Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Toàn văn Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân

Toàn văn Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân

© Vatican Media

Toàn văn Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha nói về dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân

‘Thậm chí hôm nay Chúa chờ đợi hoa lợi trong vườn nho của Người từ những người Ngài sai đi làm trong đó’

04 tháng Mười, 2020 12:54

JIM FAIR

 
Trong huấn từ trước giờ Kinh Truyền tin hôm nay trong Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxico phân tích về dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân trích Tin mừng theo Thánh Mátthêu chương 21.

Đức Thánh Cha nói, “Hình ảnh vườn nho rất rõ ràng: nó đại diện cho dân Thiên Chúa đã chọn và thành lập với sự chăm sóc thật chu đáo; những người đầy tớ được ông chủ vườn nho sai đi là các tiên tri, được Thiên Chúa gửi đến, trong khi người con là Chúa Giêsu. Và cũng như các tiên tri đã bị chối từ, thì Đức Kitô cũng bị chối từ và bị giết chết.

“Bằng dụ ngôn mạnh mẽ này, Chúa Giêsu cảnh báo những người nghe Ngài về trách nhiệm của họ, và Ngài nói rất rõ ràng. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng sự răn dạy này chỉ áp dụng cho những người từ chối Chúa Giêsu trong thời của Ngài. Nó áp dụng trong mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta. Thậm chí hôm nay Chúa chờ đợi hoa lợi trong vườn nho của Ngài từ những người Ngài sai đi làm trong đó. Tất cả chúng ta.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong trích đoạn Tin mừng hôm nay (xem Mt 21:33-43) Chúa Giêsu, nhìn thấy trước cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, đã kể dụ ngôn về những người đi theo con đường sai trái. Thật vậy, họ đã có những dự định xấu đối với Ngài và đang tìm cách để loại trừ Ngài.

Câu chuyện dụ ngôn mô tả một người chủ vườn, sau khi đã có sự chăm sóc rất kỹ lưỡng mảnh vườn của mình (xem c. 33) phải lên đường trẩy đi xa và để lại nó cho những người tá điền trông nom. Rồi khi đến mùa thu hoạch, ông sai một số người đầy tớ đến thu hoạch hoa lợi; nhưng những người tá điền chào đón các đầy tớ bằng sự đánh đập và thậm chí giết họ. Ông chủ lại sai những người đầy tớ khác đến, lần này đông hơn, nhưng những tá điền kia cũng chào đón bằng hành động tương tự (xem cc. 34-36). Rồi lên đến đỉnh điểm khi ông chủ sau người con trai của mình đến: những người tá điền cũng chẳng tôn trọng người con, ngược lại họ nghĩ rằng họ có thể chiếm được vườn nho bằng cách loại trừ người con trai, và vì thế họ cũng giết anh ta (xem. cc. 37-39).

Hình ảnh vườn nho rất rõ ràng: nó đại diện cho dân Thiên Chúa đã chọn và thành lập với sự chăm sóc thật chu đáo; những người đầy tớ được ông chủ vườn nho sai đi là các tiên tri, được Thiên Chúa gửi đến, trong khi người con là Chúa Giêsu. Và cũng như các tiên tri đã bị chối từ, thì Đức Kitô cũng bị chối từ và bị giết chết.

Cuối câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi những người lãnh đạo dân chúng: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” (c. 40). Và, nắm bắt theo luận lý của câu chuyện kể, họ đưa ra câu trả lời: họ nói, ông chủ vườn sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ độc ác và trao vườn nho “cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông” (c. 41).

Bằng dụ ngôn mạnh mẽ này, Chúa Giêsu cảnh báo những người nghe Ngài về trách nhiệm của họ, và Ngài nói rất rõ ràng. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng sự răn dạy này chỉ áp dụng cho những người từ chối Chúa Giêsu trong thời của Ngài. Nó áp dụng trong mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta. Thậm chí hôm nay Chúa chờ đợi hoa lợi trong vườn nho của Ngài từ những người Ngài sai đi làm trong đó. Tất cả chúng ta.

