Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha thứ Hai Phục sinh

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha thứ Hai Phục sinh

‘Chúa đã sống lại thật rồi’

5 tháng Tư, 2018
Copyright Vatican Media
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit huấn từ của Đức Thánh Cha thứ Hai, 2 tháng Tư, 2018, buổi trưa giới thiệu kinh nguyện Maria của Mùa Phục sinh.

***

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Theo một truyền thống rất đẹp, phù hợp với nguồn gốc thánh kinh về ngày Phục sinh, thứ Hai sau Phục sinh được gọi là “Thứ Hai của Thiên Thần.” Như các Tin mừng thuật lại (x. Mt 28:1-10; Mc 16:1-7; Lc 24:1-12) rằng khi những người phụ nữ đi ra Mộ, họ thấy nó được mở ra. Trước đó họ sợ rằng họ không thể vào trong vì ngôi mộ được đóng bằng một tảng đá lớn. Nhưng, nó đã được mở ra, và từ bên trong, một giọng nói với họ rằng Chúa Giê-su không có ở đó, nhưng Người đã sống lại.

Những lời Người “đã sống lại,” được công bố lần đầu tiên. Các tác giả tin mừng nói rằng sự công bố đầu tiên này là của các Thiên Thần, cụ thể đó là những sứ giả của Thiên Chúa. Có một ý nghĩa trong sự hiện diện của thiên thần: vì sự Nhập Thể của Ngôi Lời được loan báo bởi một Thiên Thần, Gabriel, thì sự loan báo Phục sinh đầu tiên nếu do lời của một con người là không phù hợp. Cần phải có một hữu thể cao trọng hơn để chuyển tải một thực tại quá lớn lao như vậy, quá phi thường, đến mức chắc không một con người nào dám công bố điều đó. Sau sự loan báo đầu tiên này, cộng đoàn các môn đệ bắt đầu lặp lại: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với Simon!” (Lc 24:34). Lời loan báo này thật đẹp. Bây giờ chúng ta có thể cùng đồng thanh với nhau: “Chúa đã sống lại thật rồi.” Lời loan báo đầu tiên này – “Chúa đã sống lại thật rồi” – đòi hỏi một trí thần cao hơn con người.

Hôm nay là một ngày lễ vui mừng cho không khí gia đình. Nó là một ngày gia đình. Phải nhận thức rằng, sau khi đã mừng Phục sinh, chúng ta cần phải đến với những người thân thương của mình và với bạn bè để ăn mừng. Vì tình huynh đệ là hoa trái của sự Phục sinh của Đức Ki-tô, Đấng bằng cái Chết và sự Phục sinh của Người, đã đánh bại tội lỗi chia cắt con người với Thiên Chúa, chia cắt con người với chính bản thân của mình, chia cắt con người với anh em của mình. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tội luôn luôn chia rẽ, luôn tạo ra những thù hằn. Chúa Giê-su đã phá đổ bức tường chia rẽ giữa con người và tái thiết lập lại hòa bình, bắt đầu dệt lên một mạng lưới của tình huynh đệ mới. Tái khám phá tình huynh đệ trong thời đại của chúng ta là vô cùng quan trọng, như nó đã được sống trong những cộng đoàn Ki-tô tiên khởi. Để tái khám phá ra cách tạo không gian cho Chúa Giê-su Đấng không bao giờ chia rẽ, Đấng luôn luôn hiệp nhất. Không thể nào có sự thân thiết và một cam kết với thiện ích chung và công bằng xã hội nếu không có tình huynh đệ và sự chia sẻ. Không có sự chia sẻ huynh đệ, không thể xây dựng một cộng đoàn giáo hội hay xã hội; nó chỉ là một nhóm các cá nhân tái lập nhóm vì những ích lợi riêng. Tuy nhiên, tình huynh đệ là một ơn sủng của Chúa Giê-su ban.

