Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
© Vatican Media

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Đức Phanxico cũng cảnh báo chống lại những con đường của ma quỷ tiêu diệt đời sống thiêng liêng của chúng ta

24 tháng Ba, 2020 15:58

“Cha tạ ơn Chúa vì những mẫu gương anh dũng của họ.”

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ điều này trong Thánh Lễ riêng hàng ngày tại Nhà nguyện Thánh Marta, một lần nữa dâng cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho các bác sĩ và nhân viên y tế, những người đã hy sinh mạng sống của họ.

Cho đến nay, hơn 5.000 đã chết ở Ý vì COVID19, trong đó có các bác sĩ, chuyên gia y tế, và các linh mục ở miền bắc.

Đức Thánh Cha nhắc lại, “Cha nhận được bản tin trong những ngày vừa qua rằng một số bác sĩ và linh mục đã chết, cha không biết là có các y tá không. Họ đã bị nhiễm … vì họ phục vụ người bệnh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho gia đình họ. Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng họ đã đưa ra cho chúng ta qua việc chăm sóc cho người bệnh.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích chủ đề về nước, lấy ý từ những bài đọc trong ngày Thứ Ba của tuần thứ Tư Mùa Chay (Ezekiel 47:1-9, 12; Gioan 5 1-16), theo bản tin của Vatican Media.

Khuyến khích các tín hữu đọc lại Chương 5 Tin mừng Thánh Gioan, Đức Phanxico cảm thán về việc người đàn ông đã chờ đợi 38 năm để được chữa lành, chẳng làm điều gì để tự giúp mình, và khi Chúa Giê-su chữa lành cho ông ta, ông ta vẫn vô ơn bạc nghĩa và đau khổ.

Đức Giáo hoàng Dòng Tên than phiền việc ông ta cứ tiếp tục phàn nàn, không bao giờ thể hiện niềm vui hoặc lòng cảm kích thậm chí khi ông ta được chữa lành.

Đức Phanxico nói, “Nhiều người Ki-tô hữu chúng ta sống trong tình trạng hờ hững này,” ngài nhấn mạnh: “họ không có khả năng làm được nhiều việc nhưng họ kêu ca phàn nàn về mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh, “Sự hờ hững là thuốc độc. Nó là đám cỏ dại mọc chung quanh linh hồn và không cho phép linh hồn sống. Nó cũng là một liều thuốc phiện vì nếu anh chị em thường xuyên nếm nó, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em sẽ bị nghiện đối với sự buồn bã, bị nghiện sự hờ hững … Đây là một tội theo thói quen của chúng ta. Sự buồn bã, sự hờ hững … Cha không nói là u sầu, nhưng nó cũng tương tự như vậy … Đó là một cuộc sống u ám, u ám vì tinh thần nặng nề của sự hờ hững, buồn bã, của u sầu.”

Nhắc lại rằng nước là tượng trưng cho sức mạnh và sự sống của chúng ta, Đức Phanxico động viên tín hữu hãy suy nghĩ về cách thức Chúa Giê-su sử dụng nó để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội.

“Chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân mình – nếu có nguy cơ một người trong chúng ta rơi vào sự hờ hững này, vào cái tội “lừng khừng” này – không đen cũng không trắng …,” Đức Phanxico nói rằng: “Đây là một tội mà quỷ có thể sử dụng để nhận chìm đời sống thiêng liêng và đời sống riêng của chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tội này thì kinh khủng và hiểm độc như thế nào.”


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta suy tư về nước, nước như là biểu tượng của ơn cứu độ, vì nó là một phương tiện để cứu thoát; tuy nhiên, nước cũng là một phương tiện của sự tàn phá: chúng ta hãy nghĩ đến Đại hồng thủy … Tuy nhiên, trong các Bài đọc này, nước là sự cứu rỗi. Trong Bài đọc Một có mạch nước dẫn đến sự sống, mạch nước chữa lành các dòng nước của biển cả, một mạch nước mới chữa lành. Và trong Tin mừng, hồ nước, hồ nước đó tràn đầy nước, nơi những người bệnh đi tới để được chữa lành, vì người ta nói rằng mỗi khi các dòng nước bị khuấy động lên, nó trở nên như một con sông, khi một Thiên thần từ Trời đi xuống để khuấy chúng lên, và người đầu tiên, hoặc những người đầu tiên lao xuống hồ nước đều được chữa lành. Và có rất nhiều, rất nhiều người bệnh, như Chúa Giê-su nói “nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại” nằm la liệt ở đó, chờ để được chữa lành, chờ khi dòng nước bị khuấy động lên. Ở đó có một người đàn ông bị bệnh đã ba mươi tám năm – 38 năm ở đó, chờ để được chữa lành. Điều này bắt người ta suy nghĩ, thật ư? Hơi quá nhiều … vì muốn được chữa lành thì hãy tìm ai đó có thể giúp ông ta, ông ta di chuyển, có ai đó nhanh nhẹn, người nào đó thông minh … nhưng người đàn ông này, ở đó đã 38 năm, đến mức người ta không biết là ông ta bệnh tật hay đã chết … Nhìn thấy ông ta nằm ở đó và biết được thực tế rằng ông ta đã ở đó một thời gian dài, Chúa Giê-su nói với ông: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Và câu trả lời thật thú vị: ông ta không trả lời là có, ông ta chỉ than phiền — về bệnh tật của ông ta? Không. Người bệnh trả lời: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi” — một người luôn luôn đến sau. Chúa Giê-su nói với ông ta: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi.” Ngay lập tức người đàn ông được chữa lành.

Thái độ của người đàn ông này làm chúng ta suy nghĩ. Ông ta có thật sự bị bệnh không? Đúng, có thể ông ta bị liệt; dù vậy, có vẻ như ông ta vẫn có thể bước đi một chút. Tuy nhiên, ông ta bị bệnh trong lòng; ông ta bị bệnh trong linh hồn; ông ta bị bệnh vì tính bi quan; ông ta bị bệnh vì buồn bã; ông ta bị bệnh vì sự hờ hững. Đây là căn bệnh của con người này: “Vâng, tôi muốn sống, nhưng … ông ta ở đó. Tuy nhiên, câu trả lời của ông ta đáng lẽ phải là: “Vâng, tôi muốn được chữa lành!” Thì câu trả lời của ông ta cho lời đề nghị của Chúa Giê-su lại là một sự phàn nàn chỉ trích những người khác. Và như vậy, ông ta đã dành ra 38 năm để kêu ca về người khác, và chẳng làm gì để được chữa lành.

Đó là ngày Sa-bát: chúng ta đã nghe biết các Luật sĩ làm gì. Tuy nhiên, điểm then chốt là sự gặp gỡ sau đó với Chúa Giê-su. Ngài tìm thấy người đàn ông trong Đền thờ và nói với ông ta: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” Người đàn ông đó đã ở trong tội, nhưng ông ta không đến đó vì đã làm điều gì ghê gớm – không. Tội của ông ta là kêu ca than phiền về đời sống của người khác: tội buồn bã, mà đó là hạt giống của ma quỷ, tội vì có khả năng đưa ra quyết định về đời sống của mình, và nhìn vào đời sống của người khác để than phiền. Không chỉ trích họ nhưng là than phiền: “Họ xuống trước, tôi là nạn nhân của cuộc sống này”: những sự than phiền, những người này hít thở bằng những lời kêu ca than phiền.

