Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô và thân mẫu của ngài đã có những suy nghĩ khác nhau về chuyên ngành đại học của ngài

Đức Thánh Cha Phanxicô và thân mẫu của ngài đã có những suy nghĩ khác nhau về chuyên ngành đại học của ngài

Đức Thánh Cha Phanxicô và thân mẫu của ngài đã có những suy nghĩ khác nhau về chuyên ngành đại học của ngài

HO | Bergoglio Family | AFP

Gelsomino Del Guercio

08/06/21


Khi niềm vui của Bà Bergoglio chuyển thành một chút thất vọng.

“Khi còn trẻ, Jorge Mario Bergoglio đã hứa với mẹ rằng cậu sẽ trở thành một bác sĩ. Khi mẹ của cậu là bà Regina khám phá ra rằng cậu không học y khoa mà là thần học, bà kết tội cậu đã nói dối bà. Nhưng cậu trả lời, “Con không nói dối; Con đang học y khoa, nhưng cho các linh hồn,” AdnKronos viết.


“Con sẽ học ngành y”

Emanuela Pizziolo kể lại trong quyển sách “Papa Francesco, la forza dell’umiltà” (Đức Thánh Cha Phanxicô, sức mạnh của sự khiêm nhường) rằng vị giáo hoàng tương lai, khi ở tuổi 19, ngay sau tốt nghiệp, đã nói với thân mẫu rằng cậu muốn tiếp tục việc học. Thân mẫu cậu thốt lên: “Thật là tin tốt lành, con trai của mẹ!”

“Và con muốn học ngành gì?”

Jorge trả lời, “Ngành y, thưa mẹ.” Gia đình vô cùng phấn khởi về sự lựa chọn của người con trai; cả gia đình trước đó hy vọng nghe được tin cậu ghi danh vào một đại học.


Căn phòng của Jorge

Chúng ta đọc được trong quyển sách của Pizziolo, bà Regina nghĩ rằng một người thanh niên chọn học ngành y thì không thể học được trong một căn nhà đông anh chị em và đầy tiếng ồn ào suốt ngày.

Vì vậy bà quyết định chuẩn bị một “phòng học” cho riêng cậu, sửa sang một căn phòng nhỏ cho mục đích đó. Jorge bắt đầu trải qua các ngày trong căn phòng đó.


Niềm tự hào của người mẹ

“Con trai tôi sẽ trở thành một bác sĩ,” bà Regina khẳng định với những người hàng xóm và bất kỳ ai lắng nghe bà, đầy niềm tự hào về người con trai đầu lòng của bà. “Có nhiều lúc nó thậm chí quên cả ăn, bị cuốn vào sách vở của nó.”

Đồng thời, Jorge hứa bảo đảm với mẹ rằng cậu sẽ chăm lo lau dọn không gian nhỏ bé đó.


Sự khám phá của thân mẫu ngài Jorge Bergoglio

Tuy nhiên, vào một buổi chiều năm 1957, bà Regina quyết định rằng con trai của bà quá bận rộn với việc học nên không tìm được thời gian để nghĩ đến việc quét dọn. Vì vậy, tranh thủ thời gian khi cậu vắng mặt, bà bước vào phòng với khăn lau và cây lau nhà.

Nhưng ngay lập tức bà hiểu rằng mọi việc không diễn ra đúng hướng, như chúng ta đọc thấy trong cuốn sách của ông Pizziolo, bà tìm được một số lượng lớn sách về thần học và triết học. Người mẹ rời căn phòng với đôi tay run lên và đi thẳng vào bếp.


Ngành y cho các linh hồn

Ít phút sau Jorge về nhà. Bà Regina gọi cậu lại và nói, “Jorge này … con đã nói với mẹ là con học ngành y,” và bà cố ngăn những giọt nước mắt. Jorge trả lời, “Vâng, thưa mẹ.” Bà Regina quở trách cậu, “Nhưng tại sao con lại nói dối mẹ?”. “Không, thưa mẹ, con đang học ngành y – cho các linh hồn!”

Thân mẫu cậu thất vọng: với một gia đình nhập cư như họ thì có một người con trai làm bác sĩ sẽ có thế giá trong xã hội và một chút bảo đảm an toàn.

