Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Sự có mặt của Vatican tại Olympics?

Sự có mặt của Vatican tại Olympics?

Ủy ban Olympic Quốc tế mời Phái đoàn Tòa Thánh

5 tháng Hai, 2018
Sự có mặt của Vatican tại Olympics?
Olympics © Copyright 2017
Ngày 9 tháng Hai, 2018, lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bình xương (Pyeongchang) ở Hàn Quốc, hứa hẹn một bữa tiệc của những vận động viên Olympic.

Đoàn sẽ bao gồm gần 3.000 vận động viên từ 92 quốc gia tham gia 102 trận thi đấu, các huấn luyện viên, bạn bè, bà con thân thuộc, cổ động viên – và một phái đoàn từ Tòa Thánh. Phái đoàn của Tòa Thánh nhận lời mời từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) – lần đầu tiên.

Đức ông Melchor Sanchez de Toca, thứ trưởng Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa sẽ dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh, Vatican News tường thuật ngày 2 tháng Hai, 2018. Ngoài sự kiện khai mạc ngày 9 tháng Hai, phái đoàn sẽ tham dự một cuộc họp với các thành viên IOC vào đầu tuần với tư cách là những quan sát viên.

Theo tinh thần của thế vận hội, Đức ông Sanchez de Toca sẽ tặng Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach, và các vận động viên Hàn quốc các áo thung của “Vận động viên Vatican.” Không, Vatican không có nhóm vận động viên tham dự Olympics Mùa Đông 2018, nhưng Tòa Thánh và Đức Thánh Cha cổ vũ rất mạnh cho thể thao như là một công cụ để phá vỡ những rào cản quốc tế và thúc đẩy hòa bình.

Rất nhiều yếu tố đòi hỏi phải có để đạt đến thành công trong thể thao cũng phản ánh những gì cần có để tiến đến được một thế giới hòa bình và công bằng, theo Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác ở Geneva.

Ngày 28 tháng Mười Một, 2017, ngài nói tại SIGA (Liên minh Toàn cầu sự Toàn vẹn Thể thao) Phiên họp Đặc biệt Geneva, ở Geneva.

“Trong thời đại hôm nay, dường như chúng ta nhấn mạnh quá nhiều đến kết quả cuối cùng của những nỗ lực hơn là hành trình để đạt đến những mục tiêu,” Đức Tổng Giám mục Jurkovic nói. “Có vẻ như mọi người đặt nhiều giá trị vào mục tiêu hơn và ít chú ý đến những bước tiến quan trọng và cần thiết phải có để đạt được chúng.

“Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều hiểu rằng đạt được một mục tiêu đòi hỏi sự rèn luyện, thực hành, nỗ lực, và rất nhiều quyết tâm và hy sinh.”

Ngài Tổng Giám mục giải thích rằng thể thao mang đến ba bài học có thể áp dụng trong bối cảnh rộng lớn hơn:

Một công cụ cho sự phát triển của con người: “Giáo hội thường sử dụng phép ẩn dụ của tinh thần thể thao như là một hình ảnh của sự chín muồi.”

Hội nhập và đoàn kết quốc tế: “Thể thao … trở thành một công cụ để giáo dục con người hiểu được tầm quan trọng của sự chia sẻ, tình bạn và sự tôn trọng người khác, như là giá trị to lớn của tình đoàn kết.”

Vượt qua được những lợi ích kinh tế và sự ích kỷ: “trong thể thao, cũng như trong cuộc sống, cạnh tranh để đạt kết quả là quan trọng, nhưng chơi đẹp và chơi công bằng còn quan trọng hơn nhiều!” (Đức Thánh Cha Phanxico, 2016)

Đức Tổng Giám mục Jurkovic kết luận bằng câu nói rằng “Giáo hội gán giá trị rất lớn cho những mối dây liên quan đến thể thao,” ngài phân tích “thể thao làm cho người chơi biết quan tâm đến những ích lợi của người khác và dẫn họ vào ý thức về tình anh em và sự trung thực, góp phần xây dựng một xã hội dân sự trong đó sự ganh đua thay thế cho sự đối kháng, sự đồng thuận thay thế xung khắc, và sự đối mặt trung tín thay thế cho sự chống đối đầy ác ý.”

Đức Thánh Cha Phanxico đã dành riêng ý cầu nguyện tháng Tám 2016 cho sự tác động tích cực của thể thao: “Thể thao có thể trở thành một cơ hội cho những sự gặp gỡ thân mật giữa các dân tộc và có thể góp phần cho nền hòa bình thế giới.”

Thể thao là những phương cách rèn luyện đức tính trong cuộc sống, Đức Thánh Cha Phanxico nói trong phần cuối của Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 6 tháng Tư, 2016 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nhắc lại ngày đánh dấu Ngày Thể Thao Quốc tế vì Phát triển và Hòa bình Lần thứ Ba, được Liên Hợp quốc công bố.

Ngài nói, “Thể thao là một ngôn ngữ quốc tế, nó đem các dân tộc lại gần nhau và có thể góp phần giúp các cá nhân gặp gỡ và vượt qua những xung khắc.” 

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục, “Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em sống chiều kích thể thao như là một cách rèn luyện đức tính trong sự phát triển toàn diện của các cá nhân và cộng đồng.”

Theo các nhà tổ chức, phái đoàn của Tòa Thánh sẽ gặp gỡ tại Olympic là nơi tập trung văn hóa toàn cầu, với thức ăn, mua sắm, giải trí và nơi thờ phụng. Nhưng Tòa Thánh tìm thấy những tia hy vọng. Ví dụ, các vận động viên của Triều Tiên – Bắc và Nam Hàn – sẽ cùng diễu hành với nhau trong lễ khai mạc.

