Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 28 tháng Mười Một, 2021

_____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật Thứ Nhất của Mùa Vọng hôm nay, nói với chúng ta về việc Chúa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng. Chúa Giêsu loan báo những biến cố ảm đạm và u buồn, nhưng chính vào thời điểm này, Ngài lại mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Vì mọi thứ rồi sẽ ổn chăng? Không, nhưng vì Ngài sẽ đến. Chúa Giêsu sẽ trở lại như Ngài đã hứa. Đây là lời Ngài nói: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Thật vui mừng khi nghe Lời động viên này: hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì chính trong lúc mọi sự dường như sắp chấm dứt, Chúa đến để cứu chúng ta. Chúng ta vui mừng chờ đợi Ngài, ngay cả giữa những đau khổ, trong những khủng hoảng của cuộc đời và những biến cố mạnh mẽ của lịch sử. Chúng ta chờ đợi Ngài.

Nhưng làm thế nào để chúng ta ngẩng đầu lên và không bị cuốn vào những khó khăn, đau khổ và thất bại? Chúa Giêsu chỉ đường bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề … Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21:34,36).

“Hãy đề phòng”: sự đề phòng. Chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh quan trọng này của đời sống người Kitô hữu. Từ những lời của Đức Kitô, chúng ta thấy sự đề phòng gắn liền với tỉnh thức: hãy tỉnh thức, đừng để mình ra nặng nề, tức là hãy luôn thức tỉnh! Đề phòng có nghĩa là: không để cho tâm hồn chúng ta trở nên lười biếng hoặc đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên tầm thường. Hãy cẩn thận vì chúng ta có thể trở thành “những người Kitô hữu ngái ngủ” – và chúng ta biết có nhiều người Kitô hữu đang ngủ say, bị mê mệt bởi tinh thần thế gian – những người Kitô hữu không có lòng nhiệt thành thiêng liêng, không cầu nguyện liên lỷ, không nhiệt huyết với sứ mệnh, không say mê Tin Mừng; những người Kitô luôn hướng vào bản thân, không có khả năng nhìn ra chân trời. Và điều này dẫn đến “sự ngủ gật”: di chuyển mọi thứ theo quán tính, rơi vào trạng thái hờ hững, thờ ơ với mọi điều ngoại trừ những gì làm chúng ta dễ chịu. Đây là một cuộc sống đáng buồn khi tiếp tục đi theo cách này vì sẽ không dẫn đến hạnh phúc.

Chúng ta cần phải đề phòng để cuộc sống hàng ngày của chúng ta để không trở thành thói quen, và như Chúa Giêsu nói, để chúng ta không bị đè nặng bởi những lo toan trong cuộc sống (xem câu 34). Vì vậy, hôm nay là thời điểm tốt để tự hỏi bản thân: điều gì đang đè nặng lên tâm hồn tôi? Điều gì đè nặng lên tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi đến ngồi vào chiếc ghế lười? Thật đáng buồn khi thấy những người Kitô hữu “ngồi trên chiếc ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường khiến tôi tê liệt, những thói hư tật xấu đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên?

Và liên quan đến những gánh nặng đang đè nặng lên vai anh chị em chúng ta, tôi ý thức về chúng hay thờ ơ với chúng? Đây là những câu hỏi tốt để đặt ra cho bản thân, bởi vì chúng giúp bảo vệ tâm hồn chúng ta khỏi sự hờ hững. Vậy hờ hững là gì? Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng và cả đời sống người Kitô hữu. Sự hờ hững là một kiểu lười biếng khiến chúng ta rơi vào trạng thái buồn bã, nó làm mất đi niềm say mê sống và ý chí làm việc. Đó là một tinh thần tiêu cực cạm bẫy linh hồn trong sự hờ hững, cướp đi niềm vui của nó. Nó bắt đầu với sự buồn bã trượt dần xuống đến mức không còn niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4:23). Bảo vệ trái tim của bạn: điều đó có nghĩa là hãy đề phòng! Hãy tỉnh thức và canh giữ trái tim của bạn.

Và chúng ta hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn đề phòng là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21:36). Cầu nguyện là giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn sáng. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta cảm thấy rằng sự nhiệt tình của mình đã nguội lạnh dần. Cầu nguyện thắp sáng lại nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, đến trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi ngủ mê và tập trung vào những gì quan trọng, vào mục đích của sự sống. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không được sao lãng việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện từ trái tim là hữu ích cho chúng ta, thường xuyên lặp lại những lời cầu ngắn gọn. Chẳng hạn, trong Mùa Vọng, chúng ta có thể tạo thói quen nói lời: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ những lời này thôi, nhưng lặp đi lặp lại chúng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Khoảng thời gian chuẩn bị dẫn đến lễ Giáng sinh này thật đẹp: chúng ta nghĩ đến cảnh Chúa giáng sinh và lễ Giáng sinh, vì vậy chúng ta hãy nói lên từ đáy lòng mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời nguyện này suốt cả ngày: linh hồn sẽ luôn cảnh giác! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, là lời cầu nguyện mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thưa ba lần. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ: xin Mẹ là người đã chờ đợi Chúa đến với tâm hồn cảnh giác đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Chay này.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tôi gặp gỡ thành viên của các hiệp hội, nhóm người di cư, và những người chia sẻ hành trình của họ với tinh thần huynh đệ. Họ đang ở đây trong Quảng trường với bảng biểu ngữ lớn kia! Xin chào mừng! Nhưng có biết bao người di cư phải đối mặt với những nguy hiểm to lớn, ngay cả trong những ngày này, và bao nhiêu người thiệt mạng tại những biên giới của chúng ta! Tôi cảm thấy rất buồn khi nghe tin về hoàn cảnh mà rất nhiều người trong số họ mắc phải. Tôi nghĩ về những người đã chết khi băng qua eo biển Manche, những người ở biên giới Belarus, trong đó có nhiều trẻ em, và những người bị chết chìm ở Địa Trung Hải. Thật quá đau buồn khi nghĩ về họ. Trong số những người hồi hương về Bắc Phi, họ bị những kẻ buôn người bắt và biến thành nô lệ: người ta bán phụ nữ và tra tấn đàn ông ...

Cũng trong tuần này, tôi nghĩ đến những người đã cố vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm một miền đất tốt lành hơn, nhưng lại tìm thấy mồ chôn của họ ở đó; và rất nhiều người khác. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người di cư gặp phải những hoàn cảnh khủng hoảng này. Anh chị em biết rằng từ tận đáy lòng, tôi luôn luôn gần gũi anh chị em, trong lời cầu nguyện và hành động. Tôi cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo hội Công giáo và các nơi khác, đặc biệt là các cơ quan Caritas quốc gia và tất cả những người cam kết làm dịu bớt những khổ đau của họ. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành đến những người có thể góp phần giải quyết các vấn đề này, đặc biệt là các cơ quan dân sự và quân sự, để sự thấu hiểu và đối thoại cuối cùng có thể chiếm ưu thế hơn bất kỳ hình thức công cụ nào và hướng dẫn ý chí và nỗ lực hướng tới các giải pháp tôn trọng nhân tính của những người này. Xin chúng ta hãy nhớ đến người di cư, sự đau khổ của họ, và chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng ... (giây phút thinh lặng).

