Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Đức Thánh Cha và những người phụ nữ trong cuộc sống của ngài

Đức Thánh Cha và những người phụ nữ trong cuộc sống của ngài

Quyển sách phỏng vấn của Dominique Wolton
1 tháng Chín, 2017
Đức Thánh Cha và những người phụ nữ trong cuộc sống của ngài
Jorge Mario Bergoglio Bà của ngài "Nonna Rosa" @ Il Sismografo
Trong quyển sách phỏng vấn với nhà nghiên cứu người Pháp Dominique Wolton, Đức Thánh Cha nhắc lại “những người phụ nữ trong đời của ngài”: hai người bà, thân mẫu … và kể cả một người nữ cộng sản Paraguay và một nhà phân tâm học người Do thái đã “giúp” ngài “rất nhiều.”
Ngày 1 tháng Chín, 2017, tạp chí Le Figaro đăng những câu trích trong tác phẩm “Đức Thánh Cha Phanxico: những buổi gặp gỡ với Dominique Wolton: Chính trị và Xã hội” (Editions de L’Observatoire, 432 trang), ngày phát hành dự định là 6 tháng Chín.
“Tôi tạ ơn Chúa vì được biết những người phụ nữ thật sự trong đời tôi,” Đức Giáo hoàng kể với nhà xã hội học mà ngài tiếp hàng chục lần trong Vatican. “Hai người bà của tôi rất khác nhau, nhưng họ là những người phụ nữ thật sự. Họ là mẹ, họ làm việc, họ rất can đảm, họ dành thời gian với các cháu, nhưng luôn luôn theo chiều kích của một người phụ nữ,” ngài giải thích.
Ngài cũng ca tụng thân mẫu của ngài, một người sống theo cách “không lãng phí bất kỳ vật gì” và là người “đối mặt với hết vấn đề này sang vấn đề khác … Bà là một phụ nữ, là một người mẹ.”
Một người phụ nữ khác trong cuộc đời của Đức Thánh Cha là Esther Balestrino De Careaga, một dược sĩ, là trưởng phòng nơi bà làm việc, bà đã dạy ngài “thực tại của chính trị.” Bà là một người cộng sản ở Paraguay.
Ngài cũng kể về một nhà phân tâm học người Do thái: “Tại một thời điểm trong cuộc đời tôi cần có sự hướng dẫn … tôi đến với bà trong suốt sáu tháng 1 tuần 1 lần để làm rõ một số vấn đề. Bà rất tốt, là một bác sĩ rất có chuyên môn và là nhà phân tâm học; bà luôn giữ đúng vị trí của mình.”
“Bà giúp tôi rất nhiều. Lúc đó tôi đã 42 tuổi,” ngài cho biết. Và rồi một ngày kia khi bà gần qua đời, bà gọi cho tôi. Không phải để lãnh các Bí tích, vì bà là người Do thái giáo, nhưng để đối thoại về tâm linh,” ngài nói thêm.
“Một người đàn ông cần phải có những người chị gái, rất quan trọng,” ngài nhấn mạnh, và nhắc lại những người bạn nữ của thời niên thiếu, ‘những hôn thê tí hon.’”
Đức Thánh Cha nói, “Tôi trở nên trưởng thành nhiều hơn vì có những mối quan hệ với những người phụ nữ. Phụ nữ nhìn mọi việc theo cách khác với đàn ông … trước một quyết định phải đưa ra, trước một vấn đề, điều quan trọng là phải lắng nghe cả hai phía.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/09/2017]


