Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolo II giúp chấm dứt xung đột bạo lực ở Bắc Ireland như thế nào

Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolo II giúp chấm dứt xung đột bạo lực ở Bắc Ireland như thế nào

Philip Kosloski

20 tháng Tám, 2018
Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolo II giúp chấm dứt xung đột bạo lực ở Bắc  Ireland như thế nào
DPA | AFP

Vị giáo hoàng đã đến Ireland và nói những lời tâm huyết về hòa bình làm thay đổi cuộc sống của mọi người.

Trong suốt thế kỷ XX, Ireland đã trải qua nhiều sự bất ổn khi đảo quốc bị phân chia thành “Bắc” Ireland (một phần của Great Britain, và đa số là người Tin lành) và “Nam” Ireland (Cộng hòa Ireland độc lập, chiếm số đông là người Công giáo). Rất nhiều người khao khát một đất nước thống nhất và cố gắng tìm cách thực hiện ước mơ đó bằng bạo lực vũ trang. Những căng thẳng tiếp tục leo thang cho đến khi “Troubles” (Xung đột vũ trang Ireland) nổ ra vào thập niên 1970.

Những vụ đánh bom, sát hại và bạo lực liên tiếp làm rung chuyển đất nước.

Đức Gioan Phaolo II được bầu lên ngôi giáo hoàng ngày 22 tháng Mười năm 1978, và đã chọn Dublin cho chuyến tông du thứ ba của ngài. Ngài đến vào ngày 29 tháng Chín – 1 tháng Mười, 1979, đánh dấu lần đầu tiên một vị giáo hoàng đến thăm Ireland trong suốt chiều dài lịch sử của nó.

Nó chứng minh là một thời khắc vĩ đại cho đất nước Ireland và thời gian được sắp xếp một cách hoàn hảo. Khoảng một phần ba toàn bộ người dân đổ đến gặp gỡ Đức Gioan Phaolo II và ngài đã gieo vào lòng họ những lời bình an mà cuối cùng trổ sinh nhiều hoa trái. Đức Gioan Phaolo II gửi tới người dân Ireland những lời nói đầy sức mạnh, kêu gọi họ chấm dứt bạo lực.

Bây giờ tôi muốn nói với tất cả những người góp phần vào bạo lực. Tôi khẩn cầu anh chị em, bằng ngôn ngữ của sự cầu xin tha thiết nhất. Tôi quỳ xuống xin anh chị em hãy thoát khỏi những con đường của bạo lực và trở lại với những con đường của hòa bình. Anh chị em có thể tuyên bố rằng đi tìm công bình. Tôi cũng tin vào sự công bình và đi tìm sự công bình. Nhưng bạo lực chỉ làm cản trở ngày đến được với công bình. Bạo lực phá hủy công trình của công bình. Bước thêm vào bạo lực ở Ireland sẽ chỉ tàn phá vùng đất mà anh chị em khẳng định tình yêu dành cho nó và phá hủy những giá trị mà anh chị em quả quyết tôn vinh. Nhân danh Thiên Chúa tôi cầu xin anh chị em: hãy trở về với Đức Ki-tô, Đấng đã hy sinh để con người có thể sống trong sự tha thứ và bình an. Ngài đang chờ đợi anh chị em, mong mỏi từng người anh chị em đến với Ngài để Ngài có thể nói với mỗi người trong anh chị em: tội của con đã được tha; hãy đi bình an.

Theo Carl Anderson, giám đốc sản xuất một bộ phim tài liệu mới, Đức Gioan Phaolo II ở Ireland: Một Lời Cầu Xin Hòa Bình, “Khi Đức Gioan Phaolo II đến Ireland, ngài đối mặt với một cây cổ thụ của sự thù hận và khủng bố đã lớn lên trong suốt một thời gian rất lâu. Tại Drogheda, ngài đã cầm cái rìu lên và chặt đứt tất cả gốc rễ của nó. Phải mất thêm một thời gian để cho cái cây độc hại này bắt đầu héo tàn, và cuối cùng nó đã khô héo.”

