Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Đức Thánh Cha nói về ‘Kinh Lạy Cha’ trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest

Đức Thánh Cha nói về ‘Kinh Lạy Cha’ trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha nói về ‘Kinh Lạy Cha’ trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest

‘Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa.’

31 tháng Năm, 2019 17:20

“Mỗi khi chúng ta đọc ‘Kinh Lạy Cha chúng con,’ chúng ta tuyên bố rằng chữ Cha không đứng riêng biệt một mình, tách ra khỏi chữ của chúng con. Được hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được hiệp nhất với trải nghiệm của tình yêu và sự can thiệp của Ngài, điều thúc giục chúng ta nói rằng: ‘Cha của tôi cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của tôi cũng là Thiên Chúa của anh em’ (x. Ga 20:17),” Đức Thánh Cha Phanxico công bố điều này ngày 31 tháng Năm, 2019, trong một nghi thức đặc biệt trong tân Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo của người Bucharest. “Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa.”

Sau bài diễn từ, những người trong nhà thờ đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng La-tinh và tiếng Romania, được ngắt quãng bởi phần thể hiện những bài hát Phục sinh Công giáo và các bài hát Phục sinh Chính thống giáo. Sau bài hát cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến nhiều nhà chức trách quốc gia. Đức Thánh Cha thực hiện chuyến tông du đến Romania từ 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu.

Ngày 22 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc loạt giáo lý trong những Buổi Tiếp Kiến Chung thứ Tư hàng tuần của ngài về “Kinh Lạy Cha.” Ngài xây dựng các chủ điểm của các bài giáo huấn trong phần diễn từ ở Bucharest:

  • Dâng lên Cha, Đấng ngự trên trời, một nước trời ôm lấy tất cả và từ đó Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người tốt cũng như kẻ xấu, trên người công chính cũng như kẻ bất chính (x. Mt 5:45), chúng con khẩn xin được ơn hòa bình và hòa hợp ở đây trên trái đất này mà chúng con đã không duy trì được.
  • Cùng với họ, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, đưa điều này vào trung tâm của mọi việc chúng con làm. Lạy Chúa, xin cho danh Người, không phải danh của chúng con, trở thành điều thúc đẩy và làm chúng con tỉnh thức trong việc thực hành bác ái.
  • Chúng con chờ đợi trong niềm hy vọng nước Cha trị đến.
  • Xin ý Cha được thể hiện, không theo ý chúng con.
  • Hàng ngày chúng con cần Người, lương thực hàng ngày của chúng con. Người là bánh hằng sống (x. Ga 6:35.48) làm cho chúng con nhận biết rằng chúng con là những người con trai con gái được yêu thương, và làm cho chúng con cảm nhận mình không còn bị cô lập và mồ côi.
  • Mỗi khi chúng con cầu nguyện, chúng con xin rằng những lỗi phạm, những món nợ của chúng con, được tha.
  • Và khi sự dữ ẩn nấp ở cửa ngõ tâm hồn chúng con (x. St 4:7) làm cho chúng con muốn khóa chặt mình; khi chúng con cảm nhận mạnh mẽ cám dỗ muốn quay lưng lại với người khác, xin hãy lại giúp chúng con, lạy Cha, vì bản chất của tội là quay lưng lại với Người và với tha nhân.



Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Đức Thượng phụ hiền huynh, thưa anh chị em,

Tôi vô cùng cảm kích và xúc động được ở trong đền thánh này là nơi đưa chúng ta đến với nhau trong sự hiệp nhất. Chúa Giê-su kêu gọi anh em An-rê và Phê-rô bỏ lại lưới của họ và trở thành những ngư phủ chài lưới người (x. Mc 1:16- 17). Tiếng gọi một người anh em đã không trọn vẹn nếu không có tiếng gọi người kia. Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa. Lời cầu nguyện có chứa đựng lời hứa chắc chắn của Chúa Giê-su cho các môn đệ của Người: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:18) và trao cho chúng ta sự vững tin để lãnh nhận và chào đón món quà của những người anh chị em của chúng ta. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ chuẩn bị cho lời cầu nguyện này, trong đó tôi sẽ nói về hành trình huynh đệ của chúng ta và với ý cầu nguyện rằng Romania luôn có thể là ngôi nhà cho mọi người, là vùng đất của sự gặp gỡ, là khu vườn nơi sự hòa giải và hiệp nhất phát triển.

Đức Thánh Cha nói về ‘Kinh Lạy Cha’ trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest
Mỗi khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha chúng con,” chúng ta tuyên bố rằng chữ Cha không đứng riêng biệt một mình, tách ra khỏi chữ của chúng con. Được hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được hiệp nhất với trải nghiệm của tình yêu và sự can thiệp của Ngài, điều thúc giục chúng ta nói rằng: “Cha của tôi cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của tôi cũng là Thiên Chúa của anh em” (x. Ga 20:17). Chúng ta được mời gọi chuyển chữ của tôi thành của chúng tôi, và chữ của chúng tôi trở thành một lời cầu nguyện. Lạy Cha, xin giúp chúng con đón nhận đời sống của những người anh chị em chúng con một cách nghiêm túc, biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng con. Xin giúp chúng con không xét đoán anh em chị em của chúng con vì những hành động và giới hạn của họ, nhưng trên hết là chào đón họ như người con trai hoặc con gái của Chúa. Xin giúp chúng con vượt qua cám dỗ muốn hành động như người anh kia, là người quá quan tâm đến bản thân đến nỗi quên đi món quà của người khác (x. Lc 15:25-32).

