Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ Skopje

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ Skopje
Vatican Media Screenshot

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ Skopje

‘Để cha nói với các bạn điều này là người ta không bao giờ có thể ước mơ quá nhiều.’

07 tháng Năm, 2019 16:44

Ngày 7 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico tham dự một buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ ở Skopje, Bắc Macedonia.


Dưới đây là diễn từ của ngài, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

Các bạn thân mến,

Có những buổi họp mặt như vầy luôn luôn cho cha niềm vui và hy vọng. Cảm ơn các bạn đã làm cho buổi gặp gỡ này diễn ra và cho cha cơ hội này. Cha rất cảm kích trước những điệu múa và những câu hỏi của các bạn. Cha đã nhận những câu hỏi đó và suy nghĩ về chúng, và vì thế cha đã chuẩn bị một số điểm cho buổi gặp gỡ của chúng ta.

Cha sẽ bắt đầu với câu hỏi cuối cùng: như Chúa nói, người sau rốt sẽ trở nên trước hết! Liridona, sau khi con chia sẻ những hy vọng của con với mọi người ở đây, con hỏi cha: “Con có ước mơ quá nhiều không?” Một câu hỏi rất hay và cha muốn tất cả chúng ta cùng trả lời câu hỏi. Các bạn nghĩ sao? Bạn Liridona có ước mơ quá nhiều không?

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ Skopje

Để cha nói với các bạn điều này là người ta không bao giờ có thể ước mơ quá nhiều. Một trong những vấn đề lớn mà con người ngày nay mắc phải, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là họ đánh mất khả năng ước mơ. Họ không mơ ước nữa, ít nhiều là như vậy. Khi một người không còn ước mơ, khi một người trẻ không ước mơ, khoảng không gian trống rỗng đó sẽ được lấp đầy bằng những sự kêu ca phàn nàn và một cảm giác về sự vô vọng. “Chúng ta hãy để điều đó lại cho những người tôn thờ ‘nữ thần bi lụy’ … Đó là một nữ thần giả dối: thần đó sẽ đưa các bạn đi theo con đường sai lầm. Khi mọi thứ dường như dậm chân tại chỗ và trì trệ, khi những vấn đề riêng làm chúng ta rối tung lên, và các vấn đề xã hội không tìm được những câu trả lời thỏa đáng, thì đầu hàng chẳng phải là điều tốt” (Tông huấn Christus Vivit, 141). Liridona thân mến, các bạn thân mến, đây là lý do tại sao người ta không thể nào ước mơ quá nhiều. Hãy cố nghĩ đến những ước mơ lớn nhất của các bạn, giống như giấc mơ của Liridona – các bạn có nhớ nó không? Trao hy vọng cho một thế giới đã rã rời, cùng sát cánh với nhau, cả người Ki-tô hữu và Hồi giáo. Đây thật sự là một ước mơ rất đẹp. Bạn Liridona không nghĩ về những điều nhỏ bé, “chuyện cơm áo gạo tiền,” nhưng bạn ấy ước mơ một điều lớn lao.

Vài tháng trước, một người bạn của cha, Đức Ahmad Al-Tayyeb, Đức Đại Imam của Al-Azhar, và cha đã có một ước mơ giống như của con, điều đó đã làm cho chúng tôi đi đến một cam kết và ký một văn kiện nói rằng đức tin phải dẫn đưa chúng ta là những người tín hữu đến chỗ biết nhìn người khác là anh chị em. Là anh chị em thì chúng ta cần phải hỗ trợ và yêu thương, không để mình bị thao túng bởi những lợi lộc vụn vặt. Chúng ta có thể có ước mơ ở mọi độ tuổi … Vì vậy hãy cứ ước mơ, và ước mơ lớn!

Điều này làm cha nghĩ đến những gì Bozanka đã nói với chúng ta. Bạn ấy nói rằng là người trẻ chúng con thích phiêu lưu. Cha rất vui vì điều đó, vì đó là một con đường rất đẹp để làm người trẻ: để trải nghiệm một cuộc phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu thú vị. Vì vậy cha hỏi các bạn: có cuộc phiêu lưu nào đòi hỏi lòng can đảm nhiều hơn ước mơ mà Liridona đã chia sẻ với chúng ta không, ước mơ trao tặng hy vọng cho một thế giới bị rã rời? Thế giới chúng ta đang kiệt sức và bị chia rẽ, và chúng ta có thể bị cám dỗ cứ để cho nó bị chia rẽ và để chính bản thân chúng ta bị chia rẽ. Tuy nhiên, chúng ta đã nghe thấy lời của Chúa mạnh mẽ biết dường bao: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9)! Có điều gì có thể cho chúng ta nhiều niềm vui hơn là cam kết mỗi ngày để trở thành những người trung tín xây dựng ước mơ, những nghệ nhân của niềm hy vọng? Mơ ước giúp chúng ta giữ gìn sống động niềm tin chắc chắn của chúng ta rằng một thế giới khác thật sự là có thể, và rằng chúng ta được kêu gọi hãy chung tay, để giúp xây dựng thế giới đó qua công việc của chúng ta, những nỗ lực và hành động của chúng ta.

