Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 3 tháng Ba, 2021



Bài Giáo lý về cầu nguyện - 25. Kinh nguyện và Thiên Chúa Ba Ngôi. 1

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình tìm hiểu Giáo lý về kinh nguyện, nhờ Chúa Giêsu Kitô, hôm nay và tuần sau chúng ta sẽ nhìn thấy kinh nguyện mở ra cho chúng ta đến với Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – đến với đại dương mênh mông của Thiên Chúa là Tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã mở Thiên đàng cho chúng ta và đưa chúng ta vào mối tương quan với Thiên Chúa. Chính Ngài đã làm điều này: Ngài đã mở ra cho chúng ta mối tương quan này với Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là điều mà Thánh Tông đồ Gioan khẳng định ở đoạn kết của phần mở đầu Tin Mừng của ngài: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Chúa Giêsu đã mặc khải bản thể cho chúng ta, bản thể của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta thật sự không biết cách cầu nguyện như thế nào: dùng những lời nào, cảm xúc nào và ngôn ngữ gì thích hợp với Thiên Chúa. Trong lời thỉnh cầu mà các môn đệ thưa với Thầy, mà chúng ta vẫn thường nhắc lại trong các bài giáo lý này, có tất cả những sự cố gắng dò dẫm, lặp đi lặp lại của nhân loại, và thường là không thành công, để thưa lên với Đấng Tạo Hóa: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11: 1).

Không phải tất cả những lời cầu nguyện đều như nhau, và không phải tất cả đều thuận lợi: chính Thánh Kinh chứng thực kết quả không tốt của nhiều lời cầu nguyện bị từ chối. Có thể có những lúc Thiên Chúa không hài lòng với lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta thậm chí không nhận thức được điều này. Thiên Chúa nhìn vào đôi bàn tay của những người cầu nguyện: để làm cho chúng trở nên tinh sạch, không cần thiết phải rửa chúng; điều cần thiết là người ta phải kiềm chế các hành vi của sự dữ. Thánh Phanxicô đã cầu nguyện: «Nullu homo ène dignu te mentovare», nghĩa là “không ai xứng đáng nêu danh Ngài” (Bài ca Mặt Trời).

Nhưng có lẽ lời chân nhận cảm động nhất về sự nghèo nàn trong lời cầu nguyện của chúng ta đến từ môi miệng của viên quan bách quân La Mã, là người một hôm đã van xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ bị bệnh của ông (xem Mt 8: 5-13). Ông ta cảm thấy hoàn toàn bất xứng: ông không phải là người Do Thái, ông là một sĩ quan trong đội quân chiếm đóng đáng ghét. Nhưng sự quan tâm của ông đối với người đầy tớ khiến ông trở nên táo bạo, và ông nói: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (câu 8). Đó là câu chúng ta lặp lại trong tất cả các phụng vụ Thánh Lễ. Đối thoại với Thiên Chúa là một ơn: chúng ta không xứng đáng với điều đó, chúng ta không có quyền đòi hỏi, chúng ta “khập khiễng” với mọi lời nói và mọi ý nghĩ… Nhưng Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại này với Thiên Chúa.

Tại sao loài người được Chúa yêu thương? Không có lý do rõ ràng nào, không có tỷ lệ nào cả… Đến mức độ hầu như tất cả các thần thoại chí không nghĩ đến khả năng có một vị thần quan tâm đến các vấn đề của con người; ngược lại, các thần đó bị coi là phiền phức và nhàm chán, hoàn toàn không đáng kể. Hãy nhớ lại lời của Đức Chúa nói với dân của Người, được kể lại trong sách Đệ Nhị Luật: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta?” Sự gần gũi này của Thiên Chúa là sự mặc khải! Một số triết gia nói rằng Thượng đế chỉ có thể nghĩ về chính mình. Nếu có thì chính con người chúng ta cố gắng thuyết phục Thiên Chúa và làm hài lòng Người. Do đó, bổn phận của “đời sống tôn giáo”, với việc phát xuất của những tế lễ và lòng sùng kính được dâng lên lặp đi lặp lại để làm hài lòng một Đức Chúa im lặng, một Đức Chúa hờ hững. Không có sự đối thoại. Chỉ có Chúa Giêsu, chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa cho Môsê trước Chúa Giêsu, khi Đức Chúa tỏ lộ Người; chỉ có Thánh Kinh mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại với Đức Chúa. Hãy nhớ rằng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta?”. Đây là sự gần gũi của Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại với Ngài.

