Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?

Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?

30 tháng Bảy, 2017
Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?
Vincenzo PINTO | AFP

Mỗi Chúa nhật và Ngày Thánh, Đức Thánh Cha có thói quen chào tất cả những khách hành hương trong Quảng trường Thánh Phê-rô từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nói một vài lời động viên, và đọc kinh Truyền tin (hoặc Regina Caeli, trong mùa Phục sinh) với những người có mặt.
Đó là một bài huấn từ không chính thức không cần phải có vé mới được vào tham dự và thường rất ngắn. Điều lý thú là lời chào ngắn này bắt đầu như thế nào và Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu nó.
Thực ra, Kinh Truyền tin “Chúa nhật” đã bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro năm 1959. Ngày này được bắt đầu bởi “Đức Giáo hoàng nhân lành” Gio-an XXIII, người chịu trách nhiệm khai mạc Công đồng Vatican Hai.
Ngày này  được chọn cho bài huấn từ Kinh Truyền tin đầu tiên là 11 tháng Hai, vì nó không những là ngày bắt đầu mùa Chay, mà còn là kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ-đức. Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII tạo điểm nhấn rất đặc biệt cho ngày đó, đặc biệt vì nó cũng là ngày bế mạc kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ-đức.
Ngài đã liên kết hai sự kiện, ngài nói, “Do đó bắt đầu mùa Chay là một sự nhắc nhở về Lộ-đức: vì Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên vào ngày cuối cùng của Mùa Lễ hội trước Mùa Chay, và trong những lần hiện ra tiếp theo thì việc sám hối được lặp lại … Trong lần Hiện ra thứ Tám ngày 27 tháng Hai, Mẹ đã lặp lại ba lần trong nước mắt: Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối … Đây là một lời dạy lớn lao luôn đi theo chúng ta.”
Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII cũng nhắc nhở những khách hành hương người Ý trước mặt ngài rằng đó là ngày kỷ niệm lần thứ 30 Hiệp ước Lateran, một hiệp ước với nước Ý công nhận Vatican là một nhà nước độc lập.
Sau bài huấn từ Kinh Truyền tin đầu tiên này Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII chỉ xuất hiện rải rác một vài Chúa nhật trong suốt triều đại của ngài. Mãi đến đời Đức Giáo hoàng Phao-lô VI thì Kinh Truyền tin Chúa nhật mới trở thành một phần trong chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha. Từ đó mỗi Đức Giáo hoàng đều tiếp tục truyền thống, mở rộng với những bài huấn từ đặc biệt cho nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Thường thường Đức Giáo hoàng sẽ kéo sự chú ý của thế giới đến một vấn đề ngài đặc biệt quan tâm và kêu gọi thế giới thêm lời cầu nguyện.
Ban đầu bài huấn từ nhắm trực tiếp đến những người có mặt trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nhưng bây giờ trong thời đại kỹ thuật số, nó được gửi đến mọi người trên khắp thế giới và nó trở thành một diễn đàn cho đức giáo hoàng nói với đoàn chiên đông đảo của ngài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/07/2017]


Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người chống phá thai sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơ

Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người chống phá thai sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơ

11 tháng Chín, 2015
Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người bảo vệ sự sống sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơCatholicRadioTVNet, YouTube / Lawrence OP, Flickr / ChurchPOP

Tờ nhật báo “La Razon” tiếng Tây ban nha đã đăng một bài về một bác sĩ trước đây là cựu “vô địch phá thai” trở thành người lãnh đạo chống phá thai. Stojan Adasevic, người đã thực hiện 48.000 ca phá thai, có những lúc thực hiện tới 35 ca một ngày, bây giờ trở thành một người dẫn đầu quan trọng nhất của việc chống phá thai ở Serbia, sau 26 năm làm một bác sĩ phá thai lừng danh nhất của đất nước này.
“Các sách về y khoa của chính thể Cộng sản viết rằng việc phá thai chỉ đơn giản là bỏ đi một khối mô tròn,” tờ báo tường thuật. “Mãi đến thập niên 80 thì việc siêu âm cho phép nhìn thấy bào thai mới ra đời, nhưng việc đó cũng không thay đổi ý kiến của ông. Tuy nhiên, ông đã bắt đầu có những cơn ác mộng.”
Khi miêu tả sự hoán cải của mình, ông Adasevic “mơ thấy một cánh đồng rất đẹp có rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đang chơi đùa và cười vui, từ 4 đến 24 tuổi, nhưng tất cả đều chạy tránh xa ông vì khiếp sợ. Một người đàn ông mặc áo đen và trắng nhìn chằm chằm vào ông trong im lặng. Giấc mơ trở đi trở lại hàng đêm và làm ông giật mình dậy toát mồ hôi lạnh.
Một đêm ông hỏi người đàn ông mặc áo đen trắng là ai. ‘Tên ta là Tô-ma A-qui-nô,’ người đàn ông trong giấc mơ trả lời. Adasevic, được học trong các trường của cộng sản, chưa bao giờ nghe đến tên của vị thánh kiệt xuất này của Dòng Đa-minh. Ông ta không nhận biết tên này.”





