngày Rửa Tội. Nguồn cội đời sống trong Chúa của chúng ta là ở đó, nguồn cội của đời sống trường sinh của chúng ta là ở đó, là món quà mà Chúa Giê-su Ki-tô đã tặng ban cho chúng ta qua sự Nhập thế, cuộc Khổ nạn, cái Chết, và sự Phục sinh, của Người. Những nguồn cội đều từ trong Bí tích Rửa tội! Và chúng ta đừng bao giờ quên ngày Rửa tội của chúng ta.

Mùa Giáng sinh đã kết thúc, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục phụng vụ với hành trình của Mùa Thường Niên. Cũng như Chúa Giê-su sau Phép Rửa của Ngài, chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn trong tất cả mọi việc chúng ta làm bởi Chúa Thánh Thần. Nhưng để được như vậy, chúng ta phải kêu cầu Người! Chúng ta hãy học cách khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần nhiều hơn trong mọi ngày, để có thể thực hiện mọi công việc bình thường bằng tình yêu thương, và từ đó biến chúng thành phi thường.

Chúc anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2019]


40 nhà thừa sai Công giáo bị giết trong năm 2018 trên khắp thế giới, gần gấp đôi so với năm ngoái

40 nhà thừa sai Công giáo bị giết trong năm 2018 trên khắp thế giới, gần gấp đôi so với năm ngoái

40 nhà thừa sai Công giáo bị giết trong năm 2018 trên khắp thế giới, gần gấp đôi so với năm ngoái

7 tháng Một, 2019
Trong suốt năm 2018, 40 nhà thừa sai Công giáo trên khắp thế giới đã bị giết, một con số gần gấp đôi so với tổng số năm trước là 23.

Ngày 25 tháng Một năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Không biết bao nhiêu anh em của chúng ta ngày nay bị bách hại vì danh Đức Giê-su!”

Theo dữ liệu thu thập từ Agenzia Fides, cơ quan thông tấn của Dòng Truyền giáo Tòa Thánh thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc, 40 nhà thừa sai đã bị sát hại trong năm 2018: 35 linh mục, 4 giáo dân, và 1 chủng sinh. Con số gần gấp đôi so với tổng số 23 nhà thừa sai bị giết năm 2017.

Trong suốt tám năm qua, Châu Mỹ La tinh ghi nhận số các nhà thừa sai bị sát hại nhiều nhất. Năm 2018 Châu Phi đứng đầu, với số báo cáo 19 linh mục, 1 chủng sinh, và 1 nữ giáo dân bị sát hại. Châu Mỹ Latinh với 12 linh mục và 3 giáo dân bị sát hại, trong khi Châu Á có 12 linh mục bị giết và Châu Âu có 1 linh mục bị giết.

“Ngay trong năm nay có các nhà thừa sai bị mất mạng trong những vụ trấn lột và cướp, những tội hung tợn, trong các bối cảnh xã hội bần cùng và thấp kém, nơi mà bạo lực là luật của cuộc sống, giới cầm quyền và nhà nước thiếu quan tâm hoặc yếu kém vì tham nhũng và những thỏa hiệp, hoặc nơi tôn giáo được sử dụng theo những mục tiêu khác.”

Fides giải thích rằng họ dùng định nghĩa nhà thừa sai theo ý được nêu trong Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxico, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng “nhờ phép rửa tội, tất cả mọi thành viên của Dân Chúa đều đã trở thành các môn đệ thừa sai.” Họ cho biết thêm rằng họ không chỉ liệt kê những nhà thừa sai ad gentes theo nghĩa hẹp, nhưng là tất cả những người đã được rửa tội gắn kết vào đời sống của Giáo hội và đã chịu chết do bạo lực.

“Tất cả mọi linh mục, tu sĩ, và giáo dân cùng chia sẻ cuộc sống thường nhật mỗi ngày, mang đến cho họ chứng tá phúc âm của sự yêu thương và phục vụ mọi người, như là dấu chỉ của hy vọng và hòa bình, cố gắng xoa dịu những sự đau khổ của người hèn kém và lên tiếng bảo vệ cho những quyền bị chà đạp của họ, lên án những cái ác và bất công. Ngay cả trong những tình huống nguy hiểm đến sự an toàn của bản thân, và theo yêu cầu của giới hữu trách dân sự hoặc các bề trên của họ, các nhà Thừa sai vẫn kiên cường ở lại vị trí của họ, ý thức về những sự nguy hiểm mà họ đang đối mặt, để thể hiện đúng trách vụ mà họ được trao phó.”

Một bản tin phát hành báo chí của Agenzia Fides có thể tìm được ở đây (dạng Microsoft Word), cho biết chi tiết họ tên và lý lịch của tất cả các nhà thừa sai bị sát hại trong năm 2018.



[Nguồn: ucatholic]

[Chuyển Việt ngữ: TRI HOAN 13/1/2019]