Nếu chúng ta đưa ra so sánh với người thanh niên mù từ lúc sinh, mà chúng ta đã nghe Chúa nhật tuần trước: với niềm vui lớn, với sự quyết tâm mà anh đã nhận được sự chữa lành, và cũng với sự cương quyết anh đến để tranh luận với những người Luật sĩ! Anh chỉ đến và thông báo với họ: “Đúng, chính là Ngài.” Chấm hết. Không thỏa hiệp với cuộc sống … Điều này làm cha nghĩ đến rất nhiều người trong chúng ta, rất nhiều người Ki-tô hữu sống trong tình trạng hờ hững, không đủ khả năng để làm công việc gì đó nhưng lại kêu ca phàn nàn về mọi điều. Sự hờ hững là thuốc độc. Nó là đám cỏ dại mọc chung quanh linh hồn và không cho phép linh hồn sống. Nó cũng là một liều thuốc phiện vì nếu anh chị em thường xuyên nếm nó, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em sẽ trở thành một “người nghiện sự buồn bã, một người nghiện sự hờ hững” … Nó giống như không khí. Và đây là một tội theo thói quen của chúng ta: sự buồn bã, sự hờ hững, cha không nói là u sầu, nhưng nó bước gần tới đó.

Thật tốt cho chúng ta khi đọc lại Chương 5 của Thánh Gioan để để thấy căn bệnh này có thể làm chúng ta rơi vào tình trạng gì. Nước là để cứu sống chúng ta. “Nhưng tôi không được cứu” – “Tại sao?” “Vì lỗi của người khác.” Và tôi đã ở đó 38 năm … Chúa Giê-su chữa lành tôi: chẳng nhìn thấy phản ứng của những người khác được chữa lành, những người đứng dậy, vác chõng và nhảy múa, hát ca tạ ơn, công bố với toàn thế giới? Không: ông ta bỏ đi. Những người khác nói với ông ta không được làm như vậy, nhưng ông ta nói: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi,” và ông ta bỏ đi, Và rồi, thay vì đến với Chúa Giê-su, cảm ơn Ngài và mọi người, ông ta chỉ thông báo: “Chính là người đó.” Một đời sống u ám, nhưng là u ám vì tinh thần xấu xa đó là sự hờ hững, buồn bã, u sầu.

Chúng ta hãy nghĩ nếu nước; về nước là tượng trưng cho sức mạnh và sự sống của chúng ta, nước mà Chúa Giê-su sử dụng nó để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân mình – nếu có nguy cơ một người trong chúng ta rơi vào sự hờ hững này, vào cái tội lừng khừng này: tội của sự lừng khừng đó là không đen cũng không trắng. Người ta chẳng biết đó là gì nữa. Đây là một tội mà quỷ có thể sử dụng để nhận chìm đời sống thiêng liêng và đời sống riêng của chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tội này thì kinh khủng và hiểm độc như thế nào.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ bằng nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi các tín hữu Chịu Lễ Thiêng Liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tại Nhà nguyện Thánh Marta]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2020]


Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’

Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’
© Vatican Media

Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’

Đối thoại nhân dịp Hội nghị Diaconia 2020

02 tháng Ba, 2020 00:14

Cuộc gặp gỡ của Philippe Naudin với Đức Thánh Cha Phanxico “đã thay đổi cuộc đời ông”.

Với các độc giả của Zenit, Anne Facérias tổng hợp chứng ngôn của ông tại phần kết của Tiếp Kiến chung Thứ Tư ngày 19 tháng Hai năm 2020, diễn ra trong Khán phòng Phaolo VI của Vatican nơi ông tham dự như một phần của Hội nghị Chuyên đề 2020 của Diaconia of Beauty.

Philippe Naudin, mười ngày sau khi chào đời, bị viêm màng não khiến ông bị bại liệt. Lên bảy tuổi, trong một chuyến hành hương đến Lộ Đức, ông bắt đầu đi được, rồi bắt đầu nói và cuối cùng đã có thể đến trường.

Trong chứng ngôn này, ông nhắc lại cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxico.



Anne Facérias – Ông là người đã hôn trán Đức Thánh Cha, vậy ông là ai?

Ph. N. – Tôi là Philippe Naudin, tôi bị khuyết tật từ khi còn bé.

Mặc dù nói chung chẳng ai muốn tôi và hầu hết mọi người đều từ chối tôi, tôi rất may mắn có nhiều bạn bè riêng!

Tôi bắt đầu đi từ cuối lên và giờ đây tôi thấy mình ở cạnh Đức Thánh Cha! Chúa nói với tôi rằng Người yêu tôi nhiều lắm. Tấm ảnh của tôi với Đức Thánh Cha truyền đi khắp thế giới để trao hy vọng cho những người giống như tôi không được cuộc sống ưu ái.


Ông đang làm gì ở Roma?

Tôi đang tham dự “Diaconia of Beauty, một phong trào cho các nghệ sĩ, tập trung vào nghệ thuật và đức tin.

Chúng tôi cùng nhau chia sẻ tình yêu của mình với Thiên Chúa và tôi đã tham dự từ khi nó bắt đầu với Michael Lonsdale.

Ngày 11 tháng Hai, 2020, ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và là Ngày Quốc tế Bệnh nhân, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Anne Facerias, chủ tịch của Diaconia of Beauty. Bà mời tôi đến Hội nghị Chuyên đề ở Roma mà bà tổ chức hàng năm ngày 18 tháng Hai nhân ngày lễ Chân phước Fra Angelico và Thánh Bernadette. Tôi đồng ý và đến đây.

Ngày 19 tháng Hai, 2020, tất cả các tham dự viên Hội nghị Chuyên đề đến tham dự buổi tiếp kiến giáo hoàng. Cùng với bà Anne Facerias, Michael Lonsdale và Yann Konopka (nghệ sĩ piano khuyết tật), được chuyển lên hàng trên đầu.

Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần chào Đức Thánh Cha bằng một lời nguyện nhỏ:

“Lạy Chúa, hãy biến chúng con thành khí cụ hòa bình của Người, xin thánh ý Người được thể hiện, xin dẫn đưa chúng con vào ân sủng của Chúa Thánh Thần để truyền cái Đẹp cho thế giới.”

Michael và Anne dâng lên Đức Thánh Cha quyển sách về sự thành lập của Diaconia of Beauty: “Trên hành trình của cái đẹp và tình yêu” (http://www.librairietequi.com/A-66501-sur-la-voie-de-la-beaute-et-de-l-amour.aspx), một quyển sách những phỏng vấn giữa Hồng y Phaolo Poupard và Michael Lonsdale.

Rồi đến lượt tôi. Tôi đứng lên và hôn lên trán Đức Thánh Cha như thể tôi đang hôn Chúa Giê-su. Cái hôn đó đã thay đổi đời tôi.