Nhưng Jorge đã cố chống lại tiếng gọi của Thiên Chúa trong hai năm, và cậu càng cố gắng trốn tránh khỏi điều mà bây giờ cậu biết là vận mệnh của mình, thì lại càng rõ ràng rằng cậu cần phải dâng mình hoàn toàn cho Chúa.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2021]


Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng Sáu, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng Sáu, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sân San Damaso

Thứ Tư ngày 9 tháng Sáu, 2021


Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức trong sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Kiên trì trong tình yêu” (bài đọc Kinh Thánh: 1 Tx 5:15-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài giáo lý về cầu nguyện: 36. Kiên trì trong tình yêu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý gần cuối này về cầu nguyện, chúng ta sẽ nói về sự kiên trì trong cầu nguyện. Đó là một lời mời gọi, quả thật đó là một mệnh lệnh đến với chúng ta từ Sách Thánh. Hành trình thiêng liêng của người hành hương người Nga bắt đầu khi ông tình cờ đọc được câu nói của Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Têsalônica: “Hãy cầu nguyện liên tục, luôn luôn và mọi sự hãy tạ ơn” (5:18). Những lời của Thánh Tông đồ đã đánh động người đàn ông và ông tự hỏi làm thế nào để có thể cầu nguyện liên tục, vì cuộc sống của chúng ta bị phân tán thành nhiều quãng thời gian khác nhau, chúng làm cho sự tập trung không phải lúc nào cũng thực hiện được. Từ câu hỏi này, ông ta bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình, điều này đưa ông đến sự khám phá ra điều được gọi là lời cầu nguyện của con tim. Nó chỉ bao gồm việc lặp lại câu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội!” với lòng tin. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội!”

Một lời cầu nguyện đơn sơ, nhưng rất đẹp. Một lời cầu nguyện tự thích ứng từng chút từng chút với nhịp thở và kéo dài suốt cả ngày. Lời đó là gì? “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội!”. Cha không nghe thấy tiếng anh chị em. Lớn hơn nữa! “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội!”. Và lặp lại, lặp lại câu đó! Điều này là quan trọng. Thật vậy, hơi thở không bao giờ ngừng lại, ngay cả khi chúng ta ngủ; và cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống.

Vậy làm thế nào để luôn có thể duy trì trạng thái cầu nguyện? Sách Giáo lý đưa ra những lời trích dẫn tuyệt đẹp trong lịch sử tu đức, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cầu nguyện liên tục, rằng nó là điểm tựa của đời sống người Kitô hữu. Cha sẽ xét đến một số vị trong đó.

Tu huynh Evagrius Ponticus đã nói: “Chúng tôi không được lệnh phải làm việc, phải canh chừng và ăn chay liên tục” – không, không có yêu cầu như vậy – “nhưng chúng tôi được yêu cầu rằng phải cầu nguyện không ngừng” (2742). Tâm hồn cầu nguyện. Vì vậy phải có một sự nhiệt thành trong đời sống Kitô hữu là điều không bao giờ được lơ là. Nó phần nào đó giống như ngọn lửa thiêng được thắp trong các đền thờ cổ, liên tục cháy và các linh mục có nhiệm vụ giữ cho ngọn lửa luôn cháy sáng. Vì vậy, trong chúng ta cũng phải có một ngọn lửa thiêng, cháy liên tục và không gì có thể dập tắt được. Và điều đó không phải là dễ dàng. Nhưng đây là cách buộc phải như vậy.

Thánh Gioan Kim Khẩu, một vị mục tử rất chú ý đến đời sống thực tế, đã giảng rằng: “Ngay cả khi đang đi dạo nơi công cộng hoặc tản bộ một mình, hoặc ngồi trong cửa hàng của bạn, khi đang mua bán, hoặc ngay cả khi đang nấu ăn” (2743). Những lời cầu nguyện nhỏ: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”, “Lạy Chúa, xin giúp con”. Vì thế, lời cầu nguyện là những dòng kẻ nhạc, trong đó chúng ta ghi vào những nốt nhạc của cuộc đời mình. Nó không đối nghịch lại với công việc hàng ngày, nó không mâu thuẫn với những nghĩa vụ và nhiệm vụ nhỏ; có thể nói đó là nơi mà mọi hành động tìm được ý nghĩa của nó, tìm được lý do và sự bình an của nó. Trong cầu nguyện.

