Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

PHỎNG VẤN RIÊNG: Trước khi đáp chuyến bay giáo hoàng đi các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, ZENIT có cuộc nói chuyện với Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập Đức Giám mục Phaolô Hinder

PHỎNG VẤN RIÊNG: Trước khi đáp chuyến bay giáo hoàng đi các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, ZENIT có cuộc nói chuyện với Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập Đức Giám mục Phaolô Hinder
Đức Thánh Cha lên máy bay giáo hoàng cho chuyến tông du quốc tế. Copyright: Vatican Media

PHỎNG VẤN RIÊNG: Trước khi đáp chuyến bay giáo hoàng đi các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, ZENIT có cuộc nói chuyện với Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập Đức Giám mục Phaolô Hinder

Ngài nói với ZENIT rằng ‘cử hành Thánh Lễ ngoài trời đầu tiên ở UAE là một món quà cho Cộng đoàn Công giáo’

21 tháng Một, 2019 01:12

Đức Giám mục Phaolô Hinder nói chắc chắn rằng: “Cho dù là người Ki-tô hữu ở giữa người Hồi giáo hoặc người Hồi giáo ở giữa người Ki-tô hữu, chúng ta đều phải học cách sống hòa hợp với nhau,” ngài nói, và đang trông đợi chuyến tông du quốc tế sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxico đến Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, từ ngày 3 đến 5 tháng Hai năm 2019, một quốc gia nhỏ bé trên Bán đảo Ả-rập, trong đó người Công giáo nói chung là những cộng đồng nhỏ rải rác. Đó không phải là chuyến thăm đầu tiên của Đức Phanxico đến một quốc gia Hồi giáo, sau các chuyến đi của ngài đến Thổ Nhĩ kỳ, Bosnia, Azerbaijan, Ai-cập và Bangladesh. Tuy nhiên như Đức Giám mục Hinder khẳng định, mọi người đều rất ngạc nhiên khi nghe thông báo về chuyến đi này.


PHỎNG VẤN RIÊNG: Trước khi đáp chuyến bay giáo hoàng đi các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, ZENIT có cuộc nói chuyện với Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập Đức Giám mục Phaolô Hinder

Đức Giám mục Hinder, Dòng Phanxico, sinh tại Thụy sĩ, 76 tuổi, là cựu giám mục phó (từ năm 2003) và là Đại diện Tông tòa (từ năm 2005) của Ả-rập, cụ thể là Yemen, Oman, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Năm 2011, Hạt Tông Tòa được phân chia và ngài trở thành Đại diện Tông Tòa của Nam Ả-rập, bao gồm Yemen, Oman và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Trong địa hạt này, người Công giáo có khoảng 1 triệu và tất cả đều là người nước ngoài. Họ hoạt động chủ yếu trong một số lĩnh vực (xây dựng, trường học, các dịch vụ và giúp việc nhà), họ đến từ hơn 100 quốc gia: chủ yếu là Philippines, Ấn Độ và các quốc gia khác của Châu Á.

Trao đổi với phóng viên Deborah Castellano Lubov của Zenit (chị sẽ cùng tháp tùng trên chuyến bay giáo hoàng đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất) trong một cuộc phỏng vấn riêng, Đức Giám mục Hinder giải thích tính quan trọng của một biến cố lịch sử như vậy, đối với các cộng đoàn Công giáo địa phương, cộng đoàn đa sắc tộc, thách đố sống đức tin Ki-tô giáo trong những quốc gia Hồi giáo. “Chúng ta biết rằng có thể đạt được nhiều điều thông qua đối thoại, và Đức Thánh Cha thật sự là một đại sứ hòa bình,” ngài nói.



***


ZENIT: Đức Thánh Cha Phanxico sẽ là giáo hoàng đầu tiên đến Bán đảo Ả-rập. Bằng cách nào sự lựa chọn lại rơi vào Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất?

