Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’


Đức Thánh Cha Phanxicô trong Quảng trường Thánh Phêrô ngày 25 tháng Sáu, 2022 | Daniel Ibanez/CNA

Vatican City, 1 tháng Bảy, 2022 / 10:26 am


Trong một phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về khái niệm ‘chiến tranh chính nghĩa.’ Một cuộc chiến tranh có thể là chính nghĩa, có quyền tự vệ. Nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách mà khái niệm này được sử dụng ngày nay.”

“Tôi đã nói rằng việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là phi đạo đức. Giải quyết xung đột bằng chiến tranh là nói không với lẽ phải bằng lời nói, nói không với tính xây dựng. … Chiến tranh về cơ bản là thiếu đối thoại.”

Đức Giáo hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 20 tháng Sáu bởi Télam, hãng thông tấn quốc gia của Argentina. Đoạn video dài 1 giờ về cuộc phỏng vấn đã được công bố vào ngày 1 tháng Bảy.

Trả lời câu hỏi về việc thiếu đối thoại có phải là một yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình thế giới hiện nay hay không, Đức Giáo hoàng nói rằng có “một cơ sở hạ tầng toàn vẹn của việc buôn bán vũ khí” hỗ trợ cho chiến tranh ngày nay.

Ngài nói, “Một người biết về những thống kê nói với tôi, tôi không nhớ rõ các con số, rằng nếu ngừng sản xuất vũ khí trong một năm thì sẽ không có nạn đói trên thế giới.”

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả rằng ngài đã khóc khi đến viếng những nghĩa trang chiến tranh ở Châu Âu, bao gồm đài tưởng niệm Thế chiến I Redipuglia và nghĩa trang Anzio của Đệ nhị Thế chiến ở Ý.

Ngài nói, “Và khi kỷ niệm cuộc đổ bộ ở Normandy, tôi nghĩ đến 30.000 thanh niên bị phơi thây trên bãi biển. Họ mở các con tàu và ra lệnh, “bước xuống, bước xuống”, họ được lệnh trong khi Đức Quốc xã đang chờ đợi họ. Điều đó có chính đáng không? Đến viếng các nghĩa trang quân sự ở Châu Âu giúp người ta nhận ra điều này.”

Đức Giáo hoàng cũng nói rằng tình hình ở Châu Âu ngày nay cho thấy Liên hợp quốc “không có quyền lực” để ngăn chặn một cuộc chiến.

Ngài nói: “Sau Thế chiến II, lòng tin được đặt vào Liên hợp quốc. Tôi không có ý định xúc phạm bất kỳ ai, tôi biết có những người rất tốt đang làm việc ở đó, nhưng tại thời điểm này, LHQ không có quyền lực để quyết đoán.”

“Nó thực sự giúp tránh chiến tranh — và tôi đang nghĩ đến Síp, nơi có quân đội của Argentina. Nhưng để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, để giải quyết một tình huống xung đột như tình trạng chúng ta đang trải qua ngày nay ở Châu Âu, hoặc giống như những tình trạng ở những nơi khác trên thế giới, thì nó không có sức mạnh.”

Giáo huấn của Giáo hội về đạo đức của chiến tranh dựa trên một thuyết được Thánh Augustinô dẫn giải vào thế kỷ thứ 4, được gọi là thuyết chiến tranh chính nghĩa và thừa nhận một lý do có thể chính đáng để tham chiến trong những điều kiện nhất định.

Các nhà thần học nói với CNA vào năm 2019 rằng việc áp dụng thuyết này vào chiến tranh hiện đại, thường là các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích chứ không phải là các chiến trường dàn trận đối mặt giữa các đoàn quân, thì phức tạp hơn nhưng vẫn mang tính quy phạm.

Cuộc phỏng vấn của giáo hoàng đã đề cập đến một số chủ đề, bao gồm đại dịch Covid-19, đối thoại giữa các thế hệ và biến đổi khí hậu.

Đức Giáo hoàng nói, “Anh có thể tin chắc rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và con người chúng ta thì lúc có lúc không. Nhưng thiên nhiên không bao giờ tha thứ. Nó sẽ đáp trả cho chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng thiên nhiên vì lợi nhuận, nó sẽ giáng đòn xuống chúng ta. Một thế giới ấm lên ngăn cản việc xây dựng một xã hội huynh đệ và công bằng.”

