Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự kiện toàn sứ mạng của Đấng Mê-xi-a

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự kiện toàn sứ mạng của Đấng Mê-xi-a
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự kiện toàn sứ mạng của Đấng Mê-xi-a

Quyết định của Chúa Giê-su là ‘quyết liệt và dứt khoát’, và những kẻ được kêu gọi đi theo Người lại chống lại nó’

30 tháng Sáu, 2019 15:10

Dưới đây là bản dịch của ZENIT (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin mừng hôm nay (x. Lc 9:51-62), Thánh Lu-ca bắt đầu trình thuật về hành trình cuối cùng của Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, hành trình sẽ kết thúc trong chương 19. Nó là một bước đường thật dài, không chỉ về mặt địa lý và không gian, nhưng cả về tinh thần và thần học, tiến đến sự kiện toàn sứ mạng của Đấng Mê-xi-a. Quyết định của Chúa Giê-su là ‘quyết liệt và dứt khoát’, và những kẻ được kêu gọi đi theo Người lại chống lại nó. Hôm nay tác giả Tin mừng trình bày cho chúng ta ba nhân vật — ba trường hợp của ơn gọi, chúng ta có thể nói như vậy — nó làm sáng tỏ những gì được đòi hỏi nơi một người muốn đi theo Chúa Giê-su đến cùng — tuyệt đối.

Nhân vật thứ nhất hứa với Ngài: “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (c. 57). Anh ta thật quảng đại! Tuy nhiên, Chúa Giê-su trả lời rằng, không như những con cáo còn có hang, và con chim còn có tổ, “Con Người không có chỗ tựa đầu” (c. 58) — sự nghèo khó thật sự của Chúa Giê-su. Thật vậy, Chúa Giê-su đã rời bỏ nhà của Cha và từ bỏ mọi sự an toàn để đi công bố Nước Thiên Chúa cho những con chiên bị lạc mất của dân Người. Vì thế Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta, là những môn đệ của Người, rằng sứ mạng của chúng ta trên trần gian không phải là tĩnh nhưng là hoạt động khắp nơi. Về bản chất Giáo hội luôn chuyển động, Giáo hội không ngồi im và bình thản trong sự khép kín của mình. Giáo hội mở ra trước những chân trời rộng lớn nhất, được sai đi — Giáo hội được sai đi! — để đem Tin mừng trên những con đường và tiến đến những vùng ngoại vi của con người và cuộc sống. Đây là nhân vật thứ nhất.

Nhân vật thứ hai mà Chúa Giê-su gặp gỡ nhận được lời kêu gọi trực tiếp từ Ngài, nhưng anh ta trả lời: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (c. 59). Đó là một lời yêu cầu đúng đắn, dựa trên Điều răn phải thảo kính cha mẹ (x. Xh 20:12). Tuy nhiên, Chúa Giê-su trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (c. 60). Với những lời này, dễ làm bực mình, Ngài có ý khẳng định sự ưu tiên hàng đầu cho việc đi theo và loan báo về Nước Thiên Chúa, thậm chí còn hơn cả những thực tại quan trọng, chẳng hạn như gia đình. Tính cấp bách của việc rao truyền Tin mừng, nó bẻ gãy xiềng xích của sự chết và khởi đầu cho sự sống trường tồn, không chấp nhận sự trì hoãn nhưng kêu gọi sự sốt sắng và sẵn sàng. Vì vậy, GIáo hội luôn lên đường, và ở đây Giáo hội dứt khoát, Giáo hội hành động vội vã, ngay lập tức, và không chờ đợi.

Nhân vật thứ ba cũng muốn đi theo Chúa Giê-su nhưng anh ta ra một điều kiện: anh ta sẽ theo Chúa sau khi đã về từ biệt cha mẹ. Và anh ta nghe Thầy nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (c. 62). Việc đi theo Chúa Giê-su là phải bỏ tất cả những nuối tiếc và không nhìn lại con đường cũ, nhưng đòi hỏi đức tính dứt khoát.