ĐGM Hinder: Quả thật đó là một biến cố lịch sử! Lần đầu tiên một Giáo hoàng đến Bán đảo Ả-rập! Đức Thánh Cha Phanxico thực hiện chuyến viếng thăm đến Abu Dhabi để đáp lại lời mời của Đức Đại Giáo chủ Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Hoàng tử Abu Dhabi, để tham dự cuộc Họp Liên Tôn về “Tình Huynh đệ Nhân loại”. Ngoài ra, chuyến viếng thăm cũng là để đáp lại lời mời của Giáo hội Công giáo ở Các Tiểu Vương quốc. Vì thế, nó là một loạt các chuyến thăm của nhiều phái đoàn khác nhau của nhà nước trước khi có lời mời và một mối quan hệ đã trưởng thành và đạt đến độ chín mùi là chuyến viếng thăm này.

ZENIT: Thông báo về chuyến đi của Đức Thánh Cha làm mọi người ngạc nhiên. Là Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập từ năm 2003, Đức Cha có bao giờ nghĩ một ngày nào đó sẽ được chào đón Đức Thánh Cha?

ĐGM Hinder: Có chứ, tôi đã ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và trong vùng được 15 năm. Có thể đối với thời điểm ban đầu khi tôi đến Abu Dhabi đây thì dường như không thể, nhưng trong mấy năm vừa qua, đã có những thay đổi trong cách thức các quốc gia Vùng Vịnh thúc đẩy và nổi lên như những quốc gia có trách nhiệm trên toàn cầu. Họ đã khởi xướng và thực hiện nhiều chiến dịch nhân đạo, vì vậy tôi cho rằng xây dựng một xã hội khoan dung là một tiến bộ tự nhiên theo cách nhìn này. Vì thế trong một vài năm vừa qua sau khi chứng kiến nhiều cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha của các nhà lãnh đạo Nhà nước từ GCC, thì thực tế đã không còn là quá xa, và bây giờ nó sẽ diễn ra chỉ trong ít hôm nữa, thật không thể tin được.

ZENIT: Việc chào đón Đức Thánh Cha Phanxico đã được chuẩn bị như thế nào? Và tình cảm của đại đa số người Hồi giáo như thế nào trước biến cố này?

ĐGM Hinder: Đức Thánh Cha Phanxico sẽ là khách mời của Nhà nước, và như vậy Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất đã nỗ lực sắp xếp và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Abu Dhabi. Việc cho phép cử hành Thánh Lễ ngoài trời đầu tiên cũng là một món quà của các giới chức cho cộng đoàn Công giáo ở UAE. Cho đến nay không có điều gì bất lợi xoay quanh chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico. Chúng tôi hy vọng và cầu xin rằng Chúa tiếp tục ban phúc lành để cho chuyến viếng thăm này là một thành công cho chúng tôi và cho UAE.

ZENIT: Giáo hội Công giáo ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất chỉ bao gồm những người nước ngoài từ nhiều dân tộc và nền tảng khác nhau. Điều này có ý nghĩa như thế nào cho đời sống mục vụ của các cộng đoàn?

ĐGM Hinder: Nói rất thật, chúng tôi là một “Giáo hội di cư” và tôi là một “Giám mục của những người di cư.” Một trong những Thư Mục vụ năm 2015 của tôi lấy chủ đề là “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người” lấy trong Thư gửi tín hữu Roma Chương 12, câu 18. Tôi bắt đầu thư bằng những lời này: “Ngày nay hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc thấy những người bị phân biệt đối xử, bị tra tấn, và thậm chí bị giết hại: lý do vì một số người thuộc về một bộ tộc hay sắc tộc nào đó; một số vì họ thuộc tôn giáo khác.”

