Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.01.2024: Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.01.2024: Chúa Giêsu xua đuổi quỷ, không đối thoại với hắn!

*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật, ngày 28 tháng Một năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Rome đã có mặt, cùng với các nhà giáo dục và cha mẹ các bạn trẻ, và bạn bè đồng trang lứa từ các trường học và giáo xứ trong thành phố, đã kết thúc “Đoàn lữ hành Hòa bình”, tháng Giêng truyền thống, mà họ dành riêng cho chủ đề hòa bình. Vào cuối giờ đọc kinh Truyền Tin là phần đọc thông điệp thay mặt cho ACR của Rome.

Có những xiềng xích biến chúng ta thành nô lệ, tàn phá sức lực, thậm chí đẩy chúng ta vào chủ nghĩa tiêu dùng và làm xói mòn lòng tự trọng của chúng ta, nhưng vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm: có một phương thuốc hữu hiệu để chống lại chúng. Vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về những cám dỗ này và cho chúng ta chìa khóa để đương đầu với chúng.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu giải thoát một người bị “thần ô uế” nhập (xem Mc 1:21-28), hành hạ và khiến người đó phải la hét (xem các câu 23, 26). Đây là cách ma quỷ hành động, đây là cách hắn hành động: hắn muốn chiếm hữu chúng ta để “trói buộc tâm hồn chúng ta”. Để trói buộc tâm hồn chúng ta: đây là điều ma quỷ muốn. Chúng ta phải rất cẩn thận với những “xiềng xích” bóp nghẹt tự do của chúng ta, vì ma quỷ luôn cướp đi tự do của chúng ta. Chúng ta hãy thử kể tên một số loại xiềng xích có thể trói buộc tâm hồn chúng ta.

Cha đang nghĩ đến những thói nghiện ngập, nó biến chúng ta thành nô lệ và khiến chúng ta liên tục không thỏa mãn, tàn phá sức lực, của cải và các mối quan hệ của chúng ta. Một xiềng xích khác mà cha đang nghĩ đến là những trào lưu thống trị cổ súy việc theo đuổi những chủ nghĩa cầu toàn, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa khoái lạc quá quắt, những thứ khiến con người trở thành hàng hóa và phá hỏng các mối tương quan. Và còn nhiều xiềng xích hơn nữa: có những cám dỗ và căn bệnh làm xói mòn lòng tự trọng, xói mòn sự bình an, cũng như khả năng lựa chọn và yêu thương sự sống. Một xiềng xích khác nữa đó là sự sợ hãi, khiến chúng ta nhìn về tương lai với thái độ bi quan, bất mãn, luôn đổ lỗi cho người khác. Và rồi, có một loại xiềng xích rất xấu xí, đó là sự sùng bái ngẫu tượng quyền lực, tạo ra những xung đột và sử dụng vũ khí để giết hại hoặc sử dụng sự bất công kinh tế và thao túng tư tưởng.

Nhiều xiềng xích là của chúng ta, thực sự có rất nhiều xiềng xích trong cuộc sống của chúng ta.

Và Chúa Giêsu đã đến để giải thoát chúng ta khỏi tất cả những xiềng xích này. Hôm nay, đối mặt với ma quỷ đang thách thức Ngài bằng cách hét lên: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24), Chúa Giêsu trả lời: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (câu 25). Chúa Giêsu có quyền trừ quỷ. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh của sự dữ nhưng – chúng ta hãy cẩn thận – Người xua trừ ma quỷ nhưng Người không bao giờ đàm phán với hắn! Chúa Giêsu không bao giờ đàm phán với ma quỷ và khi bị cám dỗ trong sa mạc, câu trả lời của Chúa Giêsu luôn là những lời trong Kinh thánh, không bao giờ là một cuộc đối thoại. Thưa anh chị em: với ma quỷ thì đừng đối thoại! Hãy cẩn thận: không thể có đối thoại với ma quỷ, vì nếu anh chị em bắt đầu nói chuyện với hắn, hắn sẽ luôn chiến thắng. Hãy cẩn thận.

Vậy chúng ta phải làm gì khi cảm thấy bị cám dỗ và đè nặng? Đàm phán với ma quỷ chăng? Không: không đàm phán với hắn.

Chúng ta phải kêu cầu Chúa Giêsu: chúng ta hãy kêu cầu Ngài từ những nơi mà chúng ta cảm thấy những xiềng xích của sự dữ và sợ hãi đang thắt chặt nhất.

Một lần nữa, nhờ quyền năng Thần Khí của Chúa, hôm nay Người muốn nói với thần ô uế: “Lui đi, hãy để tâm hồn đó được bình an, không được chia rẽ thế giới, không được chia rẽ gia đình và cộng đồng của chúng ta; hãy để họ sống bình an để hoa trái Thần Khí của Ta có thể nảy nở ở đó, chứ không phải hoa trái của các ngươi - đây là điều Chúa Giêsu nói. Hãy để tình yêu thương, niềm vui, sự hiền lành ngự trị giữa họ, và thay vì bạo lực và những tiếng hét thù hận, hãy có tự do và hòa bình.

Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có thực sự muốn thoát khỏi những xiềng xích trói buộc tâm hồn tôi không? Ngoài ra, tôi có khả năng nói “không” với những cám dỗ của sự dữ trước khi chúng len lỏi vào tâm hồn tôi không? Cuối cùng, tôi có khẩn cầu Chúa Giêsu, cho phép Ngài hành động trong tôi, chữa lành tôi từ bên trong không?

Xin Đức Thánh Trinh nữ gìn giữ chúng ta khỏi sự dữ.

_______________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Ba năm qua, những tiếng kêu đau đớn và tiếng ồn ào của vũ khí đã thay thế những tiếng cười vốn là nét đặc trưng của dân tộc Myanmar. Tôi chung lời kêu gọi với một số giám mục Myanmar “để những loại vũ khí hủy diệt có thể được biến thành công cụ cho sự phát triển con người và công lý”. Hòa bình là một cuộc hành trình, và tôi mời gọi tất cả các bên liên quan thực hiện các bước đối thoại và thể hiện sự hiểu biết để đất nước Myanmar có thể đạt được mục tiêu hòa giải huynh đệ. Việc vận chuyển viện trợ nhân đạo phải được cho phép để bảo đảm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mỗi người.

Điều tương tự cũng phải xảy ra ở Trung Đông, ở Palestine và Israel, và bất cứ nơi nào có xung đột: người dân phải được tôn trọng! Tôi luôn nghĩ đến tất cả các nạn nhân, đặc biệt là những người dân thường thiệt mạng vì cuộc chiến ở Ukraine. Xin hãy lắng nghe tiếng kêu cầu hòa bình của họ: đó là tiếng kêu của những người đã mệt mỏi vì bạo lực và mong muốn chiến tranh chấm dứt. Đó là một thảm họa cho các dân tộc và một thất bại cho nhân loại!

Tôi cảm thấy nhẹ người khi biết tin các nữ tu và những người bị bắt cóc cùng với họ ở Haiti vào tuần trước đã được thả. Tôi yêu cầu phải được trả tự do cho những người vẫn đang bị giam giữ, và có thể chấm dứt mọi hình thức bạo lực. Mọi người phải đóng góp vào sự phát triển hòa bình của đất nước này, là điều cần có sự hỗ trợ mới từ cộng đồng quốc tế.

