Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)
General Audience In Paul VI - Copyright / Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

‘Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc’

29 tháng Một, 2020 14:04

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 sáng trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về Tám Mối Phúc (trình thuật Kinh Thánh trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu (5:1-11).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt giáo lý về Tám Mối Phúc trong Tin mừng của Thánh Mát-thêu (5:1-11). Văn bản mở ra với “Bài giảng trên Núi,” và điều đó làm sáng tỏ đời sống của người tín hữu cũng như của nhiều người không tín ngưỡng. Thật khó để không bị chạm đến bởi những những lời này của Chúa Giê-su, và khao khát muốn hiểu được ngay lập tức và đón nhận chúng trọn vẹn hơn. Tám Mối Phúc chứa đựng “thẻ căn cước” của người Ki-tô hữu — đây là thẻ căn cước của chúng ta –, vì chúng phác họa nên dung nhan của Chúa Giê-su, cách sống của Người.

Bây giờ chúng ta xét tổng quát những lời dạy của Chúa Giê-su; trong các bài giáo lý tiếp theo chúng ta sẽ phân tích từng Mối Phúc.

Trước hết, quan trọng là hiểu được bối cảnh việc công bố thông điệp này diễn ra như thế nào: Chúa Giê-su nhìn thấy những đám đông đi theo, Người liền đi lên triền dốc thoai thoải bao quanh Biển hồ Ga-li-lê; Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên, công bố các Mối Phúc. Vì vậy, thông điệp gửi trực tiếp cho các môn đệ, tuy nhiên, các đám đông đang ở phía những chân trời, tức là toàn thể nhân loại. Đó là thông điệp cho toàn thể nhân loại.

Hơn nữa, “Núi” chỉ về Núi Si-nai là nơi Đức Chúa trao cho Môi-sê Mười Điều Răn. Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy điều răn mới: nghèo khó, hiền lành, có lòng thương xót … Những “điều răn mới” vượt ra ngoài những quy phạm. Thật vậy, Chúa Giê-su không áp đặt bất cứ điều gì, nhưng chỉ ra con đường hạnh phúc — con đường của Ngài — lặp đi lặp lại tám lần từ “Phúc thay.” Từng Mối Phúc đều được cấu thành gồm ba phần. Trước hết luôn luôn có từ “Phúc thay.” Tiếp theo là hoàn cảnh của những người được phúc: tinh thần nghèo khó, sầu khổ, khao khát công chính, vân vân. Cuối cùng là động lực của các Mối Phúc, được giới thiệu bởi giới từ “vì”. “Phúc thay ai … vì …”. Bát Phúc là như thế, và thật tốt nếu chúng ta học thuộc lòng và đọc lại, để ghi nhớ trong tâm trí và trong lòng luật mà Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta. Chúng ta hãy chú ý đến sự thật này: động lực của Bát Phúc không phải là tình trạng hiện tại, nhưng là điều kiện mới mà người Thi hành đón nhận như là món quà từ Thiên Chúa: “vì Nước Trời là của họ”, “vì họ sẽ được ủi an”, “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp,” vân vân.

Ở yếu tố thứ ba, đó là động lực dẫn đến hạnh phúc, Chúa Giê-su thường sử dụng hình thái tương lai bị động: “sẽ được ủi an”, “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, “sẽ được thỏa lòng”, “sẽ được xót thương”, “sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, từ “Phúc thay” mang ý nghĩa gì? Tại sao từng Mối Phúc trong Bát Phúc đều được bắt đầu bằng cách nói “Phúc thay”? Thuật ngữ ban đầu không chỉ về người no đủ hoặc người đang làm rất tốt, nhưng đó chính là người sống trong tình trạng ân sủng, người phát triển trong ân sủng của Chúa và người phát triển trên con đường của Chúa: kiên trì, nghèo khó, phục vụ tha nhân, an ủi … Những ai phát triển trên các con đường này sẽ được hạnh phúc và sẽ là người có phúc.

Thiên Chúa thường chọn những cách thức không ngờ để trao ban chính Người cho chúng ta, có thể chính trong những giới hạn của chúng ta, trong những giọt lệ của chúng ta, trong những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui vượt qua mà anh em Phương Đông của chúng ta nói đến, những điều mang năm Dấu Thương nhưng vẫn sống động, đã đi qua cái chết và đã trải nghiệm quyền năng của Thiên Chúa. Các Mối Phúc luôn dẫn chúng ta đến với niềm vui; chúng là con đường để đạt được niềm vui.

Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2020]


Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican

Những bí mật đằng sau khói trắng/đen của Vatican

Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican
Jeffrey Bruno | Aleteia

22 tháng Một, 2020

Bạn có biết ống khói của Vatican hoạt động như thế nào không?

Tất cả người Công giáo đều quen với nghi thức khói trắng và đen khi bầu cử một tân giáo hoàng. Khi khói trắng bốc lên từ mái của Nhà nguyện Sistine ở Roma, nó có nghĩa là một tân giáo hoàng đã được chọn. Nếu khói đen bốc lên, có nghĩa là vẫn cần đạt đến một sự đồng ý chung. Nhưng không mấy ai biết cách thức hoạt động thật sự của nghi thức tồn tại nhiều thế kỷ này. Dưới đây là một số chi tiết chính cho biết bí mật đằng sau “cột khói mật nghị hồng y.”

1. Màu của khói được tạo ra nhờ quá trình phản ứng hóa học

Cả khói trắng và đen đều được tạo ra bởi việc đốt những lá phiếu bầu cử được các hồng y sử dụng trong mật nghị viện giáo hoàng. Những phong bì này được trộn với những chất khác nhau để tạo ra khói màu trắng hoặc đen. Nhờ sự đốt cháy của những chất liệu đặc biệt, chẳng hạn kẽm với lưu hóa, có thể tạo ra một khí gas trắng dày đặc, với kết quả tạo ra là “khói trắng” nổi tiếng. Đốt cháy những chất liệu nhiều carbon như gỗ tạo ra hợp chất màu xám hoặc đen, kết quả cho ra là khói “đen”.

2. Khói bắt nguồn từ hai lò gang đặt trong Nhà nguyện Sistine

Tất cả chúng ta có thể nhìn thấy khói bốc lên từ ống khói lộ thiên trên mái Nhà nguyện Sistine. Nhưng khói đó bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời nằm trong hai lò bằng gang lắp đặt trong Nhà nguyện Sistine. Các lò cao khoảng 3,2 bộ (hơn 97,5 cm) và có hai cửa, một cửa dưới để nhóm lửa và một cửa ở trên để bỏ các phong bì phiếu bầu và các chất liệu cần thiết khác cho sự đốt cháy.

Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican


3. Hệ thống lò hiện tại được sử dụng đầu tiên năm 1939

Hệ thống lò hiện tại được sử dụng lần đầu trong cuộc bầu cử Đức Giáo hoàng Piô XII năm 1939. Kể từ thời điểm đó nó được sử dụng thêm bảy lần: năm 1958 (Đức Giáo hoàng Gioan XXIII), 1963 (Đức Giáo hoàng Phaolo VI), 1978 (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo I), 1978 (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II), 2005 (Đức Giáo hoàng Benedict XVI), 2013 (Đức Giáo hoàng Phanxico). Mỗi mốc thời gian này đều được khắc bằng chữ số La Mã trên lò.

4. Hệ thống lò dài 98 bộ (hơn 29,8 mét)

Từ đáy lên tới đỉnh, hệ thống lò đo được khoảng 98 bộ (hơn 29.8 mét). Phần dưới được làm bằng 32 ống, trong khi phần trên, áp mái nhà nguyện, được làm bằng đường ống dài 65 bộ (gần 20 mét) bằng thép và đồng đỏ.

5. Những quả chuông và khói là quy cách duy nhất được phép để thông tin về việc bầu cử giáo hoàng

Cùng với khói trắng, việc bầu cử một tân giáo hoàng được thông tin bằng cách giật chuông Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Mọi hình thức thông tin về kết quả mật nghị giáo hoàng, kể cả những thông điệp bằng văn bản, đều bị cấm.

6. Một con mòng biển trên đỉnh ống khói trở nên nổi tiếng trên truyền thông xã hội

Trong thời gian mật nghị giáo hoàng năm 2013, một con mòng biển trắng đứng trên ống khói ngay sau khi khói đen bốc lên, gợi lên một biểu tượng hy vọng. Các nhóm người tò mò đứng xem quay phim con mòng biển và đoạn video lan truyền mạnh trên truyền thông xã hội. Cuối cùng con chim bay đi sau 30 phút nổi tiếng.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2020]


Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxico

Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxico

Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe” (Xh 10:2) Sự sống trở thành lịch sử’

24 tháng Một, 2020 11:24

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxico. Năm nay, ngày Truyền thông sẽ được kỷ niệm vào 24 tháng Năm, Lễ Chúa Lên trời

* * *

Để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe” (Xh 10:2)

Sự sống trở thành lịch sử

Cha muốn dành trọn Sứ điệp năm nay cho chủ đề kể chuyện, vì cha tin rằng, để không lạc mất phương hướng, chúng ta cần phải đưa sự thật của chính mình lồng ghép trong những câu chuyện tốt đẹp. Những câu chuyện xây dựng, không phải những câu chuyện phá đổ; những câu chuyện giúp chúng ta khám phá lại cội nguồn và sức mạnh cần thiết để cùng nhau tiến lên. Giữa sự hỗn loạn của những tiếng nói và thông điệp xung quanh chúng ta, chúng ta cần một câu chuyện của con người có thể nói về bản thân và về vẻ đẹp xung quanh chúng ta. Một câu chuyện có thể nhìn thế giới của chúng ta và những diễn biến của nó với một cái nhìn dịu dàng. Một câu chuyện có thể kể cho chúng ta biết rằng chúng ta là một phần của tấm thảm sống động và được kết nối với nhau. Một câu chuyện có thể tiết lộ sự đan kết của các dòng mạch liên kết chúng ta với nhau.

1. Những câu chuyện đan kết

Con người là những người kể chuyện. Từ nhỏ chúng ta thèm khát nghe những câu chuyện cũng giống như chúng ta thèm ăn. Những câu chuyện ảnh hưởng đến đời sống chúng ta, cho dù ở dạng truyện cổ tích, tiểu thuyết, phim, những bài hát, tin tức, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó. Chúng ta thường quyết định điều gì đúng hay sai dựa trên các nhân vật và câu chuyện mà chúng ta đã thuộc lòng. Những câu chuyện để lại dấu ấn trên chúng ta; chúng định hình những nhận thức và hành vi của chúng ta. Chúng có thể giúp chúng ta hiểu và truyền đạt chúng ta là ai.

Chúng ta không chỉ là những hữu thể cần có quần áo để che phủ sự mong manh của mình (x. St 3: 21); chúng ta cũng cần phải “được mặc” lên mình với những câu chuyện để bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không chỉ đan dệt quần áo, nhưng đan kết cả những câu chuyện: thật vậy, khả năng “đan dệt” (tiếng La-tinh texere) của con người không những cho chúng ta chữ vải dệt (textile) nhưng cả chữ văn bản (text). Những câu chuyện của các thời đại khác nhau tất cả đều có một “khung dệt” chung: sợi chỉ đan kết của câu chuyện là “các anh hùng”, trong đó có những anh hùng của đời thường, là những người theo đuổi một ước mơ đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn và chiến đấu với cái ác, được thôi thúc bởi một sức mạnh khiến họ trở nên dũng cảm, đó là sức mạnh của tình yêu. Bằng cách đắm mình trong những câu chuyện, chúng ta có thể tìm được các lý do để anh dũng đối mặt với những thách thức của cuộc sống.

Con người là những người kể chuyện vì chúng ta được gắn kết trong một tiến trình phát triển liên tục, khám phá ra bản thân mình và trở nên phong phú trong tấm thảm của mọi ngày của cuộc sống. Tuy nhiên, ngay từ khởi nguyên, câu chuyện của chúng ta đã bị đe dọa: sự ác luồn lách đi vào lịch sử.

2. Không phải tất cả mọi câu chuyện đều là tốt đẹp

“Khi nào ngươi ăn nó … ngươi sẽ trở nên giống Thiên Chúa” (x. St 3:4): cám dỗ của con rắn đưa vào miếng vải dệt của lịch sử một nút thắt rất khó tháo cởi. “Nếu bạn sở hữu, bạn sẽ trở nên, bạn sẽ đạt được …” Đây là thông điệp thì thầm bởi những người ngày nay vẫn sử dụng cách kể chuyện cho mục đích bóc lột. Không biết bao nhiêu câu chuyện được sử dụng để ru ngủ chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng để được hạnh phúc chúng ta cần phải tiếp tục chiếm hữu, sở hữu và tiêu thụ. Chúng ta thậm chí không nhận ra rằng chúng ta đã tham lam như thế nào đối với những chuyện ba hoa và đồn thổi, hoặc chúng ta đang ngốn ngấu tiêu thụ không biết bao nhiêu bạo lực và sự lừa dối. Thông thường trên các nền tảng truyền thông, thay vì những câu chuyện mang tính xây dựng nhằm làm vững chắc các mối dây quan hệ xã hội và kết cấu văn hóa, chúng ta lại tìm thấy những câu chuyện mang tính phá hủy và khiêu khích làm hao mòn và phá vỡ những sợi chỉ mong manh gắn kết chúng ta với nhau thành một xã hội. Bằng cách chắp vá những mẩu thông tin không được kiểm chứng, lặp lại các lập luận sáo rỗng và lừa phỉnh, gửi các thông điệp ồn ào và gây căm thù, chúng ta không giúp dệt nên lịch sử loài người, mà thay vào đó là tước mất phẩm giá của họ.