Vì vậy, điều tôi muốn nói là cho dù chúng ta có khác nhau về hình dáng bên ngoài, sắc tộc, văn hóa, và cách ăn mặc nhưng tất cả chúng ta đều có điểm giống nhau và muốn giống nhau – niềm tin, sự hy vọng và yêu thương. Tôn giáo thắt chặt mối dây liên kết chúng tôi, cho nên dù chúng tôi đến từ nhiều nền tảng khác nhau chúng tôi vẫn có thể sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp. Các giáo xứ của chúng tôi ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và các quốc gia còn lại của GCC, phát triển nhờ những sự khác biệt này và rất mạnh mẽ và sống động. Mỗi văn hóa đều được tổ chức theo phong tục và sự sùng bái của họ; chẳng hạn có một loạt Lễ Cửu nhật được cộng đồng người Philipine mừng kính trước ngày Lễ Giáng sinh ở tất cả các giáo xứ trong UAE. Nó có sự tham dự của hàng ngàn người tín hữu hoặc là trước khi đi làm buổi sáng hoặc vào buổi chiều muộn. Cũng như vậy, cộng đồng Công giáo nói tiếng Ả-rập thuộc nhiều nhà thờ và nghi thức khác nhau, với các thành viên đến từ Li-băng, Syria, Jordan, Ai-cập, Iraq và Palestine và nhiều quốc gia khác là một bằng chứng rằng đức tin đem chúng tôi lại với nhau.

ZENIT: Giữa các quốc gia Ki-tô giáo và Hồi giáo, ý kiến về “tự do tôn giáo” và “tự do thờ phụng” rất khác nhau. Đức Cha có thể mô tả về tình hình của những nhóm tôn giáo thiểu số trong Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất?

ĐGM Hinder: Chúng tôi có thể thờ phụng và cầu nguyện trong những địa điểm thờ phụng được quy định trong suốt sáu thập niên qua ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. UAE là một xã hội rất khoan dung. Ngôi nhà thờ đầu tiên được khánh thành năm 1965 và trong số người tham dự có người cha đẻ thành lập UAE, Quốc vương quá cố Zayed Bin Sultan Al Nahyan; nhà thờ được xây dựng trên mảnh đất được Giáo chủ quá cố Shakbout tặng năm 1963, sau đó ngài là nhà lãnh đạo của Abu Dhabi.

Ngoài các nhà thờ Công giáo, anh em Đại kết của chúng tôi cũng có những nhà thờ trên khắp Tiểu Vương Quốc. Các tôn giáo khác đều có nơi thờ phụng ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất bao gồm Hindu và Sikhs.

Đúng vậy, có hai cách hiểu khác nhau giữa ‘tự do tôn giáo’ và ‘tự do thờ phụng’ nhưng nếu sự tự do thờ phụng mà chúng tôi có được trong nước cho phép chúng tôi thực hành tôn giáo của mình mà không vấp phải những ác ý thì điều đó là đáng ca ngợi rồi. Là những cư dân của quốc gia chúng tôi phải tuân thủ luật pháp và thẩm quyền của đất nước, và điều này cũng là đúng cho bất kỳ quốc gia nào khác.

ZENIT: Chủ điểm chính – rất dễ nhìn thấy trước – của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Các Tiểu Vương quốc sẽ là sự đối thoại giữa Hồi giáo-Ki-tô giáo. Với Đức Cha nó là một chủ đề vô cùng quan trọng và thực tế. Trước hết con xin hỏi Đức Cha: cuộc đối thoại này sẽ đạt đến mức độ nào, giữa các tôn giáo và văn hóa quá khác biệt?

ĐGM Hinder: Đây không phải là cuộc đối thoại Hồi giáo-Ki-tô giáo đầu tiên mà Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện. Năm 2017, khi tham dự hội nghị tôn giáo ở Cairo, Ai-cập, ngài đã trình bày rất rõ: “Một lần nữa chúng ta hãy nói ‘Không!’ một cách mạnh mẽ và dứt khoát với mọi hình thức bạo lực, trả thù và thù hận được thực hiện nhân danh tôn giáo hoặc nhân danh Thiên Chúa.”

