Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa

Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa

‘Việc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giê-su tìm được nơi thích hợp nhất là trên đường, đặt sứ mạng Giáo hội dưới dấu hiệu ‘bước đi’

4 tháng Hai, 2018
Huấn từ Kinh Truyền tin: Loan báo Nước Thiên Chúa
Vatican Media Screenshot
THÀNH VATICAN, 4 THÁNG HAI, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật này tiếp tục miêu tả một ngày của Chúa Giê-su tại Ca-pha-na-um, vào một ngày Sa-bát, ngày lễ trong tuần của người Do thái (x. Mc 1:21-39). Lần này tác giả Tin mừng Mác-cô làm nổi bật sự tương quan giữa hoạt động làm phép lạ của Chúa Giê-su và việc thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp gỡ. Quả thật, bằng việc chữa lành nhiều chứng bệnh khác nhau Ngài thực hiện nơi các bệnh nhân, Chúa Giê-su muốn khơi dậy câu trả lời đức tin của mọi người.

Ngày của Chúa Giê-su ở Ca-pha-na-um bắt đầu bằng việc chữa lành nhạc mẫu của Phê-rô và kết thúc với cảnh người dân cả thành chen chúc tập trung trước cửa nhà ngài đang ở, để mang đến cho Ngài tất cả mọi người bệnh. Đám đông, với những đau đớn về thể xác và đau khổ về tinh thần, theo một cách nói là tạo nên “môi trường cuộc sống” trong đó sứ mạng của Chúa Giê-su được thực hiện, đó là những lời rao giảng và hành động chữa lành và an ủi. Chúa Giê-su không mang ơn cứu độ đến trong một phòng thí nghiệm. Người không thực hiện việc rao giảng trong phòng thí nghiệm, xa rời dân chúng: Người ở giữa đám đông! Người ở giữa dân chúng! Chúng ta cứ nghĩ xem phần lớn cuộc đời công khai của Chúa Giê-su là ở trên đường, ở giữa mọi người, để rao giảng Tin mừng, để chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần. Đó chính là một nhân loại hằn lên những nỗi đau, đó là đám đông mà Tin mừng rất nhiều lần nói đến. Đó là một nhân loại hằn lên những nỗi đau, cơ cực, và khó khăn: hành động quyền năng, giải phóng và đổi mới của Chúa Giê-su hướng trực tiếp đến nhân loại đáng thương này. Vì thế, ngày Sa-bát đó kết thúc vào lúc tối muôn giữa đám đông. Và Chúa Giê-su làm gì tiếp sau đó?

Trước bình minh của ngày hôm sau, Ngài một mình đi ra ngoài cổng thành và đến một nơi thanh tịnh cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện. Từ đó Ngài đưa bản thân và sứ vụ của Ngài tránh khỏi sự hiếu thắng, nó làm hiểu sai ý nghĩa của các phép lạ và quyền năng thần lực của Ngài. Thật ra, những phép lạ là “những dấu chỉ,” để mời gọi câu trả lời của đức tin; những dấu chỉ luôn luôn được kèm theo bằng những lời nói làm sáng tỏ những hành động, đồng thời những dấu chỉ và lời rao giảng khơi lên đức tin và sự trở lại nhờ sức mạnh của ơn sủng của Đức Ki-tô.

Phần kết luận của trích đoạn Tin mừng hôm nay (cc. 35-39) cho thấy rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giê-su tìm được nơi thích hợp nhất là trên đường. Với các môn đệ đang đi tìm Ngài để đưa Ngài vào lại trong thành – những môn đệ đang đi tìm xem Ngài đang cầu nguyện ở đâu và muốn đưa ngài trở lại thành –, Chúa Giê-su trả lời như thế nào?: “Chúng ta hãy đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (c. 38). Đây là con đường của Con Thiên Chúa và đây sẽ là con đường của các môn đệ của Người. Con đường, như là nơi loan báo Tin mừng, đặt sứ mạng Giáo hội dưới dấu hiệu “bước đi” trên con đường, dưới dấu hiệu của “sự di chuyển” và không bao giờ ở trong trạng thái tĩnh.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết mở lòng trước tiếng gọi của Thánh Thần, Đấng thúc đẩy Giáo hội sẵn sàng dựng lều giữa muôn dân để đem đến cho mọi người lời chữa lành của Chúa Giê-su, bác sĩ của các linh hồn và thể xác.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Vigevano đã tuyên phong Chân phước thanh niên Teresio Olivelli, bị giết vì đức tin Ki-tô năm 1945 ở trại tập trung Hersbruck. Cậu đã làm chứng nhân cho Đức Ki-tô bằng tình yêu dành cho người yếu thế nhất và cùng chung phần vào hàng đông đảo những vị tử đạo của thế kỷ trước. Nguyện xin sự hy sinh anh dũng của cậu trở thành một hạt giống hy vọng và huynh đệ, đặc biệt cho giới trẻ.

