Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương ngày 28.05.2023: Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi

Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương ngày 28.05.2023: Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi sự sợ hãi
© Vatican Media

*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________________


Trước Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Lễ Hiện Xuống hôm nay, Tin Mừng đưa chúng ta lên phòng tiệc ly, nơi các tông đồ trú ẩn sau cái chết của Chúa Giêsu (Ga 20:19-23). Vào buổi chiều Lễ Vượt Qua, Đấng Phục Sinh đã hiện ra chính trong hoàn cảnh bao trùm bởi sợ hãi và thống khổ đó, Ngài thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (c. 22). Bằng cách này, với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi, khỏi nỗi sợ hãi đang giam cầm các ông ở trong nhà, và Người giải thoát các ông để các ông có thể ra đi trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy suy tư một chút về những việc Thần Khí làm: Ngài giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.

Tin Mừng nói các môn đệ đã đóng kín cửa “vì sợ” (c. 19). Cái chết của Chúa Giêsu làm họ bàng hoàng, những giấc mơ của họ bị tan vỡ, những hy vọng của họ tan biến. Và họ khép kín ở bên trong. Không chỉ trong căn phòng đó, mà trong lòng, trong tâm hồn. Cha muốn nhấn mạnh vào điều này: khép kín bên trong. Chúng ta có thường xuyên đóng cửa lòng mình không? Đã bao lần, vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó, vì một vấn đề cá nhân hay gia đình nào đó, vì một sự đau khổ đang ghi đậm dấu trên chúng ta hay vì cái ác mà chúng ta đang hít thở xung quanh mình, chúng ta có nguy cơ dần dần rơi vào trạng thái mất hy vọng và thiếu can đảm để tiếp tục không? Điều này xảy ra nhiều lần. Và rồi, giống như các tông đồ, chúng ta tự đóng cửa lòng mình, nhốt mình trong mê cung của những lo lắng. Thưa anh chị em, việc “đóng cửa lòng” này xảy ra khi, trong những tình huống khó khăn nhất, chúng ta để cho sự sợ hãi lấn át và để cho tiếng huyên náo của nó chi phối bên trong chúng ta. Như vậy, nguyên nhân là sự sợ hãi: sợ không thể đối phó, sợ phải đối mặt với những trận chiến hàng ngày một mình, sợ mạo hiểm rồi sau đó phải thất vọng, sợ đưa ra những quyết định sai lầm. Thưa anh chị em, sợ hãi gây trở ngại, sợ hãi làm tê liệt. Và nó cũng làm cô lập: hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi người khác, sợ những người xa lạ, những người khác biệt, những người suy nghĩ theo một cách khác. Và thậm chí có thể sợ hãi Thiên Chúa: cho rằng Người sẽ trừng phạt tôi, rằng Người sẽ nổi giận với tôi… Nếu chúng ta nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi sai lầm này, những cánh cửa sẽ khép lại: cánh cửa tâm hồn, cánh cửa xã hội, và thậm chí những cánh cửa của Giáo hội! Ở đâu có sự sợ hãi, ở đó có sự khép kín. Và điều này chẳng giải quyết được gì.

Tuy nhiên, Tin Mừng trao tặng cho chúng ta phương thuốc của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần. Ngài giải thoát chúng ta khỏi những ngục tù sợ hãi. Khi lãnh nhận Thần Khí, các tông đồ – chúng ta mừng lễ hôm nay – ra khỏi phòng tiệc ly và đi vào thế giới để tha tội và loan báo Tin Mừng. Nhờ Ngài, nỗi sợ hãi bị đánh bại và những cánh cửa mở ra. Bởi vì đây là điều Chúa Thánh Thần làm: Ngài làm cho chúng ta cảm nhận sự gần gũi của Thiên Chúa, và từ đó, tình yêu của Ngài xua tan sợ hãi, soi sáng đường đi, an ủi, nâng đỡ trong nghịch cảnh. Vì thế, đứng trước những nỗi sợ hãi và khép kín, chúng ta hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới: hãy để một Lễ Hiện Xuống mới dập tắt những nỗi sợ hãi đang tấn công chúng ta và làm sống lại ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Đức Maria Rất Thánh, người đầu tiên được tràn đầy Chúa Thánh Thần, chuyển cầu cho chúng ta.