Ở đất nước này, các bạn có một truyền thống rất đẹp là điêu khắc đá, do những nghệ nhân giàu kỹ năng cắt đá và thực hiện nó. Chúng ta cần phải trở nên giống như những nghệ nhân thủ công đó, để trở thành những nhà điêu khắc chuyên nghiệp cho những ước mơ của chúng ta. Một người điêu khắc đá cầm cục đá trên tay và từng bước tạo hình và biến đổi nó bằng sự tập trung và nỗ lực cao độ, và đặc biệt với một khao khát lớn là được nhìn thấy cục đá đó, cục đá mà mọi người nghĩ rằng chẳng có giá trị gì, có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

“Những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta chỉ có thể đạt được qua sự hy vọng, kiên trì, và cam kết, và không vội vàng. Đồng thời, chúng ta không nên do dự, đừng e sợ không dám nắm lấy cơ hội hoặc phạm sai lầm. Hãy tránh sự tê liệt của một xác ướp chẳng còn sự sống nữa vì họ sợ mạo hiểm, sợ phạm sai lầm hoặc sợ phải bền chí trong những cam kết. Cho dù chúng con có phạm sai lầm, thì chúng con vẫn luôn có thể đứng dậy và làm lại một khởi đầu mới, vì không ai có quyền cướp mất của chúng con niềm hy vọng” (Tông huấn Christus Vivit, 142). Đừng sợ trở thành những nghệ nhân xây dựng ước mơ và hy vọng!

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ tại Trung tâm Mục vụ Skopje

“Chắc chắn, là các chi thể của Giáo hội, chúng ta không được đứng cách xa người khác. Tất cả mọi người phải xem chúng ta như là bạn bè và hàng xóm, giống như các tông đồ, các ngài ‘được toàn dân thương mến’ (Cv 2:47; x. 4:21.33; 5:13). Nhưng đồng thời chúng ta phải dám trở nên khác biệt, hướng đến những lý tưởng không phải là lý tưởng của thế gian này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, sự phục vụ, sự trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung tín với ơn gọi riêng của chúng ta, cầu nguyện, theo đuổi công bằng và ích chung, yêu thương người nghèo, và tình bạn xã hội” (nt., 36).

Hãy nghĩ đến Mẹ Teresa: khi mẹ còn sống ở đây, mẹ không hề hình dung rằng cuộc sống sẽ đưa mẹ đến đâu. Tuy nhiên mẹ vẫn cứ ước mơ và cố gắng nhìn thấy dung nhan của Chúa Giê-su, là tình yêu vĩ đại của mẹ, nơi tất cả những người nằm bên vệ đường. Mẹ mơ ước thật lớn, và đây cũng là lý do tại sao mẹ đã yêu thương thật nhiều. Mẹ đã đứng vững đôi chân ở đây, trên mảnh đất quê hương của mẹ, nhưng mẹ không đứng im. Mẹ muốn là “một cây bút chì trong bàn tay của Chúa.” Đây là ước mơ mà mẹ đã tác tạo. Mẹ dâng nó lên cho Chúa, mẹ tin tưởng vào nó, mẹ đau khổ vì nó, và mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Và Chúa bắt đầu viết những trang sử mới và tuyệt vời với cây bút chì đó.

Mỗi người các bạn được kêu gọi, giống như Mẹ Teresa, để làm việc bằng đôi tay của mình, để đón nhận cuộc sống một cách nghiêm túc và làm một điều gì đó đẹp đẽ về nó. Chúng ta đừng cho phép mình bị cướp mất những ước mơ (x. Tông huấn Christus Vivit, 17); chúng ta đừng để cho mình bị tước mất tính mới mẻ mà Chúa muốn tặng ban cho chúng ta. Các bạn sẽ gặp nhiều, nhiều những khúc quanh co và đoạn quay đầu trong cuộc sống, nhưng quan trọng là phải dám đối mặt với chúng và tìm những cách sáng tạo để biến chúng thành những cơ hội. Nhưng đừng bao giờ làm một mình! Không ai có thể chiến đấu một mình. Như Dragan và Marija nói với chúng ta: “sự liên kết của chúng ta trao cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với những thách đố của xã hội ngày nay.”

