Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Toàn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi Tiếp Kiến Chung: ‘Thiên Chúa tặng ban cho tình yêu, Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu’

Toàn văn Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi Tiếp Kiến Chung: ‘Thiên Chúa tặng ban cho tình yêu, Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu’

Pope At General Audience In Library - Copyright: Vatican Media

Toàn văn Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi Tiếp Kiến Chung: ‘Thiên Chúa tặng ban tình yêu, Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu’

Tập trung vào việc cầu nguyện của Hội Thánh sơ khai

25 tháng Mười Một, 2020 12:56

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Thiên Chúa tặng ban tình yêu … Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu … 

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời nhắc nhở này trong buổi Tiếp kiến Chung ngày 25 tháng Mười Một của ngài hôm nay, được truyền trực tuyến từ Thư viện Tông tòa của ngài, một lần nữa không có người tham dự do sự tái phát của COVID19 trong nước.

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, tuần này nhìn đến việc cầu nguyện của Giáo hội sơ khai.

Đức Thánh Cha nói, mối tương quan yêu thương lẫn nhau này “là cội rễ huyền nhiệm của toàn bộ đời sống người tín hữu,” và được thể hiện trong lời cầu nguyện.

“Trong lời cầu nguyện, những người Kitô hữu tiên khởi – và cả chúng ta, những người đến sau nhiều thế kỷ – tất cả chúng ta đều sống cùng một kinh nghiệm. Thần Khí linh hứng cho mọi điều. Và mỗi người Kitô hữu không ngần ngại dành thời gian để cầu nguyện đều có thể làm theo lời của Thánh Tông đồ Phaolô, người đã nói thế này: “hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).”

Đức Phanxicô nói, cầu nguyện làm cho anh chị em nhận thức được điều này, và nói thêm: “chỉ trong sự thinh lặng tôn thờ, chúng ta mới cảm nghiệm được toàn bộ chân lý của những lời này.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta phải lấy lại cảm thức tôn thờ này. Tôn thờ, tôn thờ Thiên Chúa, tôn thờ Chúa Giêsu, tôn thờ Chúa Thánh Thần. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: tôn thờ. Trong thinh lặng.”

Ngài lưu ý, lời cầu nguyện tôn thờ là việc khiến chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là khởi nguyên và là kết thúc của toàn bộ Lịch sử, và là “ngọn lửa sống động của Thần Khí ban sức mạnh để làm chứng và rao giảng.”

Khi suy ngẫm về việc cầu nguyện liên lỷ đã là động lực thúc đẩy hoạt động rao giảng của các Kitô hữu tiên khởi như thế nào, Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhắc nhở về cách Thánh Luca đã kể cho chúng ta rằng họ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.”

Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ngày nay đời sống của Giáo hội tập trung vào việc cầu nguyện, “là việc liên kết chúng ta với Chúa Kitô, và khơi dậy chứng tá của chúng ta cho Tin Mừng và sự phục vụ bác ái của chúng ta đối với những người túng thiếu.”

Ngài lưu ý, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được cuộc đời của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng với quyền năng của Thánh Thần, tiếp tục hiện diện trong thế giới của chúng ta, đặc biệt là trong giáo huấn và các bí tích của Giáo Hội, và những nỗ lực của chúng ta để thúc đẩy vương quốc hòa giải, công bằng và hòa bình của Người.

Nhắc lại Giáo Lý dạy rằng Chúa Thánh Thần “giữ cho ký ức về Chúa Kitô luôn sống động trong Giáo Hội của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chính Thần Khí đó “ban lòng can đảm và niềm vững tin cho tất cả những nhà truyền giáo, là những người ngay cả trong thời đại của chúng ta đang đối mặt với những hành trình gian khổ, những nguy hiểm và sự bắt bớ vì Tin Mừng.”

