Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Huấn từ kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày 04.02.2024: “Thiên Chúa đến gần để đồng hành với chúng ta, dịu dàng và tha thứ cho chúng ta”

“Thiên Chúa đến gần để đồng hành với chúng ta, dịu dàng và tha thứ cho chúng ta”

Huấn từ kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày 04.02.2024: “Thiên Chúa đến gần để đồng hành với chúng ta, dịu dàng và tha thứ cho chúng ta”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật, ngày 4 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Chúa Giêsu đi ra ngoài để gặp gỡ nhân loại bị thương tích, Đấng đang di chuyển, Ngài đến thăm nhà của chúng ta, Ngài muốn cứu rỗi, giải phóng, chữa lành, đó là điều mà Đức Phanxicô nêu ra trong giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật này, bởi vì đức tin không phải là một niềm an ủi bị bỏ rơi, nhưng là sự thôi thúc làm cho mọi người biết đến một Chúa Cha đầy lòng yêu thương và trắc ẩn.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

____________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang di chuyển: thật vậy, Người vừa giảng dạy xong, và sau khi rời khỏi hội đường, Người đến nhà Simon Phêrô, tại đây Người chữa lành mẹ vợ của ông; sau đó, khi trời tối, Ngài lại đi ra cổng thành, nơi Ngài gặp nhiều người bệnh và bị quỷ ám và chữa lành cho họ; sáng hôm sau, Ngài dậy sớm và ra ngoài cầu nguyện; và cuối cùng, Ngài lại lên đường ngang qua Galilê (x. Mc 1:29-39). Chúa Giêsu luôn di chuyển.

Chúng ta hãy nhìn vào sự di chuyển liên tục này của Chúa Giêsu, nó cho chúng ta biết điều quan trọng về Thiên Chúa, đồng thời thách đố chúng ta bằng một số câu hỏi về đức tin của chúng ta.

Chúa Giêsu đến với nhân loại bị thương tích và cho chúng ta thấy dung nhan của Chúa Cha. Có thể trong chúng ta vẫn còn ý niệm về một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng, thờ ơ với số phận của chúng ta. Ngược lại, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu, sau khi giảng dạy trong hội đường, lại tiếp tục ra ngoài, để Lời Người giảng dạy có thể vươn tới, chạm vào và chữa lành mọi người. Khi làm điều này, Ngài tỏ lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ thờ ơ nói với chúng ta từ trên cao; trái lại, Ngài là một người Cha tràn đầy yêu thương, gần gũi với chúng ta, Ngài đến thăm nhà chúng ta, muốn cứu rỗi và giải thoát, chữa lành mọi bệnh tật thể xác và tinh thần. Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta. Thái độ của Thiên Chúa có thể được diễn tả bằng ba từ: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Thiên Chúa trở nên gần gũi để đồng hành với chúng ta cách dịu dàng và tha thứ cho chúng ta. Anh chị em đừng quên điều này: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đây là thái độ của Chúa.

Bước đi không ngừng của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta đã khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương, hay chúng ta tin và loan báo một Thiên Chúa lạnh lùng, một Thiên Chúa xa cách? Đức tin có khơi dậy trong chúng ta sự thao thức của cuộc hành trình hay nó là một sự an ủi đối với chúng ta, làm cho chúng ta an lòng? Chúng ta cầu nguyện chỉ để cảm thấy bình an, hay Lời chúng ta lắng nghe và rao giảng khiến chúng ta cất bước lên đường như Chúa Giêsu, hướng tới người khác, để lan tỏa sự an ủi của Thiên Chúa? Sẽ tốt cho chúng ta khi tự hỏi mình những câu hỏi này.