Trong bất kỳ thời đại nào, những người có quyền bính, bất kỳ quyền bính gì, kể cả trong Giáo hội, trong dân Chúa, có thể bị cám dỗ làm việc vì lợi ích riêng của họ thay vì cho dân Chúa. Và Chúa Giêsu nói rằng quyền bính thật sự nằm trong việc phục vụ; nó ở trong việc phục vụ, và đó là điều cần phải thực thi, vì lợi ích cho tất cả mọi người và cho việc truyền bá Tin mừng. Thật kinh khủng khi nhìn thấy những người có quyền bính trong Giáo hội tìm kiếm lợi ích riêng của họ.

Trong bài đọc hai của phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết cách để trở thành những người lao công giỏi trong vườn nho của Chúa: đó là sự thật, cao thượng, công bằng, minh bạch, yêu thương và tôn trọng; đó là đức hạnh và đáng khen ngợi, hãy để tất cả những điều này trở thành mục tiêu cam kết mỗi ngày cho chúng ta (x. Phl 4:8). Xin lặp lại: đó là sự thật, cao thượng, công bằng, minh bạch, yêu thương và tôn trọng; là đức hạnh và đáng khen ngợi, hãy biến tất cả những điều này trở thành mục tiêu cam kết mỗi ngày cho chúng ta. Đó là thái độ của quyền bính và cũng là của mỗi chúng ta, vì mỗi người chúng ta đều có một quyền bính nào đó, cho dù theo cách rất nhỏ, rất nhỏ. Bằng cách này chúng ta sẽ trở thành một Giáo hội giàu có hơn bao giờ hết trong những hoa trái thánh thiện, chúng ta sẽ làm vinh danh Chúa Cha là Đấng yêu thương chúng ta bằng lòng từ bi vô bờ bến, vinh danh Chúa Con là Đấng tiếp tục ban cho chúng ta ơn cứu độ, và vinh danh Chúa Thánh Thần là Đấng mở lòng chúng ta và thúc đẩy chúng ta tiến đến việc kiện toàn sự tốt lành.

Chúng ta cùng hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, cùng hiệp thông trong tinh thần với các tín hữu tập trung trong Đền thờ Pompeii để Khẩn nài, và trong Tháng Mười chúng ta hãy tiếp tục cam kết việc đọc kinh Mân Côi.

_________________

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua cha đến Assisi để ký Tông huấn mới Fratelli tutti về tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Cha dâng lên Chúa trên mộ của Thánh Phanxico, là đấng truyền cảm hứng cho cha, cũng như với Tông huấn Laudato si’ trước đây. Những dấu chỉ thời đại rõ ràng cho chúng ta thấy rằng tình huynh đệ con người và sự chăm sóc tạo vật tạo thành con đường duy nhất để tiến tới sự phát triển toàn diện và hòa bình, đã được trình bày bởi các Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, và Gioan Phaolô II. Hôm nay, trước anh chị em trong quảng trường – và cả những anh chị em bên ngoài quảng trường – cha vui mừng công bố Tông huấn mới, trong một ấn bản đặc biệt của Osservatore Romano. Và với ấn bản này, phiên bản in thường nhật của Osservatore Romano được khôi phục. Xin Thánh Phanxico đồng hành với hành trình huynh đệ của Giáo hội, giữa các tín đồ của tất cả các tôn giáo, và giữa tất cả các dân tộc. Tôi rất vui mừng trước những sáng kiến đang được áp dụng ngày nay tại nhiều nơi khác nhau, và đặc biệt, tôi nhắc đến sáng kiến của vùng Châu thổ sông Po.

Một trăm năm trước, vào ngày 4 tháng Mười Opera Stella Maris được thành lập ở Scotland để hỗ trợ người dân vùng biển. Vào ngày kỷ niệm quan trọng này, tôi động viên các tuyên úy và các tình nguyện viên vui mừng làm chứng cho sự hiện diện của Giáo Hội tại các cảng, và giữa những người đi biển, ngư dân và gia đình của họ.