Sự Phục sinh của Đức Ki-tô tạo ra một sự bùng nổ khác trên trần gian: tính mới lạ của đối thoại và của mối quan hệ, tính mới lạ trở thành một bổn phận của người Ki-tô hữu. Quả thật, Chúa Giê-su đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Hãy lưu ý tại sao chúng ta không thể khóa chặt mình trong tính cá nhân, trong nhóm của chúng ta, nhưng chúng ta được kêu gọi phải quan tâm đến thiện ích chung, phải chăm sóc cho anh em, đặc biệt là những người yếu kém nhất và những người bị gạt ra bên lề. Chỉ có tình huynh đệ mới bảo đảm một nền hòa bình dài lâu, nó có thể đánh bại tình trạng nghèo đói, nó có thể dập tắt những căng thẳng và chiến tranh, nó có thể nhổ bật rễ tình trạng tham nhũng và tội ác. Cầu mong lời của Thiên sứ nói với chúng ta: Người “đã sống lại,” giúp chung ta sống tình huynh đệ và tính mới lạ của sự đối thoại và những mối quan hệ và quan tâm đến thiện ích chung.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Đấng chúng ta khẩn cầu trong cuộc vượt qua này với tước hiệu Nữ vương Thiên Đàng, trợ giúp chúng ta bằng lời nguyện cầu của Mẹ, để tình huynh đệ và sự thân thiết mà chúng ta trải nghiệm trong những ngày Phục sinh này, có thể trở thành cách sống và tinh thần trong những mối quan hệ của chúng ta.


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến,

Trong không khí vượt qua hân hoan của ngày hôm nay, cha gửi lời chào nồng hậu đến mọi gia đình và các nhóm giáo xứ, các hiệp hội và những anh chị em hành hương riêng từ nước Ý và nhiều nơi khác trên thế giới.

Cha ước mong cho từng người anh chị em được trải qua những ngày của Bát nhật phục sinh trong bình an, để niềm vui của sự Phục sinh của Đức Ki-tô được trải dài. Hãy tận dụng mọi cơ hội tốt để làm chứng tá cho sự bình an của Chúa Phục sinh, đặc biệt đối với những người mong manh nhất và thiếu điều kiện nhất. Trong sự tương quan này, cha mong muốn cùng anh chị em dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho Ngày Thế Giới Nhận Thức về Chứng Tự Kỷ, được tổ chức hôm nay.

Cha khẩn xin ơn sủng hòa bình cho toàn thế giới, đặc biệt cho những dân tộc chịu nhiều đau khổ nhất vì những cuộc xung đột đang diễn ra. Đặc biệt, tôi lặp lại lời thỉnh cầu để cho những người bị bắt cóc hoặc những người bị tước mất sự tự do một cách bất công được trả tự do và có thể trở về gia đình của họ.

Chúc ngày thứ Hai của Thiên Thần Hạnh phúc! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt — và: “Chúa đã sống lại thật rồi.”

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/4/2018]

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC (Phần 2)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

ĐẠI HỘI ĐỒNG THÔNG THƯỜNG XV

“GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ SỰ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI”

HỌP TIỀN-THƯỢNG HỘI ĐỒNG


THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

TÀI LIỆU

ROMA, 19‐24 THÁNG BA 2018

________________________________________________________________



Phần Hai

Đức tin và Ơn gọi, sự Phân định và Đồng hành
Hỗ trợ giới trẻ trên hành trình đức tin và nhận thức của họ vừa là một niềm vui vừa là một trách nhiệm thánh. Giới trẻ dễ chấp nhận một “tài liệu về cuộc sống” hơn là một luận thuyết thần học trừu tượng; họ rất ý thức và dễ chấp nhận và cũng cam kết gắn kết tích cực trong thế giới và trong Giáo hội. Để đạt mục tiêu đó, điều quan trọng là phải hiểu được cách giới trẻ nhận thức đức tin và ơn gọi, và những thách đố đang đối mặt với sự phân định của họ.

6. Giới trẻ và Chúa Giê-su

Mối quan hệ của giới trẻ với Chúa Giê-su vô cùng khác nhau giống như con số các bạn trẻ trên trái đất này. Có nhiều bạn trẻ biết và có mối quan hệ với Chúa Giê-su xem Người là Đấng Cứu Độ và của họ và là Con Thiên Chúa. Ngoài ra, giới trẻ thường tìm thấy sự gần gũi với Chúa Giê-su qua Mẹ của Ngài là Maria. Những bạn khác có thể không có được mối quan hệ như vậy với Chúa Giê-su như vẫn xem Ngài là một nhà lãnh đạo luân lý và là một con người tốt lành. Nhiều bạn trẻ biết rằng Chúa Giê-su là một nhân vật lịch sử, là một người của một thời đại và một nền văn hóa, một người không có liên quan đến cuộc sống của họ. Vẫn có những bạn khác nhận thức Người xa cách với kinh nghiệm của con người, đối với họ đó là khoảng cách được duy trì bởi Giáo hội. Những hình ảnh sai lệch về Chúa Giê-su mà một số bạn trẻ tìm thấy thường làm cho họ không nhìn thấy sự Ngài cuốn hút. Những lý tưởng không đúng của những Ki-tô hữu gương mẫu tuột ra khỏi tầm với của con người bình thường và điều cũng tương tự như vậy đối với những quy định được Giáo hội đặt ra. Vì vậy đối với một số bạn trẻ, Ki-tô giáo được xem như một tiêu chuẩn không thể đạt tới.