Trong khi những câu chuyện được sử dụng để bóc lột và quyền lực có tuổi thọ ngắn, một câu chuyện tốt đẹp có thể vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Hàng thế kỷ sau, nó vẫn còn hợp thời, vì nó nuôi dưỡng sự sống.

Trong thời đại mà sự xuyên tạc ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake (ND: Deepfake là thuật ngữ chỉ những video giả, ghép mặt, và chồng hình ảnh hoặc video hiện có lên video nguồn nhờ sự hỗ trợ của phần mềm trí tuệ nhân tạo), chúng ta cần có sự khôn ngoan để có thể chào đón và tạo ra những câu chuyện đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần sự can đảm để từ chối những câu chuyện giả mạo và xấu xa. Chúng ta cần sự kiên nhẫn và phân định để tái khám phá những câu chuyện giúp chúng ta không bị mất dòng mạch giữa những hỗn loạn của ngày nay. Chúng ta cần những câu chuyện cho thấy chúng ta thật sự là ai, chẳng hạn sự anh dũng trong cuộc sống hàng ngày không được kể ra.

3. Câu chuyện của những câu chuyện

Kinh Thánh là một Câu chuyện của những câu chuyện. Không biết bao nhiêu sự kiện, dân tộc và các cá nhân diễn trước mắt chúng ta! Nó cho chúng ta thấy một Thiên Chúa là đấng tạo hóa và là người kể chuyện ngay từ khởi thủy. Thật vậy, Thiên Chúa nói lên những lời của Người và mọi sự liền trở nên như vậy (x. St 1). Là một người kể chuyện, Thiên Chúa làm cho mọi sự từ không hóa có, đỉnh điểm trong công trình sáng tạo ra người nam và người nữ như là những cộng sự đối thoại tự do của Người, là những người xây dựng lịch sử cùng với Người. Trong một đoạn Thánh vịnh, thụ tạo nói với Đấng tạo hóa: “Tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo; dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng … Xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì, khi con được hình thành trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (139:13-15). Chúng ta được sinh ra chưa hoàn hảo, nhưng cần phải liên tục được “đan dệt,” “được đan kết với nhau.” Sự sống trao ban cho chúng ta như một lời mời gọi để tiếp tục đan dệt mầu nhiệm “lạ lùng” là chính chúng ta.

Vì vậy Kinh Thánh là câu chuyện tình yêu vĩ đại giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trung tâm của nó là Đức Giê-su, với câu chuyện của riêng Ngài mang đến sự kiện toàn cho tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta và tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Từ nay về sau, trong mọi thế hệ, con người được kêu gọi để tường thuật lại và gắn kết với ký ức những chương quan trọng nhất trong Câu chuyện của những câu chuyện này, những chương truyền tải tốt nhất ý nghĩa của nó.

Tiêu đề của Sứ điệp năm nay được lấy trong Sách Xuất hành, một câu chuyện kinh thánh từ khởi nguyên trong đó Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử dân tộc của Người. Khi những người con của Israel than van lên với Ngài, Thiên Chúa lắng nghe và nhớ lại: “Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết” (Xh 2: 24-25). Sự nhớ lại của Thiên Chúa mang đến sự giải phóng khỏi áp bức qua hàng loạt những dấu chỉ và việc lạ. Rồi Thiên Chúa tỏ lộ cho Môi-sê ý nghĩa của tất cả những dấu chỉ này: “và để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe ..., và Ta đã thực hiện những dấu lạ nào giữa họ, khiến các ngươi biết Ta đây là Đức Chúa.” (Xh 10:2). Kinh nghiệm Xuất hành dạy chúng ta biết rằng sự hiểu biết về Thiên Chúa được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng cách kể câu chuyện về cách thức Người tiếp tục hiện diện. Thiên Chúa của sự sống giao tiếp với chúng ta thông qua câu chuyện về cuộc sống.

Chúa Giê-su nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng bằng những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hàng ngày. Đến đây, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện lại trở thành cuộc sống: câu chuyện trở thành một phần cuộc sống của những người lắng nghe nó và nó biến đổi họ.

Các Tin mừng cũng là những câu chuyện, nhưng không phải ngẫu nhiên. Khi những câu chuyện đó kể cho chúng ta về Chúa Giê-su, chúng “mang tính biểu hiện”[1]; chúng làm cho chúng ta trở nên giống với Chúa Giê-su. Tin mừng yêu cầu người đọc chia sẻ trong cùng niềm tin để chia sẻ trong cùng đời sống. Tin mừng của Gioan kể cho chúng ta biết rằng chính người kể chuyện tuyệt mỹ – đó là Ngôi Lời – đã trở thành câu chuyện: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1: 18). Động từ nguyên thể, exegésato, có thể dịch là “tỏ lộ” (reveal) và “kể lại” (recount). Chính Thiên Chúa đã đan kết để đi vào nhân loại chúng ta, và cho chúng ta một cách thức mới để đan dệt những câu chuyện của chúng ta.

4. Một câu chuyện được đổi mới

Lịch sử của Đức Ki-tô không phải là di sản của quá khứ; nó là câu chuyện của chúng ta, và luôn luôn hợp thời. Nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa quá quan tâm đến nhân loại, đến xác thịt và lịch sử của chúng ta, đến nỗi Người trở thành người phàm, xác thịt và lịch sử. Nó cũng cho chúng ta biết rằng không có câu chuyện nào của con người là không quan trọng và tầm thường. Kể từ khi Thiên Chúa trở thành câu chuyện, mọi câu chuyện của con người, theo một nghĩa nào đó, trở thành một câu chuyện thiêng liêng. Trong lịch sử của mỗi con người, Chúa Cha lại nhìn thấy câu chuyện về Con của Ngài là Đấng đã xuống trần gian. Mỗi câu chuyện của con người có một giá trị bất biến. Do đó, nhân loại xứng đáng có những câu chuyện giá trị tương xứng với nó, xứng đáng với chiều cao vời vợi và hấp dẫn mà Chúa Giê-su đã nâng nó lên.

Thánh Phaolo viết: “Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3:3). Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa, ghi trong lòng chúng ta. Và khi Người viết trong lòng chúng ta, Người thiết lập tính thiện trong chúng ta và liên tục nhắc nhở chúng ta về nó. Thật vậy, “nhắc nhở” (re-mind) có nghĩa là gợi lại trong trí (mind) để “ghi” trong tâm hồn. Bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, mọi câu chuyện, ngay cả câu chuyện bị lãng quên nhất, ngay cả câu chuyện dường như được viết với những dòng nguệch ngoạc nhất, đều có thể được truyền cảm hứng, có thể được tái sinh thành một kiệt tác, và trở thành một phụ lục cho Tin mừng. Như quyển Tự thuật (Confessions) của Thánh Augustine. Như quyển Hành trình của lữ khách (A Pilgrim’s Journey) của Thánh I-nhã. Như quyển Câu chuyện của một linh hồn (The Story of a Soul) của Thánh Teresa Hài đồng Giê-su. Như quyển tiểu thuyết The Betrothed, như tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov (The Brothers Karamazov). Và không biết bao nhiêu câu chuyện khác ghi lại sự gặp gỡ giữa sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Mỗi chúng ta đều biết các câu chuyện khác nhau mang hương vị của Tin mừng làm chứng cho Tình yêu biến đổi cuộc sống. Những câu chuyện này cần phải được chia sẻ, cần được kể lại và đưa vào đời sống trong mọi thời đại, mọi ngôn ngữ, trong mọi phương tiện truyền thông.

