Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Toàn văn: Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các nhà chức trách, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn của Iraq

Toàn văn: Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các nhà chức trách, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn của Iraq

Trong ngày đầu tiên tại Iraq, Đức Thánh Cha đọc diễn từ trước tổng thống và các nhà chức trách của Iraq trong Dinh Tổng thống ở Baghdad đưa ra một thông điệp về tình liên đới huynh đệ.

Toàn văn: Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các nhà chức trách, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn của Iraq


Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong khán phòng của Dinh Tổng thống ở Baghdad ngày 5 tháng Ba, 2021. (photo: Vatican Media. / Vatican Media)

CNA

5 tháng Ba, 2021


Ghi chú của biên tập viên: Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các nhà chức trách, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn, ngày 5 tháng Ba năm 2021, tại Dinh Tổng thống ở Baghdad.

*****

Thưa ngài Tổng thống,

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa quý vị Giới chức chính quyền, Đại diện Xã hội Dân sự,

thưa Quý vị,

Tôi xin cảm ơn vì có cơ hội thực hiện chuyến Tông du được mong đợi từ lâu và ước mong đến được nước Cộng hòa Iraq, và đến được miền đất này, cái nôi của nền văn minh liên kết chặt chẽ với Tổ phụ Abraham và một số Tiên tri với lịch sử cứu độ, và các truyền thống tôn giáo lớn bao gồm Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Ngài Tổng thống Salih về lời mời và những lời chào đón ân cần của ngài, cũng là đại diện cho các cơ quan chức năng khác của quốc gia và dân tộc yêu quý của đất nước. Tôi cũng xin gửi lời chào các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.

Tôi xin thân ái chào các vị giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả tín hữu của Giáo hội Công giáo. Tôi đến đây như một người hành hương để khích lệ họ làm chứng nhân của đức tin, hy vọng và tình yêu giữa xã hội Iraq.

Tôi cũng xin chào quý vị thành viên của những Giáo hội Kitô giáo và các Cộng đồng Hội thánh, các tín đồ của Hồi giáo và đại diện của những truyền thống tôn giáo khác. Xin Chúa ban ơn cho chúng ta để cùng nhau bước đi trên hành trình như những người anh chị em trong “niềm tin chắc chắn rằng những giáo huấn chân chính của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục giữ vững cội rễ trong các giá trị của hòa bình… sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ của con người và sự chung sống hòa hợp” (Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai năm 2019).

Toàn văn: Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các nhà chức trách, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn của Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Tổng thống nước Cộng hòa trong phòng làm việc của Dinh Tổng thống ở Baghdad ngày 5 tháng Ba, 2021. (photo: Vatican Media. / Vatican Media)

Chuyến thăm của tôi diễn ra vào thời điểm toàn thế giới đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19, nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe của không biết bao nhiêu người mà còn góp phần làm xấu đi các điều kiện kinh tế và xã hội, vốn đã bị đánh dấu bởi sự mong manh và bất ổn. Cuộc khủng hoảng này kêu gọi sự phối hợp của tất cả các nỗ lực để thực hiện những bước đi cần thiết, bao gồm cả việc phân phối vaccine một cách công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ: cuộc khủng hoảng này trên hết là một lời kêu gọi “hãy suy nghĩ lại về những lối sống của chúng ta… và ý nghĩa của sự sống của chúng ta” (Tông huấn Fratelli tutti, 33). Đó chính là việc thoát ra khỏi thời gian thử thách này và trở nên tốt hơn chúng ta trước đây, và định hình một tương lai đặt nền tảng trên những điều hiệp nhất chúng ta hơn là những điều chia rẽ chúng ta.

