Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 3 tháng Hai, 2021



Giáo lý về cầu nguyện - 23. Kinh nguyện phụng vụ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong lịch sử Giáo Hội, thường có một cám dỗ thực hành đức tin Kitô giáo riêng tư, là cách thực hành không nhận ra tầm quan trọng thiêng liêng của các nghi thức phụng vụ cộng đoàn. Thông thường, khuynh hướng này khẳng định điều được cho là tính thuần khiết lớn hơn của tinh thần tôn giáo không lệ thuộc vào các nghi lễ bên ngoài, được coi là gánh nặng vô ích hoặc có hại. Trung tâm điểm của sự phê phán không phải là một nghi thức cụ thể nào đó, hay một cách thức cử hành nào đó, mà là chính phụng vụ, hình thức kinh nguyện phụng vụ.

Thật vậy, trong Giáo Hội, người ta có thể tìm thấy một số hình thức linh đạo không kết hợp trọn vẹn tính trọng yếu của phụng vụ. Nhiều tín hữu, mặc dù họ siêng năng tham dự phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng thay vào đó, họ đã lấy nguồn mạch nuôi dưỡng đức tin và đời sống thiêng liêng của họ từ những nguồn khác, một hình thức sùng kính.

Những thập kỷ gần đây đã đạt được nhiều điều. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng vụ Thánh) của Công đồng Vatican II thể hiện một điểm mấu chốt trong hành trình lâu dài này. Nó tái khẳng định một cách toàn diện và có hệ thống tầm quan trọng của phụng vụ thánh đối với đời sống của người Kitô hữu, họ nhận thấy ở đó sự trung gian thực tại trước sự thật rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng hay một cảm tính, mà là một Ngôi vị sống động, và Mầu nhiệm của Ngài là một sự kiện lịch sử. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu qua các trung gian hữu hình: Sách Thánh, các Bí tích, các nghi thức phụng vụ, cộng đoàn. Trong đời sống của người Kitô hữu, không thể bỏ qua phạm vi thuộc vật chất và hữu hình, vì trong Chúa Giêsu Kitô, nó đã trở thành con đường cứu rỗi. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta cũng phải cầu nguyện với cơ thể: cơ thể đi vào sự cầu nguyện.

Do đó, không có linh đạo Kitô giáo nào không bắt nguồn từ việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Sách Giáo lý viết: “Sứ mạng của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần là công bố, hiện thực và thông truyền mầu nhiệm cứu độ, được tiếp nối nơi tâm hồn người cầu nguyện” (2655). Tự bản thân phụng vụ không chỉ là kinh nguyện tự nhiên, mà là một điều gì đó ngày càng trở nên độc đáo hơn: đó là một hành động hình thành toàn bộ kinh nghiệm Kitô giáo, và do đó cũng là kinh nguyện. Nó là biến cố, nó đang xảy ra, nó là sự hiện diện, nó là sự gặp gỡ. Đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Kitô hiện diện trong Chúa Thánh Thần qua các dấu chỉ bí tích: do đó, người Kitô hữu chúng ta cần phải tham gia vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tôi dám nói rằng một Kitô giáo mà không có phụng vụ, có lẽ là một Kitô giáo không có Chúa Kitô, không có Chúa Kitô trọn vẹn. Ngay cả với một nghi thức đơn sơ nhất, chẳng hạn như nghi thức mà một số người Kitô hữu đã cử hành và tiếp tục cử hành ở những nơi bị giam giữ, hoặc ở nơi khuất kín của một ngôi nhà trong thời gian bị bách hại, Đức Kitô thực sự hiện diện và trao ban chính Ngài cho các tín hữu của Ngài.

Phụng vụ, chính vì chiều kích khách quan của nó, đòi hỏi phải được cử hành một cách sốt sắng, để ân sủng tuôn đổ trong nghi thức không bị phân tán mà thay vào đó đạt đến trải nghiệm của tất cả mọi người. Sách Giáo lý giải thích điều đó rất rõ; nói rằng: “Kinh nguyện tiếp nhận Phụng vụ và đồng hóa với phụng vụ trong khi và sau khi được cử hành” (sđd). Nhiều kinh nguyện của Kitô giáo không bắt nguồn từ phụng vụ, nhưng tất cả những kinh nguyện đó, nếu chúng thuộc Kitô giáo, đều giả định phụng vụ, tức là trung gian bí tích của Chúa Giêsu Kitô. Mỗi khi chúng ta cử hành một Bí tích Rửa tội, hoặc truyền phép bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể, hoặc xức dầu Thánh cho một người bệnh, thì Chúa Kitô ở đây! Chính Ngài hoạt động và hiện diện giống như khi Ngài chữa lành chân tay yếu ớt của một người bệnh, hoặc trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã trao khế ước của Ngài về ơn cứu độ cho thế giới.

