Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 27 tháng Ba, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, buongiorno!

Tin mừng cho Phụng vụ Chúa nhật này kể lại Dụ ngôn được gọi là Người con Hoang đàng (x. i15:11-32). Dụ ngôn dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa là Đấng luôn luôn tha thứ từ bi và dịu dàng. Luôn luôn, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Chúng ta mới là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ, nhưng Chúa luôn tha thứ. Dụ ngôn kể cho chúng ta rằng Thiên Chúa là một người Cha không chỉ chào đón chúng ta trở về, nhưng vui mừng và tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho người con trở về sau khi đã tiêu xài hoang phí hết tất cả tài sản của nó. Chúng ta là người con đó, và thật xúc động khi nghĩ về Chúa Cha luôn luôn yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta.

Nhưng trong dụ ngôn còn có một người con lớn gặp khủng hoảng trước mặt cha mình. Nó cũng có thể khiến cho chúng ta khủng hoảng. Thật vậy, người con lớn này cũng ở trong chúng ta, và chúng ta bị cám dỗ nghiêng về phía anh ta, ít nhất phần nào đó: anh ta luôn chu toàn bổn phận của mình, anh ta không bỏ nhà ra đi, vì thế anh ta thấy phẫn nộ khi nhìn thấy người Cha ôm choàng lấy đứa con sau khi nó đã cư xử rất tệ bạc. Anh ta phản đối và nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Thay vào đó, với “thằng con của cha đó”, cha đã đi xa quá đến mức tổ chức ăn mừng! (x. cc. 29-30) “Con không hiểu được cha nữa!” Đây là sự phẫn nộ của người con lớn.

Những lời này minh họa vấn đề của người con lớn. Anh ta đặt mối tương quan của bản thân với Cha chỉ thuần túy dựa trên việc tuân thủ những mệnh lệnh, trên tinh thần bổn phận. Đây cũng có thể là vấn đề của chúng ta, vấn đề giữa chúng ta và với Thiên Chúa: quên đi rằng Người là Cha, và sống đời sống tôn giáo xa cách, chỉ bao gồm những điều cấm đoán và bổn phận. Và hậu quả của sự xa cách này là sự cứng nhắc đối với người lân cận mà chúng ta không còn coi là anh chị em nữa. Thật vậy, trong dụ ngôn, người con lớn không nói chữ em con với người Cha. Không, anh ta nói thằng con của cha đó, như thể nói rằng “nó không phải là em của tôi.” Cuối cùng, anh ta liều đứng ở ngoài nhà. Thật vậy, văn bản nói: “anh ta không chịu vào nhà” (c. 28), vì có người em ở trong đó.

Thấy vậy, người cha đi ra năn nỉ anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (c. 31). Ông cố gắng làm cho người con lớn hiểu rằng đối với ông, mỗi đứa con là tất cả đối với cuộc đời của ông. Những người biết rõ điều này là bậc làm cha mẹ là những người rất gần gũi với tình cảm như Thiên Chúa. Trong một tiểu thuyết có một người cha nói một câu thật đẹp: “Khi tôi trở thành một người cha, tôi sẽ hiểu được Thiên Chúa (H. de Balzac, Il padre Goriot, Milano 2004, 112). Ở điểm này trong dụ ngôn, người Cha trải lòng với người con lớn và bày tỏ hai nhu cầu, không phải là mệnh lệnh, nhưng là những điều cần thiết cho tâm hồn của người con lớn: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 32). Chúng ta cũng phải xem trong lòng mình có hai điều mà Chúa Cha cần: phải ăn mừng và vui vẻ.

Trước hết, ăn mừng có nghĩa là thể hiện rằng chúng ta gần gũi với những người ăn năn hoặc những người đang trên đường, với những người đang gặp khủng hoảng hoặc những người xa cách. Tại sao chúng ta phải làm điều này? Bởi vì điều này giúp vượt qua nỗi sợ hãi và sự chán nản có thể ập đến từ việc nhớ lại tội của một người. Những người đã phạm lỗi lầm thường cảm thấy bị cắn rứt trong lòng. Xa lánh, thờ ơ và những lời cay nghiệt không giúp được gì. Vì vậy, cũng giống như Chúa Cha, cần phải cho họ sự chào đón ấm áp để động viên họ tiến tới. “Nhưng thưa cha, hắn ta đã làm quá nhiều điều”: hãy có sự chào đón ấm áp. Và chúng ta, chúng ta có làm điều này không? Chúng ta có tìm kiếm những người đã bỏ đi xa không? Chúng ta có muốn ăn mừng với họ không? Một tấm lòng rộng mở, lắng nghe chân thành, một nụ cười hiền hòa có thể làm được biết bao sự tốt đẹp; hãy mừng vui, đừng làm cho họ cảm thấy khó chịu! Và người Cha đã có thể nói: “Thôi được rồi con trai, về nhà đi, vào chỗ làm việc, vào phòng, chuẩn bị bản thân và công việc! Và đây cũng có thể là một cách tốt để tha thứ. Nhưng không! Thiên Chúa không biết cách tha thứ mà không ăn mừng! Và Chúa Cha ăn mừng vì Người hân hoan khi thấy đứa con trở về.