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác; cha nhìn thấy cờ của nhiều quốc gia khác nhau. Cha xin chào các gia đình, các nhóm giáo xứ, và các hội đoàn. Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Đông Timor - cha nhìn thấy cờ ở đằng kia - các tín hữu đến từ Ba Lan và Lisbon; cũng như những người đến từ Tivoli.

Cha chúc mọi người Chúa nhật hạnh phúc, một hành trình Mùa Vọng tốt lành, và một hành trình đẹp tiến về Giáng sinh, về với Chúa. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2021]


Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia

23/11/21


Các vị vua sẽ có hạt diêm mạch (quinoa) trong túi yên lạc đà không bướu của họ - nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đến để cứu mọi người, khi Peru kỷ niệm 200 năm thành lập.

Theo thông cáo báo chí từ Phủ Thống đốc Thành Vatican xác nhận vào ngày 28 tháng Mười, cảnh Chúa Giáng sinh được dựng trong Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng sinh năm 2021 sẽ đến từ Peru. Cây thông lớn sẽ đến từ vùng Trentino thuộc miền đông bắc nước Ý. Nghi thức khai mở cảnh Giáng sinh sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 10 tháng Mười Hai.

Sau cảnh Chúa Giáng sinh Abruzzo đáng chú ý gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong Mùa Vọng năm 2020, năm nay Vatican chọn cảnh Chúa giáng sinh được thực hiện bởi cộng đồng người Peru ở Chopcca, một thị trấn nhỏ ở vùng Andean thuộc thành phố Huancavelica, có độ cao dao động từ 3.680 đến 4.500 mét, và là nơi nói thổ ngữ Quechua.

Cảnh Chúa giáng sinh, sẽ được dựng không xa cột tháp trung tâm ở Quảng trường Thánh Phêrô, sẽ bao gồm 30 chỗ. Hài Nhi Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Ba Vua và các mục đồng, có kích thước bằng người thật được làm từ các vật liệu như gốm, gỗ agave và sợi thủy tinh.

Các nhân vật sẽ được mặc trang phục truyền thống của cộng đồng người Chopcca. Vì vậy, Hài Nhi Giêsu sẽ có hình dáng của một đứa bé “Hilipuska”, được quấn trong một chiếc “chumpi”, một loại chăn dệt đặc trưng của vùng Huancavelica.

Về phần Ba Vua, họ sẽ mang theo những túi yên lạc đà chứa thực phẩm của vùng này — chẳng hạn như khoai tây, diêm mạch, hạt canihua hoặc kiwicha. Họ sẽ cưỡi lạc đà không bướu mang cờ Peru trên lưng.

“Sự ra đời của Đấng Cứu Thế sẽ được loan báo bởi một thiên thần thiếu nhi chơi loại nhạc cụ hơi đặc trưng có tên là “Wajrapuco,” thông cáo của Phủ Thống đốc nêu thêm chi tiết.

Máng cỏ cũng sẽ có các loài động vật khác nhau thuộc vùng Andes, chẳng hạn như lạc đà alpaca, lạc đà vicuñas, cừu, thỏ viscache, hồng hạc và thậm chí cả những chú chim ưng vùng Andes. Cuối cùng, chúng ta thấy sự tái hiện một phần nhỏ của cộng đồng Chopcca, với nét văn hóa, truyền thống và các công cụ của tổ tiên được sử dụng để cày đất.


Chúa Giêsu cứu tất cả mọi dân tộc, bất kể văn hóa của họ là gì.

Việc lựa chọn cảnh Chúa Giáng sinh như vậy không phải là ngẫu nhiên. Vatican giải thích rằng Tòa Thánh “nhằm mục đích kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của đất nước, để tái hiện một mẫu cuộc sống của các dân tộc trên dãy Andes và tượng trưng cho tiếng gọi Ơn Cứu độ phổ quát.”

Thông cáo tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu, “đã nhập thể để cứu mọi người trên trái đất, bất kể ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa hay quốc gia mà họ thuộc về.”

Vào ngày 10 tháng Mười Hai, ngày khai mạc cảnh Chúa Giáng sinh, một phái đoàn của các cộng đồng Peru sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp để dâng các món quà.


Cây thông Giáng sinh cao 28 mét

Trong nghi thức khai mạc cảnh Giáng sinh truyền thống diễn ra lúc 5:00 chiều, người qua lại và tín hữu cũng thích thú với ánh sáng của cây thông Noel. Năm nay, cây thông đến từ vùng Dolomites của Paganella, thuộc tỉnh tự trị Trentino của Ý. Cao khoảng 28 mét (gần 92 bộ Anh), cây thông sẽ được đặt bên cạnh cảnh Giáng sinh.

Phủ Thống đốc Thành Vatican xác định rằng việc trang trí cây thông sẽ do một phái đoàn từ Trentino thực hiện. Nó sẽ được trang bị “đèn LED tiêu thụ năng lượng thấp”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2021]


Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật, 25.11.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật, 25.11.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật, 25.11.2021

 

Sau đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật, sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng Mười Hai, với chủ đề: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15: 14):

__________________________________


“Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14)

Anh chị em thân mến!

Khi chúng ta cử hành Ngày Quốc tế của anh chị em, tôi muốn nói trực tiếp với tất cả anh chị em là những người đang sống với tình trạng bị một khiếm khuyết nào đó, để nói với anh chị em rằng Giáo hội yêu thương anh chị em, và cần từng người trong anh chị em để hoàn thành sứ mệnh phục vụ Tin mừng của mình.

Chúa Giêsu, người bạn của chúng ta

Chúa Giêsu là bạn của chúng ta! Đó là lời Ngài nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 15:14). Lời của Ngài cũng nói với chúng ta; chúng làm sáng tỏ mầu nhiệm về mối tương quan gần gũi của chúng ta với Ngài trong cương vị là các thành viên Giáo hội của Ngài. “Tình bằng hữu với Chúa Giêsu không thể bị phá vỡ. Ngài không bao giờ rời bỏ chúng ta, mặc dù có lúc dường như Ngài giữ im lặng. Khi chúng ta cần Ngài, Ngài tỏ mình ra cho chúng ta biết; Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta ở bất cứ nơi đâu chúng ta đi tới” (Tông huấn Christus Vivit, 154). Người Kitô hữu chúng ta nhận được một món quà: được khắc ghi trong trái tim của Chúa Giêsu và tình bạn với Ngài. Đó là một đặc ân và một phúc lành, và nó trở thành ơn gọi của chúng ta: chúng ta được mời gọi trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu!

