Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)

‘Người mời gọi chúng ta kết hiệp với Người để trổ sinh nhiều trái’

29 tháng Tư, 2018 14:46
THÀNH PHỐ VATICAN, 29 THÁNG TƯ, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật thứ Năm Phục sinh này Lời Chúa tiếp tục chỉ cho chúng ta con đường và những điều kiện để trở thành một cộng đoàn của Chúa Phục sinh. Nổi bật lên trong Chúa nhật trước là mối quan hệ giữa người tín hữu và Chúa Giê-su, vị Mục tử Nhân lành. Hôm nay Tin mừng kể cho chúng ta thời điểm Chúa Giê-su trình bày chính bản thân Người như là cây nho thật và Người mời gọi chúng ta kết hiệp với Người để trổ sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15:1-8). Nho là một loại cây có rất nhiều cành, và các cành chỉ trổ sinh hoa trái khi kết hiệp với thân cây. Mối quan hệ này là bí mật của đời sống người Ki-tô hữu, và tác giả phúc âm Gioan diễn tả điều đó bằng động từ “ở lại,” mà trong trích đoạn hôm nay được lặp lại bảy lần. Chúa nói “Hãy ở lại trong Thầy”; hãy ở lại trong Chúa.

Chính việc ở lại trong Chúa tạo nên lòng can đảm bước ra khỏi con người của chúng ta — những tiện nghi, những vùng giới hạn và được bảo vệ của chúng ta –, để bước vào đại dương mênh mông của những thiếu thốn của tha nhân và cho đi thật dồi dào những chứng tá Ki-tô hữu của chúng ta trong thế giới. Lòng can đảm bước ra khỏi con người chúng ta và đi vào những thiếu thốn của tha nhân được sinh ra bởi niềm tin vào Chúa Phục sinh và sự tin chắc rằng Thần Khí của Người luôn đồng hành trong lịch sử của chúng ta. Quả thật, một trong những hoa trái tốt lành trổ sinh từ sự kết hiệp với Đức Ki-tô là cam kết đức ái với tha nhân, yêu thương anh em đến mức quên bản thân, đến mức gánh lấy những hậu quả sau cùng, như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta. Động lực đức ái của người tín hữu không phải là kết quả của những sách lược; nó không được sinh ra từ những sự khích động bên ngoài của xã hội hay của những hệ tư tưởng, nhưng nó được sinh ra từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su và ở lại trong Chúa Giê-su. Với chúng ta Người là mạch sống trong đó chúng ta hút lấy nhựa sống, tức là “sự sống” đem đến cho xã hội một cách sống khác và cho đi bản thân, điều làm cho người rốt hết trở thành người trên hết.

Khi một người thân thiết với Chúa, như cây nho và cành nho thân thiết và kết hiệp với nhau, người ấy có thể trổ sinh nhiều hoa trái của sự sống mới, của lòng thương xót, của công bình và bình an, bắt nguồn từ sự Phục sinh của Chúa. Đó chính là điều các Thánh đã làm, các ngài sống đời sống người Ki-tô hữu trọn vẹn và làm chứng tá đức ái vì các ngài là những cành nho thật của cây nho của Chúa. Tuy nhiên, để trở thành thánh nhân “không cần thiết phải làm giám mục, linh mục, hay nam nữ tu sĩ. [. . .] Tất cả chúng ta, tất cả đều được kêu gọi nên thánh bằng đời sống yêu thương, và mỗi người hãy thể hiện chứng tá của mình trong những công việc hàng ngày, đó là nơi chúng ta tìm thấy bản thân” (Tông huấn Gaudete et Exsultate (Vui mừng và hân hoan, 14). Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh; chúng ta phải trở nên thánh với sự giàu có mà chúng ta đón nhận từ Chúa Phục sinh. Mọi hoạt động – làm việc, nghỉ ngơi, đời sống gia đình và xã hội, thi hành trách nhiệm chính trị, văn hóa và kinh tế — mọi hoạt động, bất kể nhỏ bé hay to lớn, nếu sống trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su và với thái độ yêu thương và phục vụ, là một cơ hội để sống Bí tích Rửa tội và nên thánh trọn vẹn.

Nguyện xin Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh và là mẫu gương hiệp nhất trọn vẹn với Con của mẹ, là nguồn trợ giúp cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ dạy chúng ta biết ở lại trong Chúa Giê-su, như là những cành trên thân cây nho, và không bao giờ xa rời tình yêu của Người. Thật vậy, chúng ta không thể làm được điều gì nếu không có Người, vì đời sống của chúng ta là Đức Ki-tô sống, thể hiện trong Giáo hội và trong thế giới.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng

Anh chị em thân mến,

Hôm qua chị Hanna Chrzanowska, một giáo dân tận hiến đời sống để chăm sóc bệnh nhân, qua họ chị nhìn thấy dung nhan đau khổ của Chúa Giê-su, đã được phong Chân phước ở Krakow. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá của người tông đồ của bệnh nhân này và chúng ta hãy cố gắng để bắt chước mẫu gương của chị.

Tôi luôn hiệp thông cầu nguyện cho sự thành công tốt đẹp của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều vừa qua và cam kết can đảm của cả hai nhà lãnh đạo hai bên, đi theo con đường đối thoại chân thành cho một Bán đảo Triều tiên không có vũ khí nguyên tử. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa rằng niềm hy vọng về một tương lai hòa bình và tình bạn huynh đệ hơn sẽ đạt được và sự hợp tác có thể tiếp tục trổ sinh hoa trái tốt lành cho dân tộc Triều tiên thân yêu và cho toàn thế giới.

Tuần trước cộng đoàn Ki-tô hữu Nigeria đã bị chấn động với vụ sát hại một nhóm tín hữu, trong đó có các linh mục. Tôi xin phó thác những người anh em này cho lòng thương xót của Chúa, xin Người trợ giúp cho các cộng đoàn bị thử thách tái khám phá sự hòa hợp và hòa bình.

Cha xin chào thân ái anh chị em hành hương hiện diện hôm nay, thật sự là quá nhiều không thể kể hết tên từng nhóm! Nhưng ít nhất, cha phải chào anh chị em đến từ Braga, Bồ Đào nha, từ Ấn độ và Pakistan; các tín hữu của Pavia, Crema và Vignale; rất nhiều thiếu niên đã hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm sức; và các thiếu niên của Cuneo, Remedello, Arcore, Valle Olona, và Modica.

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các Hiệp hội Assisi, cùng đồng hành có Đức Giám mục; chào các nhà làm phim hoạt hình trẻ của Dòng các Cha Thánh Giu-se Murialdo, và các tham dự viên Đại hội Dự tòng Quốc gia, được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Ý.