Hôm nay Ngày Bảo vệ Sự sống ở Ý được tổ chức với chủ đề “Tin mừng của Sự sống, Niềm vui cho Thế giới.” Tôi hiệp thông trong Sứ điệp của các Giám mục Ý và bày tỏ sự đánh giá cao và sự động viên đối với nhiều thực tại giáo hội khác nhau, bằng nhiều cách đã thúc đẩy và hỗ trợ sự sống, đặc biệt là Phong trào Bảo vệ Sự sống mà có rất nhiều người đại diện có mặt ở đây hôm nay, cha xin chào. Và điều này làm cha lo lắng: không có nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ sự sống trong một thế giới mà mỗi ngày thêm nhiều vũ khí được chế tạo, mỗi ngày có thêm nhiều luật chống lại sự sống được thông qua, mỗi ngày văn hóa loại bỏ này cứ tiến triển, loại bỏ những gì không còn hữu dụng, những gì gây phiền. Xin hãy cùng nhau cầu nguyện để dân tộc chúng ta ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ sự sống trong thời gian phá hủy và loại trừ của nhân loại.

Cha xin bày tỏ tình liên đới với người dân Madagascar, mới đây bị trận bão lốc rất mạnh tấn công, để lại nhiều nạn nhân, những người phải di tản và những thiệt hại lớn. Xin Chúa ủi an và giữ vững tinh thần họ.

Và bây giờ là một công bố. Trước tình trạng kéo dài những xung đột thảm kịch ở nhiều nơi trên thế giới, cha mời gọi tất cả tín hữu hiệp thông trong một Ngày Cầu nguyện Đặc biệt và Ăn chay vì Hòa bình vào ngày 23 tháng Hai sắp tới, đó là ngày Thứ Sáu của tuần Thứ Nhất Mùa Chay. Chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Cũng như những lần như vầy, tôi mời gọi anh chị em không thuộc Công giáo và không phải Ki-tô giáo cùng hợp sức trong sáng kiến này theo cách nào họ thấy phù hợp nhất, nhưng cùng đồng tâm với nhau.

Cha Trên Trời của chúng ta luôn lắng nghe những đứa con của Người buồn phiền và đau khổ kêu khóc lên Người, Đấng chữa lành những tâm hồn tan vỡ và băng bó những vết thương của họ” (Tv 147:3). Tôi đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết để chúng ta cũng nghe thấy tiếng khóc này, và mỗi người chúng ta với lương tâm của mình trước mặt Thiên Chúa, hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cho hòa bình?” Chắc chắn chúng ta có thể cầu nguyện, và mỗi người hãy nói “không” thật quyết liệt với bạo lực tới mức xem như nó phải lệ thuộc vào bản thân mỗi người. Vì chiến thắng đạt được bằng bạo lực là chiến thắng giả tạo trong khi làm việc cho hòa bình tạo sự tốt lành cho mọi người!

