Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 13 tháng Mười, 2021


Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ người hành hương và các tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: "Sự tự do của người Kitô hữu, men giải phóng phổ quát" (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 5:1,13).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, và Phép Lành Tòa Thánh.

_____________________________

Bài Giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát: 11. Sự tự do của Người Kitô hữu, men giải phóng phổ quát

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta có thể tập trung vào điều cốt lõi của sự tự do đối với Thánh Phaolô: thực tế là với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Nói cách khác, chúng ta được tự do vì chúng ta đã được giải thoát, được giải thoát bởi ân sủng – không phải bằng mua bán, được giải thoát bởi tình yêu, điều này trở thành luật tối cao và mới mẻ của đời sống Kitô hữu. Tình yêu: chúng ta tự do vì chúng ta đã được giải phóng cách nhưng không. Quả thật, đây là điểm mấu chốt.

Hôm nay cha muốn nhấn mạnh đến cách thức mà tính mới mẻ này của sự sống đã mở lòng chúng ta chào đón mọi dân tộc và văn hóa, đồng thời mở ra cho mọi dân tộc và văn hóa một sự tự do lớn lao hơn. Thật vậy, Thánh Phaolô nói rằng đối với những người theo Chúa Giêsu Kitô thì việc họ là người Do Thái hay người ngoại giáo không còn quan trọng nữa. Điều duy nhất quan trọng là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5:6). Tin rằng chúng ta đã được giải thoát, và tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã giải thoát chúng ta: đây chính là đức tin hành động nhờ đức ái. Những kẻ gièm pha Thánh Phaolô – những người theo trào lưu chính thống đến đó – đã tấn công ngài vì tính mới mẻ này, tuyên bố rằng ngài đã đưa quan điểm này thành chủ nghĩa cơ hội mục vụ, hay đúng hơn là để “làm hài lòng mọi người”, giảm tối đa những đòi hỏi nhận được từ truyền thống tôn giáo chặt chẽ hơn của mình.

Đó cũng chính là lý lẽ của những người theo chủ nghĩa chính thống ngày nay: lịch sử luôn luôn lặp lại. Như chúng ta có thể thấy, sự chỉ trích những điều mới mẻ của việc rao giảng Phúc âm không chỉ thuộc về thời đại của chúng ta, nhưng có một lịch sử lâu dài đằng sau nó. Tuy nhiên, Thánh Phaolô không giữ im lặng. Ngài đáp lại bằng parrhesia – đây là một từ trong tiếng Hy Lạp biểu thị lòng can đảm, sức mạnh – và ngài nói: “Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô” (Gl 1:10). Ngay trong Thư đầu tiên gửi cho người tín hữu Thesalonica, ngài đã bày tỏ bản thân bằng những từ ngữ tương tự, nói rằng trong lời rao giảng của mình, ngài chưa bao giờ sử dụng “lời xu nịnh … hoặc viện cớ để che đậy lòng tham; … không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh” (1 Tx 2: 5-6), đó là những con đường của sự “giả tạo”; một đức tin mà không phải là đức tin, nó là tính thế gian.

Suy nghĩ của Thánh Phaolô một lần nữa cho thấy chiều sâu được linh hứng. Đối với ngài chào đón đức tin bao gồm việc từ bỏ không phải là trọng tâm của các văn hóa và truyền thống, nhưng là bỏ đi điều có thể cản trở sự mới mẻ và thuần khiết của Tin Mừng. Bởi vì sự tự do có được nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa không xung đột với các văn hóa hay với các truyền thống mà chúng ta đã tiếp nhận, nhưng đúng hơn là đưa vào trong chúng một sự tự do mới, một điều mới lạ giải phóng, đó là Tin Mừng. Thật vậy, sự giải phóng có được nhờ bí tích rửa tội giúp chúng ta đạt được phẩm giá trọn vẹn của con cái Thiên Chúa, nhờ đó, trong khi chúng ta vẫn bám chặt vào cội nguồn văn hóa của mình, nhưng đồng thời chúng ta mở lòng đón nhận tính phổ quát của đức tin đi vào mọi nền văn hóa, nhận ra phần cốt lõi của sự thật hiện hữu, và phát triển chúng, mang lại sự kiện toàn cho điều tốt đẹp chứa đựng trong chúng. Chấp nhận rằng chúng ta đã được giải thoát bởi Đức Kitô - cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Người - cũng là chấp nhận và mang đến sự trọn vẹn cho những truyền thống khác nhau của mỗi dân tộc. Sự trọn vẹn đích thực.