Và rồi cũng như Chúa Cha, chúng ta cần phải vui mừng. Khi một người có tấm lòng đồng điệu với Thiên Chúa sẽ nhìn thấy sự ăn năn của người khác, họ mừng vui, bất kể người kia đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng đến mức nào. Đừng khư khư tập trung vào những lỗi lầm, đừng chỉ ngón tay vào những điều sai trái họ đã phạm, nhưng hãy mừng vui trước điều tốt lành vì sự tốt lành của người khác cũng là của tôi! Và chúng ta, chúng ta có biết cách để mừng vui vì người khác không?

Cha muốn kể lại một câu chuyện tưởng tượng, nhưng là câu chuyện giúp minh họa tấm lòng của người cha. Ba hoặc bốn năm trước có một vở kịch nhạc pop về đứa con hoang đàng với toàn bộ câu chuyện. Và cuối cùng, khi người con đó quyết định trở về nhà với cha, anh ta tâm sự điều đó với một người bạn rằng: “Tôi sợ rằng cha tôi sẽ từ mặt tôi, sợ rằng ông ấy không tha thứ cho tôi!” Và người bạn khuyên anh ta: “Hãy gửi một lá thư cho cha bạn và nói với ông, ‘Thưa cha, con đã ăn năn, con muốn trở về nhà, nhưng con không chắc là cha có vui lòng không. Nếu cha muốn chào đón con, xin hãy cột một chiếc khăn tay trắng trên cửa sổ.’ Và rồi người con bắt đầu lên đường. Và khi cậu ta về gần đến nhà, tại khúc đường quanh cuối cùng, khi cậu ấy đứng trước mặt ngôi nhà. Và cậu ta nhìn thấy gì? Không phải một chiếc khăn: nó phủ đầy những khăn tay màu trắng, các cửa sổ, khắp mọi nơi! Chúa Cha cũng chào đón như vậy, cách trọn vẹn, thật vui mừng. Đây là Chúa Cha của chúng ta!

Xin Đức Trinh nữ Maria dạy chúng ta cách đón nhận lòng thương xót của Chúa để nó trở thành ánh sáng nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy những người lân cận.

_________________________________

Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh tàn khốc và vô nghĩa này, giống như mọi cuộc chiến nó đại diện cho sự thất bại của mọi người, cho mọi người trong chúng ta. Chúng ta phải từ bỏ chiến tranh, một nơi chết chóc mà những người cha người mẹ phải chôn cất con của họ, nơi con người giết anh chị em của họ mà thậm chí không nhìn thấy họ, nơi người quyền lực quyết định và người nghèo phải chết.

Chiến tranh không chỉ tàn phá hiện tại, nhưng tàn phá cả tương lai của xã hội. Tôi đọc thấy rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine, cứ hai đứa trẻ thì có một bé phải di tản khỏi đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc phá hủy tương lai, gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng đối với những người bé mọn nhất và vô tội nhất trong chúng ta. Đây là hành động vô nhân của chiến tranh – một hành động man rợ và phạm thánh!

Chiến tranh không được trở thành điều gì đó không thể tránh khỏi. Chúng ta đừng để cho mình trở nên quen thuộc với chiến tranh. Thay vào đó, chúng ta cần phải biến sự tức giận của ngày hôm nay thành cam kết cho ngày mai, vì nếu sau những gì xảy ra, chúng ta quay trở lại như chúng ta trước đây thì tất cả chúng ta sẽ có tội theo cách nào đó. Trước nguy cơ tự hủy diệt, ước mong rằng nhân loại hiểu rằng thời khắc xóa bỏ chiến tranh đã đến, xóa bỏ nó khỏi lịch sử nhân loại trước khi nó xóa bỏ lịch sử con người.

