Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Carquinyol from Badalona, Catalunya|Wikipedia|CC BY-SA 2.0

V. M. Traverso

10/11/21


Những người thờ phượng tuốn đến Nhà nguyện Núi lửa Santa Margarida vào mỗi mùa hè để mừng ngày lễ Thánh Margaret Antioch

Du khách Công giáo có thể đã quen với việc nhìn thấy những nhà nguyện ngoạn mục được xây trên đỉnh những vách đá hoặc núi. Nhưng Nhà nguyện Núi lửa Santa Margarida ở Catalonia, Tây Ban Nha, đưa khái niệm này đi xa hơn một bước. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, Nhà nguyện Santa Margarida nằm giữa miệng của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động.

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, Nhà nguyện Santa Margarida nằm giữa miệng của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động.

Nhà nguyện ban đầu đã bị phá hủy bởi một trận động đất và được xây dựng lại vào năm 1865 theo phong cách Rô-măng. Ngày nay, ngôi nhà nguyện một gian đơn sơ đứng riêng biệt giữa thảm cỏ và các lùm cây ở vị trí trước đây là một miệng núi lửa phun trào. Xung quanh nhà nguyện là những bức tường núi lửa, bây giờ được phủ bởi một khu rừng rụng lá theo mùa. Đến nhà nguyện hẻo lánh này không phải là một việc dễ dàng. Từ ngôi làng Saint Paul gần đó đi bộ 25 phút dọc theo một con đường dốc cao trước khi du khách lên tới đỉnh của ngọn núi lửa cao 2.238 foot (hơn 682 m).

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Ngày nay, ngôi nhà nguyện một gian đơn sơ đứng riêng biệt giữa thảm cỏ và các lùm cây ở vị trí từng là một miệng núi lửa phun dung nham

Các lễ hội thường không được tổ chức ở đây, ngoại trừ một ngày lễ được tổ chức vào ngày 20 tháng Bảy để tôn vinh Thánh Margaret thành Antioch, vị thánh bảo trợ của phụ nữ mang thai. Vào ngày đó, hàng trăm tín hữu đi bộ đường dài để tham dự Thánh lễ và tham gia lễ mừng.

Theo một câu chuyện được đăng trên tạp chí Smithsonian, sự kiện lễ Thánh Margaret thành Antioch được tổ chức trong một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thánh Margaret thành Antioch là một Kitô hữu thời sơ khai sống ở Antioch, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, người đã bị bỏ tù vì không chịu từ bỏ đức tin của mình để kết hôn với một vị tướng La Mã. Theo truyền thống Kitô giáo, khi thánh nữ ở trong tù, quỷ đã hiện ra với thánh nhân dưới hình dạng một con rồng. Chuyện kể rằng con rồng đã nuốt chửng Margaret nhưng thánh nhân đã thoát thân một cách kỳ diệu. Bụng con rồng bị khoét rộng và Thánh Margaret thoát ra an toàn.

Nhà nguyện xây trong miệng một núi lửa

Núi lửa, một phần của quần thể núi lửa được gọi là Khu núi lửa La Garrotxa, đã trải qua lần phun trào cuối cùng cách đây 10.000 năm.

Theo một nhà nghiên cứu văn hóa được trích dẫn trên Smithsonian, nhà nguyện tôn vinh Thánh Margaret Antioch được xây dựng bên trong một ngọn núi lửa để bảo vệ các tín hữu thoát khỏi lửa (tức là quỷ dưới hình dạng rồng).

Ngày nay, người dân địa phương có thể yên tâm rằng nguy cơ hỏa hoạn và dung nham không còn nữa khi lần phun trào cuối cùng của núi lửa, là một phần của quần thể núi lửa được gọi là Khu núi lửa La Garrotxa, đã diễn ra cách đây 10.000 năm.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2021]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng 11, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 3 tháng 11, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 10 tháng Mười Một, 2021

______________________________


Bài Giáo lý về Thư gửi Tín hữu Galát: 15. Chúng ta đừng nản chí

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã đến phần cuối của loạt giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát. Chúng ta đã có thể suy gẫm về rất nhiều nội dung khác có trong thư này của Thánh Phaolô! Lời Chúa là nguồn vô tận. Và trong thư này, Thánh Tông đồ đã nói với chúng ta với tư cách một người rao giảng Tin Mừng, một nhà thần học và một mục tử.

Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antioch đã dùng một cách diễn đạt rất đẹp khi ngài viết: “Chỉ có một vị Thầy, Người nói và việc ấy được thực hiện; thậm chí cả những điều Ngài đã làm trong âm thầm cũng xứng đáng với Chúa Cha. Ai sở hữu lời của Chúa Giêsu, thì có thể nghe được ngay cả sự im lặng của Ngài” (To the Ephesians, 15, 1-2). Chúng ta có thể nói rằng Thánh Tông đồ Phaolô có khả năng nói lên sự im lặng này của Thiên Chúa. Trực giác đặc biệt nhất của ngài giúp chúng ta khám phá ra sự mới mẻ đầy kinh ngạc chứa đựng trong sự mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một nhà thần học đích thực, đã chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Chúa Kitô và truyền đạt nó bằng trí óc sáng tạo của ngài. Và ngài cũng có khả năng thi hành sứ mệnh mục tử của mình với một cộng đoàn bị mất phương hướng và hoang mang. Ngài thực hiện điều này bằng nhiều phương pháp khác nhau: hết lần này đến lần khác dùng sự châm biếm, cứng rắn, dịu dàng… Ngài thể hiện quyền của mình trong cương vị một tông đồ, nhưng đồng thời cũng không che giấu những khuyết điểm trong tính cách của ngài. Sức mạnh của Thần Khí đã thực sự đi vào tâm hồn ngài: cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô Phục Sinh đã chinh phục và biến đổi toàn bộ cuộc đời ngài, và ngài dành trọn cuộc đời để phục vụ Tin Mừng. Đây chính là Thánh Phaolô.

Thánh Phaolô không bao giờ nghĩ đến Kitô giáo theo cách bình lặng, thiếu sự day dứt và cương quyết — mà trái lại. Với sự nhiệt tâm như vậy, ngài đã bảo vệ sự tự do mà Chúa Kitô đã mang đến và nó vẫn còn thúc giục chúng ta ngày nay, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ đến sự đau khổ và cô đơn mà ngài phải chịu đựng. Ngài vững tin rằng ngài đã nhận được một tiếng gọi mà chỉ ngài có thể trả lời; và ngài muốn giải thích cho người Galát rằng họ cũng được kêu gọi đến với sự tự do đó, sự tự do giải phóng họ khỏi mọi ách nô lệ bởi vì nó làm cho họ trở thành những người thừa kế lời hứa xưa kia, và trong Đức Kitô, là con cái của Thiên Chúa. Và nhận thức được những rủi ro mà khái niệm tự do này mang đến, ngài không bao giờ nói giảm nhẹ những hậu quả. Ngài nhận thức được những rủi ro mà sự tự do của Kitô giáo mang đến. Nhưng ngài không nói giảm nhẹ những hậu quả. Với parrhesia, tức là lòng can đảm, ngài đã nhắc lại với người tín hữu rằng tự do không phải là sự phóng túng, cũng như không dẫn đến những hình thức tự phụ tự mãn. Nhưng Thánh Phaolô đặt tự do trong tình yêu và cách thi hành nhất quán của nó là phục vụ đức ái.

Toàn bộ tầm nhìn này được đặt trong bức tranh toàn cảnh của một đời sống theo Chúa Thánh Thần, Đấng kiện toàn Luật pháp do Đức Chúa ban cho dân Israel, và ngăn chặn việc quay lại vòng nô lệ của tội lỗi một lần nữa. Nhưng luôn có cám dỗ quay trở lại, phải không? Một định nghĩa về người Kitô hữu được tìm thấy trong Kinh thánh nói rằng người Kitô hữu chúng ta không phải là loại người đi ngược lại, quay trở lại. Đây là một định nghĩa đẹp. Và cám dỗ quay trở lại để được an toàn hơn. Và trong trường hợp này, quay lại với Lề Luật, xem nhẹ sự sống mới của Thần Khí. Đây là điều Thánh Phaolô dạy chúng ta: việc thực thi trọn vẹn Luật pháp thật được tìm thấy trong sự sống của Thần Khí được Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Và chỉ có thể sống đời sống này của Thần Khí trong tự do, tự do của người Kitô hữu. Đây là một trong những điều đẹp nhất, đẹp nhất.

Ở cuối hành trình giáo lý này, đối với cha, dường như một thái độ mang hai chiều kích có thể nảy sinh trong chúng ta. Một mặt, giáo huấn của Thánh Tông đồ tạo ra lòng nhiệt huyết trong chúng ta; ngay lập tức chúng ta cảm thấy được lôi cuốn đi theo con đường tự do, để “bước theo Thần Khí”. Bước theo Thần Khí luôn làm cho chúng ta tự do. Mặt khác, chúng ta nhận thức được những giới hạn của mình vì hàng ngày chúng ta đều cảm nhận sự khó khăn để vâng nghe Thần Khí, tuân theo hành động sinh ích lợi của Người. Khi đó, sự mệt mỏi có thể làm giảm nhiệt huyết.