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với cộng đoàn nhà thờ Santa Maria ở Istanbul đã hứng chịu một cuộc tấn công vũ trang trong giờ Lễ làm một người chết và một số người bị thương.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Bệnh phong. Tôi động viên những người đang tham gia hỗ trợ và tái hòa nhập xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, mặc dù căn bệnh đã giảm bớt, vẫn là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất và ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất.

Xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ Rome, Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt là các sinh viên của Viện “Puente Ajuda” ở Olivenza (Tây Ban Nha) và các sinh viên của Viện “Sir Michelangelo Refalo” ở Gozo.

Bây giờ cha nói với các con là những thiếu niên Công giáo Tiến hành thuộc các giáo xứ và trường học Công giáo ở Rome. Các con đến đây khi kết thúc “Đoàn lữ hành Hòa bình”, qua đó các con đã suy ngẫm về lời kêu gọi trở thành những người bảo vệ Công trình Sáng tạo là món quà của Thiên Chúa. Cảm ơn sự hiện diện của các con! Và cảm ơn các con vì cam kết xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe thông điệp mà những người bạn của các con đang ở bên cạnh cha sẽ đọc.

[Đọc thông điệp]

Cha chúc tất cả anh chị em ngày Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Anh chị em thấy các thiếu niên, những đứa con của Công giáo Tiến hành, thật giỏi! Hãy can đảm lên! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2024


Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

yorgil | Shutterstock

V. M. Traverso

28/01/24


Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa đã được nhiều nhiếp ảnh gia chụp lại trong các năm qua.

Khi dạo quanh Quảng trường Thánh Phêrô, thật khó có thể rời mắt khỏi khung cảnh ngoạn mục của mái vòm mang tính biểu tượng của vương cung thánh đường cao vút phía sau cột tháp của Ai Cập tại quảng trường. Nhưng quảng trường nổi tiếng nhất thế giới sẽ không được như vậy nếu không có hai đài phun nước tráng lệ mang đến cảm giác đối xứng hài hòa được các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới ghi hình.

Hai đài phun nước nằm ở hai phía đối diện cột tháp là tác phẩm của các bậc thầy phong cách Baroque là Carlo Moderno và Gian Lorenzo Bernini. Người La Mã cổ đại thường xây dựng đài phun nước như một cách để tôn vinh những người cai trị và trang trí các nơi công cộng, một truyền thống được Giáo hội Công giáo mở rộng.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên phải quảng trường được Đức Giáo hoàng Phaolô V đặt làm vào năm 1612 và được kiến trúc sư Carlo Maderno hoàn thành vào năm 1614.

Đài phun nước ở phía bên phải của cột tháp được xây dựng trước. Nó được Đức Giáo hoàng Phaolô V ủy quyền vào năm 1612 và hoàn thành vào năm 1614. Đức Giáo hoàng Phaolô V giám sát chặt chẽ việc khôi phục một trong những cống dẫn nước quan trọng nhất của Rome, cống dẫn nước Trajan, và ở đầu cuối cùng của nó xây dựng một “đài phun nước chính” tên là Acqua Paola, được thiết kế để cung cấp nước cho một phần của Rome nằm bên hữu ngạn sông Tiber.

Nước đến từ “đài phun nước chính” này, nằm ở độ cao 741 feet (gần 226 m) so với mực nước biển trên đỉnh đồi Janiculum, có thể cung cấp nước cho các đài phun nước và nhà tắm công cộng nằm ở độ cao thấp hơn thông qua hệ thống đường dẫn nước ngầm. Hệ thống này bảo đảm cung cấp đủ nước cho dự án đài phun nước mới ở quảng trường Vatican.

Năm 1612, Đức Phaolô V thuê kiến trúc sư Baroque Carlo Maderno, người nổi tiếng vì đã hoàn thiện một số thiết kế mặt tiền của Đền Thánh Phêrô, xây dựng công trình trên một đài phun nước hiện có trước đó. Kiến trúc sư Maderno xây một chân đế hình bát giác và đặt một cái bể lớn lên trên cùng với các bậc và cột để ngăn nước tràn. Một bệ trang trí với bốn cuộn đá được đặt trên nóc của chiếc bể La Mã cũ và trên cùng là một chiếc bể nhỏ hơn ốp phủ vảy đá.

Cấu trúc “giống như cây nấm” này cho phép nước chảy xuống từ đỉnh đài phun nước và khi chạm vào mặt trên của bể cao hơn, nước sẽ bắn ra và lấp lánh qua các vảy đá.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên trái của quảng trường được Đức Giáo hoàng Clement X ủy quyền năm 1667 và được kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini hoàn thành 10 năm sau đó.

Ở phía bên trái quảng trường là đài phun nước được xây dựng bởi kiến trúc sư lừng danh Gian Lorenzo Bernini theo phong cách Baroque, người nghệ sĩ đằng sau mái tán bằng đồng mạ vàng tuyệt đẹp của Đền thờ Thánh Phêrô. Kiến trúc sư Bernini được Đức Giáo hoàng Clement X yêu cầu xây đài phun nước thứ hai vào năm 1667, 50 năm sau khi đài phun nước Maderno được xây dựng. Phải mất 10 năm để xây dựng đài phun nước thứ hai, được tạo hình như bản sao chính xác theo mẫu tác phẩm của Maderno. Như vậy, quảng trường nổi tiếng nhất thế giới giờ đây đã có đài phun nước “song sinh” ở hai bên cột tháp và lối vào vương cung thánh đường.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa được nhiều nhiếp ảnh gia ghi hình trong nhiều năm qua.

Cả hai đài phun nước đều hoạt động mà không cần sử dụng máy bơm nhờ trọng lực và hệ thống van áp suất.

Hai đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên khắp Châu Âu, trong đó có kiến trúc sư Jacques-Ignace Hittorff, người xây dựng “Fontaines de la Concorde” ở Paris và một số đài phun nước Peterhof, ở St. Petersburg do Sa Hoàng ủy quyền.

Ngày nay, đài phun nước đôi, hoạt động liên tục kể từ khi được xây dựng vào thế kỷ 17, trừ một thời gian gián đoạn ngắn trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2017, là một trong những địa danh được chụp nhiều nhất ở Rome.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2024]


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Tiếp kiến chung ngày 24.01.2024: Lòng tham, “là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền”

Lòng tham, “là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền”

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha

Tiếp kiến chung ngày 24.01.2024: Lòng tham, “là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền”

*******

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về “Các thói xấu và nhân đức”, tập trung suy tư về chủ đề Lòng tham (Bài đọc: 1 Tm 6.8-10).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Tiếp theo, sau khi nhắc đến Ngày Tưởng niệm sắp tới cử hành vào ngày 27 tháng Một để tưởng niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng Shoah, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi hòa bình ở Trung Đông và Ukraine.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

____________________________________________


Chủ đề giáo lý. Các thói xấu và nhân đức. 5. Sự tham lam


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về những thói xấu và nhân đức, và hôm nay chúng ta sẽ nói về lòng tham, một hình thức quá gắn bó với đồng tiền khiến con người không thể quảng đại.