Có Chúa Giêsu làm bạn là một niềm an ủi vô cùng lớn lao. Nó có thể biến mỗi người chúng ta thành người môn đệ với lòng biết ơn và vui mừng, một người có khả năng cho thấy rằng sự mỏng giòn của chúng ta không là trở ngại cho việc sống và loan báo Tin Mừng. Thật vậy, tình bằng hữu đầy lòng tin tưởng và riêng tư với Chúa Giêsu đóng vai trò là chìa khóa tinh thần để giúp chúng ta biết chấp nhận những giới hạn mà tất cả chúng ta đều có, và từ đó bình an với những giới hạn đó. Điều này có thể dẫn đến một niềm vui “ngập tràn tâm hồn và cuộc sống” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 1), vì như một nhà chú giải vĩ đại đã viết, tình bạn với Chúa Giêsu là “một tia lửa làm bừng lên ngọn lửa nhiệt thành”.[1]

Giáo hội là nhà của anh chị em

Bí tích Rửa tội làm cho mỗi người chúng ta trở thành thành viên chính thức của cộng đoàn Giáo hội, để tất cả chúng ta, không loại trừ hay phân biệt, đều có thể nói: “Tôi là Giáo hội!” Giáo hội thực sự là nhà của anh chị em! Chúng ta, tất cả chúng ta, là Giáo hội, vì Chúa Giêsu đã chọn làm bạn hữu của chúng ta. Giáo Hội – và đây là điều chúng ta cần học hỏi nhiều hơn và nhiều hơn nữa trong tiến trình thượng hội đồng mà chúng ta đã bắt đầu – “không phải là một cộng đồng bao gồm những người hoàn hảo, nhưng là một cộng đồng của các người môn đệ trên hành trình, những người theo Chúa vì họ biết họ là tội nhân và cần được Ngài tha thứ” (Giáo lý, 13 tháng Tư, 2016). Trong dân tộc này, được hướng dẫn bởi lời của Thiên Chúa, tiến bộ trong những biến cố của lịch sử, “mọi người đều có một vai trò để thi hành; không ai là người thừa ” (Diễn từ trước các tín hữu Roma, ngày 18 tháng Chín năm 2021). Vì lý do này, mỗi người trong anh chị em cũng được kêu gọi góp phần của mình vào hành trình thượng hội đồng. Tôi tin rằng, nếu nó thực sự trở thành “một tiến trình giáo hội bao gồm và có sự tham gia” [2], thì cộng đoàn Giáo hội sẽ được phong phú thật sự.

Thật đáng buồn khi nói rằng thậm chí ngày nay nhiều người trong anh chị em “bị coi như những người xa lạ trong xã hội”; anh chị em có thể “cảm thấy rằng [anh chị em] tồn tại nhưng không thuộc về và không tham gia”, và “nhiều điều vẫn ngăn trở [anh chị em] không được trao quyền trọn vẹn” (Tông huấn Fratelli Tutti, 98). Sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục hiện hữu ở nhiều cấp độ xã hội khác nhau; nó nuôi dưỡng những định kiến, sự thiếu hiểu biết và một văn hóa khó có thể biết trân quý những giá trị quý báu của mỗi con người. Đặc biệt, xu hướng tiếp tục coi người khuyết tật – đây là kết quả của sự tương tác giữa các rào cản xã hội và những hạn chế của mỗi người – như là một loại bệnh, góp phần làm cho cuộc sống của anh chị em trở nên tách biệt và kỳ thị anh chị em.

Đối với đời sống của Giáo hội, “hình thức phân biệt đối xử tồi tệ nhất… là thiếu sự chăm sóc tinh thần” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 200). Như một số người trong anh chị em đã từng có kinh nghiệm, có lúc điều này mang hình thức là sự từ chối quyền đến với các bí tích. Huấn quyền của Giáo hội rất rõ ràng trong lĩnh vực này, và gần đây, Hướng dẫn Giáo lý đã nói dứt khoát rằng “không ai có thể từ chối trao các bí tích cho người khuyết tật” (số 272). Khi chúng ta trải qua sự kỳ thị như vậy, đó chính là tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu, mà tất cả chúng ta đã nhận được như một món quà mà chúng ta không xứng đáng, để cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta có thể nhận thức những khác biệt như một kho báu. Vì Chúa Giêsu không gọi chúng ta là tôi tớ, là những người kém phẩm giá, nhưng là những người bạn: những người bạn hữu đáng được biết tất cả những gì Ngài đã đón nhận từ Chúa Cha (x. Ga 15:15).

Trong những lúc khó khăn

Tình bạn hữu của Chúa Giêsu bảo vệ chúng ta trong những lúc khó khăn. Tôi ý thức rất rõ rằng đại dịch Covid-19, đại dịch mà chúng ta đang phải chiến đấu để vượt qua, tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của nhiều người trong anh chị em. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc anh chị em bị buộc phải ở nhà suốt thời gian dài; khó khăn của nhiều học sinh khuyết tật trong việc tiếp cận với sự hỗ trợ học trực tuyến; sự gián đoạn kéo dài của các dịch vụ chăm sóc xã hội ở nhiều quốc gia; và nhiều khó khăn khác mà anh chị em đã và đang phải đối mặt. Trên hết, tôi nghĩ đến những người trong anh chị em đang sống trong các cơ sở chăm sóc và nỗi đau khổ bị buộc phải chia cách với những người thân yêu của mình. Ở những nơi đó, virus tấn công mạnh mẽ và bất kể sự tận tâm của những người chăm sóc, nó đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người. Hãy biết rằng Giáo hoàng và Giáo hội đặc biệt gần gũi với anh chị em, với tình yêu thương và sự trìu mến!

Giáo hội đứng bên cạnh nhiều người trong anh chị em vẫn đang phải chiến đấu với Coronavirus. Giáo hội luôn luôn nhấn mạnh rằng mọi người đều được điều trị, và người khuyết tật không bị ngăn cản việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tốt nhất hiện có. Về vấn đề này, một số Hội đồng Giám mục, chẳng hạn như Hội đồng Giám mục Anh và Wales [3], và Hoa Kỳ, [4] đã can thiệp để đòi sự tôn trọng quyền được chăm sóc y tế của mọi người, không phân biệt đối xử.

Tin mừng cho mọi người

Ơn gọi của chúng ta sinh ra từ tình bạn hữu của chúng ta với Chúa Giêsu. Ngài đã chọn chúng ta để sinh nhiều hoa trái, hoa trái sẽ tồn tại (x. Ga 15:16). Là cây nho thật, Ngài muốn mọi cành kết hợp với Ngài, sinh hoa kết trái. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta đạt được “hạnh phúc mà chúng ta đã được dựng nên để lãnh nhận. Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 1).

Tin Mừng cũng dành cho anh chị em! Thông điệp của Tin mừng được gửi đến tất cả mọi người; đó là một lời an ủi, đồng thời là một lời kêu gọi hoán cải. Khi nói về lời kêu gọi nên thánh chung, Công Đồng Vatican II dạy rằng “tất cả mọi người tín hữu của Chúa Kitô ở bất kỳ cấp bậc hay địa vị nào, đều được mời gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn thiện của đức ái… Để các tín hữu có thể đạt đến sự kiện toàn này, họ phải sử dụng sức mạnh của mình như họ đã nhận được, như một món quà từ Đức Kitô… Họ phải hiến dâng trọn vẹn cho vinh quang của Thiên Chúa và phục vụ người lân cận” (Hiến chế Lumen Gentium, 40).

Các Tin mừng cho thấy rằng bất cứ khi nào những người khuyết tật gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của họ thay đổi sâu sắc, và họ trở thành chứng nhân của Ngài. Chẳng hạn như trường hợp của một người mù từ khi mới sinh, sau khi được Chúa Giêsu chữa lành, đã mạnh dạn tuyên bố với mọi người rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ (x. Ga 9:17). Nhiều người khác hân hoan công bố những gì Chúa đã làm cho họ.