Trong nhiều thập kỷ qua, Iraq đã phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh, tai họa của khủng bố và xung đột giáo phái thường xuất phát từ một chủ nghĩa cơ yếu không có khả năng chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau, những ý tưởng và văn hóa khác nhau. Tất cả những điều này đã mang đến cái chết, sự tàn phá và đổ nát, không chỉ về mặt vật chất: thiệt hại còn sâu sắc hơn rất nhiều nếu chúng ta nghĩ đến nỗi đau của rất nhiều cá nhân và cộng đồng, và những vết thương sẽ mất nhiều năm để chữa lành. Ở đây, trong số rất nhiều người đã phải chịu đựng đau khổ, suy nghĩ của tôi hướng về người Yazidis, những nạn nhân vô tội của các hành động tàn bạo vô nghĩa và hung ác, bị bách hại và giết vì tôn giáo của họ, và căn tính và sự sống của họ đã bị đe dọa. Chỉ khi chúng ta học cách nhìn xa hơn những sự khác biệt của mình và coi nhau như những thành viên của cùng một gia đình nhân loại, thì chúng ta mới có thể bắt đầu một tiến trình tái xây dựng hiệu quả và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và nhân văn hơn. Về mặt này, sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc đã là dấu ấn của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ là một nguồn mạch quý giá để kín múc, không phải là trở ngại phải loại bỏ. Iraq ngày nay được kêu gọi để cho tất cả mọi người thấy rằng, đặc biệt là ở Trung Đông, tính đa dạng phải đưa đến sự hợp tác hài hòa trong đời sống xã hội, thay vì làm nảy sinh xung đột.

Sự chung sống huynh đệ đòi hỏi đối thoại kiên nhẫn và trung thực, được bảo vệ bởi công lý và sự tôn trọng luật pháp. Nhiệm vụ này không dễ dàng; nó đòi hỏi sự làm việc gian khó và cam kết của tất cả mọi người để gạt bỏ những mối kình địch và mâu thuẫn, và thay vào đó là nói chuyện với nhau từ căn tính sâu xa nhất của chúng ta là con cái của một Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng (xem Công đồng chung Vatican II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 5). Trên cơ sở nguyên tắc này, Tòa thánh không ngừng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền, ở Iraq cũng như các nơi khác, trao cho tất cả các cộng đồng tôn giáo sự công nhận, tôn trọng, các quyền và sự bảo vệ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện về các vấn đề này, và tôi cùng với những người thiện chí lên tiếng kêu gọi những nỗ lực này được tiếp tục vì lợi ích của dân tộc.

Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội mà các thành viên sống trong tình liên đới với nhau. “Tình liên đới giúp chúng ta nhìn người khác… như những người lân cận, như những người bạn đồng hành trên hành trình của chúng ta” (Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2021). Đó là một đức tính giúp chúng ta thực hiện những hành động chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt quan tâm đến những người dễ bị tổn thương và những người thiếu thốn nhất. Ở đây, tôi nghĩ đến tất cả những người đã bị mất các thành viên gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và sinh kế do bạo lực, bắt bớ hoặc khủng bố. Tôi cũng nghĩ đến những người tiếp tục đấu tranh cho sự an toàn và các phương tiện sinh tồn cá nhân và kinh tế trong thời điểm thất nghiệp và nghèo đói ngày càng gia tăng. “Ý thức rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự mong manh của người khác” (Tông huấn Fratelli tutti, 115) cần phải truyền cảm hứng cho mọi nỗ lực nhằm tạo ra những cơ hội cụ thể cho sự tiến bộ, không chỉ về kinh tế, mà còn về giáo dục và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Sau một cuộc khủng hoảng, nếu chỉ đơn thuần xây dựng lại là không đủ; chúng ta cần phải xây dựng lại thật tốt, để tất cả mọi người đều được hưởng một cuộc sống đúng phẩm giá. Chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng và trở lại như chúng ta trước đây; chúng ta thoát khỏi nó và trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn.

Là những nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà ngoại giao, quý vị được kêu gọi để nuôi dưỡng tinh thần liên đới huynh đệ này. Chống nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, coi thường pháp luật là cần nhưng chưa đủ. Điều cần thiết cùng với nó là thúc đẩy công lý và tính trung thực, sự minh bạch và củng cố các cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bằng cách đó, sự ổn định trong xã hội sẽ phát triển và một nền chính trị lành mạnh sẽ hình thành, có thể mang lại cho tất cả mọi người, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi chiếm số đông đảo trong đất nước này, niềm hy vọng vững chắc về một tương lai tốt đẹp hơn.

