Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Những đập ngăn nước trên sông Mekong của Trung Quốc gây những hậu quả nặng nề cho Đông Nam Á

Những đập ngăn nước trên sông Mekong của Trung Quốc gây hậu quả nặng nề cho Đông Nam Á


Nghiên cứu mới cho biết một thác nước của các đập nước đang đe dọa sinh kế của hàng triệu người trong sáu quốc gia

Những con đập trên sông Mekong của Trung Quốc gây những hậu quả nặng nề cho Đông Nam Á

Một tàu du lịch di chuyển dọc theo Sông Mekong lúc hoàng hôn ở Phnom Penh ngày 22 tháng Tư. Ước tính khoảng 200 triệu người phải lệ thuộc vào con sông dài 4.350 km này. (Photo: Tang Chhin Sothy/AFP)

12 tháng Năm, 2020

Các chuyên gia cho biết việc ngăn đập bừa bãi của Trung Quốc trên Sông Mekong để sản xuất thủy điện đã dẫn đến hậu quả tàn phá nghiêm trọng cho những người sống dọc theo con sông dài nhất Đông Nam Á này.

Các tác giả của một nghiên cứu mới giải thích rằng thác nước của các con đập trên thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của Sông Mekong, nó gây ra sự tàn phá nặng nề cho môi trường và đang đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người trong sáu quốc gia.

Hai nhà khoa học, Alan Basist và Claude Williams, đi đến kết luận này qua việc nghiên cứu dữ liệu vệ tinh từ năm 1992 đến 2019, cũng như dữ liệu máy đo mức thủy triều cao nhất của sông tại Chiang Saen ở Thái Lan.

“Hiện tại 126,44 mét mực thủy triều cao đang bị mất tại máy đo ở Chiang Saen trong suốt 28 năm ghi nhận,” các tác giả lưu ý trong báo cáo của họ được xuất bản bởi Hiệp hội Đối tác Cơ sở Hạ tầng Bền vững do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, một quan hệ đối tác đa quốc gia giữa các nước bị ảnh hưởng.

“Huaneng Hydrolancang, một công ty nhà nước của Trung Quốc, xây dựng một loạt các đập ngăn nước trên dòng chính của Sông Mekong trong thời gian đó,” họ cho biết thêm.

Trung Quốc xây dựng đập nước đầu tiên trên thượng nguồn sông năm 1992 và đến nay đang vận hành 11 đập dọc theo sông Mekong. Nước này đang dự định xây thêm nhiều đập để sản xuất thủy điện.

Hai chuyên gia nói rằng nước sông được lưu giữ với số lượng lớn tại các hồ chứa của các đập nước của Trung Quốc về hướng thượng nguồn, chặn giữ nguồn nước đến các quốc gia dưới hạ nguồn.

Việc này đã dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn dòng chảy tự nhiên của sông, gây ra “những mực độ nước sông thấp nhất trong suốt thời gian năm [ngoái],” họ viết.

Trung Quốc bác bỏ những khẳng định này.

Ước tính khoảng 200 triệu người phải lệ thuộc vào con sông dài 4.350 km này, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Miến Điện, Lào, Thái Lan và Cambodia trước khi đổ ra biển Nam Hải tại Việt Nam.

Năm ngoái, một đợt hạn hán kéo dài đã cho thấy mực nước sông Mekong sụt giảm kỷ lục trong nhiều tuần liền, gây nguy hiểm cho sinh kế của ngư dân và nguồn cung cấp lương thực của các cộng đồng ven sông sống nhờ vào nguồn nước sông để tưới cho nông nghiệp.

“Việc quản lý đập của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn phá trong các vùng nước thuộc hạ lưu,” Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh.

“Việc xả đập bất ngờ đã gây ra mực nước sông tăng nhanh chóng tàn phá các cộng đồng ở hạ lưu, làm cho hàng triệu người bị thiệt hại và làm rúng động những quy trình sinh thái của sông.”