Để đi theo Chúa Giê-su, Giáo hội luôn luôn lên đường, Giáo hội hành động ngay lập tức, trong vội vã và dứt khoát. Giá trị của những điều kiện này được đặt ra bởi Chúa Giê-su — lên đường, nhanh chóng, và dứt khoát — không nằm trong một loạt chữ “không” trước những sự tốt lành và quan trọng của đời sống. Thay vì vậy, trọng tâm được đặt vào mục tiêu chính: trở thành một môn đệ của Đức Ki-tô! Một lựa chọn tự do và đầy ý thức được thực hiện bởi tình yêu, để đáp lại ơn sủng vô biên của Chúa, và không dùng nó như một con đường để đề cao bản thân. Đây là điều đáng buồn! Khốn cho những ai nghĩ đến việc đi theo Chúa Giê-su để đề cao bản thân, cụ thể là có được một sự nghiệp, để cảm thấy quan trọng hoặc để đạt được một vị trí danh giá. Chúa Giê-su muốn chúng ta phải say mê Ngài và Tin mừng. Một sự say mê của con tim được biến thành những hành động cụ thể của sự gần gũi, của lòng hiếu khách và chăm sóc những anh em thiếu thốn nhất, đúng theo con đường Người đã sống.

Nguyện xin Mẹ Maria, biểu tượng của Giáo hội lên đường, giúp chúng ta đi theo Chúa Giê-su với niềm vui, và bằng tình yêu được đổi mới, để loan báo cho anh em Tin Vui của ơn cứu độ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sự kiện toàn sứ mạng của Đấng Mê-xi-a

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Trong những giờ qua, chúng ta đã chứng kiến tại Triều Tiên một mẫu gương tốt lành của văn hóa gặp gỡ Tôi xin chào những người giữ vai trò chủ đạo, với lời cầu nguyện rằng hành động quan trọng như vậy có thể góp phần cho một bước đi xa hơn trên con đường hòa bình, không chỉ trong Bán đảo nhưng cho cả toàn thế giới.

Trong ngày cuối cùng của Tháng Sáu này, cha hy vọng tất cả mọi người lao động sẽ có thể có một thời gian nghỉ ngơi của mùa hè, đó là điều tốt lành cho họ và cho gia đình họ.

Cha cầu nguyện cho tất cả những người trong những ngày này đã phải chịu đựng các hậu quả của nhiệt độ nóng: người bệnh, người già, những người phải làm việc ngoài trời, trong các công trường xây dựng … Ước mong rằng không ai bị bỏ rơi và bị bóc lột.

Và bây giờ cha gửi lời chào nồng hậu đến tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương: các gia đình, các nhóm giáo xứ và hiệp hội.

Đặc biệt, cha chào nhóm các Nữ tu Thánh Elizabeth và anh chị em hành hương đến bằng xe đạp từ Sartirana Lomellina. Cha nhìn thấy ở đằng kia rất nhiều người Ba lan … Cha xin chào anh chị em người Ba lan. Thật là tốt!

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/7/2019]


Đức Thánh Cha phát biểu trước FAO: Chúng tôi ủng hộ nỗ lực toàn cầu để chấm dứt nạn đói trên thế giới

Đức Thánh Cha phát biểu trước FAO: Chúng tôi ủng hộ nỗ lực toàn cầu để chấm dứt nạn đói trên thế giới
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha phát biểu trước FAO: Chúng tôi ủng hộ nỗ lực toàn cầu để chấm dứt nạn đói trên thế giới

Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng xin quyền căn bản này

27 tháng Sáu, 2019 15:34

“Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của họ và để tìm ra những con đường giúp họ có thể duy trì sự sống và chứng kiến những quyền căn bản nhất của họ được tôn trọng.”

Hôm nay ngày 27 tháng Sáu, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này trước một phái đoàn từ Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO), trong phiên họp thứ 41 của họ nhóm họp ở Roma, từ 22 đến 29 tháng Sáu, 2019.

“Thiếu lương thực và nước không phải là chuyện riêng và thuộc nội bộ của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhưng là một việc liên quan đến từng người chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, lưu ý rằng bước tiếp cận mà chúng ta thực hiện khiến chúng ta phải có trách nhiệm, bằng cách này hoặc cách khác, để tăng thêm hoặc giảm nhẹ sự đau khổ cho nhiều người trong anh em của chúng ta.

Đức Phanxico tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh hợp tác với FAO và để “hỗ trợ nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới” và để “bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh của chúng ta và cho nhân loại nói chung.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị và công cuộc và sự tận tâm của quý vị dành cho sự tiến bộ thật sự của đại gia đình nhân loại của chúng ta.”