5. Một câu chuyện đổi mới chúng ta

Câu chuyện riêng của chúng ta trở thành một phần của mọi câu chuyện vĩ đại. Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, những câu chuyện của các thánh, và cũng những văn bản đó đã chiếu tỏa ánh sáng và vẻ đẹp của nó trong tâm hồn con người, Chúa Thánh Thần tự do ghi khắc trong tâm hồn chúng ta, làm sống lại ký ức của chúng ta về tình trạng chúng ta là ai trước mắt Thiên Chúa. Khi chúng ta nhớ lại tình yêu đã tạo thành và giải thoát chúng ta, khi chúng ta biến tình yêu trở thành một phần trong những câu chuyện thường ngày của chúng ta, khi chúng ta đan dệt tấm thảm của mọi ngày với lòng thương xót, là chúng ta đang mở sang một trang khác. Chúng ta không còn bị trói chặt vào những tiếc nuối và nỗi buồn, không bị chìm đắm trong ký ức xấu đè nặng tâm hồn chúng ta; nhưng bằng cách mở lòng ra với người khác, chúng ta mở lòng mình ra trước tầm nhìn của người kể chuyện vĩ đại. Kể cho Thiên Chúa câu chuyện của chúng ta không bao giờ là vô ích: ngay cả khi nội dung của các biến cố giống nhau, thì ý nghĩa và tầm nhìn luôn luôn thay đổi. Kể câu chuyện của chúng ta cho Thiên Chúa là bước vào ánh mắt nhìn đầy yêu thương trắc ẩn của Ngài dành cho chúng ta và cho tha nhân. Chúng ta có thể kể lại cho Ngài những câu chuyện chúng ta sống, mang đến cho Ngài những con người và những hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta. Cùng với Ngài chúng ta có thể tái đan kết lại tấm vải cuộc sống, vá lại những vết rách của nó. Chúng ta, tất cả chúng ta, rất cần phải làm đúng như vậy!

Với cái nhìn của người kể chuyện vĩ đại – là Đấng duy nhất có quan điểm chung cục – chúng ta có thể tiếp cận với những người khác, anh chị em của chúng ta, là những người cùng với chúng ta trở thành vai chính trong câu chuyện của hôm nay. Vì không ai là một người thừa trên sân khấu trần gian, và câu chuyện của mọi người mở ra cho sự thay đổi. Ngay cả khi chúng ta kể ra điều ác, chúng ta có thể học cách để nhường không gian cho ơn cứu chuộc; giữa những điều ác, chúng ta cũng có thể nhận ra hoạt động của điều thiện và tạo không gian cho nó.

Vì vậy, nó không đơn giản là vấn đề kể lại những câu chuyện, hoặc là quảng cáo bản thân, nhưng hơn thế là để nhớ lại chúng ta là ai và là gì trước mặt Thiên Chúa, mang chứng tá của những gì Thần Khí đã ghi trong tâm hồn và tỏ lộ cho mọi người rằng câu chuyện của họ chứa đựng những điều kỳ diệu. Để làm được điều này, chúng ta hãy phó thác cho một người nữ là người đã đan dệt trong dạ mình nhân tính của Thiên Chúa, và như Tin mừng kể cho chúng ta, đan kết những biến cố cuộc đời của ngài. Với Mẹ Maria Đồng trinh “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 19). Chúng ta hãy xin Mẹ trợ giúp, Mẹ là Đấng biết cách tháo cởi những nút thắt cuộc đời bằng sức mạnh yêu thương dịu dàng:

Ôi Mẹ Maria, người nữ và người mẹ, Mẹ đã đan dệt Ngôi Lời Thiên Chúa trong dạ, mẹ đã kể lại những công trình kỳ diệu của Chúa bằng đời sống của Mẹ, hằng ghi nhớ chúng trong lòng và đón lấy những câu chuyện chẳng ai muốn nghe làm câu chuyện của riêng Mẹ. Xin dạy chúng con nhận biết dòng mạch tốt lành xuyên suốt lịch sử. Xin hãy nhìn đến những nút thắt rối tung trong đời sống làm tê liệt ký ức chúng con. Với đôi tay dịu dàng của Mẹ, mọi nút thắt đều được tháo cởi. Người nữ của Thần Khí, người mẹ của niềm tín thác, xin truyền cảm hứng cho chúng con. Giúp chúng con xây dựng những câu chuyện hòa bình, những câu chuyện hướng đến tương lai. Và xin chỉ cho chúng con cùng nhau sống những điều đó.

Roma, Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran, 24 tháng Một năm 2020,

Lễ Kính thánh Phanxico de Sales

FRANCISCUS

_________________________

[1] X. Benedict XVI, Tông thư Spe Salvi, 2: “Thông điệp Ki-tô giáo không chỉ là ‘thông tin’ nhưng là ‘biểu hiện’. Nghĩa là: Tin mừng không chỉ là thông tri những điều có thể biết được – nhưng nó khiến mọi điều có thể diễn ra và thay đổi cuộc sống’.

[Văn bản chính: tiếng Ý]

© Copyright – Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2020]


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi’”

26 tháng Một, 2020 10:43

Chúa nhật hôm nay ngày 26 tháng Một năm 2020 đánh dấu Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất kể từ ngày thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phanxico. Trong tông thư Aperuit Illis, Đức Thánh Cha chỉ định ngày lễ hàng năm luôn rơi vào Chúa nhật Thứ Ba Mùa Thường niên. Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


***

“Đức Giê-su bắt đầu rao giảng” (Mt 4:17). Với những lời này tác giả Tin mừng Mát-thêu giới thiệu sứ vụ của Chúa Giê-su. Đấng là Lời Chúa đã đến để nói với chúng ta, bằng chính những lời của Người và bằng chính đời sống của Người. Trong Chúa nhật Lời Chúa thứ nhất này, chúng ta hãy quay trở lại cội cội nguồn việc rao giảng của Ngài, quay trở lại nguồn mạch ban đầu của Lời sự sống. Tin mừng hôm nay (Mt 4:12-23) giúp chúng ta biết được cách thức, địa điểmnhững người mà Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng.