Theo Đức ông Sanchez de Toca, điều này cho thấy có “sự hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn … và nó đưa ra một ví dụ mạnh mẽ về một thế giới hòa bình sẽ như thế nào.”

Olympics Mùa Đông 2018 sẽ tiếp tục đến ngày 25 tháng Hai.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2018]


Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị “Thảo luận tình trạng Bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo”

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị “Thảo luận tình trạng Bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo”

‘Bạo lực là sự phủ nhận mọi cách bày tỏ niềm tin đích thực’

2 tháng Hai, 2018
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị “Thảo luận tình trạng Bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican diễn từ của Đức Thánh Cha trong Hội nghị “Thảo luận Tình trạng Bạo lực được Thực hiện Nhân danh Tôn giáo” tại Vatican:


* * *


Các bạn thân mến,

Tôi xin gửi lời chào mừng nồng hậu và cảm ơn sự hiện diện của quý vị. Thật vô cùng ý nghĩa khi các giới chức chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo gặp gỡ để thảo luận về cách trả lời cho những hành động bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo.

Tôi xin bắt đầu bằng việc lặp lại điều tôi thường nói, đặc biệt trong chuyến thăm viếng Ai-cập: “Thượng Đế, Đấng yêu thương sự sống, không bao giờ hết yêu thương con người, và vì thế Ngài răn dạy chúng ta phải từ bỏ con đường bạo lực. Đặc biệt trong thời đại của chúng ta hôm nay, các tôn giáo được kêu gọi tôn trọng lệnh truyền này, vì, với tất cả những sự thiếu thốn của chúng trước Đấng Tuyệt Đối, chúng ta phải từ bỏ mọi ‘sự tuyệt đối hóa’ nhằm biện minh cho bạo lực. Vì bạo lực là sự phủ nhận mọi cách bày tỏ niềm tin đích thực … Chúng ta có trách nhiệm phải tố cáo những sự vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những nỗ lực nhằm bào chữa cho mọi hình thức thù hận nhân danh tôn giáo, và lên án những nỗ lực này như là những hình ảnh biếm họa của Thượng đế” (Diễn từ trước các Tham dự viên trong Hội nghị Hòa bình Quốc tế, Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, 28 tháng Tư 2017).

Bạo lực được thúc đẩy và được thực hiện nhân danh tôn giáo chỉ làm mất thể diện của chính tôn giáo. Do đó, những bạo lực như vậy phải bị kết án bởi tất cả mọi người, và đặc biệt bởi những con người tôn giáo thật sự, những người biết rằng Thượng Đế luôn là Đấng tốt lành, yêu thương và thương xót, và hiểu rằng trong Ngài không có chỗ cho sự thù hận, sự phẫn uất và trả thù. Con người tôn giáo biết rằng những sự báng bổ lớn nhất chính là viện dẫn Thượng Đế như là cách biện minh cho những tội lỗi và tội ác của một người, viện dẫn Người ra để biện minh cho sự sát nhân, giết người hàng loạt, bắt nô lệ, bóc lột dưới bất cứ hình thức nào, đàn áp và bách hại các cá nhân và cả dân tộc.

Người của tôn giáo biết rằng Thượng Đế là Đấng Thánh, và không ai được sử dụng danh của Ngài để thực hiện tội ác. Mọi nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm lật mặt nạ bất kỳ ý đồ dùng Thượng Đế để đạt những mục đích chẳng có gì liên quan đến Ngài hay cho vinh quang của Ngài. Với nỗ lực không ngừng, chúng ta phải cho thấy rằng mọi sự sống con người đều thiêng liêng, nó xứng đáng được tôn trọng, yêu mến, thương xót và liên đới, bất kể sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, hay quan điểm ý thức hệ và chính trị.

Thuộc một tôn giáo nào đó không có nghĩa là có thêm giá trị và quyền đối với các cá nhân, hay không thuộc một tôn giáo thì bị chối bỏ hay loại trừ.

Như vậy cần có một cam kết chung về phía các giới chức chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các thầy cô giáo và những người gắn kết trong những môi trường giáo dục, huấn luyện và truyền thông, phải cảnh báo tất cả những người bị lôi kéo bởi những hình thức ngoan cố của loại tín ngưỡng sai lạc mà nó không liên quan gì đến niềm tin của một tôn giáo với tên gọi xứng đáng của nó.

Điều này giúp cho tất cả những người thiện chí tìm kiếm Thượng Đế sẽ gặp gỡ Ngài trong sự thật, để gặp gỡ Đấng cho chúng ta sự tự do thoát khỏi những sợ hãi, thù hận và bạo lực, và Đấng khao khát sử dụng tính sáng tạo và năng lực của mỗi người để loan truyền chương trình yêu thương và hòa bình của Ngài, nó được tặng ban cho tất cả.

Thưa quý ông quý bà, một lần nữa tôi đánh giá rất cao sự sẵn sàng gắn kết trong việc phản ánh và đối thoại về một chủ đề với nội dung gây ấn tượng sâu sắc như vậy, và sự đóng góp chuyên môn của quý vị cho sự phát triển một văn hóa hòa bình luôn được đặt nền tảng trên sự thật và sự yêu thương. Xin Chúa chúc lành cho quý vị và cho công cuộc của quý vị. Cảm ơn quý vị.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2018]