Anh chị em thân mến, hai ngày nữa, 1 tháng Năm, vào buổi chiều, cha sẽ khai mạc Tháng Đức Mẹ với chuyến hành hương đến Đền thờ Đức Bà. Chúng ta sẽ đọc kinh Mân côi, cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở Syria và toàn thế giới. Cha mời gọi anh chị em cùng hiệp thông và đọc Kinh Mân côi cầu nguyện cho hòa bình suốt tháng Năm.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2018]


Người quản gia của Đức Gioan Phaolo II kể lại một phép lạ được thực hiện qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla

Người quản gia của Đức Gioan Phaolo II kể lại một phép lạ được thực hiện qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla

23 tháng Tư, 2018
SAINT JOHN PAUL II
Daniel Janin | AFP

Trong một lần phỏng vấn, Angelo Gugel thuật lại một lần ông chứng kiến việc trừ quỷ mà Đức Giáo hoàng người Ba lan thực hiện trong Quảng trường Thánh Phê-rô

“Đức Gioan Phaolo II thực hiện một phép lạ cho tôi và cho gia đình tôi, Angelo Gugel nói, ông là người quản gia đã phục vụ ba đời giáo hoàng ở Vatican: Luciani, Wojtila, và Ratzinger. 

Trong một lần phỏng vấn với Stefano Lorenzetto cho tờ báo tiếng Ý Il Corriere della Sera, ông Gugel kể lại lần ông đã ôm Đức Gioan Phaolo II trong vòng tay của ông trong vụ ám sát của Ali Agca tại Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 13 tháng Năm, 1981, ngoài ra ông còn là người duy nhất xuất hiện trong quyển Niên Giám Giáo hoàng trong danh sách “Gia đình Giáo hoàng.”

Ông Gugel, năm nay gần 83 tuổi, đã trực tiếp phục vụ giáo hoàng trong căn hộ Giáo hoàng suốt 28 năm, kể lại rằng sau vụ ám sát trong Quảng trường Thánh Phê-rô một cục đá trắng được gắn trên lối đi gần dãy cột Bernini để ghi nhớ biến cố. Ông thêm một chi tiết ít được biết đến: có một viên đá tương tự, với huy hiệu giáo hoàng, trong cửa của phòng chăm sóc sức khỏe của Vatican, đó là nơi trong ngày định mệnh ông Gugel nhìn thấy đức giáo hoàng nằm trên mặt đất trước khi được xe cứu thương chuyển đến bệnh viện Gemelli Polyclinic. Xuất huyết nội quá trầm trọng nên đức giáo hoàng cần gần 1 ga-lông (US = 3,785 l; UK = 4,546 l) máu. Vị quản gia không rời bệnh viện cho đến khi đức giáo hoàng được chuyển ra ngoài phòng mổ.

Người cựu quản gia kể lại việc Vị Đại diện của Đức Ki-tô, người tin rằng Mẹ Đồng trinh Fatima đã cứu ngài thoát khỏi vụ tấn công, thực hiện một phép lạ cho Maria Luisa Dall’Arche, là vợ của ông Gugel từ năm 1964. Đứa con đầu lòng của hai vợ chồng chết khi sinh, vì vậy “chúng tôi hứa đặt tên lót Maria cho tất cả những đứa con mà Mẹ Đồng trinh ban cho chúng tôi.” Hai người có thêm ba đứa con khỏe mạnh: Raffaella, Flaviana, và Guido. Ông Gugel giải thích, “Đứa thứ tư được đặt tên là Carla Luciana Maria để tôn vinh Đức Karol và Đức Giáo hoàng Luciani [Gioan Phaolo I]. Nó sinh năm 1980 qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla.” 

Phép lạ

“Có những vấn đề nghiêm trọng trong tử cung. Các bác sĩ sản khoa tại nhà thương Gemelli Polyclinic nói rằng không thể tiếp tục giữ được thai. Một ngày kia, Đức Gioan Phaolo II nói với tôi, ‘Hôm nay, tôi sẽ dâng Lễ cầu cho vợ của ông.’” Trong nỗ lực cứu thai nhi, các bác sĩ quyết định mổ, sự việc diễn ra ngày 9 tháng 4 năm 1980.

Sau cuộc giải phẫu, bác sĩ nói với người chồng đang vô cùng lo lắng, “Chắc có ai đó đã cầu nguyện rất nhiều.” Theo giấy khai sinh của em bé, bé chào đời lúc 7:15 sáng, đúng vào thời điểm bắt đầu hát kinh Thánh Thánh Thánh trong Lễ sáng của Đức Gioan Phaolo II.

Trong bữa ăn sáng hôm đó, chị Tobiana Sobotka, bề trên của các nữ tu phục vụ đức giáo hoàng tại Điện Tông tòa, nói với đức giáo hoàng về ca sinh của Carla Luciana Maria. Đức Wojtyla thốt lên “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa). Ngài muốn chính tay ngài rửa tội cho em bé; và ngài đã làm việc đó ngày 27 tháng Tư trong nhà nguyện riêng của ngài.

Trừ quỷ

Cũng trong cuộc phỏng vấn, phóng viên đề cập đến chuyện Arturo Mari, một nhiếp ảnh gia cho tờ báo chính thức của Vatican Vatican, L’Osservatore Romano, nói rằng ông đã chứng kiến ngài Wojtyla thực hiện một phép trừ quỷ sau một buổi Tiếp Kiến chung thứ Tư trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ông Gugel khẳng định rằng ông nhớ rõ về lần đó, trong đó cả ông và Mari đều chứng kiến.

“Tôi cũng có mặt ở đó. Một cô gái đang nói những lời phạm thượng và miệng sùi bọt. Giọng nói nghe như vang vọng từ hang núi. Một đức giám mục bỏ chạy vì sợ. Đức Thánh Cha cầu nguyện bằng tiếng La-tinh, rất bình tĩnh. Cuối cùng, ngài đặt tay lên đầu cô gái, và ngay lập tức nét mặt người phụ nữ bị quỷ ám thể hiện sự thanh thản bình an. Tôi nhìn thấy ngài thực hiện một nghi thức tương tự trong một phòng họp tại Đại sảnh Phaolo VI, cũng sau một buổi tiếp kiến.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2018]


Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano
Copyright - Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Alessano

‘Vùng đất của anh chị em đã sinh ra một vị thánh’

20 tháng Tư, 2018 14:13
Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm các thị trấn Alessano và Molfetta thuộc miền nam Ý trong vùng Puglia để kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của vị giám mục nổi tiếng người Ý, Don Tonino Bello, ngài được nhớ với công cuộc giúp đỡ người nghèo, người thua thiệt, và thúc đẩy hòa bình. Alessano là thị trấn nơi sinh của Đức Giám mục Tonino và sau đó được chôn cất. Tại đây, Đức Thánh Cha cầu nguyện tại mộ của vị mục tử được yêu mến vì sự hòa đồng không khách sáo giữa mọi người. Năm 2007, án phong chân phước của Đức Don Tonino, vị giám mục quá cố của Molfetta-Ruvo-Giovinazzo-Terlizzi, đã được mở.

Đức Thánh Cha có bài huấn từ với các tín hữu ở Alessano, và dưới đây chúng tôi cung cấp một bản dịch (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico do Văn phòng Báo chí Vatican cung cấp:

***

Anh chị em thân mến,

Tôi đến đây như một người hành hương đến vùng đất nơi Tôi tớ Chúa là Tonino Bello sinh ra. Tôi vừa cầu nguyện trước mộ của ngài, một ngôi mộ không vươn lên như một tượng đài, nhưng nằm phẳng trên mặt đất: Don Tonino, đã được gieo trong miền đất này – ngài, như một hạt giống được gieo xuống – dường như muốn nói rằng ngài yêu mảnh đất này biết bao nhiêu. Tôi muốn suy tư về việc này, trước hết gợi lên những lời tạ ơn của ngài: “Cảm ơn quê tôi, nhỏ bé và nghèo, đã cho phép tôi được sinh ra nghèo như bạn, nhưng chính vì lý do này, đã cho tôi được gia tài khổng lồ đó là sự thấu cảm với người nghèo và hôm nay có thể đặt mình vào vị trí phục vụ họ” [1].

