Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico ở Bulgaria: Toàn văn diễn từ trước các Nhà Chức Trách Dân sự, Ngoại Giao đoàn

Đức Thánh Cha Phanxico ở Bulgaria: Toàn văn diễn từ trước các Nhà Chức Trách Dân sự, Ngoại Giao đoàn
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico ở Bulgaria: Toàn văn diễn từ trước các Nhà Chức Trách Dân sự, Ngoại Giao đoàn

Quảng trường Atanas Burov (Sofia) Chúa nhật, 5 tháng Năm, 2019

05 tháng Năm, 2019 13:33

Ngày 5 tháng Năm Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ trước những thành viên ngoại giao đoàn, các nhà chức trách dân sự, và đại diện nhiều nhóm tôn giáo khác nhau. Diễn từ của ngài tại Quảng trường Atanas Burov (Sofia), một điểm dừng chân trong chuyến tông du của ngài đến Bulgaria và Bắc Macedonia 5-7 Tháng Năm.

Dưới đây là toàn văn diễn từ của ngài, do Vatican cung cấp (Bản tiếng Anh)


Kính thưa ngài Tổng thống,

Kính thưa ngài Thủ tướng,

Thưa quý vị Thành viên trong Ngoại Giao đoàn,

Thưa các Nhà Chức trách,

Đại diện của các Tôn giáo khác nhau,

Thưa anh chị em,

Christos vozkrese!

Tôi thật hạnh phúc được đến đất nước Bulgaria này, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa và văn minh, một cầu nối giữa Đông và Nam Âu, một cánh cửa mở ra vùng Viễn Đông, và là một vùng đất của những cội nguồn Ki-tô giáo cổ xưa nuôi dưỡng ơn gọi để thúc đẩy sự gặp gỡ trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Tại đây sự đa dạng, cùng với sự tôn trọng những bản sắc riêng biệt, được xem như một cơ hội, một nguồn mạch làm phong phú, nhưng không phải là một nguồn gốc của sự xung khắc.

Tôi xin chào thân ái quý vị Lãnh đạo của nước Cộng hòa, và tôi xin cảm ơn quý vị đã gửi lời mời tôi đến thăm đất nước Bulgaria. Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống về những lời chào mừng trịnh trọng của ngài tại đây trong Quảng trường lịch sử này được đặt theo tên nhà chính khách Atanas Burov, là người đã phải chịu đau khổ dưới một thể chế không thể dung thứ cho sự tự do suy nghĩ.

Tôi xin gửi những lời chào trân trọng đến Đức Thượng Phụ Giáo chủ Neofit, mà một lát nữa đây tôi sẽ được gặp ngài, đến các Đức Tổng Giám mục Chính tòa và các Đức Giám mục thuộc Holy Synod, và toàn thể tín hữu của Giáo hội Chính Thống Bulgaria. Tôi xin gửi lời chào yêu thương đến các Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, và mọi thành viên của Giáo hội Công giáo, là những người tôi đến để củng cố niềm tin và để động viên họ trên hành trình mỗi ngày của đời sống và làm chứng nhân Ki-tô.

Tôi cũng xin gửi lời chào thân ái đến các Ki-tô hữu thuộc các Cộng đồng Hội thánh khác, các thành viên của cộng đồng Do thái và các tín đồ Hồi giáo. Cùng với quý vị, tôi tái khẳng định “niềm tin vững chắc rằng giáo huấn của các tôn giáo mời gọi chúng ta duy trì nền tảng trong các giá trị của hòa bình; bảo vệ các giá trị hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ con người, và cùng chung sống hòa hợp” (Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người, Abu Dhabi, 4 Tháng Hai 2019). Chúng ta cùng được hưởng sự ưu ái từ lòng hiếu khách của dân tộc Bulgaria để mọi tôn giáo, được kêu gọi chung sống hòa hợp và hòa thuận, có thể góp phần vào sự phát triển cho một văn hóa và một môi trường hoàn toàn tôn trọng nhân vị và phẩm giá của nhân vị, bằng cách thiết lập những mối liên kết thiết yếu giữa các nền văn minh, những nhận thức và các truyền thống, và bằng cách loại bỏ mọi hình thức bạo lực và áp bức. Bằng cách này, những người tìm mọi cách để thao túng và khai thác tôn giáo sẽ bị đánh bại.