Như vậy, từ điều này chúng ta biết rằng thông qua đối thoại có thể đạt được nhiều điều và Đức thánh Cha Phanxico thật sự là một Đại sứ Hòa bình, ngài đã can đảm vượt các biên giới, thúc đẩy những cuộc gặp gỡ riêng với các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nguyên thủ quốc gia và các tổ chức nhân đạo trong thế giới Ả-rập.

Đức Thánh Cha Phanxico đã thăm một số quốc gia với đa phần là người Hồi giáo, gồm Thổ Nhĩ kỳ, Bosnia, Azerbaijan, Ai-cập và Bangladesh. Ngài tiếp tục sứ mạng này để mang đến một sự đối thoại và giải quyết những căng thẳng thuộc tôn giáo ở một số quốc gia giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo.

ZENIT: Mục tiêu thực tế của cuộc đối thoại này là gì?

ĐTC Hinder: Trong các hội nghị như vậy, những quan điểm tôn giáo được chia sẻ và nó không nhằm đặt ra một mục tiêu nhưng tiến đến sự đồng thuận để mang đến sự thay đổi về ‘cách nghĩ’ và ‘nhận thức’ của con người. Tất cả chúng ta đều mong muốn có hòa bình, nó là tiêu chuẩn căn bản của con người, và muốn rằng chúng ta sống trong hòa bình với anh em bất kể tôn giáo, niềm tin hay sắc tộc. Cho dù là người Ki-tô hữu ở giữa người Hồi giáo hoặc người Hồi giáo ở giữa người Ki-tô hữu, chúng ta đều phải học cách sống hòa hợp với nhau.

ZENIT: Theo nhiều tiếng nói của Ki-tô giáo phương Tây, Hồi giáo không thích hợp với nhân quyền, sự tự do của con người, nền dân chủ. Ý kiến Đức Cha như thế nào?

ĐGM Hinder: Đã sống trong một đất nước Hồi giáo hơn một thập niên, tôi không đồng ý; đúng, có một số quan niệm sai và hệ tư tưởng của Hồi giáo và vì những lý do này mà đối thoại liên tôn là cần thiết. Một số cách thực hành theo văn hóa có thể đã bị hiểu như là cách thực hành của Hồi giáo và đây là điều mà nhiều hội nghị và thảo luận hướng tới để sửa chữa lại.

Chúng tôi hy vọng rằng khi chúng ta tiến tới để trở nên một xã hội khoan dung hơn, khắc sâu những giá trị này cho tuổi trẻ và những thế hệ tương lai thì thế giới sẽ trở thành một xã hội có tính hỗ tương nhiều hơn.

ZENIT: Tại nhiều quốc gia thuộc Bán đảo Ả-rập, những điều kiện của người Ki-tô hữu rất khó khăn. Đức Cha có mong chờ rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha sẽ mang đến những cải thiện?

ĐGM Hinder: Vâng, chúng ta đều ý thức rất rõ rằng ở những quốc gia trong vùng bị chiến tranh xé nát, nhiều nhóm thiểu số Ki-tô giáo đã phải gánh chịu sự hung tàn. Nhưng sự thật là những nhóm Hồi giáo thiểu số cũng chịu chung số phận như vậy; đây không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo, nhưng là những hệ tư tưởng bị hiểu sai tấn công những người vô tội nhân danh tôn giáo. Đức Thánh Cha Phanxico nhiều lần đã chỉ trích những hành động như vậy và mạnh mẽ lên án những sự tàn ác đó bằng một tiếng ‘Không’ dõng dạc đối với sự thù hận hoặc tội ác.

ZENIT: Trong số những quốc gia cũng thuộc một phần của Hạt Đại diện Tông tòa là Yemen, nơi đó một cuộc chiến đang nổ ra tạo sức ép trên dân tộc. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề này trong sứ điệp và phép lành Giáng sinh Urbi et Orbi. Chuyến đi của Đức Thánh Cha có thể trở thành cơ hội để giúp thu hút sự chú ý đến cuộc chiến bị lãng quên này không?