Sự thấu cảm người nghèo với ngài là gia tài thật, đó cũng là sự thấu cảm với thân mẫu của ngài, thấu cảm với người nghèo là gia tài của ngài. Ngài rất đúng, vì người nghèo thật sự là gia tài của Giáo hội. Đức Don Tonino lại một lần nữa nhắc lại cho chúng ta điều này khi ngài đối mặt với những cám dỗ luôn diễn ra đó là đứng núp sau những người quyền lực, tìm kiếm đặc quyền, tìm đến một đời sống tiện nghi. Tin mừng – ngài thường nhắc nhở chúng ta về điều này mỗi dịp Giáng sinh và Phục sinh – thường kêu gọi chúng ta đến với một đời sống thiếu tiện nghi, vì những ai theo Chúa Giê-su yêu sự nghèo khó và khiêm nhường. Cũng như Thầy đã làm, Thân Mẫu của Người đã tuyên xưng ca khen Thiên Chúa Đấng “đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1: 52). Một Giáo hội đặt sự nghèo khó vào trung tâm phải luôn đi hài hòa với kênh của Thiên Chúa, không bao giờ để mất tần số của Tin mừng và cảm nhận rằng Giáo hội phải quay trở lại với điều cốt lõi để liên tục tuyên xưng rằng Thiên Chúa là nguồn thiện hảo duy nhất.

Đức Don Tonino nhắc chúng ta đừng lý thuyết hóa sự gần gũi với người nghèo, nhưng phải ở gần bên họ, như chính Chúa Giê-su đã làm, Đấng quá giàu có cao trọng đối với chúng ta, đã hạ mình làm người nghèo khó (x. 2 Cr 8, 9). Đức Don Tonino cảm nhận sự cần thiết phải noi gương Người, can dự trực tiếp vào, đến mức quên thân mình. Những yêu cầu đòi hỏi không làm phiền ngài, nhưng chính sự thờ ơ đã làm ngài đau khổ. Ngài không sợ thiếu tiền, nhưng rất lo lắng về sự bấp bênh của việc làm, một vấn đề vẫn như vậy cho đến hôm nay. Ngài không bao giờ bỏ qua một cơ hội để nói rằng trước hết phải có người lao động đúng phẩm giá, không phải là lợi nhuận đáp ứng cho sự tham lam của con người. Ngài không đứng im với đôi tay bỏ trong túi quần: ngài hoạt động ngay trong địa phương để gieo cấy hòa bình toàn cầu, với niềm tin rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa được bạo lực và mọi hình thức chiến tranh chính là chăm sóc cho người thiếu thốn và thúc đẩy công bằng. Thật vậy, nếu chiến tranh tạo ra nghèo đói, thì nghèo đói lại tạo ra chiến tranh [2]. Vì vậy, hòa bình được xây dựng bắt đầu từ những căn nhà, những con đường, từ những công xưởng, nơi sự kết hiệp được định hình theo con đường thủ công. Đức Don Tonino nói, tràn đầy hy vọng: “Từ nơi công xưởng, cũng giống như một ngày trong xưởng mộc của làng Na-da-rét, lời bình an sẽ phát ra để định hình cho nhân loại đang khát công bằng, trên con đường đến với những vận mệnh mới” [3].

Anh chị em thân mến, ơn gọi bình an này thuộc về mảnh đất của anh chị em, thuộc về miền đất biên giới tuyệt vời này – finis-terrae – mà Đức Don Tonino gọi là “terra-finestra”, nghĩa là “vùng đất cửa sổ,” vì từ miền Nam nước Ý mở ra nhiều miền Nam của thế giới, nơi “những người nghèo nhất ngày càng nhiều hơn trong khi người giàu ngày càng giàu hơn và con số ngày càng ít hơn” [4]. Anh chị em là một “cửa sổ mở mà từ đó anh chị em có thể quan sát thấy tất cả mọi sự nghèo khó treo lơ lửng trong lịch sử” [5], nhưng trên hết anh chị em là một cửa sổ của hy vọng vì biển Địa Trung hải, lòng chảo lịch sử của nền văn minh, không bao giờ là một cánh cung lớn kéo căng, nhưng là một một con thuyền chở bình an chào đón [6].

Đức Don Tonino là một người con của miền đất của ngài, vì ơn gọi làm linh mục của ngài trưởng thành trong miền đất này. Nơi đây đâm chồi ơn gọi của ngài, điều mà ngài thích gọi là tiếng gọi của ngài: tiếng gọi mà Thiên Chúa quá ưu ái cho đời sống mỏng giòn của chúng ta, từng người từng người; âm vang của tiếng gọi tình yêu của Người nói với chúng ta mỗi ngày; tiếng gọi luôn đi trước, để dám ước mơ táo bạo, để đưa cuộc sống của chúng ta vào việc phục vụ; lời mời gọi là luôn tín thác vào Thiên Chúa, một Đấng Duy nhất có thể biến đổi đời sống thành một yến tiệc. Vì vậy, ơn gọi theo Đức Don Tonino là: một tiếng gọi không những trở thành người trung tín tận hiến, nhưng thật lòng mến Chúa, với ngọn lửa mến của ước mơ, ấn tín của ân ban, tính táo bạo không bao giờ dừng lại giữa chừng. Vì khi Chúa thổi lên ngọn lửa trong con tim thì không thể dập tắt niềm hy vọng. Khi Chúa đòi hỏi một lời “xin vâng,” thì chúng ta không thể trả lời bằng câu “có lẽ.” Nó sẽ vô cùng tốt đẹp cho những ai đi tìm ý nghĩa cuộc sống, không chỉ đối với người trẻ tuổi nhưng là đối với tất cả chúng ta, để lắng nghe và tái lắng nghe những lời của Đức Don Tonino.

Trong miền đất này, ngài Antonio chào đời với tên gọi Tonino và rồi trở thành Don Tonino. Tên gọi này, thật giản dị và gần gũi, mà chúng ta đọc được trên bia mộ của ngài, vẫn nói với chúng ta. Nó nói lên ước mong của ngài được trở nên nhỏ bé để gần gũi, để rút ngắn những khoảng cách, để cánh tay với ra xa hơn. Nó mời gọi chúng ta mang lấy tấm lòng rộng mở đơn sơ và chân thành đối với Tin mừng. Ngài Don Tonino tha thiết đề nghị điều này, để nó lại như một di sản của ngài cho các linh mục. Ngài nói: “Chúng ta hãy yêu thế giới. Chúng ta hãy yêu thế giới thật nhiều. Chúng ta hãy mang lấy thế giới dưới đôi cánh của chúng ta. Chúng ta hãy dùng lòng thương xót. Chúng ta đừng chống lại nó bằng những sự khắt khe của lề luật nếu trước hết chúng ta chưa tôi luyện nó bằng những liều thuốc của lòng nhân từ. [7] Đó là những lời thể hiện lòng khao khát một Giáo hội cho thế giới: không phải là tính trần gian, nhưng là cho thế giới. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này: một Giáo hội không mang tính thế gian, nhưng là một Giáo hội phục vụ thế giới. Một Giáo hội không coi mình là trung tâm, nhưng “quan tâm đến mọi người, bước ra ngoài, không thu mình vào trong bản thân” [8]; không chờ đợi để đón nhận, nhưng cung cấp những chăm sóc khẩn cấp, không bao giờ mơ màng với những hoài niệm về quá khứ, nhưng bừng sáng với tình yêu cho hôm nay, noi gương Thiên Chúa, Đấng “quá yêu thế gian” (Ga 3: 16).