Trong lời kêu gọi tự do, chúng ta khám phá ra ý nghĩa thực sự của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Ý nghĩa thực sự này là gì? Là có thể loan báo Tin Vui của Đức Kitô Đấng Cứu Độ tôn trọng những điều tốt đẹp và sự thật tồn tại trong các nền văn hóa. Điều này không dễ dàng! Có rất nhiều cám dỗ tìm cách áp đặt mô hình sống của riêng một người như thể nó là mô hình tiến triển nhất và hấp dẫn nhất. Không biết bao sai lầm đã có trong lịch sử rao giảng tin mừng qua việc tìm cách áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất! Sự đồng nhất như một quy luật của cuộc sống thì không phải là Kitô giáo! Hiệp nhất: tốt, đồng nhất: không! Đôi khi, thậm chí không loại trừ bạo lực để làm cho một quan điểm duy nhất chiếm ưu thế. Hãy nghĩ về những cuộc chiến tranh. Theo cách này, Giáo hội đã bị tước mất sự phong phú của nhiều cách thể hiện địa phương mà các truyền thống văn hóa của toàn thể các dân tộc mang đến cùng với chúng. Nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với tự do của Kitô giáo! Ví dụ, tôi nhớ đến cách tiếp cận tông đồ được thành lập ở Trung Quốc với Cha Ricci, hoặc ở Ấn Độ với Cha De Nobili… [Một số người nói] “Không, đây không phải là Kitô giáo!” Vâng, đó là Kitô giáo, nó nằm trong văn hóa của người dân.

Nói tóm lại, tầm nhìn của Thánh Phaolô về tự do hoàn toàn được soi sáng và có kết quả nhờ mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng trong sự nhập thể của Người đã kết hợp chính Người theo cách nào đó với mọi người - như Công đồng Vatican II nhắc lại - (xem Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 22). Và điều này có nghĩa là không có sự đồng nhất, thay vào đó là sự đa dạng, nhưng sự đa dạng được hiệp nhất. Do đó, nghĩa vụ phải tôn trọng nguồn gốc văn hóa của mỗi người, đặt họ trong một không gian tự do không bị hạn chế bởi bất kỳ sự áp đặt nào do một nền văn hóa chủ đạo duy nhất sai khiến. Đây là ý nghĩa của việc chúng ta được gọi là người Công giáo, của việc nói về Giáo hội Công giáo. Nó không phải là một giáo phái xã hội học để phân biệt chúng ta với những người Kitô hữu khác; Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát: tính công chúng, tính phổ quát. Phổ quát, tức là Công giáo, Giáo hội, có nghĩa là Giáo hội chứa đựng trong chính mình, trong chính bản chất của mình, một sự rộng mở đối với mọi dân tộc và mọi nền văn hóa của mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã sống lại cho mọi người.

Bên cạnh đó, văn hóa tự bản chất của nó là sự biến đổi liên tục. Nếu ai đó nghĩ về cách chúng ta được kêu gọi để loan báo Tin Mừng trong thời điểm lịch sử của sự thay đổi văn hóa rất lớn này, khi công nghệ ngày càng tiên tiến hơn dường như đang chiếm ưu thế. Nếu chúng ta nói về đức tin như chúng ta đã làm trong những thế kỷ trước, chúng ta sẽ có nguy cơ không còn được các thế hệ mới hiểu. Sự tự do của đức tin Kitô giáo – tự do của Kitô giáo – không biểu lộ một tầm nhìn tĩnh về đời sống và văn hóa, mà là một tầm nhìn năng động, và tầm nhìn năng động ngay cả trong truyền thống. Truyền thống phát triển, nhưng luôn luôn cùng một bản chất. Do đó, chúng ta đừng tuyên bố đã sở hữu tự do.