Cha xin chào tất cả anh chị em, tín hữu của Roma và anh chị em hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Cha chào nhóm anh chị em của các giáo phận Cadiz và Ceuta, Tây Ban nha, các học sinh trường “Charles Peguy” ở Paris, các tín hữu của Sestri Levante, Empoli, Milan và Palermo, và đại diện của thành phố Agrigento, cha xin bày tỏ lòng biết ơn với họ vì sự cam kết hiếu khách và hội nhập cho người nhập cư. Cảm ơn vì những gì anh chị em làm. Xin gửi lời chào nồng hậu đến các tình nguyện viên và cộng tác viên của Hiệp hội “Fraterna Domus”, đã hoạt động suốt 50 năm ở Roma cho lòng hiếu khách và tình liên đới.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

JF


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2018]

Con đường nên thánh: bài học của giáo dân đối với cậu thanh niên Karol Wojtyla và Ba lan

Con đường nên thánh: bài học của giáo dân đối với cậu thanh niên Karol Wojtyla và Ba lan

Cuộc nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Krakow, Đức ông Marek Jedraszewski

2 tháng Hai, 2018
Con đường nên thánh: bài học của giáo dân đối với cậu thanh niên Karol Wojtyla và Ba lan
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II - Wikipedia
“Theo tự nhiên những gì mới luôn làm giới trẻ rất thích thú. Tuy nhiên, các nền tảng còn quan trọng hơn,” Đức Giám mục Marek Jedraszewski 68 tuổi nói, ngài là giám mục của giáo phận Krakow, từ 8 tháng Mười Hai, 2016, tòa giám mục trước đây của Đức Karol Wojtyla, sau này là Thánh Gioan Phaolo II.

Ngày 16 tháng Mười, 2018 sắp tới, Giáo hội Công giáo Ba lan sẽ chuẩn bị mừng kỷ niệm 40 năm ngày lên ngôi của vị Giáo hoàng người Ba lan đầu tiên trong lịch sử. Nhưng, năm 2018 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba lan, sau 123 năm dưới sự cai trị của nước ngoài. Đức Tổng Giám mục Jedrazewski nói về vấn đề đó với một nhóm phóng viên trong chuyến thăm viếng Roma, về những cam kết liên quan đến Tổ chức Gioan Phaolo II, khai sinh năm 1981, theo quy chế, người đứng đầu là Tổng Giám mục Krakow.

Thật ra, một trong những trách vụ của Tổ chức là truyền lại cho những thế hệ tương lai di sản của Đức Giáo hoàng Wojtyla. “Đức Tổng Giám mục Jedraszewski nói, “Giới trẻ ngày nay thực sự biết ngài Wojtyla là ai và biết rằng ngài quê ở Krakow, nhưng họ không biết ngài dạy những gì trong suốt 27 năm giáo hoàng của ngài, đặc biệt đối với những người rất trẻ. Chúng ta phải mở ra cho họ, cả kiến thức về những văn bản vẫn còn mang tính thời sự ngày nay, đặc biệt liên quan đến chủ điểm Lòng Thương xót của Chúa và sự liên quan đến Thánh Faustina Kowalska.”

Kỷ niệm ngày lên ngôi của Đức Gioan Phaolo II rơi đúng vào giữa kỳ Thượng Hội đồng về Giới trẻ tháng Mười 2018. Đức Tổng Giám mục nhớ lại, “Tôi nhớ những lời ngài nói tại Czestochowa, năm 1983, trong suốt chuyến thăm quê hương lần thứ hai của ngài, khi ngài thúc đẩy giới trẻ phải biết đòi hỏi thật nhiều nơi bản thân, ngay cả khi người khác không yêu cầu gì nơi họ. Đây là một vấn đề của ý thức luân lý, của sự đáp lời cho những thách đố văn hóa ngày nay. Vấn đề luôn luôn như nhau: chúng ta phải hiểu sự tự do như thế nào, vì không có sự tự do đích thực nào mà không có tính trách nhiệm hay sự thật về các giá trị. Tuy nhiên, đây là những vấn đề khó khăn trong kỷ nguyên ‘hậu sự thật,’ trong đó không còn chỗ trong sự thật khách quan tuyệt đối và những giá trị vững chắc.”

Đức Tổng Giám mục nhận xét rằng, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, ngay cả ở Ba lan người ta đưa ra những dự đoán rằng Thiên Chúa sẽ mau chóng bị lãng quên. “Áp lực của một loại văn hóa mới làm người ta cảm thấy như vậy. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến vấn đề ý thức hệ giới tính. Cho dù như vậy, các Giáo hội hôm nay vẫn tràn đầy sinh lực như hôm qua.” Ngày nay có một nghịch lý kỳ lạ là những quốc gia ở Đông Âu lại mang sức sống Ki-tô giáo nhiều hơn những quốc gia nơi Giáo hội được hưởng sự tự do nhiều hơn. “Nếu Giáo hội muốn duy trì sức sống trên thế giới, Giáo hội không thể quên lời Chúa Giê-su nói: ‘nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá của mình mà theo Ta.’”