Thưa ngài Tổng thống, thưa các nhà chức trách, thưa các bạn! Tôi đến như một hối nhân, cầu xin sự tha thứ của nước trời và những người anh chị em của tôi vì quá nhiều sự tàn phá và tàn ác. Tôi đến như một người hành hương hòa bình nhân danh Chúa Kitô, là vị Hoàng tử của Hòa bình. Trong những năm qua chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình ở Iraq! Thánh Gioan Phaolô II đã không tiếc bất cứ sáng kiến ​​nào và trên hết đã dâng lời cầu nguyện và những đau khổ của mình cho ý nguyện này. Và Chúa đã lắng nghe, Người luôn lắng nghe! Về phần chúng ta là phải lắng nghe Người và bước đi theo con đường của Người. Cầu mong những cuộc đụng độ vũ trang phải im tiếng! Cầu mong sự lây lan của chúng bị kìm giữ lại, ở đây và ở khắp mọi nơi! Cầu mong những lợi ích đảng phái chấm dứt, những lợi ích bên ngoài không quan tâm đến người dân địa phương. Cầu mong tiếng nói của những người xây dựng và người kiến tạo hòa bình tìm thấy sự lắng nghe! Tiếng nói của những người hèn mọn, những người nghèo khổ, những con người bình thường muốn được sống, làm việc và cầu nguyện trong hòa bình. Cầu mong có sự chấm dứt những hành động bạo lực và cực đoan, bè phái và bất khoan dung! Ước mong có không gian cho tất cả những công dân muốn hợp tác xây dựng đất nước này thông qua đối thoại và sự thảo luận thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng. Những công dân cam kết hòa giải và sẵn sàng đặt lợi ích riêng của họ sang một bên vì ích chung. Trong những năm qua, Iraq đã tìm cách đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Muốn vậy, điều cần thiết là phải bảo đảm cho sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo, và đảm bảo những quyền căn bản của mọi người công dân. Ước mong không người nào bị xem là công dân hạng hai. Tôi khuyến khích những bước tiến đã đạt được từ trước đến nay trên hành trình này, và tôi tin tưởng rằng chúng sẽ làm vững chắc sự yên bình và hòa thuận.

Cộng đồng quốc tế cũng có vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình trong vùng đất này và ở Trung Đông nói chung. Như chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia Syria láng giềng — bắt đầu cách đây 10 năm, cho đến ngày nay! — những thách thức mà thế giới của chúng ta phải đối mặt ngày nay liên quan đến toàn gia đình nhân loại. Chúng kêu gọi sự hợp tác trên quy mô toàn cầu để giải quyết, trong số các vấn đề thì sự bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng khu vực đang đe dọa sự ổn định của những vùng đất này. Tôi cảm ơn các quốc gia và tổ chức quốc tế đang làm việc tại Iraq để xây dựng lại và cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn, những người di tản trong nước và những người đang cố gắng trở về nhà, bằng cách cung cấp lương thực, nước sinh hoạt, nơi ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vệ sinh trên khắp đất nước, cùng với các chương trình hòa giải và xây dựng hòa bình. Ở đây tôi không thể không nhắc đến nhiều cơ quan, trong đó có một số cơ sở Công giáo, trong nhiều năm đã cam kết giúp đỡ người dân của đất nước này. Đáp ứng những nhu cầu cơ bản của rất nhiều anh chị em của chúng ta là một hành động bác ái và công lý, và góp phần vào một nền hòa bình lâu dài. Nguyện ước của tôi là cộng đồng quốc tế sẽ không rút lại vòng tay bằng hữu và sự tham gia xây dựng khỏi người dân Iraq, nhưng sẽ tiếp tục hành động trên tinh thần trách nhiệm chung với các giới chức địa phương, không áp đặt những lợi ích chính trị hoặc ý thức hệ.

Tự bản chất, tôn giáo phải phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Không được sử dụng Danh Thánh Chúa “để biện minh cho các hành động giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng Hai năm 2019). Ngược lại, Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người bình đẳng về phẩm giá và quyền, kêu gọi chúng ta truyền bá các giá trị của tình yêu, thiện chí và hòa hợp. Ở Iraq cũng vậy, Giáo hội Công giáo mong muốn trở thành bạn của tất cả, và hợp tác mang tính xây dựng với các tôn giáo khác để phục vụ cho sự nghiệp hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo. Sự hiện diện từ xa xưa của người Kitô giáo ở vùng đất này, cùng những đóng góp của họ cho đời sống của dân tộc, tạo thành một di sản phong phú mà họ muốn tiếp tục phục vụ cho tất cả mọi người. Sự tham gia của họ vào đời sống công cộng, với tư cách là người công dân có đầy đủ các quyền, sự tự do và trách nhiệm, sẽ chứng minh rằng tính đa nguyên lành mạnh về tín ngưỡng tôn giáo, sắc tộc và văn hóa có thể góp phần vào sự thịnh vượng và hòa hợp của quốc gia.