Vậy chúng ta hãy nhìn vào hành trình của Chúa Giêsu và nhắc nhở mình rằng nhiệm vụ thiêng liêng đầu tiên của chúng ta là: từ bỏ Thiên Chúa mà chúng ta cho là chúng ta biết, và hoán cải mỗi ngày theo Thiên Chúa mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta trong Tin Mừng, là Chúa Cha của tình yêu và là Cha của lòng trắc ẩn. Chúa Cha gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Và khi chúng ta khám phá ra dung nhan đích thực của Chúa Cha thì đức tin của chúng ta trưởng thành: chúng ta không còn là “Kitô hữu trong phòng áo”, hay “Kitô hữu phòng khách”, mà đúng hơn, chúng ta cảm thấy được mời gọi trở thành người mang niềm hy vọng và sự chữa lành của Thiên Chúa.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Người Nữ lên đường, giúp chúng ta tuyên xưng mình là chứng nhân của Chúa là Đấng gần gũi, nhân hậu và dịu dàng.

_______________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Ngày 10 tháng Hai đang tới, tại Đông Á và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu gia đình sẽ đón Tết Nguyên đán. Tôi gửi đến họ lời chào mừng thân ái, với hy vọng rằng dịp lễ này có thể là cơ hội để trải nghiệm những mối quan hệ yêu thương và những cử chỉ chăm sóc, góp phần tạo nên một xã hội đoàn kết và huynh đệ, trong đó mỗi người được nhìn nhận và được chào đón trong phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Khi xin phúc lành của Chúa cho mọi người, tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hòa bình, điều mà thế giới rất mong mỏi và ngày nay hơn bao giờ hết, đang bị đe dọa ở nhiều nơi. Đó không phải là trách nhiệm của một số ít, mà là của toàn thể gia đình nhân loại: tất cả chúng ta hãy hợp tác để xây dựng hòa bình bằng những cử chỉ trắc ẩn và can đảm!

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine và Israel.

Hôm nay tại Ý, chúng ta cử hành Ngày vì Sự sống với chủ đề “Sức mạnh của cuộc sống làm chúng ta ngạc nhiên”. Tôi cùng với các giám mục Ý hy vọng rằng những tầm nhìn ý thức hệ có thể được vượt qua để tái khám phá rằng cuộc sống của mỗi con người, ngay cả cuộc sống của những người bị hạn chế nhất, đều có một giá trị to lớn và có khả năng trao tặng điều gì đó cho người khác.

Cha chào các bạn trẻ thuộc nhiều quốc gia đã đến tham dự Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy ngẫm chống nạn Buôn người, sẽ được cử hành vào ngày 8 tháng Hai, là lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita, một nữ tu người Sudan bị bắt làm nô lệ khi còn nhỏ. Ngày nay cũng vậy, rất nhiều anh chị em bị lừa gạt bằng những lời hứa hão huyền và sau đó bị bóc lột và lạm dụng. Tất cả chúng ta cùng chung sức chống lại hiện tượng buôn người đầy bi thảm trên toàn cầu.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người thiệt mạng và bị thương trong các trận hỏa hoạn tàn khốc bùng phát ở miền trung Chile.

Và cha chào tất cả anh chị em đến Rome từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới. Cách đặc biệt cha xin chào các tu sĩ nam nữ đến từ hơn 60 quốc gia đang tham dự cuộc gặp gỡ “Những người hành hương hy vọng trên con đường dẫn tới hòa bình”, do Bộ Tu sĩ và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ tổ chức. Cha chào các con sinh viên đến từ Badajoz, Tây Ban Nha, và các sinh viên từ Trường Salêdiêng “Sévigné” ở Marseille, cũng như anh chị em tín hữu Ba Lan đến từ Warsaw và các thành phố khác; và các nhóm từ San Benedetto del Tronto, Ostra và Cingoli. Và cha nhìn thấy những lá cờ của Nhật ở đằng kia! Cha xin chào anh chị em người Nhật. Và cha nhìn thấy những lá cờ Ba Lan: cha xin chào anh chị em người Ba Lan và tất cả anh chị em, cũng như các bạn trẻ thuộc phong trào Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2024]


Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha

Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha

Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha

AFP

Aleteia

01/02/24


Mùa Chay năm nay bắt đầu vào ngày Valentine. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy ngẫm chủ đề: “Vượt qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do”.

*******

Vượt qua sa mạc Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do

Anh chị em thân mến!