Đó không phải là tội chỉ liên quan đến những người có tài sản lớn, mà là một tội phổ biến chung, thường không liên quan gì đến số dư ngân hàng. Đó là căn bệnh của tâm hồn, không phải của cái ví tiền.

Phân tích của các vị ẩn tu sa mạc về sự dữ này cho thấy lòng tham thậm chí có thể chế ngự các tu sĩ như thế nào, những người sau khi từ bỏ các tài sản thừa kế khổng lồ, với sự cô độc trong gian phòng nhỏ đã bấu víu vào những đồ vật chẳng mấy giá trị: họ không cho mượn, họ không chia sẻ chúng và thậm chí hiếm khi sẵn sàng cho đi những đồ vật đó. Sự gắn bó với những thứ nhỏ nhặt làm mất đi tự do. Đối với họ, những món đồ đó trở thành một thứ để thờ mà họ không thể tách rời khỏi. Một kiểu quay trở lại tâm trạng của những đứa trẻ ôm khư khư đồ chơi của mình và lặp đi lặp lại: “Nó là của tôi! Nó là của tôi!”. Lời tuyên bố này ẩn chứa một mối quan hệ lộn xộn với thực tế, điều này có thể dẫn đến những hình thức bệnh cuồng tích trữ và tích lũy.

Để chữa lành căn bệnh này, các tu sĩ đã đề xuất một phương pháp quyết liệt nhưng rất hiệu quả: suy niệm về cái chết. Một người dù có tích lũy của cải trên thế giới này đến mức nào đi nữa, chúng ta hoàn toàn chắc chắn được một điều: những của cải đó sẽ không đi vào quan tài cùng chúng ta. Chúng ta không thể mang tài sản theo mình! Ở đây sự vô nghĩa của thói xấu này được bộc lộ. Mối ràng buộc về sự sở hữu với của cải mà chúng ta tạo ra chỉ là bề ngoài, bởi vì chúng ta không phải là chủ nhân của thế giới: trái đất mà chúng ta yêu quý này thực ra không phải của chúng ta, và chúng ta di chuyển khắp nơi như những người xa lạ và những người hành hương (x. Lv 25:23).

Những cân nhắc đơn giản này giúp chúng ta nhận ra sự nực cười của lòng tham nhưng cũng là nhận ra lý do sâu xa nhất của nó. Đó là một nỗ lực nhằm xua đuổi nỗi sợ cái chết: nó tìm kiếm sự an toàn mà trên thực tế sẽ sụp đổ ngay khi chúng ta ôm giữ chúng trong tay. Hãy nhớ đến câu chuyện dụ ngôn về người đàn ông khờ dại, đất đai của ông ta mang lại một mùa bội thu, và ông ta tự ru ngủ mình với những suy nghĩ làm cách mở rộng kho lẫm để chứa tất cả hoa lợi. Người đó tính toán mọi thứ, lên kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, ông ta đã không xét đến yếu tố chắc chắn nhất trong cuộc sống: cái chết. “Đồ ngốc!” Tin Mừng nói. “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Trong các trường hợp khác, chính những kẻ trộm làm điều này đối với chúng ta. Ngay cả trong Tin Mừng, kẻ trộm cũng xuất hiện rất nhiều lần và cho dù công việc của họ là đáng chê trách nhưng nó có thể trở thành một lời khuyên răn bổ ích. Vì thế, Chúa Giêsu đã giảng trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6:19-20). Một lần nữa, theo lời kể của những vị ẩn tu sa mạc, câu chuyện kể về một tên trộm đã làm bất ngờ vị tu sĩ đang ngủ và lấy cắp một số tài sản mà ông cất giữ trong gian phòng. Khi tỉnh dậy, không hề băn khoăn về những gì đã xảy ra, vị tu sĩ bắt đầu lần theo dấu vết của tên trộm và khi tìm thấy hắn, thay vì đòi lại đồ đã bị đánh cắp, ông lại trao nốt những thứ còn sót lại và nói: “Anh quên không lấy những thứ này!”

Thưa anh chị em, chúng ta có thể là chủ nhân của những của cải mình sở hữu, nhưng lại thường xảy ra điều ngược lại: cuối cùng chúng sở hữu chúng ta. Một số người giàu có không còn tự do, họ thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, họ bất an vì việc tích lũy của cải cũng đòi phải giữ an toàn cho chúng. Họ luôn lo âu, bởi một gia sản được xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi nhưng có thể tan biến chỉ trong chốc lát. Họ quên mất lời dạy của Phúc Âm không cho rằng sự giàu có tự nó là một tội, nhưng chắc chắn chúng là một gánh nặng. Thiên Chúa không nghèo: Ngài là Chúa của mọi sự, nhưng, như Thánh Phaolô viết, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có (2 Cr 8:9) .

Đây là điều mà người keo kiệt không hiểu được. Lẽ ra người đó có thể là nguồn phúc lành cho nhiều người, nhưng ngược lại anh ta lại rơi vào ngõ cụt của sự khốn khổ. Và cuộc sống của người bủn xỉn thật xấu xí. Tôi nhớ trường hợp của một người đàn ông tôi gặp ở giáo phận kia, một người rất giàu và mẹ ông ta bị bệnh. Ông ta đã kết hôn. Những người anh em thay phiên nhau chăm sóc mẹ, buổi sáng mẹ ăn sữa chua. Người đàn ông này đưa cho mẹ một nửa vào buổi sáng để lại một nửa vào buổi chiều cho mẹ, và như vậy tiết kiệm được một nửa sữa chua. Đây là sự tham lam, đây là sự bấu víu vào vật chất. Rồi người đàn ông này cũng chết, và nhận xét của những người đến dự buổi cầu nguyện là: “Này, anh thấy ông này có mang theo người được gì đâu, ông ta phải bỏ lại tất cả”. Rồi họ giễu cợt một chút: “Không, không, người ta không thể đóng nắp quan tài vì ông ấy muốn mang mọi thứ theo mình”. Sự tham lam này khiến người khác cười nhạo: rằng cuối cùng chúng ta phải dâng thân xác và linh hồn cho Chúa và chúng ta phải bỏ lại tất cả. Chúng ta hãy cẩn thận! Và chúng ta hãy quảng đại, quảng đại với mọi người và quảng đại với những người cần chúng ta nhất. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________

Lời kêu gọi

Thứ Bảy tới, ngày 27 tháng Một, đánh dấu Ngày Quốc tế Tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaust. Ước gì việc tưởng nhớ và lên án vụ tiêu diệt khủng khiếp hàng triệu người Do Thái và những người thuộc tôn giáo khác, xảy ra vào nửa đầu thế kỷ trước, giúp tất cả chúng ta không quên rằng không bao giờ có thể biện minh cho luận lý của hận thù và bạo lực, bởi vì chúng phủ nhận nhân tính của chúng ta.

*******

Bản thân chiến tranh là sự phủ nhận con người. Chúng ta không mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình, cho việc chấm dứt xung đột, chấm dứt vũ khí và cứu trợ cho những người dân bị ảnh hưởng. Tôi đang nghĩ đến Trung Đông, Palestine, Israel, tôi đang nghĩ đến những tin tức đáng lo ngại đến từ Ukraine đang đau khổ, đặc biệt là các vụ đánh bom xảy ra ở những nơi thường dân hay lui tới, gieo rắc sự chết, tàn phá và đau khổ. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ, đồng thời tôi cầu xin tất cả mọi người, đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị, hãy bảo vệ sự sống con người bằng cách chấm dứt chiến tranh. Chúng ta đừng quên: chiến tranh luôn luôn là một thất bại. “Người chiến thắng” duy nhất – trong dấu ngoặc kép – là các nhà sản xuất vũ khí.

