Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

Antoine Mekary | ALETEIA | Elias Kordelakos | Shutterstock

I.Media for Aleteia 

18/07/22


Chuyến đi từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Bảy đặc biệt tập trung vào Thánh Anne, bà của Chúa Giêsu, phản ánh của các nền văn hóa trọng vọng người cao tuổi. Ngài cũng sẽ đi về phía bắc xa hơn tất cả các giáo hoàng trước đây!

1 – Đến sân bay Edmonton

Chuyên cơ của Giáo hoàng, do ITA Airways thuê, sẽ cất cánh từ Sân bay Quốc tế Rome-Fiumicino lúc 9 giờ sáng ngày 24 tháng Bảy. Trên máy bay có 78 nhà báo – trong đó có một nhà báo của I.MEDIA.

Máy bay sẽ hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Edmonton, thủ phủ của tỉnh Alberta, lúc 11:20 sáng (-6 UTC), sau chuyến bay kéo dài hơn 10 giờ – chặng đường dài nhất trong chuyến đi. Chương trình ở đó không có sự kiện chính thức nào, ngoại trừ nghi thức chào đón tại sân bay của các nhà chức trách dân sự và giáo hội. Do sức khỏe của Đức Giáo hoàng – ngài vẫn đang bị đau đầu gối phải – chương trình cho chuyến công du Canada này đã được cắt giảm.

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

2- Trường nội trú Maskwacis và Ermineskin

Ngày hôm sau, 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thị trấn Maskwacis, cách Edmonton khoảng 100km (60 dặm) về phía nam, nơi có Trường Nội trú Ermineskin trước đây. Vào lúc 10 giờ sáng, ngài sẽ gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit, cũng như hàng nghìn cựu học sinh trường nội trú từ khắp đất nước. Ngài sẽ đọc bài diễn từ đầu tiên.

Theo trang web của Trung tâm Sự thật và Hòa giải Quốc gia (NCTR) của Đại học Manitoba, Alberta có số lượng trường nội trú nhiều nhất ở Canada với 26 trường.

Trường nội trú Ermineskin, một trong những trường lớn nhất nước, hoạt động từ năm 1916 đến năm 1975. Theo CNVR, tình trạng quá tải và dịch bệnh là điều phổ biến. Những học sinh đã học qua trường này cho biết họ thường xuyên bị ngược đãi khi thể hiện văn hóa bản địa của mình. Ít nhất 15 học sinh đã chết trong suốt 59 năm tồn tại của trường.

3- Nhà thờ Thánh Tâm của First Peoples

Lúc 4:45 chiều ngày 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Edmonton để đọc bài diễn từ tại Nhà thờ Thánh Tâm của First Peoples và chào cộng đoàn giáo xứ và cộng đồng dân bản địa.

Trang web của giáo xứ cho biết đây là một “cộng đoàn Công giáo duy nhất bao gồm những người thổ dân và người khai hoang cùng nhau cầu nguyện bằng cách sử dụng các cử điệu, âm nhạc và nghi lễ độc đáo”. Chẳng hạn, họ sử dụng “yến mạch thơm, cây xô thơm (sage), cây tuyết tùng và cây thuốc lá, cũng như trống” trong phụng vụ của họ.

Khánh thành năm 1913, nhà thờ 109 tuổi là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Edmonton. Năm 1991, đức tổng giám mục chính thức giao nhà thờ cho các dân tộc First Nations, Métis và Inuit của Edmonton.

Trang web của giáo xứ cho biết chi tiết vào tháng Tám năm 2020, nhà thờ bị một trận hỏa hoạn kinh hoàng tàn phá do việc đốt cây xô thơm và tro tàn từ một nghi lễ truyền thống. Việc xây dựng lại nhà thờ bắt đầu vào tháng Mười Một năm 2021 với chi phí khoảng 3,4 triệu euro. Nhà thờ mới “phản ánh tốt hơn các nền văn hóa bản địa.” Những cột sào Tipi sẽ được dựng phía trên bàn thờ, và bản thân bàn thờ phải được làm từ thân cây.

4- Sân vận động Khối thịnh vượng chung

Vào ngày 26 tháng Bảy, lễ Thánh Anne theo phụng vụ, vị thánh bổn mạng của đất nước, Đức Giáo hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 10:15 sáng tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung của Edmonton, và ngài sẽ giảng lễ. Tòa nhà có sức chứa 65.000 người, được xây dựng vào năm 1975 và mở cửa năm 1978. Theo trang web về du lịch, lễ cử hành sẽ kết hợp các yếu tố của văn hóa thổ dân.