Dâng lên Cha, Đấng ngự trên trời, một nước trời ôm lấy tất cả và từ đó Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người tốt cũng như kẻ xấu, trên người công chính cũng như kẻ bất chính (x. Mt 5:45), chúng con khẩn xin được ơn hòa bình và hòa hợp ở đây trên trái đất này mà chúng con đã không duy trì được. Chúng con kêu xin điều này nhờ sự can thiệp của tất cả những người anh chị em trong đức tin của chúng con là những người cư ngụ trong Ngài ở trên thiên quốc sau khi đã tin tưởng, đã yêu thương và chịu đau khổ thật nhiều, thậm chí trong thời đại của chúng con hôm nay, chỉ đơn giản vì họ là người Ki-tô hữu.

Cùng với họ, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, đưa điều này vào trung tâm của mọi việc chúng con làm. Lạy Chúa, xin cho danh Người, không phải danh của chúng con, trở thành điều thúc đẩy và làm chúng con tỉnh thức trong việc thực hành bác ái. Không biết bao nhiêu lần cầu nguyện chúng con chỉ giới hạn mình trong việc xin những ơn và đưa ra những đòi hỏi, nhưng lại quên rằng điều đầu tiên chúng con phải làm là ca khen danh Người, tôn thờ Người, và sau đó là chân nhận một hình ảnh sống động của Người trong người anh em hoặc chị em mà Người đặt bên cạnh chúng con. Ở giữa tất cả những điều chóng qua đó mà chúng con bám chặt vào, lạy Cha, xin giúp chúng con biết tìm kiếm điều tồn tại thật sự: là sự hiện hữu của Người và của người anh chị em chúng con.

Chúng con chờ đợi trong niềm hy vọng nước Cha trị đến. Chúng con cầu xin điều này và chúng con mong mỏi nó vì chúng con thấy rằng những công cuộc của trần gian này không thực hiện vì nó, chúng được tổ chức xoay quanh đồng tiền, xoay quanh những ích lợi cá nhân, và quyền lực. Chúng con quá chìm đắm trong chủ nghĩa hưởng thụ quay cuồng cám dỗ chúng con bằng thực tại hào nhoáng nhưng chóng qua, lạy Cha, chúng con xin Người giúp chúng con tin tưởng vào những gì chúng con cầu xin: từ bỏ sự an toàn quyền lực, sự quyến rũ dối trá của trần gian, tính kiêu căng hão huyền về sự dư dật, thói giả hình chú trọng đến những hình thức bên ngoài. Bằng cách này, chúng con sẽ không xem nhẹ Vương quốc mà Người mời gọi chúng con.

Xin ý Cha được thể hiện, không theo ý chúng con. “Ý của Chúa là tất cả đều được giải thoát” (THÁNH GIOAN CASSIAN, Spiritual Conferences, IX, 20). Lạy Cha, chúng con cần mở rộng những chân trời vì sợ rằng chúng con đưa những giới hạn của chúng con vào trong ý định thương xót, cứu độ của Người mong muốn ôm lấy tất cả mọi người. Lạy Cha, xin giúp chúng con bằng cách gửi đến cho chúng con Thánh Thánh, như trong Lễ Ngũ tuần, là nguồn mạch của lòng can đảm và niềm vui, để thúc giục chúng con rao giảng tin vui của Tin mừng vượt ra ngoài phạm vi của những cộng đồng, những ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc mà chúng con thuộc về.

Hàng ngày chúng con cần Người, lương thực hàng ngày của chúng con. Người là bánh hằng sống (x. Ga 6:35.48) làm cho chúng con nhận biết rằng chúng con là những người con trai con gái được yêu thương, và làm cho chúng con cảm nhận mình không còn bị cô lập và mồ côi. Người là bánh phục vụ, được bẻ ra để phục vụ chúng con, và về phần chúng con cũng được yêu cầu phải phục vụ nhau (x. Ga 13:14). Lạy Cha, như Người ban cho chúng con lương thực hàng ngày, xin hãy làm chúng con vững mạnh để bước ra và phục vụ anh chị em của chúng con. Và khi chúng con xin Người ban cho chúng con lương thực hàng ngày, chúng con cũng xin được lương thực ghi nhớ, ơn biết nuôi dưỡng những gốc rễ chung của bản sắc Ki-tô giáo của chúng con, tuyệt đối cần thiết trong một thời đại khi mà con người, và đặc biệt là người trẻ, có chiều hướng đánh mất cội rễ giữa những bấp bênh của cuộc sống, và không đủ khả năng để xây dựng đời sống của họ trên nền tảng vững chắc. Lương thực mà chúng con xin bắt đầu bằng một hạt giống phát triển dần dần thành một bông lúa, rồi sau đó được thu hoạch và cuối cùng được đem đến bàn ăn của chúng con. Ước mong rằng nó sẽ tạo cảm hứng cho chúng con để trở thành những người kiên trì gieo trồng sự hiệp nhất, không mệt mỏi trong việc gieo những hạt giống hiệp nhất, thúc đẩy thiện ích, làm việc miệt mài bên cạnh những người anh em chị em chúng con, không nghi ngờ hay e ngại, không gây áp lực hoặc bắt buộc đồng nhất, trong niềm vui huynh đệ của một sự đa dạng hòa hợp.