“Nếu một người Ki-tô hữu quên rằng phải có những thánh giá và đau khổ, thì Giáo hội trở nên suy yếu.” Tuy nhiên, ngài nói thêm về Ba lan, “đúng là có vấn đề đối với giới trẻ, họ không còn tìm được ngôn ngữ phù hợp cho họ nơi các cha xứ.”

Theo Đức Tổng Giám mục Krakow, kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba lan “là một dấu chỉ ơn sủng của Thiên Chúa: sau quá nhiều đau khổ trong suốt chiều dài nhiều thế kỷ, chúng tôi lại một lần nữa đã là một Quốc gia độc lập, cho dù sự độc lập đó chỉ kéo dài 20 năm, cho đến Thế Chiến thứ II, Thỏa thuận Hội nghị Yalta và kỷ nguyên của chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng chúng tôi đã vượt qua được tất cả những điều này đó là nhờ đức tin của chúng tôi. Thật ra, lịch sử của dân tộc Ba lan bắt đầu với sự Rửa tội của các vị vua, như Đức Gioan Phaolo II thường nhấn mạnh. Và ngay cả khi Quốc gia Ba lan không tồn tại, như trong những năm 1800, thì dân tộc vẫn sống nhờ có Giáo hội và cũng nhờ các Giám mục, những người đã phải trả giá bằng sự bách hại vì lòng trung thành với Roma.”

Tuy nhiên, Giáo hội Ba lan không có ý định mừng kỷ niệm độc lập theo một tinh thần ‘chủ nghĩa dân tộc.’ Quyển sách cuối cùng của Thánh Gioan Phaolo II, ‘Ký ức và Giá trị đặc thù,’ giải thích sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Chúng tôi chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc, nói cụ thể đó là một cảm tính thấy mình là một dân tộc cao hơn những dân tộc khác. Nhưng chủ nghĩa yêu nước cũng bao hàm trách nhiệm phải bảo vệ giá trị đặc thù của một dân tộc, như là một gia tài để lại cho người khác.’ Và trong sự tương quan với sáng kiến của ngày 7 tháng Mười năm vừa qua, kỷ niệm chiến trường Lepanto và Lễ Đức Mẹ Mân Côi Diễm Phúc, diễn ra hoạt động đọc kinh Mân côi dọc theo các biên giới của Ba lan, làm dấy lên ở nước ngoài nhiều lời bình luận mang tính tiêu cực, Đức Tổng Giám mục Jedraszenski gạt bỏ mọi ý nghĩa chống Hồi giáo hay chủ nghĩa dân tộc của sự kiện. Ngài nói rõ, trước hết đó là do giáo dân khởi xướng, không phải là do các phẩm trật giáo hội tổ chức, và việc đọc kinh Mân Côi không chỉ diễn ra trên biên giới với các nước láng giềng. “Theo kinh nghiệm, người Ba lan chúng tôi biết rằng khi những giải pháp cho các tình hình khó khăn không được đón nhận ở nơi chân trời, thì chúng tôi phải cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện đó là chứng tá của đức tin đối với Mẹ, Mẹ Đồng Trinh là người bảo vệ chúng tôi.” Đức Tổng Giám mục Krakow cho biết, và trong những “thách đố” mà sự kiện đó nhắm trực tiếp là vấn nạn phá thai; người ta hỏi, “Phải làm gì đây khi quá nhiều phụ nữ và các em gái nói rằng quyền tự do của họ phải có cả việc giết những đứa con của họ? Đó là một thảm kịch; ngay cả những tranh luận về khoa học cũng chẳng mang ý nghĩa gì đối với họ, vì vậy cần phải có ơn sủng của Thiên Chúa để thay đổi suy nghĩ của họ.”