5- Hồ nước Thánh Anne

Lúc 5:00 chiều Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Lac Sainte Anne, cách Edmonton 75km. Ngài sẽ tham dự một cuộc hành hương được tổ chức hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anne, và ngài sẽ có bài giảng. Hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, có lòng sùng kính đặc biệt đối với người bà của Chúa Giêsu – tượng trưng cho tầm quan trọng của hình ảnh người cao niên trong cộng đồng của họ – tham dự buổi họp mặt này theo truyền thống.

Theo trang web của đền thờ, khoảng 40.000 người tham dự cuộc hành hương mỗi năm. Theo truyền thống, người hành hương sẽ tắm trong hồ, trong đó có nhiều người bệnh và đau khổ. Theo một số ngôn ngữ của người thổ dân địa phương, hồ nước được gọi là “Hồ của Chúa” hoặc “Hồ của các Thần.”

Nhà thờ đầu tiên được xây dựng trên bờ hồ trở thành đền thờ cung hiến cho thánh nhân được xây dựng vào năm 1844. Sau đó một cộng đoàn được thành lập trong khu vực này, bao gồm một linh mục và một số người Métis, trở thành khu truyền giáo Công giáo đầu tiên ở Alberta. Từ năm 1852, Dòng Truyền giáo Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội phục vụ đền thờ.

6- Đến sân bay Jean-Lesage ở Thành phố Quebec

Sáng ngày 27 tháng Bảy, máy bay của Đức Giáo hoàng sẽ rời Sân bay Quốc tế Edmonton lúc 9:00 sáng để đến Thành phố Quebec, cách hơn 3.000 km (1.865 mi) về phía đông. Chuyên cơ dự kiến sẽ đến Sân bay Quốc tế Jean-Lesage ở Quebec vào lúc 3:05 chiều giờ địa phương (-4 UTC).

7- “Thành Quebec”: dinh Toàn quyền

Thời gian còn lại của buổi chiều ngày 27 tháng Bảy, bắt đầu từ 3:40, sẽ dành cho các cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách Canada. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp gỡ bà Mary Simon, Toàn quyền Canada, Thủ tướng Justin Trudeau, các giới chức dân sự của đất nước và các đại diện người Bản địa. Lúc 4:45 chiều, ngài sẽ có một bài phát biểu.

Tất cả các cuộc gặp gỡ này đều diễn ra tại “Thành Québec”, một tòa nhà quân sự hình ngôi sao quay mặt ra sông Thánh Lawrence. Đây là nơi ở chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II và Toàn quyền.

Người Pháp và người Anh đã dựng lên rất nhiều công sự tại địa điểm này. Tòa thành hiện tại được xây dựng từ năm 1820 đến năm 1850. Có biệt danh là “Gibraltar của Châu Mỹ”, Thành cổ vẫn hiện vẫn có đơn vị đồn trú hoạt động. Nó được xây trên đỉnh Cap Diamant cao nhất của Thành phố Quebec, để bảo vệ thành phố khỏi bị tấn công tốt hơn.

8- Đền thờ Quốc gia Sainte-Anne-de-Beaupré

Ngày hôm sau, 28 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anne-de-Beaupré, cách thành phố Quebec khoảng 30 km. Dự kiến sẽ có từ 10.000 đến 15.000 người tham dự tại địa điểm hành hương này, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm. Đức Giáo Hoàng sẽ giảng lễ.

Nhà thờ đầu tiên trên địa điểm này được xây dựng năm 1658. Vương cung Thánh đường ngày nay rộng 60m và dài 100m, với các ngọn tháp cao hơn 100m. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1926 trên nền móng của một nhà thờ trước đó đã bị cháy vào năm 1922.

Khu thánh địa được coi là một nơi đầy ân phúc vì một trong những người thợ xây đã được phép lạ chữa lành bệnh thận vào năm 1658. Vương cung Thánh đường sở hữu ba thánh tích được coi là của Thánh Anne: một phần xương ngón tay, một mảnh xương cẳng tay của thánh nhân, được chuyển đến từ Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành ở Roma năm 1892, và xương cẳng tay, được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII tặng vào năm 1960.

9- Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Québec

Vào lúc 5:15 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành giờ Kinh Chiều – với bài giảng – và gặp gỡ các linh mục và tu sĩ của Tỉnh Quebec tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Quebec, nhà thờ và là trụ sở của Tổng Giám mục Chánh tòa.

Nhà thờ đầu tiên ở Thành phố Quebec được xây dựng tại địa điểm của nhà thờ hiện tại vào năm 1633. Qua nhiều thế kỷ, công trình kiến trúc đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần do các vụ đánh bom và cháy. Lần bị tàn phá gần đây nhất do trận hỏa hoạn vào năm 1922.