_____________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Scotland, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2024]


Việt Nam, Polynesia, Quần đảo Canary và Argentina: Chương trình tông du quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô sắp diễn ra

Việt Nam, Polynesia, Quần đảo Canary và Argentina: Chương trình tông du quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô sắp diễn ra

Việt Nam, Polynesia, Quần đảo Canary và Argentina: Chương trình tông du quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô sắp diễn ra

Một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và 2 cuộc tiếp kiến, một với tổng thống Quần đảo Canary và một với đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra các tín hiệu về chương trình tông du quốc tế của Đức Giáo hoàng trong năm 2024.


23 THÁNG MỘT, 2024 02:08

JORGE ENRIQUE MÚJICA



(ZENIT News / Roma,23.01. 2024). - Chương trình tông du quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày càng trở nên rõ ràng. Trong một phỏng vấn vào ngày 14 tháng Một, Đức Thánh Cha đề cập: “Vào tháng Tám, tôi phải thực hiện chuyến đi đến Polynesia, một nơi rất xa, và sau đó sẽ là chuyến đi đến Argentina nếu có thể thực hiện được. Tôi muốn đi đến đó.” Liên quan đến Argentina, Đức Thánh Cha cũng nói: “Ở đó người dân đang phải chịu rất nhiều đau khổ. Đây là thời điểm khó khăn cho đất nước. Khả năng thực hiện chuyến đi vào nửa cuối năm đang được cân nhắc vì có sự thay đổi chính phủ, có những điều mới mẻ…”

Trong trường hợp của Argentina, Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời chính thức từ Tổng thống Milei. Còn đối với Polynesia, vẫn chưa biết chính xác ngài sẽ đến thăm quốc gia nào trong khu vực địa lý đó (Polynesia bao gồm 4 quốc gia là: Samoa, Kiribati, Tonga và Tuvalu và 5 hạt của Hoa Kỳ, Pháp, New Zealand, Chile và Vương quốc Anh trong khu vực đó).

Nhưng Polynesia và Argentina không phải là những địa điểm duy nhất cho năm 2024. Trong buổi tiếp các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 18 tháng Một, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với họ rằng ngài có ý định đến thăm đất nước này. Mong muốn của Đức Thánh Cha có sự chắc chắn nhất định, khi Bộ trưởng Ngoại giao là Đức Tổng Giám mục Richard Paul Gallagher sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư năm 2024. Và theo những gì được biết, sau đó, Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha, sẽ cũng đến Việt Nam. Hơn nữa, vào tháng Mười Hai năm 2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã gửi thư mời Đức Giáo hoàng đến thăm đất nước này. Trong chuyến trở về từ Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn được đến Việt Nam.

Quần đảo Canary sẽ là một điểm đến khác của Đức Thánh Cha vào năm 2024. Vào ngày 15 tháng Một năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Quần đảo Canary, một cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha và ba giám mục từ khu vực Tenerife thuộc Tây Ban Nha: và các giám mục hiệu tòa và phụ tá của Gran Canaria. Đức Thánh Cha đã biết về bi kịch và cuộc khủng hoảng do làn sóng người di cư từ Châu Phi gây ra và bày tỏ mong muốn đến thăm khu vực này. Chuyến đi này có thể trở thành hiện thực vì Quần đảo Canary nằm trên đường tới Argentina, và do đó, chuyến đi cũng có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2024.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2024]


Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.01.2024: Trong cuộc phiêu lưu trao tặng yêu thương tuyệt đẹp, ánh sáng và niềm vui được nhân lên

Trong cuộc phiêu lưu trao tặng yêu thương tuyệt đẹp, ánh sáng và niềm vui được nhân lên

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.01.2024: Trong cuộc phiêu lưu trao tặng yêu thương tuyệt đẹp, ánh sáng và niềm vui được nhân lên

Vatican Media


******

Trưa Chúa Nhật ngày 21 tháng Một năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha lấy ý từ bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, để khuyến khích mọi người tìm kiếm Thiên Chúa và giới thiệu Thiên Chúa cho người khác. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng chỉ từ việc loan báo ơn cứu độ của Chúa Giêsu mới dẫn đến niềm hạnh phúc giải thoát và làm cho chúng ta tốt hơn.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay thuật lại ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (x. Mc 1:14-20). Kêu gọi người khác tham gia vào sứ mệnh của Ngài là một trong những việc đầu tiên Chúa Giêsu làm khi bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài: Chúa đến gặp một số ngư phủ trẻ và mời gọi họ theo Ngài để “trở thành những kẻ lưới người” (c. 17). Và điều này nói cho chúng ta biết một việc quan trọng: Chúa thích đưa chúng ta tham gia vào công cuộc cứu độ của Ngài, Chúa muốn chúng ta tích cực với Ngài, Chúa muốn chúng ta có trách nhiệm và là những người chủ động. Một Kitô hữu không tích cực, không có trách nhiệm trong công cuộc loan báo Chúa và không phải là người chủ động trong đức tin của mình thì không phải là Kitô hữu, hoặc chỉ là một Kitô hữu như “nước hoa hồng”, như bà của cha hồi xưa thường nói.

Về nguyên tắc, Thiên Chúa không cần đến chúng ta, nhưng Ngài lại cần, bất chấp thực tế rằng việc đó có nghĩa là phải chấp nhận nhiều giới hạn của chúng ta: tất cả chúng ta đều có những giới hạn, hay đúng hơn là những tội nhân, và Ngài chấp nhận điều này. Chẳng hạn, hãy xem Chúa đã kiên nhẫn biết bao nhiêu với các môn đệ: thường thì họ không hiểu lời Ngài (x. Lc 9:51-56), có khi họ không thống nhất với nhau (x. Mc 10:41), trong một thời gian dài họ không thể chấp nhận một số khía cạnh trọng yếu trong lời rao giảng của Người, chẳng hạn như việc phục vụ (x. Lc 22:27). Thế nhưng Chúa Giêsu chọn họ và tiếp tục tin tưởng họ. Điều này rất quan trọng: Chúa đã chọn chúng ta làm người Kitô hữu. Và chúng ta là những tội nhân, chúng ta cứ phạm tội và phạm tội, nhưng Chúa vẫn tiếp tục tin tưởng chúng ta. Đây là điều tuyệt vời.

Thật vậy, đối với Chúa Giêsu, việc mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người là niềm vui lớn nhất, là sứ mạng của Ngài, là ý nghĩa sự xuống thế của Ngài (x. Ga 6,38), hoặc, như Chúa nói, là lương thực của Người (x. Ga 4:34). Và trong mọi lời nói và việc làm mà chúng ta liên kết với Ngài, trong cuộc phiêu lưu trao tặng yêu thương tuyệt đẹp, ánh sáng và niềm vui được nhân lên (x. Is 9:2): không chỉ ở xung quanh chúng ta mà còn ở trong chúng ta. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng không phải là lãng phí thời gian: đó là việc hạnh phúc hơn khi giúp người khác được hạnh phúc; đó là làm cho bản thân chúng ta tự do bằng cách giúp người khác được tự do; đó là việc trở nên tốt hơn bằng cách giúp người khác nên tốt hơn!