Lương thực mà chúng con xin hôm nay cũng là lương thực mà quá nhiều người ngày nay đang thiếu, trong khi một số ít người lại có quá nhiều hơn mức cần thiết. Lạy Cha, Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện làm cho chúng con phải suy nghĩ và lên tiếng phản đối chống lại nạn đói tình yêu trong thời đại chúng con, chống lại cá nhân chủ nghĩa và sự thờ ơ xúc phạm đến danh Người. Xin giúp chúng con cảm thấy cái đói muốn cho đi một cách nhưng không bản thân mình. Khi chúng con cầu nguyện, xin nhắc chúng con nhớ rằng cuộc sống không phải là để giữ cho bản thân mình được tiện nghi ấm cúng, nhưng là để cho bản thân được bẻ ra; không phải là thu vén nhưng là chia sẻ; không phải là ăn thỏa mãn cái bụng nhưng là cho người khác ăn. Sự thịnh vượng là thịnh vượng chỉ khi nó ôm lấy tất cả mọi người.

Mỗi khi chúng con cầu nguyện, chúng con xin rằng những lỗi phạm, những món nợ của chúng con, được tha. Việc này đòi phải có lòng can đảm, vì nó có nghĩa rằng chúng con phải tha thứ những sự xúc phạm của người khác, những món nợ người khác đã mắc với chúng con. Chúng con phải tìm được sức mạnh để hết lòng tha thứ cho người anh em hoặc chị em của chúng con (x. Mt 18:35), lạy Cha, cũng như Người tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con: xin giúp chúng con bỏ quá khứ lại đằng sau và cùng nhau ôm lấy hiện tại. Lạy Cha, xin giúp chúng con không đầu hàng trước nỗi sợ hãi, không nhìn thấy sự cởi mở như là một mối đe dọa, tìm được sức mạnh để tha thứ cho nhau và tiến tới, và lòng can đảm không an nhàn trong một đời sống tĩnh lặng nhưng là luôn tìm kiếm khuôn mặt của những người anh chị em của chúng con với sự minh bạch và chân thành.

Và khi sự dữ ẩn nấp ở cửa ngõ tâm hồn chúng con (x. St 4:7) làm cho chúng con muốn khóa chặt mình; khi chúng con cảm nhận mạnh mẽ cám dỗ muốn quay lưng lại với người khác, xin hãy lại giúp chúng con, lạy Cha, vì bản chất của tội là quay lưng lại với Người và với tha nhân. Xin giúp chúng con nhận ra nơi mỗi người anh chị em của chúng con một nguồn mạch hỗ trợ trên hành trình chung về với Người. Xin truyền cảm hứng cho chúng con có lòng can đảm để cùng nhau thưa lên: Lạy Cha chúng con. Amen.

Và giờ đây, chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện Chúa đã dạy chúng ta.

[00954-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]


Đức Thánh Cha dẫn ra những lợi ích của gia đình và việc làm nông

Đức Thánh Cha dẫn ra những lợi ích của gia đình và việc làm nông
FAO Graphic

Đức Thánh Cha dẫn ra những lợi ích của gia đình và việc nông nghiệp

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi Giáo sư José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp quốc (FAO)

29 tháng Năm, 2019 17:28

Ngày 29 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nói về những ích lợi của gia đình và việc nông nghiệp vào ngày khởi đầu của Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình LHQ. Ngài gửi thông điệp đến Giáo sư José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO).

Đức Thánh Cha nói, “Gia đình bao gồm một mạng lưới của những mối quan hệ trong đó chúng ta học cách sống với người khác trong sự hài hòa với thế giới chung quanh. Vì vậy nó thể hiện một vùng đất màu mỡ và là một mô hình để hướng dẫn cho nền nông nghiệp bền vững, với những kết quả ích lợi không chỉ cho khu vực nông nghiệp nhưng cho cho toàn thể nhân loại và cho việc bảo vệ môi trường. Theo ý nghĩa này, gia đình có thể giúp chúng ta biết trân quý mối tương quan của con người, tạo vật, và nông nghiệp.”

Tháng Mười Hai năm 2017, Nghị quyết A/RES/72/239 (https://undocs.org/A/RES/72/239) được Đại Hội đồng LHQ thông qua công bố giai đoạn 2019-2028 là Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình Liên Hợp quốc. Nghị quyết LHQ kêu gọi Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cùng cộng tác với các tổ chức khác của hệ thống LHQ hướng dẫn việc áp dụng Thập kỷ và mời gọi các chính phủ và xã hội, khu vực tư nhân và các học viện, hỗ trợ tích cực cho việc áp dụng Thập kỷ.