Một Thiên Chúa yêu thương nhân loại: chúng ta sẽ không bao giờ có đủ can đảm để tin vào Người, nếu chúng ta không biết Chúa Giêsu. Sự hiểu biết về Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta hiểu được điều này, nó cho phép điều này được mặc khải cho chúng ta. Đó là một sự ô nhục – đó là một sự ô nhục! – điều mà chúng ta tìm thấy được ghi khắc trong dụ ngôn về người cha nhân hậu, hay dụ ngôn về người chăn chiên đi tìm con chiên lạc (xem Lc 15). Chúng ta sẽ không thể hình dung hay hiểu được những câu chuyện như vậy nếu chúng ta không gặp được Chúa Giêsu. Thiên Chúa sẵn sàng chết cho con người là như thế nào? Là Thiên Chúa nào? Thiên Chúa Đấng luôn yêu thương và kiên nhẫn, không đòi hỏi được yêu thương đền đáp là Thiên Chúa nào? Một Thiên Chúa chấp nhận sự thiếu lòng biết ơn quá lớn của đứa con trai đòi hỏi sự thừa kế trước, và rồi bỏ nhà ra đi phung phí mọi thứ là ai? (xem Lc 15,12-13).

Chính Chúa Giêsu đã mặc khải tấm lòng của Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu cho chúng ta biết qua cuộc đời của Ngài đến mức độ rằng Thiên Chúa là Cha. Tam Pater nemo: Không ai là Người Cha giống như Người. Quan hệ phụ tử là sự gần gũi, lòng từ bi và sự dịu dàng. Đừng quên ba từ này, đó là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đó là cách thể hiện mối tương quan phụ tử của Người đối với chúng ta. Thật khó để chúng ta hình dung về tình yêu mà Ba Ngôi Chí Thánh được tràn đầy, và sự sâu đậm của lòng từ bi tương hỗ tồn tại giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các tranh ảnh Thánh của Phương Đông cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về mầu nhiệm là cội nguồn và là niềm vui của toàn vũ trụ.

Đặc biệt, thật vô cùng khó để chúng ta tin rằng tình yêu nước trời này sẽ mở rộng, cập bến bờ nhân loại của chúng ta: chúng ta là những người đón nhận được một tình yêu không có gì sánh bằng trên trái đất. Sách Giáo lý giải thích: “Nhân tính thánh thiện của Đức Giêsu chính là con đường, nhờ đó Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha” (số 2664). Và đây là ân sủng đức tin của chúng ta. Chúng ta thực sự không thể hy vọng vào một ơn gọi cao cả hơn: nhân tính của Chúa Giêsu – Thiên Chúa đã đến gần chúng ta trong Chúa Giêsu – đã sẵn sàng cho chúng ta sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, và mở rộng cánh cửa mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong hành trình Mùa Chay đưa chúng ta đến với niềm vui của Lễ Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và canh tân bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình.

________________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Tin buồn về những cuộc đụng độ đẫm máu và thiệt hại về người liên tục đến từ Myanmar. Tôi muốn các nhà chức trách có liên quan hãy chú ý đến thực tế rằng đối thoại sẽ chiếm ưu thế hơn là đàn áp, và sự hòa hợp sẽ chiếm ưu thế hơn bất hòa. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy bảo đảm rằng nguyện vọng của người dân Myanmar không bị bóp nghẹt bởi bạo lực. Cầu cho những người trẻ của mảnh đất thân yêu đó được tặng ban niềm hy vọng về một tương lai nơi mà hận thù và bất công nhường chỗ cho sự gặp gỡ và hòa giải. Cuối cùng, tôi nhắc lại mong muốn mà tôi đã bày tỏ cách đây một tháng: rằng con đường hướng tới dân chủ được thực hiện trong những năm gần đây của Myanmar có thể được nối lại thông qua hành động cụ thể là trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính trị đang bị bắt giữ (xem Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, ngày 8 tháng Hai năm 2021).

