Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Bài giảng Lễ Hiển linh của Đức Thánh Cha

Bài giảng Lễ Hiển linh của Đức Thánh Cha

Bài giảng Lễ Hiển linh của Đức Thánh Cha

Cũng như các Đạo sĩ, ‘Chúng ta cần phải phát triển sự thờ lạy’

06 tháng Một, 2020 10:43

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico sáng nay Lễ Hiển linh trong Quảng trường Thánh Phê-rô:

***

Trong Tin mừng (Mt 2:1-12), các vị Đạo sĩ bắt đầu bằng việc trình bày lý do họ đến: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (c. 2). Bái lạy là đích đến và là mục tiêu chuyến đi của họ. Thật vậy, khi đến Bê-lem, “họ thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (c. 11). Khi chúng ta mất đi ý thức của sự thờ lạy, là chúng ta đánh mất hướng đi trong đời sống người Ki-tô hữu, đó là một hành trình hướng đến Thiên Chúa, không hướng về bản thân chúng ta. Tin mừng cảnh báo chúng ta về nguy cơ này, vì bên cạnh các Đạo sĩ Tin mừng cũng trình bày những người khác không có khả năng thờ lạy.

Trước hết là Vua Hê-rô-đê, ông ta nói đến chữ thờ lạy, nhưng chỉ để đánh lừa. Ông ta yêu cầu các Đạo sĩ nói cho biết nơi để tìm đến hài nhi, “để tôi cũng đến bái lạy Người” (c. 8). Sự thật là Hê-rô-đê chỉ tôn thờ bản thân ông ta; đó là lý do tại sao ông ta muốn tống khứ hài nhi khỏi mắt ông ta bằng một lời nói dối. Việc này dạy chúng ta điều gì? Tức là khi chúng ta không còn thờ lạy Thiên Chúa thì cuối cùng chúng ta sẽ thờ lạy bản thân chúng ta. Đời sống người Ki-tô hữu cũng vậy, khi không còn thờ lạy Thiên Chúa thì nó có thể trở thành một con đường để khẳng định bản thân và những khả năng của riêng mình một cách kín đáo. Đây là một nguy cơ rất lớn: chúng ta lợi dụng Thiên Chúa thay vì phục vụ Người. Đã bao nhiêu lần chúng ta lẫn lộn giữa những ích lợi của Tin mừng với ích lợi của riêng chúng ta? Đã bao nhiêu lần chúng ta khoác lên cho sự đạo đức những điều mà chúng ta thấy thuận tiện? Không biết bao nhiêu lần chúng ta lẫn lộn giữa sức mạnh của Thiên Chúa, đó là phục vụ tha nhân, với sức mạnh của thế gian này, là phục vụ cho bản thân chúng ta!

Ngoài Hê-rô-đê, có những người khác trong Tin mừng cũng không có khả năng thờ lạy: họ là các tư tế và kinh sư. Họ nói cho Hê-rô-đê biết chính xác địa điểm Đấng Mê-xi-a sinh ra ở đâu: tại Bê-lem miền Giu-đê-a (x. c. 5). Họ biết các sách ngôn sứ và có thể trích dẫn chính xác. Họ biết phải đến đâu, nhưng họ không đến đó. Ở đây chúng ta cũng có thể rút ra một bài học. Trong đời sống Ki-tô hữu, hiểu biết thôi là chưa đủ: nếu chúng ta không thoát ra khỏi con người của mình, nếu chúng ta không gặp gỡ tha nhân và thờ lạy, thì chúng ta không thể biết Chúa. Thần học và tính hiệu quả mục vụ mang rất ít ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa nếu chúng ta không quỳ gối; nếu chúng ta không quỳ gối như các Đạo sĩ, họ không chỉ am tường về việc lên kế hoạch cho hành trình, nhưng có khả năng lên đường và quỳ gối thờ lạy. Khi chúng ta thờ lạy, chúng ta mới nhận ra rằng đức tin không đơn giản là một bộ giáo lý đẹp, nhưng là một mối quan hệ với Đấng Hằng sống là Đấng chúng ta được kêu gọi để yêu mến. Chính sự gặp gỡ trực tiếp Chúa Giê-su thì chúng ta mới nhìn thấy được Ngài. Qua sự thờ lạy, chúng ta khám phá ra rằng đời sống Ki-tô hữu là một câu chuyện tình với Thiên Chúa, trong đó điều thật sự quan trọng không phải là những ý tưởng đẹp đẽ của chúng ta, nhưng là khả năng đặt Ngài vào trung tâm tình yêu của chúng ta, như những người đang yêu thường làm với người yêu của họ. Đây chính là điều Giáo hội phải trở nên, là một người thờ lạy yêu mến Chúa Giê-su là đức lang quân của mình.

