Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 4 tháng 7, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 5 tháng 7, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 4 tháng Bảy, 2021

_________________________


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong phụng vụ Chúa Nhật này (Mc 6,1-6) cho chúng ta biết về sự ngờ vực của những người dân làng của Chúa Giêsu. Sau khi rao giảng ở các làng khác trong miền Galilê, Ngài trở về Nadarét, nơi Ngài đã lớn lên cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse; và, vào một ngày thứ Bảy, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người khi nghe Ngài giảng dạy liền tự hỏi: “Tất cả sự khôn ngoan này từ đâu mà đến? Nhưng ông ta không phải là con trai của bác thợ mộc và của bà Maria, là những người hàng xóm mà chúng ta biết rất rõ sao?” (xem các câu 1-3). Trước phản ứng này, Chúa Giêsu khẳng định một sự thật cũng đã trở thành một phần của sự khôn ngoan chung: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (câu 4). Chúng ta thường hay nói câu này nhiều lần.

Chúng ta cùng xem xét thái độ của những người dân làng của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng họ biết Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận biết Ngài. Có một sự khác biệt giữa biết và nhận biết. Thật vậy, sự khác biệt này khiến chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể biết nhiều điều về một con người, có ý tưởng, dựa vào những gì người khác nói, có thể thỉnh thoảng gặp họ trong khu phố, nhưng tất cả những điều này là chưa đủ. Đó là một hiểu biết bình thường, nông cạn, không nhận biết được sự độc đáo của người đó. Đó là một nguy cơ mà tất cả chúng ta đều có: chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết rất nhiều về một con người, và điều tồi tệ nhất là chúng ta gắn cho họ một cái nhãn và nhốt họ trong định kiến của chúng ta. Tương tự như vậy, những người dân làng của Chúa Giêsu đã biết Ngài trong suốt ba mươi năm và nghĩ rằng họ biết tất cả! “Nhưng đây không phải là cậu bé mà chúng ta đã nhìn thấy lớn lên, là con trai của người thợ mộc và bà Maria sao? Vậy tất cả những điều này đến từ đâu?”. Không tin tưởng. Trên thực tế, họ không bao giờ nhận ra Chúa Giêsu thật sự là ai. Họ dừng lại ở bề ngoài và chối bỏ sự mới mẻ của Chúa Giêsu.

Và ở đây chúng ta đi thẳng vào trung tâm của vấn đề: khi chúng ta để cho thói quen được thoải máisự ​​độc tài của thành kiến chiếm ưu thế, thì khó có thể mở lòng ra với sự mới mẻ và ngạc nhiên. Chúng ta kiểm tra, bằng thói quen, bằng những định kiến. Cuối cùng chúng ta thường chỉ tìm kiếm sự khẳng định cho những ý tưởng và kế hoạch của chúng ta từ cuộc sống, từ kinh nghiệm và thậm chí từ những con người, để không bao giờ chịu cố gắng thay đổi. Và điều này cũng có thể xảy ra với Thiên Chúa, chính xác là với chúng ta là những người tin Chúa, với chúng ta là những người nghĩ rằng chúng ta biết Chúa Giêsu, rằng chúng ta đã biết quá nhiều về Ngài, và chúng ta chỉ cần luôn luôn lặp lại mọi điều là đủ. Và như vậy là không đủ với Chúa. Nhưng nếu không mở lòng ra trước sự mới mẻ và trên hết - chăm chú lắng nghe - mở lòng ra trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Nếu không có sự ngạc nhiên, đức tin sẽ trở thành một chuỗi dài những mệt mỏi, từ từ chết đi và trở thành một thói quen, một thói quen xã hội. Tôi nói một từ: ngạc nhiên. Ngạc nhiên, nó là gì? Ngạc nhiên chính là khi cuộc gặp gỡ với Chúa xảy ra: “Tôi đã gặp Chúa”. Chúng ta đọc thấy Tin Mừng: rất nhiều lần, những người gặp gỡ Chúa Giêsu và nhận ra Ngài đều ngạc nhiên. Và chúng ta, bằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, phải đi trên con đường này: cảm thấy kinh ngạc. Nó giống như giấy chứng nhận đảm bảo rằng cuộc gặp gỡ đó là thật sự, nó không phải là thói quen.

