Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha 25.06.2023: Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa

Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa?

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin

Huấn từ của Đức Thánh Cha 25.06.2023: Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa


Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, Buongiorno. Chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lặp lại với các môn đệ ba lần khác nhau: “đừng sợ” (Mt 10:26, 28, 31). Trước đó không lâu, Chúa đã nói với các ông về sự bắt bớ mà các ông sẽ phải trải qua vì Tin Mừng, một sự thật hiện vẫn còn là thực tại. Thật vậy, kể từ khi thành lập, Giáo hội đã trải qua nhiều cuộc bách hại, cùng với những niềm vui – mà Giáo hội có rất nhiều. Nó có vẻ là một nghịch lý: lời loan báo Nước Thiên Chúa là một thông điệp hòa bình và công lý, được đặt nền tảng trên tình bác ái huynh đệ và sự tha thứ; nhưng lại gặp phải sự chống đối, bạo lực, bắt bớ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói đừng sợ, không phải vì mọi thứ sẽ ổn thỏa trên thế gian, không, nhưng vì chúng ta rất quý giá đối với Cha của Người và không có điều gì tốt đẹp sẽ bị mất đi. Vì vậy, Người bảo chúng ta đừng để nỗi sợ hãi chặn đứng chúng ta, mà hãy sợ một điều khác, chỉ một điều. Điều Chúa Giêsu nói với chúng ta phải sợ là gì?

Chúng ta khám phá ra điều đó qua một hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng hôm nay: hình ảnh “Gehenna” (Hỏa ngục) (xem câu 28). Vực sâu “Gehenna” là nơi người dân Giêrusalem biết rõ. Đó là bãi rác lớn của thành phố. Chúa Giêsu nói về nó để cho biết rằng nỗi sợ hãi thật sự mà chúng ta phải có là đánh mất mạng sống của mình. Chúa Giêsu nói: “Đúng, hãy sợ điều đó”. Nó tương tự như nói rằng: bạn không cần phải quá lo sợ bị hiểu lầm và chỉ trích, sợ mất uy tín và lợi ích kinh tế khi trung thành với Tin Mừng, không, nhưng hãy sợ lãng phí cuộc sống của bạn chạy theo những thứ tầm thường không mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.

Điều này rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Thực tế ngày nay, một số người vẫn bị chế giễu hoặc phân biệt đối xử vì không chạy theo một mốt nhất thời nào đó, tuy nhiên, những mốt này đặt thực tế thứ yếu vào vị trí trung tâm – chẳng hạn như chạy theo vật chất hơn là con người, chạy theo thành tích hơn là các mối tương quan. Chúng ta đưa ra một ví dụ: cha đang nghĩ đến một số bậc cha mẹ cần phải làm việc để nuôi sống gia đình của họ, nhưng họ không thể sống chỉ vì công việc – họ cần có đủ thời gian để ở bên con cái. Cha cũng đang nghĩ đến một linh mục hay một nữ tu cần dấn thân phục vụ nhưng không quên dành thời gian cho Chúa Giêsu, nếu không, họ sẽ rơi vào tinh thần thế tục thiêng liêng và đánh mất ý thức họ là ai. Và một lần nữa, cha đang nghĩ đến một bạn trẻ nam hoặc nữ có hàng ngàn cam kết và đam mê – học đường, thể thao, nhiều sở thích khác nhau, điện thoại và mạng xã hội – nhưng họ cần gặp gỡ mọi người và đạt được những ước mơ lớn lao mà không lãng phí thời gian cho những thứ chóng qua chẳng để lại dấu ấn của họ.

Thưa anh chị em, tất cả những điều này đòi hỏi một sự từ bỏ nhất định liên quan đến những thần tượng của tính hiệu quả và chủ nghĩa tiêu dùng. Điều này là cần thiết để không bị lạc lối vào những thứ mà kết cục sẽ bị ném ra ngoài, như họ đã ném những thứ vào Gehenna ngày xưa. Nhưng ngày nay con người thường có kết cục ở Gehenna. Chúng ta hãy nghĩ về những người bé mọn nhất thường bị đối xử như phế phẩm và đồ vật bị loại bỏ. Có một cái giá phải trả để trung thành với những điều quan trọng. Cái giá phải trả là đi ngược dòng, cái giá phải trả là giải phóng bản thân thoát khỏi những tác động của dư luận, cái giá phải trả là thoát ra khỏi những người “chạy theo dòng chảy”. Nhưng Chúa Giêsu nói đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là không vứt bỏ điều tốt lành nhất: sự sống. Đây là điều duy nhất khiến chúng ta phải sợ.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, tôi sợ điều gì? Không có được những gì tôi thích? Không đạt được các mục tiêu xã hội áp đặt? Sự phán xét của người khác? Hay là không đẹp lòng Chúa, không đặt Tin Mừng của Người lên hàng đầu? Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Mẹ Rất Khôn ngoan, giúp chúng ta biết khôn ngoan và can đảm trong những lựa chọn của chúng ta.