Tên “Don Tonino” cũng nói cho chúng ta biết về sự dị ứng tốt lành của ngài đối với những danh hiệu và vinh dự, khao khát của ngài giũ bỏ một điều gì đó cho Chúa Giê-su Đấng đã bỏ đi mọi sự thuộc về Người, sự can đảm của ngài giải thoát bản thân khỏi những gì có thể gợi lại những dấu hiệu của quyền bính để tạo không gian cho sức mạnh của những dấu chỉ [9]. Đức Don Tonino chắc chắn không làm điều đó vì lợi ích vật chất hay tìm kiếm sự đồng thuận, nhưng vì ngài được tấm gương của Chúa đánh động. Với tình yêu dành cho Người chúng ta tìm được sức mạnh để gỡ bỏ những tấm áo cản trở con đường dẫn đưa chúng ta đến sự phục vụ, để trở nên một “Giáo hội của tấm áo phó tế, một tấm áo duy nhất được ghi lại trong Tin mừng” [10].

Từ mảnh đất thân yêu này, Don Tonino vẫn muốn nói gì với chúng ta? Người môn đệ này với đôi chân đặt trên đất và đôi mắt trên Thiên Đàng, và trên hết là với một trái tim kết nối Trời và đất, ngài đã sáng tạo ra một từ nguyên gốc, cùng với rất nhiều từ ngữ khác, nó trao cho chúng ta một sứ mạng lớn. Ngài thường nói rằng chúng ta là người Ki-tô hữu “phải chiêm ngắm-hành động (contempl-active), với một chữ “c”, tức là chúng ta phải bắt đầu từ việc chiêm ngắm và sau đó để cho động lực của chúng ta, cam kết của chúng ta hành động, tuôn chảy ra” [11], trở thành những con người không bao giờ tách rời giữa cầu nguyện và hành động. Thưa Đức Don Tonino, người đã cảnh báo chúng con chống lại việc để mình bị cuốn vào trong vòng xoáy của công việc mà không đặt mình trước nhà tạm, để không lừa gạt bản thân làm việc cho nước Trời trong sự hão huyền [12]. Và chúng con phải tự hỏi rằng chúng con khởi đầu từ nhà tạm hay từ chính bản thân chúng con. Người cũng hãy hỏi chúng con, khi chúng con khởi hành, chúng con ra đi; rằng chúng con có đứng lên và đến để phục vụ con người, phục vụ mọi người như Mẹ Maria, người Phụ nữ dẫn đường không. Nếu người hỏi, chắc chúng con phải thấy xấu hổ vì sự thụ động của chúng con và những lý lẽ biện minh của chúng con. Vì vậy, một lần nữa xin trao cho chúng con ơn gọi từ trên cao; xin giúp chúng con ngày càng trở nên một Giáo hội chiêm ngắm-hành động, yêu mến Chúa và hăng hái với nhân loại.

Anh chị em thân mến, ở mỗi giai đoạn Thiên Chúa đặt trên hành trình của Giáo hội những chứng nhân thể hiện tin vui của Phục sinh, những ngôn sứ của hy vọng về tương lai cho mọi người. Từ miền đất của anh chị em, Thiên Chúa đã làm nổi lên một vị, như là một món quá và chứng ngôn cho thời đại của chúng ta. Và Thiên Chúa ước mong cho món quà của Ngài được đón nhận, cho sứ ngôn của Ngài trở thành sự thật. Chúng ta đừng chỉ hài lòng với việc ghi lại những kỷ niệm đẹp, chúng ta đừng để bị chìm đắm trong những hoài niệm quá khứ hoặc thậm chí chỉ ba hoa giết thời gian của hiện tại hay mang những nỗi sợ hãi về tương lại. Chúng ta hãy noi gương của Đức Don Tonino, chúng ta hãy để cho lòng nhiệt huyết Ki-tô hữu trẻ của ngài đưa chúng ta đi, chúng ta hãy cảm nhận lời mời gọi khẩn thiết của ngài để không sống Tin mừng một cách nửa vời. Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến mỗi người chúng ta, và tới tất cả chúng ta trong một Giáo hội. Chắc chắn nó sẽ giúp chúng ta làm lan tỏa niềm vui thơm ngát của Tin mừng cho hôm nay.

Bây giờ tất cả chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ và sau đó tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em.

[Kinh Kính mừng và Phép lành]

------------

[1] «Grazie, Chiesa di Alessano», La terra dei miei sogni. Bagliori di luce dagli scritti ugentini, 2014, 477.

[2] Cfr Saint John Paul II, «If you want peace, reach out to the poor», Message for World Day of Peace, 1 January 1993.

[3] La terra dei miei sogni, 32.

[4] «Il pentalogo della speranza», Scritti vari, interviste aggiunte, 2007, 252.

[5] «La speranza a caro prezzo», Scritti di pace, 1997, 348.

[6] Cfr «La profezia oltre la mafia», ivi, 280.

[7] «Torchio e spirito. Omelia per la Messa crismale 1993», Lenten homilies and writings, 2015, 97.

[8] «Sacerdoti per il mondo», Cirenei della gioia, 2004, 26.

[9] «Dai poveri verso tutti», ivi, 122 ss.

[10] «Configurati a Cristo capo e sacerdote», ivi, 61.

[11] Ivi, 55.

[12] Cfr «Contempl-attivi nella ferialità quotidiana», Non c’è fedeltà senza rischio, 2000, 124; «Soffrire le cose di Dio e soffrire le cose dell’uomo», Cirenei della gioia, 81-82.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2018]


Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Bài hát ‘Everybody Hurts’ của R.E.M. trong Chương trình Tìm kiếm Tài năng Anh quốc

Bài hát ‘Everybody Hurts’ của R.E.M. trong Chương trình Tìm kiếm Tài năng Anh quốc




Vị linh mục 64 tuổi nhận được lời khen ngợi rất hiếm có của giám khảo Simon Cowell

Cộng đoàn Oldcastle, thuộc hạt County Meath, hân hoan chào đón Cha Ray Kelly khi ngài trở về sau chiến thắng với giọng hát của ngài tại Britain’s Got Talent. Vị linh mục xứ 64 tuổi đã nhận được lời khen ngợi đánh giá rất cao từ ban giám khảo, đặc biệt từ Simon Cowell, ông đã thật sự bị cuốn hút với phần trình bày của linh mục, bằng lời tán dương rằng đó là “một trong những giọng hát yêu thích nhất của ông cho đến bây giờ.”