Cuối cùng, tại sao những người đồng hương của Chúa Giêsu không nhận biết Ngài và tin Ngài? Tại sao? Lý do là gì? Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng họ không chấp nhận cớ vấp phạm của mầu nhiệm Nhập thể. Họ không biết mầu nhiệm Nhập thể này, nhưng cũng không chấp nhận mầu nhiệm. Họ không biết, và họ cảm thấy thật là một cớ vấp phạm khi sự vô biên của Thiên Chúa được bày tỏ trong sự nhỏ bé của xác phàm chúng ta, rằng Con Thiên Chúa là con của người thợ mộc, rằng thần tính ấy lại ẩn trong con người, rằng Thiên Chúa lại sống trong khuôn mặt, trong lời nói, trong cử chỉ của một con người giản dị. Đây là sự ô nhục: sự Nhập thể của Thiên Chúa, sự cụ thể của Ngài, “cuộc sống thường ngày” của Ngài. Và Thiên Chúa đã biến mình thành một con người, Giêsu người Nadarét, Ngài trở thành một người bạn đồng hành trên đường, Ngài biến mình thành một người trong chúng ta. “Người là một người trong chúng con”: đây là lời cầu nguyện đẹp để dâng lên Chúa Giêsu!

Và bởi vì Ngài là một trong số chúng ta nên Ngài hiểu chúng ta, đồng hành với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta rất nhiều. Quả thật, chúng ta thấy dễ chịu hơn với một vị thần trừu tượng, xa cách, không dính líu vào những hoàn cảnh và chấp nhận một đức tin xa rời cuộc sống, xa rời các vấn đề, xa rời xã hội. Hoặc chúng ta thích tin vào một vị thần có những “hiệu ứng đặc biệt”, chỉ làm những việc lạ lùng và luôn mang đến những cảm giác tuyệt vời. Ngược lại, thưa anh chị em, Thiên Chúa Trời đã nhập thể: Thiên Chúa khiêm nhường, Thiên Chúa dịu dàng, Thiên Chúa ẩn mình, Ngài đến gần chúng ta bằng cách sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và rồi, chuyện xảy ra với chúng ta cũng như những người dân làng của Chúa Giêsu, chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa khi Ngài đi ngang qua. Cha quay lại câu nói đẹp của Thánh Augustinô: “Tôi sợ Thiên Chúa, tôi sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Nhưng tại sao Thánh Augustinô lại sợ? “Tôi sợ rằng tôi sẽ không nhận ra Người. Timaeus Dominum transeuntem”. Chúng ta không nhận ra Ngài, chúng ta bị vấp phạm vì Ngài. Chúng ta hãy nghĩ đến tâm hồn của chúng ta ra sao liên quan đến thực tại này.

Giờ đây, trong lời cầu nguyện, chúng ta xin Đức Mẹ, Đấng đã đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày ở Nadarét, giúp chúng ta có đôi mắt và tâm hồn thoát khỏi những định kiến và có đôi mắt mở ra trước sự ngạc nhiên: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp!” Và khi gặp Chúa, chúng ta sẽ có sự ngạc nhiên này. Chúng ta gặp Ngài trong sự bình thường: đôi mắt mở ra trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, trước sự hiện diện khiêm nhường và ẩn giấu của Ngài trong cuộc sống hàng ngày.


_________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tin tức về những căng thẳng và bạo lực đến từ quốc gia Eswatini thân yêu, ở miền nam Châu Phi. Tôi mời gọi những người có trách nhiệm và những người thể hiện các khát vọng cho tương lai của đất nước cùng bước đến nỗ lực chung trong đối thoại, hòa giải và ổn định hòa bình trên các cương vị khác nhau.

Và cha vui mừng thông báo rằng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Chín sắp tới, theo ý Chúa, cha sẽ thực hiện chuyến thăm mục vụ đến Slovakia. Chiều ngày [12]. Anh chị em người Slovakia ở đằng kia đang rất vui! [trong quảng trường có rất nhiều người hành hương Slovakia]. Trước [buổi sáng cùng ngày Chúa nhật 12 tháng Chín], cha sẽ đồng tế Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những người đang chuẩn bị chuyến đi này và tôi cầu nguyện cho họ. Tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho chuyến đi này và cho những người đang làm việc để tổ chức nó.