“Tại sao anh không hỏi ta những đứa trẻ này là ai? Thánh Tô-ma hỏi Adasevic trong giấc mơ.
“Chúng là những đứa trẻ anh đã giết trong những lần phá thai,” Thánh Tô-ma bảo ông.
Bài báo viết, “Adasevic chợt bừng tỉnh giấc trong kinh hoàng và quyết định không thực hiện thêm bất kỳ một ca phá thai nào nữa.”
“Cùng ngày hôm đó một người em họ của ông đến với người bạn gái mang thai 4 tháng, người này muốn phá thai lần thứ chín — một điều khá thường thấy trong những quốc gia thuộc khối Xô-viết. Bác sĩ đồng ý. Nhưng thay vì lấy từng phần của bào thai ra, ông quyết định cắt và lấy ra nguyên khối. Tuy nhiên, trái tim của thai nhi rơi ra vẫn còn đập. Adasevic nhận ra rằng ông đã giết một con người.”
Sau lần này, Adasevic “nói với bệnh viện rằng ông không thực hiện việc phá thai nữa. Trước đây chưa bao giờ có một bác sĩ trong Nam tư thuộc Cộng sản lại từ chối làm việc này. Họ cắt lương của ông xuống một nửa, sa thải con gái ông khỏi chỗ làm, và không cho phép con trai của ông vào đại học.”
Sau nhiều năm chịu áp lực và đang trên bờ vực đầu hàng, ông có một giấc mơ khác về Thánh Tô-ma.
“Ông là bạn tốt của tôi, hãy cứ tiếp tục như vậy,” người đàn ông mặc áo đen trắng nói với ông. Adasevic bắt đầu tham gia vào phong trào bảo vệ sự sống và đã tìm cách yêu cầu đài truyền hình Nam tư chiếu bộ phim ‘Tiếng kêu thầm lặng,’ của Bác sĩ Bernard Nathanson, hai lần.”
Adasevic đã kể câu chuyện của ông trên các tạp chí và báo ở khắp Đông Âu. Ông trở lại với đức tin Chính thống giáo của ông khi còn bé và nghiên cứu những bài viết của Thánh Tô-ma A-qui-nô.
“Ảnh hưởng của triết gia Aristotle, Thánh Tô-ma viết rằng sự sống con người bắt đầu 40 ngày sau khi thụ thai,” Adasevic viết trong một bài báo. Tờ La Razon bình luận rằng Adasevic “đề nghị rằng hình như thánh nhân muốn sửa lại cái lỗi đó.” Ngày nay bác sĩ người Serbia này tiếp tục chiến đấu cho sự sống của những bào thai chưa ra đời.



Được đăng lần đầu tiên trên Catholic News Agency

[Nguồn: churchpop]

[Chuyển ngữ: 30/07/2017]



Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?

Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?

29 tháng Bảy, 2017
Hành hạ tâm lý là gì và cách để chúng ta nhận biết?
Shutterstock

Hành hạ tâm lý đang ngày càng gia tăng. Dưới đây là một số “cờ đỏ” cảnh báo cần biết.

Chúng ta thường nghe nói về những vụ bạo hành gia đình hoặc ngược đãi. Thật đáng buồn, nó đang trên đà gia tăng, đã tăng rất cao ở Anh từ năm 2009 và cả ở Hoa kỳ. Cộng đồng khoa học đang bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về nó.
Nhưng không phải tất cả mọi sự hành hạ đều thuộc thể xác, hoặc đánh đập hoặc bạo lực. Có một loại hành hạ khác âm thầm hơn nhiều, rất khó chứng minh, và thường là gốc rễ của những sự hành hạ khác: đó là hành hạ tâm lý.

Hành hạ tâm lý là gì?

Hành hạ tâm lý hoặc tinh thần là một thái độ bất công và tiêu cực qua đó người vợ hoặc chồng điều khiển người kia, người yếu thế hơn.
Đặc điểm đầu tiên của hình thức hành hạ này là mối quan hệ giữa vợ chồng không cân xứng. Một người mạnh thế hơn người kia và giữ vai trò quyền trên, trong khi người yếu thế hơn dần dần đánh mất ý thức về sự tự do của mình.
Vì thế, đặc điểm đầu tiên là không có sự bình đẳng và cũng không có sự tôn trọng trọn vẹn đối với người kia. Một trong hai người cố gắng điều khiển người kia, để hạn chế bớt quyền tự do của họ, bắt người kia phải phục tùng. Và người kia, hoặc vì sợ hãi hoặc vì yếu thế, dần dần đi tới một mối quan hệ ngột ngạt và tan vỡ dần. Kết cục của mối quan hệ này rất thường khi từ hành hạ tâm lý sẽ dẫn đến hành hạ thể xác.
Sự thật là cả nam giới và phụ nữ đều có thể chịu đựng hành hạ tâm lý, vì cả hai đều có thể có cá tính hoặc ích kỷ hoặc mánh khóe. Tuy nhiên, những thống kê cho thấy nạn nhân của sự hành hạ này chủ yếu là phụ nữ, vì họ thường là phái yếu hơn trong mối quan hệ.
Sự hành hạ này có mối liên quan gì đến văn hóa hay thời đại? Dường như nó không đơn thuần là một vấn đề văn hóa: thật ra, sự hành hạ thể xác và tinh thần trong hôn nhân không gắn chặt với một văn hóa hay tầng lớp đặc biệt nào, hoặc những cuộc hôn nhân sớm hay hôn nhân trưởng thành. Và nó cũng không chỉ là đối với phụ nữ.
Nhưng gần đây, điều đáng lo nhất là trong một thời đại khi các quyền và phẩm giá của người phụ nữ là một sự thiện hảo xã hội được công nhận và được thăng tiến, thì sự hành hạ vẫn không giảm bớt. Ngược lại, trong số những đôi vợ chồng trẻ, nơi một thế hệ lớn lên và được giáo dục về sự bình đẳng về quyền giữa nam và nữ, lại thường có những vụ hành hạ thể xác và tâm lý, bạo lực tình dục, làm nhục trên các mạng xã hội và mọi hình thức hăm dọa.

