Bài giảng của Đức Thánh Cha
Nhà thờ Chính tòa Canđê “Thánh Giuse” ở BaghdadThứ Bảy, 6 tháng Ba, 2021
Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta về sự khôn ngoan, chứng tá và lời hứa.
Sự khôn ngoan ở những vùng đất này đã được ươm trồng từ ngàn xưa. Quả thực việc tìm kiếm sự khôn ngoan luôn có sức hút đối với con người. Tuy nhiên, thông thường, những người có nhiều phương tiện hơn có thể gặt hái được nhiều kiến thức và có cơ hội lớn hơn, trong khi những người có ít phương tiện bị gạt ra ngoài. Sự bất bình đẳng như vậy – đã gia tăng trong thời đại chúng ta – là không thể chấp nhận được. Sách Khôn Ngoan làm chúng ta phải ngạc nhiên khi đảo ngược lại quan điểm này. Sách cho chúng ta biết rằng “người phận nhỏ được thương tình miễn thứ, kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay” (Kn 6: 6). Trong con mắt của thế gian, những người có ít hơn bị loại bỏ, trong khi những người có nhiều hơn lại được đặc ân. Đối với Thiên Chúa thì không như vậy: những người quyền lực hơn phải xét xử nghiêm ngặt, trong khi những người bé mọn nhất lại là những người được đặc ân của Chúa.
Chúa Giêsu là Đấng khôn ngoan, đã hoàn thành sự đảo ngược này trong Tin Mừng, và Ngài làm như vậy trong bài giảng đầu tiên của Ngài, với các Mối Phúc. Sự đảo ngược hoàn toàn: những người nghèo, những người than khóc, những người bị bắt bớ đều được gọi là có phúc. Sao lại có thể như thế được? Đối với thế gian, những người giàu có, quyền lực và nổi tiếng là những người có phúc! Chỉ những người có của cải và đầy đủ phương tiện là những đáng quan tâm! Nhưng đối với Thiên Chúa thì không: những người giàu không còn là vĩ đại nữa, mà chính là những người có tâm hồn nghèo khó; không phải những người có thể áp đặt ý muốn của họ lên người khác, mà là những người hiền lành với tất cả mọi người. Không phải là những người được đám đông tung hô, mà là những người thể hiện lòng xót thương đối với anh chị em của họ. Đến đây, chúng ta có thể thắc mắc: nếu tôi sống như Chúa Giêsu yêu cầu, tôi sẽ được gì? Không phải là tôi đang mạo hiểm để người khác làm ông chủ của tôi sao? Lời mời gọi của Chúa Giêsu là đáng giá, hay là một nguyên tắc sai lầm? Lời mời gọi đó không phải là vô giá trị, mà là khôn ngoan.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu là khôn ngoan, vì tình yêu thương là trọng tâm của các Mối Phúc, thật sự luôn luôn chiến thắng ngay cả khi nó có vẻ yếu đuối trước mắt người đời. Trên thập giá, nó chứng tỏ mạnh mẽ hơn tội lỗi, trong ngôi mộ, nó đã chiến thắng sự chết. Cũng chính tình yêu đó đã làm cho các vị tử đạo chiến thắng vinh quang trong thử thách – và có biết bao nhiêu vị tử đạo trong thế kỷ qua, thậm chí còn nhiều hơn cả trong quá khứ! Tình yêu thương là sức mạnh của chúng ta, là nguồn sức mạnh cho những anh chị em của chúng ta, những người ở đây cũng đã phải hứng chịu những thành kiến và sỉ nhục, ngược đãi và bắt bớ vì danh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong khi quyền lực, vinh quang và sự phù hoa của thế gian qua đi, tình yêu vẫn còn lại. Như Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta: “Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13: 8). Vì vậy, sống một cuộc sống được định hình bởi các Mối Phúc là làm cho những thứ qua đi trở thành vĩnh cửu, để đưa thiên đàng xuống trái đất.
Nhưng chúng ta thực hành các Mối Phúc như thế nào? Chúng không yêu cầu chúng ta làm những điều phi thường, những kỳ tích vượt quá khả năng của chúng ta. Chúng yêu cầu làm chứng mỗi ngày. Phúc cho những ai sống hiền lành, những người tỏ lòng thương xót ở bất cứ nơi nào họ đến, là những người có tấm lòng thanh sạch ở bất cứ nơi nào họ sống. Để được chúc phúc, chúng ta không cần phải trở thành anh hùng lúc này lúc kia, nhưng phải trở thành chứng nhân từng ngày. Làm chứng là cách thể hiện sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Đó là cách thế giới được thay đổi: không phải bởi quyền lực và sức mạnh, mà bởi các Mối Phúc. Vì đó là điều Chúa Giêsu đã làm: Ngài đã sống cho đến cùng những điều Ngài đã nói từ đầu. Mọi sự tùy thuộc vào việc làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu, đó cũng chính là đức mến mà Thánh Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời trong bài đọc thứ hai hôm nay. Chúng ta hãy xem cách ngài trình bày nó.
