Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 17 tháng Mười, 2021

_____________________

 


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 10:35-45) thuật lại rằng hai môn đệ, Giacôbê và Gioan, xin Chúa cho một ngày nào đó được ngồi bên cạnh Người trong vinh quang, như thể họ là “các thủ tướng”, hay đại loại như thế. Nhưng các môn đệ khác nghe thấy điều đó và trở nên bực bội. Khi đó, Chúa Giêsu kiên nhẫn cho họ một giáo huấn tuyệt vời. Đó là giáo huấn này: vinh quang thực sự không có được bằng cách vượt lên trên người khác, nhưng bằng cách trải qua cùng một phép rửa tội mà Ngài, Chúa Giêsu, sẽ lãnh nhận chỉ một thời gian ngắn sau đó tại Giêrusalem, tức là thập giá. Điều đó có nghĩa là gì? Từ “baptism” có nghĩa là “ngâm mình”: qua cuộc Khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu đã dìm mình vào cái chết, hiến mạng sống để cứu chúng ta. Vì vậy, vinh quang của Ngài, vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu trở thành sự phục vụ, không phải là quyền lực tìm cách thống trị. Không phải quyền lực tìm cách thống trị, không! Nhưng là tình yêu biến thành sự phục vụ. Vì vậy, Chúa Giêsu kết thúc lời dạy với các môn đệ và với cả chúng ta: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (câu 43). Để trở nên vĩ đại, anh chị em phải đi theo con đường phục vụ, phục vụ người khác.

Chúng ta đứng trước hai loại luận lý khác nhau: các môn đệ muốn vượt lên và Chúa Giêsu lại muốn dìm mình xuống. Chúng ta hãy dành một chút thời gian cho hai động từ này. Đầu tiên là vượt lên. Nó thể hiện tâm lý trần tục mà chúng ta luôn bị cám dỗ: trải nghiệm mọi thứ, kể cả các mối quan hệ, để nuôi tham vọng, leo lên những nấc thang thành công, vươn tới những vị trí quan trọng. Việc tìm kiếm uy tín cá nhân có thể trở thành một căn bệnh tinh thần, tự đem mặt nạ cho mình ngay cả sau những ý định tốt: chẳng hạn, đằng sau những điều tốt lành chúng ta làm và rao giảng, chúng ta thật ra chỉ tìm kiếm bản thân và sự khẳng định chính mình, tức là chúng ta tiến tới và leo lên, chúng ta nhìn thấy điều đó ngay cả trong Giáo hội ... Không biết bao nhiêu lần, người Kitô hữu chúng ta – những người đáng lẽ phải là người phục vụ – lại cố gắng leo lên, để vượt lên phía trước. Do đó, chúng ta luôn cần phải duyệt xét những ý định thật sự của tâm hồn mình, tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để phục vụ hay đúng hơn là để được công nhận, được tán dương và nhận được khen ngợi?” Chúa Giêsu đối lập luận lý của thế gian này với luận lý của Ngài: thay vì đề cao bản thân hơn người khác, hãy bước xuống khỏi bệ đứng của bạn để phục vụ họ; thay vì vượt lên trên người khác, hãy hòa mình vào cuộc sống của người khác. Cha đang xem chương trình A Sua Immagine, một công cuộc phục vụ do Caritas thực hiện để không ai bị thiếu thức ăn: quan tâm đến sự đói khát của người khác, quan tâm đến nhu cầu của người khác. Có rất, rất nhiều người thiếu thốn, và sau đại dịch lại còn rất nhiều người khác nữa. Hãy tìm cách để dìm mình trong sự phục vụ hơn là để trèo lên để tìm vinh quang cho riêng mình.

Đây là động từ thứ hai: dìm mình xuống. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tự dìm mình xuống. Và chúng ta nên dìm mình xuống như thế nào? Hãy động lòng trắc ẩn với cuộc sống của những người chúng ta gặp. Chúng ta chú ý đến cái đói: nhưng chúng ta có nghĩ về cái đói của rất nhiều người với lòng trắc ẩn không? Khi chúng ta có một bữa ăn ở trước mặt, đó là ân huệ của Chúa cho chúng ta được ăn, có những người thiếu ăn cả tháng. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Và hãy dìm mình xuống cách từ bi, để có lòng thương xót, họ không phải là số thống kê trong một bách khoa toàn thư… Không! Họ là con người. Tôi có lòng trắc ẩn với mọi người không? Lòng trắc ẩn trước cuộc sống của những người chúng ta gặp, giống như Chúa Giêsu đã làm với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta, Người đến gần với lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa chịu Đóng đinh, đắm chìm trọn vẹn trong lịch sử đầy những vết thương của chúng ta, và chúng ta sẽ khám phá ra cách làm việc của Chúa. Chúng ta thấy rằng Ngài không ở cao xa trên Thiên Đàng để nhìn xuống chúng ta từ trên đó, nhưng Ngài đã hạ mình xuống để rửa chân cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu thì khiêm nhường, nó không tự tôn mình lên, nhưng tỏa xuống như cơn mưa rơi xuống đất đai và mang lại sự sống.