Khi sự hành hạ bắt đầu: Những dấu hiệu cảnh báo ban đầu

Khi nào có thể dò tìm được dấu hiệu của sự hành hạ? Trước khi để mình lao vào vòng xoáy của tình trạng bị hành hạ tâm lý, bạn có thể dò tìm được “những dấu hiệu lạ” ngay từ giai đoạn hẹn hò. Đây là những lá cờ đỏ cảnh báo cho bạn bấm nút “Tạm dừng,” hay thậm chí chấm dứt luôn mối quan hệ.
Sự hành hạ tâm lý xảy ra ngay từ giai đoạn đầu của mối quan hệ, và dần dần lớn lên qua tiến trình bị quyến rũ dần. Trong giai đoạn đầu, nạn nhân bị làm mất ổn định và dần dần đánh mất lòng tự tin, tính độc lập và sự tự do hành động.
Nó là một tiến trình âm thầm và tiệm tiến trong đó cái nhìn về thực tại của nạn nhân dần dần bị lẫn lộn do bị điều khiển. Theo con đường này, nạn nhân bị mất suy nghĩ dứt khoát và khả năng tự bảo vệ, rơi vào thái độ bị lệ thuộc vào người hành hạ là người giữ quyền trên.

Những dấu hiệu hành hạ tâm lý trong quan hệ vợ chồng

Sự hành hạ luôn bắt đầu từ một mối quan hệ không bình đẳng và luôn dẫn đến tình trạng lệ thuộc tinh thần của vợ hoặc chồng vào người kia. Đây là dấu “đèn đỏ” đầu tiên xuất hiện, trước khi sự hành hạ thực sự xảy ra.
Người hành hạ tỏ rõ cách điều khiển hành vi của người bạn đời. Anh ta điều khiển đồng tiền người vợ tiêu xài, định đoạt cách thể hiện của vợ chồng trước mọi người theo ý anh ta muốn, và cố gắng ngăn cản cô ấy không dành thời gian cho bạn bè hay thậm chí những thành viên khác trong gia đình nếu không có sự đồng ý của anh ta. Vì lý do này, anh ta hướng đến việc điều khiển những hoạt động, giờ giấc sinh hoạt, và việc sử dụng mạng xã hội của vợ.
Về mặt khác, anh ta có khuynh hướng chỉ đặt trọng tâm chú ý vào những vấn đề của anh ta, giảm thiểu tính quan trọng của các vấn đề của người bạn đời, nhận lấy công lao mọi sự thành tựu của gia đình, làm cho người bạn đời có cảm giác rằng nếu không có sự hỗ trợ của anh ta, chẳng có gì thành sự được. Họ là những con người sử dụng ngôn ngữ mệnh lệnh, và tìm cách điều khiển ý kiến của người khác, ngay cả khi ý kiến đó thuộc vấn đề chung của cộng đồng hoặc trong đời sống xã hội. Nạn nhân liên tục chịu đựng sự thiếu thốn lòng tự trọng và tự do, ngay cả trong quan hệ tình dục.
Tin vui là một sự tỉnh táo về cảm xúc có thể giúp chúng ta dò tìm được những tình huống này để không dễ dàng xem nó như một điều gì đó bình thường. Tỉnh táo về cảm xúc là một chìa khóa chính để phát triển mà không đánh mất mục tiêu tốt đẹp về một mối quan hệ mà chúng ta là người trong cuộc.
Nhưng quan trọng là chúng ta phải biết phân biệt được làn ranh mong manh giữa một tình yêu đích thực và một “ảo tưởng của tình yêu cam chịu.” Tình yêu đích thực không chấp nhận sự cam chịu. Tình yêu chân thành là một quà tặng chứ không phải một sự chiếm hữu. Khi điều này thiếu vắng trong mối quan hệ vợ chồng, tính ích kỷ sẽ lấn át trội lên chứ không phải tính cao thượng của tình yêu.
Khi chúng ta bắt đầu xây dựng một mối quan hệ, đối với chúng ta chuyện không bao giờ muốn xảy ra là chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự bạo hành. Nhưng thật đáng buồn, lòng mong muốn “giữ quyền kiểm soát” trong một số hoàn cảnh dẫn đến cảnh một số đôi vợ chồng lún sâu vào tình trạng bạo hành gia đình. Khi bạo lực bắt đầu xảy ra, càng lúc càng khó thoát khỏi nó.
Những mối quan hệ phải được thể hiện nổi bật qua sự chia sẻ mục tiêu theo đuổi hạnh phúc và thịnh vượng trong đường hướng chung nuôi dạy con cái để chúng phát triển đúng nhân vị. Những khó khăn và khủng hoảng là một phần của đời sống và phát triển của con người, và do vậy cũng là một phần của đời sống vợ chồng.
Nhưng quan trọng là chúng ta phải biết phân biệt thật rõ ràng giữa một thời khắc hay giai đoạn khủng hoảng và một trạng thái khác thường diễn ra đều đặn trong những mối quan hệ không lành mạnh. Khi chúng ta quên những yếu tố chắc chắn thuộc về bản chất trong mối quan hệ, chúng ta đã đánh mất những thông số cho phép chúng ta dò tìm được các mối quan hệ không lành mạnh.