Và cha thân ái chào tất cả anh chị em người Rôma, người hành hương đến từ nước Ý, và từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là người Slovakia! Đặc biệt, cha gửi lời chào các nhóm tín hữu đến từ Cosenza, Crotone, Morano Calabro và Ostuni. Cha chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2021]


Một cô bé ở Nepal nghĩ gì về Thiên Chúa của Đức Hồng y Tagle

Một cô bé ở Nepal nghĩ gì về Thiên Chúa của Đức Hồng y Tagle

Một cô bé ở Nepal nghĩ gì về Thiên Chúa của Đức Hồng y Tagle

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia

01/07/21


Trong bài phát biểu đầy cảm xúc, vị chức trách Vatican nói rằng khi đến thăm các trại tị nạn, ngài đã tìm thấy một phần của chính mình.

“Người di cư mà bạn từ chối có thể là người ông của một vị hồng y trong tương lai!”

Vị Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, gần đây đã đưa ra suy tư này, trong một báo cáo hội nghị về chương trình viện trợ cho người di cư.


Đức Hồng y Tagle đề cập đến lịch sử của chính ngài.

Ngài nói giọng đầy xúc động, “Những người tị nạn này đang đưa tôi trở về cội nguồn của mình,” ngài tiếp tục nói rơm rớm nước mắt: “Trong họ, tôi nhìn thấy ông của tôi sinh ra ở Trung Quốc, nhưng buộc phải rời quê hương để đến Philippines với chú của ông, khi ông vẫn còn là một đứa trẻ, để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.”

Trong sự kiện ngày 15 tháng Sáu, Đức Hồng Y Tagle đã nói đến sự gặp gỡ với những người di cư giúp chúng ta lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết về người lân cận của mình.

Với vị trí là giám đốc phòng phụ trách việc truyền giảng phúc âm, Đức Hồng Y Tagle đã đến thăm các trại tị nạn trên khắp thế giới – Hy Lạp, Li Băng, Bangladesh. Tuy nhiên, ngài khẳng định rằng vấn đề người di cư phát sinh ở bất cứ nơi nào.

Về phần bản thân, ngài nói ngài đã tìm thấy một phần của mình trong những cuộc gặp gỡ đó.


Mở rộng lòng

Đức Hồng y nói: “Những điều đáng kinh ngạc” luôn xảy ra trong các cuộc gặp gỡ với người di cư — trong đó có thể có ai đó là một giáo hoàng trong tương lai.

Đức Hồng Y Tagle kể lại rằng có một năm, tại Tổng Giáo Phận Manila trước đây của ngài, ngài đã tổ chức Ngày Quốc Tế Di Dân vào Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài quyết định đưa những người di cư này – một số người không phải là người Kitô hữu – vào nghi thức Rửa chân, một phần tùy chọn của phụng vụ vào ngày này trong Tuần Thánh.

Ngài giải thích rằng trong số họ có một phụ nữ người Eritrea đang mang thai. Đức hồng y nói, “Các giáo hữu nhìn thấy chị ấy đến — người cao, với dáng đi rất thanh lịch — và tự hỏi chị ấy là ai”. Ngài giải thích rằng chị ấy đến từ Eritrea, và họ “vô cùng ngạc nhiên vì họ thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của đất nước này”. Họ tự hỏi làm thế nào một người từ một vùng đất xa xôi như vậy lại có thể đặt chân đến Philippines.

Đức Hồng y Tagle kết luận rằng đó là lợi ích của việc làm cho người di cư được nhìn thấy. Nó khiến mọi người “tò mò” và sau đó “mở lòng”. Ngài kể, người phụ nữ Eritrea sau đó đã nhận được học bổng đào tạo, và có thể đón mẹ chị ta đến để giúp đỡ bà.


Một Thiên Chúa rất đẹp

Đức hồng y cũng kể lại việc những người di cư nhận được những ảnh hưởng rất lớn từ sự hỗ trợ của các thành viên trong Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới.

Trong mỗi trại mà vị giám chức người Philippines đến thăm, ngài kể rằng ngài đã được đặt câu hỏi, “Tại sao ông lại giúp chúng tôi?” Ngài nói rằng câu trả lời của ngài chắc chắn luôn giống nhau: “Bởi vì tôi tin vào một Thiên Chúa là Đấng bảo tôi phải yêu thương anh chị em.”

Phản một ứng trước câu trả lời này với đôi mắt lại đẫm nước mắt, ngài nói, đặc biệt để lại dấu ấn cho ngài. Nó đến từ một cô bé trong trại tị nạn ở Nepal, cô bé nói với ngài: “Chúa của ông thật đẹp!”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2021]