Khi Năm Mới vừa bắt đầu, ước mong rằng chúng ta một lần nữa khám phá được rằng đức tin đòi hỏi sự thờ lạy. Nếu chúng ta có thể quỳ gối trước Chúa Giê-su, chúng ta sẽ vượt qua được cám dỗ vạch ra con đường của riêng mình. Vì thờ lạy là thực hiện một cuộc giải thoát khỏi hình thức ràng buộc mạnh mẽ nhất: là sự nô lệ cho cái tôi. Thờ lạy có nghĩa là đặt Thiên Chúa vào trung tâm, không phải bản thân chúng ta. Nó có nghĩa là trả lại đúng vị trí cho mọi điều, và nhường vị trí thứ nhất cho Thiên Chúa. Thờ lại có nghĩa là đặt chương trình của Thiên Chúa quan trọng hơn thời gian của riêng chúng ta, hơn những quyền hạn và không gian của chúng ta. Nó là việc chấp nhận giáo huấn của Kinh thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:10). Thiên Chúa của ngươi: thờ lạy có nghĩa là nhận biết rằng bạn và Thiên Chúa thuộc về nhau. Nó có nghĩa là có thể nói chuyện với Người một cách tự do và thân tình. Nó có nghĩa là mang cuộc sống của bạn đến với Người và cho phép Người đi vào cuộc sống đó. Nó có nghĩa là để cho sự an ủi của Người đi vào trần gian. Thờ lạy có nghĩa là khi cầu nguyện chỉ cần nói rằng: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con!”, và để cho tình yêu dịu dàng của Người lan tỏa thấm đẫm chúng ta.

Thờ lạy không có nghĩa là đến với Chúa Giê-su với một danh mục những điều cầu xin, nhưng với một yêu cầu duy nhất: trung thành với Người. Nó là việc khám phá ra rằng niềm vui và sự bình an lớn lên cùng với lời ngợi khen và tạ ơn. Trong sự thờ lạy, chúng ta cho phép Chúa Giê-su chữa lành và biến đổi chúng ta. Trong sự thờ lạy, chúng ta để cho Chúa có thể biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Người, để nhóm lên ánh sáng giữa bóng đêm đen, để ban cho chúng ta sức mạnh trong sự yếu đuối và lòng can đảm giữa những thử thách. Thờ lạy có nghĩa là tập trung vào điều gì là trọng yếu: thoát ly khỏi những thứ vô ích và các thói nghiện ngập làm tê liệt tâm hồn và phá hủy tâm trí. Trong sự thờ lạy, chúng ta học cách từ chối những gì không được thờ lạy: đó là thần tiền bạc, thần hưởng thụ, thần lạc thú, thần thành công, thần của cái tôi. Thờ lạy có nghĩa là sấp mình thật sâu trước Đấng Cao trọng nhất và để khám phá trước sự hiện hữu của Người rằng sự vĩ đại trong cuộc sống không bao gồm trong của cải, nhưng trong sự yêu thương. Thờ lạy có nghĩa là chân nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em trước mầu nhiệm của tình yêu xây dựng cầu nối cho mọi khoảng cách: đó là để gặp gỡ sự tốt lành ban đầu; đó là để tìm được sự can đảm đến gần với tha nhân trong sự gần gũi của Thiên Chúa. Thờ lạy có nghĩa là giữ tĩnh lặng trước sự hiện hữu của Ngôi Lời của Thiên Chúa, và học cách sử dụng lời nói không tạo ra tổn thương nhưng để an ủi.

Thờ lạy là một hành động yêu thương làm thay đổi đời sống của chúng ta. Đó là làm như những gì các Đạo sĩ đã làm. Để mang đến cho Chúa vàng và thưa với Người rằng chẳng có gì quý giá hơn chính Người. Để dâng lên Người nhũ hương và thưa với Người rằng chỉ ở trong sự hiệp nhất với Người thì đời sống chúng ta mới có thể dâng lên tới Thiên đàng. Để dâng lên Người mộc dược, dầu thơm xức cho những vết bầm và vết thương, và để hứa với Người rằng chúng ta sẽ cứu trợ cho những anh em bị gạt ra bên lề và đau khổ, là những người mà Ngài hiện thân trong họ.