Chắc chắn, việc đưa những nguyên tắc này vào thực hành không hề dễ dàng. Một người cha và một người mẹ bị cuốn vào hàng nghìn công việc, có thể cảm thấy hoài niệm về khoảng thời gian trong đời khi họ dễ dàng tìm thấy thời giờ và không gian để cầu nguyện thường xuyên. Rồi đến con cái, công việc, cuộc sống gia đình, cha mẹ già yếu… Người ta có cảm giác rằng sẽ không bao giờ có thể vượt qua được tất cả những điều đó. Và vì thế thật tốt lành cho chúng ta khi nghĩ đến Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng phải chăm sóc toàn thể vũ trụ, và luôn nhớ đến từng người chúng ta. Vì vậy, chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến Người!

Chúng ta cũng nhớ rằng trong đời sống ẩn tu của Kitô giáo lao động luôn được coi trọng, không chỉ vì bổn phận đạo đức là chu cấp cho chính bản thân và cho người khác, mà còn vì đó là một hình thức cân bằng, một sự cân bằng bên trong và công việc. Thật nguy hiểm cho con người khi theo đuổi một đam mê quá trừu tượng đến mức đánh mất sự tiếp xúc với thực tai. Công việc giúp chúng ta luôn tiếp xúc với thực tại. Bàn tay của người tu sĩ chắp vào khi cầu nguyện mang những vết chai sần của người cầm xẻng cầm cuốc. Trong Tin Mừng của Thánh Luca (xem 10: 38-42), khi Chúa Giêsu nói với Thánh Mácta rằng điều duy nhất thật sự cần thiết là lắng nghe lời Chúa, Ngài không có ý chê bai những sự phục sự của Mácta thực hiện với nỗ lực quá lớn như vậy.

Mọi thứ trong con người đều là “có hai phần”: cơ thể chúng ta là sự cân đối, chúng ta có hai cánh tay, hai con mắt, hai bàn tay… Vì vậy, làm việc và cầu nguyện cũng bổ sung cho nhau. Cầu nguyện - vốn là “hơi thở” của mọi điều - duy trì như là bối cảnh sống động của công việc, ngay cả trong những thời điểm khi điều này không rõ ràng. Thật là vô tâm khi bị cuốn vào công việc đến mức bạn không còn khả năng tìm được thời gian cho việc cầu nguyện.

Đồng thời, lời cầu nguyện xa rời với đời sống là không lành mạnh. Một lời cầu nguyện xa rời với thực tại cụ thể của cuộc sống sẽ trở thành duy linh luận, hay tệ hơn nữa là trở thành chủ nghĩa nghi thức. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, sau khi cho các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Ngài trên Núi Tabor, đã không muốn kéo dài giây phút hạnh phúc đó, nhưng Ngài xuống núi cùng với họ và tiếp tục hành trình hàng ngày. Bởi vì kinh nghiệm đó phải ở lại trong tâm hồn của họ như là ánh sáng và sức mạnh của đức tin; cũng là ánh sáng và sức mạnh cho những ngày sắp đến: những ngày của cuộc Khổ nạn. Bằng cách này, thời gian dành riêng cho Chúa sẽ làm hồi sinh niềm tin, trợ giúp chúng ta trong những thực tại sống, và niềm tin lại nuôi dưỡng sự cầu nguyện không bị gián đoạn. Trong vòng tròn liền mạch giữa niềm tin, đời sống và cầu nguyện, chúng ta giữ cho ngọn lửa của đời sống Kitô hữu mà Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta luôn thắp sáng.

Và chúng ta cùng lặp lại lời cầu nguyện đơn sơ đó nhưng lại vô cùng tuyệt vời khi lặp đi lặp lại trong ngày. Xem anh chị em còn nhớ không. Chúng ta cùng đồng thanh: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” Liên tục dâng lời cầu nguyện này sẽ giúp anh chị em kết hiệp với Chúa Giêsu. Cảm ơn anh chị em.


*****

Những lời chào

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cha mời gọi anh em phát triển tinh thần cầu nguyện liên lỷ, có khả năng kết hiệp đời sống hàng ngày của chúng ta và dâng chúng lên như một của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/6/2021]