Cắt nguồn nước thượng nguồn, Trung Quốc đang gây ra thiệt hại lớn và không thể khắc phục về môi trường đối với hạ lưu sông Mekong, Fitch Solutions là một công ty tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro của Mỹ nhấn mạnh.

“Chúng tôi tin rằng mối đe dọa về hậu quả đối với an ninh lương thực do thiệt hại này sẽ gây áp lực lên tình trạng lạm phát đối với các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong,” Fitch Solutions viết trong báo cáo của họ năm nay.

“Sự phá hủy hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi trong hoạt động kinh tế dọc theo các bờ sông rời bỏ nông nghiệp và hướng tới các dịch vụ sản xuất công nghiệp và chào đón chẳng hạn ngành du lịch.”

Xu hướng này có thể giáng thêm đòn nữa vào sức khỏe môi trường của sông Mekong to lớn và đánh vào đời sống hạnh phúc của những người sống dọc theo con sông.



[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2020]


Toàn văn Sứ điệp Ngày Y tá Quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi ‘ơn gọi’ của các y tá như là ‘những người bảo vệ & giữ gìn’ sự sống

Toàn văn Sứ điệp Ngày Y tá Quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi ‘ơn gọi’ của các y tá như là ‘những người bảo vệ & giữ gìn’ sự sống
Copyright: Vatican Media

Toàn văn Sứ điệp Ngày Y tá Quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi ‘ơn gọi’ của các y tá như là ‘những người bảo vệ & giữ gìn’ sự sống

‘Họ là những người nam và nữ đã chọn lời “xin vâng” với ơn gọi rất đặc biệt: ơn gọi trở thành những người Samari tốt lành quan tâm đến sự sống và sự đau khổ của người khác’

12 tháng Năm, 2020 12:59

Hôm nay ngày 12 tháng Năm, đánh dấu Ngày Y tá Quốc tế, và Đức Phanxico khen ngợi các y tá trên toàn thế giới.

Trong một lời bình trên tài khoản @Pontifex của Giáo hoàng, Đức Phanxico nhắc lại: ‘Hôm nay là Ngày Y tá Quốc tế. Việc chăm sóc người bệnh còn hơn cả một nghề nghiệp – nó là một ơn gọi, một sự cống hiến. Trong đại dịch này, họ đã thể hiện mẫu gương anh dũng. Một số người thậm chí đã hy sinh mạng sống. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các y tá.’

Ngày Y tá Quốc tế được thành lập năm 1965 bởi Hội đồng Y tá Quốc tế.

Ngày 12 tháng Năm đánh dấu kỷ niệm ngày sinh của nữ y tá người Anh Florence Nightingale, sinh ngày 12 tháng Năm năm 1820 tại Florence nước Ý, và qua đời ngày 13 tháng Tám năm 1910 ở London, ở tuổi 90. Bà đã cống hiến cuộc đời cho người bệnh và cải thiện việc chăm sóc y tế.



Hôm nay là Ngày Y tá Quốc tế. Việc chăm sóc người bệnh còn hơn cả một nghề nghiệp – nó là một ơn gọi, một sự cống hiến. Trong đại dịch này, họ đã thể hiện mẫu gương anh dũng. Một số người thậm chí đã hy sinh mạng sống. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các y tá.


Trong sứ điệp này, Đức Giáo hoàng nói về ‘ơn gọi’ trở thành y tá.

Đức Thánh Cha nói, “Tại thời điểm khủng hoảng này, được đánh dấu bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng nền tảng của vai trò được thực hiện bởi những y tá và người hộ sanh.”

“Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy chứng tá can đảm và hy sinh của những nhân viên chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là các y tá, những người với khả năng chuyên môn, sự hy sinh, và ý thức trách nhiệm và lòng yêu thương tha nhân, hỗ trợ những người bị nhiễm virus, thậm chí đến mức dấn thân vào nguy hiểm.”