Đức Thánh Cha xin tôi cầu nguyện cho ngài và tôi thưa, “Vâng, tôi sẵn sàng, hiền huynh của tôi. Giữa tôi và ngài, không có sự khác biệt vì cả hai chúng ta đều có chung tâm hồn cầu nguyện với CHúa.” Với Anne và Michael đứng cạnh bên tôi, tôi mời Đức Thánh Cha đến Lộ Đức vào ngôi nhà Diaconia of Beauty của các nghệ sĩ chúng tôi. Ngài cười vì ngài yêu Lộ Đức và tôi nghĩ ngài muốn đến!


Đó có phải là lần đầu tiên ông gặp Đức Thánh Cha Phanxico?

Không, tôi đã đến Roma trong một lần Hội nghị khác cũng do Diaconia of Beauty tổ chức.

Chúng tôi có một buổi tiếp kiến riêng vào thứ Bảy, ngày 24 tháng Hai năm 2018, với Đức ông Le Gall, Don Pietro d ‘Angelo, Michaël Lonsdale, Big Flo và Oli, Filippo Velardi… và các nghệ sĩ: nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia, diễn viên, vũ công … Bất kể chuyên môn chúng tôi là gì, chúng tôi đều tìm kiếm cách chia sẻ niềm đam mê và sự miệt mài tìm kiếm chân lý.

Anne Facerias giới thiệu 50 người tham dự và các nhóm khác nhau của Diaconia với Đức Thánh Cha: Paris, Lyon, Toulouse, Albi, Nantes, Roma, Venice, Mauritius… Đó là giây phút ân ban khi mọi người cảm nhận sự trung gian giữa trời và đất.

Khi đến lượt tôi, tôi rất cảm động, Đức Thánh Cha hôn tôi và ngài xin tôi ba lần: “Hãy chúc phúc cho ta, con trai của ta.” Vì thế tôi chúc lành cho ngài và ngài tặng tôi một tràng chuỗi mân côi và một tấm hình mà tôi vẫn còn giữ.


Ông làm gì để sống?

Tôi là một diễn viên nhưng với tôi rất khó để sống được, vì vậy tôi là người mà anh có thể gọi là “ăn xin” ở Lộ Đức.

Với Daniel Facérias và các bạn ở Lộ Đức (Cité Saint Pierre, Cénacolo, Thánh địa, tòa thị chính, giáo xứ) chúng tôi sẽ tổ chức các buổi họp và nơi ở cho nghệ sĩ trong nhà nghệ sĩ cho những người khuyết tật hoặc những người khác trong các hoàn cảnh bấp bênh. Hiện tại chúng tôi đang sắp xếp lại tầng trệt để biến thành xưởng làm việc với một nhà hát thử nghiệm nhỏ.


Và bây giờ, ông tiếp tục hành trình như thế nào?

Tôi đã nhận được nhiều sự chúc lành tất cả trong tuần này ở Roma và tôi muốn chứng minh cho người khác về tất cả những gì tôi đã trải nghiệm. Rao giảng phúc âm qua nghệ thuật và cái đẹp là vô cùng quan trọng.

Tôi muốn chuẩn bị cho buổi diễn tương lai của mình kể về cuộc sống của hai chú gấu Bắc cực, “Bouba” và “Boumboum”, chúng sẽ đến gặp Đức Thánh Cha. Hai chú gấu kể câu chuyện cuộc đời tôi. Anh có thể vào website của tôi để xem: http://philippe-alias-bouba.com/. Trong thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy bước vào hành trình cầu nguyện sẽ dẫn đến Phục sinh, đến với cái đẹp thật sự!

Phỏng vấn của Anne Facérias



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2020]


Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay: Sự phục sinh của La-da-rô

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay: Sự phục sinh của La-da-rô
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay: Sự sống lại của La-da-rô

‘Chúa Giê-su cho thấy Người là Thiên Chúa của sự sống, là Đấng có thể trao ban sự sống cho cả người đã chết’

29 tháng Ba, 2020 15:49

Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay Đức Thánh Cha Phanxico kể lại việc Chúa Giê-su đưa La-da-rô trở về từ cõi chết, được mô tả trong chương 11 Tin mừng theo Thánh Gio-an. Những phân tích của ngài chia sẻ trước giờ đọc Kinh Truyền tin trong Thư viện của Điện Tông tòa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc chị gái của La-da-rô than van rằng nếu Chúa Giê-su đến sớm hơn thì em trai của chị ấy đã không chết. Dĩ nhiên, Đức Ki-tô có những kế hoạch khác.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Chúa Giê-su chắc chắn đã có thể ngăn được cái chết của La-da-rô là bạn của Ngài, nhưng Ngài muốn đón lấy sự đau đớn về cái chết của những người thân yêu của chúng ta thành nỗi đau đớn của Người. Trong trích đoạn Tin mừng này, chúng ta thấy rằng niềm tin của con người và quyền năng vô biên của tình yêu của Chúa tìm kiếm nhau và cuối cùng đã gặp nhau.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha trước và sau giờ đọc Kinh:


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin mừng Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay này nói về sự sống lại của La-da-rô (x. Ga 11:1-45). La-da-rô là em của Mác-ta và Maria; họ là những người bạn rất thân của Chúa Giê-su. Khi Ngài đến Bê-ta-ni, La-da-rô đã chết được bốn ngày, Mác-ta chạy đến gặp Thầy và nói với Ngài: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (c. 21). Chúa Giê-su trả lời chị: “Em chị sẽ sống lại!” (c. 23), và Ngài nói thêm: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (c. 25). Chúa Giê-su cho thấy Người là Thiên Chúa của sự sống, là Đấng có thể trao ban sự sống cho cả người đã chết. Rồi Maria và những người khác tới, tất cả đều khóc, và như Tin mừng thuật lại, Chúa Giê-su thổn thức và [...] Người khóc” (cc. 33.35). Với sự thổn thức trong lòng, Người đi đến mộ, cảm tạ Chúa Cha luôn lắng nghe Người, Người bảo người ta mở cửa mộ ra và kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (c. 43). Và La-da-rô đi ra với “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (c. 44). Ở đây chính mắt chúng ta nhìn thấy rằng Thiên Chúa là sự sống và trao ban sự sống, nhưng Người lại đón nhận thảm kịch của cái chết. Chúa Giê-su chắc chắn đã có thể ngăn được cái chết của La-da-rô là bạn của Ngài, nhưng Ngài muốn đón lấy sự đau đớn về cái chết của những người thân yêu của chúng ta thành nỗi đau đớn của Người. Trong trích đoạn Tin mừng nay, chúng ta thấy rằng niềm tin của con người và quyền năng vô biên của tình yêu của Chúa tìm kiếm nhau và cuối cùng đã gặp nhau. Chúng ta nhìn thấy nó trong tiếng khóc của Mác-ta và Maria và của tất cả chúng ta cùng với họ: “Nếu có Thầy ở đây! …” Và câu trả lời của Chúa không chỉ là một lời nói, không, Chúa Giê-su là câu trả lời của Thiên Chúa cho vấn đề của sự chết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống … Hãy có lòng tin! Giữa sự than khóc, hãy tiếp tục vững tin, cho dù dường như sự chết chiến thắng. Hãy trút bỏ tảng đá khỏi tâm hồn của anh chị em! Hãy để cho Lời Chúa mang sự sống đến nơi có sự chết.”