Các bạn thân mến, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những gì quý vị đã thực hiện và tiếp tục thực hiện trong việc xây dựng một xã hội hiệp nhất huynh đệ, đoàn kết và hòa hợp. Sự phục vụ của quý vị cho ích chung là một điều cao cả. Tôi nguyện xin Đấng Toàn năng nâng đỡ quý vị trong những trách nhiệm của quý vị và hướng dẫn quý vị theo những cách thức khôn ngoan, công bằng và sự thật. Tôi khẩn xin muôn ơn lành nước Trời đổ xuống trên quý vị, và gia đình cùng với những người thân yêu, và trên tất cả người dân Iraq. Cảm ơn quý vị!


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2021]


Lời của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay tới Iraq

Lời của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay tới Iraq


Lời của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay tới Iraq

Chuyên cơ giáo hoàng

Thứ Sáu, 5 tháng Ba năm 2021


 Ông Matteo Bruni:

Xin chào (buổi sáng) Đức Thánh Cha, và chào tất cả anh chị em. Sau nhiều tháng chúng ta được trở lại trên chuyên cơ giáo hoàng, mười lăm tháng. Trong thời gian chờ đợi đó các thói quen đã thay đổi, và chính hình ảnh này đã nói lên tất cả [tất cả các nhà báo và Đức Thánh Cha đều đeo khẩu trang]: tất cả chúng ta phải tôn trọng các biện pháp về sức khỏe.

Con xin cảm ơn Đức Thánh Cha, vì mong ước của người trở thành một người hành hương tại Iraq, miền đất của tổ phụ Abraham, cùng với dân tộc của đất nước, người Kitô giáo của đất nước. Vài ngày trước người nói rằng: “Người ta không thể làm một dân tộc thất vọng lần thứ hai,” và chúng con cảm ơn cha vì mong muốn của người được đồng hành bởi một nhóm đông đảo các ký giả: điều đó không phải là ngẫu nhiên. Có tất cả 74 người chúng con, từ 15 quốc gia, và có 14 phóng viên là người lần đầu tiên có mặt trên chuyên cơ giáo hoàng. Chúng con chờ đợi những cử chỉ và lời nói trong những ngày tới, và trong thời gian này, chúng con cảm ơn người.

Lời của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay tới Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Chào anh chị em, và cảm ơn anh chị em đồng hành. Cảm ơn vì đã đến. Tôi rất hạnh phúc khi khôi phục lại các chuyến đi, và đây là một hành trình mang tính biểu tượng. Nó cũng là trách nhiệm đối với một miền đất đã chịu đau khổ trong quá nhiều năm. Cảm ơn anh chị em đồng hành với tôi. Tôi sẽ cố gắng theo các chỉ dẫn và không bắt tay với bất kỳ ai, nhưng tôi không muốn đứng quá xa: tôi sẽ đi vòng quanh để chào anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

[Đức Thánh Cha thực hiện một “tour” chào các phóng viên].

Lời của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay tới Iraq

Tôi chúc anh chị em một chuyến đi tốt đẹp. Tôi chỉ muốn … Họ nói với tôi là hôm nay là ngày sinh nhật của một người trong anh chị em, nhưng có thể nó là sai. Và điều thứ hai tôi muốn nói là có những sự vắng mặt được cảm nhận rất rõ, và hôm nay vai trò “đội trưởng” của nhóm báo chí đã chuyển từ chị Valentina [Alazraki] sang anh [Philip] Pulella. Sự vắng mặt của chị Valentina làm tôi buồn, vì chị đã đồng hành với chúng tôi, với các Giáo hoàng, trong suốt 40 hay 50 năm … Nhưng tôi hy vọng chị sẽ đi cùng chúng ta trong chuyến đi tiếp theo. Và anh Pulella sẽ là đội trưởng của chuyến đi này. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2021]