Expo 2017: “Xem xét lại lối sống của con người” Đức Hồng y Turkson nói

Expo 2017: “Xem xét lại lối sống của con người” Đức Hồng y Turkson nói

Tòa Thánh tổ chức cuộc gặp gỡ liên tôn
1 tháng Chín, 2017Z
Expo 2017: “Xem xét lại lối sống của con người” Đức Hồng y Turkson nói
Expo2017, Astana, cuộc họp liên tôn @Twitter Dicastery
“Mọi tín hữu trên hành tinh phải xem xét lại lối sống của mình,” Đức Hồng y Phê-rô Turkson trình bày, ngài cũng nói về “năng lượng tinh thần,” thường còn quan trọng hơn “những giải pháp kỹ thuật.”
Ngài Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã đọc diễn văn trong triển lãm Expo 2017 tại Astana, ở Kazakhstan, chủ đề năm nay nói về tương lai của năng lượng, theo bản tin Đài Phát thanh Vatican tiếng Ý ngày 31 tháng Tám, 2017. Tòa Thánh cũng có mặt tại đó, với một gian hàng có chủ đề “Năng lượng cho Thiện ích chung: Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta.” Trong suốt tuần lễ Expo, Vatican tổ chức một buổi họp liên tôn theo chủ đề của Expo, nhưng cũng thảo luận về vấn đề hòa bình. Vào cuối buổi họp, một Tuyên bố chung gồm những khái niệm về môi trường sẽ được công bố, với tất cả những nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt tại Expo.
Đức Hồng y Turkson giải thích với Đài Phát thanh Vatican, “Quả thật chúng tôi có mặt ở đây để thăng tiến đời sống con người trên mặt đất, trong những mối tương quan của nó giữa các cá nhân và dân tộc, nhưng còn là dịp để xây dựng sự chung sống hòa bình trên mặt đất.”
Đức Hồng y nói, “Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi không thể đưa ra được những giải pháp nhưng chỉ là những tầm nhìn về thế giới được khơi gợi bởi đức tin.”
Ngài nói thêm, “Chúng tôi cố gắng đạt được những gì Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Giáo hội trong Thế giới ngày nay) đã trình bày: Giáo hội luôn tìm cách để thể hiện sự yêu mến của mình dành cho nhân loại, bằng cách bước vào cuộc đối thoại với nhân loại về những gì nhân loại khát khao và những vấn đề của nó.”
Ngài nói, “Tại Expo chúng tôi muốn kể một chút lịch sử rằng, với chúng tôi, là năng lượng tinh thần.” Gian hàng của Tòa Thánh hy vọng thu hút “sự chú ý đối với thực tại rằng còn có nguồn năng lượng khác trong tất cả chúng ta, một nguồn năng lượng theo một cách nào đó giúp định hướng cho những thái độ, những hoạt động và quyết định của chúng ta. Nó là điều mà chúng tôi gọi là “năng lượng tinh thần” và chúng tôi cho ví dụ của Mẹ Teresa, mẹ nói rằng người ta tìm được cách tốt nhất để phục vụ trong lời cầu nguyện: chúng tôi đề cập đến Indira Gandhi, chúng tôi nói đến Nelson Mandela, tinh thần phục vụ của họ dưới cương vị là những nhà lãnh đạo quốc gia,” ngài giải thích.
Ngài Tổng trưởng nói rằng tầm quan trọng của “năng lượng tinh thần” này thường không được chú ý. “Chúng là những điều mà chúng ta rất dễ bỏ qua vì nghĩ rằng mọi giải pháp đều thuộc về kỹ thuật và có thể tìm được trong những sự phát triển khoa học nào đó, chúng cũng quan trọng, nhưng không thể là tất cả — theo một cách nói — là những vấn đề và những mong chờ của nhân loại.”
Về buổi họp liên tôn, Đức Hồng y nói rằng “Tòa Thánh là Nhà nước tôn giáo duy nhất được mời,” Vatican mong muốn “dùng lời mời … để đưa thêm các niềm tin, các tôn giáo khác vào với sự kiện này.”
“Vì vậy, chúng tôi quyết định tổ chức buổi thảo luận này theo chủ đề của Expo, nhưng theo quan điểm liên tôn. Vì vậy chúng tôi mời một đại diện của Do thái giáo, một đại diện của Hồi giáo, một đại diện của Hội đồng Đại kết các Tôn giáo và do vậy sẽ có một đại diện của Anh giáo, của Tin lành Luther và của Chính thống giáo Nga.”
Ngài nói tiếp, “Khi chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện này, cuộc khủng hoảng Bắc Triều tiên chưa xảy ra, nhưng có thông tin từ nhiều nơi trên thế giới, làm cho Đức Thánh Cha Phanxico phải gọi là một ‘chiến tranh thế giới theo từng vùng’. Hậu quả là luôn có mối đe dọa nền hòa bình, đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng dùng sự kiện này kết nối với địa điểm biểu tượng trên thế giới, kim tự tháp Astana, để một lần nữa lại gióng lên tiếng nói của các tôn giáo cho hòa bình, và tôn trọng Tạo vật, Đức Hồng y kết luận.
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/09/2017]