Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Cụ ông già nhất thế giới 113 tuổi và đọc Kinh Mân Côi hai lần mỗi ngày

Cụ ông già nhất thế giới 113 tuổi và đọc Kinh Mân Côi hai lần mỗi ngày

Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, cụ Mora chính thức được xác nhận là người đàn ông sống lâu nhất trên thế giới vào ngày 4 tháng Hai năm 2022.

Cụ ông già nhất thế giới 113 tuổi và đọc Kinh Mân Côi hai lần mỗi ngày

Cụ Vicente Pérez là một nông dân 112 tuổi người Venezuela Vicente Pérez đang biểu lộ cảm xúc tại nhà riêng ở San Jose de Bolivar, bang Tachira của Venezuela, ngày 24 tháng Một năm 2022. Cụ Perez chính thức được công nhận là người đàn ông sống lâu nhất. (photo: Jhonny Parra / AFP/Getty)

Francesca Pollio Fenton/CNA

8 tháng Sáu, 2022



Cụ tên đầy đủ là Juan Vicente Pérez Mora, người Venezuela, nhiệt thành trong đức tin, lần hạt mân côi hai lần mỗi ngày, và đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness thế giới là người đàn ông cao tuổi nhất trên thế giới.

Cụ Mora sinh ngày 27 tháng 5 năm 1909 và năm nay tròn 113 tuổi.

Trong một bài báo đăng ngày 17 tháng Năm trên trang web Kỷ lục Guinness Thế giới, cụ Mora cho biết bí quyết sống lâu của cụ là “làm việc chăm chỉ, nghỉ ngơi vào các ngày nghỉ, đi ngủ sớm, mỗi ngày uống một ly aguardiente (một loại rượu mạnh làm từ mía), yêu mến Chúa, và luôn có Chúa trong lòng.”

Cụ nói gia đình và bạn bè là những người bạn đồng hành tuyệt vời nhất trong cuộc sống của cụ và điều lớn lao nhất mà cụ học được trong cuộc sống là “yêu mến Thiên Chúa, yêu thương gia đình, và chúng ta phải dậy sớm để làm việc”.

Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, cụ Mora chính thức được xác nhận là người đàn ông sống lâu nhất trên thế giới vào ngày 4 tháng Hai năm 2022. Bạn có thể xem video về cụ dưới đây.

Năm 1914, gia đình chuyển đến Los Pajuiles trong thị trấn San José de Bolivar. Lên 5 tuổi, cụ Mora bắt đầu cùng cha và các anh chị làm công việc nhà nông, cụ thể là thu hoạch cà phê và mía đường.

Năm 10 tuổi, cụ bắt đầu đi học nhưng chỉ có thể theo học trong thời gian năm tháng vì cô giáo của cụ bị bệnh nặng. Tuy nhiên, cụ Mora vẫn có thể học biết đọc và viết nhờ quyển sách mà cô giáo đã đưa cho cụ trước khi sức khỏe cô giảm sút.

Cụ Mora cũng là cảnh sát trưởng ở Caricuena từ năm 1948 đến năm 1958.

Cụ kết hôn với bà Ediofina del Rosario García trong 60 năm. Bà qua đời năm 1997. Hai ông bà có sáu con trai và năm con gái. Gia đình hiện đã tăng lên lên con số 41 cháu, 18 chắt và 12 chút.

Trong gia đình, cụ Mora là một gương mẫu về đức tin. Cụ cố gắng xây dựng mối tương quan vững chắc với Thiên Chúa, với những người họ hàng, và cụ lần hạt Mân Côi hai lần mỗi ngày.

“Chú Vicente của tôi lan tỏa thật nhiều sự bình an, thanh thản và niềm vui,” người cháu trai của cụ là ông Freddy Abreu nói với ACI Prensa, hãng thông tấn chi nhánh tiếng Tây Ban Nha của CNA. “Chú là một người có rất nhiều thứ để cho đi. Chú thích những điều bình dị trong cuộc sống và luôn cảm tạ Chúa”.

Người cao tuổi nhất trên thế giới, và là người phụ nữ cao tuổi nhất trên thế giới là Nữ tu Andre Randon người Pháp, sinh ngày 11 tháng Hai năm 1904. Sơ năm nay 118 tuổi, trở thành người cao tuổi nhất thế giới khi cụ bà Kane Tanaka, sinh ngày 2 tháng Một năm 1903, qua đời vào ngày 19 tháng Tư năm 2022.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/6/2022]


Tiếp các tham dự viên trong Phiên họp khoáng đại của Bộ Đối thoại Liên tôn, 06.06.2022

Tiếp các tham dự viên trong Phiên họp khoáng đại của Bộ Đối thoại Liên tôn, 06.06.2022

Tiếp các tham dự viên trong Phiên họp khoáng đại của Bộ Đối thoại Liên tôn, 06.06.2022

*******

Sáng nay, trong Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên trong Phiên họp Khoáng đại của Bộ Đối thoại Liên tôn, và ngài có những lời chia sẻ sau đây:

____________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa các Hồng y,

Thưa huynh đệ trong giám mục đoàn,

Thưa anh chị em!