Chuyến viếng thăm của tôi hôm nay là để nhắc lại chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II vào Tháng Năm năm 2002 và gợi lên kỷ niệm hạnh phúc của sự hiện diện gần một thập niên của Đức Tổng Giám mục Angelo Giuseppe Roncalli, và sau đó là Khâm Sứ, ở Sofia. Đức Angelo Giuseppe Roncalli mãi mãi mang trong lòng sự tri ân và quý trọng dân tộc của quý vị, đến mức có lần ngài nói rằng ngài đi bất kỳ nơi đâu thì ngôi nhà của ngài vẫn luôn mở rộng cho mọi người, người Công giáo hay Chính Thống giáo đều như nhau, ngài đã đến như một người anh chị em từ Bulgaria (x. Bài giảng, 25 Tháng Mười Hai 1934). Thánh Gioan XXIII làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy sự hợp tác huynh đệ giữa tất cả những người Ki-tô hữu. Với Công Đồng Chung Vatican, do ngài triệu tập và làm chủ trì giai đoạn đầu, ngài đã đưa ra sự động viên rất lớn và hỗ trợ quyết định cho sự phát triển của những mối quan hệ đại kết.

Theo sau những biến cố theo ý quan phòng này mà từ năm 1968 – tròn năm mươi năm trước – một phái đoàn chính thức gồm các nhà chức trách dân sự và hội thánh cấp cao nhất đã thực hiện một chuyến viếng thăm hàng năm đến Vatican nhân dịp lễ các Thánh Cyril và Methodius. Hai vị Thánh nhân đã rao giảng Phúc âm cho các dân tộc Sla-vơ và là những vị tiên phong trong việc phát triển ngôn ngữ, văn hóa và trên hết là những hoa trái dồi dào và dài lâu của chứng tá Ki-tô giáo và của sự thánh thiện.

Phúc thay các Thánh Cyril và Methodius, hai vị đồng bổn mạng của Châu Âu! Nhờ những lời cầu nguyện, tài năng, và sự chung sức trong những nỗ lực tông đồ của các ngài, các ngài trở nên như một mẫu gương cho chúng ta và các ngài tiếp tục là một nguồn cảm hứng cho sự đối thoại đầy hoa trái, sự hòa hợp và sự gặp gỡ huynh đệ giữa các Giáo hội, các Nhà nước, và các dân tộc hơn một ngàn năm sau! Ước mong rằng mẫu gương sáng ngời của các ngài nâng đỡ tinh thần nhiều tín hữu trong thời đại của chúng ta và mở ra những con đường mới cho hòa bình và chung sống hòa hợp!

Bây giờ, trong thời điểm đặc biệt này của lịch sử, ba mươi năm sau sự chấm dứt của chính thể chuyên chế đã giam hãm nền tự do và những sáng kiến của đất nước, Bulgaria đang đối mặt với những ảnh hưởng của tình trạng di cư trong những thập niên gần đây với hơn hai triệu công dân của mình đi tìm những cơ hội việc làm mới. Đồng thời, Bulgaria – cũng giống như rất nhiều quốc gia khác của Châu Âu – phải đối phó với điều được gọi là một mùa đông mới: mùa đông nhân khẩu học đã phủ xuống như một tấm rèm bằng băng đá trên một phần rộng lớn của Châu Âu, hậu quả của một niềm tin bị bào mòn về tương lai. Tỷ lệ sinh giảm mạnh, cộng với làn sóng di cư lớn, đã dẫn đến tình trạng giảm dân số và bỏ hoang nhiều làng mạc và thành phố. Ngoài ra, Bulgaria phải đối đầu với hiện tượng của những người vượt biên giới để chạy trốn những cuộc chiến tranh, xung đột hoặc nạn đói nghèo cùng cực, để cố gắng tìm đến được những vùng giàu có nhất của Châu Âu, để tìm được những cơ hội mới cho cuộc sống hoặc chỉ đơn giản là một nơi trú ngụ an toàn ở đó.