Tôi biết rằng một số người trong anh chị em sống trong những hoàn cảnh không dễ dàng. Tôi muốn nói chuyện riêng với từng người trong anh chị em, và nếu cần thiết tôi xin rằng các thành viên trong gia đình hoặc những người thân thiết nhất với anh chị em hãy đọc những lời của tôi gửi đến anh chị em hoặc truyền đạt lời kêu gọi của tôi. Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện. Chúa chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của những người tin cậy nơi Ngài. Không một ai có thể nói rằng: “Tôi không biết cầu nguyện”, bởi vì như Thánh Tông đồ Phaolô nói, “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8:26). Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn lắng nghe những ai hướng về Ngài, dù chỉ bằng một tín hiệu rất nhỏ, ngập ngừng (x. Lc 8:44) hay tiếng kêu xin cứu giúp (x. Mc 10:47). Cầu nguyện là một sứ mệnh, một sứ mệnh mọi người có thể tiếp cận, và tôi muốn giao phó sứ mệnh đó cách đặc biệt cho anh chị em. Không có ai yếu đuối đến mức không thể cầu nguyện, không thể thờ phượng Chúa, tôn vinh Danh thánh của Người và cầu cho ơn cứu độ thế giới. Trước Đấng toàn năng, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Anh chị em thân mến, ngày nay lời cầu nguyện của anh chị em trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thánh Têrêsa Avila đã viết rằng “vào những lúc khó khăn, các bạn hữu của Chúa cần phải mạnh mẽ để hỗ trợ những người yếu đuối”. [5] Đại dịch lần này đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và dễ bị tổn thương: “Chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời là quan trọng và cần thiết; tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo chống”. [6] Con đường chính để làm việc đó là cầu nguyện. Đây là điều mà mỗi người chúng ta đều có thể làm; và như ông Môsê, khi chúng ta cần được hỗ trợ (x. Xh 17:10), chúng ta vững tin rằng Chúa sẽ nghe lời khẩn cầu của chúng ta.

Tôi gửi đến tất cả anh chị em những lời nguyện chúc và ước mong tốt đẹp. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, và xin Đức Mẹ luôn gìn giữ anh chị em.


Roma, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, 20 tháng Mười Một, 2021

Phanxicô

_____________________________________________


[1] Rudolf Schnackenburg, Amicizia con Gesù, Brescia 2007, p. 68. [The Friend We Have in Jesus, Westminster John Knox Press, 1997]


[3] Bishops’ Conference of England and Wales, Coronavirus and Access to Treatment, 20 April 2020.

[4] USCCB - Public Affairs Office, Statement on Rationing Protocols by Health Care Professionals in Response to COVID-19, 3 April 2020.

[5] Autobiography, 15, 5.




[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/11/2021]


Giáo hội hướng đến năm thánh 2025

Giáo hội hướng đến năm thánh 2025

Giáo hội hướng đến năm thánh 2025

Antoine Mekary | ALETEIA | i.Media

Camille Dalmas

20/11/21


25 năm sau Đại Năm Thánh 2000, Năm Thánh “thông thường” sắp tới này nhắc chúng ta nhớ về Năm thánh đầu tiên, vào năm 1300.

Năm thánh là một lễ thiêng liêng với tầm quan trọng rất lớn, được tổ chức 25 năm một lần và có sự tham gia của người Công giáo trên toàn thế giới. Ngày nay từ này đồng nghĩa với sự tán tụng và vui mừng, nhưng ban đầu nó là dấu chỉ của sự sám hối khổ hạnh… trước khi ân sủng được trao ban.

Vào năm 1300, ở thời kỳ khi nước Ý chỉ đơn thuần là một “sự diễn đạt địa lý”, “Đất nước với hình dạng chiếc ủng” đã phải hứng chịu một loạt những trận động đất tàn phá nhiều thành phố lớn. Người chết bị chôn vùi trong các đống đổ nát rất nhiều, và những người sống sót, lo sợ rằng mái nhà của họ sẽ đổ sập xuống đầu họ, quyết định lánh nạn ở các vùng nông thôn lân cận với số lượng lớn. Các thành phố và những địa điểm kiên cố bị bỏ hoang, gây mất ổn định rất lớn cho sự giao thương hòa bình kết nối các thân vương quốc và các vương quốc trong khu vực.

Bản thân Kitô giáo cũng ở vào tình trạng không mấy sáng sủa. Kỷ nguyên của các cuộc Thập tự chinh đã kết thúc và Đế chế Ottoman, vốn nắm quyền thống trị tối cao ở vùng Balkan, Levant, Châu Phi và Tây Ban Nha, tiếp tục gây sức ép lên phương Tây. Tại Ý, những người ủng hộ Giáo hoàng, phe Guelph, chống lại những người theo phe Ghibellines của Hoàng đế, trong một cuộc xung đột kinh hoàng kéo dài suốt hậu bán thế kỷ 13. Ngoài ra, phe Guelph lại phân chia thành nhóm Black Guelph không tán thành việc Giáo hoàng can thiệp vào công việc của họ, và nhóm White Guelph tiếp tục ủng hộ Tòa thánh; một lần nữa máu lại đổ. Sự gia tăng những tai ương như vậy vào buổi bình minh của thế kỷ mới đã làm dấy lên nguy cơ hồi sinh một hình thức của thuyết ngàn năm và chuỗi dị giáo của nó… Tóm lại, mọi thứ đang diễn ra rất xấu ở Ý.

Ban đầu là sự chuộc tội ...

Bầu không khí u ám bao trùm khi đó đã truyền cảm hứng cho Giáo hoàng Boniface VIII một ý tưởng ngồ ngộ. Ngài thiết lập Năm Thánh. Một từ khiến chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến sự hân hoan, ban đầu có nghĩa là sự chuộc tội, theo ý nghĩa hy sinh. Trích từ Sách Lêvi trong Kinh thánh, nó hàm ý chỉ về chiếc tù và bằng sừng dê được thổi lên 50 năm một lần để đánh dấu năm đó là năm thánh, với việc chuộc lại tài sản và những thứ khác.

Ý tưởng của đức giáo hoàng là cung cấp cho tất cả mọi người Kitô hữu một cách thức để sửa đổi và chuộc tội bằng cách mang đến cho họ cơ hội ngoại thường và rất đẹp để thay đổi cuộc sống của họ.

Trong sắc chỉ Antiquorum habet fida công bố ngày 22 tháng Hai năm 1300, vị giáo hoàng thứ 193 trong lịch sử mời gọi tất cả mọi người Kitô hữu cố gắng hết sức đến Roma để lãnh nhận ơn toàn xá. Để giúp xua tan nỗi sợ hãi của họ, người hành hương phải đến viếng mộ của hai Thánh Phêrô và Phaolô trong vương cung thánh đường của các ngài không dưới 30 lần!

Điều này khác xa so với chặng đường duy nhất được thực hiện ngày nay đến bốn vương cung thánh đường chính (hiện đã có thêm cuộc hành hương đến Đền thờ Đức Bà Cả và Đền Thánh Gioan Lateran).

Ban đầu, Năm Thánh được tổ chức 100 năm một lần, nhưng ngày nay Năm Thánh được cử hành 25 năm một lần. Những cố gắng mà người hành hương đã phải thực hiện là rất lớn, đặc biệt khi xét đến điều kiện đi lại khó khăn vào thời đó.