Cha Ray rời khỏi khán phòng không thốt lên lời sau bài hát của ngài trên sâu khấu Britain’s Got Talent, một sự thể hiện vượt xa hơn cả bốn câu “Yes” của ban giám khảo. Sau phần thể hiện bài hát “Everybody Hurts” của ban nhạc R.E.M, toàn khán phòng sững sờ lặng im cho đến khi Cowell dẫn đầu đám đông đứng bật dậy hoan hô. Sau đó linh mục được toàn bộ ban giám khảo đồng ý.

Trước khi trình diễn, Cha Kelly giải thích với các giám khảo lý do tại sao cha chọn R.E.M. cổ điển, “Đó là một bài hát rất gần gũi và thân thiết với tâm hồn tôi. Là một linh mục bạn đụng chạm với rất nhiều sự đau khổ, và rất nhiều niềm vui và hạnh phúc nữa, nó là một bài hát gắn liền với tôi.”

Khi được hỏi tại sao cha lại chọn hát vào năm nay, linh mục giải thích rằng sau một video ngài hát trong một đám cưới được lan truyền mạnh, cha cảm thấy đây là một bước tiếp theo. Cha cũng là một người hâm mộ lớn của chương trình Tìm kiếm Tài năng Anh quốc (BGT), và không thể bỏ qua một cơ hội được hát cho Hoàng gia nếu cha tiến tới được bước đó. Cha Kelly cũng kể lại chuyện của bà Susan Boyle, một cựu thí sinh của BGT, đã có ảnh hưởng đối với ngài:

“Tôi rất yêu giọng hát của Susan Boyle và một trong những ước mơ của tôi là được hát song ca với bà vì bà có một giọng hát đáng kinh ngạc.

“Tài năng của bà được khám phá về cuối đời, cũng như tôi vậy, vì thế nó có sự giống nhau.”

Phần thể hiện của Cha Kelly rất nhẹ nhàng và đầy cảm xúc, quả thật vào đoạn cuối mắt của cha đã ngân ngấn lệ. Điều làm chúng tôi kinh ngạc nhất là cha đổi giọng để phù hợp với thể loại nhạc, thêm một chút khàn khàn để bắt chước ca sĩ chính của ban nhạc R.E.M., John Michael Stipe. Vì cuộc tranh tài vẫn còn tiếp tục, chúng ta sẽ rất thích thú khi được nghe giọng hát của cha với những bản nhạc pop khác. Trong Video lan truyền rất mạnh dưới đây của cha, các bạn có thể nghe cha hát bản “Hallelujah” của Leonard Cohen với chất giọng của cha:




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2018]


Đức Thánh Cha giảng Lễ sáng ‘Thiên Đàng không nhàm chán’

Đức Thánh Cha giảng Lễ sáng ‘Thiên Đàng không nhàm chán’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha giảng Lễ sáng ‘Thiên Đàng không nhàm chán’

Ngài nhắc nhở rằng Thiên đàng là một nơi của niềm vui bất tận, là nơi chúng ta gặp Chúa Giê-su và hạnh phúc đời đời

27 tháng Tư, 2018 14:36

Thiên đàng không nhàm chán!

Theo Vatican News, trong bài giảng Lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Marta Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điều này khi ngài suy tư về hành trình của người Ki-tô hữu nơi trần thế hướng về thiên đàng.

Ngài làm nổi bật lên rằng Thiên đàng là nơi của niềm vui bất tận vì đó là nơi chúng ta được chào đón và gặp gỡ Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha phân tích bài đọc Một trích sách Công vụ Tông đồ, trong đó Thánh Phaolo nói với người Do thái rằng người dân thành Giê-ru-sa-lem và những người lãnh đạo tôn giáo không nhận biết Chúa Giê-su, họ kết án Người tội chết, nhưng sau khi bị đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết.

Đức Thánh Cha động viên chúng ta là những Ki-tô hữu hãy tiến bước với lời hứa của Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn chúng ta.

“Cả chúng ta nữa đang tiến bước trên hành trình. Khi có người hỏi chúng ta đang tiến về hướng nào, chúng ta nói, ‘Hướng về Thiên đàng!’ ‘Thế Thiên đàng là gì?’ sẽ có người hỏi như vậy. Tới đó là chúng ta bắt đầu lúng túng trong câu trả lời. Chúng ta chẳng biết giải thích Thiên đàng tốt đẹp như thế nào.”

Đức Phanxico nhận xét rằng nhiều người “vẽ lên một thiên đàng trừu tượng và xa xôi.”

“Và một số người nghĩ: ‘Nhưng liệu ở đó có nhàm chán không vì mọi thứ đều mãi mãi như vậy?’ Không! Đó không phải là thiên đàng. Chúng ta đang trên hành trình đến với một sự gặp gỡ: sự gặp gỡ cuối cùng với Chúa Giê-su. Thiên đàng là sự gặp gỡ với Chúa Giê-su.”

Tôi đang tiến bước trên hành trình của cuộc sống để gặp gỡ Chúa Giê-su… điều sẽ làm chúng ta hạnh phúc mãi mãi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải tự nhắc nhở mình “Tôi đang tiến bước trên hành trình của cuộc sống để gặp gỡ Chúa Giê-su.” Sự gặp gỡ này, ngài nói, sẽ làm chúng ta hạnh phúc mãi mãi.

“Nhưng đang trong thời gian chờ đợi này thì Chúa Giê-su làm gì?” Đức Thánh Cha đặt câu hỏi.

Ngài nói Chúa Giê-su đang làm việc cho chúng ta và đang cầu nguyện cho chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su hứa với Phê-rô rằng Người sẽ cầu nguyện cho ông.

“Mỗi chúng ta hãy nói: ‘Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho tôi, làm việc để chuẩn bị cho tôi một chỗ.” Người rất trung tín. Người làm như vậy vì Người đã hứa. Thiên đàng sẽ là sự gặp gỡ này, sự gặp gỡ với Chúa Giê-su Đấng đã đi trước chúng ta để chuẩn bị một chỗ cho mỗi chúng ta. Điều này làm vững vàng niềm tin.”

Đức Thánh Cha nói Chúa Giê-su là “tư tế trung gian, cho đến tận cùng của thế giới.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời nguyện sau: “Xin Chúa ban cho chúng ta ý thức về việc tiến bước theo hành trình với lời hứa này. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết ngước nhìn lên trời và thì thầm: ‘Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho tôi.’”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2018]


Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Tình yêu vô bờ bến’

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Tình yêu vô bờ bến’
© Vatican Media

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Tình yêu vô bờ bến’

Trong Thánh Lễ sáng, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng không có sự yêu thương, Giáo hội không thể chuyển động hay phát triển

26 tháng Tư, 2018 13:07

Yêu thương vô bờ bến, và không có sự yêu thương, Giáo hội không thể chuyển động hay phát triển.

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điểm này trong Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta khi ngài suy tư về Tiệc Ly, trong đó Chúa Giê-su dạy tình yêu thương qua phép Thánh thể và sự phục vụ qua việc rửa chân.

Nhắc lại Tin mừng trong ngày theo Thánh Gioan, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu của Chúa Giê-su trong buổi tối hôm đó cho thấy rằng không một người phục vụ nào cao trọng hơn ông chủ.

Đức Thánh Cha Dòng Tên giải thích, trình thuật Tin mừng chứa đựng ba chân lý nền tảng cho Giáo hội: Chúa Giê-su dạy chúng ta yêu thương qua Bí tích Thánh Thể, Người dạy chúng ta sự phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ, và nói rằng không người phục vụ nào cao trọng hơn ông chủ.