Tháng Mười Hai năm 2013, Đức Tổng Giám mục Gerald Lacroix đã khánh thành Cửa Thánh đầu tiên bên ngoài Châu Âu tại đó, nhân kỷ niệm 350 năm thành lập giáo phận Công giáo lâu đời nhất ở Bắc Mỹ. Chỉ có chín nhà thờ trên thế giới – bao gồm bốn vương cung thánh đường của Roma – là có Cửa Thánh được mở vào các dịp Năm thánh.

10- Tổng giáo phận Quebec

Lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau, 29 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Tổng giáo phận Quebec để gặp gỡ các thành viên Dòng Tên – như hiện ngài vẫn thường làm trong các chuyến tông du nước ngoài. Lúc 10:45 sáng, ngài sẽ chào một phái đoàn đại diện người bản xứ đến từ Quebec.

11- Đến sân bay Iqaluit

Vào lúc 12 giờ 45 phút chiều ngày 29 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Sân bay Quốc tế Jean Lesage của Quebec để đến Iqaluit, cách 2.000km xa về phía bắc, thuộc vùng Nunavut, lãnh thổ lớn nhất và nằm ở cực bắc của Canada. Dự kiến máy bay của ngài sẽ hạ cánh lúc 3:50 chiều giờ địa phương – Iqaluit ở cùng múi giờ với Quebec (-4 giờ UTC).

12- Trường tiểu học Nakasuk ở Iqaluit

Lúc 4:15 chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các cựu học sinh của một trường nội trú Công giáo trong vùng tại Trường Tiểu học Nakasuk ở Iqaluit. Có 13 trường nội trú trên lãnh thổ Nunavut.

Tại trường, Đức Giáo hoàng cũng sẽ gặp gỡ các thanh thiếu niên và người cao tuổi. Đức Giáo hoàng sẽ có bài diễn từ cuối cùng trong chuyến đi của ngài.

13- Trở về Roma

Chuyên cơ của Đức Giáo hoàng sẽ rời Iqaluit lúc 6:45 chiều, và sẽ đến Roma lúc 7:50 sáng ngày hôm sau, ngày 30 tháng 7. Như thường lệ, ngài sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả để tạ ơn về chuyến đi của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2022]


Họp báo trình bày Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật (1 tháng 9 năm 2022), 21.07.2022

Họp báo trình bày Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật (1 tháng 9 năm 2022), 21.07.2022

Họp báo trình bày Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật (1 tháng 9 năm 2022), 21.07.2022

*******

Vào lúc 13g00 hôm nay, một cuộc họp báo đã được truyền trực tiếp từ Phòng Báo chí Tòa Thánh để trình bày Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng Chín sắp tới.

Các diễn giả bao gồm Đức Hồng Y Michael Czerny, S.J., Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, Sơ Mary John Kudiyiruppil, SSpS, phó thư ký điều hành của Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền (UISG), và bà Christina Leaño, giám đốc của Phong trào Laudato si’.

Đức Giám mục Jose Colin Mendoza Bagaforo của giáo phận Kidapawan, Philippines, giám đốc Caritas Philippines và Chương trình Laudato si’ của Hội đồng Giám mục, đóng góp phần trình bày qua video.

Dưới đây là các bài phát biểu:

___________________________________

Trình bày của Đức Hồng y Michael Czerny, S.J.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Bảo vệ Tạo vật năm nay cầu xin thế giới hãy “lắng nghe tiếng nói của tạo vật” và nghe bài ca buồn vui lẫn lộn của nó: ngọt ngào ngợi khen Đấng Tạo hóa, cay đắng than thở về sự ngược đãi thiên nhiên của chúng ta.

Lo lắng về sự ngược đãi này, Đức Thánh Cha kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn từ tất cả các quốc gia trong hội nghị thượng đỉnh COP27 và COP15 năm nay về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.

Về COP27, một lần nữa Đức Giáo hoàng Phanxicô đồng thuận với các nhà khoa học giữ vững mục tiêu tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C trong Thỏa thuận Paris. Hành tinh hiện đã nóng hơn 1,2°C, nhưng các dự án nhiên liệu hóa thạch mới mỗi ngày đều tăng tốc cuộc đua của chúng ta về phía vách núi. Phải dừng lại. Tất cả các hoạt động thăm dò và sản xuất than, dầu và khí đốt mới phải ngay lập tức chấm dứt, [1] và việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch hiện có phải được loại bỏ ngay. Đây phải là một sự chuyển đổi công bằng sang các lựa chọn thay thế lành mạnh đối với môi trường cho những người lao động bị ảnh hưởng. Hiệp ước Không phổ biến Nhiên liệu Hóa thạch được đề xuất hứa hẹn sẽ bổ sung và củng cố cho Thỏa thuận Paris.