Trước hết, Thánh Phaolô nói rằng “đức mến thì nhẫn nhục” (câu 4). Chúng ta không mong đợi tính từ này. Tình yêu thương dường như đồng nghĩa với lòng tốt, lòng quảng đại và những việc làm tốt, tuy nhiên Thánh Phaolô nói rằng đức mến trên hết là sự kiên nhẫn. Kinh thánh trước hết nói về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Trong suốt lịch sử, con người liên tục cho thấy không trung thành với giao ước với Đức Chúa, sa vào những tội lỗi đã phạm. Tuy nhiên, thay vì ngày càng mệt mỏi và bỏ đi, Thiên Chúa luôn luôn trung tín, tha thứ và bắt đầu trở lại. Lòng kiên nhẫn bắt đầu lại mỗi lần như vậy là phẩm chất đầu tiên của tình yêu, bởi vì yêu thương không phải là cáu kỉnh mà luôn bắt đầu trở lại. Tình yêu không mệt mỏi và chán ngán, mà luôn thúc đẩy tiến tới. Nó không nản lòng, nhưng vẫn sáng tạo. Đứng trước sự dữ, nó không bỏ cuộc hay đầu hàng. Những người yêu thương không khóa chặt mình khi mọi việc xảy ra sai trái, nhưng đáp lại điều ác bằng điều thiện, tâm niệm về sự khôn ngoan khải hoàn của thập giá. Những chứng nhân của Thiên Chúa là như vậy: không thụ động hoặc theo thuyết định mệnh, buông xuôi trước những diễn biến, những cảm tính hoặc biến cố tức thời. Thay vì vậy, họ không ngừng hy vọng, vì tin tưởng vào tình yêu thương “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (câu 7).
Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta phản ứng như thế nào trước những tình huống không đúng đắn? Luôn có hai cám dỗ khi đối mặt với nghịch cảnh. Đầu tiên là bỏ chạy: chúng ta có thể bỏ đi, quay lưng lại, cố gắng tránh xa tất cả. Thứ hai là phản ứng bằng sự tức giận, bằng cách phô trương vũ lực. Đó là trường hợp của các môn đệ trong vườn Cây Dầu: trong sự hoang mang, nhiều người bỏ chạy và Phêrô rút gươm ra. Tuy nhiên, cả việc bỏ chạy hoặc thanh gươm đều không đạt được gì. Ngược lại, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử. Bằng cách nào? Bằng sức mạnh khiêm nhường của tình yêu, với chứng tá kiên nhẫn của Ngài. Đây là điều chúng ta được kêu gọi làm theo; và đây là cách Thiên Chúa thực hiện những lời hứa của Người.
Những lời hứa. Sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, được thể hiện trong các Mối Phúc, kêu gọi làm chứng tá và trao tặng phần thưởng có trong các lời hứa của nước trời. Vì mỗi Mối Phúc ngay sau đó là một lời hứa: ai thực hành chúng thì sẽ được nước trời, họ sẽ được an ủi, được toại nguyện, được nhìn thấy Thiên Chúa… (xem Mt 5, 3-12). Những lời hứa của Chúa bảo đảm niềm vui không gì sánh được và không bao giờ làm thất vọng. Nhưng chúng được thực hiện như thế nào? Qua những yếu đuối của chúng ta. Thiên Chúa ban phúc cho những ai đi trên con đường nghèo khó trong lòng cho đến cùng.
Đây là con đường; không có con đường nào khác. Chúng ta hãy nhìn vào tổ phụ Abraham. Thiên Chúa hứa ban cho ngài một dòng dõi con cháu đông đúc, nhưng ngài và bà Sarah khi đó đã già và không có con. Tuy nhiên, chính trong tuổi già kiên trì và trung thành của họ mà Đức Chúa đã làm những việc kỳ diệu và ban cho họ một người con trai. Chúng ta cũng hãy nhìn đến Môsê: Đức Chúa hứa rằng Người sẽ giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ, và để làm điều đó, Người yêu cầu Môsê nói với Pharaon. Cho dù Môsê nói rằng khả năng nói của ông không tốt, nhưng chính qua lời nói của ông, Đức Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ, người mà theo Luật pháp không thể có con, nhưng đã được kêu gọi để trở thành một người mẹ. Và chúng ta hãy nhìn đến Thánh Phêrô: ông chối Chúa, nhưng ông chính là người mà Chúa Giêsu gọi để củng cố cho anh em của mình. Thưa anh chị em, có lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực và vô dụng. Chúng ta đừng bao giờ nhượng bộ điều này, bởi vì Thiên Chúa muốn thực hiện những điều kỳ công chính qua những yếu điểm của chúng ta.
Thiên Chúa thích làm điều đó, và đêm nay, Ngài đã nói với chúng ta từ ţūb’ā [phúc thay] tám lần, để làm cho chúng ta nhận ra rằng, với Ngài, chúng ta thực sự được “ban phúc”. Tất nhiên, chúng ta trải qua những thử thách, và chúng ta thường xuyên vấp ngã, nhưng chúng ta đừng quên rằng, với Chúa Giêsu, chúng ta được ban phúc. Bất cứ điều gì thế gian lấy đi của chúng ta cũng không thể nào so sánh với tình yêu dịu dàng và kiên nhẫn mà Chúa thực hiện những lời hứa của Người. Anh chị em thân mến, có lẽ khi nhìn vào đôi bàn tay của mình, chúng dường như trắng trơn, có lẽ anh chị em cảm thấy chán nản và không hài lòng với cuộc sống. Nếu vậy, đừng sợ: Các Mối Phúc là dành cho anh chị em. Với anh chị em là người đang đau khổ, người đói khát công lý, người bị bắt bớ. Chúa hứa với anh chị em rằng tên của anh chị em được ghi trong trái tim của Người, được ghi trên thiên đàng!
Hôm nay, cha cảm tạ Chúa cùng với anh chị em và cho anh chị em, bởi vì nơi đây, nơi mà sự khôn ngoan đã trổ sinh trong thời xa xưa, rất nhiều chứng nhân đã xuất hiện trong thời đại của chúng ta, thường bị báo chí bỏ qua, nhưng là quý giá trong mắt Chúa. Những nhân chứng đang giúp Đức Chúa thực hiện lời hứa về hòa bình của Người bằng cách sống các Mối Phúc.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2021]