Anh chị em thân mến, hôm nay mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có phải là một người Ki-tô hữu thờ lạy không?” Nhiều người Ki-tô hữu cầu nguyện nhưng không thờ lạy. Chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi này: “Chúng ta có tìm được thời gian để thờ lạy trong những lịch công việc mỗi ngày và chúng ta có dành không gian để thờ lạy trong các cộng đoàn của chúng ta không?” Là Giáo hội, điều đó tùy thuộc vào chúng ta có thực hành những lời chúng ta cầu nguyện trong Thánh vịnh hôm nay hay không: “Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa”. Cũng như các Đạo sĩ, khi thờ lạy chúng ta sẽ khám phá được ý nghĩa cho hành trình của chúng ta. Và cũng giống như các nhà Đạo sĩ, chúng ta cũng sẽ trải nghiệm “một niềm vui vô cùng” (Mt 2:10).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/1/2020]


Tổ chức sinh viên Công giáo bắt đầu năm 2020 với sự tập trung rõ rệt vào việc truyền giáo

Tổ chức sinh viên Công giáo bắt đầu năm 2020 với sự tập trung rõ nét vào việc truyền giáo

Tổ chức sinh viên Công giáo bắt đầu năm 2020 với sự tập trung rõ rệt vào việc truyền giáo

04 tháng Một, 2020

Hội nghị Thượng đỉnh vai trò Lãnh đạo Sinh viên tập trung 8.500 nhà truyền giáo trẻ tuổi.

Vị Đại sứ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Hoa Kỳ gọi các thanh niên Công giáo hoạt động giữa bạn bè đồng niên trong các trường đại học là “những nhà truyền giáo mới” của Giáo hội, “hoạt động trên tiền tuyến là các trường cao đẳng và đại học và thậm chí trong địa hạt của thế giới ảo.”

Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre, Khâm sứ tại Hoa Kỳ, nói trong một Thánh Lễ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Vai trò Lãnh đạo Sinh viên, hay viết tắt là SLS 20. Ngài đề nghị hơn 8.500 người tham dự hãy ghi nhớ những gì ngài đã nói là lời trích dẫn của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Là một Ki-tô hữu không phải là kết quả của sự chọn lựa đạo đức hay một lý tưởng cao thượng, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó trao tặng một chân trời mới và hướng đi dứt khoát.”

Sự kiện 5 ngày có sự tham dự của các sinh viên, các nhà truyền giáo, sinh viên cao đẳng và phổ thông, các giáo dân, các nhà chuyên môn, các giáo sĩ và tu sĩ, chủng sinh, các nhà lãnh đạo giáo phận, và các nhà lãnh đạo thừa tác vụ trường học. Câu chủ đề là “Bạn được tạo dựng cho sứ mạng,” hội nghị được trình bày bởi Ban Lãnh đạo Sinh viên Đại học Công giáo (FOCUS), tại Trung tâm Hội nghị Phoenix ngày 30 tháng Mười Hai đến 3 tháng Một.

Đức Hồng y Gerhard Mueller cũng có bài phát biểu với các bạn trẻ, ngài là cựu Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Cuộc khủng hoảng đối với Giáo hội ngày nay phát sinh từ việc cố gắng chạy theo văn hóa và chối bỏ các giáo huấn đức tin, Đức Hồng y Mueller nói ngày 1 tháng Một, theo Catholic News Agency. “Cuộc khủng hoảng trong Giáo hội là do con người tạo ra và phát sinh vì chúng ta đã dễ dãi tự mình thích nghi với tinh thần của một đời sống không có Thiên Chúa.”

Philip Rivers, tiền vệ đội bóng Los Angeles Chargers, tạo ngạc nhiên vì sự xuất hiện của anh, khuấy động các tham dự viên cùng tham gia với anh lặp lại truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác qua câu “thần chú” hàng ngày bằng tiếng Latinh “nunc coepi,” có nghĩa là “Bây giờ tôi bắt đầu.” Trevor Williams, vận động viên ném bóng chày của đội Pittsburgh Pirates, cũng có mặt và trình bày tại một phiên thảo luận Đại học Công giáo.

Phân tích về một bài đọc trong Tân ước trích Thư thứ Nhất của Thánh Gio-an, trong đó có câu “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến …,” Đức Tổng Giám mục Pierre nói, “Tất cả rất cụ thể. Nó không phải là một ý tưởng. Nó không phải là một hệ tư tưởng. Nó là một sự gặp gỡ.”

Ngài nói, “Chúng ta đã nhìn thấy nó và làm chứng cho nó. Cách duy nhất để công bố Tin mừng là thông qua chứng tá — chứng tá của các bạn.”