1. Người đã bắt đầu như thế nào? Bằng cách diễn tả đơn giản: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c. 17). Đây là thông điệp chính của tất cả những bài giảng của Chúa Giê-su: để nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần. Điều này mang ý nghĩa gì? Nước Trời có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa, tức là cách thức Thiên Chúa trị vì qua mối quan hệ của Người với chúng ta. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng Nước Trời đã đến gần, rằng Thiên Chúa đã đến gần. Đây là tính mới mẻ, thông điệp đầu tiên: Thiên Chúa không xa cách chúng ta. Đấng cư ngụ trên Nước Trời đã xuống trần gian; Ngài trở thành người phàm. Người đã phá tan những bức tường và rút ngắn những khoảng cách. Bản thân chúng ta không xứng đáng với điều này: Người đã xuống để gặp gỡ chúng ta.

Đây là một tin vui: Thiên Chúa xuống để trực tiếp thăm viếng chúng ta, bằng cách trở thành phàm nhân. Ngài không ôm lấy tình trạng của con người chúng ta vì nghĩa vụ nhưng vì yêu. Vì yêu, Người đã mang lấy bản tính con người chúng ta, vì người ta sẽ ôm giữ lấy những gì người ta yêu thương. Thiên Chúa mang lấy bản tính con người vì Người yêu thương chúng ta và khao khát tặng ban cho chúng ta ơn cứu độ, vì nếu chỉ một mình và đơn độc thì chúng ta không thể hy vọng đạt được. Người muốn ở lại với chúng ta và ban cho chúng ta vẻ đẹp của sự sống, bình an trong tâm hồn, niềm vui được tha thứ và cảm nhận được yêu thương.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu được yêu cầu rõ ràng mà Chúa Giê-su đưa ra: “Hãy sám hối,” nói một cách khác là “Hãy thay đổi đời sống của bạn.” Thay đổi đời sống của bạn, vì một đời sống mới đã bắt đầu. Thời gian bạn sống cho riêng bản thân đã qua đi. Hôm nay Chúa Giê-su nói lại cùng những lời đó với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với con, hãy cho phép Ta đi vào và đời sống của con sẽ biến đổi.” Đó là lý do tại sao Chúa tặng ban cho bạn Lời của Người, để bạn có thể đón nhận nó như một lá thư tình Người đã viết cho bạn, để giúp bạn nhận ra rằng Người đang ở bên cạnh bạn. Lời của Người an ủi và động viên chúng ta. Đồng thời nó thách đố chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi vòng cương tỏa của tính ích kỷ và kêu gọi chúng ta hãy hoán cải. Vì Lời Người có sức mạnh biến đổi đời sống chúng ta và dẫn dắt chúng ta ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng.

2. Nếu chúng ta xem xét đến địa điểm Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng, chúng ta thấy rằng Người bắt đầu từ chính những nơi khi đó bị cho là ở “trong bóng tối.” Cả bài đọc một và Tin mừng kể cho chúng ta về những người “ngồi trong miền đất và bóng tối của sự chết.” Họ là những cư dân của “Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại” (Mt 4:15-16; cf. Is 8:23-9:1). Miền Ga-li-lê của dân ngoại, đây là nơi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người, được đặt cho tên này vì nó bao gồm những người thuộc các sắc tộc khác nhau và là quê hương của nhiều dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng. Nó đúng là “con đường ra biển,” một ngã tư đường. Các ngư phủ, người buôn bán và ngoại kiều đều cư ngụ ở đó. Nó hoàn toàn không phải là nơi để tìm được sự thuần khiết tôn giáo của dân tộc được chọn. Nhưng Chúa Giê-su đã bắt đầu từ đó: không phải từ sân chính điện của đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhưng từ phía đối diện của đất nước, từ Ga-li-lê của dân ngoại, từ miền biên giới, từ vùng ngoại vi.

Tại đây có một thông điệp cho chúng ta: lời của ơn cứu độ không đi tìm kiếm những nơi còn nguyên vẹn, sạch sẽ và an toàn. Thay vì vậy, lời đi vào những nơi phức tạp và tối tăm trong cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, cũng như lúc đó, Thiên Chúa muốn đến thăm những nơi chúng ta cho rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới. Và không biết bao nhiêu lần chính chúng ta là những người đóng cửa, muốn giữ kín sự hỗn độn của chúng ta, mặt tối và tính hai mặt của chúng ta. Chúng ta khóa kín giữ chúng ở bên trong, đến với Chúa bằng những lời kinh thuộc lòng, cảnh giác vì sợ rằng sự thật của Người sẽ khuấy động tâm hồn chúng ta. Nhưng như Tin mừng hôm nay nói với chúng ta: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (c. 23). Người đi qua tất cả vùng đa dạng và phức tạp đó. Cũng vậy, Người không e sợ khám phá địa hình tâm hồn của chúng ta và đi vào những góc cuộc đời gồ ghề nhất và khó khăn nhất. Người biết rằng chỉ riêng lòng thương xót của Người là có thể chữa lành cho chúng ta, chỉ riêng sự hiện diện của Người có thể biến đổi chúng ta và chỉ riêng lời Người có thể đổi mới chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở rộng những con đường ngoằn ngoèo của tâm hồn chúng ta cho Người, là Đấng bước đi dọc theo “con đường cạnh biển hồ”; chúng ta hãy chào đón lời Người vào trong tâm hồn chúng ta, lời đó thì “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi … và phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

3. Cuối cùng, Chúa Giê-su bắt đầu nói với những ai? Tin mừng nói rằng, “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’” (Mt 4:18-19). Những người đầu tiên được gọi là các ngư phủ; không phải là những người được lựa chọn cẩn thận vì khả năng của họ hoặc là những người sốt sắng cầu nguyện trong đền thờ, nhưng là những con người lao động bình thường.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều Chúa Giê-su nói với họ: tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người. Ngài đang nói với những ngư dân, sử dụng ngôn ngữ để họ dễ hiểu. Cuộc sống của họ thay đổi ngay lập tức. Người kêu gọi họ tại chính nơi của họ và với chính con người của họ, để làm cho họ trở thành những người chia sẻ sứ vụ của Người. “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (c. 20). Tại sao lại ngay lập tức? Vì họ cảm thấy bị lôi cuốn. Họ không vội vã vì họ nhận được một mệnh lệnh, nhưng vì họ bị cuốn hút bởi tình yêu. Để theo Chúa Giê-su, chỉ với việc thiện thôi là chưa đủ; chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Người mỗi ngày. Người, Đấng duy nhất biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta trọn vẹn, dẫn đưa chúng ta để đặt chúng ta vào chiều sâu của cuộc sống; cũng như Người đã làm với các môn đệ lắng nghe tiếng Người.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần lời của Người: để chúng ta có thể nghe thấy, giữa hàng ngàn tiếng nói khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, rằng lời đó nói với chúng ta không phải về vật chất, nhưng về sự sống.