Kinh nguyện của người Kitô hữu làm cho sự hiện diện cách Bí tích của Chúa Giêsu trở thành của chính mình. Những gì bên ngoài đối với chúng ta trở thành một phần của chúng ta: phụng vụ diễn tả điều này ngay cả trong cử chỉ ăn uống rất tự nhiên. Thánh lễ không thể đơn giản là “xem”: nó cũng là một cách diễn đạt không chính xác, “Tôi đi xem Lễ”. Thánh lễ không thể đơn thuần là được xem, như thể chúng ta chỉ là khán giả của một điều gì đó trôi lướt qua mà không có sự tham gia của chúng ta. Thánh lễ luôn được cử hành, và không chỉ bởi linh mục chủ tế, mà còn bởi tất cả các Kitô hữu trải nghiệm nó. Và trung tâm là Chúa Kitô! Tất cả chúng ta, trong sự đa dạng của các ân tứ và thừa tác vụ, hãy tham gia vào hoạt động của Ngài, bởi vì Ngài, Chúa Kitô, là Vai chính của phụng vụ.

Khi những Kitô hữu tiên khởi bắt đầu thờ phượng, họ đã làm như vậy bằng cách hiện thực hóa những việc làm và lời nói của Chúa Giêsu, với ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, để nhờ ân sủng cuộc sống của họ sẽ trở thành hy tế thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa. Cách tiếp cận này là một “cuộc cách mạng” thực sự. Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (12: 1). Sự sống được mời gọi để trở thành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng điều này không thể xảy ra nếu không có kinh nguyện, đặc biệt là kinh nguyện phụng vụ. Ước gì suy nghĩ này giúp ích cho tất cả chúng ta khi tham dự Thánh lễ: Tôi đi cầu nguyện trong cộng đoàn, tôi đi cầu nguyện với Đức Kitô đang hiện diện. Chẳng hạn, khi chúng ta đến cử hành một Phép Rửa tội, thì chính Đức Kitô ở đó, đang hiện diện, Đấng làm phép rửa. “Nhưng thưa Cha, đây là một ý tưởng, một hình ảnh của lời nói”: không, nó không phải là hình ảnh của lời nói. Chúa Kitô hiện diện, và trong phụng vụ, anh chị em cầu nguyện với Chúa Kitô đang ở bên cạnh mình.

______________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh và cha mời gọi mọi người, đặc biệt trong thời điểm đại dịch này, hãy tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ và khả năng làm phong phú kinh nguyện riêng của chúng ta và sự phát triển của các cộng đoàn trong sự kết hiệp với Chúa. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

______________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Ngày mai đánh dấu Ngày Quốc tế Tình Huynh đệ Con người lần thứ Năm, được thiết lập theo Nghị quyết gần đây của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Sáng kiến này cũng nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ ngày 4 tháng Hai năm 2019 ở Abu Dhabi, khi Đức Ahmad Al-Tayyib, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, và tôi ký Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại cho nền hòa bình thế giới và sự chung sống. Tôi rất vui mừng vì các dân tộc trên toàn thế giới đang tham gia lễ kỷ niệm này, nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Chiều mai, tôi sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến với Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, cùng với ngài António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, và các nhà lãnh đạo khác. Nghị quyết của Liên Hợp quốc ghi nhận “sự đóng góp mà cuộc đối thoại giữa tất cả các nhóm tôn giáo có thể dẫn đến việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về các giá trị chung được toàn nhân loại chia sẻ”. Ước mong rằng lời này trở thành lời kinh nguyện của chúng ta hôm nay và là cam kết mỗi ngày của chúng ta trong năm.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2021]


Ngắm nhìn Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada Familia

Ngắm nhìn Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada Familia

Chiêm ngắm Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada Familia

anek.soowannaphoom | Shutterstock

V. M. Traverso

04/02/21

Dưới đây là hướng dẫn trực quan để “xem” cách thức Thánh Giuse được tôn vinh trong đại thánh đường của Barcelona.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày công bố Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội Hoàn vũ, được Chân phước Piô IX ký vào năm 1870.