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: thỉnh thoảng tôi có dừng lại để ghi nhớ niềm vui lớn lên trong tôi và xung quanh tôi khi tôi đón nhận lời mời gọi nhận biết và làm chứng cho Chúa Giêsu không? Và khi tôi cầu nguyện, tôi có tạ ơn Chúa vì đã gọi tôi mang lại hạnh phúc cho người khác không? Cuối cùng, tôi có muốn làm cho người khác được nếm trải, qua chứng tá và niềm vui của tôi, để làm cho họ nếm trải được tình yêu đẹp biết bao của Chúa Giêsu không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta nếm trải niềm vui của Tin Mừng.

________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Những tháng sắp tới sẽ đưa chúng ta tới biến cố mở Cửa Thánh để bắt đầu Năm Thánh. Cha xin anh chị em tăng thêm lời cầu nguyện để chúng ta sống tốt và chuẩn bị cho biến cố ân sủng này và cảm nghiệm được sức mạnh niềm hy vọng của Thiên Chúa. Vì thế, hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Cầu Nguyện; nghĩa là một năm dành riêng cho việc tái khám phá giá trị to lớn và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống Giáo hội và trên thế giới. Chúng ta cũng sẽ được trợ giúp bởi các tài nguyên mà Bộ Truyền giáo sẽ cung cấp.

Trong những ngày này, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, và chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi xin Chúa ban ơn hòa bình cho Ukraine, Israel và Palestine, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới: những người yếu đuối nhất luôn phải chịu đau khổ nhiều nhất. Tôi đang nghĩ đến những người bé mọn, đến nhiều trẻ em bị thương và bị giết, đến những người bị tước đoạt tình cảm, bị tước đoạt những ước mơ và một tương lai. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm cầu nguyện và xây dựng hòa bình cho họ!

Tôi đau buồn biết tin về vụ bắt cóc một nhóm người ở Haiti, trong đó có sáu nữ tu: trong khi tha thiết kêu gọi để họ được thả, tôi cầu nguyện cho sự hòa hợp xã hội trong nước, và tôi mời gọi mọi người hãy chấm dứt tình trạng bạo lực đang gây ra biết bao đau khổ cho người dân thân yêu đó.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma, nước Ý và nhiều nơi trên thế giới: đặc biệt là những anh chị em hành hương đến từ Ba Lan, Albania và Colombia; các sinh viên của Viện Pedro Mercedes ở Cuenca, Tây Ban Nha; sinh viên đại học Mỹ đang học tại Florence; nhóm Quinceañeras đến từ Panama; và các linh mục và di dân đến từ Ecuador mà tôi cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước của họ. Cha chào các tín hữu của Massafra và Perugia, Hiệp hội các Nhà giáo, Nhà quản lý, Nhà giáo dục và Nhà huấn luyện Công giáo Ý; và Nhóm Hướng đạo Agesci từ Palmi.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2024]


Loạt ảnh Nhà thờ Abuna Yemata Guh trông như sắp rơi khỏi vách đá

Loạt ảnh Nhà thờ Abuna Yemata Guh trông như sắp rơi khỏi vách đá

Loạt ảnh Nhà thờ Abuna Yemata Guh trông như sắp rơi khỏi vách đá

Biruk Ethiopia Tour | Facebook

Daniel Esparza

20/01/24


Là một trong những nơi thờ phượng xa xôi và khó tiếp cận nhất trên thế giới, phải vất vả leo dốc khoảng 800 bậc mới đến được lối vào nhà thờ.

Abuna Yemata Guh là một nhà thờ đá nguyên khối nằm ở độ cao 2.580 mét (8.460 feet) so với mực nước biển trên địa hình gồ ghề của Rặng núi Gheralta ở vùng Tigray của Ethiopia. Nhà thờ là một trong những nơi thờ phượng xa xôi và khó tiếp cận nhất trên thế giới, đòi hỏi phải vất vả leo dốc khoảng 800 bậc để đến được lối vào nhà thờ.

Nguồn gốc chính xác của nhà thờ Abuna Yemata Guh vẫn chưa được biết, nhưng nó được cho là được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 bởi một thầy tu ẩn sĩ tên là Abuna (Abba) Yemata.

Một số người khác cho rằng nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 và sau đó cung hiến cho thánh Abuna Yemata, một trong chín vị Thánh nổi tiếng – theo truyền thống được cho là từ Rome, Constantinople và Syria, đến Ethiopia trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ 5 đến đầu thế kỷ 6.

Được chạm đục trực tiếp vào vách đá sa thạch, nhà thờ bao gồm một loạt các phòng thông nhau được bố trí xung quanh một sân trung tâm. Các bức tường và trần nhà được trang trí bằng những bức bích họa mô tả các cảnh trong Kinh thánh và ảnh tượng Kitô giáo cổ xưa.

Đến được nhà thờ Abuna Yemata Guh không hề dễ dàng. Đường mòn dẫn lên nhà thờ rất dốc và quanh co, có nhiều thang đứng và cầu bằng dây thừng để đi qua. Đoạn đường dẫn lên cuối cùng cần đi qua một mỏm đá hẹp với những đoạn dốc thẳng đứng hai bên. Tuyến đường đầy cam go này theo truyền thống được coi là cuộc thử thách đức tin đối với những người hành hương đang tìm sự hướng dẫn tâm linh.

Rõ ràng, Abuna Yemata Guh được coi là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Ethiopia. Nhà thờ là một minh chứng cho sự khéo léo và tận tụy của những người xây dựng, đồng thời vị trí xa xôi càng làm tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng hiển nhiên của nó. Các bức bích họa của nhà thờ cung cấp những kiến thức chuyên sâu có giá trị về nghệ thuật và ảnh tượng Kitô giáo thời kỳ đầu ở Ethiopia.

Abuna Yemata Guh là một trong những nhà thờ bằng đá được bảo tồn tốt nhất trong cả nước. Kiến trúc độc đáo, những bức bích họa vô giá và vị trí xa xôi đã khiến nơi đây trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Nhà thờ là một địa danh văn hóa và tinh thần quý giá, và việc bảo tồn nó là điều cần thiết để hiểu được di sản tôn giáo và nghệ thuật phong phú của Ethiopia.

Quý vị xem ảnh tại đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2024]


Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 17.01.2024: nuôi dưỡng sự dịu dàng hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu

Đức Thánh Cha: nuôi dưỡng sự dịu dàng hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu

Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 17.01.2024: nuôi dưỡng sự dịu dàng hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu

*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay, thứ Tư, ngày 17 tháng Một năm 2024, được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về “Những thói xấu và nhân đức”, tập trung suy tư về chủ đề Nhục dục (Bài đọc: 1 Tx 4:3-5).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân của vụ tấn công tên lửa đánh vào khu đô thị Erbil và kêu gọi hòa bình ở vùng Trung Đông.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung.