Anh chị em thân mến, hãy dành không gian trong đời sống chúng ta cho Lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hoặc hai câu Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với Tin mừng: chúng ta hãy để Tin mừng mở ra trên bàn, mang nó trong túi chúng ta, đọc nó trên điện thoại, và cho phép nó truyền cảm hứng cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, rằng Người xua tan bóng tối của chúng ta, và dẫn đưa cuộc sống chúng ta đi vào những dòng nước sâu bằng tình yêu lớn lao.

[Văn bản của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)] [Ngôn ngữ chính: tiếng Ý]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2020]


Theo dõi diễn văn Tuần hành Phò Sự sống lịch sử của Tổng thống Trump: “Mọi con người xứng đáng được bảo vệ”

Theo dõi diễn văn Tuần hành Phò Sự sống lịch sử của Tổng thống Trump: “Mọi con người xứng đáng được bảo vệ”

25 tháng Một, 2020

Một khoảnh khắc phi thường và mạnh mẽ trong lịch sử Hoa Kỳ!
Tổng thống Donald Trump phát biểu và tham dự cuộc Tuần hành phò Sự sống thường niên lần thứ 47 tại Thủ đô Washington D.C. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Hoa kỳ phát biểu trực tiếp tại cuộc Tuần hành Phò Sự sống.

Các tổng thống đã gọi điện đến cuộc tuần hành, nhưng chưa có tổng thống nào thật sự tham dự.

Các đám đông hoan hô với lòng tri ân khi Tổng thống Trump phát biểu trước hàng ngàn người diễu hành bảo vệ sự sống.

Mời các bạn lắng nghe bài diễn văn lịch sử và mạnh mẽ dưới đây:




Dưới đây là toàn văn phát biểu:

“Thật là vinh dự rất lớn cho tôi khi trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử tham dự cuộc Diễu hành Phò Sự sống. Chúng ta ở đây vì một lý do rất đơn giản: bảo vệ sự sống của mọi đứa trẻ, đã sinh ra và chưa sinh – để thi hành tiềm năng của Chúa trao ban.

“Trong suốt 47 năm, người Mỹ thuộc mọi nền tảng đến từ mọi miền của đất nước để đứng lên vì sự sống, và hôm nay với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi thật sự tự hào được đứng lên cùng các bạn.

“Tôi xin chào đón hàng chục nghìn người – đây là một con số khổng lồ các học sinh trung học và sinh viên đại học, những người đã đón các chuyến xe buýt đường dài để đến đây trong điện Capitol quốc gia chúng ta. Và để làm cho các bạn cảm thấy tốt hơn nữa, có hàng chục ngàn người bên ngoài mà chúng tôi thấy trên đường đi vào.”

“Chúng ta có một nhóm người khổng lồ bên ngoài. Hàng ngàn và hàng ngàn người muốn đến đây. Đây là một thành công lớn. Người trẻ là trung tâm điểm của cuộc Diễu hành Phò Sự sống, và chính thế hệ của các bạn đang làm cho nước Mỹ trở thành quốc gia bảo vệ gia đình, bảo vệ sự sống.

“Phong trào sự sống được dẫn đầu bởi những người phụ nữ mạnh mẽ, những nhà lãnh đạo tôn giáo tuyệt vời, và những sinh viên dũng cảm mang theo di sản của những người tiên phong đi trước chúng ta, những người nâng dậy lương tâm dân tộc chúng ta và bảo vệ quyền của công dân chúng ta.

“Các bạn ôm lấy những người mẹ bằng sự quan tâm và lòng trắc ẩn. Các bạn được truyền sức mạnh bởi lời cầu nguyện, và được thúc đẩy bởi tình yêu tinh tuyền, vị tha. Chúng ta vô cùng biết ơn – đây là những con người tuyệt vời.”

“Tất cả chúng ta ở đây đều hiểu được một chân lý muôn đời – mỗi đứa trẻ là một món quà quý báu và thánh thiêng từ Thiên Chúa. Chúng ta phải cùng nhau bảo vệ, yêu thương, và bênh vực cho phẩm giá và tính thánh thiêng của mọi sự sống con người. Khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một em bé trong cung lòng người mẹ, chúng ta thoáng nhìn thấy sự uy nghi của công trình tạo dựng của Chúa.

“Khi chúng ta ẵm một trẻ thơ vừa sinh trong vòng tay, chúng ta hiểu được tình yêu vô tận mà mỗi đứa trẻ mang đến cho một gia đình. Khi chúng ta theo dõi một đứa trẻ phát triển, chúng ta nhìn thấy sự huy hoàng chiếu tỏa từ mỗi linh hồn con người. Một sự sống thay đổi thế giới, từ gia đình của tôi, và tôi có thể nói với các bạn rằng tôi xin gửi đến sự yêu thương – và tôi gửi đến tình yêu lớn, rất lớn.

“Từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tôi đã thực hiện một hành động lịch sử là bênh vực cho các gia đình người Mỹ và bảo vệ thai nhi. Trong tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ, tôi khôi phục và mở rộng chính sách Mexico City, và chúng ta đã đưa ra một quy tắc bảo vệ sự sống mang tính bước ngoặt để kiểm soát việc sử dụng quỹ người nộp thuế Title X.

“Tôi thông báo với Quốc hội rằng tôi sẽ phủ quyết bất kỳ luật định nào làm suy yếu các chính sách bảo vệ sự sống hoặc khuyến khích hủy hoại sự sống con người.

“Tại Liên Hợp Quốc, tôi đã trình bày rõ rằng các quan chức toàn cầu không được tấn công quyền tối thượng của những quốc gia bảo vệ sự sống vô tội. Những trẻ em chưa chào đời chưa bao giờ có được một người bảo vệ mạnh mẽ hơn trong Nhà Trắng.

Như Kinh Thánh nói cho chúng ta biết, mỗi người được “tạo dựng một cách kỳ diệu.”

“Chúng ta đã có hành động quyết định để bảo vệ quyền tự do tôn giáo – rất quan trọng. Quyền tự do tôn giáo bị tấn công trên toàn thế giới, và nói một cách thẳng thắn, bị tấn công rất mạnh trong quốc gia của chúng ta. Các bạn nhìn thấy điều đó rõ hơn bất cứ ai, nhưng chúng ta đang ngăn chặn nó

“Chúng ta chăm sóc cho các bác sĩ, y tá, giáo viên, và các nhóm như Các Tiểu muội của Người nghèo. Chúng ta đang duy trì việc nhận con nuôi trên nền tảng đức tin, và để bảo vệ các tài liệu thành lập của chúng ta, chúng tôi đã phê chuẩn 187 thẩm phán liên bang là những người áp dụng hiến pháp theo như văn bản đã viết, bao gồm hai thẩm phán Tòa án Tối cao: Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh

“Chúng ta đang bảo vệ quyền của các sinh viên bảo vệ sự sống được tự do phát biểu trong khuôn viên trường đại học. Và nếu các trường đại học muốn có tiền đóng thuế của liên bang, thì họ phải ủng hộ quyền thuộc Tu chính Hiến pháp được nói lên suy nghĩ của bạn, và nếu họ không ủng hộ, họ sẽ phải chịu mức phạt tài chính rất lớn, điều mà họ sẽ không sẵn sàng trả.