Anderson làm việc với nhà làm phim đạt giải Emmy, David Naglieri, để thuật lại tiến trình hòa bình ở Ireland, làm nổi bật vai trò quan trọng của Đức Gioan Phaolo II trong đó. Bộ phim tài liệu được thuyết minh bởi Jim Caviezel (The Passion of Christ (Cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô), The Count of Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo), với phần nhạc nền của nhà soạn nhạc Joe Kraemer (Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi): Rogue Nation, Jack Reacher).

Một trong những giây phút cảm động nhất trong suốt chuyến thăm viếng của Đức Gioan Phaolo II là những lời nói đơn sơ của ngài với giới trẻ Ireland: “Các bạn trẻ của Ireland, cha yêu chúng con.” Mọi người đứng dậy hoan hô vang dậy đến mức ngài hầu như không thể kết thúc phần nói chuyện của ngài.

Trong khi phải mất thêm vài thập niên nữa mới chấm dứt được cuộc xung đột, nhưng chẳng bao lâu sau chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolo, thì những cuộc đàm phán hướng đến hòa bình bắt đầu diễn ra. Những lời của ngài đã chạm đến dân tộc Ireland và hạt giống hòa bình mà ngài gieo, đã trổ sinh hoa trái.

Đức Thánh Cha Phanxico trở thành giáo hoàng thứ hai đến thăm Ireland nhân dịp Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới ở Dublin. Chủ đề của chuyến viếng thăm của ngài sẽ tập trung vào gia đình, nâng nó lên như một gia tài to lớn phải bảo vệ trong xã hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/8/2018]


Những chứng ngôn truyền cảm hứng của giới trẻ Ireland tạo niềm hy vọng cho thế giới

Những chứng ngôn truyền cảm hứng của giới trẻ Ireland tạo niềm hy vọng cho thế giới

23 tháng Tám, 2018
Những chứng ngôn truyền cảm hứng của giới trẻ Ireland tạo niềm hy vọng cho thế giới
Aleteia
Meabh Carlin và Christopher Gallen

Ngày đầu tiên của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới gồm có các chứng ngôn sống đức tin rất xúc động của các bạn trẻ.

Một trong những điểm nhấn trong ngày đầu tiên của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới ở Dublin, Ireland, là phần trình bày với chủ đề, “Chứng ngôn: Giới trẻ Hy vọng và Ước mơ về Hôn nhân & Gia đình trong Thiên niên kỷ thứ Ba.”

Phần trình bày của các bạn trẻ đã kết hôn, đính hôn, và còn độc thân. Mỗi người đều có câu chuyện riêng để kể, trình bày cho những người hiện diện thấy cách đức tin Công giáo đã đem lại cho họ sự sống mới, cho dù có lúc văn hóa quanh họ vẫn giữ thái độ thù địch với Tin mừng.


Tầm quan trọng của việc truyền lại đức tin cho thế hệ tiếp nối

Mark Neville là người đầu tiên trình bày chứng ngôn, giải thích con đường mà anh và vợ anh đã được đưa đến với nhau qua sự thực hành đức tin Công giáo. Tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Sydney đã giúp họ biết phân định và chẳng bao lâu sau họ kết hôn và bắt đầu một gia đình. Hiện tại họ đã có bốn đứa con và lấy cầu nguyện làm trung tâm cho cuộc sống của họ, dạy cho con cái họ biết cầu nguyện, khuyến khích chúng bày tỏ tình yêu mến duy nhất dành cho Thiên Chúa. Dù họ gặp phải một số phản đối từ những người họ hàng, nhưng họ vẫn kiên vững trong việc thực hành đức tin Công giáo của mình.

Neville giải thích lý do “những hy vọng và ước mơ bây giờ tập trung vào các con của chúng tôi. Và chúng tôi có niềm hy vọng vô cùng lớn lao rằng trong xã hội hôm nay, quả thật không phải là một xã hội dễ dàng để cho con cái của chúng ta sống, chúng tôi sẽ trao tặng cho con cái của chúng tôi niềm vui và sự hy vọng làm người Công giáo để giúp chúng sống tình yêu của Đức Ki-tô trong đời sống hàng ngày. Để Chúa trở thành ngọn đèn dẫn lối cho chúng.”