Giáo hội hướng đến năm thánh 2025Công bố Năm Thánh đầu tiên

Thành công lớn

Tuy nhiên, Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử đã thành công lớn. Gần 200.000 người hành hương đổ về Roma mỗi ngày. Một đám đông khổng lồ khi chúng ta xét đến dân số của Kinh thành Muôn thuở lúc đó chỉ có 35.000 người!

Thi sĩ Dante, có mặt tại kinh thành vào thời điểm đó, mô tả cảnh tượng trong tập trường ca Divine Comedy của ông như một “cảnh tượng đáng xem”:

Come i Roman per l’essercito molto,

l’anno del giubileo, su per lo ponte

hanno a passar la gente modo colto,

che da l’un lato tutti hanno la fronte

verso ‘l castello e vanno a Santo Pietro,

da l’altra sponda vanno verso ‘l monte

Khi người Roma tập trung đông đúc

Vượt qua cầu Thánh Angelo trong năm thánh,

Một số người đến viếng Đền thờ Thánh Phêrô,

Những người khác trở lại sau khi đã cầu nguyện,

Tiến về phía kinh thành và thị trấn Monte Giordano

Đám đông đan kín đến mức không thể

vượt qua nhau trên cầu Ponte San Angelo.

Thành công của sự kiện có ý nghĩa quan trọng trên mọi phương diện: về chính trị, vì nó khẳng định quyền lực của giáo hoàng trong cuộc xung đột giữa hai phe Guelphs và Ghibellines; về kinh tế, bởi vì cuộc hành hương là một nguồn thu lớn cho giáo tông và cho cư dân của thành phố Roma, và nó làm hồi sinh ngành thương mại trên khắp nước Ý; và đương nhiên là về mặt thiêng liêng.

Kể từ đó, số Năm Thánh — đánh dấu kỷ niệm sự nhập thể của Chúa Kitô — đã tăng lên đáng kể. Giảm thời gian xuống còn 50 năm và sau đó là 25 năm, Năm Thánh đã trở thành một sự cử hành trọng đại đánh dấu cho cuộc đời của người Kitô hữu.

Do đó, việc công bố Năm Thánh 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là một bất ngờ. Đây là một Năm Thánh “thông thường” vì nó diễn ra 25 năm sau năm thánh trước, tức là Năm Thánh 2000.

Nó nhắc nhở chúng ta rằng thời gian đang tiến tới, và như Đức giáo hoàng thường khẳng định, chúng ta phải vun đắp ý tưởng về một Giáo hội “chuyển động”, có khả năng nhìn về tương lai.

Với Đức Thánh Cha Phanxicô, đây sẽ là Năm Thánh thứ hai của ngài, chín năm sau Năm Thánh 2016 đặc biệt Lòng Thương Xót. Cũng như những người hành hương của thế kỷ 14, Năm Thánh thứ 29 này của kỷ nguyên chúng ta sẽ là cơ hội để bỏ lại đằng sau sự u ám có xu hướng làm ô nhiễm mọi tâm hồn, bị cuốn theo dòng chảy liên tục của năm tháng, để khám phá lại niềm hân hoan đích thực của sự tha thứ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2021]


Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021


Buổi Tiếp Kiến chung hôm nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trước giờ Tiếp Kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đến Vương cung Thánh đường để chào những người tham gia cuộc hành hương Madonna della Medaglia Miracolosa, do gia đình Thánh Vinh Sơn của Ý tổ chức, những người hành hương của Hiệp hội Bisceglie Gioan Phaolô II, và đại diện Hiệp hội Nạn nhân Bạo lực của Ý.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ” (Bài đọc Kinh Thánh: Mt 1:12-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

______________________________________

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Đức Thánh Cha chào các nhóm tín hữu trong Vương cung Thánh đường

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cha rất vui được chào mừng anh chị em trong Vương cung Thánh đường này, và gửi đến từng người trong anh chị em lời chào mừng nồng ấm.

Cha chào Gia đình Thánh Vinh Sơn từ khắp nước Ý đã cổ vũ cuộc hành hương Madonna della Medaglia Miracolosa đến tất cả các vùng của nước Ý, cùng với các giáo phận và giáo xứ. Trong những tháng đại dịch này, sứ mệnh của anh chị em đã mang lại niềm hy vọng, giúp cho nhiều người cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha đặc biệt nghĩ đến những người cô đơn, bệnh nhân trong các bệnh viện, những người trong tù, trong các trung tâm tiếp nhận và các vùng ngoại vi cuộc sống. Cảm ơn anh chị em, vì anh chị em đã làm chứng cho phong cách của “Giáo hội lên đường” đến với tất cả mọi người, bắt đầu từ những người bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hãy tiếp tục con đường này và mở rộng lòng hơn nữa trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho anh chị em sức mạnh để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng cách táo bạo.

Cha chào anh chị em hành hương của Hiệp hội Bisceglie Gioan Phaolô II. Anh chị em thân mến, hãy noi gương Thánh Giáo Hoàng, và cố gắng hiểu thấu và chào đón tình yêu của Thiên Chúa, là nguồn cội và lý do cho niềm vui đích thực của chúng ta. Hiệp thông với các cha xứ của anh chị em, hãy loan báo Chúa Kitô bằng cuộc sống của mình, trong gia đình và trong mọi môi trường.

Cuối cùng cha gửi lời chào tới Hiệp hội các Nạn nhân Bạo lực của Ý. Anh chị em thân mến, cha cảm ơn anh chị em đã giúp đỡ và hỗ trợ những người bị ngược đãi và những người đang sống trong cảnh đau khổ và thiếu thốn. Bạo lực thật là xấu xa; thái độ bạo lực là vô cùng xấu xa. Với công việc quan trọng của mình, anh chị em đã góp phần xây dựng một xã hội công bằng và cảm thông hơn. Ước mong rằng tấm gương của anh chị em sẽ truyền cảm hứng cho nỗ lực đổi mới của tất cả mọi người, để các nạn nhân của bạo lực được bảo vệ và những đau khổ của họ được lưu tâm và lắng nghe.

Và cảm ơn tất cả anh chị em vì chuyến viếng thăm này! Ngay tại Vương cung Thánh đường ở đây, thật là đẹp… Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em, và gia đình và cộng đoàn của anh chị em. Giờ đây cha mời anh chị em cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đang hiện diện ở đây. Kính mừng Maria ...

__________________________________________

BÀI GIÁO LÝ

Bài giáo lý về Thánh Giuse - 2. Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu chủ đề giáo lý về Thánh Giuse – năm dành riêng cho ngài sắp kết thúc. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục hành trình này, tập trung vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ.

Chúa Giêsu trong các Tin Mừng được xác định là “con ông Giuse” (Lc 3:23; 4:22; Ga 1:45; 6:42) và “con bác thợ mộc” (Mt 13:55; Mc 6:3). Tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các Thánh sử Matthêu và Luca dành không gian cho vai trò của Thánh Giuse. Cả hai Thánh sử đều biên soạn một “gia phả” để làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu bắt đầu từ tổ phụ Abraham và kết thúc ở Thánh Giuse, được gọi là “chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (1:16). Ngược lại, Thánh Luca quay ngược trở lại tới ông Ađam, bắt đầu từ chính Chúa Giêsu trở về trước, Người “là con ông Giuse”, nhưng nói rõ là: “thiên hạ vẫn coi Người là” (3:23). Do đó, cả hai Thánh sử đều trình bày Thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng trong mọi trường hợp, hoàn toàn là cha của Chúa Giêsu. Qua ngài, Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử của giao ước và ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người. Với Thánh Matthêu, lịch sử này bắt đầu từ tổ phụ Abraham; với Thánh Luca, bắt đầu từ nguồn gốc của loài người, tức là với ông Ađam.