Chúng ta đã nhận được một món quà để chăm sóc. Đúng hơn, chính sự tự do đòi hỏi mỗi người chúng ta phải liên tục di chuyển, hướng tới sự trọn vẹn của nó. Đó là tình trạng của những người hành hương; đó là trạng thái của những người du lịch bộ hành, trong cuộc xuất hành liên tục: được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ để tiến tới tự do trọn vẹn. Và đây là món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu Kitô đã ban tặng cho chúng ta. Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ và đã đặt chúng ta trên con đường để bước đi trong sự tự do hoàn toàn.

_________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh và các du khách tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Hoa Kỳ. Trong tháng Mười này, nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin cho chúng ta lớn lên trong sự tự do của Kitô giáo mà chúng ta đã lãnh nhận khi được rửa tội. Cha xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2021]

Công bố chính thức Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023

Công bố chính thức Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023

Công bố chính thức Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023

Giới trẻ mặc áo thun với logo chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Lisbon 2023./ lisboa2023.org.

Courtney Mares

Rome Newsroom, 5 tháng Mười, 2021 / 07:00 am




Ngày chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) ở Lisbon, Bồ Đào Nha, đã được công bố.

Cuộc họp mặt giới trẻ Công giáo lớn nhất thế giới sẽ diễn ra từ ngày 1-6 tháng Tám năm 2023.

Đức Hồng Y Manuel Clemente, Tổng Giám mục Lisbon, nói khi ra thông báo vào ngày 3 tháng Mười: “Chúng tôi hy vọng rằng thời gian 22 tháng phía trước đưa chúng ta đến WYD có thể trở thành thời gian rao giảng phúc âm cho tất cả mọi người.”

Ngày Giới trẻ Thế giới được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập năm 1985. Cuộc họp mặt kéo dài một tuần thường thu hút hàng trăm ngàn người trẻ.

Thông thường sự kiện quốc tế được tổ chức ba năm một lần ở một lục địa khác với sự có mặt của giáo hoàng.

Trong Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế lần gần đây nhất tại Thành phố Panama vào tháng Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo rằng thủ đô của Bồ Đào Nha sẽ là chủ nhà của cuộc họp mặt giới trẻ Công giáo trên toàn cầu.

Lisbon, một thành phố với 505.000 dân, cách Fatima khoảng 75 dặm (hơn 120km), là một trong những địa điểm hành hương về Đức Mẹ được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Một báo cáo về “Người trẻ Châu Âu và tôn giáo,” được công bố năm 2018, cho thấy rằng Bồ Đào Nha có tỷ lệ người trẻ tham dự Thánh lễ hàng tuần cao nhất trong giới trẻ ở Châu Âu.

Ban tổ chức sự kiện Lisbon cho biết họ đã quyết định công bố ngày diễn ra sự kiện là 4 tháng Mười để tôn vinh Lễ Thánh Phanxicô Assisi.

Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon ban đầu được lên kế hoạch vào tháng Tám năm 2022, nhưng Vatican thông báo hoãn sự kiện này một năm do đại dịch coronavirus.

Vị giám mục giám sát việc chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay rằng sự kiện này sẽ là cơ hội để canh tân hy vọng trước đại dịch coronavirus.

Đức Giám mục Américo Manuel Alves Aguiar nói: “Tôi mong muốn WYD Lisbon 2023 đến từ mọi người và đến với tất cả mọi người, và nó có thể là một cơ hội để canh tân hy vọng trong thời kỳ hậu đại dịch.”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2021]