Tôi xin mọi nhà lãnh đạo chính trị hãy suy tư về điều này, để cống hiến hết mình cho việc này! Và nhìn vào đất nước Ukraine bị tan hoang để hiểu chiến tranh làm cho hoàn cảnh của mọi người mỗi ngày trở nên tồi tệ hơn như thế nào. Vì vậy, tôi xin lặp lại lời thỉnh cầu: Đủ rồi. Hãy dừng lại. Hãy bắt vũ khí câm nín. Hãy bước tới hòa bình cách nghiêm túc. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện tha thiết với Nữ vương Hòa bình, Đấng mà chúng ta đã thánh hiến nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine, với sự tham gia đông đảo và mãnh liệt là điều mà tôi phải cảm ơn tất cả anh chị em. Chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện. Kính mừng Maria …

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào các tín hữu đến từ Mexico, Madrid và Lyon; các sinh viên từ Pamplona và Huelva, và các bạn trẻ đến từ những quốc gia khác nhau tham gia lớp bồi dưỡng ở Loppiano. Cha chào các giáo dân của giáo xứ Đức Mẹ ở Roma, và những giáo dân đến từ Saint George ở Bosco, Bassano del Grappa và Gela; các ứng viên Thêm Sức từ Frascati và nhóm “Bạn bè của Dakêu” từ Reggio Emilia; cũng như Ủy ban thúc đẩy Perugia-Assisi March vì Hòa bình và Tình huynh đệ đã đến cùng với một nhóm học sinh để lặp lại cam kết của họ đối với hòa bình.

Cha chào những người tham gia cuộc thi Marathon ở Roma. Năm nay, thông qua một sáng kiến của các Vận động viên Vatican, một số vận động viên đã tham gia vào sáng kiến liên đới với những người khó khăn trong thành phố. Xin chúc mừng anh chị em!

Đúng hai năm trước, trong quảng trường này, chúng ta đã dâng lên lời khẩn xin chấm dứt đại dịch. Hôm nay, chúng ta thực hiện điều đó để xin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tại các lối vào của Quảng trường, anh chị em sẽ được tặng một quyển sách do Ủy ban Covid-19 của Vatican phối hợp với Bộ Truyền thông xuất bản. Đó là lời mời gọi cầu nguyện không run sợ trong những lúc khó khăn, luôn có niềm tin nơi Thiên Chúa.

Cha hy vọng tất cả anh chị em có Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2022]


Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

I.Media for Aleteia

26/03/22


Đức Hồng Y Krajewski vừa rời khỏi Fatima, nơi ngài chủ sự nghi thức thánh hiến nước Nga, trở về và thẳng tiến đến Ukraine.

Giám đốc văn phòng báo chí Vatican đã thông báo với truyền thông Vatican vào ngày 26 tháng Ba rằng Đức Hồng y Konrad Krajewski, vị phụ trách công việc bác ái của Đức Giáo hoàng, đang thăm Ukraine lần thứ hai.

Ngài lái chiếc xe cấp cứu do Đức Giáo hoàng Phanxicô tặng cho thành phố Lviv, nơi gần như chưa bị bom đạn của Nga chạm đến nằm ở ở phía tây đất nước.

Vừa rời khỏi Fatima ở Bồ Đào Nha, nơi ngài đã cử hành nghi thức thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba cùng thời gian với Đức Giáo Hoàng tại Roma, vị giáo sĩ cấp cao người Ba Lan một lần nữa lại lên đường, lần này theo hướng tới vùng chiến sự.

Ngài sẽ tặng chính quyền thành phố chiếc xe cứu thương vừa được vị đứng đầu Giáo hội Công giáo làm phép.


Sự thánh hiến tại Fatima

Đức Hồng Y Krajewski nói rằng ngài đang thực hiện chuyến đi này “với tất cả niềm tin của mình” để “nhìn thấy những kết quả cụ thể” của hành động tận hiến đã hiệp nhất Giáo hội trên toàn thế giới.

Đức Hồng y Krajewski nói với Crux rằng ngài sẽ có một tài xế phụ – một người đàn ông vô gia cư người Ba Lan sẽ ở lại Krakow, trong khi đức hồng y tiếp tục đến Ukraine. Ngài nói với Crux, “Chúng tôi sẽ thay đổi tay lái; từ Rome đến Đông Âu là một chuyến đi dài.”

Cùng với Đức Giáo Hoàng ở Quảng trường Thánh Phêrô, khoảng 15.000 tín hữu – bao gồm cả Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa – đã tập trung tại Fatima trong buổi thánh hiến.

Trong chuyến đi lần trước đến Ukraine cách đây hai tuần, vị tuyên úy tông tòa đã vượt biên giới từ Ba Lan đến Lviv và vào nội địa của đất nước.

Đức Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục vụ sự Phát Triển Con Người Toàn Diện, cũng đã đến Hungary và Slovakia để hỗ trợ những người tị nạn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2022]