Hôm nay, tại Bologna, cha Don Olinto Marella, một linh mục của giáo phận Chioggia, một vị mục tử với con tim của Chúa Kitô, là cha của người nghèo và là người bảo vệ kẻ cô thế, đã được phong chân phước. Ước mong chứng tá phi thường của ngài trở thành mẫu gương cho nhiều linh mục, được kêu gọi để trở thành những tôi tớ khiêm nhường và can đảm của dân Chúa. Bây giờ xin một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Cha xin chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ nhiều quốc gia – cha nhìn thấy quá nhiều cờ … các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, và tín hữu đi một mình. Đặc biệt, cha gửi lời chào các gia đình và bạn bè của Đội Hiến binh Thụy sĩ, những người hôm nay đến đây để chứng kiến lễ tuyên thệ của đợt tuyển mới. Họ là những người đàn ông tuyệt vời! Đội Hiến binh Thụy sĩ thực hiện hành trình đời sống trong việc phục vụ Giáo hội, phục vụ Giáo hoàng. Họ là những con người tuyệt vời đến đây để phục vụ trong hai, ba, bốn năm và nhiều hơn nữa. Cha xin anh chị em một tràng pháo tay thật lớn cho Đội Hiến binh Thụy sĩ.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 05/10/2020]


Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch

Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch
His Excellency, The Most Reverend Gabriele Caccia Apostolic Nuncio, Permanent Observer Of The Holy See To The United Nations

Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch

Định hình một thế giới tốt đẹp hơn: xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm trong môi trường Covid-19 đầy thách đố

30 tháng Chín, 2020 15:58

ZENIT STAFF



Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Khâm sứ và là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, đã phát biểu trong cuộc họp cấp cao thường niên của Liên minh Nhóm Bạn bè các Nền Văn minh Liên Hợp quốc về chủ đề định hình một thế giới tốt đẹp hơn: xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm trong môi trường Covid-19 đầy thách đố tại Liên Hợp quốc, New York, 29 tháng Chín, 2019.

******

Thưa ngài Đại diện Cấp cao,

Thưa quý ngài,

Các bạn thân mến,

Thứ Sáu trước, khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Đức Giáo hoàng Phanxico đã kết thúc các ý của ngài bằng lời kêu gọi rằng “đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống mà không có nhau, hoặc tệ hơn nữa là vẫn chống lại nhau.”[1] Đại dịch hiện nay ảnh hưởng đến gia đình con người là một cơ hội để cùng nhau làm việc và xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm. “Chúng ta không bao giờ vượt ra khỏi một cuộc khủng hoảng và trở về như chúng ta trước đây,” Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta thoát ra để trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn.” Thực tế này đưa ra cho tất cả chúng ta lời mời gọi, ngài kết luận, “để suy nghĩ lại về tương lai của ngôi nhà chung và dự án chung của chúng ta.”[2]

Trong một số tuần lễ, Đức Giáo hoàng Phanxico đã dành buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài để nói về đại dịch COVID-19. Ngài không chỉ đưa ra suy tư mà đề nghị sự phản ứng cụ thể dựa trên nền tảng Giáo lý Xã hội của Giáo hội Công giáo, đặt trên những nguyên tắc như tình đoàn kết và sự bổ trợ, là những nguyên tắc xuất phát từ khao khát phục vụ ích chung. Đức Giáo hoàng Phanxico cũng thể hiện sự gần gũi của ngài qua nhiều sáng kiến tinh thần và thực tế, chẳng hạn những giờ cầu nguyện, Thánh lễ truyền hình trực tiếp từ nơi ngài ở, thành lập Ủy ban Ứng phó COVID-19 Vatican với năm nhóm làm việc, và tặng những máy trợ thở, máy scanner, và những thiết bị y tế khác cho các bệnh viện trên toàn thế giới. Sự chú ý của Đức Giáo hoàng Phanxico tập trung vào những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, cũng như ngôi nhà chung của chúng ta, thúc giục chúng ta hãy tái khám phá “ý nghĩa của việc là thành viên trong gia đình nhân loại.”[3] Mặc dù có nhiều điều khác biệt, nhưng sự khác biệt như vậy không bao giờ là lý do cho sự độc quyền hoặc chia rẽ gia đình nhân loại, đặc biệt là vào thời điểm khó khăn như vậy. Đại dịch đã đưa chúng ta trở lại với những điều căn bản: “là thời gian để lựa chọn những gì là quan trọng, là thời gian để tách bạch những gì cần thiết và những gì không cần thiết.”[4]