Một cách để hóa giải những lẫn lộn mà giới trẻ mang trong mình liên quan đến vấn đề Chúa Giê-su là ai là hãy quay trở lại với Kinh Thánh để hiểu sâu hơn về con người của Đức Ki-tô, cuộc sống của Ngài và nhân tính của Ngài. Giới trẻ cần phải gặp gỡ với sứ mạng của Đức Ki-tô, không phải những gì họ hiểu như là một tiêu chuẩn đạo đức bất khả thi. Tuy nhiên, họ cảm thấy không chắc chắn về cách phải thực hiện việc đó như thế nào. Sự gặp gỡ này cần phải được thúc đẩy trong giới trẻ, điều cần phải được thực hiện bởi Giáo hội.

7. Đức tin và Giáo hội

Với nhiều bạn trẻ, đức tin đã trở thành một vấn đề riêng tư hơn là cộng đoàn, và những kinh nghiệm tiêu cực mà một số bạn trẻ đã có với Giáo hội góp phần tạo nên thái độ này. Nhiều bạn trẻ có mối quan hệ với Thiên Chúa đơn thuần trên mức độ cá nhân, họ là những người “tâm linh nhưng không theo tôn giáo,” hoặc chỉ tập trung duy nhất vào mối quan hệ với Chúa Giê-su. Theo một số bạn trẻ, Giáo hội đã phát triển một văn hóa chú ý quá nhiều đến những thành viên gắn kết với khía cạnh cộng đoàn của Giáo hội, không chú ý đến con người của Đức Ki-tô. Những bạn trẻ khác xem các vị lãnh đạo tôn giáo là xa cách và tập trung nhiều vào việc quản trị hơn là xây dựng cộng đoàn, và vẫn có những bạn xem Giáo hội không còn thích hợp. Dường như Giáo hội đã quên rằng con người là Giáo hội, không phải là các tòa nhà. Với những bạn trẻ khác, họ có kinh nghiệm Giáo hội rất gần gũi với họ, ở những vùng như Châu Phi, Châu Á, và Mỹ Latinh, cũng như trong những phong trào toàn cầu khác; thậm chí một số bạn không sống Tin mừng nhưng vẫn cảm thấy có sự liên hệ với Giáo hội. Cảm giác thuộc về và gia đình này giữ vững những bạn trẻ trên hành trình. Nếu không có chiếc neo là sự hỗ trợ của cộng đoàn và cảm giác thuộc về, các bạn trẻ có thể cảm thấy cô đơn khi đối diện với những thách đố. Có nhiều bạn trẻ cảm thấy không cần phải là một thành viên của cộng đoàn Giáo hội và họ tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống ở bên ngoài Giáo hội.

Đáng buồn, có một hiện tượng ở một số vùng trên thế giới trong đó giới trẻ đang rời bỏ Giáo hội với số lượng lớn. Hiểu được nguyên nhân của hiện tượng này là vô cùng quan trọng để tiến tới. Những bạn trẻ đã cắt mối quan hệ hoặc rời bỏ Giáo hội đã làm như vậy sau khi trải nghiệm sự thờ ơ, sự phán xét và từ chối. Người ta có thể xem, tham dự, và rời Thánh Lễ mà không mang một ý thức cộng đoàn hay gia đình như là Thân thể của Đức Ki-tô. Người Ki-tô hữu tuyên xưng một Thiên Chúa hằng sống, nhưng một số bạn tham dự Thánh lễ hay thuộc về cộng đoàn dường như đã chết. Giới trẻ bị cuốn hút đến với niềm vui là nét đặc trưng của niềm tin. Giới trẻ bày tỏ khát khao muốn nhìn thấy một Giáo hội là một chứng nhân sống cho những gì Giáo hội dạy và làm chứng tá cho tính xác thực trên con đường nên thánh, trong đó bao gồm sự chân nhận những sai lầm và xin sự tha thứ. Giới trẻ mong muốn các nhà lãnh đạo của Giáo hội – người đã có chức thánh, tu sĩ, và giáo dân – là mẫu gương mạnh mẽ nhất cho điều này. Hiểu được rằng những gương mẫu đức tin là đích thực và mỏng giòn cho phép giới trẻ cảm thấy tự do mang tính đích thực và mỏng giòn với chính bản thân. Đó không phải sự phá hủy tính thiêng liêng của sứ vụ, nhưng để giới trẻ có thể được khơi gợi bởi những gương mẫu trên con đường nên thánh.