Thánh sử Matthêu giúp chúng ta hiểu rằng con người của Thánh Giuse, tuy có vẻ như ở ngoài lề, kín đáo, và ở phía sau, nhưng thật ra là một nhân tố trung tâm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giuse sống với vai trò của mình mà không bao giờ tìm cách phô mình ra phía trước. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, “cuộc sống của chúng ta được đan dệt với nhau và được nâng đỡ nhờ những con người bình thường - những người thường bị quên lãng, họ không xuất hiện trên báo chí, hay trong những chương trình truyền hình mới nhất … Có biết bao người cha, người mẹ, ông bà, thầy cô, chỉ cho con cái chúng ta – qua những cách thức nhỏ bé hằng ngày – cách thức đón nhận và đương đầu với khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Có biết bao người cầu nguyện, dâng những hy sinh và chuyển cầu cho thiện ích của tất cả mọi người” (Tông thư Patris corde, 1). Như vậy, ai cũng có thể tìm thấy nơi Thánh Giuse, người không được chú ý, người hiện diện hằng ngày, hiện diện kín đáo và âm thầm, một Đấng chuyển cầu, một sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người dường như bị che khuất hoặc ở “hàng thứ hai” đều là những nhân vật chính tuyệt vời trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những con người này: những người nam và nữ ở hàng thứ hai, nhưng là những người hỗ trợ sự phát triển cuộc sống của chúng ta, cho từng người trong chúng ta, và những người bằng lời cầu nguyện và bằng gương sáng của họ, bằng sự dạy bảo của họ, nâng đỡ chúng ta trên con đường của cuộc sống.

Trong Tin mừng theo Thánh Luca, Thánh Giuse xuất hiện như người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người bảo vệ của Giáo hội”: nếu ngài là người bảo vệ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì bây giờ ngài đang ở trên Thiên đàng, và tiếp tục là người bảo vệ, bây giờ là Giáo hội, vì Giáo hội là sự tiếp nối của Nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời tình mẫu tử của Đức Maria được phản ánh trong tình mẫu tử của Giáo hội. Khi ngài tiếp tục bảo vệ Giáo hội – đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Giáo hội – và qua việc tiếp tục bảo vệ Giáo hội, ngài tiếp tục bảo vệ “Hài nhi và Mẹ của Người” (sđd, 5). Khía cạnh này trong vai trò bảo vệ của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho câu chuyện trong sách Sáng thế. Khi Đức Chúa hỏi Cain giải trình về mạng sống của Aben, anh ta trả lời: “Con là người giữ em con hay sao?” (4:9). Bằng cuộc đời của mình, Thánh Giuse dường như muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được kêu gọi để cảm nhận rằng chúng ta là những người gìn giữ anh chị em của chúng ta, là người bảo vệ cho những người thân cận của chúng ta, những người Chúa trao phó cho chúng ta qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.

Một xã hội như xã hội của chúng ta, đã được định nghĩa như là “thể lỏng”, vì dường như nó không có tính nhất quán… Cha sửa lại lời định nghĩa của nhà triết học rằng: còn hơn cả thể lỏng, nó như là không khí, một xã hội ở thể khí đúng nghĩa. Xã hội lỏng lẻo và như không khí này tìm thấy trong câu chuyện của Thánh Giuse một tín hiệu rất rõ ràng về tầm quan trọng của mối dây liên kết giữa con người với nhau. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết về gia phả của Chúa Giêsu, không chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi những mối dây ràng buộc đi trước và đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa đã đến thế gian theo con đường của những mối dây liên kết như vậy, con đường của lịch sử: Ngài không xuống thế gian bằng phép thần thông, không. Ngài đã đi theo con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều đi.

Anh chị em thân mến, cha nghĩ đến rất nhiều người khó tìm thấy những mối dây ràng buộc có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và vì điều này mà họ gặp khó khăn, họ cảm thấy đơn độc, họ thiếu sức mạnh và sự can đảm để tiếp tục. Cha muốn kết thúc bằng lời cầu nguyện để giúp họ, và tất cả chúng ta, tìm thấy nơi Thánh Giuse một người đồng minh, một người bạn và một sự hỗ trợ.

Lạy Thánh Giuse,

Ngài là Đấng gìn giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria và Chúa Giêsu,

xin giúp chúng con biết chăm sóc cho những mối tương quan trong cuộc sống chúng con,

Ước chi không ai cảm thấy bị bỏ rơi

vì sự cô đơn đem đến.

Xin cho mỗi người chúng con được hòa giải với lịch sử của mình,

với những người đã đi trước,

và nhận ra ngay trong những lỗi lầm đã phạm

cách thức mà qua đó Đấng Quan phòng đã mở lối,

và sự dữ không phải là lời nói cuối cùng.

Xin hãy Ngài hãy là bạn với những người đang gặp khốn khó nhất,

và như Ngài đã gìn giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,

xin cũng trợ giúp chúng con trên hành trình. Amen.

_______________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha xin chào anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh đang tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh và Hoa Kỳ. Cha xin gửi lời chào cách đặc biệt đến các linh mục từ nhiều giáo phận của nước Anh và Wales đang kỷ niệm 60 năm thụ phong của các ngài. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/11/2021]


Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Shutterstock

Magnús Sannleikur

24/11/21


Người xây dựng chính của bức tượng không phải là người Công giáo, nhưng toàn bộ cuộc đời của ông đã thay đổi sau một sự cố trong quá trình xây dựng.

Lễ khánh thành tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro diễn ra vào ngày 12 tháng Mười năm 1931. Tượng đài — một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Brazil — là tượng Chúa Kitô lớn thứ ba trên thế giới. Tượng cao 125 bộ Anh (hơn 38m) và nặng hơn 1.100 tấn.

Bức tượng được mệnh danh là một trong Bảy tân Kỳ quan của Thế giới và mất 5 năm để hoàn thành. Dự án được bắt đầu bởi nhà điêu khắc người Pháp gốc Ba Lan Paul Landowski, và được xây dựng bởi kỹ sư người Brazil Heitor da Silva Costa, cùng phối hợp với kỹ sư người Pháp Albert Caquot.

Người xây dựng và giám sát chính cho dự án kiến trúc là Heitor Levy. Ông sống trên đỉnh núi Corcovado (đỉnh núi mà tác phẩm điêu khắc đứng trên đó) trong suốt những năm thi công để theo sát công việc xây dựng tượng đài.


Một tai nạn suýt gây tử nạn

Mọi người nói rằng công trình tượng Chúa Cứu Thế nhận được nhiều ơn lành, vì không có tai nạn nghiêm trọng nào được ghi nhận tại công trường xây dựng.

Tuy nhiên, chính kiến trúc sư xây dựng chính, Heitor Levy, đã suýt mất mạng trong quá trình làm việc tại công trường.