Theo LHQ, hơn 90 phần trăm trong số 570 triệu nông trang trên toàn thế giới được quản lý bởi một cá nhân hoặc một gia đình và cậy dựa chính vào lao động gia đình. Các nông trang gia đình sản xuất hơn 80 phần trăm lượng lương thực của thế giới về mặt giá trị, khẳng định tầm quan trọng trung tâm của nông nghiệp gia đình cho an ninh lương thực thế giới ngày nay và cho các thế hệ tương lai. Đại đa số các nông trang của thế giới là nhỏ và rất nhỏ. Các nông trang nhỏ hơn 2 héc-ta chiếm 84 phần trăm trong tổng số các nông trang và chỉ chiếm 12 phần trăm toàn bộ đất nông nghiệp.


Thư của Đức Thánh Cha

Thưa ông Tổng Giám đốc,

Tôi viết thư gửi đến ông nhân dịp ngày khởi đầu của Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình Liên Hợp quốc (2019-2028), một sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu Không còn Nạn Đói năm 2030 và đạt được mục thứ hai trong Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình Hành động 2030: “Chấm dứt nạn đói, đạt mục tiêu an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.”

Gia đình bao gồm một mạng lưới của những mối quan hệ trong đó chúng ta học cách sống với người khác trong sự hài hòa với thế giới chung quanh. Vì vậy nó thể hiện một vùng đất màu mỡ và là một mô hình để hướng dẫn cho nền nông nghiệp bền vững, với những kết quả ích lợi không chỉ cho khu vực nông nghiệp nhưng cho cho toàn thể nhân loại và cho việc bảo vệ môi trường. Theo ý nghĩa này, gia đình có thể giúp chúng ta biết trân quý mối tương quan của con người, tạo vật, và nông nghiệp.

Đời sống gia đình cũng là ví dụ điển hình cho nguyên tắc phân quyền, như là một phương cách làm hài hòa những mối quan hệ con người, có khả năng định hình cho trật tự xã hội. Thông qua sự phân quyền thích hợp, các giới chức thẩm quyền công – từ phạm vi địa phương đến phạm vi quốc tế rộng lớn hơn – có thể cùng hoạt động chung với các gia đình để phát triển những vùng nông thôn, mà không bỏ sót mục tiêu của ích chung và bằng cách dành sự ưu tiên cho những người trong các hoàn cảnh thiếu thốn nhất.

Với “sự phân quyền từ dưới” này, nó giúp chúng ta biết quan tâm và chú ý đến những người anh em của chúng ta, chúng ta có thể nhìn thấy cách mà nền nông nghiệp gia đình cần có sự đóng góp đặc biệt của tài năng của nữ giới, vô cùng cần thiết trong mọi cách thể hiện của đời sống xã hội (x. Trích yếu Giáo lý Xã hội của Giáo hội, 295). Đặc biệt trong những quốc gia đang phát triển, phụ nữ có một sự đóng góp rất quan trọng cho hoạt động nông nghiệp. Họ đóng vai trò trong mọi giai đoạn của việc sản xuất lương thực từ gieo trồng đến thu hoạch, trong việc quản lý và chăm sóc gia súc, và thậm chí trong những hình thức lao động nặng nhọc hơn.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng lương thực trong các quốc gia kém phát triển và cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nặng nề trong các quốc gia phát triển đã thúc đẩy những nỗ lực mới trong các vùng khác nhau trên thế giới để đưa nông nghiệp không chỉ trở thành một phương cách tạo việc làm nhưng còn là sự phát triển cho các cá nhân và cộng đồng. Việc làm cho người trẻ trong nông nghiệp, ngoài việc chống thất nghiệp, có thể mang đến những năng lượng mới cho một khu vực đang chứng minh là quan trọng mang tính chiến lược đối với nguồn lợi ích quốc gia của nhiều nước. Những mục tiêu của Chương trình Hành động 2030 không thể bỏ qua sự đóng góp của người trẻ và năng lực đổi mới của họ.

Điều quan trọng là phải điều chỉnh lại các hệ thống giáo dục để chúng có thể đáp ứng tốt hơn cho những nhu cầu của khu vực nông nghiệp và từ đó giúp hội nhập giới trẻ vào thị trường lao động. Những quan tâm và tài năng của người trẻ được thể hiện trong lĩnh vực nông nghiệp cần được khuyến khích bởi những cơ hội giáo dục phù hợp và những chính sách kinh tế đủ khả năng cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để đưa những khả năng của họ vào áp dụng và từ đó trở thành những nhân tố của sự thay đổi và phát triển cho cộng đồng của họ, với tầm nhìn hướng đến sinh thái học tổng hợp. Những hệ thống giáo dục cần phải vượt qua bước đơn thuần truyền đạt kiến thức trở thành sự thúc đẩy văn hóa sinh thái, là vấn đề cần phải bao gồm “một cách nhìn đặc biệt đối với mọi vật, một cách suy nghĩ, những chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một đời sống thiêng liêng là những điều kết hợp với nhau tạo ra sức kháng cự trước cuộc tấn công của mô hình kỹ trị” (x. Tông huấn Laudato Si’, 111). Sự chuyển giao những giá trị này, ghi dấu trong gia đình, có thể định hình đời sống của các cộng đồng địa phương và đời sống quốc tế.