Nhiều tổ chức Công giáo đã rời khỏi các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch [2] và phấn đấu hướng tới mức tác động khí hậu ròng bằng không.

Về vấn đề đa dạng sinh học, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải có một thỏa thuận mới của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn sự phá hủy các hệ sinh thái và sự tuyệt chủng của các chủng loài. Ít nhất một nửa trái đất và đại dương cần phải trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030,[3] và các hệ sinh thái bị tàn phá phải được khôi phục, luôn đề cao quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Mong rằng việc này hạn chế tác hại do “các ngành công nghiệp khai thác lớn” gây ra mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đích danh – “khai thác mỏ, dầu mỏ, lâm nghiệp, bất động sản, kinh doanh nông nghiệp”.

Tôi vui mừng thông báo rằng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện đang củng cố Nền tảng Hành động Laudato si’ bằng việc bổ nhiệm ông John Mundell làm Giám đốc. Ông Mundell là một kỹ sư môi trường có kinh nghiệm về Laudato si’ đại diện cho Phong trào Focolare.

Trong Mùa Sáng tạo này, ước mong tất cả mọi người Kitô hữu cùng nhau cử hành bài ca ngọt ngào của tạo vật và trả lời cho tiếng kêu cay đắng của tạo vật.

________________________

[1] IEA, Net Zero by 2050: A Roadmap for the Global Energy Sector, 2021.

[2] Laudato si’ Interdicasterial Guidelines, Journeying for the care of the common home, 2020.

[3] E. Dinerstein et al, A “Global Safety Net” to reverse biodiversity loss and stabilize Earth’s climate, Science Advances, Vol. 6, No. 36, 2020.

__________________________________________

Phát biểu của Sơ Mary John Kudiyiruppil

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật khởi đầu Mùa Tạo vật kéo dài một tháng từ ngày 1 tháng 9. Sứ điệp kêu gọi chúng ta “vun đắp sự hoán cải môi sinh của chúng ta” và thực hành “một tinh thần sinh thái” thừa nhận rằng chúng ta “không tách lìa khỏi các loài tạo vật khác, nhưng cùng dự phần trong một sự hiệp thông phổ quát huy hoàng.” Khi đạt đến nhận thức sâu sắc này, chúng ta biết chú ý đến bài ca ngọt ngào cất lên từ sự đa dạng huy hoàng của tạo vật. Nhưng chúng ta cũng có thể nghe thấy tiếng kêu thống khổ từ Chị Đất là mẹ của chúng ta, đang cất lên tiếng khóc vì sự ngược đãi và tàn phá mà chúng ta gây ra cho trái đất. Điều này ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của người nghèo, người dân bản địa, người trẻ và người già. Ơn gọi của chúng ta là trở thành những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa và vì vậy chúng ta nghe thấy tiếng gọi sám hối và sửa lại lối sống của mình. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở chúng ta rằng Cop27 (Hội nghị về Biến đổi Khí hậu) và Cop15 (Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng Sinh học) cho chúng ta cơ hội để cùng nhau ủng hộ cho sự thay đổi lâu dài và phát triển các mô hình tiêu dùng và sản xuất tôn trọng tạo vật và sự phát triển toàn diện của tất cả các dân tộc.

Các thành viên của Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền hàng năm tham gia vào Mùa Sáng tạo, sử dụng sách hướng dẫn trong thời gian cầu nguyện, suy tư, và thúc đẩy hành động. Chủ đề “Lắng nghe tiếng nói của tạo vật” của năm nay đòi hỏi cách thức nghe thật chăm chú mà ngày nay thường không có. Sự lắng nghe này không đơn thuần là nghe thấy. Nó là sự chiêm niệm mở ra cho chúng ta nghe được nhiều tiếng nói của tạo vật, được nuôi dưỡng bởi vẻ đẹp và sự dồi dào của nó, và thấy khắc khoải trước tình trạng bị biến dạng và tàn phá của tạo vật. Khi lắng nghe chăm chú, chúng ta cũng cảm nhận được sự mời gọi giống như Đức Thánh Cha Phanxicô, để cất lên tiếng kêu rằng “nhân danh Chúa…. Hãy ngừng phá hủy rừng, các đầm lầy, núi non… hãy ngừng gây ô nhiễm và đầu độc thực phẩm và con người”. Là nữ tu, chúng tôi cam kết cầu nguyện cho sự hoán cải tâm hồn trong Mùa Sáng tạo này (trong các buổi phụng vụ và cầu nguyện của chúng tôi) để vận động cho sự thay đổi (thông qua các hành động tượng trưng của chúng tôi) và nâng cao nhận thức thông qua các thừa tác vụ trong cộng đoàn của chúng tôi. Trong Mùa Tạo vật này, chúng tôi tham gia cùng toàn thể cộng đồng thế giới trong việc ôm lấy ơn gọi chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng tôi sẽ tăng cường những nỗ lực của mình, thông qua các sáng kiến ​​thận trọng và dài lâu để phổ biến sự khôn ngoan cổ xưa của năm thánh liên quan đến đất: ghi nhớ, quay trở lại, nghỉ ngơi và phục hồi.