Hôm nay cũng vậy, Chúa Giê-su lặp lại: “Hãy trút bỏ tảng đá.” Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta cho sự chết; Người tạo dựng chúng ta cho cái đẹp, sự thiện và niềm vui. Sách Khôn ngoan nói, “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:24), và Chúa Giê-su đến để giải thoát chúng ta khỏi những bẫy giăng của quỷ. Vì thế, chúng ta được kêu gọi hãy trút bỏ hết mọi tảng đá liên quan đến cái chết: chẳng hạn, cách sống đức tin theo thói giả hình là sự chết; sự chỉ trích phá hủy người khác là sự chết; những vu khống xúc phạm là sự chết; gạt bỏ người nghèo ra bên lề là sự chết. Chúa yêu cầu chúng ta hãy trút bỏ những tảng đá này đè nặng tâm hồn chúng ta và như vậy sự sống sẽ lại được nuôi dưỡng chung quanh chúng ta. Đức Ki-tô sống và người nào đón nhận Ngài và gắn kết với Ngài sẽ đi vào sự sống. Không có Đức Ki-tô, hoặc ở ngoài Đức Ki-tô, thì không những sự sống không hiện diện mà người ta còn rơi vào sự chết.

Sự sống lại của La-da-rô cũng là dấu chỉ của sự tái sinh mang đến cho người tín hữu qua Phép Rửa tội, với sự thông phần trọn vẹn vào Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô. Nhờ hoạt động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người Ki-tô hữu là người bước đi trong sự sống như một tạo vật mới: một tạo vật cho sự sống và tiến đến sự sống.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta biết động lòng thương xót như Chúa Giê-su Con của Mẹ, Đấng đón lấy nỗi đau đớn của chúng ta làm của riêng Người. Ước mong rằng mỗi người chúng ta hãy gần gũi với những ai đang chịu thử thách, trở nên sự phản chiếu cho tình yêu và lòng nhân từ của Chúa, là những điều giải thoát khỏi cái chết và làm cho sự sống chiến thắng.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày qua, ngài Tổng Thư ký LHQ đã phát đi lời kêu gọi “ngừng bắn toàn thế giới và ngay lập tức trên mọi miền của thế giới,” nhắc lại tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện tại, là đại dịch không biết đến biên giới – một lời kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn.

Tôi cùng tham gia với tất cả những người đã lắng nghe tiếng kêu gọi này và tôi mời gọi tất cả mọi người hãy theo bước chân đó, dừng lại tất cả mọi hình thức hận thù hiếu chiến, thúc đẩy việc sáng tạo ra những hành lang cứu trợ nhân đạo, mở rộng cho chính sách ngoại giao và chú ý đến những người đang ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất. Ước mong rằng cam kết chung chống lại đại dịch có thể làm cho tất cả mọi người nhận thấy sự cần thiết phải củng cố lại những mối ràng buộc huynh đệ với các thành viên của một gia đình; đặc biệt, ước mong nó đánh thức tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia và các đảng phái cùng tham gia trong một cam kết đổi mới để vượt qua được những sự kình địch. Không thể giải quyết những xung đột bằng chiến tranh! Cần phải vượt qua các đối kháng và đối đầu bằng đối thoại và sự tìm kiếm hòa bình xây dựng.

Giây phút này, cha đặc biệt nghĩ đến tất cả những người đang sống trong sự mong manh khi bị cách ly tập trung theo nhóm: trong các nhà nghỉ, các doanh trại quân đội … Cha đặc biệt quan tâm đến những người trong tù. Cha có đọc một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền nói đến những nhà tù quá chật chội và có thể trở thành một thảm họa. Tôi kêu gọi các nhà Chức trách hãy nhạy cảm trước vấn đề nghiêm trọng này và đưa ra những biện pháp cần thiết để tránh những thảm họa tương lai.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha; cha cầu nguyện cho tất cả anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-25/3/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-25/3/2020


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-25/3/2020


21 tháng Ba: Hôm nay chúng ta nhớ đến các gia đình không thể ra khỏi nhà của họ: ước mong họ tìm được cách giao tiếp tốt đẹp, và chiến thắng được sự khổ não trong thời gian này. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho sự bình an trong các gia đình trong cơn khủng hoảng này, và cầu cho những sáng tạo.

21 tháng Ba: Thiên Chúa tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta, nhưng Người cần chúng ta cho Người thấy những tội đó. #Tin mừng hôm nay dạy chúng ta biết cách cầu nguyện, cách đến gần với Chúa: khiêm nhường “cởi mở tất cả tâm hồn” chúng ta, không giấu diếm, hoặc che đậy bằng đức tính của chúng ta. #HomilySantaMarta

21 tháng Ba: #Mùa Chay mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa của sự sống, biết chắc chắn rằng chỉ trong Đức Ki-tô và cùng với Đức Ki-tô thì chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho mầu nhiệm của đau khổ và sự chết. Chúng ta không được tạo dựng cho sự chết, nhưng cho sự sống dư tràn: sự sống đời đời.

22 tháng Ba: Chúng ta hãy cầu nguyện cho rất nhiều người đang chết trong cô quạnh, không thể nói lời từ giã với những người thân yêu. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các gia đình không thể đồng hành cùng người thân yêu của họ trên hành trình đó. #PrayTogether

22 tháng Ba: Trước sự hiện diện của Chúa Giê-su, những cảm thức thật của tâm hồn bộc lộ. Chúng ta hãy đọc #Tin mừng trong ngày (Ga 9:1-41) để hiểu được điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su đi ngang qua. #HomilySantaMarta

22 tháng Ba: #Tin mừng hôm nay (Ga 9:1-41) dạy cho chúng ta biết rằng tội giống như một tấm mạng đen che phủ mặt chúng ta và ngăn cản chúng ta không nhìn thấy bản thân mình và thế giới một cách rõ ràng. Sự tha thứ của Chúa tháo cởi tấm mạng đen tối này và ban cho chúng ta ánh sáng mới.

22 tháng Ba: Chúng ta hãy phản ứng trước đại dịch virus bằng sự phổ quát của việc cầu nguyện, lòng trắc ẩn và lòng nhân hậu. Chúng ta hãy đoàn kết với nhau. Cha mời gọi tất cả mọi người Ki-tô hữu cùng chung lời nguyện xin dâng lên Thiên Đàng, cùng đọc Kinh Lạy Cha vào giờ ngọ thứ Tư ngày 25 tháng Ba. #PrayTogether

23 tháng Ba: Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bắt đầu nếm trải những vấn đề khó khăn về kinh tế do đại dịch gây ra, vì họ không thể đi làm. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến gia đình. #PrayTogether

23 tháng Ba: Yêu cầu đầu tiên của việc cầu nguyện là lòng tin, điều thứ hai là sự kiên trì, và thứ ba là lòng can đảm. Trong những ngày này khi chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn, hãy tự hỏi xem chúng ta có cầu nguyện theo cách đó không. Chúa không bao giờ lừa dối chúng ta! Người muốn chúng ta chờ đợi, nhưng Người không bao giờ lừa dối chúng ta. #HomilySantaMarta

23 tháng Ba: Hôm nay Chúa Giê-su nói cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta bước vào và đời sống của con sẽ thay đổi! #Lent

24 tháng Ba: Trong những ngày vừa qua một số bác sĩ và linh mục đã chết. Nhiều y tá đã bị nhiễm bệnh vì họ phục vụ bệnh nhân. Cha cảm tạ Chúa vì tấm gương anh dũng họ thể hiện cho chúng ta qua việc chăm sóc cho người bệnh. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho họ và cho gia đình họ.