____________________________________________


Lời của Đức Thánh Cha sau Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến!

Ngày 22 tháng Năm vừa qua là lễ tưởng nhớ 150 năm ngày mất của một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của nền văn học, văn hào Alessandro Manzoni. Thông qua các tác phẩm, ông lên tiếng nói cho các nạn nhân và những người thấp kém nhất: họ luôn ở dưới bàn tay bảo vệ của Đấng Quan phòng, Đấng “tạo dựng và giết chết, Đấng trừng phạt và chữa lành trong yêu thương”; và cũng được nâng đỡ bởi sự gần gũi của các mục tử trung thành của Giáo hội, hiện diện trong các trang kiệt tác của văn hào Manzoni.

Cha mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người dân sống ở biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão lốc: hơn tám trăm ngàn người, ngoài ra còn có nhiều người Rohingya đang sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh. Tôi xin thể hiện sự gần gũi với những người dân này, đồng thời tôi xin ngỏ lời với các nhà lãnh đạo, để họ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, và tôi kêu gọi tinh thần đoàn kết của con người và giáo hội để giúp đỡ những anh chị em này của chúng ta.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người Roma và những anh chị em hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu đến từ Panama và cuộc hành hương của tổng giáo phận Tulancingo, Mexico, mừng lễ Nuestra Señora de los Angeles; cũng như nhóm đến từ Novellana, Tây Ban Nha. Cha cũng xin chào các tín hữu của Celeseo, Padua và Bari, và cha gửi lời chúc lành đến những người tập trung tại Bệnh viện Gemelli để cổ vũ những sáng kiến về tình huynh đệ với các bệnh nhân.

Thứ Tư tới, cuối tháng Năm, tại các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới, giờ cầu nguyện được chuẩn bị tại các đền thánh Đức Mẹ trên toàn thế giới để hỗ trợ những chuẩn bị cho Phiên họp Thường kỳ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với giai đoạn quan trọng này của Thượng hội đồng với sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ. Và chúng ta cũng phó thác cho Mẹ khát vọng hòa bình của rất nhiều dân tộc trên khắp thế giới, đặc biệt là của Ukraine đang bị bao vây.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/5/2023]


Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp

Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp

Bài giảng Lễ Hiện Xuống của Đức Thánh Cha: Rối loạn và bất hòa? Chúa Thánh Thần chính là sự hòa hợp
Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

28/05/23


Từ khởi thủy của công trình sáng tạo và trong mọi thời gian, Ngài làm cho các thực thể được tạo dựng chuyển từ tình trạng lộn xộn sang trật tự, từ phân tán sang gắn kết, từ hỗn loạn sang hòa hợp.

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Hiện xuống tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 28 tháng 5 năm 2023.

Sau đây là bài giảng Lễ của ngài:

_____________________________________


Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Chúng ta thấy Ngài hành động theo ba cách: trong thế giới mà Ngài đã tạo dựng, trong Giáo hội, và trong lòng chúng ta.