Gần đây, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (PCID) cùng với Hội đồng Phổ thế các Giáo hội (WCC) đã đưa ra một tài liệu có tựa đề Phục vụ một thế giới bị thương tổn trong tình liên đới liên tôn – Lời kêu gọi suy tư và hành động của Kitô giáo trong COVID-19 và hơn thế nữa. Phần mở đầu trình bày rõ rằng cho dù tài liệu với tác quyền chung của Kitô giáo, nhưng sự yêu thương và phục vụ tha nhân của chúng ta phải được thực hiện “trong tình liên đới với những người tuyên xưng và thực hành các tôn giáo khác với tôn giáo của chúng ta hoặc xem họ không thuộc tôn giáo cụ thể nào.”[5] Tài liệu tiếp tục lưu ý rằng thế giới bị đau thương không chỉ bởi đại dịch mà còn bởi “tai họa của sự bất khoan dung tôn giáo, phân biệt đối xử, phân biệt sắc tộc, bất công kinh tế và sinh thái, và nhiều tội khác.”

Hôm nay là một cơ hội để tái cam kết ngăn chặn xu hướng bất khoan dung tôn giáo qua tinh thần đối thoại đích thực, và việc sẵn sàng lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Ngay cả khi đối thoại giữa các tôn giáo là một vấn đề nội bộ của các cộng đồng tôn giáo, ở cấp độ không chính thức thì nó vẫn là một cuộc đối thoại của cuộc sống, cùng với nhau với tư cách là các cộng đồng tôn giáo, cùng nhau làm việc để thúc đẩy ích chung, chung sống hòa bình, và sự hiểu biết trong các xã hội và cho toàn nhân loại. [6] Hình thức đối thoại về sự sống này là mô hình và là chất xúc tác cho mọi cuộc đối thoại giữa con người và giữa các dân tộc ở mọi cấp độ.

Để sống như là những Quốc gia thực sự đoàn kết, là những người anh chị em cam kết vì sự phát triển con người toàn diện thì chúng ta phải vượt xa hơn những tuyên bố, dù rõ ràng. Chúng ta phải đến với nhau và “biến thách thức trước mắt thành cơ hội để cùng nhau xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn.” [7] Và các tín đồ tôn giáo, trong suốt đại dịch này và xa hơn thế nữa, phải giúp để vạch ra con đường.

Cảm ơn quý vị lắng nghe.

____________________________ 

[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ cuộc họp thứ bảy mươi của Đại hội đồng Liên hợp quốc, 25 tháng Chín năm 2020.

[2] sđd.

[3] Đức Thánh Cha Phanxico, Tiếp kiến chung, 12 tháng Tám năm 2020.

[4] Đức Thánh Cha Phanxico, suy niệm trong giờ cầu nguyện đặc biệt trong thời gian đại dịch, 27 tháng Ba năm 2020.

[5] PICD/WCC “Phục vụ một thế giới đau thương trong tình liên đới liên tôn – Lời kêu gọi suy tư và hành động của Kitô giáo trong COVID-19 và hơn thế nữa.”

[6] Xem phát biểu của Đức ông Janusz S. Urbańczyk, Đại diện Quan sát viên của Tòa Thánh tại cuộc họp First Supplementary Human Dimension Meeting, OSCE (“Tuân thủ các nguyên tắc khoan dung và không phân biệt đối xử, bao gồm cả trong việc thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”), Vienna, 1-2 tháng Tư năm 2019.

[7] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ cuộc họp thứ bảy mươi của Đại hội đồng Liên hợp quốc, 25 tháng Chín năm 2020.

Copyright © 2020 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/10/2020]