Đức Thánh Cha nói Chúa Giê-su đã làm hai “hành động mang tính thể chế” tại Bữa Tiệc Ly: một là qua việc hiến thân Người làm của ăn và máu Người làm của uống trong Bí tích Thánh Thể; hai là qua việc rửa chân cho các môn đệ.

Ngài nói, “Hai hành động này tiết lộ những điều răn sẽ làm cho Giáo hội phát triển, nếu chúng ta trung thành.”

Ngài nói điều răn đầu tiên là yêu thương. “Đó không còn là việc ‘yêu thương tha nhân như chính bản thân’,” Đức Thánh Cha nói, “vì Chúa Giê-su đi một bước xa hơn khi Ngài nói “yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.”

“Yêu thương vô bờ bến. Không có yêu thương, Giáo hội không thể tiến bước; Giáo hội không thể hít thở. Không có yêu thương, Giáo hội không thể phát triển, và sẽ bị biến thành một tổ chức trống rỗng, được hợp thành bởi những hình thức và hoạt động không trổ sinh hoa trái. Qua những hành động của mình, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết phải yêu thương như thế nào, nghĩa là yêu đến tận cùng.”

Đức Thánh Cha nói “Phục vụ nhau” là điều răn thứ hai được thể hiện qua việc rửa chân.

Đức Phanxico nhấn mạnh, bài học thứ ba đó là phục vụ một cách khiêm nhường, biết rằng chúng ta ‘được sai đi’ và không thể cao trọng hơn người khác.

“Ý thức rằng Người là đấng cao trọng hơn tất cả chúng ta, và chúng ta là người phục vụ không thể vượt qua Chúa Giê-su. Chúng ta không thể sử dụng Chúa Giê-su. Người là Chúa, không phải chúng ta. Đây là ý định của Chúa. Qua việc hiến thân mình làm của ăn và của uống, Người bảo chúng ta phải yêu thương nhau theo cách này. Qua việc rửa chân, Người bảo chúng ta phải phục vụ nhau theo cách này.”

“Nhưng hãy coi chừng,” Đức Phanxico cảnh báo, “không người phục vụ nào cao trọng hơn người đã sai anh ta đến, đó là ông chủ. Những lời thẳng thắn và hành động này là các nền tảng cho Giáo hội. Nếu chúng ta tiến bước trong tinh thần của ba điểm này, chúng ta sẽ không bao giờ vấp ngã.”

Đức Thánh Cha nói những vị tử đạo và nhiều thánh nhân đã hành động “với ý thức mình là người phục vụ.”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận đưa ra lời mời gọi sau: “Hãy để cho ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su đi vào trong tôi. Chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều: sự yêu thương, có thể chẳng có điều gì … Chúng ta có thể cảm thấy bị kẹt ở đó hoặc cảm thấy xấu hổ. Nhưng hãy luôn để cho ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su đi vào.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/4/2018]


Truyền thông phải ủng hộ sự tự do bày tỏ

Truyền thông phải ủng hộ sự tự do bày tỏ
From Holy Cross Website

Truyền thông phải ủng hộ sự tự do bày tỏ

‘Đối thoại, tôn trọng và tự do bày tỏ trong phạm vi cộng đồng’

20 tháng Tư, 2018 17:18

Hơn 400 nhà chuyên môn về truyền thông Giáo hội tập trung về Roma ngày 17-19 tháng Tư, 2018, để bắt đầu thảo luận về đặc tính thật của tự do bày tỏ trong phạm vi cộng đồng trong xã hội kết nối toàn cầu liên tục hôm nay.

“Đối thoại, tôn trọng và tự do bày tỏ trong phạm vi cộng đồng” là chủ đề của Hội nghị Chuyên đề lần thứ 11 cho các Văn phòng Truyền thông Giáo hội được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá.

Trong thời gian hiện tại, khi những “tin giả” và bản tin “sự thật theo cảm tính” thống trị sự tranh luận của công chúng, thì những hạn chế về tự do bày tỏ bắt đầu được đưa ra. Theo các nhà lãnh đạo các hội đồng giám mục, ở một số quốc gia, chính thông điệp Ki-tô giáo cũng là đích ngắm của những giới hạn khắt khe này, thể hiện qua sự kiểm duyệt, qua những tranh luận dàn dựng, để mở ra những sự bắt bớ. Các văn phòng truyền thông giáo hội có trách nhiệm truyền đi những nguồn thông tin tự do và sự thật, đó là một sự phục vụ không thể thiếu trong xã hội.

Như Đức Thánh Cha Phanxico yêu cầu, để trưởng thành trong cách hiểu và tôn trọng môi trường truyền thông đại chúng, trước hết có nghĩa là nhận biết rằng công việc này “bao gồm con người với tên họ đầy đủ” chứ không phải là “đám đông,” Đức ông Fernando Ocariz, giám chức Opus Dei và Chưởng ấn của Đại học Giáo hoàng Thánh giá, nói trong bài đánh giá bế mạc sự kiện.

Trong số các vấn đề cần giải quyết có những bản tin sự thật theo cảm tính và tin giả gần đây. Liên quan đến vấn đề này, Đức ông Ocariz nhắc lại sự bùng nổ những bản tin sai sự thật, để hiểu và tôn trọng nó có nghĩa là phải “đổi mới lại nghề truyền thông ngay từ bên trong,” đào sâu “phạm vi phục vụ” vì “một người nắm rõ thông tin là một người tự do, và trách nhiệm, và từ đó có thể hoạt động trong xã hội trong sự đoàn kết.”

Liên quan đến việc đối thoại, người truyền thông cần phải nuôi dưỡng khát khao “hiểu người khác, hiểu được quan điểm của họ,” để tìm ra “những khía cạnh cụ thể vẫn chưa được đưa ra cân nhắc” và vì thế làm rõ những ý kiến để chúng dễ hiểu hơn, ngài nói. Và một nhu cầu rất lớn – đặc biệt trong thế giới kinh doanh với nét đặc thù là tốc độ và tính tức thời – phải thực hiện công việc với “sự thanh thản”, một thái độ “cho phép chúng ta đem chiều sâu vào trong công việc, để khám phá chiều kích trường tồn và bình an trong Chúa.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/4/2018]


Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban
Copyright - Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

‘Phép Rửa tội không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn của Chúa Thánh Thần, làm cho người lãnh nhận có thể “chống lại tà thần”

25 tháng Tư, 2018 12:59

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài vào Phép Rửa tội: 3. Sức mạnh chống lại tà thần

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều tiên.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục suy tư về Bí tích rửa tội, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chính Tin mừng soi sáng cho các ứng viên và thúc đẩy sự gắn kết với đức tin: “Phép Rửa tội là “bí tích của đức tin’ theo một cách thức rất đặc biệt, vì đó là bí tích dẫn vào đời sống đức tin” [Giáo lý Giáo hội Công giáo (CCC), 1236]. Và đức tin là sự dâng hiến bản thân cho Chúa Giê-su Ki-tô, chân nhận rằng Ngài là “mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14), là “ánh sáng thế gian” (Ga 9:5), là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25), như chương trình cho thấy các dự tòng chuẩn bị đón nhận Bí tích nhập môn Ki-tô giáo vẫn đi theo cho đến ngày nay. Được dạy bảo bởi việc lắng nghe Chúa Giê-su, bởi giáo huấn của Người và bởi công việc của Người, các dự tòng sống lại kinh nghiệm của người phụ nữ Sa-ma-ri đang khát nước hằng sống, của người đàn ông sinh ra đã bị mù nay được mở mắt nhìn thấy ánh sáng, của La-da-rô bước ra khỏi mộ. Chính Tin mừng có sức mạnh biến đổi người đón nhận nó với đức tin, kéo người ấy thoát khỏi sự thống trị của Tà thần, để người đó học cách phục vụ Thiên Chúa với niềm vui và tính mới lạ của sự sống.