1. Trước hết, trong thế giới Ngài đã tạo dựng, trong thụ tạo. Ngay từ đầu, Chúa Thánh Thần đã hoạt động. Chúng ta cầu nguyện bằng Thánh Vịnh (104:30): “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên.” Quả thật, Ngài là Creator Spiritus (x. THÁNH AUGUSTINÔ, In Ps. XXXII, 2.2), Thần Khí Sáng Tạo: trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã kêu cầu với Ngài như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: Thần Khí làm gì trong việc tạo dựng thế giới? Nếu mọi sự đều có nguồn gốc từ Chúa Cha, và nếu mọi sự được tạo dựng nhờ Chúa Con, thì vai trò cụ thể của Thánh Thần là gì? Một Đại Giáo Phụ của Giáo Hội, Thánh Basiliô, đã viết: “nếu bạn cố gắng loại bỏ Thánh Thần ra khỏi thụ tạo, thì mọi sự trở nên lộn xộn và sự sống của chúng trở nên bất kham và thiếu trật tự” (De Sancto Spiritu, XVI, 38). Đó là vai trò của Thần Khí: Ngay từ khởi thủy và trong mọi lúc, Ngài làm cho các thực thể được tạo dựng chuyển từ tình trạng lộn xộn sang trật tự, từ phân tán sang gắn kết, từ hỗn loạn sang hòa hợp. Chúng ta luôn thấy cách hành động này trong đời sống Giáo hội. Nói một cách dễ hiểu, Ngài mang đến sự hòa hợp cho thế giới; bằng cách này, Ngài “điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất” (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 26; Tv 104:30). Ngài đổi mới trái đất, nhưng anh chị em nghe thật kỹ: Ngài làm điều này không phải bằng cách thay đổi thực tại, mà bằng cách làm hài hòa nó. Đó là “phong cách” của Ngài, bởi vì chính Ngài là sự hài hòa: ipse harmonia est (x. THÁNH BASILIÔ, In Ps. XXIX, 1).

Trong thế giới của chúng ta ngày nay, có quá nhiều bất hòa, chia rẽ quá lớn. Tất cả chúng ta đều “được kết nối”, nhưng lại thấy mình bị ngắt kết nối với nhau, bị tê liệt bởi sự thờ ơ và bị bao trùm bởi sự cô độc. Quá nhiều chiến tranh, quá nhiều xung đột: Dường như sự ác mà chúng ta có thể gây ra là ngoài sức tưởng tượng! Nhưng thực tế, thúc đẩy sự thù địch của chúng ta là tà thần chia rẽ, là ma quỷ, tên của hắn có nghĩa là “kẻ chia rẽ”. Vâng, đứng trước và vượt quá sự dữ của chúng ta, sự chia rẽ của chính chúng ta, là có ác thần là “tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12:9). Hắn vui mừng trong xung đột, bất công, vu khống; đó là niềm vui của hắn. Để chống lại cái ác của sự bất hòa, những nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hòa hợp là không đủ. Do đó, Chúa, tại đỉnh điểm của cuộc Vượt Qua từ cái chết đến sự sống, ở tột đỉnh của ơn cứu độ, đã tuôn đổ Thần Khí tốt lành của Người trên thế giới được tạo dựng: Chúa Thánh Thần, Đấng chống lại tà thần chia rẽ vì Ngài là sự hòa hợp, Thần Khí của sự hiệp nhất, Đấng mang đến hòa bình. Chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Thần tuôn đổ hàng ngày trên toàn thế giới, trên cuộc sống của chúng ta và trên bất kỳ hình thức chia rẽ nào!

2. Cùng với công việc của Ngài trong thụ tạo, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội, bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng Chúa Thánh Thần không bắt đầu Giáo hội bằng cách đưa ra cho cộng đoàn những luật lệ và quy tắc, nhưng bằng cách ngự xuống trên mỗi tông đồ: mỗi người nhận được những ân sủng đặc biệt và những đoàn sủng khác nhau. Sự dồi dào các ân tứ khác nhau như vậy có thể tạo ra sự lẫn lộn, nhưng cũng như trong tạo vật, Chúa Thánh Thần thích tạo ra sự hòa hợp từ sự đa dạng. Sự hòa hợp của Thánh Thần không phải là một mệnh lệnh bắt buộc, đồng nhất; trong Giáo hội chắc chắn có một trật tự, nhưng nó “được cấu trúc phù hợp với sự đa dạng của các ân tứ của Chúa Thánh Thần” (THÁNH BASILIÔ, De Spiritu Sancto, XVI, 39). Tại Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình những lưỡi lửa: Ngài ban cho mỗi người khả năng nói các ngôn ngữ khác nhau (x. Cv 2:4) và hiểu được những điều người khác nói bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2:6.11).