ĐGM Hinder: Sự hy vọng của chúng tôi cho Yemen là hòa bình có thể được phục hồi và nhiều trẻ em vô tội và các gia đình chịu đau khổ do nạn đói kém và bệnh tật nhận được sự giúp đỡ cần thiết mà họ đáng được hưởng. Một lần nữa phải nói rằng đây là sự khủng hoảng nhân đạo và thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ.

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhiều lần can đảm nói lên quan điểm của ngài trước mọi người và chắc chắn ngài sẽ làm tương tự nếu có cơ hội. Một ví dụ rõ ràng cho việc này là khi ngài đến thăm Bangladesh. Đức Thánh Cha Phanxico nói chắc chắn với nhóm 16 người tị nạn tại một cuộc gặp gỡ liên tôn tại thủ đô Dhaka: “Sự hiện hữu của Thiên Chúa ngày nay cũng được gọi tên là Rohingya.”

Như vậy, nó cho chúng tôi niềm hy vọng rằng chuyến viếng thăm của ngài có lẽ không mang đến kết quả ngay lập tức nhưng là sự khởi đầu cho nhiều động thái tích cực sẽ làm lóe lên một tia sáng cho những cuộc khủng hoảng nhân đạo bị lãng quên.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2019]


5 điều cần biết về Ngày Giới trẻ Thế giới 2019

5 điều cần biết về Ngày Giới trẻ Thế giới 2019

5 điều cần biết về Ngày Giới trẻ Thế giới  2019
Cờ Ngày Giới trẻ Thế giới Panama. Credit: Alexandra Rodriguez/Flickr
Jonah McKeown

Thành phố Panama, Panama, 21 tháng Một, 2019 / 04:31 chiều (CNA). - Ngày Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế lần thứ 15 được bắt đầu vào Thứ Ba, 22 tháng Một tại thành phố Panama, nước Panama.

Một cuộc họp mặt khổng lồ của giới trẻ Công giáo, thường diễn ra hai hoặc ba năm một lần, và năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Mỹ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1985. Cuộc họp cấp quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Buenos Aires, Argentina năm 1987.

Mục đích của Ngày Giới trẻ Thế giới gồm ba chiều kích: một lễ hội và xây dựng niềm tin nơi giới trẻ; tạo cho giới trẻ một cơ hội để đi hành hương; và tạo cho giới trẻ một cơ hội để gặp gỡ cộng đồng Công giáo toàn cầu.

Chủ đề của cuộc họp mặt năm nay được lấy từ lời xác quyết của Mẹ Maria trước ý định của Chúa trích trong Tin mừng Thánh Lu-ca 1:38: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Các ngày hội tại Panama sẽ kết thúc ngày 27 tháng Một. Dưới đây là 5 điểm bạn cần biết về Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay (tiếng Tây Ban nha là Jornada Mundial de la Juventud, hay viết tắt là JMJ).


1. Có bao nhiêu người hành hương?

Những Ngày Giới trẻ Thế giới trước đây nói chung được tổ chức trong khoảng thời gian mùa hè của bắc bán cầu — Tháng Bảy, Tháng Tám v.v.. Năm nay sự kiện diễn ra trong thời gian mùa hè của nam bán cầu, và mặc dù Panama nằm trọn trong bắc bán cầu, nên trời sẽ nóng! Dự báo thời tiết suốt tuần lễ cho biết nhiệt độ cao nhất trên 90 độ F (khoảng trên 32 độ C) trong hầu hết các ngày.

Việc chọn thời điểm năm nay cũng có nghĩa là Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) diễn ra trong thời gian năm học đối với giới trẻ từ Bắc Bán cầu, vì vậy vẫn còn phải đợi xem có bao nhiêu bạn trẻ của Mỹ có thể đến tham dự. Với con số cuối cùng gần đây nhất là 11.000 bạn trẻ từ Mỹ đã đăng ký. WYD lần trước tại Ba lan có 36.000 bạn trẻ Mỹ tham dự, theo tin từ hội đồng giám mục Hoa Kỳ.