_______________________________________


Chủ đề giáo lý. Các thói xấu và nhân đức. 4. Nhục dục

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Và hôm nay chúng ta lắng nghe kỹ bài giáo lý, vì sau đó sẽ có một đoàn xiếc biểu diễn cho chúng ta xem. Chúng ta tiếp tục hành trình liên quan đến các thói xấu và nhân đức; và các Giáo phụ xưa dạy chúng ta rằng, sau thói ham mê ăn uống, ‘con quỷ’ thứ hai – tức là thói xấu – luôn rình rập trước cửa tâm hồn là nhục dục, tiếng Hy Lạp gọi là porneia. Trong khi thói mê ăn uống là sự mê đắm đối với các thức ăn uống, thì thói xấu thứ hai này là một loại ‘mê đắm’ đối với người khác, tức là mối liên kết độc hại giữa con người với nhau, đặc biệt là trong phạm vi tình dục.

Hãy cẩn thận: trong Kitô giáo không có sự lên án bản năng tình dục. Không có sự lên án. Một sách trong Kinh thánh, sách Diễm ca, là một bài thơ tuyệt diệu về tình yêu giữa hai người yêu nhau. Tuy nhiên, chiều kích tốt đẹp này, chiều kích tính dục, chiều kích của tình yêu, thuộc về con người của chúng ta không phải là không có những mối nguy hiểm, đến nỗi Thánh Phaolô đã phải đề cập đến vấn đề này trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô viết: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại” (5:1). Lời khiển trách của Thánh Tông đồ liên quan trực tiếp đến cách giải quyết tình dục không lành mạnh của một số Kitô hữu.

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm khi yêu. Ở đây có rất nhiều đôi uyên ương mới cưới: các con có thể nói về điều này. Tại sao mầu nhiệm này xảy ra và tại sao nó lại là một kinh nghiệm choáng ngợp như vậy trong cuộc đời con người, không ai trong chúng ta biết. Một người yêu một người khác, yêu nhau là chuyện bình thường. Đó là một trong những thực tại kỳ diệu nhất của cuộc sống. Hầu hết các bài ca mà anh chị em nghe trên radio đều nói về điều này: những cuộc tình rạng ngời, những cuộc tình được theo đuổi nhưng không bao giờ đạt được, những cuộc tình ngập tràn niềm vui, hay những cuộc tình hành hạ chúng ta đến mức rơi nước mắt.

Nếu không bị ô nhiễm bởi thói xấu thì yêu là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất. Người đang yêu trở nên hào phóng, thích tặng quà, viết thư và làm thơ. Người đó không còn suy nghĩ về bản thân để hoàn toàn tập trung vào người kia. Điều này thật đẹp. Và nếu bạn hỏi một người đang yêu, “Tại sao bạn yêu?” họ sẽ không có câu trả lời: tình yêu của họ là vô điều kiện, không cần lý do theo rất nhiều cách. Bạn phải kiên nhẫn nếu tình yêu ấy, tình yêu rất mạnh mẽ ấy, lại pha chút thơ ngây: những người yêu nhau không thật sự biết rõ bộ mặt của người kia, họ có xu hướng lý tưởng hóa người yêu, họ sẵn sàng đưa ra những lời thề hứa mà họ không thể hiểu thấu ngay lập tức. Tuy nhiên, ‘khu vườn’ nơi những điều diệu kỳ được triển nở không phải là nơi an toàn trước cái ác. Nó bị vẩn đục bởi tính dâm dục, và thói xấu này thật sự đáng ghê tởm, vì ít nhất hai lý do. Ít nhất là hai lý do.

Thứ nhất, bởi vì nó phá hủy những mối quan hệ giữa con người. Đáng buồn là để chứng minh thực tế như vậy, chỉ xem nhật báo là đủ. Đã có bao nhiêu mối quan hệ bắt đầu theo cách tốt đẹp nhất sau đó lại biến thành những mối quan hệ độc hại, chiếm hữu người khác, thiếu tôn trọng và thiếu ý thức về những giới hạn? Đây là những mối tình trong đó đức khiết tịnh đã bị mất đi: một nhân đức không được nhầm lẫn với việc kiêng cữ tình dục – khiết tịnh là một điều khác với việc kiêng cữ tình dục – nhưng phải gắn liền với ý chí không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu là tôn trọng người kia, tìm kiếm hạnh phúc cho người đó, nuôi dưỡng sự đồng cảm với những cảm xúc của người yêu, sẵn sàng thấu hiểu về một thân xác, một tâm lý và một tâm hồn không phải của chính mình, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà chúng mang lại. Đó là tình yêu, và tình yêu thì rất đẹp. Ngược lại, nhục dục nhạo báng tất cả những điều này: nhục dục tước đoạt, nó cướp đi, nó tiêu thụ một cách ngấu nghiến, nó không muốn lắng nghe người khác mà chỉ muốn nghe theo nhu cầu và lạc thú của bản thân; nhục dục đánh giá mọi việc tìm hiểu là nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, động lực và cảm xúc để giúp chúng ta sống theo cách khôn ngoan. Người nhục dục chỉ tìm những lối tắt: người đó không hiểu rằng con đường dẫn đến tình yêu phải đi chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không đồng nghĩa với sự nhàm chán, cho phép chúng ta làm cho mối quan hệ yêu đương của mình được hạnh phúc.

Nhưng có lý do thứ hai khiến nhục dục là một thói xấu nguy hiểm. Trong tất cả các lạc thú của con người, tình dục có tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên quan đến tất cả các giác quan; nó nằm trong cả thân xác lẫn tâm hồn, và điều này rất đẹp; nhưng nếu nó không được rèn luyện với sự kiên nhẫn, nếu nó không được khắc ghi trong một mối quan hệ và trong một câu chuyện mà hai cá nhân biến nó thành một vũ điệu yêu đương, thì nó sẽ biến thành một sợi dây xích tước đoạt tự do của con người. Khoái cảm tình dục là một món quà từ Thiên Chúa bị phá hoại bởi sự khiêu dâm: sự thỏa mãn mà không có mối quan hệ có thể tạo ra những hình thức nghiện. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của trí óc, của thể xác, tình yêu thuần khiết trong việc trao hiến bản thân cho người khác. Và đây là vẻ đẹp của quan hệ tình dục.

Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tính dâm dục, chống lại việc “vật thể hóa” người khác, có thể là một nỗ lực suốt đời. Nhưng phần thưởng của cuộc chiến này là quan trọng nhất, bởi vì nó bảo tồn được vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã viết vào thụ tạo của Ngài khi Ngài nghĩ đến tình yêu giữa người nam và người nữ, không nhằm mục đích sử dụng nhưng là để yêu thương nhau. Vẻ đẹp đó khiến chúng ta tin rằng cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu – ngoài kia có rất nhiều nhân vật Don Juan; cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu; nuôi dưỡng sự dịu dàng tốt hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu – tình yêu đích thực không chiếm hữu, nó tự trao hiến; phục vụ tốt hơn là chiếm đoạt. Bởi nếu không có tình yêu thì cuộc sống thật buồn, nó là sự cô đơn buồn sầu.