Khi được hỏi về Giáo hội Công giáo ở Châu Mỹ Latinh, Đức Giáo hoàng nói rằng Giáo hội này có một lịch sử lâu đời về sự “gần gũi với người dân”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Theo một cách nào đó, đây là kinh nghiệm của Giáo hội Mỹ Latinh, mặc dù đã có những mưu toan về thuộc địa hóa hệ tư tưởng, chẳng hạn như việc sử dụng các khái niệm của Mác-xít trong việc phân tích thực tại của Thần học Giải phóng. Đó là một sự lạm dụng hệ tư tưởng…”

Ngài nói thêm: “Có một sự khác biệt giữa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/7/2022]


Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các dân tộc Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các dân tộc Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan


Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các dân tộc Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan

__________________________________


Gửi đến anh chị em Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Nam Sudan lời chào thân ái!

Như anh chị em đã biết, hôm nay là ngày tôi đã lên kế hoạch cho chuyến hành hương hòa bình và hòa giải đến đất nước của anh chị em. Chúa thấu biết tôi thất vọng đến dường nào khi phải hoãn chuyến thăm viếng thăm mong muốn và được chờ đợi từ rất lâu này. Nhưng tôi vẫn vững tin và hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm có thể gặp nhau.

Trong lúc này, tôi muốn nói với anh chị em, đặc biệt trong những tuần lễ này, rằng anh chị em càng gần gũi với tâm hồn tôi nhiều hơn. Tôi luôn mang trong lòng, trong lời cầu nguyện của tôi nỗi đau mà anh chị em đã phải chịu đựng quá lâu. Tôi nghĩ đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo với sự bóc lột, bạo lực và mất an ninh mà đất nước phải chịu đựng, đặc biệt ở miền đông đất nước, nơi những cuộc xung đột vũ trang tiếp tục gây ra nhiều đau khổ rất lớn, và càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự thờ ơ và lợi ích của nhiều người. Tôi nghĩ đến đất nước Nam Sudan và tiếng cầu xin hòa bình của người dân, đã kiệt quệ vì bạo bạo lực và nghèo khổ, chờ đợi những kết quả cụ thể của tiến trình hòa giải dân tộc. Tôi mong muốn đóng góp vào tiến trình đó, không phải một mình, nhưng bằng cách thực hiện chuyến hành hương đại kết cùng với hai hiền huynh thân yêu là Đức Tổng giám mục Canterbury và vị Điều phối Đại hội đồng Giáo hội Scotland.

Thưa các bạn Congo và Nam Sudan thân yêu, vào lúc này lời nói là không đủ để chuyển tải sự gần gũi và tình cảm của tôi đối với các bạn. Tôi muốn nói với các bạn điều này: đừng để cho bản thân bị cướp mất niềm hy vọng! Các bạn quá đỗi thân thương với tôi, hãy biết rằng các bạn quý giá và thân yêu hơn biết bao nhiêu trước mắt Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm thất vọng những người đặt niềm hy vọng nơi Người! Tất cả các bạn có một sứ mệnh cao cả bắt đầu cùng với những nhà lãnh đạo chính trị: đó là mở sang một trang mới để khai phá những con đường mới, những con đường mới của sự hòa giải và tha thứ, của sự chung sống hòa bình và phát triển. Nó là sứ mệnh mà các bạn phải cùng nhau thực hiện. Một sứ mệnh đòi hỏi nhìn về tương lai, nhìn đến nhiều người trẻ trong đất nước của các bạn, giàu hứa hẹn nhưng cũng vô cùng khó khăn, để cung cấp cho họ một tương lai tươi sáng hơn. Người trẻ ước mơ và họ xứng đáng được nhìn thấy ước mơ trở thành sự thật, được nhìn thấy những tháng ngày hòa bình. Vì lợi ích của họ, điều cần thiết trên hết là hãy đặt vũ khí xuống, vượt qua lòng căm phẫn, và viết lên những trang mới của tình huynh đệ.

Còn một điều nữa mà tôi muốn nói với các bạn là: những giọt lệ các bạn đã nhỏ trên đất và những lời cầu nguyện các bạn đã dâng lên thiên đàng không phải là vô ích. Sự an ủi của Thiên Chúa sẽ đến, vì Người đã có “những kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương” (Gr 29:11). Thậm chí ngay lúc này, khi tôi đang trông mong ngày được gặp gỡ các bạn, tôi xin sự bình an của Chúa đổ đầy tâm hồn các bạn. Khi tôi đang chờ đợi cơ hội để nhìn thấy khuôn mặt của các bạn, để cảm nhận sự gần gũi giữa các cộng đoàn Kitô giáo của các bạn, để ôm lấy tất cả các bạn bằng sự hiện diện của tôi và để ban phép lành cho đất nước các bạn, lời cầu nguyện và tình cảm của tôi dành cho các bạn và đất nước các bạn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi gửi đến các bạn lời chúc lành và tôi xin các bạn hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn và … hẹn sớm gặp lại!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/7/2022]