Đức Giáo Hoàng nói: “Giống như những Kitô hữu ban đầu, ước mong rằng chúng ta có thể học hỏi, qua việc bồi dưỡng lời cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, để ngày càng được kết hợp chặt chẽ hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi của tình yêu, và mang tình yêu đó đến cho thế giới xung quanh chúng ta.”

Dưới đây là văn bản huấn từ của Đức Thánh Cha của Vatican (ND: bản tiếng Anh):

***

Giáo lý về việc cầu nguyện – 16. Lời cầu nguyện của Giáo hội sơ khai

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những bước đi đầu tiên của Giáo hội vào thế giới được đan quyện với lời cầu nguyện. Những bài viết của các tông đồ và câu chuyện tường thuật tuyệt vời của Công vụ Tông đồ cho chúng ta hình ảnh về một Giáo hội hoạt động, một Giáo hội đang di chuyển, nhưng chung lòng trong lời cầu nguyện, tìm thấy được nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo. Hình ảnh của Cộng đoàn Giêrusalem thuở ban đầu là điểm tham chiếu cho mọi kinh nghiệm khác của Kitô giáo. Thánh Luca viết trong Sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (2:42). Cộng đoàn kiên trì cầu nguyện.

Chúng ta tìm thấy ở đây bốn đặc điểm cần thiết của đời sống giáo hội: trước hết là lắng nghe lời giảng dạy của các tông đồ; thứ hai, bảo vệ sự hiệp thông với nhau; thứ ba, việc bẻ bánh; và thứ tư, cầu nguyện. Họ nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội trở nên có ý nghĩa nếu nó duy trì sự kết hiệp vững chắc với Đức Kitô, nghĩa là, trong cộng đoàn, trong Lời của Ngài, trong Bí tích Thánh Thể và trong việc cầu nguyện – cách chúng ta kết hiệp bản thân với Chúa Kitô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho những lời nói và hành động của Thầy; nỗ lực không ngừng cho sự hiệp thông huynh đệ bảo vệ chúng ta thoát khỏi tính ích kỷ và chủ nghĩa phân lập; việc bẻ bánh làm trọn vẹn bí tích Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta. Ngài không bao giờ vắng mặt – đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở đó. Ngài sống và đồng hành cùng chúng ta. Và cuối cùng, cầu nguyện là không gian đối thoại với Chúa Cha, qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Mọi việc trong Giáo Hội nếu phát triển bên ngoài “những tọa độ” này đều thiếu nền tảng. Để phân định một tình huống, chúng ta cần phải tự hỏi mình về bốn tọa độ này: bốn tọa độ này hiện diện trong tình huống đó như thế nào – rao giảng, liên tục tìm kiếm tình hiệp thông huynh đệ, bác ái, bẻ bánh (nghĩa là đời sống Thánh Thể), và cầu nguyện. Bất kỳ tình huống nào cũng cần được đánh giá dưới góc độ của bốn tọa độ này. Bất cứ điều gì không thuộc các tọa độ này đều thiếu tính giáo hội, nó không phải là giáo hội. Chính Thiên Chúa là Đấng tạo nên Giáo hội, chứ không phải sự ồn ào của