Thưa ông Tổng Giám đốc: cơ hội này để phản ánh và thúc đẩy nền nông nghiệp gia đình như là một phần của nỗ lực xóa bỏ nạn đói cũng như đưa ra một sự khích lệ cho ý thức xã hội ngày càng nhiều đối với những nhu cầu của anh chị em chúng ta đang thiếu những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Để đạt được điều này, cần phải cung cấp cho các dân tộc một cơ cấu phù hợp có thể giúp họ thoát khỏi nạn đói. Điều này chỉ có thể xảy ra như là kết quả của những nỗ lực chung, được thực hiện trong tinh thần sẵn sàng và quyết tâm, và được hướng dẫn bởi một bước tiếp cận cân nhắc đến những quyền căn bản của con người và tình đoàn kết liên thế hệ như là nền tảng của tính bền vững. Những hoạt động này sẽ trở nên thiết yếu để đạt được mục tiêu được đề ra bởi mục thứ hai trong Những Mục tiêu Phát triển Bền vững, thông qua nông nghiệp gia đình.

Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực và những hoạt động của Đại diện các quốc gia thành viên của FAO, của tất cả những người cộng tác với Tổ chức này và của tất cả những người góp phần thực hiện sáng kiến này để phục vụ gia đình nhân loại rộng lớn của chúng ta.

Viết từ Vatican, 29 tháng Năm, 2019

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2019]


Những phép lạ ngoại thường dẫn đến sự tuyên phong Thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II

Những phép lạ ngoại thường dẫn đến sự tuyên phong Thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II

30 tháng Năm, 2019



Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II là một người trung gian đầy quyền thế, và những phép lạ này chứng minh điều đó!

Trong chương The Catholic Talk Show của tuần này, Ryan Scheel, Ryan DellaCrosse, và Cha Rich Pagano thảo luận về “Những điều bạn chưa biết về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.”

Trong phần này của buổi thảo luận, họ nói về những phép lạ dẫn đến việc tuyên phong thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

Lắng nghe cuộc nói chuyện của họ dưới đây:


Ryan Scheel giải thích rằng phải có hai phép lạ chứng minh cho việc tuyên phong một vị thánh.

Phép lạ thứ nhất dẫn đến sự tuyên phong Chân phước

Scheel bắt đầu, “Phép lạ thứ nhất để tuyên phong chân phước cho ngài là việc làm thuyên giảm căn bệnh Parkinson của một nữ tu người Pháp, (Sơ Marie Simon-Pierre). Đức Gioan Phaolo II chịu đựng bệnh Parkinson. Ngài chịu đựng nó một cách anh dũng.”

Một thời gian ngắn sau khi ngài qua đời, Sơ Simon-Pierre cầu nguyện với Đức Gioan Phaolo II, và bệnh Parkinson của Sơ hoàn toàn thuyên giảm và sau đó là biến mất.”

Phép lạ thứ hai dẫn đến sự tuyên phong Thánh cho Thánh Gioan Phaolo II

Phép lạ thứ hai dẫn đến sự tuyên phong thánh cho Thánh Gioan Phaolo xảy ra cho một phụ nữ người Costa Rica tên là Floribeth Mora,” Scheel giải thích.

“Chị bị chứng phình mạch não không thể giải phẫu và các bác sĩ nói rằng họ không thể làm được gì, vì thế về căn bản chị chỉ chờ chết.

“Mora nằm liệt giường và không thể làm được bất kỳ việc gì. Khi đang đọc một tạp chí có hình Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo trên bìa, tấm hình Đức Gioan Phaolo II nói chuyện với chị!

“Tấm hình Đức Gioan Phaolo II nói, ‘Floribeth, con đang làm gì trên giường vậy? Tại sao con không bước xuống và đi xuống bếp để gặp chồng con?’

“Từ tấm hình, đôi bàn tay của Đức Giáo hoàng dường như vươn đến chị theo một cách đầy yêu thương.

“Mora trả lời, ‘Dạ được, con sẽ đi. Ngay lúc này con cảm thấy khỏe.’

“Và chị xuống khỏi giường, đi xuống bếp, nói chuyện với chồng, và chuyện là như vậy. Chị đã được chữa lành!

“Chị nói, ‘Tôi cảm thấy một ý thức rất mạnh mẽ về sức khỏe trong người tôi, và từ ngày đó trở đi, tôi được chữa lành hoàn toàn.’

“Người ta nghĩ rằng chị bị điên, và rồi chuyện đến tai các vị bề trên của tôn giáo chịu trách nhiệm trong vùng, họ sắp xếp để chị đến một nhà thương ở Roma.

Họ cải trang chị thành một du khách Costa Rica tình cờ đến thăm Vatican, nhưng có những triệu chứng của bệnh phình mạch não.

“Sau đó họ kiểm tra Mora trong một nhà thương với một bệnh sử giả và một tên giả để các bác sĩ thực hiện việc kiểm tra toàn diện về trường hợp của chị,” Scheel nói. “Tất cả mọi việc này đều được làm trong bí mật.”