Cách đây vài tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố năm Thánh Giuse bắt đầu từ ngày 8 tháng Mười Hai năm 2020 đến ngày 8 tháng Mười Hai năm 2021. Là một đấng quan trọng của Công giáo, vị dưỡng phụ của Chúa Giêsu đã truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu nghệ sĩ và kiến trúc sư trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng tôi dẫn các bạn vào hành trình khám phá cách thức Thánh Giuse đã truyền cảm hứng cho việc xây dựng và những chi tiết tinh xảo của một trong những nhà thờ huyền thoại nhất thế giới: Sagrada Familia (Thánh Gia) ở Barcelona, Tây Ban Nha.


1. Khởi công xây dựng vào ngày Lễ Thánh Giuse

Viên đá đầu tiên của nhà thờ Sagrada Familia, một nhà thờ khổng lồ với chiều cao tháp 564 bộ (gần 172m), được chủ đích đặt vào ngày lễ Thánh Giuse năm 1882. Đó là vì ông Josep Maria Bocabella, người sáng lập nhà thờ, có lòng sùng kính mạnh mẽ đối với người cha trong gia đình Thánh. Là một người bán sách thành công và một nhà từ thiện, ông Bocabella là Chủ tịch Hiệp hội Thiêng liêng những người sùng kính Thánh Giuse ở Barcelona, và đã quyết định xây dựng một ngôi thánh đường cung hiến cho Thánh Gia sau khi đến thăm Thánh địa Nhà Thánh ở Loreto nước Ý.

Chiêm ngắm Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada FamiliaTatiana Dyuvbanova | Shutterstock

2. Nhà nguyện cung hiến cho Thánh Giuse là một trong những dấu mốc quan trọng của dự án

Ban đầu, ông Bocabella thuê kiến trúc sư địa phương là ông Francisco de Paula del Villar y Lozano, nhưng không lâu sau đó dự án được tiếp quản bởi kiến trúc sư trẻ Antoni Gaudí, người đã thay đổi thiết kế ban đầu từ một nhà thờ Tân Gothic “bình thường” sang kiến trúc tuyệt đẹp mà chúng ta biết ngày nay. Khi kiến trúc sư Gaudí hoàn thành nhà nguyện trung tâm, cung hiến cho Thánh Giuse, ông Bobabella đã chọn một lễ kỷ niệm, được tổ chức vào ngày 19 tháng Ba năm 1885.


3. Cửa bên phải của mặt tiền dành riêng cho Thánh Giuse

Kiến trúc sư Gaudí chia mặt tiền chính, được gọi là mặt tiền Chúa Giáng sinh, thành ba phần chính: phần trung tâm dành riêng cho Chúa Giêsu và đức ái. Cửa bên trái tôn vinh “niềm hy vọng” và Đức Trinh Nữ Maria, và cửa bên phải tôn vinh đức tin và Thánh Giuse. Bạn có thể phát hiện ra một chữ kép viết tên Thánh Giuse trên đỉnh của khung cửa đồ sộ, được tạo thành bằng một ngôi sao bảy cánh với chữ “J” và trên cùng là những hoa huệ. Theo một truyền thống, Thánh Giuse được thể hiện với một cây quyền trượng nở hoa như hoa huệ.

Chiêm ngắm Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada Familia
Lee O | Shutterstock

4. Một bức tượng của Thánh Giuse bị đốt cháy trong nội chiến

Giữa năm 1884 và 1885, kiến trúc sư Gaudí hoàn thành nhà nguyện Thánh Giuse và yêu cầu nhà điêu khắc Maximí Sala Sánchez người địa phương xây một bức tượng Thánh Giuse. Nhưng vào năm 1936, một phần của nhà nguyện bị đốt cháy trong Cuộc Nội chiến tàn bạo của Tây Ban Nha, bao gồm cả bức tượng Thánh Giuse.


5. Có 10 hình ảnh Thánh Giuse trên mặt tiền chính

Kiến trúc sư Gaudí đã dành riêng một cửa cho vị thánh yêu quý của người sáng lập thánh đường Sagrada Familia. Nhưng cũng có những hình ảnh tượng trưng cho Thánh Giuse trong hai cửa khác, những cửa dành riêng cho Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài xuất hiện trên cửa trung tâm, là cửa dành riêng cho Chúa Giêsu, mô tả ngài chứng kiến sự đăng quang đội triều thiên của hiền thê ngài là Đức Maria, và ở cửa bên trái, mô tả cảnh Chúa Giáng sinh với Mẹ Maria và Đức Kitô Hài nhi. Blog kiến trúc chính thức của thánh đường Sagrada Familia đếm được ít nhất 10 hình ảnh Thánh Giuse trong thánh đường được thành lập bởi những người sùng kính ngài.

Chiêm ngắm Thánh Giuse trong Tiểu Vương cung Thánh đường Sagrada FamiliaChristian Bertrand | Shutterstock


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2021]