Trẻ em cần có một môi trường vững chắc và yêu thương để phát triển

Diễn giả kế tiếp là Isaac Withers, một thanh niên được chọn làm đại diện cho Hội đồng Giám mục Anh và Wales tại Thượng Hội đồng Giới trẻ 2018. Anh bắt đầu chứng ngôn bằng cách kể ra những thách đố mà giới trẻ sinh trong thiên niên kỷ thứ ba phải đối mặt trong thế giới ngày nay, đặc biệt là sự truyền bá khiêu dâm và văn hóa tình dục tồn tại trong giới trẻ. Withers giải thích rằng vấn đề còn tệ hơn nữa khi quá nhiều người thuộc thế hệ của anh trở nên hoài nghi về hôn nhân, đặt những suy nghĩ của họ về hôn nhân dựa trên gương của cha mẹ của họ. Khoảng một phần ba cho đến một nửa thuộc thế hệ của anh lớn lên trong những gia đình bị tan vỡ, bị tàn phá vì ly dị. Từ bối cảnh này, thật khó mà nhìn thấy hôn nhân dưới một ánh sáng tích cực.

Withers tin rằng đó là lý do tương lai của thế giới tùy thuộc vào gia đình và tình yêu của vợ chồng. Niềm hy vọng của anh “là Giáo hội như một cộng đoàn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cha mẹ để con cái của họ có thể lớn lên với kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình như là một nền tảng vững chắc và yêu thương, để lật ngược lại sự hoài nghi của nhiều người trong thế hệ của tôi.”


Đức Ki-tô phải là trung tâm của mọi cuộc hôn nhân

Người trình bày thứ ba là Meabh Carlin và Christopher Gallen, một đôi đính hôn đã gặp nhau tại Đại hội Thánh Thể tổ chức ở Dublin năm 2012. Hành trình của họ với nhau là một hành trình của đức tin, tin tưởng Thiên Chúa và cho phép Ngài hướng dẫn họ. Gallen bày tỏ sự hy vọng về hôn nhân “trong tất cả mọi sự mỏng giòn của tôi, tôi có thể biến mình thành một quà tặng cho Meabh và hy vọng rằng Chúa sẽ đoái thương tình yêu của chúng tôi và đem đến những điều lớn lao.”

Meabh kể rằng một trong những lời khuyên tuyệt vời nhất mà họ đã nhận được liên quan đến “sự tự do sẽ đến khi chúng ta biết chân nhận rằng chúng ta không thể mong chờ người bạn đời của mình phải hoàn tất mọi điều chúng ta mong ước.” Điều này cho phép họ hiểu được rằng Thiên Chúa là Đấng hoàn tất trọn vẹn những ước ao sâu thẳm nhất mà người bạn đời không bao giờ có thể thực hiện được. Họ cùng hy vọng rằng họ có thể sống một đời sống hôn nhân lấy Đức Ki-tô làm trung tâm và sau này có thể nói rằng, “Anh yêu em còn hơn cả ngày chúng ta kết hôn.”

Một cô gái còn độc thân, Ameera Ahmed, chia sẻ kinh nghiệm là một người Công giáo với cái nhìn hy vọng về một người chồng chung thủy; và một cặp vợ chồng cuối cùng, Pauline và Damien Devaney, chia sẻ về cách Thiên Chúa đem họ đến gần nhau hơn trong một tình huống vô cùng khó khăn.

Những bạn trẻ này đưa ra niềm hy vọng cho thế giới giữa những thời khắc đen tối. Họ sống làm chứng rằng thế hệ tiếp nối không bị đánh mất và rằng vẫn còn rất nhiều mẫu gương sáng đang cố gắng hoạt động như là men của thế giới, trỗi dậy từ cõi chết.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2018]