Đây là một bí mật rất đẹp chỉ cho chúng ta thấy cách ước mơ và biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu thú vị như thế nào. Không ai có thể đối mặt với cuộc sống trong sự cô đơn; không ai có thể sống đời sống đức tin hoặc thực hiện giấc mơ của mình một mình, không cần phải rời khỏi nhà, không cần phải là một thành viên của cộng đồng, một mình trong lòng và một mình trong nhà, khóa kín và cách ly mình sau những bức tường. Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, ở đó chúng ta có thể giúp nhau và tiếp tục hướng về phía trước.

Cùng ước mơ chung là điều vô cùng quan trọng! Cũng giống như điều các bạn làm hôm nay: mọi người đến cùng nhau, đến đây tại một địa điểm, không có những rào cản. Xin các bạn hãy cùng nhau ước mơ, không phải tự mình! Hãy mơ ước cùng với người khác và đừng bao giờ chống lại nhau! Bởi tự sức mình, các bạn có nguy cơ nhìn thấy những ảo tưởng, nhìn thấy những điều không có ở đó. Những ước mơ phải được cùng nhau xây dựng.

Dragan và Marija nói với chúng ta rằng điều này sẽ trở nên khó khăn biết bao khi mọi thứ ngấm ngầm cách ly chúng ta và tước mất của chúng ta cơ hội gặp gỡ nhau. Bây giờ ở tuổi của cha (và cha không còn trẻ chút nào!), các bạn có muốn biết cái gì là bài học tốt nhất mà cha cho rằng cha đã học được không? Đó là làm sao để nói chuyện “mặt đối mặt” với mọi người. Chúng ta đã đi vào thời đại kỹ thuật số, nhưng thật ra, chúng ta biết rất ít về giao tiếp. Tất cả chúng ta đều “được kết nối,” nhưng lại không thật sự “kết hiệp” với nhau. Sự kết hiệp đòi hỏi cuộc sống thật; nó kêu gọi bạn phải có mặt ở đó và chia sẻ những thời gian tốt đẹp và cả những lúc không tốt đẹp. Tại Thượng Hội đồng năm ngoái về giới trẻ, chúng tôi đã có được kinh nghiệm gặp gỡ nhau mặt đối mặt, cả những người trẻ lẫn những người-không-còn-trẻ. Chúng tôi đã có thể lắng nghe nhau, cùng nhau mơ ước và nhìn về tương lai với niềm hy vọng và lòng tri ân. Đó là liều thuốc giải độc tốt nhất cho sự ngã lòng và sự thao túng, là liều thuốc giải cho văn hóa phù du và cho tất cả những tiên tri giả kia là những kẻ chỉ công bố sự bất hạnh và tàn phá. Lắng nghe, hãy lắng nghe nhau. Để cha kể cho các bạn một điều cha cảm nhận rất mạnh mẽ: hãy cho bản thân các bạn một dịp nào đó để chia sẻ và tận hưởng một cuộc “mặt đối mặt” tốt lành với mọi người, nhưng đặc biệt với ông bà của các bạn, với những người lớn tuổi trong cộng đồng của các bạn. Có thể một số người trong các bạn đã nghe cha nói điều này, nhưng đối với cha đó là một liều thuốc giải cho những kẻ muốn nhốt các bạn trong hiện tại, làm các bạn “bội thực” với những áp lực và những đòi hỏi, tất cả đều núp dưới cái tên được vin vào là sự hạnh phúc, dường như thế giới này sắp chấm dứt và các bạn phải trải nghiệm mọi thứ ngay lập tức. Về lâu về dài, điều này gây ra sự lo âu, không thỏa mãn và một cảm giác vô vọng. Với một tâm hồn bị lôi cuốn bởi sự vô vọng, thì chẳng có bài thuốc nào tốt hơn là hãy lắng nghe những kinh nghiệm của người lớn tuổi.