Tóm lại, Thần Khí không tạo ra một ngôn ngữ duy nhất, một ngôn ngữ giống nhau cho tất cả mọi người. Ngài không loại bỏ những khác biệt hoặc văn hóa, nhưng làm mọi sự trở nên hòa hợp mà không biến chúng thành sự đồng nhất tẻ nhạt. Và điều này buộc chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm vào thời điểm hiện tại, khi sự cám dỗ của việc “lùi bước” tìm cách đồng nhất hóa mọi thứ thành những nguyên tắc thuần túy mang tính hình thức mà không có chút thực chất nào. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: Thần Khí không bắt đầu với một chương trình được phác thảo rạch ròi như chúng ta vẫn thường bị cuốn vào các kế hoạch và dự án của mình. Không, Ngài bắt đầu bằng cách tặng ban những ơn cách nhưng không và dồi dào. Thật vậy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần đó, như Kinh Thánh nhấn mạnh, “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:4). Tất cả đều được tràn đầy: Đó là cách đời sống Giáo hội bắt đầu, không phải từ một kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, nhưng từ kinh nghiệm của mọi người về tình yêu của Thiên Chúa. Đó là cách Thánh Thần tạo ra sự hòa hợp; Ngài mời gọi chúng ta trải nghiệm sự kinh ngạc trước tình yêu của Ngài và những ơn của Ngài hiện hữu nơi những tha nhân. Như Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí… chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12:4.13). Để nhìn thấy mỗi anh chị em trong đức tin của chúng ta là một phần của cùng một cơ thể mà tôi cũng là thành viên: đây là cách tiếp cận hòa hợp của Thần Khí, đây là con đường mà Ngài chỉ dạy cho chúng ta!

Và Thượng hội đồng hiện đang diễn ra là – và phải là – một hành trình phù hợp với Thần Khí, không phải là một Nghị viện để đòi hỏi các quyền và các nhu cầu phù hợp với chương trình hành động của thế giới, cũng không phải là một dịp để thuận theo chiều gió thổi, nhưng là cơ hội để ngoan ngoãn với hơi thở của Thánh Thần. Vì trên đại dương của lịch sử, Giáo hội chỉ ra khơi cùng với Ngài, vì ngài là “linh hồn của Giáo hội” (THÁNH PHAOLÔ VI, Diễn Từ tại Sacred College, ngày 21 tháng Sáu năm 1976), là trung tâm của tính hiệp hành, là động lực của việc rao giảng Tin mừng. Không có Thánh Thần, Giáo Hội không có sự sống, đức tin chỉ là giáo điều, luân lý chỉ là nghĩa vụ, công việc mục vụ chỉ là sự cực nhọc. Đôi khi chúng ta nghe những người được gọi là nhà tư tưởng hoặc nhà thần học, những người đề xuất các lý thuyết giống như toán học khiến chúng ta phát lạnh vì chúng thiếu Thần Khí bên trong. Trái lại, với Chúa Thánh Thần, đức tin là sự sống, tình yêu của Chúa thuyết phục chúng ta, và niềm hy vọng được tái sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần trở lại trung tâm của Hội Thánh; nếu không, tâm hồn chúng ta sẽ không được thiêu đốt bởi tình yêu mến Chúa Giêsu, mà bởi lòng yêu chính bản thân chúng ta. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần ở đầu và ở trung tâm của công việc của Thượng Hội Đồng. Vì “chính Ngài là Đấng mà Giáo Hội ngày nay cần đến nhất! Chúng ta hãy thưa với Ngài mỗi ngày: Xin hãy đến!” (x. ID., Tiếp kiến chung, ngày 29 tháng Mười Một năm 1972). Và chúng ta hãy cùng nhau hành trình vì, như trong Lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống khi “mọi người tề tựu ở một nơi” (x. Cv 2:1). Đúng vậy, để tỏ lộ Ngài với thế giới, Ngài đã chọn thời gian và địa điểm khi tất cả đều tề tựu lại với nhau. Vì thế, để được tràn đầy Thần Khí, Dân Chúa phải cùng nhau hành trình, “thực hiện Thượng Hội Đồng”. Đó là cách sự hòa hợp trong Giáo hội được đổi mới: bằng cách đồng hành với Thánh Thần ở trung tâm. Thưa anh chị em, chúng ta hãy xây dựng sự hòa hợp trong Giáo hội!

