Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong 35 vị tân thánh

Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong 35 vị tân thánh

Đời sống Ki-tô hữu, một câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa
15 tháng Mười, 2017
Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong 35 vị tân thánh
© L'Osservatore Romano
Ngày 15 tháng Mười, 2017, Đức Thánh Cha tuyên phong 35 vị tân thánh trong Thánh Lễ với Nghi thức Tấn phong các Chân phước An-rê de Soveral, Ambrose Francis Ferro, Mát-thêu Moreira và 27 bạn; Christopher, Anthony và John; Faustino Miguez và Angelo da Acri. Thánh Lễ được cử hành trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói về đời sống người Ki-tô hữu như một “câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa.” Ngài nói rằng “Những vị thánh được tôn phong hôm nay, và đặc biệt nhiều vị tử đạo, đã đi theo con đường này.”

Dưới đây là bài giảng trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha, bản dịch tiếng Anh của Vatican
Dụ ngôn chúng ta vừa nghe mô tả Nước Thiên Chúa giống như một tiệc cưới (x. Mt 22:1-14). Nhân vật chính là hoàng tử con đức vua, chàng rể, mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đó là Chúa Giê-su. Dụ ngôn không đề cập gì đến nàng dâu, nhưng chỉ nói đến những người khách được mời và được chờ đợi đến, và những người mặc lễ phục cưới. Chúng ta là những vị khách đó, vì Chúa muốn “mừng tiệc cưới” với chúng ta. Tiệc cưới giới thiệu một tình bằng hữu suốt đời, một sự kết hiệp mà Thiên Chúa muốn cùng có với tất cả chúng ta. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với Người phải vượt hơn mối quan hệ của những thần dân trung thành với đức vua, hơn những người tôi tớ trung tín với ông chủ, hay hơn cả những người học trò với người thầy đáng kính của họ. Trên tất cả đó là mối quan hệ của nàng dâu với chàng rể. Nói một cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta, Người đi ra tìm kiếm và mời chúng ta. Với Người, việc chúng ta làm tròn bổn phận và tuân giữ luật của Người vẫn chưa đủ. Người khao khát một sự kết hiệp đời sống thật sự với chúng ta, một mối quan hệ đặt nền tảng trên đối thoại, tín thác và tha thứ.
Đời sống người Ki-tô hữu như vậy là một câu chuyện tình với Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do đón lấy sáng kiến và không ai có thể khẳng định mình là người duy nhất được mời. Không ai có chỗ ngồi tốt hơn người khác, vì tất cả đều hưởng ơn phúc của Chúa. Đời sống người Ki-tô hữu luôn được sinh và tái sinh trong sự chăm sóc này, một mối tình đặc biệt và đặc ân. Chúng ta hãy yêu cầu bản thân mình ít nhất mỗi ngày nói với Chúa rằng chúng ta yêu Người; nếu chúng ta nhớ tâm tình với Người, giữa bao điều chúng ta nói ra mỗi ngày rằng, “Lạy Chúa, con yêu mến Người; Người là sự sống đời con.” Vì khi nào tình yêu mất, đời sống người Ki-tô hữu trở nên trống rỗng. Nó trở thành một thân xác không có linh hồn, một sự đạo đức không thể có, một tập hợp những nguyên tắc và luật lệ để tuân theo chẳng nhằm mục đích tốt lành nào. Tuy nhiên, Thiên Chúa của sự sống chờ đợi một câu trả lời bằng sự sống. Thiên Chúa của tình yêu chờ đợi một câu trả lời bằng tình yêu. Nói với một trong các Hội thánh trong sách Khải huyền, Thiên Chúa có lời quở trách: “Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (x. Kh 2:4). Điều này rất nguy hiểm – một đời sống Ki-tô hữu trở nên máy móc theo thói quen, bằng lòng với “sự bình thường,” không còn động lực hay nhiệt tâm, và với ký ức ngắn ngủi. Nhưng, chúng ta hãy thổi bùng lên ngọn lửa ký ức của mối tình đầu tiên của chúng ta. Chúng ta được yêu, những vị khách tại tiệc cưới, và cuộc sống của chúng ta là một món quà, vì mỗi ngày là một cơ hội tuyệt vời để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Tin mừng cảnh báo chúng ta rằng lời mời có thể bị từ chối. Nhiều vị khách được mời đã từ chối, vì họ bận rộn với công việc của riêng họ.Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn” (Mt 22:5). Mỗi người đều quan tâm đến công việc riêng của mình; đây là chìa khóa để hiểu được tại sao họ lại từ chối lời mời. Những người khách này không nghĩ rằng tiệc cưới sẽ buồn hay chán; họ đơn giản chỉ “không thèm đếm xỉa”. Họ bị khóa chặt vào những công việc của riêng họ. Họ quan tâm đến việc sở hữu được một cái gì đó hơn là phiêu lưu một thứ gì đó, như tình yêu đòi buộc. Đây là lý do tại sao tình yêu trở nên nguội lạnh, không phải vì hận thù nhưng vì quan tâm ưu tiên đến những gì là của riêng chúng ta: sự an toàn, tự khẳng định bản thân, sự tiện nghi của chúng ta … Chúng ta an tọa hưởng lạc trên chiếc ghế của những lợi tức, những thú vui, hay một sở thích nào đó đem đến cho chúng ta chút niềm vui. Nhưng rồi kết cục chúng ta già nua nhanh chóng, vì trong thâm tâm chúng ta đã trở nên già nua. Khi tâm hồn của chúng ta không mở rộng, chúng trở nên khép kín bên trong. Khi mọi sự phải lệ thuộc vào tôi – lệ thuộc vào những gì tôi thích, vào những gì phục vụ cho tôi tốt nhất, vào những gì tôi muốn – thì tôi trở nên khe khắt và cứng nhắc. Tôi mắng nhiếc người khác không cần lý do, giống như những người khách trong Tin mừng, họ đã đối xử tàn tệ và cuối cùng lại giết chết (x. c. 6) những người được gửi đến để mời họ, chỉ đơn giản vì những người kia làm phiền họ.
Cho nên, Tin mừng đặt cho chúng ta câu hỏi, chúng ta đang đứng ở đâu? Cùng với Thiên Chúa hay đứng một mình chúng ta? Vì Chúa thì đối nghịch lại với tính ích kỷ, đối nghịch với tính xem mình là trung tâm. Tin mừng kể cho chúng ta biết rằng cho dù liên tục bị những người khách mời từ chối và và thờ ơ, Chúa vẫn không hủy bỏ tiệc cưới. Người không từ bỏ, nhưng tiếp tục mời. Khi Người nghe thấy một câu trả lời “không,” Người không đóng cửa lại, nhưng lại mở rộng lời mời gọi hơn. Đứng trước những thái độ sai trái, người thậm chí trả lời bằng một tình yêu lớn hơn. Khi chúng ta bị tổn thương bởi cách hành xử bất công của người khác hoặc bị họ từ chối, chúng ta thường mang trong lòng sự phẫn uất và oán hận. Thiên Chúa thì ngược lại, khi bị tổn thương vì câu trả lời “không” của chúng ta, Người lại cố gắng thêm lần nữa; Người cứ thực hiện những điều tốt lành cho cả những người gây ra cái ác. Vì đó là thái độ của tình yêu. Vì đây là cách duy nhất để cái ác bị đánh bại. Hôm nay Thiên Chúa của chúng ta, Đấng không bao giờ từ bỏ sự hy vọng, nói với chúng ta hãy làm những gì Người làm, hãy sống với tình yêu thật sự, hãy vượt qua thái độ buông xuôi và những sự hằn học cáu kỉnh và lười biếng của chúng ta.
Có một ý cuối cùng mà Tin mừng nhấn mạnh: áo choàng bắt buộc phải có đối với những người khách được mời. Nếu chỉ đáp lại lời mời gọi thôi thì chưa đủ, nếu chỉ đơn giản nói “có” rồi chẳng làm gì cả là chưa đủ. Từng ngày từng ngày chúng ta phải mặc tấm áo cưới, là “thói quen” thực hành yêu thương. Chúng ta không thể cứ nói, “Lạy Chúa, lạy Chúa,” và rồi chẳng trải nghiệm và chẳng đem ra thực hành những ý định của Người (x. Mt 7:21). Chúng ta phải khoác lên tấm áo yêu thương của Chúa để mỗi ngày canh tân lại lựa chọn của chúng ta với Ngài. Những vị thánh được tuyên phong hôm nay, và đặc biệt là nhiều vị tử đạo, đã đi theo con đường này. Các ngài không chỉ nói một lời “có” lấy lệ đối với yêu thương; các ngài đã nói lời “có” bằng cả đời sống và cho đến giây phút cuối cùng. Tấm áo các ngài mặc mỗi ngày là tình yêu của Chúa Giê-su, tình yêu “điên rồ” đó đã yêu thương chúng ta đến tận cùng và đã tha thứ và tặng ban chiếc áo cưới của Ngài cho cả những kẻ đã đóng đinh Người. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta đón nhận một chiếc áo trắng, là tấm áo cưới của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Người, qua sự cầu bầu của các thánh là những anh chị của chúng ta, ơn sủng biết quyết tâm mỗi ngày mặc tấm áo cưới này và giữ cho nó không bị lấm bẩn. Làm sao để chúng ta làm được điều này? Trên hết, hãy can đảm tiến gần đến Chúa để đón nhận sự tha thứ của Người. Đây là một bước đi quan trọng, để bước vào tiệc cưới cùng với Ngài mừng bữa tiệc của tình yêu.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiến Anh) của Tòa Thánh]
© Libreria Editrice Vatican
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/10/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico tiếp Thủ tướng Li-băng Hariri