_________________________

LỜI KÊU GỌI

Tôi bày tỏ lòng thương cảm và tình liên đới với các nạn nhân, tất cả các dân thường, trong vụ tấn công bằng tên lửa vào khu đô thị Erbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd ở Iraq. Mối tương quan tốt đẹp giữa các nước láng giềng không được xây dựng bằng những hành động như vậy mà bằng đối thoại và hợp tác. Tôi kêu gọi mọi người hãy tránh bất kỳ bước đi nào làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông và các kịch bản chiến tranh khác.

_____________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Ngày mai Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu bắt đầu, năm nay với chủ đề: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, … và yêu mến người thân cận như chính mình” (x. Lc 10:27). Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện để các Kitô hữu đạt được sự hiệp thông trọn vẹn và đồng lòng làm chứng về tình yêu đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người mong manh nhất.

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu của Bellizzi, nhóm FederCasa, Học viện Piô IX-La Salle ở Rome và Trường Highlands ở Rome.

Cuối cùng, cha nghĩ về các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các cặp vợ chồng mới cưới. Hôm nay phụng vụ kính nhớ Thánh Antôn Viện phụ, một trong những vị tổ phụ sáng lập đời sống đan viện. Xin tấm gương của ngài động viên anh chị em đón nhận Tin Mừng mà không thỏa hiệp.

Và chúng ta đừng quên các quốc gia đang có chiến tranh, chúng ta đừng quên Ukraine, chúng ta đừng quên Palestine, Israel, chúng ta đừng quên những cư dân ở Dải Gaza đang quá đau khổ. Chúng ta cầu nguyện cho rất nhiều nạn nhân của chiến tranh, rất nhiều nạn nhân. Chiến tranh luôn tàn phá, chiến tranh không gieo mầm tình yêu, nó gieo hận thù. Chiến tranh là một thất bại thật sự của con người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ vì chiến tranh.

Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2024]


Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

More Than 1,400 Works Are Underway In The Italian Capital In Face Of The Jubilee Of 2025.


Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

Mặc dù Năm Thánh có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái được Kitô giáo tiếp nối, nhưng chính Đức Giáo hoàng Boniface VIII là người đầu tiên công bố Năm Thánh vào năm 1300. Kể từ đó, Năm Thánh được cử hành 25 năm một lần. Năm Thánh thông thường gần đây được Thánh Gioan Phaolô II công bố và kết thúc vào năm 2000.

10 tháng Một, 2024 00:35

JORGE ENRIQUE MÚJICA



(ZENIT News / Rome, 10.01.2024). - Hơn 1.400 công trình đang được tiến hành tại thủ đô của Ý trước Năm Thánh 2025. Ông Thị trưởng Rome đã cập nhật thông tin cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến riêng ngày 4 tháng Một năm ngoái. Như vậy, ông Roberto Gualtieri dường như trả lời những gì Đức Thánh Cha đã công bố công khai vào ngày 31 tháng Mười Hai năm 2023 khi ngài mời gọi chúng ta:

Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: Có phải Rome đang chuẩn bị để trở thành “thành phố của niềm hy vọng” trong Năm Thánh không? Tất cả chúng ta đều biết rằng việc tổ chức Năm Thánh đã tiến hành được một thời gian. Nhưng chúng ta hiểu rõ rằng, theo quan điểm mà chúng ta giả định ở đây, ngay từ đầu nó không hướng đến điều này; mà là về chứng tá của cộng đồng giáo hội và dân sự; còn hơn cả các sự kiện, đó là chứng tá nằm trong phong cách sống, trong giá trị luân lý và tinh thần của việc chung sống của chúng ta. Do đó, câu hỏi có thể được đặt ra như sau: “Có phải mỗi người đang làm việc trong phạm vi của mình để thành phố này trở thành dấu chỉ hy vọng cho những người sống trong thành phố và cho những người đến thăm nó không?

Trong buổi tiếp kiến kéo dài nửa giờ, ông Thị trưởng Gualtieri tặng Đức Thánh Cha một quyển sách minh họa 184 dự án chính cho Năm Thánh. Theo báo chí Ý, các dự án sẽ thay đổi bộ mặt du lịch của thành phố Rome. Về phần ông Thị trưởng, ông cho biết trên mạng xã hội:

Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

Một cuộc gặp gỡ truyền cảm hứng sâu sắc với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay nhân dịp các buổi tiếp kiến truyền thống đầu năm. Thật vui được trình bày cho ngài thấy tiến độ công việc của nhiều dự án đang được thực hiện cho Năm Thánh, về việc chào đón và chăm sóc những người mong manh nhất.

Ngoài việc chuyển đổi khu vực dành cho người đi bộ ở Quảng trường Piazza Pia (đã được ZENIT tường thuật), một Quảng trường khác gần Vatican sẽ được chuyển đổi một phần thành khu vực cấm xe cộ: chúng tôi đang đề cập đến Quảng trường Piazza del Risorgimento, nơi họ sẽ xây dựng một hầm đậu xe với các lối đi dưới lòng đất. Do đó, hai lối vào bên hông dẫn đến Quảng trường Thánh Phêrô sẽ có lối đi dưới lòng đất. Một trong những dự án đầy tham vọng khác là phủ sóng 5G cho toàn thành phố. Và có những khoản đầu tư đang được tiến hành để kết hợp 400 xe buýt mới và 12 xe điện mới. Tổng mức đầu tư cho Năm Thánh là 2.500 triệu [euro]. Bất kỳ ai đến thăm thành phố Rome vào đầu năm 2024 sẽ bắt gặp nhiều công trình, phải được hiểu trong bối cảnh này: một ví dụ rõ ràng về nó là ga [đường sắt] trung tâm được gọi là Termini. Một ước tính chính thức cho biết khoảng 35 triệu người hành hương sẽ đến thăm Rome trong Năm Thánh 2025.

Đây sẽ là thành phố Rome của Năm Thánh 2025: 5G phủ toàn thành phố, và các đường phố và bãi đỗ xe mới xung quanh Vatican

Vào ngày 11 tháng Một, Vatican đã công bố một trong những công trình mang tính biểu tượng theo ý nghĩa tương tự: mái tán (canopy) bên trong của Vương cung thánh đường Vatican. Năm Thánh thông thường vừa qua được Thánh Gioan Phaolô II công bố và kết thúc vào năm 2000.

Mặc dù Năm Thánh có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái được Kitô tiếp nối, nhưng chính Đức Giáo hoàng Boniface VIII là người đầu tiên công bố Năm Thánh vào năm 1300. Kể từ đó, Năm Thánh được tổ chức 25 năm một lần. Năm Thánh thông thường vừa qua được Thánh Gioan Phaolô II công bố và kết thúc vào năm 2000.

Bạn có thể xem danh sách chi tiết các công việc cho Năm Thánh tại đây.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2024]


Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024


Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32, diễn ra vào ngày 11 tháng Hai năm 2024, phụng vụ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức, với chủ đề: “Con người ở một mình thì không tốt”: Chữa lành bệnh nhân bằng cách chữa lành các mối tương quan:

______________________________

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

“Con người ở một mình thì không tốt”.