Thưa ngài Tổng thống,

Tôi hiểu rất rõ những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo dân tộc đã thực hiện trong nhiều năm để bảo đảm rằng người trẻ không bị bắt buộc phải di cư. Tôi khuyến khích quý vị hãy kiên trì trên con đường này, cố gắng tạo ra những điều kiện để thu hút người trẻ đầu tư năng lượng của họ và hoạch định cho tương lai, là những cá nhân và gia đình, để họ hiểu rằng trong quê hương của mình có thể có cơ hội để sống một cuộc sống đúng phẩm giá. Với toàn thể người dân Bulgaria, những người đã quen với bi kịch của tình trạng di cư, tôi tha thiết đề nghị anh chị em không nhắm mắt, không khóa cửa lòng hoặc đôi tay – theo như truyền thống của anh chị em – trước những người đến gõ cửa nhà anh chị em.

Đất nước của quý vị luôn trở nên nổi bật như là một cầu nối giữa Phương Đông và Phương Tây, có khả năng thúc đẩy sự gặp gỡ giữa những nền văn hóa, các nhóm sắc tộc, những nền văn minh và tôn giáo khác nhau mà suốt nhiều thế kỷ đã chung sống hòa bình ở đây. Sự phát triển của Bulgaria, bao gồm sự phát triển về kinh tế và dân sự, cần phải kế thừa việc chân nhận và thăng tiến nét đặc biệt này. Ước mong rằng vùng đất này, tiếp giáp với Sông Danube tuyệt vời và những bờ biển của Biển Đen, thành công nhờ sự lao động khiêm tốn của rất nhiều thế hệ, mở rộng lòng trước những trao đổi về văn hóa và thương mại, hội nhập vào Liên minh Châu Âu, và với những sự liên kết vững chắc với Nga và Thổ Nhĩ kỳ, xây dựng một tương lai hy vọng cho tất cả mọi người con của đất nước.

Xin Chúa chúc phúc cho Bulgaria, giữ gìn đất nước bình an và mãi luôn hiếu khách, và ban cho đất nước sự thịnh vượng và hạnh phúc!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico đánh dấu kỷ niệm Tuyên ngôn Bàn Môn điếm đầu tiên

Đức Thánh Cha Phanxico đánh dấu kỷ niệm Tuyên ngôn Bàn Môn điếm đầu tiên
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico đánh dấu kỷ niệm Tuyên ngôn Bàn Môn điếm đầu tiên

‘Qua những nỗ lực kiên trì và liên tục, việc theo đuổi sự hòa hợp và chung sống hòa bình có thể vượt qua những chia rẽ và đối đầu.’

27 tháng Tư, 2019 19:01

Ngày 27 tháng Tư, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một thông điệp video cho dân tộc Triều Tiên nhân kỷ niệm lần thứ nhất việc ký kết Tuyên ngôn Bàn Môn điếm giữa Miền Bắc và Miền Nam.

Dưới đây là văn bản của video, do Vatican cung cấp:


***

Các bạn thân mến,

Tôi thật vui được gửi những lời chào thân ái nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất Tuyên ngôn Bàn Môn điếm về Hòa bình, Thịnh vượng, và Thống nhất của Bán đảo Triều Tiên. Ước mong rằng sự kỷ niệm này đưa ra được niềm hy vọng cho tất cả mọi người một tương lai đặt nền tảng trên sự hiệp nhất, đối thoại, và tình đoàn kết huynh đệ là hoàn toàn có thể. Qua những nỗ lực kiên trì và liên tục, việc theo đuổi sự hòa hợp và chung sống hòa bình có thể vượt qua những chia rẽ và đối đầu. Tôi cầu xin rằng việc kỷ niệm Tuyên ngôn Bàn Môn điếm có thể mang đến một kỷ nguyên hòa bình mới cho tất cả người dân Triều Tiên. Tôi khẩn xin muôn ơn phúc lành từ trời đổ xuống trên các bạn.


© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2019]