Chúng ta cảm thấy nản lòng, yếu đuối, đôi khi bị gạt ra ngoài lề đối với lối sống theo thế gian. Thánh Augustinô, khi đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn bão trên biển hồ, đã gợi ý cách phản ứng trong tình huống này. Đây là điều ngài nói: “Niềm tin vào Đức Kitô trong lòng anh em cũng giống như Đức Kitô trên thuyền. Anh em nghe thấy những lời xúc phạm, anh em kiệt sức, anh em buồn bã, và Đức Kitô thì ngủ. Hãy đánh thức Đức Kitô dậy, hãy khơi dậy đức tin của anh em! Dù trong hoạn nạn anh em cũng có thể làm được điều gì đó. Hãy khơi dậy niềm tin của anh em. Đức Kitô tỉnh giấc và nói với anh em … Vì thế, hãy đánh thức Đức Kitô… Hãy tin điều đã nói với anh em, và sẽ có được sự bình an vô cùng trong lòng anh em” (Bài giảng 63). Ở đây Thánh Augustinô nói rằng trong những thời khắc khó khăn, nó cũng giống như chúng ta đang ở trên con thuyền giữa lúc giông bão.

Và các tông đồ đã làm gì? Họ đã đánh thức Đức Kitô. Hãy đánh thức Đức Kitô, Người đang ngủ và anh chị em đang trong cơn bão tố, nhưng Ngài hiện diện. Đây là điều duy nhất chúng ta có thể làm trong những thời khắc khủng khiếp: hãy đánh thức Đức Kitô ở trong chúng ta, nhưng Ngài đang ngủ như [Ngài đã làm] trên thuyền. Đúng là như vậy. Chúng ta phải đánh thức Đức Kitô trong tâm hồn mình, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng mọi điều bằng đôi mắt của Ngài vì cái nhìn của Ngài vượt ra ngoài cơn bão tố. Qua ánh mắt thanh thản ấy, chúng ta có thể thấy được một bức tranh toàn cảnh mà chính bản thân chúng ta cũng không thể hình dung được.

Trong cuộc hành trình đầy thử thách nhưng đầy quyến rũ này, Thánh Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đừng nản chí khi làm điều tốt. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6:9). Chúng ta phải tin tưởng rằng Thần Khí luôn đến để trợ giúp chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta và ban cho chúng ta sự hỗ trợ chúng ta cần. Vì vậy, chúng ta hãy học cách khẩn cầu với Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn! “Vậy, thưa Cha, khẩn cầu Chúa Thánh Thần như thế nào? Con biết cách cầu nguyện với Chúa Cha bằng Kinh Lạy Cha. Con biết cầu nguyện với Mẹ Maria bằng Kinh Kính Mừng. Con biết cách cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng Kinh những Dấu thương. Nhưng với Thần Khí… Kinh để cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là gì?”

Lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là tự phát: nó cần xuất phát từ tâm hồn anh chị em. Trong những thời khắc khó khăn, anh chị em cần phải xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”. Từ khóa đó là: xin ngự đến. Xin ngự đến. Nhưng anh chị em cần phải tự mình nói ra điều đó. Xin ngự đến, vì con thấy mình đang gặp khó khăn. Xin hãy đến, bởi vì con đang ở trong bóng tối. Xin hãy đến, vì con không biết phải làm gì. Xin hãy đến, vì con đang sắp ngã. Xin ngự đến. Xin ngự đến. Đây là lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần – cách kêu cầu Thần Khí.

Chúng ta hãy học cách thường xuyên khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể cầu nguyện bằng những lời đơn sơ vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Và chúng ta có thể mang theo bên mình, có thể kẹp bên trong quyển Tin Mừng bỏ túi, lời nguyện tuyệt đẹp mà Giáo hội đọc trong ngày lễ Ngũ tuần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, / Và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra / Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến! / Đấng ban ân huệ / Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến! / Lạy Đấng ủi an tuyệt vời; / Là khách trọ hiền lương của tâm hồn; / Là Đấng ủy lạo dịu dàng … Xin ngự đến…”

Và lời nguyện còn tiếp tục, đó là một lời cầu nguyện rất đẹp. Nhưng chỉ khi anh chị em có lời nguyện đó – hoặc nếu anh chị em không thể tìm thấy lời nguyện, thì ý chính của lời cầu nguyện là “Xin ngự đến”, như Đức Mẹ và các Tông đồ đã cầu nguyện trong những ngày khi Chúa Kitô đã về trời. Các ngài ở trong Nhà Tiệc Ly cầu xin: Xin ngự đến, để Thần Khí đến. Sẽ tốt cho chúng ta nếu chúng ta đọc lời nguyện thường xuyên. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Và với sự hiện diện của Thần Khí, chúng ta sẽ bảo vệ sự tự do của mình.

Chúng ta là những người Kitô hữu tự do, tự do, không bám chắc vào quá khứ theo nghĩa xấu của từ này, không bị trói chặt vào các tập tục. Sự tự do của người Kitô hữu là điều làm cho chúng ta trưởng thành. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta bước đi trong Thần Khí, trong tự do và niềm vui vì khi Chúa Thánh Thần đến thì niềm vui, niềm vui thật sự sẽ đến. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh và Hoa Kỳ. Trong tháng Mười Một này, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, và cho tất cả những người đã chết, để xin Chúa với lòng từ bi của Người sẽ đón họ vào Nước Thiên đàng. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Kitô tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2021]