Mục này được viết chung với Javier Fiz Pérez, nhà tâm lý học, Giáo sư Tâm lý tại Đại học Châu Âu của Roma, đại diện cho nhóm Phát triển Khoa học Quốc tế và trưởng của Bộ phận Phát triển Khoa học của Hội Tâm lý Tích cực Châu Âu  (IEPP).
Bài này đầu tiên được đăng trên Aleteia Phiên bản tiếng Tây ban nha.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico tài trợ cho một bãi biển dành cho người khuyết tật

Đức Thánh Cha Phanxico tài trợ cho một bãi biển dành cho người khuyết tật

29 tháng Bảy, 2017
Đức Thánh Cha Phanxico tài trợ cho một bãi biển dành cho người khuyết tật
Mazur/catholicnews.org.uk-CC-Shutterstock/ChiccoDodiFC

Bãi biển "La Madonnina" không phải là một khu nhếch nhác cho những người bị khuyết tật về thể xác, nhưng ngược lại là một khu vực để họ hội nhập với xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxico tặng một khoản đóng góp cho những chi phí thuê một bãi biển riêng ở gần Roma thời hạn một năm, được điều hành bởi một tổ chức bác ái giúp những người khuyết tật có thể tận hưởng được biển.
Đức Thánh Cha Phanxico tìm biết được khu bãi biển này bằng cách nào? “Đức Thánh Cha biết được sáng kiến này qua nhiều nguồn khác nhau. Chúng tôi biết được rằng một số nhân viên của Văn phòng Bác ái Giáo hoàng cũng có mặt ở đây,” Cha Massimo Consolaro, 53 tuổi  chánh xứ Focene nói.
Bãi biển nằm trong thị trấn do giáo xứ của Cha Consolaro phục vụ, thuộc khu tự trị Fiumicino, nó là một phần của thành phố Roma.
“Bãi biển là một dự án bác ái phi lợi nhuận. Ý tưởng của chúng tôi là cung cấp một dịch vụ cho những người cần nó nhất — những người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc yếu đuối về thể chất, ở hai thái cực của tuổi tác: trẻ em và người già,” cha chánh xứ nói với Aleteia.
Một số người nói đùa về “bãi biển của Đức Thánh Cha Phanxico,” nó hơi mỉa mai, họ hàm ý nói về một vị giáo hoàng từ bỏ khu nghỉ mùa hè của mình tại lâu đài Castelgandolfo gần Roma — mở cửa cho công chúng — và là người thường ít đi nghỉ hè.
“À, chúng tôi đặt tên nó là Đức Nữ Đồng Trinh Maria Bé Nhỏ (‘La Madonnina’); Mẹ là người cho chúng ta ẩn náu dưới áo choàng của Mẹ,” Cha Consolaro nói, với một giọng đặc vùng Veneto, Bắc Ý.
Số người được hưởng ích lợi của sáng kiến này là những người thường xuyên ở những trung tâm xã hội, khu bảo trợ xã hội, hoặc từ những nhóm hoặc tổ chức phục vụ khác.
Tuy nhiên, Cha Massimo giải thích rằng chỉ 10 phần trăm những người sử dụng là người khuyết tật. Trên bãi biển này, các nhóm trẻ em từ các trường học hòa trộn với người già từ các trung tâm xã hội.
Đến khu vực này là “những người đi cùng với gia đình, cũng giống như những bãi biển khác. Vì thế, đây không phải là một ‘khu nhếch nhác’ dành cho người khuyết tật; chúng tôi hoạt động hướng đến sự hội nhập.”
Bãi biển cũng có hòa trộn với những trò tiêu khiển lành mạnh với thừa tác vụ và đời sống tinh thần. “Lúc 3 giờ chiều, nếu ai muốn — tình nguyện — có thể đến bên tượng ‘Madonnina’ (‘Đức Trinh Nữ Maria nhỏ bé’) để đọc Kinh Mân côi với chúng tôi,” linh mục nói.
“Người ta nói, ‘Cha không biết cha đang làm gì đâu.’ Chúng tôi không biết rằng bãi biển này thu hút quá nhiều sự chú ý của truyền thông. Dự án của chúng tôi hoàn toàn là công việc mục vụ, tập trung vào những nhu cầu của người khuyết tật, với sứ mạng đặc biệt tiếp cận với những thiếu nhi nhỏ tuổi nhất, noi theo bước chân của thánh bổn mạng của chúng tôi là Thánh Aloysius Gonzaga.”
Sự đóng góp của Đức Thánh Cha Phanxico, qua Hội Từ thiện Tông tòa, được gửi tới hội Công tác Tình thương của Hiệp hội Công cuộc của Thánh Aloysius Gonzaga. “Nó là một nơi nằm ở phía bên kia giáo xứ vì thế chúng tôi có thể bảo vệ được những thiếu nhi của chúng tôi.”
Đức Thánh Cha Phanxico tài trợ cho một bãi biển dành cho người khuyết tật
Một lối đi rộng dẫn đến chỗ tắm vòi sen, những phòng tắm rộng thênh thang, những nhà vòm, phòng thay đồ, và một quán tự phục vụ. Mọi thứ đều được thiết kế tạo sự tiếp cận thuận tiện cho những người ngồi xe lăn hoặc những người phải dùng những sự hỗ trợ khác để di chuyển. Có dù và ghế bãi biển, và những người phục vụ thiện nguyện luôn sẵn sàng giúp những người cần hỗ trợ để xuống nước.
“Đây là bãi biển được trang bị tốt nhất trên vùng biển Roma. Mục tiêu là cho phép những người khuyết tật được sự độc lập. Nếu họ đến trên một xe lăn, họ có thể dễ dàng di chuyển qua lại theo ý thích,” Cha Consolaro giải thích.
Đức Thánh Cha Phanxico tài trợ cho một bãi biển dành cho người khuyết tậtFacebook La Madonnina spiaggia senza barriere
Bãi biển, đã hoạt động từ năm 2012, mở cửa 7 ngày một tuần từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối cho những ai muốn có một ngày nghỉ ngơi thư giãn. Bạn không phải suy nghĩ về bất kỳ điều gì ngoài điều tuyệt vời nhất rằng chúng ta là anh em chị em, được tắm nắng dưới cùng một mặt trời.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2017]



Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Tình hình ở Trung đông, gồm cả vấn đề của Palestine

Tình hình ở Trung đông, gồm cả vấn đề của Palestine
Tình hình ở Trung đông, gồm cả vấn đề của Palestine

Trình bày của Đức ông Simon Kassas, Chargé d’Affaires a.i.
Phái bộ Quan sát viên của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc mở Phiên Tranh luận về tình hình ở Trung đông, trong đó có vấn đề thuộc Palestine
New York, 25 tháng Bảy 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh khen ngợi Phái đoàn của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã đưa chủ đề ngày hôm nay vào sự chú ý của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế.
Đã bốn lần trong năm nay, Vấn đề Palestine được đưa ra thảo luận trong phiên tranh luận mở của Hội đồng này. Nó đã lặp đi lặp lại quá nhiều đến mức những Báo cáo về chủ đề nghe giống như những kỷ lục được phá vỡ. Những kỷ lục được phá vỡ này sẽ tiếp tục, trừ khi tìm được một giải pháp khả thi cho Vấn đề Palestine. Và họ phải tiếp tục, trừ khi những thách đố chồng chất đang diễn ra ở Trung Đông hôm nay, tiến trình hòa bình Israel-Palestine không thể vuột ra khỏi những ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế và Cộng đồng này.
Tòa Thánh mong muốn lặp lại sự ủng hộ chắc chắn của mình cho giải pháp hai nhà nước, với Nhà nước Israel và một nhà nước Palestine cùng tồn tại song song trong hòa bình với những biên giới được quốc tế công nhận. Nếu cả Israel và Palestine cùng mong muốn hưởng sự an ninh, thịnh vượng và chung sống hòa bình, không có một con đường thứ hai cho sự dàn xếp bằng đàm phán dẫn đến một giải pháp cùng đồng thuận lẫn nhau được đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine, với sự hỗ trợ vững chắc và công bằng của cộng đồng quốc tế.
Để tiến trình này được diễn ra và thành công, người Israel và người Palestine phải thỏa thuận những bước đi quan trọng hướng đến việc giảm bớt những căng thẳng và làm lắng dịu bạo lực trong khu vực. Cả hai phía phải kìm chế những hành động, bao gồm cả những dàn xếp phủ nhận sự cam kết công khai giúp tiến đến một giải pháp đàm phán. Nhắc lại chuyến viếng thăm chung đến Vatican năm 2014 của Tổng thống quá cố của Israel là Shimon Peres và Tổng thống Palestinine Mahmoud Abbas, Đức Giáo hoàng Phanxico một lần nữa cổ vũ tất cả cầu nguyện cho hòa bình và thúc đẩy một văn hóa đối thoại, để chúng ta có thể “để lại cho con cháu chúng ta một văn hóa đủ khả năng xây dựng những sách lược cho sự sống, không phải sự chết, và cho sự bao dung, không phải sự loại trừ.”
Giải pháp hai nhà nước cũng sẽ đòi hỏi tất cả những phe phái thuộc Palestine thể hiện một ý chí chính trị hợp nhất và cùng nhau làm việc để giải quyết những nhu cầu cho người dân của họ. Một mặt trận Palestine đoàn kết sẽ chứng minh cho cam kết của người Palestine tiến đến một sự dàn xếp qua đàm phán hòa bình và sẽ là chiếc chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế, sự gắn kết xã hội và ổn định chính trị của một Nhà nước Palestine.
Chúng ta cũng không được quên Giê-ru-sa-lem, một thành thánh của người Do thái, người Ki-tô giáo và người Hồi giáo. Hiện trạng lịch sử của những khu vực thánh địa là một vấn đề rất nhạy cảm. Tòa Thánh khẳng định vị trí của mình phù hợp với cộng đồng quốc tế và nhắc lại sự ủng hộ cho một giải pháp toàn diện, công bằng và dài lâu cho vấn đề của Thành Giê-ru-sa-lem, liên quan đến điều này, nhắc lại quan hệ pháp lý đặc biệt, được quốc tế bảo đảm, để bảo đảm cho sự tự do tôn giáo và lương tâm của tất cả mọi cư dân, cũng như việc đến Những vùng Đất Thánh một cách an toàn, tự do và không bị giới hạn của các tín đồ thuộc mọi tôn giáo và quốc tịch.
Hôm Chủ nhật vừa qua, trong giờ Kinh Truyền tin tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Giáo hoàng Phanxico, ngài rất lo lắng về tình hình ở Giê-ru-sa-lem, đã đưa ra lời thỉnh cầu sự kìm chế và đối thoại, cầu xin rằng tất cả mọi người có thể được khơi gợi bởi lòng quyết tâm làm việc cho hòa giải và hòa bình.
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh vô cùng đau buồn trước những mất mát về nhân mạng và tài sản trong nhiều vùng của Trung đông do chiến tranh và xung đột, đặc biệt ở Syria, Yemen và ở miền bắc Iraq, nơi mà tình trạng nhân đạo bi thảm lên tiếng kêu gọi một cam kết mới của tất cả mọi người đạt được một giải pháp chính trị cho những xung đột này.