Nhưng làm cách nào để chúng ta có thể áp dụng cùng một hướng đi như Chúa Giêsu, từ việc đề cao bản thân đến dìm mình xuống, từ tâm lý của uy tín, uy tín thế gian, đến của sự phục vụ, phục vụ của người Kitô hữu? Sự tận hiến là cần thiết, nhưng điều đó là chưa đủ. Một mình là khó khăn, nhưng không phải là không thể, vì chúng ta có một sức mạnh bên trong giúp chúng ta. Đó là sức mạnh của Bí tích Rửa tội, của sự dìm mình trong Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng hướng dẫn chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi theo Ngài thay vì tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng đặt mình phục vụ người khác. Đó là một ân sủng, một ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần đã thắp sáng lên trong chúng ta cần được nuôi dưỡng. Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổi mới ân sủng của Bí tích Rửa tội trong chúng ta, đó là sự dìm mình trong Chúa Giêsu, theo cách của Ngài, để trở nên giống người phục vụ hơn, trở thành người phục vụ như Ngài đã làm với chúng ta.

Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ: Mẹ – cho dù Mẹ là người vĩ đại nhất – đã không tìm cách nâng mình lên, nhưng trở thành người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, và hạ mình trọn vẹn trong sự phục vụ chúng ta để giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu.

____________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Ngày nay, quỹ Aid to the Church in Need đã ấn định ngày cho các giáo xứ, các trường học và gia đình thực hiện sáng kiến “Vì sự hiệp nhất và hòa bình, một triệu trẻ em đọc kinh Mân Côi”. Cha khuyến khích chiến dịch cầu nguyện này đã được phó dâng cho sự chuyển cầu của Thánh Giuse cách đặc biệt trong năm nay. Cảm ơn tất cả các thiếu nhi nam nữ đã tham gia vào chiến dịch! Cảm ơn các con rât nhiều.

Hôm qua, tại Cordoba, Tây Ban Nha, linh mục Juan Elías Medina và 126 vị tử đạo – là các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân – đã bị giết vì sự thù hận đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo đầy bạo lực trong những năm 1930 ở Tây Ban Nha. Xin lòng trung thành của các ngài ban cho tất cả chúng ta sức mạnh, đặc biệt là các Kitô hữu bị bắt bớ ở nhiều nơi trên thế giới, sức mạnh để can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các tân Chân phước!

Tuần trước, nhiều vụ tấn công khác nhau đã diễn ra ở Na Uy, Afghanistan, Anh, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Tôi bày tỏ sự gần gũi với gia đình của các nạn nhân. Tôi cầu xin các các bạn hãy từ bỏ con đường bạo lực luôn là một nguyên nhân mất mát và là thất bại cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhớ rằng bạo lực sinh ra bạo lực.

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi xin chào các Nữ tu “Medee” đang tổ chức Tổng Tu nghị, Liên đoàn Saint Bernard of Clairvaux – Hiệp sĩ nghèo của Chúa Kitô, các doanh nhân Châu Phi tập trung tham dự cuộc họp quốc tế của họ, các tín hữu đến từ Este, Cavallino và Ca 'Vio (Venice), và lớp Thêm sức Galzignano.

Tôi chào và chúc lành cho “Cuộc hành hương đại kết vì Công bằng Sinh thái”, bao gồm nhiều nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác nhau, những người đã khởi hành từ Ba Lan và sẽ đến Scotland để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, COP26.

Và gửi tới tất cả anh chị em, cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin, đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/10/2021]


10 điều bạn cần biết về ‘Phép lạ Mặt trời’ đã chấm dứt 1 chế độ vô thần như thế nào

10 điều bạn cần biết về ‘Phép lạ Mặt trời’ đã chấm dứt 1 chế độ vô thần như thế nào

10 điều bạn cần biết về ‘Phép lạ Mặt trời’ đã chấm dứt 1 chế độ vô thần như thế nào

Những đám đông đang nhìn Phép lạ Mặt trời, xảy ra trong những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. / Public Domain.


CNA Staff

Fatima, Bồ Đào Nha, 13 tháng Mười, 2021 / 09:15 am


Ngày 13 tháng Mười năm 1917 đánh dấu lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ tại Fatima, và là ngày mà hàng ngàn người được chứng kiến phép lạ mặt trời nhảy múa; một phép lạ không những chứng minh giá trị của các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, mà còn phá vỡ niềm tin đang phổ biến khi đó rằng Thiên Chúa không còn phù hợp nữa.