Ngài than phiền, “Thật đáng buồn, có thể nhìn thấy điều này nơi con số rất nhiều nhân viên y tế đã chết vì sự trung thành phục vụ của họ.”

“Tôi cầu nguyện cho họ – Chúa biết tên của từng người họ – và cho tất cả các nạn nhân của đại dịch này. Xin Thiên Chúa Phục sinh ban cho họ ánh sáng của thiên đàng và ban cho gia đình họ sự an ủi đức tin,” Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói đến tầm quan trọng nền tảng,’ nhấn mạnh rằng họ là ‘những người bảo vệ và giữ gìn sự sống, những người thậm chí khi thực hiện việc điều trị cần thiết, cho thấy sự can đảm, hy vọng và tin tưởng.”

Đức Phanxico cũng ca ngợi sự anh dũng của các y tá trong bài giảng Lễ sáng trong Nhà nguyện Thánh Marta.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) chính thức của Vatican toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha;


***

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng Ngày Y tá Quốc tế, trong bối cảnh Năm của Y tá và người Hộ sanh Quốc tế được công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới. Thời điểm này, chúng ta kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của bà Florence Nightingale, người tiên phong trong ngành y tá hiện đại.

Tại thời điểm khủng hoảng này, được đánh dấu bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng nền tảng của vai trò được thực hiện bởi những y tá và người hộ sanh. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy chứng tá can đảm và hy sinh của những nhân viên chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là các y tá, những người với khả năng chuyên môn, sự hy sinh, và ý thức trách nhiệm và lòng yêu thương tha nhân, hỗ trợ những người bị nhiễm virus, thậm chí đến mức dấn thân vào nguy hiểm. Thật đáng buồn, có thể nhìn thấy điều này nơi con số rất nhiều nhân viên y tế đã chết vì sự trung thành phục vụ của họ. Tôi cầu nguyện cho họ – Chúa biết tên của từng người họ – và cho tất cả các nạn nhân của đại dịch này. Xin Thiên Chúa Phục sinh ban cho họ ánh sáng của thiên đàng và ban cho gia đình họ sự an ủi đức tin.

Theo lịch sử người y tá đóng vai trò trung tâm trong việc chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày, trong sự tiếp xúc với bệnh nhân, họ cảm nghiệm được sự tổn thương do những đau khổ trong đời sống con người gây ra. Họ là những người nam và nữ đã chọn lời “xin vâng” với ơn gọi rất đặc biệt: ơn gọi trở thành những người Samari tốt lành quan tâm đến sự sống và sự đau khổ của người khác. Họ là những người bảo vệ và giữ gìn sự sống, những người thậm chí khi thực hiện việc điều trị cần thiết, cho thấy sự can đảm, hy vọng và tin tưởng.[1]

Anh chị em y tá thân mến, trách nhiệm đạo đức là nét đặc thù cho sự phục vụ chuyên môn của anh chị em, là điều không thể chỉ rút gọn thành kiến thức khoa học công nghệ thuần túy, nhưng phải luôn luôn được truyền cảm hứng bởi mối tương quan con người và lòng nhân với người bệnh. “Chăm sóc những người nam và nữ, trẻ em và người già, trong mọi giai đoạn của sự sống, từ khi sinh ra đến lúc chết, anh chị em được trao trách vụ liên tục lắng nghe, để hiểu được những nhu cầu của người bệnh là gì, trong giai đoạn người đó đang trải qua. Quả thật, đứng trước mỗi hoàn cảnh riêng biệt, không bao giờ là đủ nếu chỉ thực hiện theo những nghi thức, nhưng phải là một nỗ lực không ngừng – và mệt mỏi! – để phân định và chú ý đến cá nhân từng người.”[2]

Anh chị em – và ở đây cha cũng nghĩ đến những người hộ sanh – rất gần gũi với những người tại thời khắc quyết định trong cuộc đời họ – sinh nở và chết, bệnh tật và chữa lành – giúp họ đương đầu với những hoàn cảnh đau đớn. Có lúc anh chị em là người đứng bên cạnh họ lúc họ hấp hối, trao lời an ủi và bình an trong những giây phút cuối đời của họ. Vì sự cống hiến của anh chị em, anh chị em nằm trong số “những thánh nhân hàng xóm”.[3] Anh chị em là một bức tranh của Giáo hội như là một “nhà thương di động” tiếp tục thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đến gần và chữa lành con người với tất cả các loại bệnh tật và là Đấng đã khom mình xuống để rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Xin cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ cho con người!