Khi Thiên Chúa tỏ mình ra, thông điệp của Ngài luôn là thông điệp về tự do: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20:2). Đây là những lời đầu tiên trong Mười Điều răn trao cho ông Môsê trên Núi Sinai. Những người nghe các lời này đều đã rất quen thuộc với cuộc xuất hành mà Thiên Chúa nói tới: kinh nghiệm về cảnh nô lệ vẫn đè nặng lên họ. Trong sa mạc, họ nhận được “Mười Điều răn” như con đường dẫn đến tự do. Chúng ta gọi mười điều đó là “các giới răn”, nhằm làm nổi bật sức mạnh tình yêu mà Thiên Chúa dùng để uốn nắn dân Người. Tiếng gọi tự do là một tiếng gọi đòi hỏi khắt khe. Nó không được đáp lời ngay lập tức; nó phải trưởng thành như một phần của cuộc hành trình. Cũng như dân Israel trong sa mạc vẫn níu lấy Ai Cập – thường khao khát quá khứ và phàn nàn chống lại Đức Chúa và Môsê – ngày nay cũng vậy, dân Chúa có thể bám lấy một xiềng xích đè nặng mà họ được kêu gọi bỏ lại phía sau. Chúng ta cảm nhận điều này rất đúng trong những lúc chúng ta cảm thấy tuyệt vọng, lang thang trong cuộc đời như một sa mạc và thiếu một miền đất hứa làm đích đến. Mùa Chay là mùa ân sủng trong đó sa mạc một lần nữa có thể trở thành nơi – theo lời của tiên tri Hôsê – diễn ra tình yêu ban đầu của chúng ta (x. Hs 2:16-17). Thiên Chúa uốn nắn dân Ngài, Chúa giúp chúng ta rời bỏ tình trạng nô lệ và trải nghiệm Lễ Vượt Qua từ cái chết đến sự sống. Như chàng rể, một lần nữa Chúa kéo chúng ta đến với Người, thì thầm vào tâm hồn chúng ta những lời yêu thương.

Cuộc xuất hành đi từ kiếp nô lệ đến tự do không phải là một cuộc hành trình trừu tượng. Nếu việc cử hành Mùa Chay của chúng ta trở nên cụ thể thì bước đi đầu tiên là khát khao mở rộng tầm mắt chúng ta trước thực tại. Khi Chúa gọi ông Môsê từ bụi gai bốc cháy, Chúa liền cho thấy rằng Người là Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy và trên hết là nghe thấy: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3:7-8). Ngày nay cũng vậy, tiếng kêu của quá nhiều anh chị em bị áp bức của chúng ta đã thấu tận trời cao. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta có nghe thấy tiếng kêu đó không? Nó có làm chúng ta day dứt không? Nó có đánh động chúng ta không? Có quá nhiều điều khiến chúng ta xa cách nhau, phủ nhận tình huynh đệ là mối dây ràng buộc chúng ta với nhau ngay từ thuở đầu.

Trong lần tôi đến thăm Lampedusa, như một cách để chống lại sự toàn cầu hóa tính thờ ơ, tôi đã đặt hai câu hỏi ngày càng trở nên cấp bách hơn: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9) và “Em ngươi đâu rồi?” (St 4:9). Hành trình Mùa Chay của chúng ta sẽ trở nên cụ thể nếu chúng ta, bằng cách lắng nghe hai câu hỏi đó một lần nữa, hiểu rõ rằng ngay cả ngày nay chúng ta vẫn đang ở dưới sự cai trị của Pharaon. Một sự cai trị khiến chúng ta mệt mỏi và thờ ơ. Một mô hình phát triển gây chia rẽ và cướp đi tương lai của chúng ta. Trái đất, không khí và nước bị ô nhiễm, và tâm hồn của chúng ta cũng vậy. Đúng là Bí tích Rửa tội đã bắt đầu tiến trình giải thoát cho chúng ta, tuy nhiên trong chúng ta vẫn còn một lòng ham muốn mãnh liệt tình trạng nô lệ không thể giải thích được. Một kiểu bị cuốn hút bởi sự an toàn của những thứ quen thuộc, làm tổn hại đến sự tự do của chúng ta.