“Các bác sĩ nói, ‘Không, thưa chị, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ hoạt động nào của chứng phình mạch não. Chẳng có gì ở đó cả. Tình trạng của chị rất ổn để trở về nhà.’

“Chị có mặt tại lễ tuyên phong thánh cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II,” Scheel kết luận.

Thật không thể tin được!



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2019]


‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania

‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania
Copyright: Vatican Media

‘Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nhắc các Giới chức ở Romania

‘Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!’

31 tháng Năm, 2019 18:18

Các Giáo hội Ki-tô giáo tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là những chứng nhân sống động cho mẫu gương của Người.

Đức Thánh Cha Phanxico có bài diễn từ đầu tiên trong sáng nay ở Bucharest nhấn mạnh điểm này với các nhà chức trách của Romania và ngoại giao đoàn trong chuyến đi từ ngày 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu, 2019, thăm quốc gia Romania.

Chuyến đi này đánh dấu chuyến Tông du thứ 30 của ngài, là quốc gia thứ 45 ngài đến thăm. Ký giả người Pháp của ZENIT, Anne Kurian, tháp tùng chuyến đi trên chuyến bay giáo hoàng.

“Tôi vô cùng hạnh phúc thấy mình được đến vùng đất xinh đẹp của quý vị hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II và trong thời gian lục cá nguyệt khi Romania giữ nhiệm kỳ của Hội đồng Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia gia nhập Liên Minh Châu Âu.”

Đức Thánh Cha gửi lời chào “hiền huynh Daniel của tôi với tình huynh đệ,” và gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Đức Tổng Giám mục chính tòa và các Đức Giám mục của Holy Synod (Hội đồng Thánh), và toàn thể tín hữu của Giáo hội Chính thống Romania.

Củng cố niềm tin của người Công giáo trong nước

Ngài nhấn mạnh, “Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các Giám mục và các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả mọi thành viên của Giáo hội Công giáo, là những người mà tôi đến để củng cố niềm tin và động viên trên hành trình cuộc sống và làm chứng nhân Ki-tô.”

Các Giáo hội Ki-tô giáo, Đức thánh Cha nói, “có thể giúp tái khám phá và tăng cường nhịp đập con tim để nó có thể trở thành nguồn mạch của các hoạt động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến cam kết làm việc với sự công bằng và quảng đại cho ích chung của mọi người.”

Ngài tiếp tục, “Đồng thời họ tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là một chứng tá cuốn hút cho công cuộc của Người, và theo cách này, họ phát triển trong tình bạn và hợp tác với nhau thật sự.”

Đức Phanxico nói đây là con đường mà Giáo hội Công giáo mong muốn đi theo. “Giáo hội khao khát đóng góp cho công cuộc xây dựng xã hội. Giáo hội khao khát trở thành một dấu chỉ của sự hòa hợp trong niềm hy vọng hiệp nhất và phục vụ phẩm giá con người và ích chung.”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng những lời nguyện chúc tốt lành cho sự thịnh vượng và hòa bình của Romania, và khẩn xin Chúa tuôn đổ ơn lành và sự bảo trợ của Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa.

Ngài nói, “Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!”

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh), theo sau phần giới thiệu:


***

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước các nhà chức trách, những người đại diện xã hội dân sự và thành viên của Ngoại giao đoàn:

Kính thưa ngài Tổng thống,

Kính thưa Bà Thủ tướng,

Thưa quý vị thành viên của Ngoại Giao đoàn,

Thưa quý vị Giới chức,

Đại diện của các nền tảng tôn giáo và xã hội dân sự,

Các bạn thân mến,

Tôi xin gửi lời chào thân ái và bày tỏ lòng tri ân đến Quý ngài Tổng thống và Bà Thủ tướng về lời mời tôi đến thăm đất nước Romania cùng những lời chào đón nồng hậu, thay mặt cho các nhà Chức trách khác của đất nước, và của dân tộc thân yêu này. Tôi xin chào quý vị thành viên thuộc Ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự cùng hiện diện tại đây.

Tôi xin chào hiền huynh Daniel của tôi với tình huynh đệ. Và tôi xin gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Đức Tổng Giám mục chính tòa và các Đức Giám mục của Holy Synod, và toàn thể tín hữu của Giáo hội Chính thống Romania. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các Giám mục và các linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả mọi thành viên của Giáo hội Công giáo, là những người mà tôi đến để củng cố niềm tin và động viên trên hành trình cuộc sống và làm chứng nhân Ki-tô.

Tôi vô cùng hạnh phúc thấy mình được đến vùng đất xinh đẹp của quý vị hai mươi năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolo II và trong thời gian lục cá nguyệt khi Romania giữ nhiệm kỳ của Hội đồng Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia gia nhập Liên Minh Châu Âu.