Tại nhiều quốc gia, trận đại dịch cũng đã đưa ra ánh sáng một số những thiếu sót trong sự dự phòng cho việc chăm sóc sức khỏe. Vì lý do này, tôi xin những nhà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới hãy đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe như là ích chung nền tảng, bằng cách củng cố lại các hệ thống và tuyển thêm nhiều y tá, để bảo đảm sự chăm sóc thỏa đáng cho mọi người, với sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người. Điều quan trọng là phải nhận ra theo một cách đặc biệt vai trò quan trọng công việc của anh chị em trong việc chăm sóc cho bệnh nhân, hoạt động cấp cứu trong địa phương, việc phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, và hỗ trợ trong bối cảnh gia đình, cộng đồng và trường học.

Y tá, cũng như người hộ sanh, xứng đáng có quyền được đánh giá tốt hơn và trọn vẹn hơn và được can dự vào những quy trình liên quan đến sức khỏe của các cá nhân và cộng đồng. Người ta cho thấy rằng đầu tư cho họ là cải thiện tổng thể việc chăm sóc và sức khỏe. Vì thế khả năng chuyên môn của họ phải được củng cố bằng cách cung cấp những công cụ khoa học, con người, tâm lý và tinh thần phù hợp, và bằng việc bảo đảm quyền cho họ, để họ có thể thi hành sự phục vụ trong phẩm giá trọn vẹn.

Liên quan đến điều này, các hiệp hội nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng. Ngoài việc cung cấp sự đào tạo tổng quát, các hiệp hội hỗ trợ cho thành viên của họ, giúp họ cảm nhận là một phần của tổ chức lớn hơn, không bao giờ thất vọng và cô đơn khi họ phải đối mặt với những thách thức về đạo đức, kinh tế và con người do công việc đưa đến.

Tôi muốn gửi đôi lời đặc biệt đến những người hộ sanh hỗ trợ các phụ nữ trong thời gian mang thai và giúp họ lúc sinh con. Công việc của anh chị em nằm trong số những nghề nghiệp cao quý nhất, vì nó trực tiếp cống hiến sự phục vụ cho sự sống và thiên chức làm mẹ. Trong Kinh Thánh, tên của hai người bảo sanh anh dũng, bà Sípra và Pua, trở nên bất tử trong Sách Xuất hành (x. 1:15-21). Ngày nay cũng vậy, Chúa Cha trên trời nhìn đến anh chị em với lòng biết ơn.

Anh chị em y tá thân mến, anh chị em bảo sanh thân mến, ước mong rằng ngày kỷ niệm hàng năm này làm nổi bật lên giá trị công việc của anh chị em vì ích lợi cho sức khỏe của toàn thể xã hội. Qua việc ghi nhớ dâng lời cầu nguyện cho anh chị em, gia đình anh chị em và những người anh chị em chăm sóc, tôi ban Phép Lành cho tất cả anh chị em.

Roma, viết từ Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran, 12 tháng Năm, 2020

PHANXICO

________________________

[1] X. Tân Hiến chương cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe, Nos. 1-8.

[2] Diễn từ trước các Thành viên của Liên đoàn Ban Quản lý Ngành nghề Y tá của Ý, 3 tháng Ba năm 2018.

[3] Bài giảng thứ Năm Tuần Thánh, 9 tháng Tư năm 2020.

[00608-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/5/2020]