Trong trình thuật Xuất Hành, có một chi tiết quan trọng: chính Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy, động lòng và mang đến sự tự do; Israel không cầu xin điều này. Pharaon đã bóp nghẹt những giấc mơ, chặn đứng tầm nhìn về thiên đàng, khiến cho thế giới này, trong đó phẩm giá con người bị chà đạp và những mối ràng buộc đích thực bị phủ nhận, dường như không bao giờ có thể thay đổi được. Vua đặt mọi thứ ràng buộc vào bản thân ông ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có muốn một thế giới mới không? Tôi có sẵn sàng từ bỏ những thỏa hiệp với thế giới cũ không? Bằng chứng của nhiều anh em giám mục và rất nhiều người hoạt động vì hòa bình và công lý ngày càng thuyết phục tôi rằng chúng ta cần phải chống lại tình trạng thiếu hy vọng, một tình trạng bóp nghẹt những giấc mơ và tiếng kêu âm thầm thấu tới thiên đàng và làm rung động trái tim Thiên Chúa. Tình trạng “thiếu hy vọng” này không khác gì nỗi hoài niệm về thân phận nô lệ đã làm dân Israel tê liệt trong sa mạc và ngăn cản họ tiến về phía trước. Một cuộc xuất hành có thể bị gián đoạn: có cách nào khác để chúng ta có thể giải thích sự thật rằng nhân loại đã bước đến ngưỡng cửa của tình huynh đệ phổ quát và ở mức độ mà sự phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa và pháp lý có khả năng bảo đảm phẩm giá cho tất cả mọi người, tuy nhiên lại vẫn đang dò dẫm trong bóng tối của bất bình đẳng và xung đột.

Thiên Chúa không mệt mỏi với chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận Mùa Chay như một mùa trọng đại trong đó Chúa nhắc nhở chúng ta: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20:2). Mùa Chay là mùa hoán cải, thời gian của tự do. Chúng ta nhớ lại hàng năm vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, chính Chúa Giêsu được Thần Khí đưa vào hoang địa để chịu cám dỗ trong sự tự do. Trong bốn mươi ngày, Người sẽ đứng trước chúng ta và cùng với chúng ta: Chúa Con xuống thế. Không như Pharaon, Thiên Chúa không muốn các thần dân mà muốn những người con. Sa mạc là nơi mà sự tự do của chúng ta có thể trưởng thành qua quyết định của cá nhân không quay trở lại kiếp nô lệ. Trong Mùa Chay, chúng ta tìm thấy các tiêu chí mới về công lý và một cộng đồng để chúng ta có thể tiến bước trên con đường chưa từng đi.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến một sự đấu tranh, như sách Xuất hành và những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc đã cho chúng ta thấy rõ. Tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng phán: “Con là Con yêu dấu của Cha” (Mc 1:11), và “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:3) bị kẻ thù và những lời dối trá của hắn chống lại. Điều đáng sợ hơn cả Pharaon là những ngẫu tượng mà chúng ta tự dựng lên cho mình; chúng ta có thể coi những ngẫu tượng đó như tiếng nói của Ngài đang nói trong chúng ta. Trở nên toàn năng, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị người khác: mỗi con người đều nhận thức được sự dối gạt đó có thể quyến rũ mạnh mẽ đến mức nào. Đó là con đường có nhiều người đi. Chúng ta có thể trở nên gắn bó với tiền bạc, với những dự án, những ý tưởng hay mục tiêu nào đó, gắn bó với vị trí của mình, với một truyền thống, thậm chí với một số cá nhân nhất định. Thay vì khiến chúng ta tiến về phía trước, chúng lại làm chúng ta tê liệt. Thay vì gặp gỡ, chúng tạo ra xung đột. Tuy nhiên, cũng có một nhân loại mới, một dân tộc gồm những người bé mọn và khiêm nhường không chịu khuất phục trước sức quyến rũ của sự dối lừa. Trong khi những người thờ ngẫu tượng trở nên giống như các ngẫu tượng, câm, mù, điếc và bất động (x. Tv 114:4), thì những người nghèo khó về tinh thần lại mở lòng và sẵn sàng: một sức mạnh âm thầm tốt lành chữa lành và duy trì thế giới.