Đây là một thời điểm thích hợp để nhớ lại ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Romania được giải phóng khỏi một chính thể đàn áp quyền tự do dân sự và tôn giáo, cách ly đất nước khỏi các quốc gia Châu Âu khác, và dẫn đến tình trạng tù hãm của nền kinh tế và sự kiệt quệ những sức mạnh sáng tạo. Trong nhiều năm qua, Romania đã cam kết xây dựng một nền dân chủ sâu sắc qua tính đa nguyên của các sức mạnh chính trị và xã hội và sự đối thoại song phương, qua việc công nhận căn bản sự tự do tôn giáo và qua việc tham gia trọn vẹn của quốc gia vào phạm vi quốc tế rộng lớn hơn. Điều quan trọng là phải chân nhận những bước tiến lớn được thực hiện trên hành trình này, cho dù có những khó khăn và thiếu thốn đáng kể. Sự quyết tâm tiến lên trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân sự, xã hội, văn hóa và khoa học đã giải phóng nhiều năng lượng và tạo ra nhiều dự án; nó tháo cởi các sức mạnh sáng tạo vĩ đại mà trước đây đã bị trói buộc, và khuyến khích những sáng kiến mới dẫn đưa đất nước bước vào thế kỷ hai mươi mốt. Tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ tiếp tục những nỗ lực này để củng cố các cấu trúc và thể chế cần thiết để đáp ứng cho những nguyện vọng chính đáng của người dân và khuyến khích người dân trong nước nhận ra tiềm năng trọn vẹn và tài năng riêng của mình.

Đồng thời, phải thừa nhận rằng trong khi những thay đổi được buổi bình minh của kỷ nguyên mới mang đến đã tạo nên những thành tựu thực sự, chúng cũng đưa đến những chướng ngại không thể tránh khỏi phải vượt qua và những hệ quả của các vấn đề đối với sự ổn định xã hội và sự điều hành đất nước. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là hiện tượng di cư và vài triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để tìm kiếm những cơ hội việc làm mới và một đời sống đúng phẩm giá. Tôi cũng nghĩ đến sự sụt giảm dân số của nhiều ngôi làng, nơi đã vắng bóng rất nhiều cư dân, những tác động của điều này đối với chất lượng cuộc sống ở những khu vực đó, và sự suy yếu của những gốc rễ văn hóa và tinh thần sâu sắc vẫn giữ vững quý vị trong những thời điểm khó khăn, trong những giai đoạn thử thách. Đồng thời, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng trước sự hy sinh của rất nhiều người con của Romania đã làm phong phú cho những đất nước mà họ di cư đến bằng văn hóa, bằng bản sắc đặc thù và sự cần cù của họ, và nhờ thành quả của sự lao động siêng năng, họ đã giúp đỡ cho gia đình họ vẫn còn ở quê nhà. Nghĩ đến anh chị em của chúng ta ở nước ngoài là một hành động của lòng yêu nước, một hành động của tình huynh đệ, một hành động của sự công bằng. Xin cứ tiếp tục làm như vậy.

Đối mặt với các vấn đề của chương lịch sử mới, xác định các giải pháp hiệu quả và tìm quyết tâm thực hiện chúng, kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn về phía các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội và tinh thần. Cần phải cùng nhau tiến bước trong sự hiệp nhất và vững tin khi tuân theo lời kêu gọi cao quý nhất mà mọi quốc gia khao khát: đó là trách nhiệm vì ích chung của người dân. Để cùng nhau tiến bước, như một cách định hình cho tương lai, đòi hỏi một tinh thần tự nguyện cao cả để hy sinh một điều gì đó thuộc tầm nhìn của riêng mình hoặc lợi ích tốt nhất vì ích lợi của một dự án lớn hơn, và từ đó tạo ra sự hài hòa để có thể tiến bước một cách an toàn hướng đến những mục tiêu chung. Đây là cơ sở cho sự cao quý của một xã hội.

Đây là con đường dẫn đến việc xây dựng một xã hội bao gồm, trong đó mọi người chia sẻ những ân tứ và khả năng của riêng mình, thông qua nền giáo dục chất lượng và lao động sáng tạo, có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 192). Theo cách này, tất cả mọi người đều trở thành vai chính cho ích chung, trong đó những người yếu đuối, người nghèo và người sau rốt không còn bị xem là những người không được hoan nghênh vì làm trì trệ “cỗ máy”, nhưng được xem là những công dân và là những người anh chị em hòa nhập trọn vẹn trong đời sống xã hội. Quả thật, cách họ được đối xử là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy tính tốt lành thật sự của mô hình xã hội mà con người đang cố gắng xây dựng. Chỉ khi nào xã hội đạt đến mức độ biết quan tâm đến những thành viên bị thua thiệt nhất của nó, thì nó mới được xem là xã hội dân sự trọn vẹn.

Toàn bộ tiến trình này cần có một trái tim và một linh hồn, và một mục tiêu rõ ràng để đạt đến, một tiến trình không bị áp đặt bởi những ảnh hưởng bên ngoài hoặc bởi quyền lực ngày càng lớn của các trung tâm tài chính cao, nhưng bởi ý thức về tính trung tâm của nhân vị và những quyền bất biến của nhân vị (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 203). Để có sự phát triển hài hòa và bền vững, việc thực hành cụ thể về tình đoàn kết và bác ái, cùng với sự quan tâm ngày càng nhiều của các sức mạnh xã hội, dân sự và chính trị trong việc theo đuổi ích chung, thì việc hiện đại hóa các lý thuyết kinh tế, hoặc những kỹ thuật và khả năng chuyên môn là không đủ, tuy rằng bản thân chúng có thể là cần thiết. Nó đòi hỏi phải phát triển không chỉ đối với những điều kiện vật chất nhưng là chính linh hồn của dân tộc của quý vị. Vì các dân tộc có một linh hồn; họ có cách thức riêng để nhận thức và trải nghiệm thực tại. Tiếp tục quay trở lại linh hồn của mình: đây là điều làm cho một dân tộc tiến bộ.