Đức Giáo hoàng Phanxico vô cùng cảm kích trước những nỗ lực không mệt mỏi của những người miệt mài tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Ngài cổ vũ tất cả những người liên quan làm việc theo một tiến trình chính trị hướng về Syria dẫn đến một bước chuyển tiếp hòa bình và bao dung, dựa trên những nguyên tắc của Thông Cáo Geneva ngày 30 tháng Sáu 2012. Một sự ổn định hòa bình được thỏa thuận bởi các đảng phái của Syria sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước, cho phép những người tị nan và di tản trong nước trở về an toàn, thúc đẩy hòa bình lâu bền và hòa giải, tạo ra môi trường cần thiết cho những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố hiệu quả, và duy trì chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Syria.
Những cộng đoàn Ki-tô giáo đã tồn tại trên hai ngàn năm trong lãnh thổ đó và đã chung sống hòa bình với những cộng đoàn khác. Tòa Thánh thúc giục Cộng đồng Quốc tế không quên họ, thông qua Hội đồng Bảo an. Tòa Thánh tin rằng pháp quyền, bao gồm sự tôn trọng tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc quyền công dân và không phân biệt chủng tộc, nguồn gốc sắc tộc hay tôn giáo, là nền tảng để đạt được và duy trì sự chung sống hòa bình và tốt đẹp giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc trong toàn lãnh thổ và vượt xa hơn nữa.
Thưa ông Chủ tịch,
Việc ngưng những hoạt động chính trị dựa trên các lực lượng vũ trang và một sự ổn định hòa bình cho những xung đột trong vùng, bao gồm một nghị quyết cho cuộc xung đột Israel-Palestine, sẽ ngay lập tức lấy lại lòng tin của chúng ta đối với những tiến trình chính trị và những giải pháp đàm phán. Những hoạt động chính trị sẽ được người dân trong vùng và vượt xa hơn nữa nhìn đến như nghệ thuật lãnh đạo tốt đẹp vì thiện ích chung cho tất cả, chứ không phải là một công cụ để đạt được sự thống trị vì ích lợi chính trị hay tôn giáo của một nhóm đối với tất cả những nhóm còn lại.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
[Nguồn: holyseemission]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/07/2017]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chile: Ba địa điểm ở Santiago

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chile: Ba địa điểm ở Santiago

Phái đoàn của Vatican đến thăm sân bay cũ Cerrillos, công viên O’Higgins và Câu lạc bộ Đua ngựa
27 tháng Bảy, 2017
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chile: Ba địa điểm ở Santiago
Pope Outside Papal Flight - Screenshot
Phái đoàn Tòa Thánh, đã đến những nơi sẽ tập trung hàng ngàn và chắc là hàng triệu người trong những sự kiện xuất hiện trước công chúng của Đức Thánh Cha Phanxico, đã kết thúc công việc của họ ở Chile hôm thứ Tư.
Đức Thánh Cha sẽ đến thăm quốc gia vùng Andes từ 15-18 tháng Một, sau đó sang Peru, và ngài sẽ lưu lại đây đến ngày 21 tháng Một, và sau đó trở về Roma. Ở Chile, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm các thành phố thủ đô Santiago; Temuco, thuộc vùng trung nam của đất nước, và Iquique ở phía Bắc, sát với biên giới của Peru và Bolivia. Ngài sẽ dâng Thánh Lễ tại mỗi thành phố với sự tham dự của hàng ngàn người.
Trong chương trình Santiago sẽ có một Thánh Lễ lớn. Những nơi có thể được chọn để tổ chức là Công viên O’Higgins, Câu lạc bộ Đua ngựa và Ciudad Parque Bicentenario (trước đây là sân bay Cerrillos). Công viên O’Higgins được Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II sử dụng năm 1987, khi đó ngài phong chân phước cho chị Teresa Andes. Những điều mà các nhà tổ chức cần chú ý là những nơi rộng dễ đi lại, thuận tiện cho việc lắp đặt những cơ cấu an ninh phù hợp cho sự an toàn của Đức Thánh Cha.
Phái đoàn Vatican gồm sáu chuyên gia. Domenico Giani, Tổng Thanh tra của Đội Hiến binh của Vatican, làm trưởng đoàn. Họ cũng đến thăm nhà nguyện Maipu và Nhà thờ Chánh tòa của Santiago.
Chương trình chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng có thể Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Little Cotolengo dành cho trẻ em bị bỏ rơi ở Cerillos. Ngay sát đó là sân bay Ciudad Parque Bicentenario rộng 245 mẫu, nơi này trước đây là sân bay nhỏ của Cerillos.
Ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đã được xác định, nhưng chương trình vẫn còn đang được tính toán kỹ lưỡng.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/07/2017]


Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Các cơ quan Caritas và các Chính phủ hợp tác để đạt Mục tiêu 2 và Mục tiêu 14: Áp dụng Chương trình Hành động 2030 ở Kenya và Châu Đại dương

Các cơ quan Caritas và các Chính phủ hợp tác để đạt Mục tiêu 2 và Mục tiêu 14: Áp dụng Chương trình Hành động 2030 ở Kenya và Châu Đại dương
Các cơ quan Caritas và các Chính phủ hợp tác để đạt Mục tiêu 2 và Mục tiêu 14: Áp dụng Chương trình Hành động 2030 ở Kenya và Châu Đại dương
Tổng Giám mục Bernardito Auza, Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc
Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc
“Các cơ quan Caritas và các chính phủ hợp tác để đạt Mục tiêu 2 và Mục tiêu 14: Áp dụng Chương trình Hành động 2030 ở Kenya và Châu Đại dương.”
Trụ sở Liên Hợp quốc Phòng Hội nghị E
12 tháng Bảy, 2017
Kính thưa quý vị đồng tham luận viên, thưa quý vị,
Tòa Thánh rất hân hạnh được tài trợ Sự kiện Bên lề này trong Diễn đàn Chính trị Cấp cao 2017 cùng với Caritas Quốc tế, cho chúng ta cơ hội để tập trung vào công cuộc phát triển quan trọng và làm thay đổi cuộc sống thực sự của Caritas Kenya, Caritas Châu Đại dương và Quỹ Công giáo cho Phát triển Nước ngoài (CAFOD) ở Kenya và Châu Đại dương. Nó là một dịp để cân nhắc về những bài học chúng ta có thể rút ra từ công việc của họ tại chỗ để cho chúng ta những hướng dẫn cách áp dụng tổng thể Chương trình Hành động 2030 cho sự Phát triển Bền vững, đặc biệt liên quan đến SDGs 2 và 14.
Công cuộc bác ái là tối quan trọng cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội Công giáo như là phương cách để loan báo Tin mừng và tán dương các Bí tích và  Caritas, với một mạng lưới liên minh gồm 165 tổ chức cứu trợ, phát triển và phục vụ xã hội của Công giáo hoạt động trong 200 quốc gia và lãnh thổ trên khắp thế giới, theo nhiều cách khác nhau là khuôn mặt, trái tim, bàn tay và đôi chân vươn xa của công cuộc bác ái của Giáo hội. Những gì chúng ta xem xét chi tiết hôm nay trong hai khu vực liên quan đến hai mục tiêu SDGs chỉ là một phần nhỏ của những gì Caritas đã và đang làm trên khắp thế giới liên quan đến tất cả các mục tiêu SDGs, và tôi có thể nói thêm rằng, đã được thực hiện trong suốt hơn một thế kỷ qua trước khi Chương trình Hành động Phát triển Bền vững được xây dựng. Kinh nghiệm và tính chuyên môn của Caritas trong việc phát triển các dân tộc, làm giảm bớt tình trạng đói kém và bần cùng, và việc chăm sóc hành tinh của chúng ta là một ngọn đèn sáng không chỉ cho Giáo hội Công giáo nhưng cho toàn thể cộng đồng quốc tế.
Liên quan đến việc áp dụng những mục tiêu của SDGs, những thiện ích to lớn được thực hiện bởi Caritas không chỉ là một công cuộc phát triển bình thường ngẫu nhiên được phối hợp bởi các cơ quan Công giáo. Đó là công cuộc được thực hiện với sự hiểu biết đặc biệt về nhân vị và các dân tộc được phục vụ và với mục tiêu phát triển con người toàn diện, trong đó xem việc phát triển kinh tế như là một phần của sự phát triển tổng thể. Sự phát triển toàn diện đó, như Tòa Thánh đã nhấn mạnh trong trình bày nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất việc thông qua Chương trình Hành động 2030, với sự tôn trọng sự sống của mọi con người trong tất cả các giai đoạn và chiều kích của nó, việc bao gồm người nghèo như là những chủ thể có phẩm giá của vận mệnh của họ, quyền được học hành vì chiều kích siêu việt của nhân vị, tôn trọng công lý qua cố gắng chấm dứt sự loại trừ xã hội và kinh tế và bảo tồn và cải thiện ngôi nhà chung của mọi người, tôn trọng pháp quyền như là một liều thuốc giải cho những xung đột giữa các dân tộc và quốc gia, xây dựng hòa bình, kiến tạo hòa bình và giải pháp hòa bình cho những bất đồng, phục vụ tha nhân, tôn trọng thiện ích chung, và xây dựng một nền tảng cho tình huynh đệ phổ quát. Những nhân viên của Caritas trên khắp địa cầu đưa những nguyên tắc này vào thực hành hàng ngày.