__________________________________________

Phát biểu của bà Christina Leaño

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Mùa Sáng tạo năm nay cho thấy tính khẩn cấp và hy vọng. Nó củng cố cho Phong trào Laudato si’ của chúng tôi gồm các cá nhân và tổ chức Công giáo, giáo dân và tu sĩ, người trẻ và người già, từ Global North và Global South trong sứ mệnh chung của chúng ta là chăm sóc cho ngôi nhà chung.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng Mùa Tạo vật là thời gian dành cho việc chiêm niệm và hành động. Chúng ta cầu nguyện trong “đại thánh đường của công trình sáng tạo”, để lắng nghe những tiếng kêu đau đớn của tạo vật trong đó không biết bao nhiêu loài đã im lặng, những anh chị em người bản địa của chúng ta, người nghèo và thanh niên. Chúng ta được kêu gọi phản ứng bằng những việc làm cụ thể “làm mọi việc có thể để ngăn chặn, hoặc ít nhất là hạn chế, sự sụp đổ các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta”.

Phong trào Laudato si’’ chúng tôi rất vinh dự được trở thành một phần của ban chỉ đạo đại kết của Mùa Sáng tạo cùng với Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và các anh chị em Tin lành, Chính thống và các nền tảng Kitô giáo khác. Mỗi năm, ủy ban xuất bản một quyển hướng dẫn với những lời cầu nguyện, những đề xuất hành động và các tài nguyên để cử hành Mùa Tạo vật có thể tìm thấy địa chỉ SeasonOfCreation.org.

Trong lời mời đại kết toàn cầu để tham gia vào Mùa Tạo vật, những nhà lãnh đạo tôn giáo tuyên bố rằng “Như một làn sóng không thể ngăn cản [trong Mùa Sáng tạo], người Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới sẽ làm chứng cho việc cùng nhau lắng nghe và trả lời cho tiếng kêu của tạo vật”.

Các tổ chức Kitô giáo sẽ tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc thúc giục “các ngành công nghiệp khai thác lớn – khai thác mỏ, dầu mỏ, lâm nghiệp, bất động sản, kinh doanh nông nghiệp” thay đổi hướng đi thông qua các hành động như loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Chúng tôi sẽ kêu gọi sự hoán cải chung rất cần thiết tại các hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và khí hậu để “thông qua một thỏa thuận đa phương mới nhằm ngăn chặn sự phá hủy các hệ sinh thái và sự tuyệt chủng của các loài” và kêu gọi “đóng góp đầy tham vọng hơn của quốc gia quyết tâm nhằm giảm phát thải khí nhà kính ròng về 0 càng nhanh càng tốt.”

Trong những ngày gần đây, hơn 1.100 người đã chết trong các đợt nắng nóng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ở Monterrey, México, 5 triệu người không có nước. Và London vừa ghi nhận nhiệt độ 40 độ C, nóng như sa mạc Sahara. Chúng ta có thể thấy rằng, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “chúng ta đã tiến tới điểm quyết định.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “sự chậm trễ từ phía người khác không bao giờ có thể biện minh cho việc chúng ta không hành động.” Không hành động là không thể chấp nhận. Phong trào Laudato si’ chúng tôi nêu lên thông điệp của Đức Giáo hoàng trong niềm hy vọng, tin tưởng, như các nhà lãnh đạo đức tin đại kết của chúng tôi đã chia sẻ rằng “mỗi sáng kiến sẽ là một mảnh ghép quan trọng của bức tranh ghép mà chúng ta chỉ có thể tạo ra khi hợp sức cùng nhau”. Chúng ta cùng nhau hành trình trong niềm tin và cam kết.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2022]