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:


****

Tôi xin chào ông Chủ tịch, ông Enzo Benech, phái đoàn của các quốc gia và cơ quan khác nhau, và tất cả quý vị tham dự trong Phiên họp thứ 41 của Hội nghị FAO. Đặc biệt, tôi xin trân trọng gửi lời chào và lòng kính trọng đến ngài Tổng Giám đốc là Giáo sư José Graziano da Silva, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ phục vụ trong Tổ chức này trong vài tuần tới. Tôi xin chúc mừng Ông Qu Dongyu được bầu làm Tổng Giám đốc của FAO. Tôi tin rằng với sự trợ giúp và hợp tác của tất cả, chúng ta sẽ tiếp tục chung sức trong việc mở rộng và nâng cao nỗ lực để đạt được Những Mục tiêu 1 và 2 của Chương trình Nghị sự 2030 với tinh thần trách nhiệm và cam kết, và từ đó chấm dứt được những tai họa phức tạp, bi thảm và không thể chấp nhận được của nạn đói và an ninh lương thực với tốc độ và hiệu quả nhanh hơn.

Mục tiêu Không có Nạn đói trên toàn thế giới vẫn còn là một thách thức lớn, dù chúng ta phải công nhận rằng đã có những tiến bộ rất lớn được thực hiện trong những thập kỷ gần đây. Để chống lại việc thiếu lương thực và tiếp cận được với nước sạch, cần phải có sự can thiệp vào những nguyên nhân gốc rễ của nó. Trước hết nguồn gốc của thảm kịch này nằm trong sự thất bại của lòng trắc ẩn, thiếu quan tâm về phía nhiều người và thiếu thiện chí xã hội và chính trị để tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế.

Thiếu lương thực và nước không phải là chuyện riêng và thuộc nội bộ của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhưng là một việc liên quan đến từng người chúng ta. Sự tiếp cận mà chúng ta thực hiện khiến chúng ta phải có trách nhiệm, bằng cách này hoặc cách khác, để tăng thêm hoặc giảm nhẹ sự đau khổ cho nhiều người trong anh em của chúng ta (x. Diễn từ trước các thành viên của Liên đoàn các Ngân hàng Lương thực Châu Âu, 18 tháng Năm, 2019). Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của họ và để tìm ra những con đường giúp họ có thể duy trì sự sống và chứng kiến những quyền căn bản nhất của họ được tôn trọng.

Một trong những phương tiện này, nó nằm trong tầm tay của chúng ta, là giảm bớt sự lãng phí lương thực và nước. Để điều này được thực hiện, phải gia tăng ý thức về vấn đề và cảm thức lớn hơn về trách nhiệm xã hội sẽ chứng minh là một sự đầu tư tốt, cho cả ngắn và dài hạn. Từ đó thế hệ trẻ sẽ truyền lại chứng tá này cho những thế hệ đến tiếp sau, trong ý thức mạnh mẽ rằng thảm kịch xã hội này không bao giờ được tha thứ (x. Tông huấn Laudato Si’, 50).

Có một mối liên kết rõ ràng giữa sự bất ổn về môi trường, an ninh lương thực và những làn sóng di cư. Những con số ngày càng tăng số người tị nạn trên khắp thế giới trong những năm gần đây cho chúng ta thấy rằng vấn đề của một quốc gia là một vấn đề của toàn gia đình nhân loại. Vì lý do này, sự phát triển nông nghiệp cần được thúc đẩy trong những vùng dễ bị tổn thương nhất, đẩy mạnh khả năng phục hồi và ổn định của đất canh tác. Về một mặt, điều này chỉ có thể được thực hiện bằng việc đầu tư vào sự phát triển công nghệ, và về mặt khác, bằng cách đưa ra những chính sách đổi mới và đoàn kết cho sự phát triển.

FAO và các tổ chức quốc tế khác là những nhân tố thích hợp để phối hợp những biện pháp cần thiết và quyết định nhằm mục tiêu bảo đảm rằng tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, có được sự tiếp cận với những sự tốt lành căn bản. Những cơ quan đa phương này cần được hỗ trợ bởi những cam kết của các chính phủ, các doanh nghiệp, các học viện, các cơ quan xã hội dân sự và những cá nhân riêng lẻ. Các nỗ lực chung của tất cả mọi người sẽ làm hiện thực những mục tiêu và cam kết đã được đưa ra, qua những chương trình và chính sách đủ khả năng giúp người dân địa phương phát triển ý thức trách nhiệm về đất nước, cộng đồng, và cuối cùng là chính sự sống của họ.

Tôi muốn kết thúc bằng lời tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh cùng hợp tác với FAO và hỗ trợ nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới, và để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh của chúng ta và cho toàn nhân loại nói chung. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị và công cuộc và sự tận tâm của quý vị dành cho sự tiến bộ thật sự của đại gia đình nhân loại của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/6/2019]