Đã đến lúc phải hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là tạm dừng lại. Dừng lại để cầu nguyện, để đón nhận lời Chúa, dừng lại như người Samari trước sự hiện diện của một người anh chị em bị thương tích. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là cùng một tình yêu. Không thờ các thần khác là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh thân xác của người lân cận chúng ta.

Vì lý do này, cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba hành vi không liên quan với nhau, mà là một động tác duy nhất của sự mở lòng và từ bỏ bản thân, qua đó chúng ta vứt bỏ những ngẫu tượng đè nặng chúng ta, những ràng buộc giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim bị bóp nghẹt và cô lập sẽ hồi sinh. Hãy chậm lại và tạm dừng lại! Chiều kích chiêm niệm cuộc sống mà Mùa Chay giúp chúng ta tái khám phá sẽ dẫn đến những nguồn năng lượng mới. Trước sự mặt Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm hơn với nhau: thay vì là những mối đe dọa và kẻ thù, chúng ta tìm thấy những bằng hữu và bạn đồng hành. Đây là giấc mơ của Chúa, là miền đất hứa mà chúng ta hành trình tiến đến sau khi bỏ kiếp nô lệ.

Hình thức đồng nghị của Giáo hội, mà trong những năm này chúng ta đang khám phá và vun đắp, gợi ý rằng Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định mang tính cộng đồng, của những quyết định, nhỏ và lớn, mang tính lội ngược dòng. Những quyết định có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của các cá nhân và toàn bộ khu xóm, chẳng hạn như cách chúng ta tìm kiếm của cải, chăm sóc tạo vật và cố gắng bao gồm những người không được ai nhìn đến hoặc những người bị khinh khi. Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn Kitô giáo hãy làm việc này: dành cho các thành viên của cộng đoàn những khoảnh khắc riêng để suy nghĩ lại về cách sống của họ, những khoảng thời gian để kiểm tra sự hiện diện của họ trong xã hội và sự đóng góp của họ để làm cho xã hội tốt hơn. Khốn thay cho chúng ta nếu việc sám hối Kitô giáo của chúng ta giống với cách sám hối đã khiến Chúa Giêsu phiền lòng. Ngài nói điều này cả với chúng ta: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6:16). Thay vào đó, hãy để người khác nhìn thấy những khuôn mặt vui tươi, ngửi thấy hương vị tự do và nếm trải tình yêu khiến mọi thứ trở nên mới mẻ, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và gần gũi nhất với chúng ta. Điều này có thể xảy ra trong mỗi cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta.

Mùa Chay này trở thành thời gian hoán cải tới mức một nhân loại đầy lo âu sẽ nhận thấy sự bùng nổ tính sáng tạo, một tia hy vọng mới. Cho phép tôi nhắc lại điều tôi đã nói với các bạn trẻ mà tôi gặp ở Lisbon mùa hè năm ngoái: “Hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tại thời điểm này, chúng ta phải đối mặt với những rủi ro lớn; chúng ta nghe thấy lời cầu xin đau đớn của rất nhiều người. Quả thực, chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra trên từng vùng. Tuy nhiên, chúng ta hãy can đảm nhìn thế giới của chúng ta, không phải là thế giới đang hấp hối mà đang trong quá trình sinh nở, không phải ở điểm kết thúc mà là khởi đầu của một chương mới của lịch sử vĩ đại. Chúng ta cần sự can đảm để suy nghĩ như vậy” (Diễn từ trước các sinh viên đại học, ngày 3 tháng Tám năm 2023). Lòng can đảm hoán cải như vậy được sinh ra từ việc thoát khỏi tình trạng nô lệ. Vì đức tin và đức ái nắm lấy tay đức cậy như đứa trẻ. Đức tin và đức ái dạy đức cậy bước đi, đồng thời đức cậy dẫn đức tin và đức ái tiến về phía trước. [1]

Tôi chúc lành tất cả anh chị em và hành trình Mùa chay của anh chị em.

Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 3 tháng Mười Hai 2023, Chúa nhật thứ Nhất Mùa Vọng.

______________________________________________

[1] Cf. CH. PÉGUY, The Portico of the Mystery of the Second Virtue.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/2/2024]