24 tháng Ba: #Tin mừng hôm nay (Ga 5:1-16) cho chúng ta biết một căn bệnh tê liệt do tính bi quan, buồn bã, hờ hững: một làn sương mù độc hại phủ quanh linh hồn không cho phép nó được sống. Và có một biểu tượng cho sự sống mới của chúng ta: nước mà Chúa Giê-su dùng để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. #HomilySantaMarta

24 tháng Ba: Chúng ta hãy cùng hiệp nhất. Cha mời gọi tất cả mọi người Ki-tô hữu cùng hiệp lời dâng lên Thiên Đàng, cùng đọc Kinh Lạy Cha vào đúng giờ ngọ ngày mai, 25 tháng Ba. #PrayTogether #PrayForTheWorld

25 tháng Ba: Với lời “xin vâng” trước Sứ thần, Đức Nữ Đồng trinh chào đón Ngôi Lời trở thành nhục thể và chấp nhận trở thành mẹ của Con Thiên Chúa. Vì vậy, trong Mẹ Maria, sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trở thành hiện thực. #GeneralAudience

25 tháng Ba: Trong bối cảnh đại dịch đe dọa sự sống con người và nền kinh tế toàn cầu, hôm nay chúng ta nhắc lại lời dạy của Thông điệp #Evangelium Vitae để truyền lại văn hóa sự sống cho các thế hệ tương lai: một thái độ đoàn kết, chăm sóc, và chào đón. #GeneralAudience




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/3/2020]


Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus
Đức Thánh Cha Phanxio nhìn ra ngoài cửa sổ của điện tông tòa ngày 18 tháng Ba năm 2020. Credit: Vatican Media.

Thành Vatican, 28 tháng Ba, 2020 / 11:05 sáng (CNA). - Hôm thứ Bảy Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm coronavirus, và nói rằng xét nghiệm COVID-19 gần đây cho 170 nhân viên Tòa Thánh cho kết quả chỉ có 1 trường hợp nhiễm mới.

Kết quả đưa tổng số ca nhiễm coronavirus trong Thành Vatican lên 6 trường hợp, ông Matteo Bruni , phát ngôn nhân giáo hoàng cho biết trong một thông cáo ngày 28 tháng Ba.

Phát ngôn nhân cho biết, “Tôi khẳng định rằng Đức Thánh Cha và những vị cộng sự gần gũi nhất với ngài đều không bị nhiễm.”

Sáu trường hợp dương tính này bao gồm một linh mục sống trong cùng khu nhà trọ Vatican với Đức Thánh Cha Phanxico. Vị linh mục là giới chức của Phủ Quốc vụ khanh, được đưa đi cách ly ngay khi ngài có các triệu chứng của bệnh COVID-19, ông Bruni cho biết.

Các xét nghiệm được thực hiện cho những người có tiếp xúc trực tiếp với vị giới chức và sau đó cũng thực hiện xét nghiệm với các nhân viên Tòa Thánh như “một biện pháp phòng ngừa,” đưa tổng số người được xét nghiệm lên 170, vị phát ngôn nhân nói.

Theo ông Bruni, chỉ có một kết quả xét nghiệm dương tính – là một nhân viên Tòa Thánh có tiếp xúc trực tiếp với vị giới chức của Phủ Quốc vụ khanh.

Phát ngôn nhân nói rằng những biện pháp phòng ngừa khác cũng đã được thực hiện, chẳng hạn như tăng cường vệ sinh.

Ông Bruni cho biết thêm, vị giới chức Phủ Quốc vụ khanh không ở trong tình trạng bệnh nặng nhưng được chuyển đến bệnh viện ở Roma để chăm sóc và theo dõi.

Trường hợp nhiễm coronavirus của Vatican được phát hiện sau khi một bệnh nhân được xét nghiệm dương tính trong cơ sở chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ngoại trú của nhà nước thành phố ngày 5 tháng Ba. Cơ sở sau đó đóng cửa một ngày để làm vệ sinh khử trùng.

Ba trường hợp tiếp theo được phát hiện, hai trong số đó là nhân viên của các viện bảo tàng Vatican và một trường hợp là nhân viên nhà kho.

Ông Bruni nói với các nhà báo ngày 24 tháng Ba rằng bốn bệnh nhân coronavirus này “đã được đưa đi cách ly riêng như là biện pháp phòng ngừa trước khi họ được xét nghiệm dương tính và thời gian cách ly của họ đã qua hơn 14 ngày; hiện tại họ đang được điều trị trong các bệnh viện hoặc tại nhà.”

Lịch làm việc của Đức Thánh Cha Phanxico đã giảm bớt trong đại dịch coronavirus, tuy nhiên ngài tiếp tục có một vài cuộc gặp gỡ trong điện tông tòa, và đó cũng là nơi ngài trực tiếp truyền hình Tiếp Kiến chung Thứ Tư hàng tuần và Kinh Truyền Tin Chúa nhật trong thời gian phong tỏa của Ý.

Ngày 28 tháng Ba Đức Thánh Cha gặp gỡ bà Virginia Raggi, thị trưởng Roma, cũng như các giới chức Vatican khác.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2020]


Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta

Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta
© Vatican Media

Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta

‘Chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta trở về với Ngài’

23 tháng Ba, 2020 16:18

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 21 tháng Ba năm 2020, tại Nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican. Văn bản chính do Vatican News cung cấp.


******

Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe hôm qua: “Hãy trở về, hãy trở về với Chúa” (x. Hs 14:2); chúng ta cũng tìm thấy câu trả lời cho lời đó trong cùng sách của tiên tri Hô-sê: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa” (Hs 6:1). Đó là câu trả lời khi mệnh lệnh “hãy trở về với Chúa” chạm đến tâm hồn: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa: vì Người đã xé nát, để rồi Người lại chữa lành chúng ta; Người đã đánh đập, và Người lại băng bó cho chúng ta [...] “Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện, chắc chắn thế nào Người cũng đến.” (Hs 6:1.3). Niềm tin tưởng vào Chúa thì chắc chắn. “Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai” (c. 3). Và với sự cậy trông này, dân tiến bước lên đường để trở về với Chúa. Đó là một trong những cách để tìm được Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta trở về với Người.