Các bạn thân mến, hãy dành thời gian với người lớn tuổi, lắng nghe những câu chuyện của họ, có thể đôi lúc chúng có một chút không thật nhưng quả thật chúng đầy những kinh nghiệm phong phú, những biểu tượng hùng hồn và là sự khôn ngoan ẩn giấu đang chờ đợi để được khám phá và được đánh giá đúng. Những câu chuyện đó cần phải có thời gian để kể ra (x. Tông huấn Christus Vivit, 195). Đừng quên câu người già nói rằng một người tí hon có thể nhìn xa hơn bằng cách đứng trên vai của một người khổng lồ. Bằng cách này, các bạn sẽ đạt được một tầm nhìn mới và rộng lớn hơn. Hãy bước vào sự khôn ngoan của dân tộc của các bạn, của cộng đồng của các bạn, không xấu hổ hoặc lưỡng lự, và các bạn sẽ khám phá một nguồn mạch sáng tạo đầy bất ngờ mà nó sẽ chứng minh làm thỏa mãn nhất. Nó sẽ làm cho các bạn nhận thấy được những lối đi nơi người khác nhìn thấy những chướng ngại, những cơ hội nơi những người khác nhìn thấy là những sự đe dọa, sự phục sinh nơi rất nhiều người tuyên bố rằng chỉ là cái chết.

Cảm ơn các bạn về buổi gặp gỡ này. Trong những chứng ngôn và trong những câu hỏi của các bạn, cha đã gặp được sự thao thức, những ước mơ và sự tìm tòi: tất cả những điều này là mảnh đất phì nhiêu để những điều vĩ đại đâm chồi trong đời sống của các bạn. Nó cho cha niềm hy vọng lớn khi nhìn thấy các bạn trẻ là những người cho sự dối trá những cái nhãn hiệu để đóng gói chúng lại, những người đã chán ngán những chia rẽ của quá khứ và hiện tại và cố gắng vượt qua chúng, những người gạt bỏ văn hóa loại trừ và chọn cách dấn thân. Những người trẻ cống hiến thời gian để phục vụ người nghèo, bảo vệ sự sống con người và thăng tiến gia đình. Những người trẻ không đầu hàng trước sự hủ hóa và chiến đấu cho tính hợp pháp. Những bạn trẻ nhìn thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị làm hư hại và cam kết làm trong sạch nó. Các bạn thân mến, bằng những con đường này, các bạn trở thành những nghệ nhân của hy vọng.

Khi những ước mơ của các bạn bị mờ nhạt và tâm hồn các bạn dường như chùng xuống, hãy tìm đến một cộng đồng, hãy cầm lấy tay nhau, và nhớ rằng có một Đấng muốn các bạn sống (x. Tông huấn Christus Vivit, 1)!

Nguyện xin Đấng Giàu Lòng Thương Xót và Đầy Lòng Trắc Ẩn – như những anh chị em Hồi giáo của chúng ta thường khẩn cầu lên Ngài – tăng sức cho các bạn, và ban ơn cho những gì các bạn ước mơ trong lòng, các bạn sẽ có thể định hình nó từng ngày từng ngày bằng đôi tay của mình.

Trước khi kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau dâng lên lời cầu nguyện của Mẹ Teresa đã viết để sự vững tin này có thể ghi dấu trong tâm hồn các bạn và trở thành một nguồn mạch dồi dào của sức sống.


Lạy Chúa, Người có cần đôi tay của con không?

(Lời cầu nguyện của Mẹ Teresa)

Lạy Chúa, Người có cần đôi tay của con để giúp đỡ người bệnh và người nghèo là những người hôm nay đang rất cần giúp đỡ không?

Lạy Chúa, hôm nay con dâng lên Người đôi bàn tay của con. Lạy Chúa, Người có cần đôi bàn chân của con để hôm nay dẫn đưa con đến với những người đang cần một người bạn?

Lạy Chúa, hôm nay con dâng lên người đôi bàn chân của con. Lạy Chúa, Chúa có cần tiếng nói của con để con có thể nói với tất cả những người đang cần một tiếng nói yêu thương không?

Lạy Chúa, hôm nay con dâng lên Người tiếng nói của con. Lạy Chúa, Người có cần trái tim của con để con có thể yêu thương mọi người, không loại trừ ai không?

Lạy Chúa, hôm nay con dâng lên Người trái tim của con.


******

1 Văn kiện về Tình Huynh đệ COn người, Abu Dhabi, 4 tháng Hai 2019. 

[00750-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/5/2019]


Cuộc sống một nhà truyền giáo ở Mông Cổ như thế nào?

Cuộc sống một nhà truyền giáo ở Mông Cổ như thế nào?

Cuộc sống một nhà truyền giáo ở Mông Cổ như thế nào?
Cha Francisco Javier Olivares, linh mục thừa sai ở Mông Cổ. Photo courtesy of Fr. Olivares.


Ulaanbaatar, Mông Cổ, 30 tháng Tư, 2019 / 12:54 chiều (CNA). - Lúc Cha Francisco Javier Olivera chào đời, thân mẫu của cha dâng ngài cho Mẹ Maria Đồng Trinh, cầu xin rằng cha sẽ trở thành một nhà truyền giáo ở Châu Á.