______________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi vô cùng đau buồn vì những gì đã xảy ra cách đây vài ngày trong Trung tâm Cải huấn Támara dành cho phụ nữ ở Honduras. Bạo lực khủng khiếp giữa các băng đảng đối thủ gây ra chết chóc và đau thương. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất; Tôi cầu nguyện cho gia đình họ. Xin Đức Trinh Nữ Suyapa, Mẹ của Honduras, giúp các tâm hồn rộng mở để hòa giải và tạo ra không gian cho sự chung sống huynh đệ, ngay cả trong các nhà tù.

Trong những ngày này, diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất tích của bé Emanuela Orlando. Tôi muốn nhân cơ hội để một lần nữa bày tỏ sự gần gũi với các thành viên trong gia đình bé, đặc biệt là người mẹ của bé, và liên tục dâng lời cầu nguyện cho họ. Tôi xin gửi lời an ủi đến tất cả các gia đình đang chịu đau buồn về một người thân yêu đã ra đi.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những anh chị em hành hương từ Rome, từ nước Ý và nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các tín hữu đến từ Bogotá, Colombia.

Cha xin chào Dòng Huynh đệ Phan Sinh Tại Thế đến từ Pisa; các thiếu nhi đến từ Gubbio, Perugia và Spoleto; nhóm anh chị em đến từ Limbadi đang mừng Leo trẻ; những người tham gia cuộc hành hương bằng xe máy từ Cesena và Longiano; và các tình nguyện viên của Đài phát thanh Maria, với biểu ngữ lớn mời gọi “tất cả mọi người nép dưới áo choàng” của Đức Trinh Nữ Maria, để cầu xin món quà hòa bình từ Thiên Chúa. Và chúng ta khẩn xin điều này cách đặc biệt cho người dân Ukraine đang đau khổ.

Chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]


Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Vlas Telino studio | Shutterstock

Daniel Esparza

22/06/23


Đấu trường Caligula nằm trên đồi Vatican. Nó dần dần bị bỏ hoang cho đến khi rơi vào tình trạng hư hỏng sau cái chết của Hoàng đế Caligula.

Vatican đứng như một biểu tượng của sức mạnh tinh thần (và thế tục) trong lòng Rome. Nhưng bên dưới hàng cột, các viện bảo tàng và Vương cung thánh đường lộng lẫy, là một lịch sử tương đối xa lạ bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo. Người ta tin rằng Vatican được xây dựng bên trên Đấu trường Caligula, một sân vận động đua xe ngựa cổ đại của La Mã, và qua nhiều thế kỷ, các công trình xây dựng liên tiếp đã biến địa điểm này thành trung tâm hành chính và tôn giáo như ngày nay.

Đấu trường Caligula (hay còn gọi là Đấu trường Nero) được xây dựng dưới triều Hoàng đế khét tiếng Caligula vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Đó là một khu giải trí phức hợp lớn, có đấu trường hình bầu dục, nơi tổ chức các cuộc đua xe ngựa, các cuộc thi điền kinh và các màn trình diễn khác. Đấu trường nằm trên Đồi Vatican, một trong bảy ngọn đồi của Rome và bao phủ một khu vực rộng lớn.

Đấu trường nguyên thủy dần dần bị bỏ hoang cho đến khi nó rơi vào tình trạng hư hỏng sau cái chết của Hoàng đế Caligula. Mãi đến thế kỷ thứ 4, Hoàng đế Constantine quyết định xây dựng một Vương cung thánh đường lớn trên vị trí này.

Vương cung thánh đường đầu tiên, được gọi là Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô cổ, được xây dựng từ năm 319 đến 333. Nó nhanh chóng trở thành trung tâm của Kitô giáo và là nơi an nghỉ của Thánh Phêrô. Vương cung thánh đường đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử khác nhau, gồm có các lễ đăng quang của một số vị giáo hoàng và lễ đăng quang của Charlemagne là Hoàng đế La Mã Thần thánh.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 15, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô Cổ không còn khả năng đáp ứng số lượng người hành hương đến thăm viếng Rome ngày càng tăng. Vào năm 1506, Đức Giáo hoàng Julius II đã khởi công xây dựng vương cung thánh đường mới – là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tráng lệ mà chúng ta biết ngày nay.

Việc xây dựng vương cung thánh đường mới kéo dài vài thế kỷ và có sự tham gia của một số nghệ sĩ và kiến trúc sư vĩ đại nhất của thế kỷ 16: kiến trúc sư Donato Bramante, điêu khắc gia-kiến trúc sư Michelangelo Buonarotti và Lorenzo Bernini. Vương cung thánh đường cũ dần dần bị phá hủy để nhường chỗ cho kiến trúc mới, và phần còn lại của Đấu trường Nero nguyên thủy được chôn dưới nền móng của vương cung thánh đường mới.

Nhưng sự biến đổi của Vatican không kết thúc với việc xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Bảo tàng Vatican, nơi lưu giữ một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật lịch sử, được thành lập vào thế kỷ 16. Nhà nguyện Sistine, lừng danh với những bức bích họa đẹp mê hồn của Michelangelo, cũng trở thành một phần không thể thiếu của khu phức hợp Vatican. Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị giáo hoàng đã đặt làm các dự án bổ sung, mở rộng và nâng cấp khu phức hợp Thành Vatican.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]