Ngoài những người hành hương, Hoa Kỳ gửi trên 30 giám mục, trong đó có các Đức Hồng y Sean O’Malley của Boston, Blase Cupich của Chicago, và Daniel DiNardo của Galveston-Houston.

Ông Alessandro Gisotti, quyền Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, cho biết hôm 18 tháng Một rằng đã có 150.000 bạn trẻ từ 155 quốc gia đã đăng ký là người hành hương, như vậy đây là một nhóm nhỏ hơn nhiều so với số đã tham dự trong những lần trước — khoảng 2 triệu người hành hương tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow, Ba lan, và năm 1995 ước tính có khoảng 5 triệu người tham dự tại Manila, Philippines.

Tuy nhiên, điều phối viên truyền thông quốc tế của Tổng giáo phận Panama gần đây cho biết ít nhất có 408.000 người hành hương đã đăng ký, và con số được mong chờ vẫn còn thêm nhiều. Các nhà tổ chức nói rằng họ mong chờ tổng số ít nhất 500.000 người sẽ tham dự Thánh lễ bế mạc ngày Chúa nhật, 27 tháng Một.

Paul Jarzembowski, điều phối viên cấp quốc gia Ngày Giới trẻ Thế giới cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói rằng các ngài đã thấy có nhiều người trẻ trong độ tuổi 20 đến 30 tham dự trong WYD lần này, trong khi trong những lần trước số đông người hành hương ở độ tuổi thiếu niên.


2. Một con người, một kế hoạch, một dòng kênh … Panama!

Panama là một quốc gia nhỏ thuộc Trung Mỹ với khoảng 4 triệu dân. Tổng dân số toàn quốc có khoảng 85% là người Công giáo.

Hầu hết các sự kiện sẽ diễn ra tại Cinta Costera, một bán đảo rộng 64 mẫu Anh (khoảng 25,9 héc-ta) nằm nhô vào phía trong của Vịnh Panama, nó đã được đổi tên thành Campo Santa Maria la Antigua nhân dịp WYD.

Người hành hương cũng được khuyến khích đi tham quan quận Casco Viejo lịch sử thuộc Thành phố Panama, và đi tham quan bảy ngôi nhà thờ lịch sử tọa lạc trong quận này: La Catedral Metropolitana, La Merced, San Francisco de Asís, San José, San Felipe de Neri, Santo Domingo, và Santa Ana.

Thành phố Panama City, thủ đô của quốc gia và có khoảng 1,5 triệu người trong khu vực trung tâm, là quê hương của Kênh Panama nổi tiếng khắp thế giới, con đường thủy nối Đại Tây dương và Thái Bình dương. Công trình xây dựng Kênh hoàn tất năm 1914 do Đoàn Kỹ sư thuộc Quân lực Hoa kỳ thực hiện, với cái giá là mạng sống của gần 28.000 công nhân làm việc tại dự án. Ngày nay, gần 14.000 tàu thủy vượt qua kênh này hàng năm, phần đông là đi về hướng Hoa Kỳ.

Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodriguez, là một người ủng hộ rất mạnh cho nỗ lực WYD từ khi quyết định được công bố năm 2016 rằng sự kiện tiếp theo sẽ được tổ chức trong quốc gia của ông.

Ông nói với Vatican News, “Là một người Panama, tôi cảm thấy tự hào vì đất nước của tôi sẽ là trung tâm điểm của thế giới trong một ít ngày, để truyền thông điệp hy vọng, hiệp nhất, đoàn kết và quan tâm đến người thiếu thốn của Đức Thánh Cha.”


3. Theo dòng hoạt động

Với những người hành hương nói tiếng Anh tham dự WYD, sẽ có một số sự kiện được dẫn giải bằng tiếng Anh khi bạn tham dự.

Chẳng hạn, USCCB cùng với Dòng Hiệp sĩ và Hội Ái hữu Sinh viên Đại học Công giáo cùng đồng đỡ đầu cho một sự kiện mang tên “Fiat” trong Panama City ngày 23 Tháng Một lúc 7 giờ tối EST. Sự kiện sẽ có các diễn giả và nhạc sĩ Công giáo nổi tiếng. Sự kiện bằng tiếng Anh và Tây Ban nha sẽ được truyền livestream trên kênh YouTube FOCUS’.