Trong nhiều trường hợp, giới trẻ gặp khó khăn khi tìm một không gian trong Giáo hội nơi họ có thể tích cực tham gia và lãnh đạo. Giới trẻ giải thích kinh nghiệm của họ về Giáo hội như là một nơi xem họ quá non trẻ và không có kinh nghiệm để lãnh đạo hay đưa ra những quyết định vì họ sẽ phạm sai lầm. Cần phải có lòng tin nơi giới trẻ để họ lãnh đạo và là những vai chính trong hành trình tinh thần của họ. Điều này không chỉ là bắt chước những bậc cha anh của họ sống tốt, nhưng thật sự được chủ động trong sứ mạng và trách nhiệm của họ. Những phong trào và những cộng đoàn mới trong Giáo hội đã phát triển những con đường rất hữu hiệu không những rao truyền phúc âm cho giới trẻ, nhưng còn trao quyền cho họ được trở thành những đại sứ chính của đức tin cho những bạn bè đồng trang lứa.

Nhiều bạn trẻ đều có chung một nhận thức về vai trò không rõ ràng của phụ nữ trong Giáo hội. Rất khó để giới trẻ cảm nhận một ý thức thuộc về và lãnh đạo trong Giáo hội, và nó còn khó khăn hơn nhiều đối với những bạn nữ trẻ. Để giải quyết được điều đó, sẽ rất hữu ích cho giới trẻ nếu Giáo hội không những trình bày rõ ràng về vai trò của phụ nữ, nhưng còn giúp giới trẻ khám phá và hiểu về nó rõ ràng hơn.

8. Ý nghĩa ơn gọi trong cuộc sống

Đang rất cần một cách giải thích đơn giản và rõ ràng về ơn gọi để làm nổi bật lên ý nghĩa của tiếng gọi và sứ mạng, khát khao và khát vọng, để làm cho nó gắn kết hơn với giới trẻ trong giai đoạn này của cuộc sống. “Ơn gọi” đôi khi được trình bày như một khái niệm trừu tượng, được hiểu như một điều quá xa tầm tay với của nhiều bạn trẻ. Giới trẻ hiểu ý nghĩa chung chung của việc mang lại ý nghĩa của cuộc sống và sống theo một mục đích, nhưng nhiều bạn không biết cách kết nối điều đó với ơn gọi như là một món quà và tiếng gọi từ Thiên Chúa.

Thuật ngữ “ơn gọi” đã trở nên đồng nghĩa với đời sống của thiên chức linh mục và tu trì trong văn hóa của Giáo hội. Trong khi mừng vui với những tiếng gọi thiêng liêng này, thì điều quan trọng là giới trẻ phải hiểu rằng ơn gọi của họ chính là nhân đức cuộc sống của họ, và rằng mỗi người có trách nhiệm biết phân định tiếng gọi của Thiên Chúa muốn họ trở thành ai và làm việc gì. Phải làm nổi bật lên sự kiện toàn đối với mỗi ơn gọi để mở cửa tâm hồn của các bạn trẻ cho những khả năng của họ.

Giới trẻ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau nhìn ơn gọi là sự bao gồm của cuộc sống, tình yêu, khát vọng, vị trí và sự cống hiến cho thế giới, và là cách để tạo ảnh hưởng. Thuật ngữ ơn gọi không rõ ràng đối với nhiều bạn trẻ; vì vậy cần phải có cách hiểu rõ hơn về ơn gọi Ki-tô hữu (đời sống linh mục và tu sĩ, thừa tác vụ giáo dân, hôn nhân và gia đình, vai trò trong xã hội v.v..) và tiếng gọi chung để nên thánh.