“Thật đáng buồn, phe cực tả đang tích cực hoạt động để xóa bỏ các quyền được Thiên Chúa tặng ban, đóng cửa các tổ chức từ thiện có nền tảng tôn giáo, cấm các nhà lãnh đạo tôn giáo không xuất hiện nơi quảng trường công, và bịt miệng những người Mỹ tin vào sự thánh thiêng của sự sống.

“Họ đi theo tôi vì tôi đang chiến đấu cho các bạn, và chúng ta đang chiến đấu cho những người không có tiếng nói. Và chúng ta sẽ chiến thắng, vì chúng ta biết cách để chiến thắng.

“Tất cả chúng ta đều biết cách để chiến thắng. Các bạn đã chiến thắng trong một thời gian dài


“Chúng ta cùng nhau trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói.


“Khi nói đến phá thai, những người dân chủ (và các bạn biết điều này – các bạn đã nhìn thấy những gì xảy ra) đã nắm giữ những vị trí cực đoan và quá khích nhất, được thực hiện và chứng kiến trong đất nước này suốt nhiều năm và nhiều thập kỷ, và các bạn thậm chí có thể nói trong suốt nhiều thế kỷ.

“Gần như mọi người thuộc nhóm dân chủ trong Quốc hội hiện nay đều ủng hộ việc phá thai được tài trợ bởi người đóng thuế suốt quãng đường cho đến lúc sinh.

“Năm ngoái, các nhà lập pháp ở New York đã cổ vũ cho việc thông qua luật cho phép xé thai nhi tách khỏi bụng bà mẹ cho đến khi sinh. Sau đó, chúng ta có trường hợp của thống đốc dân chủ của bang Virginia – khối cộng đồng Virginia.

“Chúng ta yêu thích khối cộng đồng Virginia, nhưng chuyện gì đang xảy ra ở Virginia? Thống đốc tuyên bố rằng ông sẽ xử tử một đứa bé sau khi sinh. Các bạn hãy nhớ điều đó.

“Các nhà dân chủ tại Thượng viện thậm chí đã chặn luật cung cấp sự chăm sóc y tế cho những em bé sống sót sau các vụ phá thai bất thành. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi Quốc hội (hai trong số các thượng nghị sĩ vĩ đại của chúng ta ở đây – có rất nhiều nghị sĩ của chúng ta ở đây) bảo vệ phẩm giá của sự sống và thông qua luật cấm phá thai muộn đối với những thai nhi có thể cảm thấy đau đớn trong bụng mẹ.

“Năm nay, cuộc Diễu hành Phò Sự sống là kỷ niệm 100 năm tu chính lần thứ 19, vĩnh viễn công nhận quyền của phụ nữ được bầu cử ở Hoa Kỳ, và được hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra. Thật là một biến cố vĩ đại.

“Ngày nay, hàng triệu phụ nữ phi thường trên khắp nước Mỹ đang sử dụng sức mạnh của những lá phiếu của mình để đấu tranh cho quyền và tất cả các quyền của họ như đã được đưa ra trong Tuyên ngôn Độc lập – đó là quyền đối với sự sống.

“Với tất cả các phụ nữ ở đây hôm nay: sự xả thân và vai trò lãnh đạo của các bạn đã nâng cao toàn thể quốc gia chúng ta, và chúng tôi cảm ơn các bạn vì điều đó.

“Hàng chục ngàn người Mỹ tập trung ngày hôm nay, không chỉ đứng lên vì sự sống, nhưng chính tại đây họ cùng nhau đứng lên vì nó một cách đầy tự hào, và tôi muốn cảm ơn mọi người vì điều đó. Các bạn đứng vì sự sống mỗi ngày.

“Các bạn cung cấp nhà ở, giáo dục, việc làm và sự chăm sóc y tế cho những phụ nữ mà các bạn phục vụ. Các bạn tìm được những gia đình yêu thương cho các trẻ em cần một mái ấm suốt đời. Các bạn tổ chức những bữa tiệc cho những người mẹ đang chờ sinh. Các bạn xem đó là sứ mạng của cuộc sống của mình để giúp lan tỏa ân sủng của Thiên Chúa.

“Và với tất cả các bà mẹ ở đây hôm nay, chúng tôi chúc mừng các bạn và chúng tôi tuyên bố rằng các bà mẹ là những anh hùng.

“Sức mạnh, sự tận tụy và nghị lực của các bạn là sức mạnh của đất nước chúng ta, và nhờ các bạn, đất nước chúng ta đã được ban phúc với những tâm hồn tuyệt vời là những người đã thay đổi tiến trình của lịch sử loài người.

“Chúng ta không thể biết những người công dân của chúng ta sẽ đạt được gì, ngay cả những trẻ em chưa sinh: những ước mơ họ sẽ xây dựng, những kiệt tác họ sẽ tạo ra, những khám phá họ sẽ thực hiện. Nhưng chúng ta biết chắc điều này: mọi sự sống đều mang yêu thương đi vào thế giới này. Mỗi đứa trẻ đều mang lại niềm vui cho một gia đình. Mỗi con người đều xứng đáng được bảo vệ.

“Và trên hết, chúng ta biết rằng mỗi linh hồn con người là thánh thiêng và mọi sự sống của con người, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều được tạo dựng theo hình ảnh thánh của Thiên Chúa Toàn năng.

“Chúng ta cùng nhau bảo vệ chân lý này trên khắp miền đất tráng lệ của chúng ta, chúng ta sẽ giải phóng những ước mơ của người dân chúng ta, và với hy vọng quyết tâm, chúng ta mong chờ mọi phước lành sẽ đến từ vẻ đẹp, từ tài năng, mục tiêu, tính cao thượng, và ân sủng của mỗi trẻ em Mỹ.

“Tôi xin cảm ơn các bạn. Đây là một giây phút rất đặc biệt. Thật tuyệt vời được đại diện cho các bạn. Tôi yêu tất cả các bạn. Và tôi nói với cảm xúc thật sự: cảm ơn các bạn, Chúa chúc phúc cho các bạn và Chúa chúc phúc cho nước Mỹ!”



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2020]


Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên

‘Chúa Giê-su công bố trọng tâm giáo huấn của Người: Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần’

26 tháng Một, 2020 12:23

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Hiện diện hôm nay cũng có các thanh thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma kết thúc tháng Một cùng với “Đoàn Lữ hành Hòa bình,” theo truyền thống dành riêng cho chủ đề hòa bình. Cuối giờ đọc Kinh Truyền tin hai thiếu niên thuộc hai giáo xứ của Roma được mời lên phòng của giáo hoàng, đọc một thông điệp đại diện cho Công giáo Tiến hành Roma.