Trong Tin mừng (x. Lc 18:9-14) Chúa Giê-su dạy cho chúng ta cách cầu nguyện. Có hai người, một người vô cùng tự tin đi đến cầu nguyện, nhưng để cho biết là anh ta rất tốt lành và dường như muốn nói với Chúa rằng: “Chúa xem này, con quá tốt lành rồi: nếu Chúa có cần gì, cứ nói với con và con sẽ giải quyết vấn đề cho Chúa.” Anh ta đến với Chúa bằng cách đó. Đó là sự ngạo mạn. Quả thật, có thể anh ta làm mọi điều Lề Luật dạy, anh ta liệt kê chúng ra: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (c. 12) … Con tốt lắm.” Điều này cũng nhắc chúng ta nhớ đến hai người khác. Nó nhắc chúng ta nhớ đến người anh trong dụ ngôn người Con hoang đàng, khi anh ta nói với cha của mình: “Con luôn nghe lời cha mà lại chẳng có được một bữa tiệc, còn với thằng đó chỉ là một kẻ xấu xa, cha lại mở tiệc mừng …” Thật là kiêu ngạo (x. Lc 15:29-30). Một người khác, với câu chuyện mà chúng ta nghe trong những ngày vừa qua, là một người giàu có, không có tên cụ thể, nhưng là một người giàu có, không biết tên ông ta, nhưng ông ấy là một phú ông, ông ta chẳng một chút để ý đến cảnh khốn khổ của người khác (x. Lc 16:19-21). Đây là những con người có sự bảo đảm cho bản thân đối với tiền bạc hoặc quyền thế … Và người kia là người thu thuế, anh ta không đi đến trước bàn thờ, không, anh ta dừng lại ở xa xa. “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!’” (Lc 18:13). Điều này cũng làm chúng ta nhớ đến người con hoang đàng: anh ta ý thức được những tội đã phạm, những điều kinh khủng đã làm. Anh ta cũng đấm ngực: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội” — đó sự khiêm nhường (x. Lc 15:17-19). Nó lại nhắc chúng ta nhớ đến một người khác, người ăn mày, La-da-rô, tại cửa của người đàn ông giàu có, là người phải sống cảnh cùng khốn trước sự kiêu ngạo của người kia (x. Lc 16:20-21). Luôn luôn có sự pha trộn những con người trong Tin mừng. Trong trường hợp này, Chúa dạy chúng ta cách để cầu nguyện, cách để tiến đến, cách chúng ta phải tiến đến với Chúa: với lòng khiêm nhường. Có một hình ảnh rất đẹp trong bài thánh ca phụng vụ của ngày Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả. Nó kể rằng người ta đến gần sông Gio-đan để lãnh nhận Phép Rửa “với linh hồn không che đậy và đi chân đất”: cầu nguyện với một linh hồn không che đậy, không tô điểm, không hóa trang cho những đức tính. Như chúng ta đã đọc lúc đầu Lễ, Người tha thứ mọi tội lỗi, nhưng Người cần tôi phải cho Người thấy tội của tôi, với sự cởi mở hoàn toàn của tôi. Để cầu nguyện không giấu diếm, với một tâm hồn thẳng thắn, không giấu giếm, thậm chí không tin vào những gì tôi đã học được trên con đường cầu nguyện. Anh chị em và cha phải cầu nguyện mặt đối mặt với tâm hồn không che đậy. Đây là điều Chúa dạy chúng ta. Nhưng khi chúng ta đến với Chúa với một chút quá tự tin vào mình, chúng ta sẽ rơi vào tính kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu này, hoặc của người anh trai kia, hoặc của người đàn ông giàu có chẳng thiếu thứ gì. Chúng ta sẽ có sự vững chắc của mình ở nơi khác. “Tôi đến với Chúa …, tôi muốn đi, muốn được dạy dỗ … và tôi nói với Người … và tôi thưa chuyện với Ngài một cách thân tình. Không, đây không phải là con đường. Con đường là hạ mình xuống — sự hạ mình. Con đường đó là thực tại. Và trong dụ ngôn này, người duy nhất hiểu được thực tại là người thu thuế. “Ngài là Thiên Chúa và con là một tội nhân.” Đây là thực tại. Tuy nhiên, tôi nói tôi là một tội nhân không chỉ bằng miệng bằng tâm hồn — cảm nhận bản thân mình là một kẻ có tội.

Chúng ta đừng quên điều này, điều mà Thiên Chúa dạy chúng ta: bào chữa cho bản thân là tính kiêu căng, tự kiêu; nó là sự nâng mình lên. Nó là cách che đậy hữu thể bằng một thứ gì đó mà tôi không có. Và những sự thống khổ vẫn còn tồn tại bên trong. Người Pha-ri-sêu bào chữa cho bản thân. [Điều cần thiết] là hãy xưng thú tội của mình thẳng thắn, không bào chữa, không nói rằng: “Nhưng không phải, con đã làm điều này nhưng đó không phải là lỗi của con …” Hãy có một linh hồn không che đậy, một linh hồn không che đậy.

Xin Chúa dạy cho chúng ta hiểu được điều này, thái độ này, khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với những sự bào chữa của mình, với những sự chắc chắn của mình, đó không phải là cầu nguyện: đó là nói chuyện với cái gương soi. Thay vì vậy, khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với thực tại thật — “Con là một kẻ có tội, con là một kẻ có tội” — đó là một bước đi tốt lành để cho phép bản thân được Thiên Chúa đoái nhìn. Xin Chúa Giê-su dạy cho chúng ta điều này.

Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico cũng kết thúc Thánh Lễ với sự Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi tín hữu rước Lễ Thiêng Liêng.

Dưới đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha xướng đọc

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể nào chịu Chúa cho thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa bao giờ.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020


16 tháng Ba: Xin Chúa giúp cho các gia đình khám phá ra những cách thức mới để thể hiện tình yêu thương trong hoàn cảnh này. Nó là một cơ hội rất đẹp để tái khám phá lòng cảm mến trong gia đình. #Cùng cầu nguyện cho những mối quan hệ trong gia đình luôn được nuôi dưỡng vì sự tốt lành.

16 tháng Ba: Thiên Chúa luôn hoạt động qua những việc đơn sơ: tính đơn sơ của công việc hàng ngày, tính đơn sơ của lời cầu nguyện. Nhưng tinh thần thế gian dẫn đưa chúng ta đến với tính hư ảo, đến với những hình thức bên ngoài kết thúc trong bạo lực. #HomilySantaMarta

16 tháng Ba: “Hãy sám hối,” nói cách khác là “hãy thay đổi đời sống (Mt 4:17), vì một đời sống mới đã bắt đầu. Thời gian bạn sống cho bản thân đã qua đi; bây giờ là lúc sống với và sống cho Thiên Chúa, với tha nhân, sống với và sống cho tình yêu. #Lent

17 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện cho người già đang chịu đau khổ đặc biệt trong thời điểm này bị cô độc trong nhà, nhiều khi vô cùng sợ hãi. Họ đã cho chúng ta sự khôn ngoan, sự sống, câu chuyện của chúng ta … Ước mong rằng chúng ta gần gũi với họ trong lời cầu nguyện.

17 tháng Ba: Dụ ngôn Chúa Giê-su kể cho chúng ta (Mt 18:23-35) rất rõ ràng: xin tha thứ có nghĩa là thứ tha. Cả hai luôn song hành với nhau và không thể tách rời. Tha thứ là điều kiện để đi vào thiên đàng. #HomilySantaMarta

17 tháng Ba: Chúng ta hãy cho phép bản thân được Thiên Chúa yêu thương, để về phần mình chúng ta lại có thể trao tặng thương yêu. Chúng ta hãy cho phép bản thân đứng dậy và tiến đến Phục sinh. #Lent

18 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện cho người qua đời, những người đã chết vì virus. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho những nhân viên y tế là những người hy sinh cuộc sống để phục vụ bệnh nhân.