* * *

Theo ý Chúa, hai ngày nữa tôi sẽ đến Iraq trong chuyến hành hương ba ngày. Đã từ lâu, tôi rất muốn được gặp những con người đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ; được gặp gỡ Giáo hội tử đạo trong miền đất của tổ phụ Abraham. Cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, chúng ta cũng sẽ tiến thêm một bước nữa trong tình anh em giữa các tín đồ. Cha xin anh chị em đồng hành với cha trong chuyến tông du này bằng những lời cầu nguyện của mình, để nó có thể diễn ra theo cách tốt nhất có thể và sinh hoa kết quả theo mong ước. Người dân Iraq đang chờ đợi chúng tôi; họ đã chờ đợi Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã không được phép đi. Người ta không thể làm một dân tộc thất vọng lần thứ hai. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng hành trình này sẽ là một chuyến đi tốt đẹp.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2021]


Sống Mùa Chay với lòng sùng kính của những Kitô hữu đầu tiên: cùng với chúng tôi viếng “các nhà thờ chặng đàng” của Roma

Sống Mùa Chay với lòng sùng kính của những Kitô hữu đầu tiên: cùng với chúng tôi viếng “các nhà thờ chặng đàng” của Roma

Sống Mùa Chay với lòng sùng kính của những Kitô hữu đầu tiên: cùng với chúng tôi viếng “các nhà thờ chặng đàng” của Roma

By Songquan Deng | Shutterstock

Marinella Bandini

14/02/21

Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.

Truyền thống “nhà thờ chặng đàng” là một cách sống đẹp của Mùa Chay để hiệp thông với các thế hệ người Công giáo. Đây là một truyền thống cổ xưa, bắt đầu ở Roma vào thế kỷ thứ 5 và được tổ chức theo một hình thức quy củ bởi Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả.

Mỗi ngày trong suốt Mùa Chay và Tuần Bát nhật Phục sinh, các tín hữu tụ tập trung xung quanh Đức giáo hoàng trong một nhà thờ ở Roma, được gọi là “nhà thờ chặng đàng”. Đây là những nhà thờ liên quan đến sự tôn kính các vị tử đạo, với các thánh tích được trưng bày trong dịp này. Thánh lễ được cử hành, trước thánh lễ là một cuộc rước và hát kinh cầu các thánh.

Thuật ngữ “chặng đàng” được mượn từ biệt ngữ quân sự và có nghĩa là “canh gác” hoặc “bảo vệ”. Đó là một thuật ngữ hoàn hảo để chỉ về thái độ cảnh giác tinh thần, với những vũ khí là việc cầu nguyện và sám hối, là điểm đặc trưng cho mùa đặc biệt này trong đời sống Giáo hội. Khái niệm tương tự được sử dụng cho việc thực hành viếng các Chặng đàng Thánh giá — hiện nay được biết đến nhiều hơn là các nhà thờ chặng đàng.

Truyền thống về “các chặng đàng” bị gián đoạn vào thế kỷ 14, khi các giáo hoàng sống ở Avignon. Nhưng truyền thống được khôi phục lại bởi Đức Giáo hoàng Xitô V sau Công đồng Trent, lan truyền sang các giáo phận khác và lục địa Châu Âu. Truyền thống trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nó vẫn sống. Trong thời gian gần đây, truyền thống đón nhận được động lực mới từ công việc của viện giáo hoàng Collegium Cultorum Martyrum, nơi phụ trách việc tổ chức, và từ Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

Aleteia mời các bạn cùng đi hành hương Mùa Chay trên internet qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ ngày 17 tháng Hai đến ngày 11 tháng Tư, để khám phá những kho tàng nghệ thuật và tinh thần, lịch sử và những điểm đặc biệt của những nơi này. Đó là hành trình đi theo các bước chân của một truyền thống xa xưa và của những nhân chứng đức tin, để giúp mỗi người chúng ta canh tân đời sống tinh thần của mình.

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23)


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/3/2021]