Ông Levy rơi ra khỏi một giàn giáo và suýt rơi xuống vực sâu. Trang web của Tổng giáo phận Rio de Janeiro tường thuật: “Công trình không có nền móng vững chắc để dựng giàn giáo, vì đường kính mặt nền của đỉnh núi chỉ rộng 15 mét, chưa bằng một nửa diện tích cần thiết để mở rộng tới các đầu ngón tay của tượng,” và nó được bao quanh ba mặt bởi những vách đá cao hàng trăm bộ (feet).

Kỹ sư vấp ngã khỏi giàn giáo và được các công nhân cứu. Ông chia sẻ những kỷ niệm của mình về những gì đã xảy ra:

Ở khắp mọi nơi, xung quanh chúng tôi, dưới chân chúng tôi, là những vách đá thẳng đứng. Chỉ một bất cẩn nhỏ nhất, một hỏng hóc nhỏ nhất của vật liệu, một lần đặt chân sai là chắc chắn mất mạng, rơi khỏi vách đá. Tôi đã có thể nhìn thấy trước một cú ngã thảm khốc, nhưng điều đó đã không xảy ra do ý của Đấng Tối cao. Nhưng tất cả bây giờ đã trở thành quá khứ, những kỷ niệm của công việc. Trước mặt chúng ta có hình ảnh của Chúa Kitô, với đôi tay của Người giang rộng để đón lấy những đau khổ và lời cầu nguyện của chúng ta.


Sự trở lại đạo

Levy là người Do Thái, nhưng sau tai nạn, ông đã trở lại Công giáo. Levy thậm chí còn viết tên các thành viên trong gia đình mình lên một cuộn giấy và đặt nó trong phần bên trong trái tim của tượng Chúa Cứu Thế, nằm ở độ cao của tầng thứ tám.

Tình cờ, tượng đài là hình ảnh của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính từ đỉnh núi Corcovado, nơi tượng đài tọa lạc, đã diễn ra lễ cung hiến nước Brazil cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, vào ngày 12 tháng Mười năm 1931, cùng với lễ khánh thành tượng.

Tóm lại, sự trở lại đạo của người kỹ sư là một minh họa theo nghĩa đen của một trong những lời hứa của Thánh Tâm, rằng “Những ai truyền bá lòng sùng kính này sẽ ghi tên họ mãi mãi trong trái tim Ta.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/11/2021]


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

VINCENZO PINTO | AFP

Kathleen N. Hattrup

21/11/21


“Thiên Chúa cũng đến trong đêm tối, giữa những đám mây đen thường phủ trên cuộc đời chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ Chúa Kitô Vua trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày 21 tháng Mười Một.

Sau đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) bài giảng của Vatican, trong đó ngài lưu ý rằng Ngày Giới trẻ Thế giới cấp địa phương thường niên được tổ chức hàng năm vào Chúa nhật này.

*****

Hai hình ảnh từ Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, có thể giúp chúng ta đến gần với Chúa Giêsu Vua Vũ trụ. Hình ảnh thứ nhất được lấy từ sách Khải Huyền và được báo trước bởi tiên tri Đanien trong bài đọc một, được mô tả bằng những lời, “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1:7; Đn 7:13). Hàm ý nói đến cuộc tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu là Chúa vào thời chung cuộc của lịch sử. Hình ảnh thứ hai là từ Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông ta: “Tôi là vua” (Ga 18:37). Các con giới trẻ thân yêu, thật đẹp khi dừng lại và suy tư về hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Và chúng ta hãy suy gẫm về hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến giữa những đám mây. Hình ảnh gợi lên việc Đức Kitô đến trong vinh quang vào cuối thời gian; làm cho chúng ta nhận ra rằng lời cuối cùng của cuộc đời chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu, không thuộc về chúng ta. Vì thế Kinh thánh cho chúng ta biết, Ngài là Đấng “ngự giá đằng vân” (Tv 68:5), Đấng có quyền năng trên các tầng trời (xem sđd, câu 34). Ngài là Chúa, là mặt trời tỏa sáng từ trên cao và không bao giờ lặn, Đấng trường tồn khi mọi thứ khác qua đi, là niềm hy vọng vững chắc và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài là Chúa. Lời tiên tri hy vọng này soi sáng những đêm đen của chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự đang đến, rằng Người hiện diện và đang hoạt động, hướng dẫn lịch sử của chúng ta về phía Người, hướng tới mọi điều thiện hảo. Người đến “giữa các đám mây” để làm chúng ta an lòng, như muốn nói: “Ta sẽ không bỏ anh em một mình khi giông tố ập đến cuộc đời anh em. Ta luôn ở bên anh em. Ta đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.

Mặt khác, tiên tri Đanien nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa đến giữa những đám mây khi ông “thấy những thị kiến ban đêm” (Đn 7:13). Những thị kiến ban đêm: Chúa cũng đến trong đêm, giữa những đám mây đen thường phủ trên cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết những khoảnh khắc như vậy. Chúng ta cần có khả năng nhận ra Người, nhìn vượt xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối âm u.

Các con giới trẻ thân yêu, ước mong các con cũng “thấy những thị kiến ban đêm!” Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hãy giữ cho đôi mắt của các con vẫn sáng ngay cả trong bóng tối. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa bất kỳ bóng tối nào mà chúng ta thường mang trong lòng hoặc nhìn thấy xung quanh mình. Từ mặt đất hãy ngước mắt lên trời, không phải để trốn chạy nhưng để chống lại cám dỗ để mình bị giam cầm bởi nỗi sợ hãi, vì luôn có nguy cơ rằng sự sợ hãi sẽ thống trị chúng ta. Đừng khóa chặt vào bản thân và những kêu ca phàn nàn của chúng ta. Hãy ngước mắt nhìn lên! Hãy đứng dậy! Đây là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, lời mời gọi chúng ta hãy ngước mắt trông lên, hãy đứng dậy, và cha muốn lặp lại lời này trong Sứ điệp của cha gửi đến các con cho năm đồng hành cùng nhau này.

Các con đã được trao cho một nhiệm vụ thú vị nhưng cũng đầy thách thức: đứng vững trong khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ; trở thành những người lính canh để nhìn thấy ánh sáng trong các thị kiến ban đêm; trở thành những người xây dựng giữa nhiều đống đổ nát của thế giới hôm nay; có khả năng mơ ước. Điều này rất quan trọng: một người trẻ không có khả năng mơ ước thì đáng buồn là đã trở nên già trước tuổi! Có khả năng mơ ước, vì đây là điều những người ước mơ làm: họ không ở trong bóng tối, nhưng thắp sáng một ngọn nến, một ngọn lửa hy vọng báo trước bình minh sắp đến. Hãy ước mơ, hãy nhanh chóng và dũng cảm nhìn về tương lai.

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Cha muốn nói với các con một điều: chúng ta, tất cả chúng ta, đều biết ơn khi các con mơ ước. “Nhưng thật vậy sao? Khi người trẻ ước mơ, đôi khi họ làm huyên náo…”. Cứ gây tiếng ồn đi, vì tiếng ồn của các con là kết quả của những giấc mơ của các con. Khi các con lấy Chúa Giêsu làm ước mơ cho cuộc đời mình, và các con đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và sự nhiệt tình dễ lan tỏa, điều đó có nghĩa là các con không muốn sống trong đêm tối. Điều này tốt cho chúng ta! Cảm ơn các con vì tất cả những lúc các con dũng cảm làm việc để biến ước mơ của mình thành hiện thực, khi các con luôn luôn tin tưởng vào ánh sáng ngay cả trong những thời khắc tăm tối, khi các con nhiệt thành cam kết làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân văn hơn.