Nếu bạn không thể đến tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay, có nhiều cách để bạn có thể theo dõi tại nhà. Hashtag chính thức cho WYD năm nay, để bạn có thể theo dõi trên Facebook, Twitter và Instagram, là #Panama2019, #FranciscoEnPanama, và #JMJestáAqui / #WYDisHere. Bạn cũng có thể theo dõi @cnalive trên Twitter và @catholicnewsagency trên Instagram để xem những cập nhật từ Panama City.

Nếu bạn vẫn muốn tham dự trực tiếp một sự kiện, có một số sự kiện WYD diễn ra trên khắp nước Mỹ song song với đại hội ở Panama. Những sự kiện này gồm các đại hội với những diễn giả, âm nhạc và nhiều hoạt động khác diễn ra trong các thành phố như Washington DC, Seattle, Honolulu, và các thành phố khác. Bạn có thể tìm được danh sách đầy đủ ở đây.


4. Các vị thánh và đời sống thiêng liêng của Châu Mỹ Latinh

Các nhà tổ chức sự kiện đã nói về sức mạnh lan truyền của Panama City, và có thể đúng như vậy, đặc biệt với sự xuất hiện của vị giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ, thì sự kiện sẽ tập trung rất nhiều vào nét đặc thù đạo Công giáo của Mỹ Latinh. Đức Tổng Giám mục José Domingo Ulloa Mendieta của Panama City nói với Vatican News rằng ngài mong chờ hầu hết người hành hương đến từ Mỹ Latinh.

Những hình ảnh của Thánh Oscar Romero, một vị tổng giám mục rất nổi tiếng và thân thương người Salvador, sẽ có thể là một hình ảnh hữu hình giữa những người hành hương Châu Mỹ Latinh. Romero, một người biện hộ không mệt mỏi cho người nghèo, đã bị sát hại khi đang dâng lễ năm 1980, có thể là do lực lượng tử thần của phe cực hữu. Đức Thánh Cha Phanxico đã tuyên phong Thánh Romero năm ngoái.

Đây cũng là Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên diễn ra song song với Đại hội Giới trẻ người Thổ dân Thế giới, trong đó gần 400 bạn trẻ người thổ dân đã hội họp trước các sự kiện của WYD trong vùng nông thôn Panama.


5. Một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico

Câu hỏi lớn mà mọi người đang đặt ra là: Khi nào tôi sẽ được nhìn thấy đức Thánh Cha Phanxico? Dưới đây là một số điểm nổi bật trong lịch trình của ngài.

Đức Thánh Cha sẽ đến Panama vào thứ Tư, 23 tháng Một. Ngày hôm sau, 24 tháng Một, ngài sẽ gặp gỡ Tổng thống Juan Carlos Varela Rodriguez của Panama lúc 9:45 sáng, tiếp theo là một cuộc họp với các đức giám mục Trung Mỹ lúc 11:15 và sau đó là nghi thức chào đón để đánh dấu khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lúc 5:30 chiều, và sự kiện sẽ được tổ chức tại Campo Santa Maria la Antigua.

Ngày 25 tháng Một, ngài sẽ gặp gỡ những tù nhân thiếu niên để thực hiện nghi thức sám hối, và tối muộn hôm đó sẽ chủ sự “Via Cruces” (Chặng đàng Thánh giá) tại Campo Santa Maria la Antigua.

Sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng Một, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ cung hiến Vương cung Thánh đường Chính tòa Santa Maria la Antigua, và tối hôm đó sẽ chủ sự đêm canh thức với giới trẻ trong Công viên Metro. Cuối cùng, sáng hôm sau Đức Thánh Cha sẽ chủ tế thánh lễ bế mạc ngày WYD lúc 8 giờ sáng.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2019]