Thân mẫu của Cha Olivera nói cho cha biết về sự thánh hiến sau khi cha được truyền chức linh mục ở Nhật 22 năm trước. Từ đó, cha phục vụ là một nhà thừa sai, không chỉ ở Nhật, nhưng ở Trung Hoa và cả Mông Cổ.

Cha Olivera sinh tại Salamanca, Tây Ban nha, 47 năm trước. Cha là một linh mục giáo phận hoạt động với phong trào Neocatechumenal Way và là một nhà truyền giáo suốt 28 năm.

Trong một phỏng vấn với nhật báo Religión En Libertad, cha Olivera nói rằng ơn gọi linh mục và thừa sai của cha phát triển “từng bước từng bước,” chịu ảnh hưởng của một số các nhà truyền giáo và giáo lý viên ở lại trong nhà của gia đình ngài.

Cha cũng tin rằng những lời cầu nguyện của thân mẫu đã tạo nên sự khác biệt.

“Bà dâng tôi lên cho Đức Mẹ để trở thành một nhà truyền giáo ở Châu Á. Tôi không biết chuyện đó, bà kể cho tôi nghe ở Takamatsu, [Nhật] khi Lễ Truyền chức của tôi kết thúc,” vị linh mục nói.

Linh mục nói rằng Nhật là nơi công tác khó khăn nhất của cha, vì ở đó “bạn cảm thấy cô đơn hơn, thậm chí ngay trong một giáo xứ,” trong khi ở Trung Hoa tạo cho cha rất nhiều ấn tượng vì “con người ở đó rất hiếu kỳ và nếu có tự do thì sẽ rất tuyệt vời.”

Sau bốn năm sống ở Mông Cổ, cha nói vẫn thấy trách vụ “khá khó khăn do ngôn ngữ, nhiệt độ lạnh, sự ô nhiễm, văn hóa, và đặc biệt vì tất cả những trở ngại về luật pháp, mà cái đó thì rất nhiều.”

Giáo hội Công giáo đến Mông Cổ năm 1992, khi ba nhà truyền giáo thuộc Dòng Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria được gửi đến đất nước này sau khi có dân chủ và những bảo đảm cho sự tự do tôn giáo trong hiến pháp của đất nước.

Sau đó có các dòng linh mục và các tu sĩ đến, cùng với các thừa sai giáo dân. Ngày nay, mới chỉ có hơn 1200 người Công giáo.

“Các giáo xứ còn non trẻ về mọi mặt, nhiều người trẻ đang được thu hút đến với Giáo hội … Chúng tôi đã có một linh mục người Mông Cổ đầu tiên được truyền chức hai năm trước và hiện nay chúng tôi có một phó tế,” cha Olivera giải thích.

Cha Olivera hoạt động với một nhóm các thừa sai giáo dân và các gia đình trong phong trào Neocatechumenal Way. Cha dâng Lễ hàng ngày, học tiếng Mông Cổ, và dạy tiếng Nhật tại một công ty nơi cha cố gắng “tận dụng cơ hội để nói về Chúa, đặc biệt qua các bài hát.” Cha cũng dạy giáo lý thánh kinh tại giáo xứ địa phương.

Cha nói, việc trở lại đạo không diễn ra thường xuyên, nhưng cha nhìn thấy người dân “đang đến gần hơn với Giáo hội, đặc biệt qua việc thực hiện nhiều công tác xã hội khác nhau – hỗ trợ người già yếu, người nghèo và trẻ em bị bỏ rơi.”

“Rõ ràng, tình thương yêu mà các nhà thừa sai thể hiện đang dần dần cuốn hút người dân địa phương.”

Đưa ra một ví dụ, linh mục kể lại chuyện một người thanh niên “đang đi tìm Chúa trong cái đẹp.” Một ngày kia, một thanh niên đi vào nhà thờ chính tòa Công giáo, anh ta tìm thấy một nhóm các phụ nữ lớn tuổi đang cầu nguyện. Cảm động vì nét đẹp của cảnh tượng, người thanh niên quyết định xin rửa tội.

“Một số người cho rằng cuộc sống này là ngớ ngẩn, nhưng tôi thích nói,” Cha Olivera nói với Religión en Libertad. “Nếu nó có ngớ ngẩn hơn một tí nữa thì có lẽ tốt hơn, thì chúng tôi lại càng thấy rằng chính Chúa là người đứng ở đằng sau nó.”

Bài này được đăng lần đầu bởi ACI Prensa. Nó được chuyển ngữ và đăng lại bởi CNA.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/5/2019]