các công việc. Giáo hội không phải là một cái chợ; Giáo hội không phải là một nhóm các doanh nhân lao tới với một công việc kinh doanh mới. Giáo hội là công cuộc của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã sai đến để quy tụ chúng ta lại với nhau. Giáo hội chính là hoạt động của Thần Khí trong cộng đoàn Kitô hữu, trong đời sống của cộng đoàn, trong Bí tích Thánh Thể, trong lời cầu nguyện… luôn luôn như vậy. Và mọi sự phát triển bên ngoài những tọa độ này đều thiếu nền tảng, chẳng khác gì ngôi nhà xây trên cát (x. Mt 7, 24-27). Chính Thiên Chúa là Đấng tạo nên Giáo hội, chứ không phải sự ồn ào của các công việc. Chính lời của Chúa Giêsu đã phủ đầy ý nghĩa cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta xây dựng tương lai của thế giới chính trong sự khiêm nhường. Có những lúc cha cảm thấy buồn vô cùng khi nhìn thấy một cộng đoàn có thiện chí, nhưng lại đi sai đường vì cho rằng Giáo hội được xây dựng trong các cuộc họp, như thể đó là một đảng phái chính trị. “Nhưng, nhóm đa số, nhóm thiểu số, họ nghĩ gì về vấn đề này, vấn đề kia và vấn đề khác … Và điều này giống như một Thượng Hội đồng, con đường thượng hội đồng mà chúng ta phải đi…” Tôi tự hỏi mình: “Nhưng Chúa Thánh Thần ở đâu trong đó? Cầu nguyện ở đâu? Tình yêu cộng đoàn ở đâu? Thánh Thể ở đâu?” Nếu không có bốn tọa độ này, Giáo hội trở thành một xã hội loài người, một đảng chính trị – đa số, thiểu số – những thay đổi được thực hiện như thể nó là một công ty, tùy theo đa số hoặc thiểu số… Nhưng Chúa Thánh Thần không có ở đó. Và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được bảo đảm chính bởi bốn tọa độ này. Để đánh giá một tình hình có thuộc giáo hội hay không thuộc giáo hội, chúng ta hãy tự hỏi mình về bốn tọa độ này: đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, bí tích Thánh Thể… đời sống phát triển như thế nào cùng với bốn tọa độ này. Nếu thiếu điều này là thiếu Chúa Thánh Thần, và nếu thiếu Chúa Thánh Thần thì chúng ta chỉ là một tổ chức đẹp, nhân đạo, làm điều tốt, việc tốt, rất tốt… thậm chí là một đảng giáo hội, chúng ta cứ nói theo cách đó. Nhưng đó không phải là Giáo hội. Chính vì lý do này mà Giáo hội không phát triển với những điều như vậy: Giáo hội không phát triển nhờ sự kết nạp cải giáo, như bất kỳ công ty nào khác, Giáo hội phát triển bởi sự thu hút. Và ai là người khơi gợi sự cuốn hút? Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Đức Benedict XVI: “Giáo hội không phát triển nhờ việc kết nạp cải đạo, Giáo hội phát triển bởi sự lôi cuốn”. Nếu thiếu Chúa Thánh Thần, Đấng thu hút [mọi người] đến với Chúa Giêsu, thì Giáo hội không có ở đó. Có thể có một câu lạc bộ tình bạn đẹp, tốt, với những mục đích tốt, nhưng không phải là Giáo hội, không mang tính thượng hội đồng.