Về vấn đề này, các Giáo hội Ki-tô giáo có thể giúp tái khám phá và tăng cường nhịp đập con tim để nó có thể trở thành nguồn mạch của những hoạt động chính trị và xã hội dựa trên phẩm giá con người và dẫn đến cam kết làm việc với sự công bằng và quảng đại cho toàn bộ ích chung. Đồng thời họ tìm cách để trở nên sự phản ánh khả tín cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là một chứng tá cuốn hút cho công cuộc của Người, và theo cách này, họ phát triển trong tình bạn và hợp tác với nhau thật sự. Đây là con đường mà Giáo hội Công giáo mong muốn đi theo. Giáo hội khao khát đóng góp cho công cuộc xây dựng xã hội. Giáo hội khao khát trở thành một dấu chỉ của sự hòa hợp trong niềm hy vọng hiệp nhất và phục vụ phẩm giá con người và ích chung. Giáo hội mong muốn cộng tác với các giới chức dân sự, với các Hội thánh khác và với tất cả những người thiện chí, cùng lên đường với họ và đưa những ân tứ đặc biệt của mình vào phục vụ cho toàn thể cộng đồng. Giáo hội Công giáo không xa lạ với việc này; Giáo hội chia sẻ trọn vẹn tinh thần của dân tộc, như được thể hiện bởi sự tham gia của các tín hữu trong việc định hình cho tương lai của đất nước và trong việc xây dựng và phát triển các cơ cấu giáo dục toàn diện và những hình thức hỗ trợ bác ái phù hợp cho một nhà nước hiện đại. Bằng cách này, Giáo hội khát khao đóng góp cho việc xây dựng cho xã hội và cho đời sống dân sự và tinh thần trong vùng đất Romania xinh đẹp của quý vị.

Thưa ngài Tổng thống,

Tôi xin nguyện chúc mọi điều tốt lành cho sự thịnh vượng và hòa bình của Romania, tôi khẩn xin Chúa tuôn đổ ơn lành trên ngài, gia đình của ngài, và trên tất cả quý vị hiện diện tại đây, và trên tất cả mọi người dân của đất nước, cùng với sự bảo trợ của Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Romania!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]


------------------------- 

Khi đến sân bay quốc tế của Bucharest, Đức Thánh Cha Phanxico được Tổng thống của Romania, Ông Klaus Werner Iohannis, và phu nhân đón tiếp. Sau đó, hai thiếu nhi trong trang phục truyền thống dâng hoa lên cho Đức Thánh Cha. Khoảng 400 tín hữu có mặt.

Sau khi đi qua đội Duyệt binh Danh dự, trước khi tiến vào đại sảnh Tổng thống của sân bay, Đức thánh Cha Phanxico chào các giám mục của Romania. Sau đó ngài di chuyển bằng xe đến Dinh Cotroceni tham dự nghi thức chào đón, đây là nơi làm việc của Tổng thống nước Cộng hòa Romania.

Khi hạ cánh lúc 12.05 trưa (11.05 sáng giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxico được Tổng thống nước Cộng hòa cùng phu nhân đón tại cổng khu phức hợp Dinh Tổng thống Cotroceni.

Sau quốc ca, nghi thức đội danh dự và giới thiệu phái đoàn, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Dinh Tổng thống lúc 12.20 chiều (11.20 trưa giờ Roma) để thăm ngoại giao Tổng thống Romania, ông Klaus Werner Iohannis. Đức Thánh Cha và Tổng thống đứng chụp ảnh chính thức, sau đó tiến về Phòng Danh dự, tại đây sau phần ký Sổ Danh dự và tặng quà lưu niệm diễn ra cuộc họp riêng.

Cuối buổi họp, Đức Thánh Cha và Tổng thống di chuyển sang Phòng Đại sứ để giới thiệu gia đình.

Cuối buổi họp với Tổng thống nước Cộng hòa, Đức Thánh Cha đến Salon Blue của Dinh Tổng thống để có cuộc họp riêng với Thủ tướng Romania, Bà Vasilica Viorica Dăncilă. Cuối buổi họp, Đức Phanxico chào phu quân của bà Thủ tướng. Sau đó cùng với Tổng thống nước Cộng hòa, ngài di chuyến đến Unirii Hall để gặp gỡ các giới chức chính phủ.

Lúc 1 giờ chiều (giờ trưa Roma), trong khán phòng Unirii Hall của Dinh Tổng thống tại Bucharest, Đức Phanxico gặp gỡ các giới chức, đại diện xã hội dân sự và các thành viên Ngoại giao đoàn.

Sau lời chào của Tổng thống Romania, Ông Klaus Werner Iohannis, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ. Cuối cùng, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến tòa khâm sứ của Bucharest.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]