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

Một người không bao giờ đến giếng rửa tội một mình, nhưng được đồng hành bằng lời cầu nguyện của toàn Giáo hội, như Kinh Cầu các Thánh nhắc lại, sau đó là đến Lời nguyện Trừ tà và xức dầu cho người dự tòng. Đây là những nghi thức từ thời xa xưa để bảo đảm cho tất cả những người đang chuẩn bị được tái sinh làm con cái của Thiên Chúa, rằng lời cầu nguyện của Giáo hội hỗ trợ họ trong cuộc chiến đấu chống lại tà thần, đồng hành với họ trên con đường thánh thiện, giúp họ tách mình thoát khỏi quyền lực của tội để bước vào vương quốc hưởng ơn sủng của Thiên Chúa. Lời nguyện của Giáo hội – Giáo hội cầu nguyện và cầu nguyện cho tất cả, cho tất cả chúng ta! Chúng ta là Giáo hội cầu nguyện cho người khác. Thật tuyệt vời biết bao khi cầu nguyện cho người khác. Không biết bao nhiêu lần chúng ta chẳng đoái hoài đến việc cầu nguyện nếu chúng ta không có điều gì nguy cấp. Chúng ta phải hiệp thông giới Giáo hội cầu nguyện cho người khác: “Lạy Chúa, con dâng lên Người lời cầu nguyện cho những người đang thiếu thốn, cho những người không có đức tin …” Xin đừng quên: lời cầu nguyện của Giáo hội luôn luôn diễn ra. Nhưng chúng ta phải hiệp thông trong việc cầu nguyện này để cầu nguyện cho tất cả dân Chúa và cho những người đang cần đến lời cầu nguyện. Vì thế, hành trình của những người lớn dự tòng được đánh dấu bằng những lời nguyện trừ tà lặp đi lặp lại bởi linh mục (x. CCC, 1237), đó chính là những lời khẩn xin giải thoát khỏi tất cả những điều chia cách con người khỏi Đức Ki-tô và ngăn cản sự kết hiệp sâu đậm với Người. Với trẻ em cũng vậy, chúng ta khẩn xin Thiên Chúa giải thoát chúng khỏi nguyên tội và dâng hiến chúng được cư ngụ trong Chúa Thánh Thần (x. Nghi thức Rửa tội Trẻ em, s. 56). Hãy cầu nguyện cho trẻ em – cầu nguyện cho sức khỏe thể lý và tinh thần của chúng. Đó là cách bảo trẻ em bằng việc cầu nguyện. Như các Tin mừng đã chứng thực, chính Chúa Giê-su chiến đấu và trừ quỷ để tỏ lộ Nước Thiên Chúa đang đến (x. Mt 12:28): Chiến thắng của Người trên quyền lực của Ác Thần dọn chỗ cho uy quyền của Thiên Chúa Đấng ban niềm vui và hòa giải với sự sống.

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

Phép Rửa tội không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn của Chúa Thánh Thần, làm cho người nhận lãnh “chống lại được ác thần,” tin rằng Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian để phá tan quyền lực của Satan và đưa con người từ bóng tối trở về với ánh sáng vĩnh cửu của Vương quốc của Người” (x. Nghi thức Rửa tội Trẻ em, s. 56). Theo kinh nghiệm chúng ta biết rằng đời sống người Ki-tô hữu luôn đối mặt với những cám dỗ, đặc biệt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, xa lìa ý định của Ngài, thoát ra khỏi sự kết hiệp với Ngài, rơi vào những cám dỗ của trần thế. Và Phép Rửa tội chuẩn bị cho chúng ta, nó trao cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu từng ngày, cả việc chiến đấu với quỷ – như Thánh Phê-rô nói – là kẻ luôn rình rập săn đuổi để vồ lấy chúng ta như một con sư tử, để phá hủy chúng ta.

Cùng với lời cầu nguyện, sau đến là việc xức dầu trên ngực của người dự tòng, để với nó “họ đón nhận được sức mạnh để từ bỏ ma quỷ và tội, trước khi tiến đến giếng rửa tội và được tái sinh trong một đời sống mới” (Phép lành xức dầu. Premesse, s. 3). Vì đặc tính của dầu là ngấm vào các mô của cơ thể để sinh ích lợi, những võ sĩ cổ đại thường bôi dầu lên khắp thân mình họ để làm săn chắc các cơ bắp và dễ dàng thoát khỏi cú ôm kẹp của đối thủ. Dưới ý nghĩa tượng trưng này, những Ki-tô hữu của các thế kỷ đầu chấp nhận dùng dầu đã được giám mục làm phép để bôi lên thân thể của các ứng viên chịu Phép Rửa tội, để qua “dấu chỉ của ơn cứu độ” cho thấy rằng quyền năng của Đức Ki-tô Đấng Cứu Thế tăng sức mạnh để chống lại sự ác và vượt qua nó (x. Nghi thức Rửa tội Trẻ em, s. 105).

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

Chống lại tà thần là một cuộc chiến đấu mệt mỏi để thoát khỏi những mưu gian của nó, để có thêm sức mạnh sau cuộc chiến đấu kiệt sức, nhưng chúng ta phải hiểu rằng toàn bộ cuộc sống của người Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu. Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng chúng ta không cô đơn, rằng Mẹ Giáo hội luôn cầu nguyện để những người con của mình đã được tái sinh qua Bí tích Rửa tội không đầu hàng trước những cạm bẫy của Tà Thần, nhưng chiến thắng nó bằng sức mạnh của Đức Ki-tô Phục sinh. Được tăng sức mạnh bởi Chúa Sống lại, Đấng đã đánh bại hoàng tử của thế gian này (x. Ga 12:31), chúng ta có thể lặp lại niềm tin của Thánh Phaolo: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:13). Tất cả chúng ta đều có thể vượt qua, vượt qua được mọi điều, nhưng chỉ với sức mạnh đến từ Đức Ki-tô.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần III): Không phải là một công thức ảo thuật, nhưng là một ơn ban

Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha

Thứ Sáu, 27 tháng Tư, một Hội nghị Thượng định Liên Triều tiên sẽ diễn ra tại Panmunjom, trong đó có sự tham dự của hai nhà lãnh đạo của hai nước Triều tiên, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong Un. Sự gặp gỡ này sẽ là một cơ hội thuận tiện để bắt đầu một sự đối thoại rõ ràng và một tiến trình hòa giải cụ thể, đồng thời tái khám phá lại tình huynh đệ, để bảo đảm được nền hòa bình cho Bán đảo Triều tiên và toàn thế giới.