Khi đọc Tông đồ Công Vụ, chúng ta khám phá ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ của việc rao truyền Phúc Âm mà các buổi tập trung cầu nguyện có thể mang đến, nơi những người tham dự thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Thần Khí tác động. Các thành viên của cộng đoàn đầu tiên – mặc dù điều này vẫn luôn như vậy, ngay cả đối với chúng ta ngày nay – cảm nhận rằng câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không dừng lại tại thời điểm Chúa lên Trời, nhưng vẫn tiếp tục trong cuộc sống của họ. Khi kể lại những điều Chúa đã nói và đã làm – lắng nghe Lời – trong việc cầu nguyện để đi vào sự hiệp thông với Ngài, mọi sự trở nên sống động. Lời cầu nguyện thấm đẫm ánh sáng và sự ấm áp: ân sủng của Thần Khí ban cho họ lòng nhiệt thành.

Vì lý do này, Giáo lý có một cách diễn đạt rất quan trọng. Câu đó nói như sau: “Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc lại mầu nhiệm Chúa Kitô cho Hội Thánh đang cầu nguyện, cũng dẫn đưa Hội Thánh vào Chân Lý trọn vẹn và khởi hứng những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò thấu về Chúa Kitô, Đấng đang hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh.” (s. 2625). Đây là công việc của Thần Khí trong Hội Thánh: khiến chúng ta nhớ về Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu đã nói điều đó: Ngài sẽ dạy bảo anh em và nhắc nhở anh em. Sứ vụ là tưởng nhớ Chúa Giêsu, nhưng không phải là một bài tập luyện trí nhớ. Người Kitô hữu, bước đi trên những con đường sứ vụ, hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong khi họ làm cho Ngài hiện diện một lần nữa; và từ nơi Ngài, từ Thần Khí của Ngài, họ nhận được “sự thôi thúc” để ra đi, để rao giảng, để phục vụ. Trong lời cầu nguyện, người Kitô hữu đắm mình trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, là mầu nhiệm Đấng yêu thương mỗi người, là Thiên Chúa mong muốn Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa cho mọi người, và nơi Chúa Giêsu mọi bức tường ngăn cách hoàn toàn bị phá vỡ: như Thánh Phaolô đã nói: Người là sự bình an của chúng ta, nghĩa là “Người đã làm cho chúng ta nên một” (Ep 2,14). Chúa Giêsu đã tạo ra sự hiệp nhất, sự hiệp nhất.

Theo cách này, đời sống của Giáo hội sơ khai mang nhịp điệu của sự tiếp nối liên tục các buổi cử hành, các cuộc triệu tập, những thời gian cầu nguyện cộng đoàn và riêng tư. Và chính Thần Khí đã ban sức mạnh cho các nhà rao giảng lên đường, và những người, vì yêu mến Chúa Giêsu, đã chèo thuyền ra khơi, đối mặt với những hiểm nguy, chịu sỉ nhục.

Thiên Chúa tặng ban tình yêu, Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu. Đây là là cội rễ huyền nhiệm của toàn bộ đời sống người tín hữu. Trong lời cầu nguyện, những người Kitô hữu tiên khởi – và cả chúng ta, những người đến sau nhiều thế kỷ – tất cả chúng ta đều sống cùng một kinh nghiệm. Thần Khí linh hứng cho mọi điều. Và mỗi người Kitô hữu không ngần ngại dành thời gian để cầu nguyện có thể làm theo lời của Thánh Tông đồ Phaolô, người đã nói thế này: “hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cầu nguyện làm cho anh chị em nhận thức được điều này. chỉ trong sự thinh lặng tôn thờ, chúng ta mới cảm nghiệm được toàn bộ chân lý của những lời này. Và chúng ta phải lấy lại cảm thức tôn thờ này. Tôn thờ, tôn thờ Thiên Chúa, tôn thờ Chúa Giêsu, tôn thờ Thánh Thần. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: tôn thờ. Trong thinh lặng. Lời cầu nguyện tôn thờ là việc khiến chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là khởi nguyên và là kết thúc của toàn bộ Lịch sử. Và những lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Thần Khí ban sức mạnh để làm chứng và rao giảng. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào anh chị em tín hữu nói tiếng Anh. Khi chúng ta chuẩn bị bước vào hành trình Mùa Vọng, nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô soi sáng con đường của chúng ta và xua tan mọi bóng tối khỏi tâm hồn chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

© Copyright LEV


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/11/2020]


Đức Thánh Cha Phanxicô và các cầu thủ NBA thảo luận về công bằng xã hội trong cuộc họp ở Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô và các cầu thủ NBA thảo luận về công bằng xã hội trong cuộc họp ở Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô và các cầu thủ NBA thảo luận về công bằng xã hội trong cuộc họp ở Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ phái đoàn của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia tại Vatican ngày 23 tháng Mười Một, 2020. Photo credits: Vatican Media.

Courtney Mares

Vatican City, 23 tháng Mười Một, 2020 / 12:00 pm MT (CNA). - Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ năm cầu thủ của NBA tại Vatican hôm thứ Hai để thảo luận về những nỗ lực của họ chống lại bất công xã hội và kinh tế ở Hoa Kỳ.