Khi Đức Giáo hoàng Phanxico nói trước Đại Hội đồng (LHQ) ngày 25 tháng Chín, 2017, ngay trước ngày thông qua Chương trình Hành động 2030 về Phát triển Bền vững, ngài nói rằng SDGs là “một dấu hiệu quan trọng của niềm hy vọng,” một niềm hy vọng mà ngài nói rằng nó sẽ trở thành hiện thực nếu Chương trình Hành động được áp dụng thật sự, công bằng và hiệu quả. Ngài cảnh báo cộng đồng quốc tế không rơi vào điều mà ngài gọi là “declarationalist nominalism” (tạm dịch: chủ nghĩa duy danh danh nghĩa) với những công bố thỏa thuận rầm rộ hơn là thực hiện những công việc khó khăn cần thiết để làm cho những cam kết trở nên hiệu quả. Mục tiêu của HLPF của năm nay xem xét kỹ điều gì có hiệu quả liên quan đến việc áp dụng SDGs ở những tình hình quốc gia và khu vực khác nhau và những gì vẫn cần phải được thực hiện.
Hôm nay chúng ta xét đến những việc mà các Cơ quan Caritas đang thực hiện ở Kenya và Châu Đại dương liên quan đến việc chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và dinh dưỡng được cải thiện, và thúc đẩy nông nghiệp bền vững (SDG 2) và bảo tồn và sử dụng lâu dài các đại dương, biển và những nguồn tài nguyên biển cho sự phát triển bền vững (SDG 14).
Liên quan đến việc chấm dứt nạn đói, mới tuần trước Đức Giáo hoàng Phanxico đã gửi một Sứ điệp đến các Tham dự viên của Tổng Hội nghị lần thứ 40 của Tổ chức Lương Nông nhóm họp ở Roma, ngài nói, “Tòa Thánh theo dõi rất sát với công việc của cộng đồng quốc tế và mong muốn hỗ trợ những nỗ lực của cộng đồng để thúc đẩy không chỉ những mục tiêu tiến bộ và phát triển trên lý thuyết, nhưng hơn thế là sự loại trừ thực sự nạn đói và suy dinh dưỡng.” Ngài nói rằng việc cung cấp cho con người lương thực hàng ngày qua sự gia tăng sản lượng nông nghiệp và việc phân phối hiệu quả là chưa đủ nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng con người có một quyền được thoát khỏi sự cùng khổ và nạn đói và toàn thể gia đình nhân loại có trách nhiệm chăm sóc trong tình đoàn kết với anh chị em  của họ khi họ bị đói hoặc thiếu dinh dưỡng. Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng Chương trình Nghị sự Phát triển 2030 “nhắc lại ý tưởng rằng an ninh lương thực là một mục tiêu không thể trì hoãn được nữa” và ngài thêm rằng đây là một “thách đố mà Giáo hội cam kết luôn đứng ở những hàng tiền tuyến.” Công cuộc của Caritas là một trong những ví dụ dễ thấy nhất của sự cam kết đó.
Liên quan đến các Đại dương của chúng ta, chúng ta biết rằng mới tháng trước đã có Hội nghị Liên Hợp quốc Ủng hộ việc Áp dụng SDG 14. Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện và là Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị, trình bày trong bản tham luận của ngài, “Đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 phải nằm trong sự quan tâm của tất cả mọi người, vì sự nghiêm trọng của những vấn đề mà các đại dương đang đối mặt luôn gắn chặt với sự tồn tại của nhân loại.” Ngài nhấn mạnh rằng sự suy giảm môi trường và sự suy đồi về nhân văn và đạo đức có sự liên kết rất gần, chúng ta phải có một “bước tiếp cận kết hợp đồng thời vừa chăm sóc môi trường, chống lại sự cùng khổ và loại trừ, bảo đảm được sự tận hưởng của tập thể đối với tất cả thiện ích chung, và thúc đẩy sự đoàn kết liên thế hệ, … nhận lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc chăm sóc những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu này, và bảo vệ những con người đó, đặc biệt người nghèo và người thấp kém, là những người phải lệ thuộc vào sinh kế hàng ngày của họ.” Những giải pháp kỹ thuật là không đủ. Cần phải có một bước tiếp cận toàn diện. Đó là bước tiếp cận hợp với đạo đức mà Caritas đang thực hiện.
Tôi đang mong chờ cùng với quý vị được nghe thêm về những gì Caritas đang làm ở Kenya và Châu Đại Dương trong việc thúc đẩy SDGs 2 và 14, và một cách rộng rãi hơn, về cách mà Caritas đang thúc đẩy chương trình phát triển toàn diện mà người nghèo trên thế giới đang rất cần.
Xin cảm ơn quý vị đã đến tham dự hôm nay.
[Nguồn: holyseemission]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/07/2017]