3. Cuối cùng, Chúa Thánh Thần tạo sự hòa hợp trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta nhìn thấy điều này trong Tin Mừng, vào buổi chiều Phục Sinh, Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22). Ngài ban Thánh Thần chính vì một mục đích: tha thứ tội lỗi, hòa giải tâm trí và hòa hợp những tâm hồn bị tổn thương bởi sự dữ, bị tan nát vì những thương tích, bị lạc lối bởi mặc cảm tội lỗi. Chỉ có Thánh Thần mới phục hồi sự hòa hợp trong tâm hồn, vì Ngài là Đấng tạo nên “sự mật thiết với Thiên Chúa” (THÁNH BASILIÔ, De Spiritu Sancto, XIX, 49). Nếu chúng ta muốn hòa hợp, chúng ta hãy tìm kiếm Ngài, không tìm những sự thay thế của thế gian. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày. Chúng ta hãy bắt đầu ngày mới bằng cách cầu nguyện với Ngài. Chúng ta hãy trở nên ngoan ngoãn với Ngài!

Và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta tự hỏi mình: Tôi có ngoan ngoãn trước sự hài hòa của Thánh Thần không? Hay tôi theo đuổi những dự án, những ý tưởng của riêng tôi mà không cho phép bản thân được Ngài uốn nắn và thay đổi? Cách sống đức tin của tôi có ngoan ngoãn với Thánh Thần hay ngoan cố? Tôi có cố chấp bám víu vào các bản văn hay cái gọi là học thuyết chỉ là những cách thể hiện lạnh lùng của cuộc sống không? Tôi có vội phán xét không? Tôi có chỉ ngón tay và đóng sầm cửa lại trước mặt người khác, coi mình là nạn nhân của mọi người và mọi thứ không? Hay tôi chào đón sức mạnh hòa hợp và sáng tạo của Thánh Thần, “ân sủng toàn vẹn” mà Ngài khơi dậy, sự tha thứ của Ngài mang đến bình an cho chúng ta? Và đáp lại, tôi có tha thứ không? Tha thứ là dọn chỗ cho Thánh Thần ngự đến. Tôi có thúc đẩy sự hòa giải và xây dựng tình hiệp thông hay không, hay tôi luôn dè chừng, chõ mũi vào các vấn đề và gây tổn thương, thù oán, chia rẽ và đổ vỡ? Tôi có tha thứ, thúc đẩy sự hòa giải và xây dựng hiệp thông không? Nếu thế giới bị chia rẽ, nếu Giáo hội bị phân cực, nếu các tâm hồn bị tan vỡ, chúng ta đừng lãng phí thời gian để chỉ trích người khác và tức giận với nhau; thay vào đó, chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Thần. Ngài có thể giải quyết tất cả những điều này.

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giêsu và của Chúa Cha, nguồn mạch vô tận của sự hòa hợp, chúng con xin phó thác thế giới cho Ngài; chúng con tận hiến Giáo hội và tâm hồn của chúng con. Xin hãy đến, Thần Khí Tạo dựng, sự hòa hợp của nhân loại, hãy đổi mới bộ mặt trái đất. Xin hãy đến, Đấng là nguồn Ân sủng, sự hòa hợp của Giáo hội, xin làm cho chúng con nên một trong Ngài. Xin hãy đến, Thần Khí tha thứ và hòa hợp tâm hồn, xin biến đổi chúng con, điều chỉ duy nhất mình Ngài mới có thể, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/5/2023]