Chữa lành bệnh nhân bằng cách chữa lành các mối tương quan

“Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2:18). Ngay từ đầu, Thiên Chúa là tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta để hiệp thông và ban cho chúng ta khả năng sẵn có để đi vào mối tương quan với người khác. Đời sống của chúng ta, phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, tiến tới đạt được sự viên mãn thông qua mạng lưới các mối tương quan, tình bạn và tình yêu, cho đi và đón nhận. Chúng ta được tạo dựng để ở bên nhau chứ không phải cô độc. Chính vì dự án hiệp thông này đã ăn sâu vào tâm hồn con người nên chúng ta xem kinh nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn là một điều gì đó đáng sợ, đau đớn và thậm chí vô nhân. Tình trạng này trở nên càng mạnh mẽ hơn vào những thời điểm dễ bị tổn thương, bấp bênh và bất an, thường do sự khởi phát của một căn bệnh hiểm nghèo.

Về vấn đề này, tôi nghĩ đến tất cả những người đã thấy mình quá cô đơn trong đại dịch Covid-19: những bệnh nhân không thể tiếp khách, và kể cả nhiều y tá, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ bị quá tải bởi công việc và bị giam trong các phòng cách ly. Đương nhiên, chúng ta không thể không nhớ đến tất cả những người phải đối mặt với giờ chết một mình, được các nhân viên y tế hỗ trợ, nhưng phải xa gia đình của họ.

Tôi cũng chia sẻ nỗi đau đớn, sự đau khổ và cô lập của những người bị bỏ rơi, vì chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, mà không được hỗ trợ và giúp đỡ. Chiến tranh là căn bệnh xã hội khủng khiếp nhất và nó gây thiệt hại nặng nề nhất cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Đồng thời, cần phải nói rằng ngay cả ở những quốc gia được hưởng nền hòa bình và các nguồn lực dồi dào hơn, tuổi già và bệnh tật cũng thường xuyên phải trải qua trong cô đơn và đôi khi thậm chí bị bỏ rơi. Thực tế tàn nhẫn này chủ yếu đến từ kết quả của văn hóa cá nhân chủ nghĩa đề cao năng suất bằng mọi giá, nuôi dưỡng câu chuyện thần thoại về tính hiệu quả và cho thấy sự thờ ơ, thậm chí nhẫn tâm khi các cá nhân không còn đủ sức mạnh cần thiết để bắt kịp nhịp độ. Từ đó, nó biến thành văn hóa vứt bỏ, trong đó “con người không còn được coi là giá trị tột bực phải được chăm sóc và tôn trọng, đặc biệt khi họ nghèo hoặc khuyết tật, ‘chưa hữu dụng’ – như thai nhi, hoặc ‘không còn cần thiết’ – như người già” (Tông huấn Fratelli Tutti, 18). Thật đáng buồn, lối suy nghĩ này cũng hướng dẫn một số quyết định chính trị không tập trung vào phẩm giá và nhu cầu của nhân vị, và thường không thúc đẩy các chiến lược và nguồn lực cần thiết để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng quyền cơ bản về sức khỏe và tiếp cận sự chăm sóc sức khỏe. Việc bỏ rơi những người dễ bị tổn thương và sự cô lập của họ cũng được trợ lực qua cách biến việc chăm sóc sức khỏe thành điều khoản của các các dịch vụ mà không được kèm với “giao ước trị liệu” giữa các bác sĩ, bệnh nhân và thành viên gia đình.

Một lần nữa chúng ta cần lắng nghe những lời trong Kinh thánh: “Con người ở một mình thì không tốt!” Thiên Chúa đã nói những lời đó vào lúc bắt đầu công trình tạo dựng và từ đó mạc khải cho chúng ta ý nghĩa sâu sắc dự án của Ngài dành cho nhân loại, nhưng đồng thời, vết thương phải chết của tội lỗi, len lỏi vào bằng cách gây ra những nghi ngờ, rạn nứt, chia rẽ và hậu quả là sự cô lập. Tội lỗi tấn công con người và mọi mối tương quan của họ: với Thiên Chúa, với chính họ, với người khác, với thụ tạo. Sự cô lập như vậy khiến chúng ta đánh mất ý nghĩa của cuộc đời mình; nó lấy đi niềm vui của tình yêu và khiến chúng ta trải qua cảm giác ngột ngạt khi phải cô đơn trong tất cả những giai đoạn quan trọng của cuộc đời.

Thưa anh chị em, hình thức chăm sóc đầu tiên cần có đối với bất kỳ căn bệnh nào là sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn và yêu thương. Do đó, chăm sóc người bệnh trước hết có nghĩa là quan tâm đến các mối tương quan của họ, tất cả các mối tương quan: với Thiên Chúa, với người khác – các thành viên gia đình, bạn bè, nhân viên y tế –, với tạo vật và với chính họ. Việc này có thể thực hiện được không? Có, điều đó có thể thực hiện được và tất cả chúng ta đều được mời gọi để bảo đảm rằng nó sẽ xảy ra. Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Người Samari nhân hậu (x. Lc 10:25-37), nhìn đến khả năng ông có thể dừng lại và đến gần người khác, nhìn đến tình yêu dịu dàng mà ông chăm sóc cho những vết thương của một người anh em đang đau khổ.

Chúng ta hãy ghi nhớ sự thật trung tâm này trong cuộc sống: chúng ta đi vào thế giới vì có người chào đón chúng ta; chúng ta được tạo dựng để yêu thương; và chúng ta được kêu gọi đến với sự hiệp thông và tình huynh đệ. Khía cạnh này trong cuộc sống là điều nâng đỡ chúng ta, đặc biệt là vào những lúc bệnh tật và dễ bị tổn thương. Đó cũng là liệu pháp đầu tiên mà tất cả chúng ta phải áp dụng để chữa lành các căn bệnh của xã hội nơi chúng ta đang sống.

Đối với những anh chị em đang trải qua bệnh tật, dù là tạm thời hay mãn tính, tôi muốn nói điều này: đừng xấu hổ vì anh chị em khao khát sự gần gũi và dịu dàng! Đừng che giấu điều đó và đừng bao giờ nghĩ rằng anh chị em là gánh nặng cho người khác. Tình trạng của người bệnh thúc giục tất cả chúng ta hãy đi ngược lại nhịp độ quay cuồng của cuộc sống để khám phá lại chính mình.

Tại thời điểm thay đổi quan trọng này, chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu, được mời gọi đón nhận cái nhìn đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan tâm đến những người đau khổ và cô đơn, có lẽ bị đẩy ra bên lề xã hội và bị gạt sang một bên. Với tình yêu thương dành cho nhau mà Chúa Kitô ban cho chúng ta qua lời cầu nguyện, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy chăm sóc các vết thương cô đơn và cô lập. Bằng cách này, chúng ta sẽ hợp tác để chống lại văn hóa cá nhân chủ nghĩa, văn hóa thờ ơ và lãng phí, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của một văn hóa dịu dàng và nhân ái.

Người bệnh, người dễ bị tổn thương và người nghèo là trung tâm của Giáo hội; họ cũng phải là trung tâm của sự quan tâm con người và sự quan tâm mục vụ của chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ quên điều này! Và chúng ta hãy dâng mình cho Đức Maria rất Thánh, Sức khỏe của Bệnh nhân, để Mẹ cầu bầu cho chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nghệ nhân của sự gần gũi và các mối tương quan huynh đệ.

Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 10 tháng Một, 2024

PHANXICÔ


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2024]