Tôi thân ái chào mừng anh chị em và tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot vì những lời Ngài thay mặt cho tất cả anh chị em gửi đến tôi. Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em nhân dịp Phiên họp Khoáng đại của Bộ Đối thoại Liên tôn, một ngày sau Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Tôi nhấn mạnh đến điều này vì Thánh Phaolô VI đã công bố sự khai sinh của “Quốc vụ viện cho những người ngoài Kitô giáo” trong bài giảng của ngài vào ngày Lễ Hiện xuống năm 1964, trong thời gian Công đồng Vatican II diễn ra. Ngài đã làm việc đó trước khi ban hành Tuyên ngôn Nostra aetate về các mối quan hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và trước khi có Tông huấn Ecclesiam suam, được coi là magna charta về đối thoại dưới nhiều hình thức khác nhau. Thánh Thần đã đưa chúng ta đi rất xa trong sáu mươi năm qua! Trực giác của Đức Giáo hoàng Phaolô VI dựa trên nhận thức về sự phát triển rất nhanh của các mối quan hệ giữa con người và các cộng đồng thuộc các nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau – một khía cạnh mà ngày nay chúng ta gọi là toàn cầu hóa – và thiết lập Quốc vụ viện “trong Giáo hội như một dấu chỉ hữu hình và có tổ chức của cuộc đối thoại” với những người thuộc các tôn giáo khác (Diễn từ trước các Thành viên và Cố vấn của Quốc vụ viện, ngày 25 tháng Chín năm 1968). Đó là ngày 25 tháng Chín năm 1968.

Tông hiến Praedicate Evangelium về Giáo triều Rôma vừa có hiệu lực, và lĩnh vực phục vụ Giáo hội và thế giới không hề mất đi tính thích đáng của nó. Ngược lại, toàn cầu hóa và sự gia tăng của truyền thông quốc tế làm cho sự đối thoại nói chung, và đối thoại liên tôn nói riêng, trở thành một vấn đề thiết yếu. Tôi nghĩ rằng thật thích hợp khi anh chị em chọn chủ đề Đối thoại Liên tôn và Tình bạn cho Phiên họp Khoáng đại này, vào thời điểm toàn thể Giáo hội mong muốn phát triển tính thượng hội đồng, phát triển như một “Giáo hội lắng nghe lẫn nhau, trong đó mọi người đều có điều gì đó để học hỏi” (Praedicate Evangelium, 4). Cùng với toàn thể Giáo triều, anh chị em sẽ có thể tạo nên “khuôn mẫu về linh đạo của Công đồng được thể hiện trong câu chuyện cổ xưa về Người Samari nhân hậu”, theo đó “dung nhan của Chúa Kitô được tìm thấy trong khuôn mặt của mọi người, nhất là những người đau khổ” (Sđd, 11).

Thế giới của chúng ta, ngày càng được kết nối với nhau nhiều hơn, nhưng lại không mang tinh thần huynh đệ và bằng hữu tương xứng, hoàn toàn ngược lại! Trong bối cảnh này, Bộ của anh em, “ý thức rằng việc đối thoại giữa các tôn giáo được thực hiện hữu hình thông qua hành động, trao đổi thần học và kinh nghiệm tâm linh… thúc đẩy việc tìm kiếm Thiên Chúa đích thực giữa mọi người” (sđd., 149). Đây là sứ mệnh của anh chị em: cùng với các tín hữu khác thúc đẩy hành trình tìm kiếm Thiên Chúa trong tinh thần huynh đệ và bằng hữu; nhìn những người thuộc các tôn giáo khác không theo cách trừu tượng, mà theo ý nghĩa thực tế, có một lịch sử, có ước muốn, có đau khổ và những ước mơ.

Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một thế giới nơi mọi người có thể sống trong hòa bình. Đứng trước những cuộc khủng hoảng và xung đột liên tục diễn ra, “một số người cố chạy trốn khỏi thực tại, ẩn mình trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng với nó bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, ‘giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại” (Tông huấn Fratelli tutti, 199).

Mỗi con người đều giống như một mảnh ghép của một bức tranh khảm khổng lồ; chúng vốn dĩ đã đẹp, nhưng chỉ khi ghép cùng với các mảnh ghép khác, chúng mới tạo ra một hình ảnh, trong tình thân hữu của những khác biệt. Kết thân với người khác cũng có nghĩa là mường tượng ra và xây dựng một tương lai hạnh phúc với người khác. Thật vậy, tình thân hữu làm vang lên khát vọng hiệp thông vốn có trong tâm hồn mỗi con người, nhờ đó mà tất cả mọi người có thể nói với nhau, trao đổi các dự án và cùng nhau vạch ra một tương lai. Sự kết thân hợp nhất về mặt xã hội, nhưng không thực dân hóa người khác và bảo tồn bản sắc của họ. Theo ý nghĩa này, về mặt chính trị nó như một sự thay thế cho những phân mảnh và xung đột xã hội.

Tôi khuyến khích tất cả anh chị em hãy trau dồi tinh thần và phong cách kết thân trong mối tương quan của mình với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác: ngày nay trong Giáo hội và trên thế giới rất cần điều này! Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã kết bạn với tất cả mọi người; Ngài kết thân với những người bị coi là tội nhân và không trong sạch, và ngồi ăn cùng bàn những người thu thuế không một chút thành kiến. Và chính trong bữa ăn huynh đệ, Chúa đã cho thấy Ngài là một người phục vụ và người bạn trung thành cho đến cùng, và sau đó là Đấng Phục Sinh, Đấng Hằng Sống, Đấng ban cho chúng ta ân sủng của tình thân phổ quát. Đây là từ mà tôi muốn gửi đến anh em: tình thân hữu.

Anh chị em thân mến, cảm ơn anh chị em vì công việc, đặc biệt là công việc âm thầm nhất, ít được nhìn thấy nhất, và đôi khi có thể hơi nhàm chán. Xin Đức Mẹ đồng hành với anh chị em và gìn giữ anh chị em luôn biết vâng nghe Chúa Thánh Thần. Tôi chúc lành cho từng người trong anh chị em, và các thành viên trong gia đình anh chị em. Và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2022]