Đức Tổng Giám mục nói, “Bạn bè đồng niên của các con đang tìm kiếm sự kiện toàn cho những khát vọng của họ. Thường thường, họ đi tìm điều đó trong những thứ thuộc thế gian, nhưng chúng không bao giờ thỏa mãn những khát khao sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Là những người môn đệ và thừa sai nhiệm vụ của chúng con là chỉ cho họ thấy Đường, làm trung gian cho sự gặp gỡ với Chúa Giê-su — là Đường, là Sự thật, và là Sự sống. Điều này không dễ, đặc biệt khi thế giới ngày càng chống đối nhiều hơn đối với đời sống của đức tin Ki-tô giáo. Đừng mất can đảm: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không thể vượt qua ánh sáng.”

Ban Lãnh đạo Sinh viên Đại học Công giáo (FOCUS) được thành lập năm 1998 và mời gọi các sinh viên đi vào một mối quan hệ ngày càng sâu đậm với Đức Giê-su Ki-tô và Giáo hội của Người, truyền cảm hứng và trang bị cho họ đời sống phúc âm hóa lấy Đức Ki-tô làm trung tâm, vai trò môn đệ và tình bằng hữu qua đó họ hướng dẫn người khác cùng là như vậy. FOCUS có trên 730 nhà thừa sai, phục vụ 164 trường và tám giáo xứ trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu. Hàng chục ngàn sinh viên đã tham gia với FOCUS, và sau tốt nghiệp họ có cơ hội đi vào đời sống giáo xứ để tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình. Trong số các sinh viên của FOCUS, 867 bạn trẻ đã quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.

Jaden Yaretz, sinh viên năm hai của Đại học Washington, một trong 164 đại học mà FOCUS phục vụ, cho biết hội nghị đã giúp anh nhận ra “lý do tại sao bạn phải trao tặng trọn bản thân cho Thiên Chúa.”

Anh nói, “Tôi muốn chia sẻ tin vui với người khác và bắt đầu môn học hỏi Kinh Thánh sẽ là cách tuyệt vời cho tôi để thực hiện điều đó. Thật hữu ích cho các bạn khác trong trường để thảo luận về ý nghĩa của một con người, đặc biệt khi chuẩn bị trở thành một phần trong một gia đình và có trách nhiệm đối với Giáo hội.”

Được hỏi về phần yêu thích nhất trong sự kiện, Yaretz nói, “Ngay sau khi chúng tôi tập họp đếm ngược chờ đón Năm Mới, chúng tôi bắt đầu năm mới bằng việc thờ phượng. Tôi thật sự cảm nhận được sự hiện hữu của Chúa trong giây phút đó; nó đúng là cực điểm của cuộc đời. Thật vô cùng quan trọng đối với việc đặt Thiên Chúa vào vị trí thứ nhất trong cuộc đời của chúng ta và đó là một cách tuyệt vời để làm điều đó. Nó khiến tôi nhận ra lý do tôi muốn hiến dâng trọn vẹn bản thân cho Chúa.”

SLS20 bao gồm ba track (phóng dịch: phòng thảo luận) cho người tham dự. Các sinh viên tham dự Collegiate Track nghe các bài thuyết trình về cách để đi sâu hơn trong mối quan hệ với Đức Ki-tô và trở thành các môn đệ truyền giáo tại trường của họ và xa hơn nữa. Đối với những tham dự viên sau đại học, Making Missionary Disciples Track truyền cảm hứng và khích lệ cho những người tìm cách giúp hồi sinh gia đình, giáo xứ, nơi làm việc và cộng đồng của họ trong đức tin và sống đúng nghĩa là những môn đệ truyền giáo. Những người chuyên thừa tác vụ trường học tham dự Campus Ministry Track có cơ hội được đổi mới cho sứ mạng qua một ngày tĩnh tâm tại chỗ, và cũng có cơ hội kết nối với các nhà lãnh đạo thừa tác vụ đại học khác. Có phần trình diễn âm nhạc của Matt Maher, Ndolo, Jeremy Camp và những người khác.

Các diễn giả bao gồm Cha Michael E. Gaitley, M.I.C.; Sơ Bethany Madonna, S.V.; Cha Michael Schmitz; Cha Agustino Torres, C.F.R.; Helen Alvaré; Curtis A. Martin; Damon Owens; Edward Sri; Phó tế Harold Burke-Sivers, Jason Evert, Stephanie Gray, Scott Hahn, Mary Healy, và một số người khác.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2020]