18 tháng Ba: Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi và kêu gọi chúng ta hãy gần gũi với nhau. Có lẽ lúc này chúng ta không thể gần nhau về thể xác vì sợ lây nhiễm, nhưng chúng ta có thể tái thức tỉnh trong mình thói quen gần gũi với người khác trong lời cầu nguyện và sự giúp đỡ lẫn nhau. #HomilySantaMarta

18 tháng Ba: Lòng thương xót của Chúa là sự giải thoát và là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cần tha thứ, vì bản thân chúng ta cần được tha thứ. #GeneralAudience #Beatitudes

19 tháng Ba: Trong ngày Lễ #Thánh Giu-se chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết sống tính cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, và trong ‘tính cụ thể’ của mầu nhiệm. Đi vào mầu nhiệm không phải là một giấc mơ; đi vào mầu nhiệm có nghĩa là tôn thờ.

19 tháng Ba: Đức tin phát triển với những bước đi khiêm nhường và thiết thực. #Lent

20 tháng Ba: Anh chị em thân mến, tối nay chúng ta cùng hiệp thông trong tinh thần lần Chuỗi Mân Côi. Xin Mẹ Maria là sức Khỏe của người bệnh, và Thánh Giu-se là người của đức tin, chuyển cầu cho chúng ta! #PrayTogether

20 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện, phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Thánh Giu-se, là Đấng thấu hiểu những bấp bênh và cay đắng. Dù lo lắng về tương lai, ngài luôn biết cách đi qua bóng đen của những thời khắc bấp bênh, luôn cho phép bản thân được dẫn dắt bởi thánh ý của Chúa mà không do dự.

20 tháng Ba: Chúng ta hãy #cùng cầu nguyện cho các bác sĩ, nhân viên nhà thương, và những thiện nguyện viên đang liều mạng sống của họ để cứu người. Và cho các nhà lãnh đạo dân sự, cho những người phải đưa ra quyết định trong thời điểm này. Tất cả họ là trụ cột để bảo vệ chúng ta trong cuộc khủng hoảng này.

20 tháng Ba: Thiên Chúa nhân từ sẽ chữa lành tất cả những vết thương cuộc sống của chúng ta, và tất cả những điều xấu chúng ta đã làm. Trở về với Chúa có nghĩa là trở về với một cái ôm, cái ôm của Chúa Cha. #HomilySantaMarta

20 tháng Ba: Ngọn lửa tình yêu của Chúa sẽ thiêu rụi những tro bụi tội lỗi của chúng ta. Cái ôm của Chúa Cha đổi mới chúng ta từ sâu thẳm tâm hồn và thanh tẩy tâm hồn chúng ta. #Lent




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/3/2020]


Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus
Vatican Media Screenshot

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’

27 tháng Ba, 2020 18:57

Ngày 27 tháng Ba năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico gửi toàn thế giới câu hỏi mà Chúa Giê-su đã đặt ra cho các tông đồ đang run sợ trên con thuyền bị phong ba vùi dập trong biển hồ Ga-li-lê: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Đức Thánh Cha nhắc đến câu chuyện trong chương bốn Tin mừng Thánh Mác-cô. Nhưng ngài giải thích rằng trận phong ba mà thế giới đang đối mặt hôm nay là đại dịch coronavirus, nó đã lây nhiễm cho hơn một nửa triệu người trên toàn thế giới và gây ra cái chết của hơn 25.000 người.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Rất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giê-su. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giê-su ngủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

“Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.”

Những lời dạy của Đức Thánh Cha đưa ra trong bối cảnh đặc biệt. Ngài cầu nguyện trước một Quảng trường trống không trên sagrato của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, đó là giảng đài trên đỉnh tam cấp ngay phía trước chính điện của nhà thờ. Linh ảnh “Salus Populi Romani” và Thánh giá của Nhà thờ Thánh Marcellus được đặt trước cửa chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ trong gian ngoài của Vương cung Thánh đường Vatican. Nghi thức bao gồm các bài đọc Thánh kinh, những lời khẩn nguyện, và tôn thờ Thánh Thể. Nghi thức kết thúc với Phép lành Urbi et orbi của Đức Thánh Cha Phanxico, và cơ hội nhận được ơn đại xá cho tất cả những người lắng nghe trực tiếp qua nhiều nền tảng truyền thông. Ơn đại xá cũng được mở rộng cho những người không thể tham dự cầu nguyện qua các phương tiện truyền thông do đau bệnh nhưng hiệp thông thiêng liêng trong lời cầu nguyện.


Đức Phanxico nhấn mạnh, “Giữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta.”

“Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.”



Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

“Khi chiều đến” (Mc 4:35). Đó là câu mở đầu trong trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe. Những tuần lễ vừa qua dường như là chiều đến. Bóng tối dày đặc đã phủ bóng trên những quảng trường, những đường phố, và những đô thị của chúng ta; nó đã chế ngự cuộc sống chúng ta, nhận chìm mọi thứ trong sự im lặng lạnh lùng và một không gian lo âu, nó làm mọi thứ dừng lại khi nó đi qua; chúng ta cảm thấy nó trong không khí, chúng ta nhìn thấy trong những hành vi của con người, những ánh mắt nhìn xa lánh. Chúng ta cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cũng như các môn đệ trong Tin mừng, chúng ta bị rơi vào một trận cuồng phong bất ngờ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo chống, mỗi chúng ta cần phải an ủi người khác. Tất cả chúng ta cùng ở trên con thuyền này. Cũng như các môn đệ khi xưa, họ cùng thốt lên một câu đầy lo âu rằng, “Chúng ta chết đến nơi rồi” (c. 38), cũng vậy, chúng ta nhận thấy chúng ta không thể tiếp tục nghĩ riêng cho bản thân, nhưng chỉ cùng chung sức với nhau chúng ta mới có thể làm được điều này.

Rất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giê-su. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giê-su ngủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

Chúng ta thử tìm hiểu. Có điều gì đó còn thiếu trong niềm tin của các môn đệ, trái ngược lại với sự tin tưởng của Chúa Giê-su? Các ông vẫn luôn tin vào Người; quả thật, họ kêu cầu Người. Nhưng chúng ta nhìn thấy cách họ gọi Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (c. 38). Thầy chẳng lo gì sao: họ nghĩ rằng Chúa Giê-su không để ý đến họ, không quan tâm đến họ. Một trong những điều làm tổn thương chúng ta và gia đình chúng ta nhất là khi chúng ta nghe câu trách móc: “Anh chẳng quan tâm gì đến tôi sao?” Đó là một câu làm thương tổn và gây nên bão tố trong lòng chúng ta. Câu đó chắc cũng đã làm Chúa Giê-su bàng hoàng. Vì Người quan tâm đến chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Thật vậy, khi các ông kêu cầu Người, Người liền cứu các môn đệ của Người khỏi tuyệt vọng.

Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.

Trong cơn bão tố này, hình thức bề ngoài của những khuôn mẫu mà chúng ta dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, chỉ chăm chút lo lắng về hình ảnh của chúng ta, đã biến đi, để một lần nữa cho thấy sự hệ thuộc phổ quát (đầy phúc lành) mà chúng ta không thể thiếu: sự hệ thuộc rằng chúng ta là anh em và chị em.

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lạy Chúa, lời của Người tối nay đánh động chúng con và nói với chúng con, tất cả chúng con. Trong thế giới này mà Chúa yêu thương hơn cả chúng con yêu thương nó, chúng con đã lao tới với một tốc độ quá nhanh, cảm thấy đầy quyền lực và có thể làm được bất kỳ điều gì. Tham lam lợi nhuận, chúng con đã để cho bản thân bị vật chất tóm lấy, và bị quyến rũ bởi sự hấp tấp. Chúng con không dừng lại trước những lời quở trách của Người, chúng con không rùng mình trước những cuộc chiến tranh và bất công trên khắp thế giới, và chúng con cũng chẳng lắng nghe tiếng khóc của người nghèo hoặc của hành tinh đang nhuốm bệnh của chúng con. Chúng con tiếp tục tiến tới bất chấp, cho rằng mình sẽ vẫn khỏe mạnh trong một thế giới đã bị bệnh tật. Giờ đây chúng con đang trên biển cả phong ba, chúng con khẩn xin Người: “Chúa ơi, xin Người thức dậy!”

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lạy Chúa, Người đang kêu gọi chúng con, kêu gọi chúng con tin tưởng. Đó không chỉ là tin vào Người hiện hữu, nhưng là chạy đến với Người và tín thác vào Người. Mùa Chay này tiếng gọi của Người lại vang lên một cách cấp bách: “Hãy sám hối!”, “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Người đang kêu gọi chúng con hãy nắm bắt lấy thời gian thử thách này như là thời gian để lựa chọn. Nó không phải là thời gian xét xử của Người, nhưng là thời gian xét xử của chúng con: thời gian để chọn điều gì là hệ trọng và điều gì là chóng qua, thời gian để tách bạch điều gì là cần thiết và điều gì là không. Lạy Chúa, nó là thời gian để đưa cuộc sống chúng con trở về con đường với Người, với tha nhân. Chúng con có thể nhìn đến rất nhiều người gương mẫu trên hành trình, là những người cho dù sợ hãi nhưng vẫn hành động bằng cách hy sinh đời sống của họ. Đây là sức mạnh của Thần Khí rót đổ và tạo nên qua sự hy sinh dũng cảm và quảng đại. Đó chính là sự sống trong Thần Khí để có thể chuộc lại, trao giá trị và cho thấy đời sống chúng ta được đan kết và gìn giữ bởi những con người bình thường như thế nào – thường là những người bị lãng quên – những con người không xuất hiện trên các trang nhất của báo và tạp chí, cũng không xuất hiện trên các sàn diễn thời trang lớn trong những buổi diễn mới nhất, nhưng chính là những con người trong những ngày này viết lên biến cố quyết định cho thời đại của chúng ta: những bác sĩ, y tá, nhân viên siêu thị, người lao công, người phụ chăm sóc y tế, những người chuyên chở, các lực lượng luật pháp và giữ trật tự, những thiện nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ và rất nhiều người khác, tất cả họ hiểu rằng chẳng có ai đạt được ơn cứu độ bằng chính cá nhân mình. Trước quá nhiều đau khổ, sự phát triển đích thực của các dân tộc được đánh giá, chúng ta cảm nghiệm được lời cầu nguyện của Chúa Giê-su: “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Không biết bao nhiêu người hàng ngày đang thực hành đức kiên nhẫn và trao tặng hy vọng, chăm chú gieo hạt giống trách nhiệm chung chứ không phải là sự hoảng loạn. Không biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, và các nhà giáo dục, bằng những cử chỉ nhỏ bé mỗi ngày, đang chỉ cho con cái của chúng ta thấy cách thức để đối mặt và đi qua khủng hoảng bằng sự điều chỉnh những thói quen của chúng, hướng ánh mắt của chúng nhìn lên và dâng lời cầu nguyện. Không biết bao nhiêu người đang cầu nguyện, dâng lên và cầu thay nguyện giúp vì sự tốt lành cho tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ thầm lặng: đây là những vũ khí khải hoàn của chúng ta.

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Niềm tin bắt đầu khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần được cứu rỗi. Chúng ta không thể tự mình lo cho mình; chúng ta sẽ sụp đổ nếu chỉ dựa vào riêng bản thân: chúng ta cần Chúa như những nhà hàng hải xưa kia cần các ngôi sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giê-su lên những con thuyền cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy chuyển những nỗi sợ hãi của chúng ta cho Người để Người chế ngự chúng. Cũng như các môn đệ, chúng ta sẽ có kinh nghiệm rằng có Người ở trên thuyền thì sẽ không lo bị đắm. Vì đây là sức mạnh của Chúa: biến đổi mọi điều xảy ra cho chúng ta trở nên tốt, ngay cả những điều xấu. Người mang đến sự yên bình trong những cơn bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa sự sống không bao giờ chết đi.

Giữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một cái neo: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát. Chúng ta có một bánh lái: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được cứu độ. Chúng ta có niềm hy vọng: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được chữa lành và được ôm lấy để không điều gì và không ai có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Người. Trong hoàn cảnh cách ly khi chúng ta đang chịu đựng cảnh thiếu thốn sự sự dịu dàng và cơ hội gặp gỡ, và chúng ta đang nếm trải sự mất mát rất nhiều thứ, một lần nữa chúng ta hãy lắng nghe lời loan báo giải thoát chúng ta: Người đã trỗi dậy và đang ở bên chúng ta. Từ trên thập giá Chúa kêu gọi chúng ta hãy tái khám phá sự sống đang chờ đợi chúng ta, để nhìn đến những người đang trông chờ chúng ta, để củng cố, nhận biết và thúc đẩy ân sủng sống trong ta. Chúng ta đừng dập tắt ngọn lửa đang chập chờn (x. Is 42:3) để không bao giờ lùi bước, và chúng ta hãy cho phép niềm hy vọng được nhen nhóm trở lại.

Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Anh chị em thân mến, từ nơi thể hiện niềm tin vững như bàn thạch của Phê-rô, tối nay cha xin phó dâng tất cả anh chị em lên Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, là Sức khỏe của mọi người và là Vì Sao của Biển cả giông bão. Từ hàng cột trụ ôm lấy thành Roma và toàn thế giới, nguyện xin phúc lành của Chúa đổ xuống trên anh chị em như vòng tay ôm ấp vỗ về. Lạy Chúa, xin Người chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác chúng con và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa nói chúng con đừng sợ, nhưng đức tin của chúng con yếu kém và chúng con đang sợ hãi. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ở lại với phong ba bão tố. Xin hãy nói với chúng con lần nữa: “Đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với Thánh Phê-rô, chúng con “trút cả mọi âu lo cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr 5:7).

© Libreria Editrice Vatican

[00417-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2020]