Ba lan là một trong bốn quốc gia (cùng với Cộng hòa Tiệp Khắc, Slovakia và Hungary) thuộc nhóm có tên gọi là Visegrad, về vấn đề di cư đã có những chính sách bớt hạn chế hơn những quốc gia khác còn lại trong Liên minh Châu Âu. “Tuy nhiên, chúng ta không quên rằng đang có chiến tranh ở Ukraine. Và từ năm 2013, Ba lan đã tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraina, và chúng tôi phải cung cấp nhà cửa, việc làm … Nhưng chúng tôi có những vấn đề mà Tây phương không đề cập đến nhiều.

Cuối cùng, tổng Giáo phận Krakow đang chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng khác. Ngày Chúa nhật, 28 tháng Tư, 2018, trong Đền thánh Lòng Thương xót của Chúa ở Lagiewniki, ngài Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Hồng y Angelo Amato, sẽ chủ sự Nghi thức phong Chân phước cho chị Hanna Chrzanowska, sinh ở Warsaw năm 1902 và qua đời ở Krakow năm 1973, là nơi chị gặp gỡ và trở thành người cộng tác cho linh mục mà sau này là Tổng Giám mục Karol Wojtyla. Sinh trong một gia đình giàu có và trí thức, chị Chrzarnowska tận hiến đời mình làm một nữ tu để phục vụ người đau khổ, đào tạo và bảo vệ tính chuyên nghiệp cho các y tá và điều dưỡng cho bệnh nhân, qua một hoạt động liên kết các cơ sở của Giáo hội với dịch vụ chăm sóc sức khỏe độc lập quốc gia. Nhờ những nỗ lực của chị, truyền thống đi thăm bệnh nhân trong những chuyến thăm mục vụ lan rộng và dâng Lễ tại nhà bệnh nhân.

Trong số những Tôi tớ của Chúa của những năm 1900, và án Phong Chân phước đã được mở là Jan Tyranowski, một thợ may khiêm nhường trong những năm đen tối của Chiến tranh đã trở thành một người Hướng dẫn Tinh thần cho một nhóm giới trẻ trong thành phố. “Nên thánh không có gì khó,” Ngài luôn lặp lại với các bạn trẻ. Trong số đó là cậu thanh niên Karol Wojtyla, người sau này công nhận rằng cậu khám phá ra ơn gọi đến với thiên chức linh mục là nhờ Jan Tyranowski. Ngày 21 tháng Một, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico cho phép Bộ Phong Thánh công bố Sắc lệnh các đức anh dũng của ngài, đây là bước đầu tiên của việc Phong Chân phước.

Zenit hỏi Đức Tổng Giám mục Jedraszewski những giá trị nào của hai vị này đại diện cho Giáo hội của Krakow, mà nhờ đó lại trao tặng cho thế giới một vị thánh khác, Thánh Gioan Phaolo II, và điều gì làm cho các ngài thật sự thánh thiện.

Đức Tổng Giám mục Krakow trả lời, “Quả thật, Tyranowski, một giáo dân, là một Người Hướng dẫn Tinh Thần cho ngài Wojtyla là một điều rất thú vị. Đây là một dấu chỉ cho thấy tầm quan trọng của giáo dân trong Giáo hội rất rõ trước khi tầm quan trọng đó được Công Đồng Vatican II công nhận hai thập niên sau. Cậu thanh niên Wojtyla đã có may mắn gặp gỡ trên hành trình của ngài những giáo dân gương mẫu cho đời sống người Ki-tô hữu trên trần gian, đặc biệt trong những thời gian rất khó khăn như cuộc Chiến tranh đó.

“Chúng ta có thể nói tương tự như vậy với trường hợp của chị Hanna Chrzanowska, một người phụ nữ đã dành hầu hết thời gian để tổ chức một công tác mục vụ sức khỏe tại một thời điểm rất khó khăn cho Giáo hội có thể hiện diễn giữa quá nhiều thế giới khác nhau của đời sống cộng đồng. Từ đó chính vị Giáo hoàng tương lai nhận ra rằng nếu Giáo hội muốn giữ mình luôn đầy sinh lực thì Giáo hội phải đi vào tất cả các thế giới nơi con người sống. Tôi nhớ đến tông huấn đầu tiên của ngài năm 1979, Redemptor Hominis, trong đó ngài nói rằng con người là đường của Giáo hội.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2018]