Hai dân tộc Triều tiên, luôn khát khao hòa bình, tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho sự gần gũi của toàn thể Giáo hội. Tòa Thánh luôn đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích mọi sáng kiến hữu ích và chân thành nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, trên tinh thần gặp gỡ và tình bạn giữa các dân tộc. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trực tiếp về chính trị hãy can đảm hy vọng, hãy biến mình thành “những người thợ” xây dựng hòa bình, đồng thời tôi kêu gọi họ hãy tin tưởng tiếp tục con đường thực hiện vì lợi ích chung của tất cả. Và, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và là Cha của hòa bình, tôi mời gọi anh chị em dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha là Thiên Chúa, là Cha của tất cả mọi người, cho dân tộc Triều tiên, bất kể họ là người ở miền Nam hay miền Bắc.

[Đọc Kinh Lạy Cha]

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2018]


Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang các dấu thánh của Chúa Ki-tô

Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang các dấu thánh của Chúa Ki-tô

24 tháng Tư, 2018
Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang các dấu thánh của Chúa Ki-tô
©MP | Portfolio | Leemage

Những tấm ảnh tiết lộ về vị linh mục thánh, người đã được nhận những món quà thiêng liêng đặc biệt để phục vụ dân Chúa.

Thánh Pio of Pietrelcina (thường được gọi bằng tên “Padre” Pio), là một vị linh mục khiêm nhường người Ý mà Chúa đã chọn để thực hiện những phép lạ đặc biệt trong đời sống của không biết bao nhiêu người đến với ngài để xin sự giúp đỡ thiêng liêng. Qua quyền năng của Chúa ngài đã có thể hiểu thấu được linh hồn của con người, ở hai nơi cùng một lúc, và cất lên khỏi mặt đất, và ngài được nhận những dấu thánh của Đức Ki-tô (stigmata) trên thân thể của ngài. Thánh Padre Pio đã không cầu xin điều này, nhưng trở thành một chén thánh đơn sơ mà Thiên Chúa sử dụng cho những mục đích của Người.

Dưới đây là những hình ảnh quý hiếm của nhà thần bí khiêm nhường và cho thấy một trong những vị thánh đặc biệt nhất của thế kỷ 20.

Các bạn cùng xem ảnh:

Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang các dấu thánh của Chúa Ki-tô
Thánh Padre Pio trẻ.
1/11
Những bức ảnh hiếm của Thánh Padre Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang các dấu thánh của Chúa Ki-tô
Thánh Padre Pio chuyện trò với những người lính
Fair Use
2/11
Padre Pio
Thánh Padre Pio trong Lễ Giáng sinh
Fair use | Unknown
4/11
PADRE PIO
Lễ Giáng sinh với Thánh Padre Pio.
Public Domain
5/11
PADRE PIO
Thánh Padre Pio đọc Kinh Tạ ơn trong Thánh Lễ
ASSOCIATED PRESS | FOTOLINK
6/11
PADRE PIO
Thánh Padre Pio đi giữa các tín hữu với chén thánh. 1960s.
©MP | Portfolio | Leemage
7/11
PADRE PIO
Có thể nhìn thấy rõ những dấu thánh (stigmata) trong ảnh này của Thánh Padre Pio.
© Public Domain
8/11
PADRE PIO
Thánh Padre Pio thăm bệnh nhân
9/11
PADRE PIO
Một nhóm binh sĩ với Thánh Padre Pio.
10/11
PADRE PIO
Thánh Padre Pio cùng với dấu thánh (stigmata) trong ảnh.
CPP | CIRIC
11/11
[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2018]


Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Mong sao chúng ta nhận biết được ai là người chúng ta phải chống lại, ai đến từ tà thần

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Mong sao chúng ta nhận biết được ai là người chúng ta phải chống lại, ai đến từ tà thần
© Vatican Media

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Mong sao chúng ta nhận biết được ai là người chúng ta phải chống lại, ai đến từ tà thần

Trong Lễ sáng, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở ‘Mong sao chúng ta biết mở tâm hồn trước những điều mới lạ nhưng là những điều đến từ Thiên Chúa’


24 tháng Tư, 2018 14:57
“Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng biết cách chống lại những người chúng ta phải chống lại, những người đến từ tà thần, những người tước mất sự tự do của chúng ta.

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điều này trong Thánh Lễ sáng trong nhà nguyện Thánh Marta khi ngài suy tư về vai trò trung tâm của Thánh Thần trong đời sống của người môn đệ, lấy từ các bài đọc trong ngày.

Nhắc lại Tin mừng trong ngày của Thánh Gioan, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự tuân thủ lề luật của các luật sĩ trở nên cứng nhắc. Đặt những lề luật này vào trung tâm, Đức Phanxico nói, chúng trở nên những chướng ngại cản trở công cuộc của Chúa Thánh Thần thực hiện.

Đức Thánh Cha làm nổi bật sự bất lực của họ “không phân định được những dấu chỉ của thời đại” như một loại ngục tù. Ngài nguyện cầu cho ngày nay chúng ta có thể phân định được những dấu chỉ như vậy để đưa ra những quyết định cần thiết trong thời điểm đó.

“Họ nhận được một lề luật cho sự sống, nhưng họ lại ‘lái’ nó đi, ngài nhấn mạnh rằng “họ biến nó thành một hệ tư tưởng và từ đó họ chơi trò sấp ngửa và biến hóa nó và rồi không thể vượt qua. Bất kỳ một điều gì mới mẻ đều là sự đe dọa đối với họ.”

Suy tư về sự nhu mì trước Thần Khí, Đức Phanxico nhấn mạnh vào thái độ của Con Thiên Chúa Đấng đặt Thánh Thần vào trung tâm. Các môn đệ tiên khởi đã nhu mì trước những điều mới lạ đối với họ, như chúng ta thấy trong bài đọc hôm nay trích Sách Công vụ Tông đồ — Đức Phanxico nói – là thái độ dẫn đưa họ đi gieo Lời Chúa theo những cách “thật sự và chưa ai làm.”

“Họ duy trì thái độ nhu mì với Thần Khí và đã làm được những điều còn hơn cả một cuộc cách mạng.” Đức Thánh Cha nói rằng họ đưa Giáo hội vào một chuyển động cho chúng ta thấy rằng Giáo hội chỉ có thể đạt được sự thăng bằng như một chiếc xe đạp — chỉ khi nào đó chuyển động.

Đức Thánh Cha nói có hai cách đối chọi nhau khi mô tả thái độ phản ứng của một người trước hơi thở của Thánh Thần, khóa lòng và mở lòng. Ngài nói, mở lòng là thái độ nổi bật của các môn đệ và các tông đồ.

Nhận rằng vẫn luôn có sự chống lại Thánh Thần trong Giáo hội, Đức Thánh Cha kết luận bằng lời nguyện xin Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh của Người: “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng biết cách chống lại những người chúng ta phải chống lại, những người đến từ tà thần, những người tước mất sự tự do của chúng ta.

“Ước mong sao chúng ta biết mở lòng trước những điều mới lại, nhưng là những điều đến từ Thiên Chúa. Xin Người ban cho chúng ta, cùng với sức mạnh của Thánh Thần, ơn sủng biết phân định những dấu chỉ của thời đại để đưa ra những quyết định cần phải có trong thời điểm đó.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2018]