Tiến sĩ Marco Daniel Duarte, một nhà thần học và là giám đốc bảo tàng Đền thờ Fatima nói với CNA 10 điều chúng ta cần biết về ảnh hưởng của phép lạ trong những ngày đó ở Bồ Đào Nha.

1) Nếu một người mở sách triết học trong thời kỳ đó, họ có thể sẽ đọc được một điều gì đó giống với khái niệm mà triết gia người Đức Friedrich Nietzsche phát biểu, ông mạnh dạn khẳng định vào cuối những năm 1800 rằng “Thiên Chúa đã chết”.

2) Cũng vào năm 1917, Bồ Đào Nha, giống như phần lớn thế giới, bị cuốn vào chiến tranh. Khi Đệ nhất Thế chiến bùng nổ khắp Châu Âu, Bồ Đào Nha nhận thấy mình không thể duy trì vị thế trung lập ban đầu và đã gia nhập lực lượng Đồng minh. Hơn 220.000 thường dân Bồ Đào Nha đã chết trong chiến tranh; hàng nghìn người chết do thiếu lương thực, hàng nghìn người khác chết do dịch cúm Tây Ban Nha.

3) Vài năm trước, vào năm 1910, một cuộc cách mạng đã dẫn đến việc thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa Bồ Đào Nha vào năm 1910 và một hiến pháp tự do mới được soạn thảo dưới ảnh hưởng của Hội Tam điểm, vốn tìm cách triệt tiêu đức tin khỏi đời sống công cộng.

4) Các nhà thờ và trường học Công giáo đã bị chính quyền tịch thu, và việc mặc tu phục của các giáo sĩ ở nơi công cộng, kéo chuông nhà thờ và cử hành các lễ tôn giáo công cộng đều bị cấm. Giữa những năm từ 1911 đến 1916, gần 2.000 linh mục, tu sĩ nam nữ đã bị giết bởi các nhóm chống Kitô giáo.

5) Đây là bối cảnh khi Đức Maria hiện ra với ba trẻ chăn cừu vào năm 1917 – Lucia dos Santos, 10 tuổi, và hai em họ là Francisco và Jacinta Marto, 9 và 7 tuổi – tại một cánh đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, yêu cầu đọc kinh Mân Côi, hy sinh đền tội cho các tội nhân, và một bí mật liên quan đến vận mệnh của thế giới.

6) Để chứng minh rằng những lần hiện ra là thật, Mẹ Maria hứa với các trẻ rằng trong lần hiện ra cuối cùng của sáu lần hiện ra, Mẹ sẽ cho một “dấu hiệu” để mọi người tin vào những lần hiện ra và thông điệp của Mẹ. Những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó – ngày 13 tháng Mười năm 1917 – được gọi là “Phép lạ Mặt trời”, hoặc “ngày mặt trời nhảy múa.”

7) Theo nhiều lời kể khác nhau, một đám đông khoảng 70.000 người – gồm cả những người tin và những người hoài nghi – đã tụ tập để xem phép lạ mà Đức Maria đã hứa: Bầu trời sau mưa quang đãng, mây tan và mặt đất ướt sũng và lầy lội vì mưa, đã được làm khô. Một tấm màn trong suốt che phủ mặt trời, làm cho dễ dàng quan sát, và những ánh sáng đa sắc trải khắp cảnh quan. Sau đó, mặt trời bắt đầu quay, xoay tròn trên bầu trời, và tại một thời điểm dường như đổi hướng bay về phía trái đất trước khi nhảy trở lại vị trí của nó trên bầu trời.

8) Phép lạ gây choáng váng đó là một sự đối chọi trực tiếp và đầy thuyết phục đối với các chế độ vô thần vào thời điểm đó, bằng chứng là tờ báo đầu tiên đưa tin đầy đủ về phép lạ trên trang nhất là một tờ báo chống Công giáo, tờ Masonic ở Lisbon có tên là O Seculo.

9) Phép lạ Mặt trời, được mọi người hiểu là “con dấu, sự đảm bảo rằng ba trẻ đó đã nói sự thật”.

10) Thậm chí ngày nay, “Fatima khiến người ta thay đổi nhận thức của họ về Thiên Chúa,” vì “một trong những thông điệp quan trọng nhất của những lần hiện ra là ngay cả khi con người gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, Chúa vẫn hiện diện trong lịch sử nhân loại và không bỏ rơi nhân loại.”

Bài này được xuất bản lần đầu tiên trên CNA ngày 12 tháng Mười, 2017.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/10/2021]