Cảm ơn vì tất cả những thời gian khi các con vun đắp ước mơ về tình huynh đệ, làm việc để chữa lành những vết thương cho tạo vật của Chúa, chiến đấu để bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá của những người dễ bị tổn thương, và lan tỏa tinh thần liên đới và chia sẻ. Trên hết, cảm ơn các con vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến việc thu vén hiện tại, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các con đã không đánh mất khả năng ước mơ trong thế giới này! Đừng sống cuộc sống của mình cách uể oải hoặc ngủ mê. Nhưng ngược lại, hãy ước mơ và sống. Điều này cũng giúp ích cho người lớn và cho Giáo hội. Trong cương vị Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần phải ước mơ, chúng ta cần nhiệt huyết tuổi trẻ để trở thành những chứng nhân của Thiên Chúa là Đấng luôn trẻ trung!

Cha nói cho các con biết một điều khác: nhiều ước mơ của các con cũng giống như những giấc mơ của Tin Mừng. Tình huynh đệ, tình liên đới, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ của chính Chúa Giêsu cho nhân loại. Đừng sợ gặp gỡ Chúa Giêsu: Ngài yêu những mơ ước của các con và giúp các con biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng y Martini thường nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người mơ ước luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần” (Conversazioni notturne a Gerusalemme, Sul rischio della fede, t. 61). Những người ước mơ luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Thật là đẹp! Cha hy vọng và cha cầu nguyện rằng các con sẽ là một trong những người mơ ước này!

Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu nói với Philatô: “Tôi là vua.” Chúng ta được đánh động bởi sự xác quyết của Chúa Giêsu, sự can đảm của Ngài, sự tự do tối thượng của ngài. Chúa Giêsu bị bắt, bị dẫn đến pháp quan, bị thẩm vấn bởi những người có quyền kết án tử hình Ngài. Trong một tình huống như vậy, Ngài có quyền để tự bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Nhưng ngược lại, Chúa Giêsu không che giấu thân phận, không che giấu ý định của Ngài, hoặc lợi dụng kẽ hở mà chính Philatô đã để lại cho Ngài. Với lòng can đảm sinh ra từ sự thật, Ngài trả lời: “Tôi là vua.” Ngài nhận trách nhiệm về cuộc sống của Ngài: Tôi có một sứ mệnh và tôi sẽ đi tới cùng để làm chứng cho Vương quốc của Cha tôi. Ngài nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Đây là Chúa Giêsu, Đấng đã đến không có sự hai mặt, để công bố bằng chính đời sống của Ngài rằng Vương quốc của Ngài khác với các vương quốc của thế gian; rằng Thiên Chúa không cai trị để gia tăng quyền lực của mình và để đè bẹp người khác; Người không cai trị bằng vũ lực. Vương quốc của Ngài là Vương quốc của tình yêu: “Tôi là vua,” nhưng là vua của Vương quốc tình yêu; “Tôi là vua” của Vương quốc của những người hiến mạng sống vì ơn cứu độ của người khác.

Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu cuốn hút chúng ta. Chúng ta hãy cho phép nó vang lên trong chúng ta, thử thách chúng ta, đánh thức trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ sự thật. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: Nếu tôi ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Đối diện với sự thật của Chúa Giêsu, sự thật đó chính là Chúa Giêsu, những cách tôi lừa dối hoặc ngụy tạo, những cách tôi làm phật lòng Ngài là gì? Mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy những cách đó. Hãy tìm kiếm chúng, hãy tìm ra chúng. Tất cả chúng ta đều có những sự hai mặt này, những thỏa hiệp này, “những sự dàn xếp” này để thập giá sẽ biến mất. Thật tốt lành khi đứng trước Chúa Giêsu, Đấng là sự thật, để được giải thoát khỏi những ảo tưởng của mình. Thật tốt lành khi thờ phượng Chúa Giêsu, và kết quả là được tự do trong lòng, nhìn cuộc sống như đúng bản chất của nó, và không bị lừa dối bởi những thời trang hiện tại và những phô trương của chủ nghĩa tiêu dùng làm lóa mắt nhưng cũng làm u mê. Các con thân yêu, chúng ta không ở đây để bị mê hoặc bởi những thanh âm quyến rũ của thế gian, mà để nắm lấy cuộc sống của mình, để “cháy hết mình”, để sống trọn vẹn!

Bằng cách này, với sự tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự can đảm chúng ta cần để bơi ngược dòng. Cha muốn nhấn mạnh điều này: bơi ngược dòng, có dũng khí để bơi ngược dòng. Không phải là cám dỗ thường ngày để chống lại người khác, giống như những người muôn đời xem mình là nạn nhân và những người theo thuyết âm mưu, họ luôn đổ lỗi cho người khác; nhưng thay vào đó là chống lại dòng chảy bệnh hoạn của tính ích kỷ, tư duy khép kín và cứng nhắc của chúng ta, thường chỉ tìm kiếm những nhóm cùng chí hướng để tồn tại. Không phải điều này, mà là bơi ngược dòng nước để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Ngài dạy chúng ta chỉ dùng sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm nhường của điều thiện để đối lại sự dữ. Không có lối tắt, không lừa dối, không hai mặt.

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Thế giới của chúng ta, bị thương tổn bởi quá nhiều sự dữ, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp nhập nhằng nào nữa, những con người di chuyển bên này bên nọ như thủy triều – gió thổi họ tới đâu thì họ tới đó, lợi ích cá nhân đưa họ tới đâu thì họ tới đó – hoặc ngả nghiêng sang phải hoặc trái, tùy thuộc vào những gì thuận tiện nhất, những con người “nhập nhằng.” Một người Kitô hữu như thế có thể giống “người làm xiếc trên dây” hơn là một người Kitô hữu. Những người luôn giữ thái độ thỏa hiệp nước đôi tìm mọi cách để tránh làm bẩn tay mình, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, để không phải quá nghiêm túc với cuộc sống. Xin các con đừng là những người trẻ như thế. Thay vào đó, hãy trở nên tự do và trung thực, hãy là lương tâm phê bình của xã hội. Đừng ngại phê bình! Chúng ta cần sự phê bình của các con. Chẳng hạn, nhiều người trong các con phê bình về sự ô nhiễm môi trường. Chúng ta cần điều này! Hãy tự do khi phê bình. Hãy say mê sự thật, để với những ước mơ của mình, các con có thể nói: “Đời tôi không bị trói buộc bởi nếp nghĩ của thế gian: Tôi tự do, bởi vì tôi được trị vì với Chúa Giêsu cho công lý, tình yêu và hòa bình!”

Các con thân mến, cha hy vọng và cầu nguyện rằng mỗi người trong các con có thể vui mừng nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là một vị vua.” Tôi cũng trị vì: như một dấu chỉ sống động cho tình yêu của Thiên Chúa, cho lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người ước mơ, bị lóa mắt bởi ánh sáng của Tin Mừng, và tôi nhìn ngắm với niềm hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và bất cứ khi nào tôi vấp ngã, tôi lại khám phá ra nơi Chúa Giêsu lòng can đảm để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, lòng can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở mọi giai đoạn trong cuộc đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2021]