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (x. Mt 4:12-23) trình bày cho chúng ta thấy khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Việc này diễn ra tại Ga-li-lê, vùng đất ngoại vi của Giê-ru-sa-lem, và bị nghi ngờ vì có sự pha trộn với dân ngoại. Chẳng ai mong chờ tin tức hoặc điều gì tốt lành từ miền đất đó; nhưng cũng chính tại đó Chúa Giê-su, người đã lớn lên trong làng Na-da-rét thuộc Ga-li-lê, bắt đầu việc rao giảng của mình. Ngài công bố trọng tâm giáo huấn của Ngài: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (c. 17). Lời công bố này giống như một tia sáng mạnh mẽ đâm thủng bóng đêm và sương mù, và nhắc lại lời tiên báo của tiên tri I-sai-a được đọc trong đêm Vọng Giáng sinh: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi (9:2). Với sự giáng trần của Chúa Giê-su, ánh sáng của thế gian, Thiên Chúa Cha đã cho nhân loại thấy sự gần gũi và tình bạn của Người. Họ được trao ban một cách nhưng không vượt quá công trạng của mình. Sự gần gũi và tình bạn của Thiên Chúa không phải là một sự tưởng thưởng cho chúng ta; đó là một món quà nhưng không của Thiên Chúa; chúng ta phải trân quý món quà này.

Lời kêu gọi sám hối mà Chúa Giê-su gửi tới tất cả những người thiện chí, được hiểu trọn vẹn dưới ánh sáng của biến cố tỏ mình của Con Thiên Chúa, mà chúng ta đã suy ngẫm trong những Chúa nhật vừa qua. Thông thường rất khó để thay đổi cuộc sống, để từ bỏ con đường của chủ nghĩa vị kỷ, của sự ác, để từ bỏ con đường của tội lỗi, vì cam kết hoán cải chỉ tập trung vào bản thân và sức mạnh của riêng con người, chứ không đặt vào Đức Ki-tô và Thần Khí của Ngài. Tuy nhiên, sự gắn kết chúng ta với Thiên Chúa không thể hạn hẹp trong nỗ lực cá nhân, không. Tin vào điều này cũng là một tội kiêu ngạo. Sự gắn kết của chúng ta với Thiên Chúa không thể hạn hẹp trong nỗ lực cá nhân; nhưng nó phải được thể hiện trong sự vững tin mở rộng tâm hồn và tâm trí để đón nhận Tin vui của Chúa Giê-su. Chính điều này — Lời của Chúa Giê-su, Tin vui của Chúa Giê-su, Tin mừng – thay đổi thế giới và biến đổi tâm hồn! Vì thế, chúng ta được kêu gọi hãy tin tưởng vào lời của Đức Ki-tô, để mở lòng mình ra cho lòng thương xót của Chúa Cha và cho phép bản thân được biến đổi bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần … Chính từ đây con đường sám hối đích thực được bắt đầu, cũng như việc xảy ra với các môn đệ đầu tiên: sự gặp gỡ với Chúa, với ánh mắt nhìn của Người, với lời của Người, đã cho họ một sự thúc bách để bước đi theo Người, để thay đổi cuộc sống của họ, dấn thân phục vụ một cách cụ thể cho Nước Chúa.

Sự gặp gỡ đầy ngạc nhiên và mang tính quyết định với Chúa Giê-su bắt đầu hành trình của các môn đệ, biến đổi họ trở thành những sứ giả và chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa cho dân Người. Để noi gương những sứ giả và người loan báo đầu tiên Lời Chúa, ước mong rằng mỗi người chúng ta có thể cất bước noi theo những bước chân của Đấng Cứu thế, để trao tặng hy vọng cho những người đang khát khao nó.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, là Đấng chúng ta hướng về trong Kinh Truyền tin, gìn giữ chúng ta trong những quyết tâm nhờ sự can thiệp đầy tình mẫu tử của Mẹ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật Lời Chúa đầu tiên, được thiết lập để cử hành và đón nhận tốt hơn món quà mà Chúa đã trao ban và thi hành hàng ngày Lời Người cho Dân Người. Cha cảm ơn các Giáo phận và cha cảm ơn các cộng đoàn đã thúc đẩy những sáng kiến để nhắc lại trung tâm điểm của Kinh Thánh trong đời sống của Giáo hội.

Ngày mai kỷ niệm 75 năm giải phóng trại Tử thần Auschwitz-Birkenau. Không thể chấp nhận thái độ thờ ơ và ghi nhớ phải là một nghĩa vụ trước thảm kịch kinh hoàng này, trước sự tàn bạo này. Ngày mai tất cả chúng ta được mời gọi tham gia trong một giây phút cầu nguyện và hồi tưởng, mỗi người hãy thầm thĩ trong lòng mình: không bao giờ nữa, không bao giờ nữa!

Hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh nhân mắc bệnh Hansen. Chúng ta thể hiện sự gần gũi với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh đó, và với tất cả những người chăm sóc họ bằng cách này cách khác. Cha cũng xin thể hiện sự gần gũi và lời cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus đã và đang lan tràn ở Trung Quốc. Xin Chúa đón nhận những người đã chết trong sự bình an của Người, an ủi các gia đình và duy trì cam kết mạnh mẽ của cộng đồng Trung Quốc đã được thực hiện để chống lại dịch bệnh.

Cha xin chào tất cả anh chị em từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em hành hương từ Valencia, Salamanca, Burgos, Santander và Valladolid; các sinh viên vào nhà giáo của Murcia, Cuenca, Badajoz và Panama.

Cha chào các tín hữu Tursi và nhóm UNITALSI của Lazio, là nhóm tạo điều kiện cho những người khuyết tật được tham dự các Buổi Tiếp Kiến chung và Kinh Truyền tin, và hôm nay đang phân phát Sách lễ với phần Lời Chúa mỗi ngày.

Bây giờ các đại diện đã đến [hai thiếu niên Công giáo Tiến hành bên cạnh Giáo hoàng]. Cha xin chào các thiếu niên nam nữ của Công giáo Tiến hành, của các giáo xứ và các trường Công giáo thuộc Giáo phận Roma! — năm nay cũng được đồng hành bởi Đức Giám mục Phụ tá là Đức ông Selvadagi, bởi các cha mẹ và nhà giáo và các linh mục phụ tá, nhiều bạn trong các con đến từ buổi kết thúc “đoàn Lữ hành Hòa bình”. Cha cảm ơn chúng con vì sáng kiến này. Và bây giờ chúng ta cùng nhau lắng nghe thông điệp của các bạn của chúng con, ở đây bên cạnh cha, họ sẽ đọc thông điệp.

[Đọc thông điệp sau đó thả bóng bay]


Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2020]