Các hậu vệ ghi điểm của đội Milwaukee Bucks là Kyle Korver và Sterling Brown là thành viên trong phái đoàn, cùng với tiền đạo Jonathan Isaac của đội Orlando Magic, Anthony Tolliver của đội Memphis Grizzlies và Marco Belinelli của San Antonio Spurs.

Các cầu thủ bóng rổ đã gặp riêng giáo hoàng vào ngày 23 tháng Mười Một trong thư viện Điện Tông tòa của Vatican. Ba quản lý cấp cao của liên hiệp cầu thủ, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia, cũng tham dự cuộc họp.

Đức Giáo hoàng khen ngợi các vận động viên là tấm gương của tinh thần đồng đội. “Các bạn là những nhà vô địch… đưa ra mẫu gương tốt về tinh thần đồng đội nhưng vẫn luôn khiêm tốn… và giữ gìn nhân cách của mình,” AP tường thuật lời của Đức Giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị có cuộc họp vào tuần trước vì ngài muốn tìm hiểu thêm về hoạt động ủng hộ công bằng xã hội của các vận động viên Mỹ, và liên đoàn các cầu thủ đã nhanh chóng lên lịch một chuyến bay qua đêm vào Chủ nhật, theo ESPN.

Sau cái chết của George Floyd vào tháng Năm, các cầu thủ NBA đã vận động để nâng cao nhận thức về sự hung bạo của cảnh sát ảnh hưởng đến cộng đồng Da đen và các vấn đề bất bình đẳng rộng hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các cầu thủ NBA thảo luận về công bằng xã hội trong cuộc họp ở Vatican

Các cầu thủ từ sáu đội NBA cũng đã ngừng các trận đấu sau mùa giải vào tháng Tám để phản đối sau vụ bắn chết Jacob Blake ở Kenosha, Wisconsin - một quyết định khiến các đội thể thao chuyên nghiệp khác cũng làm tương tự. Trong số các cầu thủ đó có Brown và Korver.

Anh Brown đã kể lại kinh nghiệm này cho đức giáo hoàng. Anh nói: “Nó là chân thực và đầy cảm xúc cho đội của chúng con.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong tông huấn “Fratelli tutti” gần đây nhất của ngài , trong đó ngài so sánh nạn phân biệt chủng tộc với một loại virus “nhanh chóng biến thể, và thay vì biến mất, lại giấu mình và ẩn núp chờ đợi”.

Đức Giáo hoàng cũng lên tiếng về nạn phân biệt sắc tộc ở Hoa Kỳ trong một buổi tiếp kiến chung được phát trực tuyến vào tháng Sáu, trong đó ngài nói rằng ngài cầu nguyện cho linh hồn của George Floyd và cho tất cả những người đã mất mạng “vì tội phân biệt chủng tộc”.

Cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gọi điện cho Đức Tổng Giám mục José Gomez, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, để cảm ơn các giám mục Hoa Kỳ vì tinh thần mục vụ trong phản ứng của Giáo hội đối với các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

“Chúng ta không thể dung thứ hay làm ngơ trước sự phân biệt chủng tộc và loại trừ dưới mọi hình thức nhưng vẫn tuyên bố là bảo vệ tính thiêng liêng của sự sống mỗi con người. Đồng thời, chúng ta phải nhìn nhận rằng bạo lực trong những đêm gần đây là tự hủy hoại và tự đánh bại bản thân. Chẳng đạt được điều gì bằng bạo lực nhưng quá nhiều điều bị mất đi,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi phát trực tuyến ngày 3 tháng Sáu.

“Chúng ta cầu xin sự an ủi cho các gia đình và bạn bè đang đau buồn, và cầu nguyện cho sự hòa giải dân tộc và hòa bình mà chúng ta hằng mong mỏi.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/11/2020]