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp Thủ tướng Li-băng Hariri

Pope Francis exchanges gifts with Prime Minister of Lebanon Saad Hariri during a private audience at the Vatican, October 13, 2017 - REUTERS
Đức Thánh Cha Phanxico trao đổi quà tặng với Thủ tướng Li-băng Saad Hariri trong buổi tiếp kiến riêng tại, 13 tháng Mười, 2017 - REUTERS
13/10/2017 14:22
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico tiếp Thủ tướng Li-băng, Saad Rafic Hariri vào sáng thứ Sáu, trong Điện Tông Truyền ở Vatican. Một thông cáo báo chí của Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh tường thuật rằng Đức Thánh Cha và Thủ tướng có cuộc trò chuyện thân mật về nhiều chủ đề, trong đó gồm nhiều khía cạnh khác nhau của tình hình Li-băng. Cả hai vị đều bày tỏ sự cần thiết củng cố tính ổn định trong nước, và bày tỏ sự cảm kích đối với việc chào đón dành cho nhiều người tị nạn của Li-băng. Đức Thánh Cha Phanxico và Thủ tướng Hariri cũng thảo luận về tình hình mở rộng ở Trung Đông, tập trung vào nhu cầu phải tìm ra một giải pháp toàn diện và công bằng cho những cuộc xung đột lan rộng trong khu vực.
Tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa cũng là một chủ đề của cuộc thảo luận, và giá trị của sự hợp tác giữa người Ki-tô hữu và Hồi giáo để thúc đẩy hòa bình và công bình, cùng với vai trò lịch sử và tổ chức của Giáo hội trong đời sống của người dân Li-băng và tầm quan trọng của sự hiện diện của người Ki-tô hữu trong toàn khu vực.
Xin đọc toàn văn bản dịch tiếng Anh chính thức của Thông cáo Báo chí của Văn phòng Báo chí Tòa thánh dưới đây
********************************
Sáng nay trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp ông Saad Rafic Hariri, Thủ tướng của Li-băng, và sau đó ông gặp Đức Hồng y Quốc vụ Khanh Tòa Thánh Phê-rô Parolin, cùng với Đức ông Phao-lô Richard Gallagher, Thư ký Phòng Quan hệ với các Chính phủ. Những buổi thảo luận diễn ra trong không khí thân tình, đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của tình hình ở Li-băng và những phát triển gần đây nhất ở Trung Đông. Các ngài bày tỏ sự đồng thuận về việc củng cố tính ổn định trong nước, với hy vọng ngày càng gia tăng sự hợp tác hiệu quả giữa những quyền lực chính trị khác nhau để thúc đẩy thiện ích chung của toàn dân tộc. Các vị tái khẳng định sự đánh giá cao đối với việc Li-băng chào đón nhiều người di cư, và cả hai bên tập trung vào nhu cầu phải tìm được một giải pháp toàn diện và công bằng cho những cuộc xung đột lan rộng trong khu vực. Ngoài ra, tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa và liên tôn cũng được làm nổi bật lên, cũng như giá trị của sự hợp tác giữa người Ki-tô hữu và người Hồi giáo để thúc đẩy hòa bình và công bằng, cần phải cân nhắc đến vai trò lịch sử và tổ chức của Giáo hội trong đời sống của đất nước và tầm quan trọng của sự hiện diện của người Ki-tô hữu trong vùng Trung Đông.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2017]