9. Sự phân định ơn gọi

Phân định ơn gọi của một người có thể là một thách đố, đặc biệt trước những cách hiểu sai về thuật ngữ này. Tuy nhiên, giới trẻ sẽ vươn lên từ thử thách. Phân định hơn gọi của một người có thể trở thành một cuộc phiêu lưu theo suốt hành trình cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không biết cách để đến được với tiến trình của sự phân định; đây là một cơ hội cho Giáo hội đồng hành với họ.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phân định ơn gọi của giới trẻ, chẳng hạn: Giáo hội, những khác biệt về văn hóa, nhu cầu việc làm, truyền thông kỹ thuật số, những mong chờ của gia đình, sức khỏe tinh thần và tình trạng trí óc, sự ồn ào, áp lực của bạn bè, viễn cảnh chính trị, xã hội, công nghệ v.v.. Dành thời gian thinh lặng, tự xem xét nội tâm và cầu nguyện, cũng như đọc Kinh Thánh và đào sâu sự tự biết mình là những cơ hội rất ít bạn trẻ thực hành. Cần có sự quảng bá rộng hơn về những cách thực hành này. Gắn kết với những nhóm, những phong trào đặt nền tảng trên đức tin, và những cộng đoàn có cùng chí hướng cũng có thể hỗ trợ các bạn trẻ trong việc phân định.

Đặc biệt chúng con nhận thấy những thách đố riêng mà các bạn trẻ nữ phải đối mặt khi họ phân định ơn gọi và vị trí của họ trong Giáo hội. Cũng như tiếng “xin vâng” trước tiếng gọi của Chúa là nền tảng đối với kinh nghiệm người Ki-tô hữu, các bạn trẻ nữ hôm nay cần có không gian để đưa ra lời “xin vâng” riêng cho ơn gọi của họ. Chúng con mong muốn Giáo hội đào sâu cách hiểu của Giáo hội về vai trò của phụ nữ và trao quyền cho các bạn trẻ nữ, cả giáo dân và người sống đời tận hiến, trong tinh thần yêu thương của Giáo hội dành cho Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giê-su.

10. Giới trẻ và sự đồng hành

Giới trẻ đang đi tìm những bạn đồng hành trên hành trình, được ôm lấy bởi những người tín hữu lên tiếng cho sự thật và cho phép giới trẻ nói lên cách hiểu của họ về đức tin và ơn gọi. Những người như vậy không những là mẫu gương về đức tin để bắt chước, nhưng còn sống làm chứng nhân. Một con người như vậy sẽ rao giảng phúc âm bằng đời sống của họ. Bất kể họ là những khuôn mặt thân quen trong môi trường thoải mái ở gia đình, những đồng nghiệp trong cộng đồng địa phương, hoặc những người tử đạo làm chứng nhân đức tin bằng mạng sống, có rất nhiều người có thể đáp ứng sự mong chờ này.

Phẩm chất của một người cố vấn như vậy bao gồm: một Ki-tô hữu trung tín gắt kết giới Giáo hội và thế giới; một người miệt mài tìm kiếm sự thánh thiện; là một người bạn tâm giao không xét đoán; tích cực lắng nghe những nhu cầu của giới trẻ và nhẹ nhàng trả lời; đầy lòng yêu thương và hiểu rõ bản thân mình; chân nhận những giới hạn của họ và hiểu được niềm vui và nỗi buồn của hành trình thiêng liêng.

Một phẩm chất đặc biệt quan trọng trong một người cố vấn là sự chân nhận tính con người của họ – rằng họ là một con người cũng phạm những lỗi lầm: không phải là những con người hoàn hảo nhưng là những tội nhân được tha thứ. Đôi khi người cố vấn được sùng bái, và khi họ sa ngã thì sự đổ vỡ có thể ảnh hưởng đến khả năng giới trẻ tiếp tục gắn kết với Giáo hội.

Người cố vấn không được dẫn dắt giới trẻ với vai trò của người theo dõi thụ động, nhưng phải cùng bước đi bên cạnh họ, cho phép họ trở thành những người tham gia tích cực trong hành trình. Họ nên tôn trọng sự tự do đi cùng với tiến trình phân định của giới trẻ và trang bị cho họ những công cụ để thực hiện thật tốt sự phân định. Một người cố vấn nên tin tưởng thật vững chắc vào khả năng của một bạn trẻ tham gia vào đời sống của Giáo hội. Một người cố vấn phải nuôi dưỡng những hạt giống đức tin nơi người trẻ, nhưng không mong chờ ngay lập tức được nhìn thấy hoa trái công việc của Chúa Thánh Thần. Vai trò này không phải và không thể chỉ giới hạn cho các linh mục và người sống đời tận hiến, nhưng giáo dân cũng phải được trao quyền để lãnh nhận một vai trò như vậy. Tất cả những người cố vấn như vậy cần phải được huấn luyện tốt, và gắn kết trong công cuộc đào tạo.


Ảnh bìa là một đám mây các chữ viết được từng bạn trẻ tham dự chọn để miêu tả kinh nghiệm của họ tại cuộc Họp Tiền-Thượng Hội đồng


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2018]